- 1Luật Đất đai 2003
- 2Nghị quyết 13-NQ/TW năm 2002 tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 3Luật hợp tác xã 2012
- 4Kết luận 56-KL/TW năm 2013 về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể
- 5Luật đất đai 2013
- 6Thông tư 09/2017/TT-BNNPTNT hướng dẫn phân loại và đánh giá hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 7Thông tư 01/2020/TT-BKHĐT hướng dẫn phân loại và đánh giá hợp tác xã do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 8Quyết định 167/QĐ-TTg năm 2021 về phê duyệt Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9Nghị định 45/2021/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã
- 10Luật Hợp tác xã 2023
- 11Nghị quyết 20-NQ/TW năm 2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 12Nghị quyết 09/NQ-CP năm 2023 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới do Chính phủ ban hành
- 13Quyết định 41/QĐ-UBND năm 2023 về Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động 155-CTr/TU, Kế hoạch 78-KH/BCSĐ về thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới do tỉnh Ninh Thuận ban hành
- 14Nghị quyết 23/NQ-HĐND năm 2023 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030
- 15Nghị quyết 39/2023/NQ-HĐND quy định về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2024-2028
- 16Kế hoạch 1132/KH-UBND năm 2024 thực hiện Nghị quyết 39/2023/NQ-HĐND quy định về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2024-2028
- 17Thông tư 09/2024/TT-BKHĐT về biểu mẫu thực hiện thủ tục đăng ký tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và quy định về nội dung thông tin, việc cập nhật, khai thác và quản lý Hệ thống thông tin quốc gia về hợp tác xã do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 18Công văn 4876/BKHĐT-KTHT năm 2024 về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2025 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3530/KH-UBND | Ninh Thuận, ngày 04 tháng 08 năm 2024 |
KẾ HOẠCH
PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ NĂM 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
Thực hiện văn bản số 4876/BKHĐT-KTHT ngày 24/6/2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2025. Trên cơ sở Đề cương xây dựng kế hoạch theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, với các nội dung chủ yếu như sau:
Phần thứ nhất
ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ NĂM 2024
I. Tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2024
1. Đánh giá về hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã, tổ hợp tác
a) Về số lượng, doanh thu và thu nhập của hợp tác xã, tổ hợp tác:
Hoạt động của hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì ổn định và phát triển, trong 07 tháng năm 2024, có 05 HTX[1] được thành lập mới, với vốn đăng ký 6,7 tỷ đồng, nâng tổng số hợp tác xã đến ngày 22/7/2024, có 126 HTX[2]/252,161 tỷ đồng; các HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp: 98 HTX, chiếm 77,78%; lĩnh vực công nghiệp - xây dựng: 08 HTX, chiếm 6,35%; lĩnh vực thương mại - dịch vụ và lĩnh vực khác: 09 HTX, chiếm 7,14%; lĩnh vực vận tải: 08 HTX, chiếm 6,35% và lĩnh vực tài chính, ngân hàng 03 Quỹ tín dụng nhân dân, chiếm 2,38%.
Doanh thu bình quân của HTX năm 2024, ước đạt 2.355 triệu đồng/HTX, tăng 0,21% so với năm 2023, trong đó doanh thu đối với các thành viên ước đạt 1.820 triệu đồng/năm, tăng 1,11% so với năm 2023; lợi nhuận bình quân ước đạt 233 triệu đồng/HTX, tăng 1,30% so với năm 2023; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX ước đạt 61 triệu đồng/người, tăng 1,67% so với năm 2023.
- Về tổ hợp tác (THT): Tổng số THT đang hoạt động tính đến tháng 7/2024, có 915 THT đang hoạt động[3]. Doanh thu bình quân của THT năm 2024, ước đạt 245 triệu đồng/năm, tăng 2,08% so với năm 2023; lợi nhuận bình quân ước đạt 62 triệu đồng/năm, tăng 1,64% so với năm 2023.
b) Về thành viên, lao động của HTX, THT:
- Tổng số thành viên của HTX đang hoạt động, đến tháng 7/2024 có 19.168 thành viên[4], ước đến 31/12/2024 có khoảng 19.210 thành viên, tăng 0,53% so với năm 2023. Tổng số lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 650 người, tăng 2,36% so với năm 2023; số lao động đồng thời là thành viên HTX 430 người, tăng 2,50% so với năm 2023.
- Tổng số thành viên của THT tháng 07/2024, ước khoảng 9.580 thành viên[5].
c) Về trình độ cán bộ quản lý HTX: Tổng số cán bộ quản lý hợp tác xã ước đến 31/12/2024, có khoảng 540 người, tăng 1,85% so năm 2023, trong đó đã qua đào tạo đạt trình độ sơ cấp, trung cấp chuyên nghiệp là 195 người, tăng 2,63% so với năm 2023; trình độ cao đẳng, đại học là 115 người, tăng 4,55% so với năm 2023.
d) Đánh giá phân loại HTX năm 2023:
UBND các huyện, thành phố đã triển khai thực hiện đánh giá phân loại hợp tác xã theo Thông tư số 01/2020/TT-BKHĐT ngày 19/02/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đến tháng 12/2023, 76/100 HTX thuộc diện đánh giá (không tính HTX thành lập năm 2023; HTX giải thể, HTX ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng MST, HTX tạm nghỉ kinh doanh có thời hạn) đã hoàn thành đánh giá theo các tiêu chí được quy định (còn 24 HTX không đánh giá phân loại). Kết quả, như sau:
- Có 29/100 HTX xếp loại tốt, chiếm 29%.
- Có 32/100 HTX xếp loại khá, chiếm 32%.
- Có 12/100 HTX xếp loại trung bình, chiếm 12%.
- Có 03/100 HTX xếp loại yếu, chiếm 03%.
- Có 24/100 HTX không đánh giá phân loại, chiếm 24%.
Riêng 03 Quỹ tín dụng nhân dân được đánh giá phân loại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
2. Đánh giá theo lĩnh vực
a) Lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản: Toàn tỉnh hiện có 98 HTX, trong đó có 02
HTX thủy sản và 96 HTX dịch vụ nông nghiệp, tập trung chủ yếu ở các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm về lúa, nho, măng tây, hạt điều, dưa lưới. Hầu hết HTX lĩnh vực nông nghiệp hoạt động tương đối ổn định và có bước phát triển; một số HTX đã chủ động liên kết hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất, gắn với bao tiêu sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh, như: nho, măng tây, lúa giống, bắp giống, hạt điều…; một số HTX đã hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp trong việc ứng trước vật tư, phân bón, giống cây trồng, góp phần giảm bớt khó khăn về vốn đầu tư ban đầu, từng bước nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho hộ thành viên.
b) Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng: Hiện có 08 HTX, chiếm 6,40%, hoạt động, chủ yếu sản xuất các sản phẩm nghề truyền thống, cơ khí; một số HTX đã tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể như: Dệt Thổ cẩm Mỹ Nghiệp, Gốm Bàu Trúc, nước mắm Cà Ná… góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho thành viên.
c) Lĩnh vực vận tải: Hiện có 08 HTX, kinh doanh vụ vận tải, chất lượng dịch vụ được nâng lên, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa. Hoạt động của các HTX đã tạo ra được việc làm và thu nhập ổn định cho các thành viên và người lao động, nhiều thành viên của HTX kinh doanh có lãi, tích lũy và tăng dần nguồn vốn, tài sản, phương tiện. Doanh thu trung bình của HTX 950 triệu/năm, thu nhập trung bình của thành viên của HTX: 70 triệu/năm.
d) Lĩnh vực thương mại - dịch vụ và lĩnh vực khác: Hiện có 09 HTX hoạt động, chủ yếu là kinh doanh vật tư nông nghiệp... gắn với liên kết giữa doanh nghiệp, THT, nhóm cùng sở thích để tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh như: nho, táo, măng tây... góp phần ổn định đầu ra cho các hộ thành viên.
đ) Lĩnh vực tín dụng:
Có 03 Quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động ổn định, đảm bảo khả năng chi trả và kinh doanh có lãi, đáp ứng khá tốt nguồn vốn cho các thành viên. Tổng vốn điều lệ của 03 Quỹ, ước đến ngày 31/12/2024 là 8.150 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 2,8% tổng nguồn vốn hoạt động, tăng 4,5% so với năm 2023; tổng tài sản của 03 Quỹ đến ngày 30/6/2024 là 276.619 triệu đồng, tăng 11,76% so với thời điểm năm 2023, đến ngày 31/12/2024 ước đạt 277.500 triệu đồng, tăng 12,11% so với năm 2023; tổng doanh thu của 03 Quỹ đến thời điểm ngày 30/6/2024 là 12.920 triệu đồng, đạt 55,27% so với thời điểm cuối năm 2023, đến ngày 31/12/2024 ước đạt 25.840 triệu đồng, tăng 10,54% so với năm 2023; tổng lợi nhuận của 03 Quỹ đến ngày 30/6/2024 là 2.052 triệu đồng, đạt 89,84% so với năm 2023, dự kiến đến ngày 31/12/2024 của 03 Quỹ ước đạt 2.650 triệu đồng, tăng 16,02% so với năm 2023.
Tổng số thành viên của 03 Quỹ đến ngày 30/6/2024 là 6.197 thành viên, tăng 0,66% so với năm 2023, dự kiến đến ngày 31/12/2024, thành viên tham gia góp vốn tại quỹ là 6.250 thành viên, tăng 1,53% so với năm 2023. Số lao động làm việc của 03 Quỹ đến là 25 cán bộ; thu nhập bình quân của các cán bộ làm việc tại Quỹ là 21,09 triệu đồng//tháng.
3. Tác động của HTX, THT đến thành viên, kinh tế hộ thành viên Các thành viên trong HTX, THT đã tham gia các lớp tuyên truyền, tập huấn, các lớp đào tạo kỹ năng sản xuất tiên tiến hiện đại, các hội nghị xúc tiến thương mại... Qua đó, giúp các thành viên thay đổi được tư duy, tập quán sản xuất truyền thống để ngày càng chủ động phát huy vai trò làm chủ của mình trong việc liên kết lại với nhau trong sản xuất tạo ra chuỗi sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hoạt động của KTTT, HTX ngoài việc góp phần tích cực vào tăng trưởng và phát triển kinh tế của tỉnh còn là chỗ dựa cho kinh tế hộ cùng phát triển, là cầu nối để chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật và thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước một cách nhanh chóng và hiệu quả; góp phần nâng cao thu nhập cho đời sống nông dân. Một số HTX đã dần thích nghi với cơ chế thị trường, linh động cung cấp dịch vụ đầu vào, tiêu thụ nông sản, tạo việc làm cho khu vực nông thôn, tham gia xây dựng cánh đồng lớn. Một số HTX trở thành cầu nối giao thương giữa hộ nông dân với thị trường, mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững cho địa phương, góp phần giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới từng bước thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
4. Các mô hình KTTT hoạt động hiệu quả trên địa bàn
a) Một số mô hình hợp tác xã nổi bật, điển hình với cách làm mới:
- HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước được thành lập năm 2016, với 13 thành viên đến nay phát triển lên 62 thành viên vốn điều lệ 200 triệu đồng, bộ máy quản lý gồm 06 người (03 thành viên Hội đồng quản trị); HTX đã hợp tác với Trang trại Nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến trồng măng tây xanh, áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm với tổng diện tích gần 20 ha theo VietGAP và được bao tiêu 100% sản phẩm, tạo được chỗ dựa vững chắc cho các hộ thành viên.
- HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An, xã Vĩnh hải, huyện Ninh Hải, với thế mạnh là liên kết với nông dân trong địa phương sản xuất trên 100 ha nho theo tiêu chuẩn VietGap gắn với hoạt động tham quan du lịch sinh thái vườn nho. HTX đã phối hợp với Viện Nghiên cứu bông và phát triển nông nghiệp Nha Hố triển khai khảo nghiệm giống nho không hạt; hiện nay hợp tác xã có 07 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao, 01 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao.
b) Một số mô hình hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị:
Hiện nay, có 37 hợp tác xã, 03 THT với 16.594 hộ nông dân và 20 doanh nghiệp tham gia dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản và hướng đến xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ dịch vụ đầu vào đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm đầu ra để gia tăng giá trị sản phẩm, bao gồm: 34 chuỗi liên kết giá trị lúa, 10 chuỗi liên kết giá trị bắp, 04 chuỗi liên kết giá trị măng tây, 04 chuỗi liên kết giá trị nho, 03 chuỗi liên kết giá trị táo, 01 chuỗi liên kết tiêu thụ sắn, 01 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ mía đường, 01 chuỗi liên kết giá trị điều, 01 chuỗi liên kết tiêu thụ chanh không hạt và 10 chuỗi liên kết giá trị rau các loại, với quy mô 14.981 ha, sản lượng ước 268.424 tấn. Điển hình như:
- Mô hình sản xuất điều hữu cơ (Organic): HTX Điều hữu cơ Truecoop đã tham gia liên kết sản xuất và được cấp Giấy chứng nhận hạt điều hữu cơ theo tiêu chuẩn EU, USDA&JAS với tổng diện tích 3.992,3 ha với 1.898 hộ dân tham gia sản xuất, đã có chứng nhận 6 năm liên tục từ 2018 đến nay tập trung chủ yếu tại 3 huyện Ninh Sơn, huyện Thuận Bắc và huyện Bác Ái. HTX thu mua toàn bộ sản phẩm với giá bình quân 32.000 đồng/kg, luôn cao hơn sản phẩm điều thường (không canh tác hữu cơ là 1.000 đồng/ kg), từ đó giúp nâng cao thu nhập cho thành viên tham gian sản xuất. Tổng sản lượng thu mua hàng năm trung bình trên 4.000 tấn/năm.
Doanh thu năm 2023 trên 100 tỷ đồng. Thời gian tới, HTX phấn đấu đạt mục tiêu 6.000 ha vườn điều đạt Chứng nhận hữu cơ, phát triển thêm sản phẩm Dứa & Hibicus (Bụp giấm) trồng xen canh dưới tán điều và các vườn điều trồng thưa trong tự nhiên. Mục tiêu đến năm 2028 đạt 1 triệu cây điều và cây ăn quả, 3 triệu cây Dứa mật, với sản lượng thu hoạch đạt 4.000 tấn, 10 triệu cây Atiso với 1.000 tấn nguyên liệu để chế biến và xuất khẩu cho khách hàng Đức, doanh thu ước đạt trên 500 tỷ đồng.
- Mô hình liên kết theo chuỗi giá trị lúa: Triển khai tại xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước, với quy mô 150 ha, do HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Phước Hậu chủ trì liên kết với Nhà máy xay xát Kim Xuyến. HTX áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào cánh đồng lớn, gieo sạ tập trung, cùng giống, cùng quy trình thâm canh, năng suất lúa đạt trên 7 tấn/ha, lợi nhuận bình quân khoảng 22 triệu đồng/ha.
- Mô hình liên kết chuỗi giá trị bắp giống: Thực hiện tại xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước, quy mô 80 ha, do HTX Dịch vụ nông nghiệp Phước An chủ trì liên kết với Công ty TNHH hạt giống CP; năng suất bắp giống bình quân đạt trên 7 tấn/ha, lợi nhuận bình quân khoảng 40 triệu đồng/ha.
- Mô hình liên kết chuỗi giá trị măng tây: Triển khai tại xã An Hải, huyện Ninh Phước, với quy mô 35 ha, do HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú chủ trì liên kết với Trang trại Nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, HTX chủ trì ký hợp đồng trực tiếp với Trang trại Nông nghiệp Hữu cơ Tiên Tiến theo hình thức Trang trại cung ứng giống măng tây và bao tiêu toàn bộ sản phẩm măng tây của HTX, lợi nhuận bình quân khoảng 300-320 triệu/ha/năm.
II. Tình hình kiện toàn Ban Chỉ đạo và kết quả chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển KTTT, HTX
1. Công tác tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về KTTT, HTX
Công tác quản lý nhà nước đối với KTTT được tăng cường, đặc biệt sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 56-KL/TW ngày 21/2/2013, UBND tỉnh đã kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động bộ máy quản lý nhà nước về KTTT theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và quy định của Luật Hợp tác xã, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối thống nhất quản lý nhà nước về KTTT ở cấp tỉnh; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho Chi cục Phát triển nông thôn thuộc Sở để tham mưu thực hiện chức năng quản lý nhà nước về KTTT trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn và Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, thành phố là cơ quan chuyên môn giúp UBND huyện, thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về KTTT trên địa bàn huyện.
UBND tỉnh thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển KTTT tỉnh[6] để chỉ đạo, điều phối, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch về phát triển KTTT. Định kỳ 06 tháng, 01 năm tổ chức họp Ban Chỉ đạo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KTTT trên địa bàn tỉnh. Định kỳ hàng năm xây dựng kế hoạch phát triển KTTT của tỉnh và đưa các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm về phát triển KTTT, HTX vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm để tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, tham mưu ban hành văn bản[7] cụ thể hóa phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn của địa phương để triển khai thực hiện và chỉ đạo hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho KTTT, HTX và thực hiện các chuỗi giá trị, xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện tốt hơn. UBND các huyện, thành phố đã ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển KTTT trên địa bàn[8]. Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai thực hiện Thông tư số 09/2024/TT- BKHĐT ngày 16/5/2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về các biểu mẫu thực hiện thủ tục đăng ký THT, HTX, liên hiệp HTX và quy định về nội dung thông tin, việc cập nhật, khai thác và quản lý Hệ thống thông tin quốc gia về HTX đến UBND các huyện, thành phố và các HTX trên địa bàn tỉnh thông qua hình thức Zalo.
UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị gặp mặt, trao đổi tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và kết nối tín dụng cho các HTX trên địa bàn tỉnh; qua buổi gặp mặt, đại diện các HTX đã đề xuất, kiến nghị có chính sách hỗ trợ HTX; kết nối đầu ra tiêu thụ sản phẩm cho các HTX; hỗ trợ hướng dẫn HTX những thủ tục pháp lý cần thiết để có thể tiếp cận vốn vay...
2. Kết quả chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển KTTT, HTX 07 tháng năm 2024
a) Về công tác tuyên truyền: Trong 07 tháng năm 2024, đã tổ chức tuyên truyền phổ biến Luật Hợp tác xã và các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương, trong đó: tổ chức 05 lớp tuyên truyền, phổ biến Luật hợp tác xã 2023 và các văn bản liên quan đến Chương trình phát triển kinh tế tập thể, HTX với số lượng 162 học viên tham gia; kết nối với Ngân hàng HD Bank chi nhánh Ninh Thuận triển khai chương trình cho vay vốn sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế hộ gia đình. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã đưa tin bài, tuyên truyền[9] về phát triển KTTT, HTX lồng ghép trên bản tin thời sự, phát trong chuyên mục: “Kinh tế nông thôn” và bản tin “Xây dựng nông thôn mới”; mở chuyên đề, chuyên mục phát thanh, phát sóng về kinh tế tập thể; trong đó tập trung tuyên truyền giới thiệu và nhân rộng các mô hình HTX điển hình tiên tiến trong thời kỳ đổi mới, hội nhập; những kinh nghiệm và cách làm hay trong tổ chức và hoạt động của các HTX; các tấm gương điển hình nông dân sản xuất giỏi, người tốt việc tốt. Báo Ninh Thuận xây dựng chuyên mục về nông thôn mới liên quan đến phát triển kinh tế HTX và các tin bài phản ánh về mô hình, điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất của địa phương. Qua đó, nhiều cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm nhiều hơn tới chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ phát triển, đa dạng hóa hoạt động, lấy hiệu quả hoạt động của KTTT thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
b) Về chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn đối với hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân:
Thực hiện quy định mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện một số nội dung xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn là 16.186 triệu đồng. Trong đó liên quan đến hỗ trợ phát triển KTTT gồm:
- Hỗ trợ các dự án ứng dụng công nghệ cao: 6.806 triệu đồng.
- Hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản: 2.745 triệu đồng (các HTX tham gia làm chủ trì liên kết hoặc là thành viên tham gia liên kết).
- Hỗ trợ lao động trẻ về làm việc tại các HTX là 1.780 triệu đồng.
- Triển khai Chương trình OCOP; phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ nông thôn: 3.275 triệu đồng.
c) Hỗ trợ lao động trẻ có trình độ cao đẳng, đại học, sau đại học về làm việc có thời hạn ở HTX:
Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh phê duyệt danh sách các HTX nông nghiệp được hỗ trợ đưa lao động trẻ về làm việc trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2023-2025. Tính đến 30/6/2024 đã hỗ trợ: 870,87 triệu đồng/29 lao động trẻ về làm việc tại các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2023-2025 (đối với HTX trên địa bàn các xã). Các lao động trẻ là cán bộ kỹ thuật, kế toán có trình độ đại học đã góp phần giúp các HTX nâng cao hiệu quả quản lý, hoạt động.
Đối với 06 lao động trẻ/06 HTX trên địa bàn các phường thuộc thành phố Phan Rang - Tháp Chàm đã được UBND tỉnh phân bổ kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách địa phương cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện hỗ trợ cho lao động trẻ và sẽ triển khai hỗ trợ từ tháng 07/2024.
d) Hỗ trợ ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới: Sở Khoa học và Công nghệ đang triển khai 04 nhiệm vụ khoa học và công nghệ: “Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu sản phẩm phục vụ việc giới thiệu, quảng bá, xây dựng tem truy xuất nguồn gốc cho 05 sản phẩm OCOP của 05 HTX dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận”; “Nghiên cứu mở rộng phạm vi và nội dung bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Ninh Thuận” cho sản phẩm Nho của tỉnh Ninh Thuận”; “Khai thác, quản lý và phát triển sản phẩm mang NHTT “Táo Ninh Thuận”, “Măng tây Tuấn Tú” theo chuỗi giá trị gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm mang NHTT được bảo hộ”; “Khai thác, quản lý và phát triển sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Nước Mắm Since 1940 Cà Ná FISH SAUCE Thơm Ngon - Tinh Khiết”, “ Rong sụn Ninh Thuận” theo chuỗi giá trị gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm, chứng nhận chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) được bảo hộ”. Qua đó, hỗ trợ bảo hộ 05 nhãn hiệu tập thể cho 05 HTX dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; triển khai cho 05 thành viên của HTX Dịch vụ Tổng hợp nông nghiệp Thái An áp dụng thí điểm mô hình tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý “Ninh Thuận” cho sản phẩm Nho; phát triển nhãn hiệu tập thể “Măng tây Tuấn tú” cho HTX Dịch vụ Tổng hợp Tuấn Tú. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu các sản phẩm OCOP Mật ong của HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Suối Đá và hỗ trợ chi phí bao bì, in tem cho HTX Kinh doanh vật tư nông nghiệp và Thu mua chế biến nông sản Phước Vinh 59.
đ) Về hỗ trợ xúc tiến thương mại: Sở Công Thương đã phối hợp với các Sở, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan triển khai công tác tổ chức 25 gian hàng OCOP, đặc thù của tỉnh tại Lễ hội Ẩm thực - Chào đón năm mới 2024; Tổ chức kết nối giao thương cho 05 doanh nghiệp, HTX tham gia gian hàng trưng bày tại khu phố thương mại Vinpearl Harbour tại Nha Trang; hỗ trợ cho 06 doanh nghiệp, HTX tham gia Diễn đàn, Hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu năm 2024. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ các HTX nông nghiệp tham gia ứng dụng COOP.66 (APP COOP.66 - Diễn đàn HTX NN Việt Nam) giúp các HTX nông nghiệp có thể gắn kết, tương tác trao đổi, thảo luận và nhận được sự hỗ tốt nhất từ các đơn vị quản lý địa phương, tiếp cận các giá trị tiện ích công nghệ, khoa học kỹ thuật và phát triển giá trị kinh tế số hiệu quả trong môi trường kinh tế tập thể. Đồng thời, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức và hỗ trợ cho 11 hợp tác xã có sản phẩm đặc thù của tỉnh tham dự “Hội chợ Xúc tiến thương mại cho khu vực kinh tế tập thể, Hợp tác xã năm 2024” và “Triển lãm ngành Rau - Hoa - Quả Hort - Ex Vietnam 2024”.
e) Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Cục kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn tổ chức lớp tập huấn online cho 53 học viên (là Giám đốc, kế toán HTXNN, kiểm sát viên…) thực hiện chế độ kế toán HTX, lập báo cáo tài chính cuối năm và ứng dụng phần mềm kế toán HTX WACA[10].
g) Xây dựng hợp tác xã nông nghiệp điển hình: UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 901/KH-UBND ngày 01/3/2024 về phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/7/2023 của Chính phủ. Qua đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp cùng các huyện, thành phố đề xuất 07 HTX nông nghiệp[11] tham gia xây dựng mô hình HTX nông nghiệp điển hình hoạt động hiệu quả, có nhiều thành viên tham gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2025.
h) Về lĩnh thuế: Cục Thuế tỉnh đã hướng dẫn, hỗ trợ và triển khai kịp thời, hiệu quả các chinh sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí lệ phí đối với các HTX đáp ứng đủ điều kiện ưu đãi. Hầu hết các HTX đều chấp hành nghĩa vụ nộp thuế đúng quy định, tính đến tháng 07/2024, các HTX đã thực hiện việc kê khai và đóng góp ngân sách nhà nước trên 592 triệu đồng.
i) Về đất đai: Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, hướng dẫn HTX thực hiện các thủ tục đăng ký chuyển đổi hình thức sử dụng đất từ giao đất không thu tiền sử dụng đất theo Luật Đất đai 2003 sang thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm theo Luật Đất đai năm 2013. Tính đến ngày 30/6/2024, đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 25 HTX/123.519 m2.
3. Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW và Kế hoạch số 10-KH/TW, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 155-CTr/TU ngày 21/11/2022 thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 155-CTr/TU ngày 21/11/2022 của Tỉnh ủy[12] và HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 23/NQ- HĐND ngày 25/7/2023 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Trong năm 2024, UBND tỉnh ban hành: Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 39/2023/NQ-HĐND ngày 12/12/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2024-2028 (Kế hoạch số 1132/KH-UBND ngày 15/3/2024).
4. Kết quả thực hiện Quyết định số 167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ
Đề án “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025” theo Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 2/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ: UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách HTX tham gia Đề án “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 1679/QĐ-UBND ngày 01/9/2021, gồm 04 HTX[13]. Đến nay, các địa phương đã hỗ trợ cho 02 HTX[14] thực hiện dự án xây dựng nhà máy xay sát lúa, sấy nông sản và thiết bị sơ chế nông sản, với số tiền hỗ trợ 2.842 triệu đồng. Đồng thời, từ nguồn kinh phí Khuyến công địa phương đã hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong chế biến nho sấy cho HTX Nho Evergreen Ninh Thuận, với tổng kinh phí thực hiện 274,32 triệu đồng[15].
5. Hợp tác quốc tế về KTTT: Một số mô hình HTX được thành lập mới thông qua tài trợ của các tổ chức quốc tế, hoạt động theo chuỗi giá trị ngành nông nghiệp đạt kết quả tích cực, đã góp phần làm thay đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân vùng dự án, như:
- HTX Nho Evergreen Ninh Thuận, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm được dự án Phát triển Hợp tác xã Việt Nam do Chính phủ Canada tài trợ và tổ chức SOCODEVI thực hiện, được thành lập năm 2015 với tổng số 84 thành viên, vốn điều lệ 200 triệu đồng, bộ máy quản lý gồm 08 người, trong đó có 05 thành viên Hội đồng quản trị; với diện tích nho đã được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP trên 11,7 ha (tăng 2,3 ha so với năm 2019) và xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm Thương hiệu nho Ninh Thuận. Đây là những tiền đề vững chắc góp phần nâng cao giá trị, uy tín, chất lượng sản phẩm nho Ninh Thuận và là HTX duy nhất trong tỉnh có bộ máy quản lý và điều hành hoàn thiện theo Luật.
- Mô hình liên kết theo Chuỗi giá trị ớt tại Hợp tác xã Tầm Ngân, xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn do KOICA và Tập đoàn CJ - Hàn Quốc tài trợ, chuyên trồng ớt với tổng diện tích trên 20ha hoạt động theo mô hình sản xuất khép kín từ khâu canh tác, thu hoạch, sơ chế đến tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, hỗ trợ xây dựng cơ sở chế biến ớt, với công suất sơ chế khoảng 200 tấn ớt tươi/năm, tương đương 50 tấn ớt khô/năm, tổng kinh phí đầu tư khoảng 12,6 tỷ đồng, góp phần tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm ớt của các thành viên.
III. Đánh giá chung
Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 02/02/2023 của Chính phủ, Chương trình hành động số 155-CTr/TU ngày 21/11/2022 của Tỉnh ủy và Luật Hợp tác xã xác định KTTT mà nòng cốt là HTX ngày càng thể hiện rõ nét vai trò quan trọng và có ý nghĩa toàn diện về kinh tế, chính trị, xã hội. Hệ thống pháp lý và nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ KTTT và HTX của Trung ương và của địa phương đã được ban hành kịp thời, phù hợp. Nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, vị trí của KTTT được nâng lên; các HTX chấp hành tốt các quy định của pháp luật và sự phát triển của phong trào HTX; hợp tác quốc tế về phát triển HTX ngày càng được tăng cường nhất là việc học tập kinh nghiệm, tiếp thu các hỗ trợ kỹ thuật phát triển trong việc thành lập và nâng cao năng lực HTX.
Từ khi chuyển đổi mô hình hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã 2012, các HTX trên địa bàn tỉnh đã phát triển với nhiều hình thức đa dạng, dần thích ứng với những thay đổi của thị trường, góp phần tăng trưởng kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách; vai trò của KTTT trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo, các chủ trương về phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới được phát huy tích cực, góp phần xây dựng đời sống văn hoá nông thôn ngày càng phát triển, tinh thần đoàn kết cộng đồng được nâng cao. Quy mô sản xuất được mở rộng, lĩnh vực ngành nghề hoạt động đa dạng hơn, chất lượng hoạt động và năng lực đội ngũ cán bộ quản lý HTX được nâng lên; một số mô hình HTX kiểu mới hoạt động có hiệu quả được nhân rộng; liên kết giữa các HTX với nhau và với các tổ chức kinh tế khác bước đầu có sự phát triển; các tổ chức KTTT đã từng bước khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an ninh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
1. Tồn tại, hạn chế
a) Đối với cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan có liên quan
- Bộ máy quản lý nhà nước về KTTT, HTX đã được quy định thống nhất từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, tuy nhiên hầu hết các cơ quan ở địa phương chưa bố trí được cán bộ chuyên trách, chủ yếu là kiêm nhiệm nên việc theo dõi, tham mưu có lúc chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao.
- Công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn HTX chưa thường xuyên, việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc chưa kịp thời. Ngân sách nhà nước hỗ trợ HTX thời gian qua chưa nhiều, chủ yếu từ nguồn ngân sách Trung ương.
b) Đối với HTX, thành viên HTX
- Các HTX chuyển đổi chưa thật sự tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012, như: thành viên không góp vốn, chưa xác lập danh sách thành viên, chưa chấp hành đầy đủ các quy định về chế độ kế toán, thống kê, báo cáo tài chính theo quy định, dẫn đến khó khăn trong tổ chức, quản lý và hoạt động của HTX, nhất là khó khăn trong tiếp cận vốn vay tín dụng ngân hàng thương mại.
- Trình độ đội ngũ cán bộ quản lý HTX còn bất cập so với cơ chế quản lý mới, dẫn đến việc điều hành, xây dựng phương án kinh doanh còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thị trường. Đa số HTX có vốn ít, quy mô sản xuất nhỏ, chưa xây dựng được chuỗi liên kết, khả năng huy động vốn của các hộ thành viên hạn chế.
- Nhiều HTX chưa thực sự phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của mình; chưa thể hiện đầy đủ vai trò, vị trí của HTX trong phát triển kinh tế - xã hội và tham gia các chương trình mục tiêu; lợi ích HTX đem lại cho thành viên chưa cao.
- Công tác xác định tư cách thành viên đối với các HTX chuyển đổi từ mô hình HTX kiểu cũ sang kiểu mới chưa rõ ràng, vẫn còn tình trạng những thành viên không tham gia sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của HTX; thành viên đi khỏi nơi cư trú, thành viên không còn tham gia HTX... nhưng vẫn còn trong danh sách thành viên HTX. Việc phát triển thành viên mới ở các HTX gặp khó khăn.
- Năng lực tài chính và năng lực quản trị, tổ chức, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều HTX còn khó khăn, quy mô sản xuất còn nhỏ, cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất còn thiếu thốn, lạc hậu, chưa được đầu tư cải tiến; thu nhập bình quân của thành viên nhìn chung còn thấp so với mặt bằng thu nhập chung của tỉnh; khả năng tích lũy vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh của các HTX còn hạn chế.
2. Nguyên nhân
- Nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh bố trí cho thực hiện chính sách hỗ trợ HTX còn hạn chế, phải thực hiện lồng ghép, phân bổ nguồn lực từ các chương trình, dự án khác để thực hiện.
- Tỉnh chưa thành lập được “Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã” theo Nghị định số 45/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ.
- Cơ sở hạ tầng HTX xuống cấp, lạc hậu, có HTX không có trụ sở làm việc ổn định, phải thuê hoặc mượn tạm nơi làm việc nên khó thực hiện việc liên doanh liên kết, mở rộng sản xuất, không đảm bảo điều kiện tiếp cận chính sách hỗ trợ hạ tầng và các nguồn vốn ưu đãi, vốn vay do vướng cơ chế thế chấp và bảo lãnh trong việc vay vốn.
- Đội ngũ cán bộ HTX phần lớn người lớn tuổi, chưa được đào tạo chuyên môn, nên việc điều hành hoạt động của HTX có mặt còn hạn chế, có nơi còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ cấp trên, chưa chủ động nghiên cứu thị thường, kết nối với doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.
- Một bộ phận thành viên HTX chưa thật sự nhận thức được đầy đủ trách nhiệm, quyền lợi của thành viên trong việc tham gia góp vốn vào HTX.
- Năng lực tài chính, quản trị, tổ chức, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều HTX còn khó khăn, quy mô sản xuất còn nhỏ, cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất còn thiếu thốn, lạc hậu, chưa được đầu tư cải tiến.
- Sự phối hợp của các cấp, các ngành trong công tác quản lý, kiểm tra, hướng dẫn, rà soát biến động, theo dõi tình hình hoạt động, phân loại đánh giá chất lượng hoạt động các HTX thiếu chặt chẽ.
- Năng lực nội tại của một số HTX chưa thật sự vững mạnh, đội ngũ cán bộ tuy có sự thay đổi nhưng chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Một số HTX chưa năng động, nhạy bén trong phát triển kinh doanh, chưa mạnh dạn thực hiện liên doanh liên kết, mở thêm ngành nghề mới, chất lượng các dịch vụ chưa cao. Chất lượng nhân lực, năng lực tài chính hợp tác xã vẫn còn hạn chế.
IV. Đề xuất, kiến nghị
Để tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển KTTT, HTX đã đề ra, khắc phục những hạn chế, yếu kém, tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực KTTT, HTX, tỉnh Ninh Thuận kiến nghị, đề xuất với Bộ, ngành Trung ương một số nội dung sau:
- Về chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng: Hiện nay, nguồn vốn Ngân sách Trung ương bố trí cho việc thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án, chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh rất hạn chế; do đó, kiến nghị hàng năm các Bộ, ngành Trung ương quan tâm bố trí nguồn vốn Trung ương để hỗ trợ cho tỉnh Ninh Thuận để thực hiện các chính sách hỗ trợ KTTT, HTX.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp để ban hành thông tư liên tịch về hướng dẫn đánh giá, phân loại HTX theo Luật Hợp tác xã năm 2023, vì hiện nay có 02 Thông tư hướng dẫn (Thông tư số 09/2017/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Thông tư số 01/2020/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nên địa phương khó khăn trong quá trình thực hiện.
Phần thứ hai
KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ NĂM 2025
I. Nội dung kế hoạch phát triển KTTT, HTX
1. Dự báo những thuận lợi, khó khăn:
Dự báo thời gian tới, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường hơn. Trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn; dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai tiếp tục diễn biến bất thường, ảnh hưởng nặng nề hơn. Trong tỉnh, nền kinh tế có bước phát triển mới, vị thế của tỉnh được nâng lên, các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh và những đột phá trong lĩnh vực kinh tế biển, năng lượng tái tạo, các dự án động lực thay thế được triển khai sẽ tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, sản xuất, kinh doanh, thị trường tiêu thụ còn khó khăn, thị trường tiêu thụ nông sản không ổn định cũng tạo nhiều áp lực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của KTTT, HTX nhất là đối với những HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
2. Định hướng phát triển KTTT, HTX
a) Định hướng chung: Khuyến khích phát triển KTTT trong các ngành nghề, lĩnh vực có tiềm năng và thế mạnh của tỉnh; ưu tiên xây dựng các mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị, liên kết các HTX và các thành phần kinh tế khác, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng nông thôn mới,... Hỗ trợ phát triển các mô hình HTX hoạt động có hiệu quả, nhiều thành viên, trở thành kiểu mẫu để nhân rộng.
b) Định hướng phát triển KTTT theo ngành, lĩnh vực chủ yếu:
- Lĩnh vực nông nghiệp: Khuyến khích phát triển nông nghiệp bền vững, nòng cốt là HTX nông nghiệp với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng, ứng dụng công nghệ cao, gắn với xây dựng nông thôn mới, thế mạnh địa phương, chương trình OCOP, tạo ra sản phẩm đặc trưng của địa phương, có giá trị kinh tế cao và đáp ứng được yêu cầu trong nước và xuất khẩu. Phát triển mô hình HTX vừa sản xuất, vừa tham gia thị trường, HTX nông nghiệp đảm nhiệm các dịch vụ đầu vào, chế biến và đầu ra trong chuỗi giá trị nông sản, HTX sản xuất sản phẩm OCOP, gắn với du lịch cộng đồng.
- Lĩnh vực phi nông nghiệp: Củng cố và mở rộng quy mô, phạm vi hoạt động của các HTX hiện có; phát triển với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng, khuyến khích đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.
2. Mục tiêu tổng quát
- Phát triển KTTT năng động, hiệu quả, bền vững, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc của KTTT. Tiếp tục củng cố, mở rộng và phát triển KTTT trong các ngành, lĩnh vực, trong đó hình thức HTX là nòng cốt; thu hút nông dân, hộ kinh tế cá thể, cá nhân và nhiều tổ chức tham gia KTTT, HTX.
- Xây dựng và nhân rộng các mô hình KTTT liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị; tùng bước hình thành các cụm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, gắn với công nghiệp chế biến, tiêu thụ; không ngừng nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, đưa KTTT thoát khỏi những yếu kém hiện nay và tiến tới có tỷ trọng ngày càng lớn trong GRDP của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh.
3. Mục tiêu cụ thể năm 2025
- Phấn đấu thành lập mới 10-12 HTX, thành lập 01 Liên hiệp HTX và 20-25 THT; mỗi xã có ít nhất 01 HTX hoạt động hiệu quả, gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
- Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phấn đấu có từ 10-15% HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng biện pháp thực hành nông nghiệp tốt (GAP), kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.
- Phấn đấu có khoảng 48-50% HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.
- Doanh thu bình quân của HTX đạt khoảng 2.360-2.400 triệu đồng/năm, doanh thu bình của THT đạt khoảng 250-300 triệu đồng/năm.
- Thu nhập bình quân của HTX khoảng 240-250 triệu đồng/năm, THT đạt khoảng 65-70 triệu đồng/năm.
- Có khoảng 30% cán bộ quản lý HTX nông nghiệp được đào tạo nghề Giám đốc HTX nông nghiệp theo Kế hoạch đào tạo nghề của tỉnh giai đoạn 2022-2025; ưu tiên đào tạo lực lượng cán bộ trẻ, cán bộ nữ tham gia quản lý, điều hành HTX nông nghiệp.
4. Các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế tập thể năm 2025
a) Công tác tuyên truyền: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hợp tác xã năm 2023, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/62022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 02/02/2023 của Chính phủ, Chương trình hành động số 155-CTr/TU ngày 21/11/2022 của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 23/NQ-HĐND ngày 25/7/2023 của HĐND tỉnh, Quyết định số 41/QĐ-UBND ngày 03/02/2023 của UBND tỉnh và các Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể 5 năm 2021-2025 và năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
b) Thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển HTX:
- Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ KTTT, HTX gắn với chuỗi giá trị; đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất, bảo quản và chế biến nông sản. Hình thành các vùng chuyên canh, đa dạng hóa sản phẩm; định hướng các THT, HTX xây dựng phương án sản xuất cụ thể để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, ổn định, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
- Hỗ trợ, xây dựng và hình thành các mô hình liên kết chuỗi trên tất cả các lĩnh vực, tạo điều kiện, hỗ trợ việc tăng cường liên kết về kinh tế giữa các HTX với nhau và giữa HTX với các tổ chức kinh tế khác nhau nhằm huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển, mở rộng phạm vi hoạt động, quy mô sản xuất kinh doanh trên nguyên tắc tự chủ, tự nguyện, cùng có lợi tạo điều kiện cung cấp nguồn đầu vào cho các doanh nghiệp, đồng thời giải quyết khâu tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho sản xuất, tạo điều kiện cho các HTX phát triển thuận lợi.
c) Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT:
- Đổi mới hình thức hoạt động của khu vực KTTT; phát huy tinh thần dân chủ, tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của thành viên trong các tổ chức KTTT; kết hợp động lực kinh tế với động lực tinh thần, khơi dậy phong trào quần chúng nhân dân tham gia phát triển KTTT. Khuyến khích mở rộng thành viên, đa dạng hoá các loại thành viên trong tổ chức KTTT (thành viên chính thức và thành viên liên kết) tùy theo nhu cầu, khả năng đóng góp và mức độ tham gia.
- Tăng cường năng lực quản trị HTX theo hướng công khai, minh bạch thông qua các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước; bồi dưỡng, nâng cao trình độ năng lực quản lý, kinh tế, thương mại, công nghệ cho thành viên, những người tham gia KTTT, HTX.
- Xây dựng mô hình HTX và tổng kết mô hình HTX hoạt động hiệu quả, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, chương trình OCOP nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho thành viên; khuyến khích các tổ chức KTTT, HTX từng bước thực hiện chuyển đổi số nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường và từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm.
- Tăng cường liên kết giữa KTTT với các thành phần kinh tế khác, mà đặc biệt là liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ, sử dụng sản phẩm, dịch vụ, tạo điều kiện cho KTTT hoạt động có hiệu quả.
d) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với KTTT:
- Tiếp tục củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về KTTT, HTX. Tăng cường, nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước; kiện toàn tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã cấp tỉnh và cấp huyện.
- Đào tạo, bồi dưỡng, bố trí công chức chuyên trách đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ được giao quản lý nhà nước về KTTT, HTX khắc phục tình trạng không có đơn vị hoặc cán bộ chuyên trách theo dõi về KTTT.
- Thực hiện có hiệu quả công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về KTTT. Đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với khu vực KTTT. Chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình thực tế hoạt động của KTTT, HTX để tham mưu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX. Tạo điều kiện cho hợp tác xã tham gia thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.
II. Tổ chức thực hiện
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Căn cứ Kế hoạch phát triển KTTT năm 2025, cụ thể hoá các mục tiêu, nhiệm vụ vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của tỉnh để tổ chức triển khai thực hiện.
- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch; định kỳ 6 tháng và cả năm tổng hợp tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KTTT, HTX để báo cáo UBND tỉnh; đồng thời kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này.
2. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu bố trí kinh phí để thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển HTX trong dự toán ngân sách của tỉnh năm 2025.
3. Các Sở quản lý ngành, UBND các huyện, thành phố và Liên minh Hợp tác xã tỉnh trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ quản lý của ngành, địa phương, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển KTTT. Định kỳ 6 tháng và cả năm báo cáo tình hình thực hiện gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh./.
(Đính kèm các Phụ lục Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể năm 2025)
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHỤ LỤC I
TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ NĂM 2024 VÀ KẾ HOẠCH NĂM 2025
(Kèm theo Kế hoạch số 3530/KH-UBND ngày 04/8/2024 của UBND tỉnh Ninh Thuận)
STT | Chỉ tiêu | Đơn vị tính | Thực hiện năm 2023 | Năm 2024 | Kế hoạch năm 2025 | ||
Kế hoạch | Thực hiện 6 tháng | Ước thực hiện cả năm | |||||
I | Hợp tác xã |
|
|
|
|
|
|
1 | Tổng số hợp tác xã hiện có trên địa bàn | HTX | 121 | 122 | 126 | 128 | 132 |
| Trong đó: |
|
|
|
|
|
|
| Số hợp tác xã đang hoạt động | HTX | 121 | 122 | 126 | 128 | 132 |
| Số hợp tác xã thành lập mới | HTX | 15 | 10 | 5 | 10 | 10 |
| Số hợp tác xã giải thể | HTX | 1 | 3 |
| 3 | 6 |
| Số hợp tác xã đạt loại tốt, khá (theo Thông tư số 01/2020/TT- BKHĐT ngày 19/02/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư) | HTX | 61 | 70 |
| 70 | 80 |
| Số HTX ứng dụng công nghệ cao | HTX | 15 | 19 | 16 | 19 | 22 |
| Số HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị | HTX | 37 | 45 | 40 | 45 | 50 |
| Số HTX thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần | HTX | 1 |
|
|
|
|
| Số HTX có thành viên là doanh nghiệp | HTX |
|
|
|
|
|
| Số HTX có thành viên là người nước ngoài | HTX |
|
|
|
|
|
| Số xã đạt chuẩn tiêu chí 13.1 về HTX trong bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới | Xã | 44 | 47 | 44 | 45 | 47 |
2 | Tổng số thành viên hợp tác xã | Người | 19.109 | 19.200 | 19.168 | 19.210 | 19.250 |
| Trong đó: |
|
|
|
|
|
|
| Số thành viên mới | Thành viên | 330 | 340 | 330 | 340 | 350 |
| Số thành viên ra khỏi hợp tác xã | Thành viên |
|
|
|
|
|
3 | Tổng số lao động thường xuyên trong HTX | Người | 635 | 665 | 645 | 650 | 660 |
| Trong đó: |
|
|
|
|
|
|
| Số lao động thường xuyên mới | Người | 235 | 240 | 235 | 240 | 245 |
| Số lao động thường xuyên là thành viên HTX | Người | 400 | 425 | 410 | 410 | 430 |
4 | Tổng số cán bộ quản lý hợp tác xã | Người | 540 | 550 | 540 | 550 | 560 |
| Trong đó: |
|
|
|
|
|
|
| Số cán bộ quản lý HTX đã qua đào tạo đạt trình độ sơ, trung cấp | Người | 190 | 195 | 190 | 195 | 200 |
| Số cán bộ quản lý HTX đã qua đào tạo đạt trình độ cao đẳng, đại học trở lên | Người | 110 | 110 | 110 | 115 | 120 |
5 | Doanh thu bình quân một hợp tác xã | Tr đồng/năm | 2.350 | 2.400 | 2.350 | 2.355 | 2.360 |
| Trong đó: Doanh thu của hợp tác xã với thành viên | Tr đồng/năm | 1.800 | 1.850 | 1.800 | 1.820 | 1.850 |
6 | Lãi bình quân một hợp tác xã | Tr đồng/năm | 230 | 240 | 230 | 233 | 240 |
7 | Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong hợp tác xã | Tr đồng/năm | 60 | 70 | 60 | 61 | 62 |
II | Tổ hợp tác |
|
|
|
|
|
|
1 | Tổng số tổ hợp tác | THT | 915 | 960 | 915 | 920 | 925 |
| Trong đó: |
|
|
|
|
|
|
| Số THT có đăng ký hoạt động với chính quyền xã/phường/thị trấn | THT |
|
|
|
|
|
2 | Tổng số thành viên tổ hợp tác | Thành viên | 9.580 | 9.800 | 9.580 | 9.600 | 9.620 |
| Trong đó: |
|
|
|
|
|
|
| Số thành viên mới thu hút | Thành viên |
|
|
|
|
|
3 | Doanh thu bình quân một tổ hợp tác | Tr đồng/năm | 240 | 250 | 240 | 245 | 250 |
4 | Lãi bình quân một tổ hợp tác | Tr đồng/năm | 61 | 70 | 61 | 62 | 65 |
PHỤ LỤC II
SỐ LƯỢNG HỢP TÁC XÃ, LIÊN HIỆP HỢP TÁC XÃ, TỔ HỢP TÁC PHÂN LOẠI THEO NGÀNH NGHỀ NĂM 2024 VÀ KẾ HOẠCH NĂM 2025
(Kèm theo Kế hoạch số 3530/KH-UBND ngày 04/8/2024 của UBND tỉnh Ninh Thuận)
STT | Chỉ tiêu | Đơn vị tính | Thực hiện năm 2023 | Năm 2024 | Kế hoạch năm 2025 | Ghi chú | |||||
Kế hoạch | Thực hiện 6 tháng | Ước thực hiện cả năm | Ước thực hiện cả năm so với thực hiện 2023 (%) | Kế hoạch | KH năm 2025 so với kế hoạch 2024 (%) | KH năm 2025 so với ước thực hiện 2024 (%) | |||||
1 | HỢP TÁC XÃ |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| Tổng số hợp tác xã | HTX | 121 | 122 | 126 | 128 | 105,8% | 132 | 108,2% | 103,1% |
|
| Chia ra: |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- | Hợp tác xã nông - lâm - ngư - diêm nghiệp | HTX | 92 | 93 | 98 | 101 | 109,8% | 105 | 112,9% | 104,0% |
|
- | Hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp | HTX | 9 | 9 | 8 | 8 | 88,9% | 8 | 88,9% | 100,0% |
|
- | Hợp tác xã xây dựng | HTX |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- | Hợp tác xã tín dụng | HTX | 3 | 3 | 3 | 3 | 100,0% | 3 | 100,0% | 100,0% |
|
- | Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp | HTX | 10 | 10 | 9 | 8 | 80,0% | 8 | 80,0% | 100,0% |
|
- | Hợp tác xã vận tải | HTX | 7 | 7 | 8 | 8 | 114,3% | 8 | 114,3% | 100,0% |
|
- | Hợp tác xã khác | HTX |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2 | LIÊN HIỆP HỢP TÁC XÃ |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| Tổng số LH hợp tác xã | LHHTX |
|
|
|
|
| 1 |
|
|
|
| Chia ra: |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| LH hợp tác xã nông - lâm - ngư - diêm nghiệp | LHHTX |
|
|
|
|
| 1 |
|
|
|
| LH hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp | LHHTX |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| LH hợp tác xã xây dựng | LHHTX |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| LH hợp tác xã tín dụng | LHHTX |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| LH hợp tác xã thương mại | LHHTX |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| LH hợp tác xã vận tải | LHHTX |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| LH hợp tác xã khác | LHHTX |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
3 | TỔ HỢP TÁC |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| Tổng số tổ hợp tác | THT | 915 | 960 | 915 | 920 | 100,5% | 960 | 100% |
|
|
| Chia ra: |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- | Tổ hợp tác nông - lâm - ngư - diêm nghiệp | THT | 915 | 960 | 915 | 920 | 100,5% | 960 | 100% |
|
|
- | Tổ hợp tác công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp | THT |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- | Tổ hợp tác xây dựng | THT |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- | Tổ hợp tác tín dụng | THT |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- | Tổ hợp tác thương mại | THT |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- | Tổ hợp tác vận tải | THT |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- | Tổ hợp tác khác | THT |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
PHỤ LỤC III
NHU CẦU VỐN SỰ NGHIỆP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN KTTT, HTX NĂM 2025
(Kèm theo Kế hoạch số 3530/KH-UBND ngày 04/8/2024 của UBND tỉnh Ninh Thuận)
STT | Chỉ tiêu | Đơn vị tính | Thực hiện 2024 (bao gồm cả chuyển nguồn năm 2023) | Kế hoạch 2025 | Ghi chú | ||||||
Ngân sách trung ương | Ngân sách địa phương | Ngân sách trung ương | Ngân sách địa phương | ||||||||
Kế hoạch | Thực hiện 6 tháng | Thực hiện | Kế hoạch | Thực hiện 6 tháng | Thực hiện | ||||||
| Tổng kinh phí hỗ trợ: | Tr đồng | 1.780,0 | 870,87 | 1.780,0 | 406,32 | 0,85 | 397,62 | 2.745,0 | 408,0 |
|
1 | Thành lập mới, củng cố tổ chức kinh tế tập thể, HTX |
|
|
|
| 13,2 | 0,85 | 4,5 |
| 15 |
|
- | Số hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được hỗ trợ | HTX, LHHTX |
|
|
| 6 | 1 | 6 |
| 6 |
|
- | Tổng kinh phí hỗ trợ | Tr đồng |
|
|
| 13,2 | 0,85 | 4,5 |
| 15 |
|
2 | Nâng cao năng lực, nhận thức cho khu vực KTTT |
|
|
|
|
|
|
| 465 |
|
|
2.1 | Đào tạo |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- | Số người được cử đi đào tạo | Người |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- | Tổng kinh phí hỗ trợ | Tr đồng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2.2 | Bồi dưỡng | Tr đồng |
|
|
|
|
|
| 465 |
|
|
- | Số người được tham gia bồi dưỡng | Người |
|
|
|
|
|
| 240 |
|
|
- | Tổng kinh phí hỗ trợ | Tr đồng |
|
|
|
|
|
| 465 |
|
|
3 | Xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu, tuyên truyền, hỗ trợ về KTTT |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- | Số hợp tác xã được hỗ trợ | HTX |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- | Tổng kinh phí hỗ trợ | Tr đồng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
4 | Hỗ trợ về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường | Tr đồng |
|
|
|
|
|
| 500 |
|
|
- | Số hợp tác xã được hỗ trợ | HTX |
|
|
|
|
|
| 20 |
|
|
- | Tổng kinh phí hỗ trợ | Tr đồng |
|
|
|
|
|
| 500 |
|
|
5 | Hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm | Tr đồng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- | Số hợp tác xã được hỗ trợ | HTX |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- | Tổng kinh phí hỗ trợ | Tr đồng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
6 | Hỗ trợ lương lao động trẻ | Tr đồng | 1.780,0 | 870,87 | 1.780,0 | 393,12 |
| 393,12 | 1.780,0 | 393,0 |
|
- | Số hợp tác xã được hỗ trợ | HTX | 22 | 22 | 22 | 6 |
| 6 | 22 | 6 |
|
- | Tổng kinh phí hỗ trợ | Tr đồng | 1.780 | 870,87 | 1.780 | 393,12 |
| 393,12 | 1.780 | 393 |
|
[1] Gồm: HTX Liên minh vận tải 85 - TP. PR-TC; HTX Dịch vụ nông sản Phước Huy, HTX Đầu tư và phát triển miền Chapi - huyện Bác Ái và HTX Chế biến thủy sản Cà Ná - huyện Thuận Nam; HTX Sản xuất thương mại dịch vụ nông nghiệp An Phước - huyện Ninh Phước.
[2] Trong đó có 109/126 HTX, chiếm 86,50% hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và ngành nghề nông thôn.
[3] Gồm: TP PR-TC: 490 THT; Huyện: Thuận Nam 137 THT, Ninh Hải 53 THT, Thuận Bắc 100 THT, Bác Ái 30 THT, Ninh Sơn 27 THT, Ninh phước: 78 THT.
[4] Gồm: TP PR-TC: 3.132 TV; Huyện: Thuận Nam 319 TV, Ninh Hải 374 TV, Thuận Bắc 81 TV, Bác Ái 414 TV, Ninh Sơn 415 TV, Ninh phước: 8.236 TV và 03 Quỹ tín dụng nhân có 6.197 TV.
[5] Gồm: TP PR-TC: 3.263 TV; Huyện: Thuận Nam 2.540 TV, Ninh Hải 442 TV, Thuận Bắc 1.500 TV, Bác Ái 100 TV, Ninh Sơn 185 TV, Ninh phước: 1.550 TV.
[6] Tổ chức lại Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Ninh Thuận thành Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể tỉnh Ninh Thuận (Quyết định số 355/QĐ-UBND ngày 29/03/2024 của UBND tỉnh); Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể tỉnh Ninh Thuận (Quyết định số 646/QĐ-BCĐ ngày 03/6/2024 của Ban Chỉ đạo);
[7] Gồm: UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Hội Nông dân tỉnh tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030 (Quyết định số 528/QĐ-UBND ngày 13/5/2024); Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 39/2023/NQ-HĐND ngày 12/12/2023 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2024-2028 (Kế hoạch số 1132/KH-UBND ngày 15/3/2023 của UBND tỉnh); Kế hoạch tổ chức Hội nghị gặp mặt, trao đổi tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và kết nối tín dụng cho các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh (Kế hoạch số 857/KH-UBND ngày 28/02/2024 của UBND tỉnh); Công văn số 833/UBND-KTTH ngày 27/02/2024 và Công văn số 2130/UBND-KTTH ngày 16/5/2024 của UBND tỉnh.
[8] Trong đó: huyện Ninh Hải, Quyết định số 553/QĐ-UBND ngày 29/05/2024 về việc kiện toàn Ban Phát triển kinh tế tập thể huyện Ninh Hải và Chương trình công tác số 3679/CTR-UBND ngày 19/06/2024; huyện Ninh Phước, Quyết định số 665/QĐ-UBND ngày 31/05/2024 về việc Kiện toàn Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể huyện Ninh Phước; huyện Thuận Nam, Kế hoạch số 81/KH-BPT ngày 14/6/2024 Triển khai nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2024 của Ban Phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã huyện Thuận Nam.
[9] Về phóng sự: HTX tổng hợp Sơn Phát - HTX của người nghèo; Xây dựng NTM nâng cao đời sống nhân dân; Các hợp tác xã ở huyện Bác Ái cần sự hỗ trợ để phát triển; Huyện Ninh Sơn phát huy sức trẻ trong xây dựng NTM Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2025 doanh thu bình quân của HTX nông nghiệp đạt từ 03 tỷ đồng/năm; Phát huy vai trò của mặt trận trong xây dựng NTM; Lấn cát tạo sinh kế cho người dân thôn Xóm Bằng; Liên kết thúc đẩy chuyển đổi cây trồng nâng cao thu nhập cho nông dân; Phụ nữ Raglai xã Phước Bình khẳng định vai trò trong xây dựng NTM; Liên kết sản xuất trong xây dựng NTM; Xã Mỹ Sơn mở rộng các chuỗi liên kết sản xuất nâng cao thu nhập cho nông dân; Người dân Ninh Thuận chung tay xây dựng nông thôn mới; Ninh Thuận phát triển diện tích măng tây theo hướng hữu cơ để hướng đến xuất khẩu…
[10] Công văn 787/SNNPTNT-CCPTNT ngày 11/3/2024 của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Ninh Thuận.
[11] Gồm: (1) HTX Dịch vụ Tổng hợp Tuấn Tú; (2) HTX Điều hữu cơ Truecoop; (3) HTX Sản xuất và Thương mại Nông nghiệp An Xuân; (4) HTX Nho Evergreen Ninh Thuận; (5) HTX Vật tư Nông nghiệp Phước Nam; (6) HTX Thương mại - Dịch vụ - Nông nghiệp sạch Lợi Hải; (7) HTX Dịch vụ và Chăn nuôi Nhơn Sơn.
[12] Quyết định số 41/QĐ-UBND ngày 03/02/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 155-CTr/TU ngày 21/11/2022 của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 78-KH/BCSĐ ngày 24/01/2023 của Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
[13] Gồm: HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, HTX Gốm chăm Bàu Trúc, HTX Sản xuất và Thương mại Nông nghiệp An Xuân và HTX Nho Evergreen Ninh Thuận.
[14] Gồm: HTX SX&TM NN An Xuân, với kinh phí hỗ trợ 1.252 triệu đồng và HTX Dịch vụ Tổng hợp Tuấn Tú, với kinh phí hỗ trợ 1.590 triệu đồng.
[15] Trong đó: Kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 110 triệu đồng, đơn vị thụ hưởng 164,32 triệu đồng.
- 1Kế hoạch 48/KH-UBND năm 2024 phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Bắc Giang năm 2025
- 2Kế hoạch 166/KH-UBND năm 2024 phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2025 trên địa bàn thành phố Cần Thơ
- 3Kế hoạch 248/KH-UBND năm 2024 về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
- 4Kế hoạch 295/KH-UBND năm 2024 phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2025
Kế hoạch 3530/KH-UBND năm 2024 phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- Số hiệu: 3530/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 04/08/2024
- Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
- Người ký: Trịnh Minh Hoàng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 04/08/2024
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định