Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 350/KH-UBND | Gia Lai, ngày 01 tháng 03 năm 2022 |
Thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Gia Lai ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 với những nội dung sau:
1. Mục tiêu tổng quát.
a) Tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế với mức tăng trưởng cao, đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt.
b) Ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0 để nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu thanh toán một cách thuận tiện, hiệu quả của tổ chức, cá nhân.
c) Đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng và hiệu quả quản lý giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước, minh bạch hóa các giao dịch thanh toán trong nền kinh tế, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tội phạm kinh tế, phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.
2. Mục tiêu cụ thể đến cuối năm 2025.
a) Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20 - 25%/năm.
b) Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50 - 80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80 - 100%/năm.
c) Tốc độ tăng trưởng bình quân số lượng và giá trị giao dịch qua kênh internet đạt 35 - 40%/năm.
c) Tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%.
d) Từ 90 - 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; từ 90 - 100% các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn đô thị triển khai thanh toán học phí trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
e) 60% các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
g) 60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Giải pháp về cơ chế, chính sách.
Chỉ đạo, đôn đốc các sở, ban, ngành, đơn vị thuộc tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai kịp thời các cơ chế chính sách về thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương, cụ thể:
a) Cơ chế, chính sách khuyến khích thanh toán điện tử trong việc thu, nộp thuế; giao dịch thương mại điện tử; thu phí, lệ phí, thủ tục hành chính; thanh toán cước, phí cho các dịch vụ thường xuyên, định kỳ như: Điện, nước, điện thoại, internet, truyền hình cáp; thanh toán tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố, thị xã; chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn thành phố, thị xã; thanh toán học phí thanh toán học phí trực tuyến; triển khai ứng dụng công nghệ thanh toán điện tử mới; khuyến khích các cơ sở bán lẻ hàng hóa, dịch vụ chấp nhận và sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử và hỗ trợ khách hàng thực hiện các giao dịch thanh toán điện tử trong quá trình mua bán hàng hóa, dịch vụ không phân biệt giữa thanh toán bằng tiền mặt với các phương tiện thanh toán điện tử.
b) Các cơ chế, chính sách về phí dịch vụ thanh toán để khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; quy định mức phí thanh toán chuyển khoản và mức phí nộp, rút tiền mặt tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo hướng tăng mức phí giao dịch tiền mặt và giảm phí thanh toán không dùng tiền mặt; giảm mức phí áp dụng cho các giao dịch thanh toán liên ngân hàng; quy định về cách thức tính phí, cơ cấu phân bổ phí của các tổ chức vận hành các hệ thống thanh toán, đảm bảo mức phí hợp lý, tạo lập thị trường cạnh tranh bình đẳng, tránh độc quyền.
c) Cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt kết hợp với việc tăng cường kiểm soát thanh toán, phát hành hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ, chống thất thu thuế; các quy định về tính pháp lý của chứng từ điện tử, hướng dẫn sử dụng, lưu trữ chứng từ điện tử.
d) Chính sách về đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật, phòng, chống rửa tiền, phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thanh toán điện tử, đặc biệt là tội phạm và gian lận trong thanh toán thẻ, thanh toán qua ATM, POS, thanh toán qua internet, điện thoại di động, thanh toán không tiếp xúc và các phương thức thanh toán sử dụng công nghệ cao; tăng cường cập nhật và áp dụng các biện pháp tiên tiến bảo đảm an ninh, an toàn cho các hệ thống thanh toán điện tử quan trọng, các dịch vụ thanh toán dựa trên công nghệ cao.
đ) Các cơ chế, chính sách khác có liên quan.
a) Hệ thống ngân hàng trên địa bàn tiếp tục thực hiện nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (IBPS) và hệ thống thanh toán bù trừ điện tử tự động cho các giao dịch thanh toán bán lẻ (ACH) theo chỉ đạo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hệ thống ngân hàng cấp trên, nhằm đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
b) Hoàn thiện, nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi (Core Banking), hệ thống thanh toán nội bộ của các ngân hàng và các hệ thống thanh toán khác, đảm bảo kết nối, tích hợp với các hệ thống thanh toán quan trọng, hạ tầng kỹ thuật của các tổ chức cung ứng dịch vụ công và các hệ thống khác để cung ứng dịch vụ thanh toán một cách thuận tiện, hiệu quả cho tổ chức, cá nhân.
3. Phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0.
a) Nghiên cứu, ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0 để phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên nền tảng số hóa, đảm bảo an toàn, bảo mật, mang lại sự thuận tiện cho người sử dụng.
- Tận dụng hạ tầng, dữ liệu, mạng lưới viễn thông, giảm các chi phí xã hội để phát triển, mở rộng kênh thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo gắn với việc triển khai dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile - Money); tổng kết, đánh giá, đề xuất xử lý phù hợp đối với dịch vụ Mobile - Money.
- Tiếp tục phát triển (cả về số lượng và chất lượng) kết hợp với sắp xếp hợp lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả mạng lưới POS trên địa bàn tỉnh; phát triển mạng lưới POS dùng chung, thanh toán POS trên thiết bị di động (mPOS); tăng cường chấp nhận thanh toán thẻ trong cáo giao dịch thanh toán trực tuyến; mở rộng ra các cơ sở y tế, bệnh viện, trường học...
- Đẩy mạnh ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động như: Thanh toán qua QR Code, mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán di động (Mobile Payment), thanh toán phi tiếp xúc (Contactless), ví điện tử.
- Khuyến khích đầu tư phát triển, sắp xếp hợp lý và gia tăng chức năng, tiện ích trên các thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ (ATM, POS) với các hình thức phù hợp, hiệu quả.
- Tiếp tục phát triển dịch vụ thẻ ngân hàng, cung ứng các dịch vụ gia tăng khác; tập trung triển khai hoàn thành chuyển đổi thẻ ngân hàng từ thẻ từ sang thẻ chip, đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán thẻ, gia tăng dịch vụ, tạo thuận lợi kết nối với các hệ thống thanh toán khác.
b) Phát triển thanh toán điện tử trong thương mại điện tử.
- Tiếp tục đầu tư và mở rộng mạng lưới ATM, máy POS tới khu vực có đủ điều kiện; yêu cầu và giám sát các tổ chức cung ứng các dịch vụ thanh toán trên địa bàn thường xuyên duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ ATM, máy POS.
- Tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn, bảo mật trong giao dịch ATM, làm tốt công tác chăm sóc khách hàng; giải quyết phản ánh khiếu nại tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, bảo vệ lợi ích của khách hàng.
- Khuyến khích người dân, doanh nghiệp, tổ chức liên quan sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động thương mại điện tử; chú trọng phát triển các tiện ích thanh toán trên thiết bị di động (như: QR Code, mã hóa thông tin thẻ, thanh toán di động, thanh toán phi tiếp xúc, ví điện tử) để thúc đẩy thương mại điện tử phát triển.
c) Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Đẩy mạnh phát triển, ứng dụng các phương tiện và mô hình thanh toán/chuyển tiền hiện đại, dễ sử dụng và phù hợp với điều kiện ở nông thôn vùng sâu, vùng xa (thanh toán qua điện thoại di động, thiết bị kỹ thuật số...) nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở những khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và cả đối với những đối tượng chưa có tài khoản ngân hàng, trên cơ sở sử dụng mạng lưới sẵn có của các tổ chức tín dụng, mạng lưới bưu điện, mạng lưới của các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, một số tổ chức không phải ngân hàng khác.
4. Đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ hành chính công.
a) Tăng cường kết nối xử lý giải pháp trao đổi thông tin dữ liệu giữa các cơ quan: Kho bạc Nhà nước, Cục Thuế, Cục Hải quan với hệ thống ngân hàng để đáp ứng tốt hơn yêu cầu phối hợp thu ngân sách nhà nước bằng phương thức điện tử; nhất là, thu, nộp thuế điện tử để hỗ trợ công tác quản lý, thu thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức và người dân thực hiện đa dạng, linh hoạt các dịch vụ thanh toán điện tử trong việc thu, nộp thuế điện tử.
b) Triển khai lắp đặt thiết bị POS, mPOS, ứng dụng phương thức thanh toán điện tử tiên tiến đối với các đơn vị hành chính, sự nghiệp công để thực hiện việc thu phí, lệ phí các thủ tục hành chính, nhằm đơn giản hóa thủ tục và tạo điều kiện thanh toán điện tử đối với các khoản phí, lệ phí, thanh toán hóa đơn điện, nước, học phí, viện phí và các dịch vụ công khác.
c) Phát triển và ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán điện tử phục vụ chi tiêu công vụ của các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh.
d) Tăng tỷ lệ chi trả trợ cấp an sinh xã hội, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp thông qua các phương tiện thanh toán điện tử; tài khoản thanh toán cho các đối tượng thụ hưởng, kết hợp với mở rộng các điểm tiếp cận tiền mặt (bưu điện, đại lý).
e) Tiếp tục mở rộng triển khai việc trả lương, thu nhập qua tài khoản, có các biện pháp vận động, khuyến khích để cán bộ, công chức, người lao động tăng cường sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt thông qua tài khoản (thực hiện chuyển khoản trực tiếp trên máy ATM, sử dụng thanh toán qua POS và sử dụng các dịch vụ thanh toán hiện đại khác).
a) Tăng cường cơ chế hợp tác, phối hợp, trao đổi thông tin giữa Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh với Công an tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan để kịp thời phát hiện, phòng ngừa, điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thanh toán; chia sẻ thông tin về tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm trong hoạt động thanh toán để kịp thời cảnh báo, khuyến nghị với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, người sử dụng dịch vụ nhằm ngăn chặn, phòng ngừa nguy cơ lợi dụng hoạt động thanh toán cho các hoạt động bất hợp pháp.
b) Tiếp tục cập nhật, triển khai áp dụng các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế, giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật; ngăn ngừa rủi ro phát sinh, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ.
c) Thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát, phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử, trung gian thanh toán, đảm bảo hoạt động thanh toán an toàn, hiệu quả.
a) Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn về thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử.
- Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng địa phương, để tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, đào tạo, hướng dẫn về thanh toán không dùng tiền mặt đến người dân, doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp, thiết thực, hiệu quả. Đặc biệt, chú trọng nội dung dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, có tính lan tỏa trong cộng đồng, hướng tới nhóm đối tượng mục tiêu như người dân vùng sâu, vùng xa, nông thôn, hải đảo, người yếu thế trong xã hội, người chưa có tài khoản ngân hàng, học sinh, sinh viên, trẻ em, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, người tiêu dùng ít có cơ hội tiếp xúc công nghệ,... qua đó giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
- Tăng cường đào tạo cho cán bộ; nhân viên của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán để có kỹ năng hướng dẫn khách hàng hiểu và sử dụng các dịch vụ, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.
- Áp dụng các hình thức thi đua, khen thưởng, vinh danh, xếp hạng, đánh giá doanh nghiệp bán lẻ để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt; vận động các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ có các hình thức khuyến khích như miễn giảm phí, chiết khấu, khuyến mại, tích điểm, quay xổ số, bốc thăm trúng thưởng... đối với người tiêu dùng.
- Sử dụng mạng xã hội (facebook, fanpage, zalo...), các điểm bưu điện - văn hóa xã... tại các khu vực nông thôn, miền núi để tuyên truyền, phổ biến kiến thức, hướng dẫn về thanh toán không dùng tiền mặt.
b) Bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán không dùng tiền mặt.
- Tăng cường cơ chế hợp tác, phối hợp, trao đổi thông tin giữa Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh với Công an tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan giải quyết tranh chấp phát sinh nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, đặc biệt bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tài chính, bảo đảm tính nghiêm minh, răn đe, cảnh báo từ xa và phòng ngừa các rủi ro, tranh chấp phát sinh từ hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.
- Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng địa phương, để tăng cường tuyên truyền, giáo dục về các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử đối với người sử dụng dịch vụ; phối hợp giải đáp thắc mắc, xử lý khiếu nại nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng; xây dựng cẩm nang về thanh toán không dùng tiền mặt cho khách hàng.
1. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh.
Chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các chi nhánh Ngân hàng Thương mại trên địa bàn:
- Nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật về hoạt động thanh toán nói chung, thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng; tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.
- Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển bố trí hợp lý mạng lưới ATM, POS đảm bảo hoạt động thông suốt, hiệu quả. Triển khai lắp đặt thiết bị POS, mPOS, ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán điện tử mới tại các đơn vị hành chính, sự nghiệp công để thực hiện việc thu phí, lệ phí các thủ tục hành chính, dịch vụ công, y tế, giáo dục, giao thông và các dịch vụ công khác.
- Tiếp cận và phát triển dịch vụ thẻ đối với khách hàng, từng bước sắp xếp phù hợp mạng lưới ATM, POS ở khu vực nông thôn.
- Tiếp tục đào tạo cán bộ, nhân viên để có kiến thức, kỹ năng hướng dẫn khách hàng nắm bắt và sử dụng hiệu quả các dịch vụ, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.
- Tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn và bảo mật trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các hoạt động thanh toán của các ngân hàng thương mại trên địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền.
- Vận động, khuyến khích các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán, các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ có các hình thức miễn, giảm phí, khuyến mãi, giảm giá... đối với khách hàng khi sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán hàng hóa, dịch vụ.
Đơn vị phối hợp: Các chi nhánh Ngân hàng Thương mại trên địa bàn.
Thời gian thực hiện: Năm 2021-2025.
- Phối hợp với đơn vị liên quan khuyến khích các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ có các hình thức động viên, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
- Phối hợp với đơn vị có liên quan hướng dẫn các đơn vị bán lẻ hàng hoá dịch vụ thuộc đối tượng quản lý chấp nhận, sử dụng phương tiện thanh toán điện tử và hỗ trợ khách hàng thực hiện các dịch vụ thanh toán điện tử khi có giao dịch.
- Có chính sách thúc đẩy, phát triển, khuyến khích sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động thương mại điện tử.
- Giải quyết phản ánh khiếu nại tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử.
- Khuyến khích, vận động các khách hàng là cá nhân, hộ gia đình chấp nhận và sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, giảm sử dụng tiền mặt trong các giao dịch thanh toán với đơn vị.
Đơn vị phối hợp: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh; các chi nhánh Ngân hàng Thương mại và các đơn vị liên quan.
Thời gian thực hiện: Năm 2021-2025.
- Tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng thanh toán điện tử phục vụ chi tiêu công.
- Tiếp tục mở rộng việc chi trả lương cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách.
Đơn vị phối hợp: UBND huyện, thị xã, thành phố; Sở Tài chính; các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan; các chi nhánh Ngân hàng Thương mại.
Thời gian thực hiện: Năm 2021-2025.
- Triển khai phương thức nộp thuế điện tử đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với Công an tỉnh để tiến hành thu thuế điện tử đối với thuế trước bạ ô tô, xe máy.
Đơn vị phối hợp: Công an tỉnh; các chi nhánh Ngân hàng Thương mại và các đơn vị liên quan.
Thời gian thực hiện: Năm 2021-2025.
- Tiếp tục phối hợp với Kho bạc Nhà nước tỉnh đẩy mạnh việc thanh toán điện tử phục vụ chi tiêu công.
- Phối hợp thanh toán điện tử của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử với hạ tầng của các cơ quan Thuế, Hải quan, Kho bạc.
Đơn vị phối hợp: Kho bạc Nhà nước tỉnh, Cục Thuế, Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum và các chi nhánh Ngân hàng Thương mại.
Thời gian thực hiện: Năm 2021-2025.
- Thực hiện thu bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế thông qua các phương tiện thanh toán điện tử; đẩy mạnh kết nối với kho bạc nhà nước, các ngân hàng thương mại thực hiện thu/chi trả bảo hiểm xã hội; chi trả trợ cấp xã hội, lương hưu vào tài khoản cho các đối tượng thụ hưởng.
- Thúc đẩy thanh toán điện tử trong các chương trình trợ cấp an sinh xã hội, chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp.
Đơn vị phối hợp: Kho bạc Nhà nước tỉnh; các chi nhánh Ngân hàng Thương mại; Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và các đơn vị liên quan.
Thời gian thực hiện: Năm 2021-2025.
7. Sở Y tế: Chỉ đạo các cơ sở y tế, bệnh viện phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện chi tiêu công, thu viện phí,...bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Đơn vị phối hợp: Kho bạc Nhà nước tỉnh; Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh; các chi nhánh Ngân hàng Thương mại và các đơn vị liên quan.
Thời gian thực hiện: Năm 2021-2025.
8. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chỉ đạo các cơ sở đào tạo, trường học phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn đẩy mạnh phát triển các hình thức thẻ học đường để thu học phí, các dịch vụ và các khoản chi tiêu công bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Đơn vị phối hợp: Kho bạc Nhà nước tỉnh; Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh; các chi nhánh Ngân hàng Thương mại và các đơn vị liên quan.
Thời gian thực hiện: Năm 2021-2025.
9. Sở Giao thông vận tải: Chỉ đạo các đơn vị thuộc đối tượng quản lý phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn phát triển các loại thẻ phi vật lý, thẻ không tiếp xúc để thu phí cầu đường, mua xăng dầu, mua vé xe buýt, đi taxi,...
Đơn vị phối hợp: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh; các chi nhánh Ngân hàng Thương mại và các đơn vị liên quan.
Thời gian thực hiện: Năm 2021-2025.
- Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh và các ngân hàng thương mại trên địa bàn trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn, phát hiện phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thanh toán điện tử.
- Phối hợp Kho bạc Nhà nước tỉnh thu các khoản nộp phạt theo biên bản phạt vi phạm qua các ngân hàng thương mại.
- Phối hợp Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông tuyên truyền biện pháp nhận biết rủi ro, cách phòng tránh và xử lý khi bị lợi dụng trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đến người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng .
Đơn vị phối hợp: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh; các chi nhánh ngân hàng thương mại; Kho bạc Nhà nước tỉnh; Sở Thông tin và Truyền thông.
Thời gian thực hiện: Năm 2021-2025.
11. Sở Thông tin và Truyền thông.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tấn, báo chí tại địa phương thực hiện các chuyên mục, chuyên trang, chuyên đề tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, chỉ đạo của Trung ương và địa phương về thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh.
- Gắn phát triển thanh toán không dùng tiền mặt với chương trình xây dựng chính quyền điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thu ngân sách, thu phí dịch vụ công và chi tiêu công của các cơ quan nhà nước.
- Tổ chức tuyên truyền, vận động, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thay đổi dần thói quen sử dụng tiền mặt, tăng cường sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.
- Phối hợp Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh và Công an tỉnh cập nhật biện pháp nhận biết rủi ro, cách phòng tránh và xử lý khi bị lợi dụng trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt để phổ biến đến người tiêu dùng trên các phương tiện thông tin đại chúng .
Đơn vị phối hợp: Các sở, ban, ngành có liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố; Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh; các chi nhánh ngân hàng thương mại; Kho bạc Nhà nước tỉnh; Công an tỉnh.
Thời gian thực hiện: Năm 2021-2025.
12. Các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố.
- Quán triệt nội dung kế hoạch đến các đơn vị trực thuộc, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và doanh nghiệp, người dân trên địa bàn.
- Có chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện để các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh bán lẻ, người dân phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong: Thanh toán, chi tiêu công, thu phí dịch vụ công, chi trả trợ cấp xã hội, lương hưu, mở rộng việc trả lương, thu nhập qua tài khoản; khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tăng cường sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
- Phối hợp các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn mở rộng lắp đặt, ứng dụng thiết bị thanh toán điện tử tại các cơ quan, đơn vị để thu phí dịch vụ công.
- Đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; tăng cường kết nối giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán với Cổng dịch vụ công Quốc gia, hệ thống một cửa điện tử của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị.
Đơn vị phối hợp: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh; các chi nhánh Ngân hàng Thương mại; Kho bạc Nhà nước tỉnh và các đơn vị liên quan.
Thời gian thực hiện: Năm 2021-2025.
Căn cứ nhiệm vụ được phân công tại Mục III Kế hoạch này, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện đạt mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ánh về Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết kịp thời.
Trước ngày 20 tháng 11 hàng năm, các đơn vị gửi báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh để theo dõi, tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
Yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
- 1Kế hoạch 216/KH-UBND năm 2022 thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025
- 2Kế hoạch 1466/KH-UBND năm 2022 về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025
- 3Kế hoạch 86/KH-UBND năm 2022 thực hiện Quyết định 1813/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố Cần Thơ
- 1Quyết định 1813/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Kế hoạch 216/KH-UBND năm 2022 thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025
- 3Kế hoạch 1466/KH-UBND năm 2022 về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025
- 4Kế hoạch 86/KH-UBND năm 2022 thực hiện Quyết định 1813/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố Cần Thơ
Kế hoạch 350/KH-UBND năm 2022 thực hiện Quyết định 1813/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai
- Số hiệu: 350/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 01/03/2022
- Nơi ban hành: Tỉnh Gia Lai
- Người ký: Hồ Phước Thành
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 01/03/2022
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra