Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 36/KH-UBND

Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 15 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG CHỐNG BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU NĂM 2023

I. TÌNH HÌNH BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ

- Đậu mùa khỉ (Monkey Pox) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng gây dịch, do vi rút đậu mùa khỉ gây ra. Bệnh có nguồn gốc từ Châu Phi, lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với tổn thương da, dịch cơ thể, qua quan hệ tình dục, giọt bắn đường hô hấp, vật dụng của người bị nhiễm và lây truyền từ mẹ sang con. Bệnh có các triệu chứng chính là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi, có thể gây biến chứng nặng dẫn tới tử vong.

- Bệnh đậu mùa khỉ lần đầu tiên được xác định ở người vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Congo ở một cậu bé 9 tháng tuổi trong một vùng đã loại trừ bệnh đậu mùa vào năm 1968. Năm 2017, Nigeria đã trải qua một đợt bùng phát lớn, với hơn 500 trường hợp nghi ngờ và hơn 200 trường hợp được xác nhận và tỷ lệ tử vong khoảng 3%. Các trường hợp tiếp tục được báo cáo cho đến ngày hôm nay. Năm 2003, đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ngoài châu Phi là ở Hoa Kỳ và có liên quan đến việc tiếp xúc với những con chó đồng cỏ bị nhiễm bệnh. Những thú cưng này đã được nuôi chung với chuột túi Gambian được nhập khẩu từ Ghana. Đợt bùng phát này đã dẫn đến hơn 70 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ ở Hoa Kỳ.

- Ngày 23/7/2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu do tốc độ lây truyền nhanh, nguy cơ về sự lan rộng hơn nữa tới các quốc gia khác.

- Tính đến ngày 27/7/2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo ghi nhận hơn 18.000 ca bệnh đậu mùa khỉ trên toàn thế giới tại 78 quốc gia, trong đó phần lớn là ở châu Âu.

- Theo WHO, cho đến nay, 98% số ca mắc đậu mùa khỉ được ghi nhận ở các nước ngoài Châu Phi (nơi coi đậu mùa khỉ là bệnh lưu hành) là ở nhóm nam giới có quan hệ đồng tính.

- Ngày 20/8/2022, Bộ Y tế Indonesia tuyên bố đã phát hiện ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á này. Bệnh nhân là một thanh niên 27 tuổi ở Thủ đô Jakarta và vừa trở về từ nước ngoài. Trước Indonesia, một số quốc gia Đông Nam Á khác như Philippines, Thái Lan, Singapore, Campuchia cũng đã công bố các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ.

- Tại Việt Nam, đến nay đã ghi nhận 02 trường hợp Đậu mùa khỉ tại Thành phố Hồ Chí Minh là người du lịch từ Dubai về. Ngày 09/11/2022, Bộ Y tế có quyết định bổ sung bệnh Đậu mùa khỉ vào danh mục các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm

II. CƠ SỞ PHÁP LÝ

- Căn cứ Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 ngày 21/11/2007 của Quốc Hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các văn bản thực hiện Luật;

- Căn cứ Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch;

- Căn cứ Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch;

- Căn cứ Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm;

- Căn cứ Thông tư số 17/2019/TT-BYT ngày 17/7/2019 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm;

- Căn cứ Công văn số 2668/BYT-DP ngày 24/5/2022 của Bộ Y tế về việc tăng cường giám sát phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ;

- Căn cứ Công văn số 551/DP-DT ngày 25/5/2022 của Cục Y tế Dự phòng về việc tăng cường giám sát phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ;

- Căn cứ Quyết định số 2099/QĐ-BYT ngày 29/7/2022 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người;

- Căn cứ Công điện số 680/CĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ;

- Căn cứ Công văn số 4163/BYT-DP ngày 04/8/2022 của Bộ Y tế về việc tăng cường phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ;

- Căn cứ Quyết định 2265/QĐ-BYT ngày 22/8/2022 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ;

- Căn cứ Quyết định số 2306/QĐ-BYT ngày 26/08/2022 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn phòng ngừa lây nhiễm đậu mùa khỉ trong cơ sở khám bệnh.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát hiện sớm trường hợp bệnh Đậu mùa khỉ; xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong.

2. Mục tiêu cụ thể

- Phát hiện sớm trường hợp Đậu mùa khỉ đầu tiên để xử lý triệt để, tránh lây lan ra cộng đồng.

- Tăng cường năng lực hệ thống giám sát, giám sát chủ động, phòng chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ tại các tuyến.

IV. CÁC TÌNH HUỐNG DỊCH

1. Tình huống 1: Chưa có trường hợp bệnh xâm nhập vào tỉnh

- Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp; xây dựng kế hoạch và cập nhật phòng, chống dịch theo các giai đoạn của dịch; chuẩn bị cơ sở vật chất, khu vực cách ly, trang thiết bị, nhân lực, thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện cho phòng, chống dịch.

- Bệnh viện Bà Rịa, bệnh viện Vũng Tàu, Trung tâm Y tế Vietsovpetro, Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị khu cách ly điều trị, xây dựng quy trình phát hiện, cách ly và điều trị người bệnh Đậu mùa khỉ.

- Thành lập Đội Đáp ứng nhanh, Đội cơ động chống dịch hỗ trợ cho tuyến dưới và các địa phương theo chỉ đạo.

- Xây dựng các kịch bản, tình huống phòng, chống dịch: giám sát, phát hiện, khoanh vùng xử lý; cách ly điều trị theo phân tuyến tại chỗ theo chỉ đạo.

2. Tình huống 2: Có trường hợp bệnh Đậu mùa khỉ xâm nhập vào tỉnh

- Cách ly điều trị cho ca bệnh Đậu mùa khỉ tại các cơ sở điều trị, chuẩn bị bệnh viện dã chiến; cập nhật quy trình phát hiện, cách ly và điều trị người bệnh Đậu mùa khỉ phù hợp với thực tế tại cơ sở.

- Tổ chức thường trực chống dịch 24/24h tại các cơ sở y tế.

- Rà soát, cập nhật cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, vật tư, hóa chất, nhân lực sẵn sàng ứng phó với dịch lan rộng.

- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho nhân viên y tế về công tác giám sát, điều trị, chống nhiễm khuẩn và kiểm soát lây nhiễm.

3. Tình huống 3: Dịch lây lan ra cộng đồng

- Tổ chức các khu vực cách ly điều trị, các phương án tự cách ly điều trị tại nhà theo quy định;

- Huy động các Sở, ban ngành, đoàn thể hỗ trợ tham gia.

- Sẵn sàng cử Đội Đáp ứng nhanh, Đội cấp cứu lưu động và hỗ trợ tuyến dưới, bệnh viện khác khi cần thiết.

- Phân loại người bệnh theo từng mức độ để điều trị tại các tuyến y tế phù hợp; hạn chế di chuyển người bệnh.

- Thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác giám sát, khoanh vùng xử lý dịch; điều trị, chống nhiễm khuẩn và kiểm soát lây nhiễm.

V. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Công tác chỉ đạo:

- Sở Y tế chủ động tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nghiêm các văn bản, hướng dẫn phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế; tham mưu kịch bản đáp ứng với diễn biến tình hình dịch bệnh Đậu mùa khỉ.

- Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức, thực hiện công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh.

- Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tăng cường giám sát, phát hiện sớm; chuẩn bị và sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân.

- Tăng cường tuyên truyền về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống cho người dân tùy theo tình hình dịch bệnh.

- Tổ chức các lớp tập huấn về giám sát, phát hiện, báo cáo các trường hợp bệnh, các biện pháp phòng chống dịch, công tác thu dung, điều trị, cấp cứu, chăm sóc bệnh nhân và phòng ngừa lây nhiễm cho các đơn vị y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Thường xuyên cập nhật các hướng dẫn về giám sát, phòng, chống và điều trị của Bộ Y tế để kịp thời thực hiện.

- Thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho những người tham gia chống dịch theo đúng quy định hiện hành.

2. Chuyên môn kỹ thuật, phối hợp thực hiện:

2.1. Các giải pháp giảm mắc bệnh

- Cập nhật kịp thời thông tin tình hình dịch bệnh trên thế giới, trong nước và trên địa bàn tỉnh để kịp thời đưa ra các biện pháp phòng chống dịch.

- Tăng cường thực hiện giám sát và giám sát dựa vào sự kiện (EBS) tại các khoa điều trị, khám bệnh và tại cộng đồng. Đặc biệt lưu ý các dấu hiệu nghi ngờ như: đau đầu, sốt (> 38,5 độ C), nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau cơ, đau lưng, suy nhược, có yếu tố dịch tễ trong vòng 21 ngày.

- Chủ động giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ, nhất là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh Đậu mùa khỉ.

- Các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện phân luồng, sàng lọc và phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Đậu mùa khỉ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ cần báo ngay về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hoặc Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố để được giám sát và xử lý kịp thời.

- Điều tra dịch tễ và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm tất cả các trường hợp nghi ngờ, đặc biệt chú trọng các ca bệnh đi từ vùng có dịch.

- Lấy mẫu bệnh phẩm, vận chuyển, bảo quản gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để chuyển về Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh để xét nghiệm tìm tác nhân gây bệnh.

- Kiện toàn Đội Cơ động chống dịch, Đội Đáp ứng nhanh tại các đơn vị y tế, sẵn sàng hỗ trợ điều tra, xử lý ổ dịch khi có dịch xảy ra. Thực hiện xử lý ca bệnh, ổ dịch triệt để.

- Tổ chức thường trực chống dịch 24/24 giờ trong thời gian có dịch.

- Chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị cần thiết cho công tác phòng, chống dịch trên địa bàn toàn tỉnh.

- Tăng cường năng lực giám sát, điều tra, lấy mẫu bệnh phẩm nhanh, tổ chức cách ly; xử trí ban đầu, thu dung, điều trị kịp thời, đúng quy định các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh Đậu mùa khỉ.

2.2. Các giải pháp giảm tử vong

- Củng cố và kiện toàn Đội điều trị tại các cơ sở điều trị và các Đội cấp cứu lưu động để khám, chữa bệnh khi có người bệnh vào viện điều trị và sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới khi có yêu cầu.

- Thường xuyên cập nhật phác đồ điều trị và phổ biến hướng dẫn điều trị tới các đơn vị tuyến dưới theo phân công chỉ đạo tuyến; tăng cường năng lực chuyên môn cho nhân viên y tế trực tiếp tham gia công tác điều trị, phòng chống dịch của các cơ sở điều trị.

- Xây dựng và chuẩn bị cơ số dự trù về trang thiết bị, thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện bảo hộ... phục vụ công tác điều trị.

- Thành lập các đoàn giám sát, hướng dẫn, kiểm tra, hỗ trợ giám sát các đơn vị trong công tác chuẩn bị phòng, chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ.

- Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh:

• Chuẩn bị sẵn sàng khu vực tiếp nhận bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh Đậu mùa khỉ; hướng dẫn cách ly, điều trị.

• Đảm bảo đầy đủ, trang thiết bị, vật tư, thuốc cấp cứu điều trị bệnh nhân.

• Thành lập các Đội cấp cứu lưu động sẵn sàng hỗ trợ các địa phương trong trường hợp có nhiều bệnh nhân theo chỉ đạo tuyến.

• Chỉ đạo chuyên môn, hướng dẫn và hỗ trợ tuyến dưới khi có yêu cầu.

- Tăng cường năng lực cho các tuyến điều trị các trường hợp nặng, rất nặng theo sự phân công của Sở Y tế, hạn chế chuyển viện tránh lây lan.

- Tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ y tế các tuyến công tác chẩn đoán và điều trị các trường hợp nặng và sử dụng các trang thiết bị hồi sức cấp cứu, phòng tránh lây nhiễm trong bệnh viện.

- Trang bị bổ sung thiết bị, phương tiện chẩn đoán, điều trị, cấp cứu bệnh nhân để đạt mục tiêu giảm tử vong.

2.3. Truyền thông, giáo dục sức khỏe

- Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho người dân chủ động áp dụng các biện pháp bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng như áp dụng các biện pháp bảo vệ, tăng cường vệ sinh cá nhân, hạn chế đến vùng có dịch; không hoang mang, lo lắng.

- Tuyên truyền đa dạng về hình thức và nội dung (tờ rơi, truyền thanh...) đến các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm từ người nhập cảnh, người nước ngoài vào tỉnh, người dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đi công tác hoặc du lịch tới vùng có dịch. Khi trở về địa phương theo dõi sức khỏe, khi có các triệu chứng nghi ngờ khai báo ngay cho y tế gần nhất để hướng dẫn cách ly và điều trị.

- Phối hợp với các đơn vị có liên quan tham gia công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

- Thông báo diễn biến, tình hình dịch bệnh hàng ngày của các nước đang có dịch trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết.

- Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan thông tấn, báo chí với ngành y tế để triển khai hoạt động truyền thông phòng, chống dịch bệnh. Thực hiện phối hợp các cơ quan liên quan trong việc quản lý thông tin về tình hình dịch bệnh để xử lý kịp thời, chính xác, định hướng dư luận về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống.

2.4. Phối hợp liên ngành

- Phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành liên quan trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.

- Đề nghị sự tham gia của các Tổ chức chính trị - xã hội (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, Hội Phụ nữ, Thanh niên, Hội Nông dân...) và các tổ chức hợp pháp khác trong việc vận động nhân dân triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ.

- Thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương.

2.5. Công tác cách ly, giám sát, xử lý dịch

- Tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực của hệ thống giám sát, bao gồm việc bố trí đủ, ổn định và nâng cao năng lực của các cán bộ y tế tham gia hệ thống, các quy trình, biểu mẫu thực hiện, phương tiện sử dụng phục vụ hoạt động giám sát dịch từ tỉnh đến cơ sở với mục tiêu phát hiện sớm, điều tra, khoanh vùng thần tốc, chính xác, đúng diện và xử lý kịp thời dịch bệnh, không để dịch lan rộng. Chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng các trang thiết bị, vật tư, hóa chất xử lý dịch.

- Thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh Đậu mùa khỉ trên Thế giới, trong khu vực và các tỉnh, thành lân cận (nếu có ca bệnh).

- Phát huy hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở, y tế tư nhân, mạng lưới cộng tác viên y tế - dân số trong việc phát hiện, thông tin, báo cáo kịp thời ca bệnh dịch để tổ chức xử lý dịch triệt để và huy động hiệu quả sự tham gia của cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch.

- Thực hiện nghiêm công tác cách ly, điều trị, theo dõi sức khỏe phòng, chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ đối với người bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh và các trường hợp khác (người nhập cảnh, người tiếp xúc với người bệnh...) theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh.

2.6. Công tác thu dung, điều trị bệnh nhân

- Tăng cường năng lực theo dõi, quản lý, điều trị các tuyến, nâng cao năng lực theo dõi, quản lý điều trị tại tuyến cơ sở để giảm tỷ lệ bệnh nhân nặng.

- Bệnh viện Bà Rịa là đơn vị đầu mối của tỉnh về điều trị và hoạt động chỉ đạo tuyến

- Tổ chức phân luồng, phân tuyến điều trị, thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo. Rà soát, củng cố năng lực thu dung, điều trị của các cơ sở y tế trên địa bàn để thực hiện hiệu quả công tác khám, chữa bệnh thông thường và điều trị, hồi sức tích cực trong tình hình dịch chồng dịch (bệnh COVID-19, Tay chân miệng, Sởi, sốt xuất huyết, Đậu mùa khỉ...).

- Thường xuyên cập nhật hướng dẫn về phác đồ điều trị bệnh Đậu mùa khỉ.

- Phối hợp chặt chẽ giữa hệ điều trị và hệ dự phòng trong việc chia sẻ thông tin, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm và trả kết quả kịp thời.

- Tổ chức các Đội đáp ứng nhanh, Đội cấp cứu lưu động sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới khi phát hiện ca mắc tại cộng đồng hay cơ sở y tế khi có yêu cầu.

- Chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện chẩn đoán, cấp cứu, điều trị bệnh nhân để giảm tử vong do bệnh dịch.

- Huy động sự tham gia của các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân tham gia công tác quản lý, thu dung, điều trị người mắc các bệnh Đậu mùa khỉ trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.

2.7. Công tác xét nghiệm

- Tiếp tục tăng cường năng lực xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây bệnh Đậu mùa khỉ theo phân công của Bộ Y tế.

- Triển khai, củng cố và nâng cao năng lực xét nghiệm, đặc biệt năng lực thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu tại các đơn vị theo phân công để chủ động triển khai giám sát, theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

2.8. Công tác đào tạo, tập huấn

- Tổ chức tập huấn cho Ban Chỉ đạo và các đơn vị liên quan các cấp, các ngành trong công tác phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ.

- Tập huấn, cập nhật các kiến thức chuyên môn cho các cán bộ y tế tham gia công tác phòng, chống và điều trị bệnh Đậu mùa khỉ.

- Hướng dẫn cho đội ngũ cộng tác viên những kiến thức trong giám sát, phát hiện bệnh Đậu mùa khỉ; công tác khai báo, thông tin, báo cáo và trang bị kỹ năng truyền thông phòng, chống dịch cho cộng đồng.

- Thường xuyên cập nhật các quy định, quy trình về giám sát, xử lý dịch, phác đồ điều trị các bệnh mới nổi có nguy cơ xâm nhập và triển khai tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh: tổ chức họp định kỳ, họp đột xuất (khi cần thiết), nắm bắt thông tin về diễn biến của dịch để có chỉ đạo kịp thời.

- Chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch đáp ứng bệnh Đậu mùa khỉ chi tiết cho từng tình huống cụ thể cho đơn vị mình.

- Chỉ đạo các đơn vị trong ngành y tế thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn trong công tác phòng, chống dịch: giám sát chặt chẽ dịch tại cộng đồng, cơ sở y tế để kịp thời phát hiện sớm, xử lý triệt để không để dịch bùng phát.

- Các cơ sở khám, chữa bệnh phải thực hiện nghiêm việc phân luồng, kiểm soát người ra vào, đảm bảo công tác phòng hộ cho nhân viên y tế, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

- Chỉ đạo các đơn vị y tế xem xét bổ sung, điều chỉnh quy trình chi tiết về sàng lọc, phát hiện ca bệnh nghi ngờ, trong đó lấy phòng khám Da Liễu làm trung tâm và Khoa Nhiễm là nơi điều trị nội trú

- Chỉ đạo các đơn vị y tế chuẩn bị các khu cách ly, khu điều trị khi phát hiện ca bệnh nghi ngờ, ca mắc bệnh Đậu mùa khỉ. Sẵn sàng giường bệnh, thuốc, dịch truyền, trang thiết bị cũng như nhân lực sẵn sàng tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân kịp thời.

- Xây dựng kế hoạch, phòng chống bệnh Đậu mùa khỉ theo từng cấp độ vụ dịch; đề xuất các biện pháp can thiệp cụ thể, kinh phí, hóa chất, vật tư... với mục tiêu giảm tỷ lệ mắc và tử vong ở mức thấp nhất.

- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng dự toán kinh phí đảm bảo thực hiện công tác phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ kịp thời, hiệu quả và theo đúng quy định.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí địa phương và các đơn vị liên quan tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện khai báo, các biện pháp phòng chống bệnh Đậu mùa khỉ khi phát hiện.

- Báo cáo UBND tỉnh khi phát hiện ca bệnh nghi ngờ, ca mắc bệnh Đậu mùa khỉ; tham mưu chỉ đạo triển khai các hoạt động, hạn chế thấp nhất sự lây lan của dịch bệnh.

- Kiểm tra, đánh giá hiệu quả công tác phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ tại các đơn vị tại địa phương.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong ngành phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế và các cơ quan liên quan trong việc giám sát, phòng, chống dịch bệnh từ động vật hoang dã, đặc biệt là nhóm động vật có nguy cơ lây nhiễm cao với bệnh Đậu mùa khỉ.

- Kịp thời chia sẻ thông tin với ngành Y tế và chính quyền địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

3. Sở Du Lịch

- Chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tổ chức tập huấn và thực hiện công tác phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ cho nhân viên, hướng dẫn viên du lịch; chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng các phương án, điều kiện về công tác phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ khi đón khách du lịch đến lưu trú.

- Chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch thông báo kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Đậu mùa khỉ và hành trình của các đoàn khách đến từ vùng có dịch cho cơ quan y tế địa phương để ngành Y tế chỉ đạo phối hợp giám sát và tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch.

4. Sở Thông tin và Truyền thông

Phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế để tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình bệnh Đậu mùa khỉ và các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế để người dân chủ động, tích cực thực hiện.

5. Sở Tài chính

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, thẩm định và trình cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh được kịp thời và theo đúng quy định.

- Hướng dẫn Sở Y tế và các địa phương xây dựng kinh phí phòng chống bệnh Đậu mùa khỉ theo quy định.

6. Sở Ngoại vụ

- Phối hợp với ngành Y tế quản lý các trường hợp mắc bệnh Đậu mùa khỉ có yếu tố nước ngoài.

- Phổ biến, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh cho người nước ngoài đến tỉnh du lịch hoặc công tác.

7. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Cung cấp cho ngành Y tế thông tin về các trường hợp nhập cảnh lao động tại các vùng có dịch trở về Việt Nam và lưu trú trên địa bàn tỉnh.

- Tuyên truyền phòng chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ cho các doanh nghiệp có chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

8. Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh

- Triển khai các biện pháp phòng chống bệnh Đậu mùa khỉ đến các doanh nghiệp, nhà máy trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng kế hoạch và các phương án đáp ứng, phối hợp với ngành Y tế khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các khu công nghiệp.

9. Công an tỉnh

- Chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các cơ quan y tế trên địa bàn nhằm phát hiện sớm ca bệnh, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

- Tổ chức xác minh và xử lý nghiêm các trường hợp thông tin không đúng về tình hình dịch bệnh và các trường hợp không tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ.

10. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch Đậu mùa khỉ theo quy định.

11. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

- Phối hợp với ngành Y tế và các ngành có liên quan trong công tác phòng chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ tại các cảng biển. Hướng dẫn các tàu khai báo theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời ngăn chặn nhập cảnh trái phép người và động vật vào địa phương, đảm bảo trật tự an ninh tại các cảng biển.

12. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Phối hợp với Sở Y tế và các Sở, ban, ngành liên quan thường xuyên tuyên truyền phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ, thông tin kịp thời, chính xác về diễn biến dịch và công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

13. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các Tổ chức chính trị - xã hội tỉnh

- Phối hợp với ngành Y tế và các Sở, Ban, ngành liên quan hướng dẫn các tổ chức thành viên triển khai công tác phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ.

- Đẩy mạnh tuyên truyền trong đoàn viên, hội viên và nhân dân về thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ; tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch tại cộng đồng.

14. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi; phân công nhiệm vụ từng thành viên và từng địa bàn phụ trách.

- Chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ tại địa phương. Tổ chức chỉ đạo triển khai, phối hợp công tác phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ trên địa bàn quản lý.

- Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các hoạt động đáp ứng phòng, chống dịch. Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch và thực hiện tốt công tác phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ với sự tham mưu của ngành Y tế. Các phương án phối hợp giữa ngành Y tế và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh khi phát hiện ca bệnh nghi ngờ.

- Củng cố lực lượng cộng tác viên y tế - dân số, nhân viên y tế thôn ấp nhằm hỗ trợ cơ quan y tế địa phương thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

- Phối hợp với Sở Y tế và Sở Tài chính xây dựng và bố trí kinh phí cho hoạt động phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ theo quy định.

- Tổ chức giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng, xử lý kịp thời không để dịch bùng phát, lan rộng.

- Tuyên truyền để nhân dân biết cách tự phòng bệnh, chủ động khai báo khi phát hiện ca bệnh nghi ngờ, đến các cơ sở y tế khi có triệu chứng và tích cực tham gia vào các hoạt động phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ tại cộng đồng.

- Thực hiện quản lý, kiểm tra công tác phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ tại địa phương.

UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công triển khai thực hiện có hiệu quả. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, báo cáo về Sở Y tế để tham mưu UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Chủ tịch UBND tỉnh (b/c);
- Ủy ban MTTQ VN tỉnh và các Tổ chức chính trị - xã hội tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Các sở, ban, ngành;
- CVP UBND tỉnh;
- UBND các huyện, TX, TP;
- Lưu: VT, VX3

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Minh Thông

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 36/KH-UBND về phòng chống bệnh Đậu mùa khỉ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu năm 2023

  • Số hiệu: 36/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 15/03/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
  • Người ký: Đặng Minh Thông
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/03/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản