Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
HUYỆN BÌNH CHÁNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 359/KH-UBND

Bình Chánh, ngày 24 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

VỀ TĂNG CƯỜNG GIÁM SÁT TÌNH HÌNH TRẢ LƯƠNG, TRẢ THƯỞNG DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN NHÂM DẦN NĂM 2022 VÀ ỔN ĐỊNH LAO ĐỘNG, VIỆC LÀM, QUAN HỆ LAO ĐỘNG TẠI CÁC DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN BÌNH CHÁNH

Căn cứ Kế hoạch số 40130/KH-SLĐTBXH ngày 06 tháng 12 năm 2020 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh về tăng cường giám sát tình hình trả lương, trả thưởng dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 và ổn định quan hệ lao động, việc làm, quan hệ lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh;

Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về lao động, đảm bảo thực hiện tốt pháp luật lao động, góp phần ổn định tình hình quan hệ lao động, giúp các doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, người lao động an tâm làm việc; theo dõi ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 đối với tình hình quan hệ lao động, việc làm, quan hệ lao động, hướng dẫn, giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh không xảy ra tranh chấp lao động tập thể dẫn đến ngừng việc, đình công trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022;

Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh ban hành Kế hoạch tăng cường giám sát tình hình trả lương, trả thưởng dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 và ổn định lao động, việc làm, quan hệ lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Bình Chánh với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH - YÊU CẦU

1. Giám sát, nắm bắt chặt chẽ tình hình thực hiện pháp luật lao động, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, áp dụng lương tối thiểu vùng, tình hình trả lương, trả thưởng cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 trong các doanh nghiệp; không để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật lao động, nợ đọng tiền lương, tiền thưởng của người lao động.

2. Tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp tăng cường đối thoại, tập trung các nguồn lực để thực hiện tốt chính sách tiền lương, tiền thưởng và các hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho người lao động dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, đặc biệt là chính sách chăm lo, hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch Covid 19.

3. Nắm bắt kịp thời thông tin các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải, bán buôn, dệt may, giày da, sản xuất trang phục, chế biến gỗ, chế biến lương thực, thực phẩm, xây dựng... gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 để có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp sớm ổn định, khôi phục sản xuất kinh doanh, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động, thực hiện tốt chính sách, pháp luật lao động, góp phần ổn định tình hình quan hệ lao động tại doanh nghiệp; kiên quyết không để xảy ra tình trạng nợ lương, nợ thưởng người lao động dẫn đến nguy cơ tranh chấp và bất ổn trong quan hệ lao động trên địa bàn Huyện.

4. Theo dõi sát tình hình quan hệ lao động ở các doanh nghiệp; xử lý nhanh, dứt điểm các vụ việc tranh chấp lao động tập thể và đình công tại các doanh nghiệp, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

I. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về lao động, đảm bảo thực hiện tốt các chế độ, chính sách pháp luật đối với người lao động

- Tập trung thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về lao động, việc làm, tiền lương, tiền thưởng trong các doanh nghiệp trên địa bàn Huyện; hướng dẫn, hỗ trợ, giải quyết kịp thời các thắc mắc, khiếu nại, kiến nghị của doanh nghiệp và người lao động trong thực hiện chính sách, pháp luật lao động.

- Tăng cường phối hợp với Bảo hiểm xã hội Huyện, Liên đoàn Lao động Huyện, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp, Công an Huyện và Ủy ban nhân dân xã, thị trấn trong công tác quản lý nhà nước về lao động. Chủ động phòng ngừa, hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động, thực hiện các giải pháp, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động, đình công phát sinh cần nhanh chóng nắm bắt tình hình, hỗ trợ các bên tiến hành đối thoại, thương lượng để giải quyết bất đồng, không để đình công xảy ra kéo dài, lan truyền giữa các doanh nghiệp, gây ra tình trạng mất trật tự, an toàn xã hội.

- Tăng cường theo dõi, giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật lao động trong các doanh nghiệp, nhất là việc thanh toán, không để xảy ra tình trạng nợ đọng tiền lương, tiền thưởng của người lao động trong các tháng giáp Tết Nguyên đán nhâm Dần năm 2022.

- Phối hợp với Liên đoàn Lao động Huyện, Hội Doanh nghiệp Huyện tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.

2. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách, pháp luật lao động nhằm ổn định mối quan hệ lao động trong trạng thái bình thường mới

- Tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định mới của Bộ luật Lao động năm 2019 góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật lao động đối với người sử dụng lao động và người lao động, quan tâm giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc do tác động của dịch bệnh Covid-19, quy định về trả lương, trả thưởng, thực hiện bữa ăn giữa ca, phúc lợi cho người lao động đúng với các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế trả lương, thưởng của doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động để người lao động, người sử dụng lao động đối thoại, thỏa thuận, cùng nhau chia sẻ và khắc phục khó khăn trong bối cảnh bị tác động bởi đại dịch Covid-19.

- Theo dõi, nắm bắt tình hình lao động, việc làm, nhu cầu lao động, tuyển dụng, sử dụng, biến động lao động trong các doanh nghiệp, tăng cường sự phối hợp giữa Ủy ban nhân dân xã, thị trấn, doanh nghiệp trong việc cung ứng, tuyển dụng lao động, đào tạo nghề cho người lao động nhất là trong bối cảnh bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19;

- Phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Lao động Huyện, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Thành phố và Ủy ban nhân dân xã, thị trấn để yêu cầu các doanh nghiệp sớm công bố kế hoạch trả lương, trả thưởng, các khoản hỗ trợ cho người lao động, thời gian nghỉ trong dịp Tết trên cơ sở các thỏa thuận được ghi nhận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế của doanh nghiệp và thông tin đầy đủ, kịp thời cho người lao động biết; đảm bảo thanh toán đầy đủ, đúng thời hạn theo kế hoạch như đã thỏa thuận.

Đối với doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc trả lương, trả thưởng trong dịp Tết, doanh nghiệp cần thông tin, trao đổi với Ban chấp hành công đoàn cơ sở (hoặc công đoàn cấp trên trực tiếp) và thông tin về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Huyện để cùng phối hợp hỗ trợ xử lý.

3. Khảo sát nhanh tình hình trả lương, trả thưởng dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố tổ chức khảo sát tình hình trả lương năm 2021 và kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 (theo hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố).

Tổ chức khảo sát theo hai hình thức:

- Khảo sát gián tiếp thông qua Phiếu khảo sát doanh nghiệp;

- Tổ chức khảo sát trực tiếp tại doanh nghiệp thông qua phỏng vấn trực tiếp chủ sử dụng lao động, người lao động và thông qua thể hiện việc thực hiện hình thức công khai dân chủ doanh nghiệp như: niêm yết Thông báo, biên bản đối thoại định kỳ,... tập trung chọn các doanh nghiệp chưa gửi báo cáo lương, thưởng Tết hoặc đã gửi báo cáo nhưng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 (nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải, bán buôn, dệt may, giày da, sản xuất trang phục, chế biến gỗ, chế biến lương thực, thực phẩm, xây dựng) dẫn đến khó khăn trong việc trả lương, thưởng Tết; doanh nghiệp có nguy cơ nợ lương, nợ thưởng, nợ bảo hiểm xã hội đã xảy ra tranh chấp lao động tập thể, đình công trong năm 2021.

4. Nắm bắt và xử lý kịp thời các tranh chấp lao động tập thể, ngừng việc tập thể tại các doanh nghiệp trên địa bàn Huyện

Theo dõi sát tình hình quan hệ lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là các doanh nghiệp thông tin có gặp khó khăn, doanh nghiệp trong lĩnh vực lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải, bán buôn, dệt may, giày da, sản xuất trang phục, chế biến gỗ, chế biến lương thực, thực phẩm, xây dựng có sử dụng nhiều lao động, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hạn chế đình công xảy ra trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022; Chủ động thông tin với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn lao động Huyện, Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Thành phố và các cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp gặp gỡ để nghe ý kiến và hỗ trợ các bên tìm biện pháp giải quyết, đưa hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường khi xảy ra ngừng việc tập thể, đình công; cập nhật biến động lao động sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 để có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong trường hợp thiếu lao động, sớm ổn định sản xuất, kinh doanh.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giao Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội

- Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật lao động (Bộ luật lao động năm 2019 và các văn bản quy phạm pháp luật), hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng và thực hiện thang lương, bảng lương theo quy định của Chính phủ.

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố để tham mưu tổ chức triển khai đến doanh nghiệp trong việc thực hiện báo cáo tình hình tiền lương năm 2021 và kế hoạch thưởng Tết năm 2022 theo hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố.

- Cung cấp số điện thoại đường dây nóng của Lãnh đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cho các Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Thành phố, cơ quan ban ngành Huyện đế tiếp nhận các phản ánh, theo dõi sát tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp.

- Xây dựng Kế hoạch kiểm tra thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại các doanh nghiệp chưa gửi báo cáo lương, thưởng Tết hoặc đã gửi báo cáo nhưng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 (nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải, bán buôn, dệt may, giày da, sản xuất trang phục, chế biến gỗ, chế biến lương thực, thực phẩm, xây dựng) dẫn đến khó khăn trong việc trả lương, thưởng Tết; doanh nghiệp từng xảy ra tranh chấp lao động tập thể hoặc có nguy cơ nợ lương, nợ thưởng, nợ bảo hiểm xã hội. Phối hợp Liên đoàn Lao động Huyện giám sát việc thực hiện dân chủ của doanh nghiệp trong việc người sử dụng lao động công khai các văn bản quy định của doanh nghiệp liên quan đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động (cụ thể: nội quy lao động; quy chế; thỏa ước lao động tập thể; thang, bảng lương; kế hoạch nghỉ Tết, nghỉ phép năm; kế hoạch trả lương và thưởng Tết).

2. Giao Phòng Tài chính - Kế hoạch

- Cung cấp định kỳ danh sách các doanh nghiệp thành lập, giải thể, tạm ngưng hoạt động cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội để kịp thời quản lý trong lĩnh vực lao động.

- Tham mưu tăng cường kiểm tra, xử lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng gian, hàng giả, không giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trên địa bàn.

- Chủ động, phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nắm thông tin những doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh, đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển theo quy định pháp luật.

3. Giao Ủy ban nhân dân xã, thị trấn

- Phân công cán bộ theo dõi tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; Thông tin rộng rãi đến người dân trên địa bàn số điện thoại đường dây nóng của xã, thị trấn để tiến nhận phản ánh liên quan đến tình hình an ninh, trật tự.

- Thông báo cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động Huyện biết những diễn biến dư luận trong công nhân lao động có thể dẫn đến tranh chấp lao động, ngưng việc tập thể.

- Kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền những trường hợp vi phạm trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, kiên quyết không để xảy ra tình trạng tranh chấp lao động tại những nơi hoạt động không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế.

- Tổ chức khảo sát trực tiếp tại các doanh nghiệp dưới 100 lao động, hộ kinh doanh có sử dụng nhiều lao động thông qua phỏng vấn trực tiếp chủ sử dụng lao động, người lao động và việc thực hiện hình thức công khai dân chủ doanh nghiệp (thực hiện niêm yết thang bảng lương, thông báo kế hoạch trả lương, trả thưởng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, thời gian nghỉ Tết, nghỉ phép năm và thời điểm thực hiện trả lương, trả thưởng) để người lao động biết.

4. Giao Công an Huyện

- Theo dõi, nắm chắc tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở, khu vực đông dân cư sinh sống, kịp thời phát hiện tình hình có thể xảy ra tranh chấp lao động, ngưng việc tập thể để trao đổi, phối hợp giải quyết kịp thời.

- Tăng cường phối hợp, cung cấp cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Huyện, Liên đoàn Lao động những thông tin, tình hình dư luận trong công nhân có thể dẫn đến việc khiếu nại tập thể hoặc ngưng việc tập thể.

5. Đề nghị Hội doanh nghiệp Huyện

Chủ động tuyên truyền cho Hội viên trên địa bàn thực hiện các quy định pháp luật lao động nhất là trong việc xây dựng và thực hiện thang lương, bảng lương theo quy định pháp luật, thực hiện đầy đủ quy chế dân chủ cơ sở tại doanh nghiệp, đặc biệt quan tâm đến thực hiện hình thức công khai dân chủ doanh nghiệp (thực hiện niêm yết thang bảng lương, thông báo kế hoạch trả lương, trả thưởng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, thời gian nghỉ Tết, nghỉ phép năm và thời điểm thực hiện trả lương, trả thưởng) để người lao động biết.

6. Đề nghị Liên đoàn lao động Huyện

- Chỉ đạo, hướng dẫn Công đoàn cơ sở tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động và tuyên truyền, vận động người lao động chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp; đôn đốc, giám sát việc trả lương, trả thưởng của các doanh nghiệp.

- Tăng cường nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động, việc chấp hành pháp luật lao động, diễn biến tư tưởng, các tâm tư nguyện vọng của công nhân lao động tại doanh nghiệp, thông tin qua Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ, tiến hành xử lý các thông tin, thông báo với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và Công an Huyện để phối hợp kịp thời làm việc với doanh nghiệp trong việc đối thoại, thương lượng nhằm ngăn chặn các vụ tranh chấp lao động, ngưng việc tập thể.

Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Sở LĐTBXH Thành phố;
- TT HU, TT UB;
- Ban dân vận HU;
- BQL các KCX và CN T/P ;
- P.LĐTB&XH; P.TC-KH;
- CA Huyện; BHXH Huyện;
- LĐLĐ Huyện;
- Hội DN Huyện;
- UBND xã, thị trấn;
- Trang tin điện tử Huyện;
- CVP, PCVP (BT);
- Lưu: VT-TH (N).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Thị Cẩm Nhung

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 359/KH-UBND năm 2021 về tăng cường giám sát tình hình trả lương, trả thưởng dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 và ổn định lao động, việc làm, quan hệ lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh

  • Số hiệu: 359/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 24/12/2021
  • Nơi ban hành: Huyện Bình Chánh
  • Người ký: Phan Thị Cẩm Nhung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản