Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 342/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 06 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN XÂY DỰNG CÁC CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG TRỌNG ĐIỂM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP, GIAI ĐOẠN 2021-2025

Thực hiện Kết luận số 203-KL/TU ngày 27 tháng 9 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về định hướng xây dựng các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn Tỉnh giai đoạn 2021-2025,

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn Tỉnh giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Kế hoạch), với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU:

Từng bước đầu tư những công trình giao thông trọng điểm mang tính kết nối giữa các vùng nội tỉnh với các tỉnh lân cận; các tuyến kết nối với đường trục, các tuyến giao thông trọng điểm phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa, hành khách được thuận lợi phục vụ phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, kết nối các đô thị, khu, cụm công nghiệp, các vùng nguyên liệu lớn, xây dựng nông thôn mới nâng cao, du lịch và bảo đảm an ninh- quốc phòng; tiến đến phát triển một hệ thống giao thông vận tải của tỉnh đồng bộ và liên hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm an ninh-quốc phòng.

Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong giai đoạn 2021-2025; tập trung bố trí vốn đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án, công trình trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các công trình có tính liên kết, kết nối quốc gia, vùng, đặc biệt là các công trình bị đình hoãn, giãn tiến độ.

Tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải tỉnh trên cơ sở Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp, Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng chính phủ. Gắn việc đầu tư xây dựng các dự án giao thông với định hướng phát triển không gian nhằm phát huy tối đa lợi thế của các dự án, công trình giao thông đã đầu tư trong thời gian qua. Hoàn thành đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn theo chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, đáp ứng nhu cầu giao thông và phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội tỉnh.

II. DANH MỤC CÔNG TRÌNH - TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN:

Tiếp tục thực hiện hoàn thành các công trình trọng điểm, công trình chuyển tiếp của giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời triển khai thực hiện đầu tư một số công trình trọng điểm giai đoạn 2021-2025 (Chi tiết theo Phụ lục đính kèm)

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Đối với các tuyến Quốc lộ:

Giao Sở Giao thông vận tải tiếp tục theo dõi, phối hợp, tham mưu UBND tỉnh đề nghị Trung ương đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ các trục giao thông quốc lộ, cụ thể: hoàn thành tuyến tránh QL30 thành phố Cao Lãnh; đầu tư nâng cấp Quốc lộ N2B lên thành cao tốc; đầu tư mới tuyến cao tốc Mỹ An- Cao Lãnh, tuyến cao tốc An Hữu- Cao Lãnh; phối hợp triển khai tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; tuyến QL30 đoạn Hồng Ngự - Dinh Bà; tuyến N1 đoạn qua tỉnh Đồng Tháp. Kiến nghị nâng cấp đồng bộ các cầu tuyến quốc lộ 30 Cao Lãnh- Hồng Ngự.

2. Đối với các tuyến đường tỉnh:

Tiếp tục thực hiện hoàn thành các công trình trọng điểm, công trình chuyển tiếp giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời triển khai đầu tư công trình trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó:

- Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh xem xét, bố trí vốn trong kế hoạch trung hạn, hàng năm cho các dự án đã được phê duyệt, đủ điều kiện bố trí vốn; huy động các nguồn vốn khác để triển khai thực hiện; phối hợp rà soát, tích hợp quy hoạch hệ thống giao thông vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Các đơn vị được UBND tỉnh giao làm Chủ đầu tư phối hợp tốt với Sở Giao thông vận tải triển khai thực hiện các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh, đảm bảo khả năng thực hiện và giải ngân tốt nguồn vốn đầu tư cho phát triển mạng lưới giao thông; phối hợp tốt với UBND các huyện, thành phố trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn, đảm bảo yêu cầu chất lượng và tiến độ theo kế hoạch.

- Trung tâm phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND cấp huyện tập trung, chú trọng đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng các dự án, công trình trọng điểm giai đoạn 2021-2025 theo nhiệm vụ được giao; xây dựng lộ trình, kế hoạch chi tiết để thực hiện, theo dõi, kiểm tra, đảm bảo công tác giải phóng mặt bằng theo đúng kế hoạch và quy định hiện hành.

- UBND cấp huyện phối hợp với Sở Giao thông vận tải trong công tác quản lý quỹ đất của đường bộ, đất hành lang an toàn giao thông đường bộ.

3. Giao thông đô thị:

Tập trung đầu tư một số tuyến đường trục mang tính chất mở rộng không gian đô thị cho các đô thị lớn của tỉnh.

Giao UBND cấp huyện phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải tiếp tục rà soát, cập nhật quy hoạch xây dựng của địa phương, tập trung đầu tư xây dựng một số tuyến, dự án công trình theo quy hoạch đô thị được duyệt, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó chú ý quan tâm công tác quản lý quy hoạch, đầu tư đồng bộ quỹ đất đô thị dọc hai bên đường để phát huy hiệu quả dự án.

4. Đường huyện:

Củng cố và nâng cấp mạng lưới giao thông nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn. Từng bước đưa hệ thống tuyến đường huyện vào cấp kỹ thuật, ưu tiên các tuyến có tính kết nối và có nhu cầu vận tải cao. Hoàn thành việc mở tuyến đường mới đến trung tâm các xã, các điểm công nghiệp theo quy hoạch được duyệt.

Các địa phương có dự án được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư, tổ chức triển khai theo đúng quy định các thủ tục đầu tư xây dựng. Quá trình đầu tư phải đảm bảo tính đồng bộ, kết nối tốt với các tuyến đường tỉnh, đường Quốc lộ.

5. Giao thông nông thôn:

Yêu cầu UBND cấp huyện phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai xây dựng giao thông nông thôn thực hiện gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và xác định các tuyến trục gắn với các khu kinh tế, kết nối trên địa bàn; trước mắt ưu tiên tập trung đầu tư xã điểm đạt tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025; chú trọng công tác duy tu bảo dưỡng, huy động mọi nguồn lực và dành một phần kinh phí nhất định từ ngân sách hàng năm để duy tu bảo dưỡng và phát triển mạng lưới giao thông địa phương. Huy động mọi nguồn lực phục vụ phát triển giao thông nông thôn, thực hiện có kết quả cao phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm.

6. Đường Thủy:

- Tiếp tục kiến nghị Trung ương đưa vào danh mục để sớm triển khai thực hiện cải tạo, nâng cấp đạt tiêu chuẩn cấp III đường thủy nội địa kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền.

- Đường thủy nội địa: Thực hiện theo phân cấp quản lý và rà soát, tích hợp quy hoạch hệ thống giao thông thuỷ vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với tình hình từng địa phương. Tiếp tục kiến nghị Trung ương (tuyến trung ương quản lý) và thực hiện công tác cắm mốc chỉ giới đường thủy nội địa các tuyến sông kênh do tỉnh quản lý, địa phương thực hiện cắm mốc các tuyến trọng yếu do địa phương quản lý.

- Hệ thống cảng: Duy trì hoạt động các cảng hiện có và kiến nghị với Trung ương xây dựng mới và nâng cấp các cảng ở Sông Tiền và Sông Hậu đạt chuẩn cho tàu 5.000-10.000 DWT. Kêu gọi đầu tư xây dựng cảng Thường Phước- Hồng Ngự, cảng Lấp Vò đạt chuẩn cho tàu 5.000 DWT.

- Bến thủy nội địa: Địa phương kêu gọi đầu tư bến tàu khách du lịch tại các khu điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Tích hợp quy hoạch hệ thống bến thủy nội địa cấp huyện, thành phố và các khu cụm công nghiệp vào quy hoạch tỉnh. Sở Giao thông vận tải, địa phương phối hợp duy trì hoạt động và ưu tiên đầu tư, nâng cấp các bến đò có lưu lượng khách đông, sông rộng, phương tiện giao thông nhiều.

7. Hệ thống bến, bãi đỗ xe:

Phối hợp rà soát, tích hợp quy hoạch hệ thống bến, bãi đỗ xe vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Địa phương phối hợp các ngành liên quan, chuẩn bị quỹ đất sạch, kêu gọi đầu tư để xây dựng các bến xe tại thành phố Cao Lãnh và thành phố Sa Đéc đạt tiêu chuẩn theo quy định.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giao thông vận tải

Là đầu mối, chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu UBND Tỉnh tổ chức thực hiện Kế hoạch này đảm bảo hiệu quả; xây dựng các dự án, kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh; theo dõi, đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện Kế hoạch.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Giao thông vận tải tham mưu UBND Tỉnh bố trí kế hoạch vốn hàng năm, phân bổ kinh phí kịp thời để thực hiện các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh; kiểm tra thanh quyết toán theo quy định. Phối hợp kêu gọi đầu tư, tranh thủ các nguồn vốn phát triển hạ tầng giao thông bằng nhiều hình thức.

3. Sở Xây dựng

Phối hợp Sở Giao thông vận tải và địa phương trong quy hoạch xây dựng gắn với việc phát triển hạ tầng giao thông; tham mưu theo dõi việc thực hiện các chương trình phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh có liên quan đến các công trình giao thông.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường

Phối hợp với Sở Giao thông vận tải và địa phương tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt các vấn đề liên quan giải phóng mặt bằng các dự án, công trình giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm.

5. UBND các huyện, thành phố

UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về giao thông địa phương theo thẩm quyền, đảm bảo thống nhất, đồng bộ theo quy định của pháp luật; chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả trong việc phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn. Trong đó, UBND thành phố Cao Lãnh, UBND thành phố Sa Đéc tập trung thực hiện Kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XI về tiếp tục thực hiện các Nghị quyết số 01, Nghị quyết số 02 của Ban Chấp hành Đảng bộ khóa X; thành phố Hồng Ngự thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XI về phát triển kinh tế - xã hội các thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó chú trọng các công trình giao thông trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025 nhằm mở rộng không gian đô thị của địa phương.

Cân đối nguồn ngân sách địa phương, bố trí, lồng ghép các nguồn vốn khác để đầu tư để tối ưu hóa hiệu quả đầu tư. Đặc biệt quan tâm đến định hướng phát triển không gian hai bên đường để phát huy tối đa hiệu quả dự án.

6. Giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch này; định kỳ 06 tháng và hàng năm tổng hợp, báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch về UBND Tỉnh; tổng hợp các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch, kiến nghị (nếu có) của các đơn vị, kịp thời báo cáo và đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế và đúng quy định hiện hành.

Yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện tốt Kế hoạch này. /.

 


Nơi nhận:
- TT/TU, TT/HĐND;
- UBMTTQVN Tỉnh;
- CT, các PCT/UBND Tỉnh;
- Các Huyện ủy, Thành ủy;
- Các Sở, Ban, Ngành Tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lãnh đạo VPUBND Tỉnh;
- Lưu: VT + NC/ĐTXD.nhthu.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Trí Quang

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 342/KH-UBND năm 2021 thực hiện công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn Tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025

  • Số hiệu: 342/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 06/12/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
  • Người ký: Trần Trí Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/12/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản