Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 35/KH-UBND

Hưng Yên, ngày 27 tháng 02 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM TỈNH HƯNG YÊN NĂM 2024

Thực hiện Quyết định số 266/QĐ-BYT ngày 02/02/2024 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch phòng chống bệnh dịch truyền nhiễm năm 2024 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU CHUNG

Giảm tối đa tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm đảm bảo kiểm soát kịp thời, hiệu quả, bền vững các dịch bệnh truyền nhiễm, hạn chế nguy cơ bùng phát và chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai để bảo vệ sức khỏe Nhân dân và tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội.

II. MỤC TIÊU CỤ THỂ

1. Nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp chính quyền trong công tác chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Bảo đảm hiệu quả hoạt động phối hợp liên ngành trong triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, kiểm tra, giám sát các hoạt động tại địa phương.

2. Giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm tất cả các trường hợp mắc/nghi mắc bệnh truyền nhiễm; đáp ứng nhanh, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch, giảm số mắc và tử vong các bệnh truyền nhiễm; sẵn sàng các phương án phòng chống các bệnh dịch nguy hiểm mới nổi tái nổi (Ebola, MERS-CoV, Bạch hầu, Đậu mùa khỉ...) xâm nhập vào địa bàn tỉnh; kiểm soát hiệu quả bệnh lây truyền từ động vật sang người.

3. Đẩy mạnh phân tuyến điều trị, thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong, biến chứng và giảm quá tải bệnh viện.

4. Tăng cường công tác thông tin truyền thông phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và nâng cao sức khỏe tại cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của nhân dân và chủ động tham gia phòng, chống dịch. Có biện pháp kịp thời xử lý nghiêm với những trường hợp không chấp hành các quy định, làm lây lan dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

5. Thường xuyên củng cố hệ thống giám sát dịch: Giám sát thường xuyên chủ động, ghi nhận, phân tích, phiên giải số liệu về bệnh truyền nhiễm báo cáo nhận định tình hình kịp thời; cảnh báo được nguy cơ của dịch bệnh; tổ chức xử lý các tình huống dịch bệnh theo quy định.

6. Đảm bảo nguồn lực, kinh phí, phương tiện, trang thiết bị, thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm sẵn sàng đáp ứng kịp thời với các tình huống về dịch bệnh tại các tuyến (đặc biệt tuyến y tế cơ sở). Nâng cao năng lực các xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây bệnh của phòng xét nghiệm của các đơn vị được giao nhiệm vụ.

7. Đảm bảo triển khai hiệu quả các hoạt động tiêm phòng vắc xin đối với bệnh truyền nhiễm có vắc xin theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế.

III. CÁC CHỈ TIÊU CHÍNH

1. 100% bệnh, dịch bệnh mới phát sinh được phát hiện và xử lý kịp thời, không để lây lan. Đảm bảo chất lượng công tác báo cáo bệnh truyền nhiễm trong hệ thống y tế trên toàn tỉnh.

2. 100% cán bộ làm công tác phòng chống dịch được đào tạo, đào tạo lại, tập huấn về các bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi.

3. 100% cán bộ làm công tác thống kê báo cáo bệnh truyền nhiễm được tập huấn về giám sát, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm.

4. 100% nhân viên y tế làm việc tại các khoa khám bệnh, khoa Nội, Truyền nhiễm được tập huấn về kiểm soát nhiễm khuẩn, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị.

5. Duy trì thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, sốt rét.

6. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi đạt ≥ 95% quy mô cấp xã.

7. Chỉ tiêu cụ thể đối với một số bệnh truyền nhiễm:

- Các bệnh Ebola, MERS-CoV, cúm A (H7N9): Hạn chế tối đa dịch bệnh xâm nhập và lây lan trên địa bàn tỉnh.

- Các bệnh cúm A (H5N1), cúm A (H5N6) và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi khác: 100% ổ dịch được phát hiện, xử lý kịp thời, không để bùng phát trong cộng đồng, cơ sở y tế.

- COVID-19, Đậu mùa khỉ: Hạn chế tối đa số ca bệnh nặng, tử vong.

- Bệnh sốt xuất huyết: Số mắc/100.000 dân: giảm 5% so với năm 2023, không có trường hợp tử vong.

- Bệnh dại: Không có ca mắc trên địa bàn tỉnh.

- Bệnh tay chân miệng: Số mắc/100.000 dân giảm 5% so với năm 2023, không có trường hợp tử vong.

- Bệnh tả: 100% ổ dịch được phát hiện, xử lý kịp thời, không để lây lan trong cộng đồng.

- Bệnh sởi, rubella: Tỷ lệ mắc: <5/100.000 dân, không có trường hợp tử vong.

- Bệnh ho gà, bạch hầu, viêm não Nhật bản B và các bệnh truyền nhiễm khác trong Chương trình tiêm chủng mở rộng: giảm 5% so với năm 2023.

IV. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tổ chức, chỉ đạo, điều hành

- Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về y tế dự phòng, y tế cơ sở theo chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó khẩn trương triển khai Nghị quyết 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; Chỉ thị 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới; Nghị quyết số 99/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội và Nghị quyết số 218/NQ-CP ngày 18/12/2023 của Chính phủ về Kế hoạch triển khai thi hành Nghị quyết số 99/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội và các nghị quyết của Chính phủ đảm bảo vắc xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng.

- Tổ chức triển khai sớm, kịp thời, hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024; chỉ đạo thường xuyên, kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên cơ sở theo dõi chặt chẽ, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới với quan điểm phòng bệnh từ xa, từ sớm, ngay từ cơ sở; chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trong mùa lễ hội đầu năm và tại các sự kiện chính trị, văn hóa - xã hội; phòng, chống dịch trong và sau thiên tai, bão lụt và các chương trình cộng đồng chung tay phòng, chống dịch.

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh; xác định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của y tế cơ sở; củng cố, nâng cao năng lực của hệ thống phòng, chống dịch các tuyến, huy động sự tham gia của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội trong phòng, chống dịch.

- Tăng cường phối hợp giữa ngành Y tế với các địa phương để triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; đẩy mạnh phối hợp giữa ngành Y tế và các ngành: Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động: (1) vệ sinh phòng bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, cung cấp đủ nước uống, nước sạch và thường xuyên vệ sinh môi trường tại các cơ sở giáo dục, các trường học; tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của học sinh, cán bộ, giáo viên về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh (2) phòng, chống dịch bệnh trên các đàn gia súc, gia cầm, giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch ở động vật để xử lý triệt để ổ dịch và phòng, chống dịch bệnh lây từ động vật, thực phẩm sang người.

- Tăng cường xã hội hóa công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, ý nhằm phát huy được hiệu quả cao nhất trong phòng chống dịch bệnh.

2. Các hoạt động chuyên môn kỹ thuật

2.1. Công tác dự phòng

2.1.1. Công tác dự phòng, giám sát, kiểm soát bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm

- Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; thường xuyên phân tích, đánh giá, dự báo tình hình dịch; chuẩn bị sẵn sàng các phương án bảo đảm công tác y tế với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh;

- Rà soát cập nhật các hướng dẫn giám sát phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế. Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các huyện, thị xã, thành phố, các tuyến chuyên môn tham gia công tác giám sát, xử lý ổ dịch và phòng, chống dịch bệnh tại địa phương;

- Kiểm tra, rà soát các trang thiết bị, máy móc, phương tiện phục vụ công tác phòng chống dịch tại các tuyến, chủ động bổ sung và sẵn sàng kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện, kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống khi có dịch xảy ra;

- Đẩy mạnh hoạt động giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng tới các địa phương, đơn vị (đặc biệt trong các doanh nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, nới tập trung đông người...) nhằm phát hiện, xác minh sớm có đánh giá và triển khai các đáp ứng phòng chống dịch nhất các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, dịch bệnh mới xuất hiện;

- Thực hiện sớm, kịp thời các hoạt động đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm theo Thông tư số 17/2019/TT-BYT ngày 17/7/2019 của Bộ Y tế về hướng dẫn giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đảm bảo chất lượng chế độ báo cáo bệnh truyền nhiễm theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc Hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm (viết tắt là Thông tư số 54/2015/TT-BYT).

- Tăng cường năng lực xét nghiệm xác định nguyên nhân, tác nhân gây dịch bệnh tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các đơn vị được giao nhiệm vụ; phối hợp với Viện VSDT Trung ương chuyển giao kỹ thuật xét nghiệm, hỗ trợ năng lực xét nghiệm cho tuyến dưới.

2.1.2. Công tác tiêm chủng

- Xây dựng kế hoạch tiêm chủng mở rộng căn cứ trên nhu cầu đề xuất của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; triển khai tiêm chủng cho các đối tượng trong chương trình tiêm chủng mở rộng, thường xuyên rà soát đối tượng và tổ chức tiêm vét các loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng, bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng các loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng; tăng cường kiểm tra giám sát, nâng cao tỷ lệ tiêm chủng. Triển khai rà soát, đăng ký nhu cầu vắc xin, tiếp nhận và tổ chức tiêm bổ sung vắc xin phòng COVID-19 cho các nhóm đối tượng, đặc biệt là nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, người mắc bệnh lý nền, phụ nữ mang thai,.v.v..

- Tăng cường chất lượng công tác quản lý thông tin tiêm chủng; theo dõi, giám sát, tổng hợp, thực hiện việc chia sẻ thông tin, phân tích các trường hợp tai biến nặng sau tiêm theo quy định của hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin của Việt Nam (NRA).

2.1.3. Công tác xét nghiệm và an toàn sinh học

- Thường xuyên cập nhật các hướng dẫn chuyên môn và thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế về đảm bảo an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm.

- Tổ chức thực hiện việc quản lý mẫu bệnh phẩm có chứa hoặc có khả năng chứa các tác nhân gây bệnh cho người, các chủng vi sinh vật gây bệnh cho người

2.1.4. Các hoạt động khác

Tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, dự án về giám sát, dự phòng và kiểm soát bệnh truyền nhiễm; tổ chức triển khai các hoạt động đào tạo dịch tễ học thực địa và xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế về giám sát, dự phòng và kiểm soát bệnh truyền nhiễm.

2.2. Công tác điều trị

- Rà soát, cập nhật, các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế về chẩn đoán, điều trị các bệnh truyền nhiễm.

- Tổ chức thực hiện hiệu quả việc phân tuyến, phân luồng khám, sàng lọc bệnh; đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, cách ly, điều trị, đặc biệt với các nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính, người già và trẻ em, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám, chữa bệnh.

- Tăng cường năng lực cho cơ sở khám, chữa bệnh các tuyến, tổ chức phân tuyến điều trị, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Tổ chức các đội cấp cứu lưu động để hỗ trợ tuyến dưới. Tăng cường năng lực hồi sức tích cực cho các tuyến đáp ứng yêu cầu điều trị; tổ chức đào tạo, tập huấn về các phác đồ điều trị, hồi sức cấp cứu, chăm sóc bệnh nhân, phòng chống lây nhiễm.

- Xây dựng kế hoạch đảm bảo thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện bảo hộ cho công tác thu dung điều trị bệnh nhân theo các tình huống dịch;

- Đảm bảo chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT.

3. Công tác hậu cần

- Thường xuyên rà soát để đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm;

- Đảm bảo dự trữ cho công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo quy định.

- Rà soát, kiện toàn lực lượng phòng, chống dịch đảm bảo đủ nhân lực và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

4. Công tác truyền thông và ứng dụng công nghệ thông tin

- Chủ động cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm và các khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh; đẩy mạnh tuyên truyền qua hệ thống truyền thông cơ sở và các kênh truyền thông phù hợp như thông điệp, infographic, video, audio... trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội, internet...

- Tăng cường truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng; khuyến khích thực hiện 2K (Khẩu trang - Khử khuẩn) tại các địa điểm tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh...

- Tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông đặc thù với từng dịch bệnh truyền nhiễm; tổ chức các đợt cao điểm tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo mùa, các kỳ lễ hội, các sự kiện lớn của tỉnh; các chiến dịch truyền thông tuyên truyền phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân và các chiến dịch truyền thông hưởng ứng các ngày phòng, chống dịch bệnh.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; nâng cao chất lượng thực hiện báo cáo bệnh truyền nhiễm theo thông tư số 54/2015/TT-BYT, báo cáo giám sát dựa vào sự kiện; quản lý thông tin tiêm chủng; tăng cường sử dụng kho dữ liệu bệnh truyền nhiễm.

5. Nghiên cứu khoa học áp dụng tiến bộ khoa học trong công tác phòng chống dịch bệnh

- Phối hợp với các cơ quan trung ương và chủ động thực hiện các nghiên cứu khoa học về dịch tễ học của bệnh, tác nhân gây bệnh, về véc tơ truyền bệnh, vắc xin phòng bệnh, đánh giá hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh...;

- Tiếp tục nghiên cứu xây dựng, triển khai thực hiện mô hình phòng, chống dịch bền vững.

6. Đầu tư nguồn lực

- Củng cố cơ sở vật chất, năng lực cho các đơn vị y tế nhất là y tế cơ sở, đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch hiệu quả; đảm bảo chế độ, chính sách cho cán bộ làm công tác phòng, chống dịch;

- Tiếp tục đầu tư, hoàn thành công tác xây dựng trụ sở mới của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ trong hoạt động giám sát, xét nghiệm phục vụ hoạt động phòng chống dịch.

7. Phối hợp liên ngành

- Tăng cường phối hợp liên ngành và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trên người, bệnh lây truyền từ động vật sang người; theo chức năng nhiệm vụ và phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động phối hợp liên ngành;

- Căn cứ các hướng dẫn của Trung ương, các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất, triển khai thực hiện các cơ chế chính sách quy định về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.

8. Công tác kiểm tra, giám sát

- Kiểm tra, giám sát, chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh, tiêm chủng vắc xin, tập trung vào các dịch bệnh nguy hiểm và các bệnh mới nổi hoặc bệnh lưu hành có số mắc, tử vong cao.

- Kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho các bệnh viện về phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, cách ly, triển khai các giải pháp phòng, chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện;

IV. KINH PHÍ

Nguồn kinh phí Trung ương, địa phương và các nguồn kinh phí huy động hợp pháp khác để triển khai Kế hoạch.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Chủ trì, hướng dẫn việc triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024 trên địa bàn tỉnh; đề xuất kinh phí, nguồn lực triển khai thực hiện đảm bảo mục tiêu đề ra; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện việc công bố dịch bệnh truyền nhiễm nhóm B, nhóm C và đề nghị Bộ Y tế công bố dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A trên địa bàn tỉnh theo quy định.

- Tổ chức tốt và chuẩn bị sẵn sàng các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn và phối hợp triển khai hiệu quả công tác chỉ đạo tuyến, nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị.

- Chủ động, phối hợp cung cấp thông tin cập nhật về tình hình dịch bệnh; tăng cường truyền thông phòng bệnh nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân để bảo vệ sức khỏe; làm tốt công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là các bệnh lây qua đường hô hấp như tiêm chủng đầy đủ, tránh tiếp xúc gần với người có triệu chứng mắc bệnh, đeo khẩu trang nơi công cộng, kịp thời kiểm tra sức khỏe khi có dấu hiệu nghi ngờ, ...

- Đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực để sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh theo phương châm “Bốn tại chỗ”.

- Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tăng cường triển khai giám sát thường xuyên, giám sát trọng điểm, giám sát dựa vào sự kiện và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm; chủ động theo dõi, giám sát tại cộng đồng và trong các cơ sở y tế, phát hiện sớm, đáp ứng nhanh, kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm, không để lây lan rộng, bùng phát kéo dài tại cộng đồng; tiếp tục tổ chức tiêm chủng đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả.

- Phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động: (1) vệ sinh phòng bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, cung cấp đủ nước uống, nước sạch và thường xuyên vệ sinh môi trường tại các cơ sở giáo dục, các trường học; tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của học sinh, cán bộ, giáo viên về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; (2) phòng, chống dịch bệnh trên các đàn gia súc, gia cầm, giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch ở động vật để xử lý triệt để ổ dịch và phòng, chống dịch bệnh lây từ động vật, thực phẩm sang người.

- Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và thực hiện báo cáo bệnh truyền nhiễm theo Thông tư 54/2015/TT-BYT; báo cáo hoạt động kiểm dịch y tế theo Thông tư 28/2019/TT-BYT; quản lý thông tin tiêm chủng.

- Củng cố, kiện toàn và tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động của các lực lượng phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.

- Đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm của các đơn vị tại địa phương; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, tiêm chủng.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024 theo quy định.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

- Quản lý, theo dõi, phát hiện sớm tình hình dịch bệnh ở động vật có khả năng lây sang người, chỉ đạo các biện pháp xử lý kịp thời; thông báo thường xuyên tình hình dịch và dự báo khả năng phát triển dịch, tham mưu với UBND tỉnh các biện pháp thực hiện;

- Phối hợp, chia sẻ thông tin cùng với Ngành Y tế và các địa phương trong tuyên truyền, giám sát, phát hiện, xử lý dịch bệnh ở động vật lây sang người.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chủ trì xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động phòng, chống dịch trong hệ thống trường học. Phối hợp chặt chẽ với ngành y tế thực hiện điều tra giám sát xử lý các ổ dịch và thông tin tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm gắn với hoạt động của công tác y tế trường học.

- Xây dựng mục tiêu: Mỗi học sinh là một tình nguyện viên phòng chống dịch trong công tác tuyên truyền vận động gia đình thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường trong phòng chống dịch bệnh...

4. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Hưng Yên, Đài Phát thanh và Truyền hình Hưng Yên phối hợp với ngành y tế, các đơn vị liên quan tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và đa dạng công tác tuyên truyền giáo dục về phòng, chống các bệnh dịch trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người dân biết và thực hiện.

5. Sở Tài chính phối hợp với Sở Y tế, các đơn vị liên quan tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024; kinh phí chi trả các chế độ chính sách, phụ cấp cho cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở theo quy định.

6. Các sở, ban, ngành liên quan khác chủ động triển khai và phối hợp triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền quản lý.

7. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm xây dựng và triển khai hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024 trên địa bàn quản lý; đảm bảo sẵn sàng các điều kiện phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo hướng dẫn của ngành Y tế; triển khai công tác kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KGVXT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Duy Hưng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 35/KH-UBND phòng chống bệnh dịch truyền nhiễm năm 2024 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

  • Số hiệu: 35/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 27/02/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hưng Yên
  • Người ký: Nguyễn Duy Hưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản