Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 349/KH-UBND

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP CHỦ LỰC THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2023

Thực hiện Kế hoạch số 204-KH/TU ngày 10/9/2020 của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các Quyết định của UBND Thành phố: số 496/QĐ-UBND ngày 26/01/2018 về việc phê duyệt Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực (SPCNCL) thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng tới năm 2025, số 4303/QĐ-UBND ngày 24/9/2020 ban hành Kế hoạch thực hiện đề án phát triển SPCNCL giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trên cơ sở kết quả thực hiện năm 2022 và theo đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 6027/TTr-SCT ngày 12/12/2022, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch thực hiện đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội năm 2023 như sau:

I. Mục đích, yêu cầu:

1. Mục đích:

- Thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển SPCNCL đề ra trong giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội và Kế hoạch của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Tập trung phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, khả năng tham gia sâu và đóng góp giá trị gia tăng cao vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu; có ý nghĩa nền tảng, tác động lan tỏa cao đến các ngành sản xuất và kinh tế khác, sử dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường.

- Nâng cao năng lực cạnh tranh của các SPCNCL Thành phố, thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp sản xuất SPCNCL Hà Nội với doanh nghiệp của các tỉnh, thành trong nước và nước ngoài.

- Hỗ trợ, hướng dẫn Hội sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội triển khai có hiệu quả Biên bản ghi nhớ đã ký kết giữa Hội sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực với các Hội, Hiệp hội, cơ quan đơn vị liên quan (Hiệp hội doanh nghiệp Italia tại Việt Nam, Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Quỹ đầu tư phát triển Hà Nội, các trường Đại học trong và ngoài nước...).

2. Yêu cầu:

- Việc triển khai Kế hoạch đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy định nhằm đạt được các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.

- Trên cơ sở Kế hoạch này, các Sở ngành của Thành phố xây dựng và lồng ghép vào các chương trình, Kế hoạch khác do đơn vị mình chủ trì để thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch.

3. Một số chỉ tiêu cần đạt được:

- Thu hút sự tham gia của 20-25 doanh nghiệp với khoảng 30-35 sản phẩm được công nhận SPCNCL Thành phố năm 2023 (Trong đó 10-15 sản phẩm được công nhận lần đầu).

- Phấn đấu 100% các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Thành phố.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL Hà Nội

- Các sở, ban, ngành của Thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực xây dựng, hải quan, thuế, đầu tư,... theo hướng thuận tiện cho các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL. Các sở, ban, ngành của Thành phố cần thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành bằng hình thức thông báo điện tử danh sách các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL.

- Tập trung triển khai, đôn đốc tiến độ thành lập, xây dựng mới và hoàn thiện đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố để phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, có sức cạnh tranh cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, khai thác hiệu quả quỹ đất hiện có, tạo sự liên kết với các địa phương trong vùng Thủ đô, giải quyết nhu cầu mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp và di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm, không phù hợp quy hoạch ra khỏi nội đô và khu dân cư.

- Hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, các quỹ của Trung ương và Thành phố thông qua việc tổ chức hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất SPCNCL với các ngân hàng thương mại, Quỹ tín dụng, ...

- Tổ chức tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thông qua các hình thức đối thoại, trả lời trực tiếp bằng văn bản..., tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL phát triển, đóng góp vào phát triển chung của Thủ đô.

2. Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất SPCNCL phát triển khoa học công nghệ

- Hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL kết nối với các viện nghiên cứu, các trường đại học trong nước, các nhà khoa học nhằm giúp các doanh nghiệp trong ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất; đưa các công trình nghiên cứu khoa học vào ứng dụng thực tế trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL.

- Thông tin, liên kết mời 30-40 nhà sản xuất công nghệ, thiết bị của các nước có nền công nghiệp phát triển (Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc) vào Việt Nam gặp gỡ, kết nối với các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL Hà Nội tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL Hà Nội tiếp cận, tìm hiểu và đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại theo chuẩn 4.0.

3. Phát triển nguồn nhân lực

Tổ chức hoạt động kết nối doanh nghiệp sản xuất SPCNCL với các cơ sở đào tạo uy tín trên địa bàn Thành phố để đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sản xuất kinh doanh doanh nghiệp.

Tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn cho lãnh đạo, cán bộ quản lý các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL về kỹ năng quản trị doanh nghiệp, quản lý sản xuất, marketing, chuyển đổi số, hội nhập kinh tế quốc tế, ...

4. Xét chọn và tôn vinh sản phẩm công nghiệp chủ lực

- Tuyên truyền chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố trên các phương tiện thông tin đại chúng (Đài phát thanh và truyền hình, báo điện tử, mạng internet...).

- Tổ chức xét chọn SPCNCL thành phố Hà Nội theo quy định.

- Tổ chức lễ tôn vinh và trao danh hiệu SPCNCL thành phố Hà Nội năm 2023. Lễ tôn vinh được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình.

5. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất SPCNCL Thành phố

- Tổ chức hội chợ SPCNCL thành phố Hà Nội năm 2023 với qui mô khoảng 200-250 gian hàng, các khu trưng bày chung của Ban tổ chức, thu hút 500-700 khách quốc tế, thời gian 03-04 ngày.

- Thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất SPCNCL Thành phố phát triển. Mời gọi các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL đầu tư sản xuất công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố.

- Cập nhật cơ sở dữ liệu doanh nghiệp sản xuất SPCNCL, doanh nghiệp công nghiệp Hà Nội để cung cấp cho các đối tác trong và ngoài nước.

- Tổ chức các hoạt động kết nối, hợp tác trong sản xuất kinh doanh giữa các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL với nhau và với các doanh nghiệp khác của Thành phố và các tỉnh, thành phố trong cả nước.

(Danh mục nhiệm vụ thực hiện kế hoạch thực hiện đề án phát triển SPCNCL thành phố Hà Nội năm 2023 được chi tiết tại phụ lục đính kèm).

III. KINH PHÍ

Kinh phí thực hiện, gồm:

Từ nguồn ngân sách Thành phố giao Sở Công Thương thực hiện đề án phát triển SPCNCL thành phố Hà Nội năm 2023.

Nguồn kinh phí đóng góp của các doanh nghiệp và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Công Thương (cơ quan thường trực)

- Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan thực hiện Kế hoạch đảm bảo đạt mục tiêu, kết quả đề ra, không trùng chéo; tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố kết quả thực hiện theo quy định (hoàn thành trước ngày 15/11/2023).

- Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quảng bá Chương trình SPCNCL của Thành phố và tôn vinh thương hiệu SPCNCL Hà Nội; huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng với nguồn kinh phí Thành phố đầu tư, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, SPCNCL Hà Nội; xây dựng và ban hành kế hoạch chi tiết triển khai tổ chức xét chọn SPCNCL Thành phố, Hội chợ SPCNCL năm 2023.

- Chỉ đạo Hội sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên tiếp cận sớm nhất các cơ chế, chính sách, chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, xuất khẩu, phát triển khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực, thực hiện có hiệu quả các MOU đã ký kết, kết nối các Hội, Hiệp hội, các doanh nghiệp trong và ngoài nước..., góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp.

- Quản lý, sử dụng, thanh quyết toán đúng quy định, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quản, không chồng chéo, trùng lặp.

- Phối hợp Ban thi đua Khen thưởng Thành phố đề xuất các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác thực hiện Đề án Phát triển SPCNCL Thành phố năm 2023 trình UBND Thành phố tặng bằng khen.

2. Sở Tài chính

- Phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan, đơn vị tham mưu báo cáo UBND Thành phố bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch từ nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách Thành phố theo quy định.

- Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Kế hoạch đề án phát triển SPCNCL theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản pháp luật hiện hành của Nhà nước và Thành phố.

3. Các Sở, ban, ngành có liên quan

- Các Sở, ban, ngành, của Thành phố và các đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm xây dựng Kế hoạch và phối hợp Sở Công Thương thực hiện Kế hoạch và nhiệm vụ được giao đảm bảo tiến độ, đạt mục tiêu, thiết thực, hiệu quả, không chồng chéo, đúng quy định.

- Giới thiệu các doanh nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực mình quản lý đáp ứng đủ điều kiện để tham gia Chương trình xét chọn SPCNCL Hà Nội năm 2023. Văn bản giới thiệu và thông tin chi tiết của doanh nghiệp gửi về Sở Công Thương trước 31/3/2023.

- Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Sở Công Thương trước ngày 10/11/2023 để tổng hợp các đề xuất theo yêu cầu, báo cáo UBND Thành phố theo quy định.

- Cử Lãnh đạo tham gia Hội đồng đánh giá, xét chọn SPCNCL theo đề nghị của Sở Công Thương và thực hiện đánh giá, xét chọn SPCNCL theo Quy chế hoạt động của Hội đồng được UBND Thành phố ban hành.

4. Cục Thống kê Thành phố:

Phối hợp với Sở Công Thương cung cấp số liệu niên giám thống kê để phục vụ phân tích, đánh giá, chấm điểm hồ sơ đăng ký tham gia Chương trình phát triển SPCNCL của các doanh nghiệp. Thời gian cung cấp số liệu niên giám thống kê gửi về Sở Công Thương trước ngày 30/6/2023.

5. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã

- Đẩy mạnh tuyên truyền về đề án phát triển SPCNCL Thành phố đến các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn, tổng hợp các doanh nghiệp đủ điều kiện gửi văn bản giới thiệu và thông tin chi tiết của doanh nghiệp về Sở Công Thương trước 31/3/2023.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL Hà Nội trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

- Phối hợp với Sở Công Thương trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện đề án phát triển SPCNCL Thành phố năm 2023.

6. Các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, các Hội, Hiệp hội ngành nghề trên địa bàn Thành phố

6.1. Hội sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố

- Tiếp tục phát huy vai trò cầu nối giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố;

- Thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội với các doanh nghiệp, các tỉnh, thành trong nước và nước ngoài.

- Thực hiện có hiệu quả các MOU đã ký kết, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực tiếp cận các cơ chế chính sách, khai thác và tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh từ các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.

- Giới thiệu các doanh nghiệp tiềm năng và phối hợp triển khai chương trình xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ thành phố Hà Nội theo Kế hoạch.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan.

6.2. Các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, các Hội, Hiệp hội ngành nghề trên địa bàn Thành phố

- Đẩy mạnh tuyên truyền về Đề án phát triển SPCNCL Thành phố đến các doanh nghiệp sản xuất là thành viên của tổ chức mình, tổng hợp các doanh nghiệp đủ điều kiện gửi văn bản giới thiệu và thông tin chi tiết của doanh nghiệp về Sở Công Thương trước 31/3/2023.

- Phối hợp với Sở Công Thương trong quá trình triển khai Kế hoạch thực hiện đề án phát triển SPCNCL Thành phố năm 2023.

7. Các cơ quan báo, đài trên địa bàn Thành phố

- Chủ trì phối hợp với Sở Công Thương triển khai công tác thông tin, tuyên truyền về chương trình phát triển SPCNCL Thành phố.

- Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức truyền hình trực tiếp lễ tôn vinh và trao danh hiệu SPCNCL Hà Nội năm 2023 trên kênh 1.

Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, các Sở, ngành liên quan; UBND các quận, huyện, thị xã tổng hợp, đề xuất, báo cáo gửi Sở Công Thương để tổng hợp, tham mưu, báo cáo UBND Thành phố xem xét, giải quyết theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- TTr Thành ủy, HĐND TP (để b/c);
- Bộ Công Thương;
- Chủ tịch UBND Thành phố (để b/c);
- PCT UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền;
- Các Sở, ban, ngành Thành phố;
- UBND các huyện, thị xã;
- VPUB: CVP, PCVP N.M.Quân, KTN, TKBT;
- Lưu: VT, KTN

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Mạnh Quyền

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ THUỘC KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN SPCNCL NĂM 2023 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 349/KH-UBND ngày 30/12/2022 của UBND thành phố Hà Nội)

TT

Nhiệm vụ

Nội dung nhiệm vụ

Đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp

I

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL Hà Nội

 

 

1

Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất SPCNCL tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng thương mại, Quỹ tín dụng, các tổ chức tài chính...

Tổ chức 01 hoạt động để kết nối các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL Hà Nội với các ngân hàng, các tổ chức tài chính, các quỹ (trọng tâm là Quỹ Đầu tư và phát triển Thành phố) nhằm hỗ trợ nguồn vốn cho các doanh nghiệp mở rộng SXKD.

Đơn vị chủ trì: Sở Công Thương

Đơn vị phối hợp: Các doanh nghiệp, các hội, hiệp hội, các ngân hàng, các Quỹ tín dụng, các tổ chức tài chính.

2

Tổ chức tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL

Tổ chức tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL.

Đơn vị chủ trì: Sở Công Thương

Đơn vị phối hợp: Các sở, ngành, các doanh nghiệp, các hội, hiệp hội.

3

Thực hiện các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính.

Các sở, ban, ngành của Thành phố đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng thuận tiện cho các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL.

Đơn vị chủ trì: Các sở, ban, ngành

Đơn vị phối hợp: Các sở, ngành, các doanh nghiệp, các hội, hiệp hội.

4

Tập trung triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp

Sở Công Thương, Ban Quản lý các KCN và CX Thành phố chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hỗ trợ các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp.

Đơn vị chủ trì: Sở Công Thương, BQL các KCN và CX.

Đơn vị phối hợp: Các sở, ngành, các doanh nghiệp, các hội, hiệp hội.

II

Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất SPCNCL phát triển khoa học công nghệ

 

 

1

Hỗ trợ kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất SPCNCL với các Trường Đại học, Viện nghiên cứu, nhà khoa học... để đưa các nghiên cứu khoa học vào thực tế sản xuất

Tổ chức hội nghị bàn tròn kết nối 50-70 doanh nghiệp sản xuất SPCNCL với các Trường Đại học, Viện nghiên cứu, nhà khoa học... để đưa các nghiên cứu khoa học vào thực tế sản xuất

Đơn vị chủ trì: Sở Công Thương.

Đơn vị phối hợp: Các trường đại học, viện nghiên cứu, nhà khoa học..., các hội, hiệp hội, các doanh nghiệp.

III

Phát triển nguồn nhân lực

 

 

1

Hỗ trợ kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất SPCNCL với các cơ sở đào tạo, dạy nghề trong nước...nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Tổ chức hội nghị kết nối 50-70 doanh nghiệp sản xuất SPCNCL với các cơ sở đào tạo, dạy nghề trong nước nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL Hà Nội.

Đơn vị chủ trì: Sở Công Thương.

Đơn vị phối hợp: Các trường đại học, Trung tâm đào tạo, dạy nghề; trường đào tạo nghề chất lượng cao, các hội, hiệp hội, các doanh nghiệp.

2

Tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn nhằm nâng cao kỹ năng quản trị doanh nghiệp cho các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL

Tổ chức 6 lớp tập huấn (mỗi lớp 3 ngày: 02 ngày tại hội trường, 01 ngày tham quan thực tế tại các doanh nghiệp) cho 600 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất SPCNCL nhằm nâng cao năng lực về: Kỹ năng quản lý, quản trị; Marketing; tiếp cận công nghệ tiên tiến; chuyển đổi số; xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm; các Hiệp định thương mại tự do....

Đơn vị chủ trì: Sở Công Thương.

Đơn vị phối hợp: Các trường đại học, viện nghiên cứu, các hội, hiệp hội, các doanh nghiệp.

IV

Xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực

 

 

1

Tuyên truyền chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố (Tuyên truyền trên báo, đài, website, họp báo, hội nghị phổ biến, tờ rơi, form mời, phong bì...)

- Thực hiện 3-5 phóng sự trên truyền hình, 10-20 tin, bài trên báo giấy, báo mạng, tổ chức 01 cuộc họp báo, 2-3 hội nghị phổ biến.

- Thiết kế, in 1.000 tờ rơi, 300-400 bộ form mời tham gia chương trình; 400-500 cuốn Kỷ yếu song ngữ giới thiệu về SPCNCL Hà Nội.

- Duy trì, cập nhật thông tin lên website chương trình SPCNCL tại địa chỉ www.congnghiepchuluc-hanoi.gov.vn

Đơn vị chủ trì: Sở Công Thương

Đơn vị phối hợp: Các sở, ngành, các đơn vị truyền thông trung ương và Hà Nội, đơn vị có liên quan.

2

Mời, vận động và hướng dẫn doanh nghiệp tham gia; tổ chức xét chọn và tôn vinh SPCNCL Thành phố năm 2023

- Tổ chức các cuộc làm việc để mời, vận động, hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia chương trình xét chọn SPCNCL hàng năm.

- Tổ chức các cuộc họp hội đồng để xét chọn SPCNCL.

- Tổ chức 01 lễ tôn vinh và trao danh hiệu SPCNCL Thành phố, trưng bày sản phẩm. Lễ tôn vinh được truyền hình trực tiếp trên kênh 1 Đài PT và TH Hà Nội;

Đơn vị chủ trì: Sở Công Thương

Đơn vị phối hợp: Các sở, ngành, các đơn vị truyền thông trung ương và Hà Nội, đơn vị có liên quan.

V

Đẩy mạnh các hoạt động XTTM, ĐT và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất SPCNCL phát triển

 

 

1

Tổ chức Hội chợ SPCNCL thành phố Hà Nội năm 2023

Tổ chức hội chợ SPCNCL với quy mô 200-250 gian hàng, thu hút 5.000 - 6.000 khách tham gia, tạo ra giá trị xuất khẩu ước đạt 4-5 triệu USD/năm.

Đơn vị chủ trì: Sở Công Thương

Đơn vị phối hợp: Các sở, ngành, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các doanh nghiệp, các hội, Hiệp hội.

2

Thực hiện các hoạt động xúc tiến nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất SPCNCL phát triển. Mời gọi các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL đầu tư sản xuất công nghệ cao, công nghệ sạch vào các cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố

Hội nghị kết nối các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNCL và các doanh nghiệp công nghiệp với chủ đầu tư các cụm công nghiệp

Đơn vị chủ trì: Các sở, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao

Đơn vị phối hợp: Các sở, ngành, các doanh nghiệp, các hội, Hiệp hội.

3

Tổ chức kết nối các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL với các doanh nghiệp khác trong và ngoài Hà Nội

Tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiệp TP Hà nội với các doanh nghiệp đầu chuỗi, doanh nghiệp FDI, các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn năm 2023

Đơn vị chủ trì: Sở Công Thương

Đơn vị phối hợp: Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp, các hội, hiệp hội.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 349/KH-UBND năm 2022 thực hiện đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội năm 2023

  • Số hiệu: 349/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 30/12/2022
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Mạnh Quyền
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản