Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3414/KH-UBND | Quảng Nam, ngày 25 tháng 4 năm 2025 |
KẾ HOẠCH
TỔNG RÀ SOÁT, PHÂN LOẠI, LẬP, CÔNG BỐ DANH SÁCH CƠ SỞ KHÔNG ĐẢM BẢO YÊU CẦU VỀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ KHÔNG CÓ KHẢ NĂNG KHẮC PHỤC THEO CÁC TIÊU CHUẨN, QUY CHUẨN KỸ THUẬT TẠI THỜI ĐIỂM ĐƯA VÀO HOẠT ĐỘNG ĐẾN TRƯỚC NGÀY LUẬT PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ NĂM 2024 CÓ HIỆU LỰC THI HÀNH (NGÀY 01/7/2025)
Thực hiện khoản 6 Điều 55 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) số 55/2024/QH15 ngày 29/11/2024 của Quốc hội khóa XV; Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành kế hoạch tổng rà soát, phân loại, lập, công bố danh sách cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy và không có khả năng khắc phục theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tại thời điểm đưa vào hoạt động đến trước ngày Luật PCCC và CNCH năm 2024 có hiệu lực thi hành, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Thi hành nghiêm Luật PCCC và CNCH; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH; nhằm ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt xảy ra cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết người do nguyên nhân chủ quan; chấm dứt tình trạng cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC nhưng vẫn hoạt động; đảm bảo hạ tầng giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy tại các đô thị theo quy định của pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật.
2. Đánh giá đúng thực trạng an toàn về PCCC tại cơ sở; hạ tầng giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy tại các đô thị; qua đó yêu cầu, hướng dẫn cơ sở khắc phục tất cả những tồn tại về PCCC theo quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC tương ứng với thời điểm đưa vào hoạt động; trường hợp không khắc phục được thì lựa chọn các giải pháp kỹ thuật nâng cao an toàn PCCC cho công trình theo quy định của Bộ quản lý công trình xây dựng; trường hợp không thể áp dụng được các giải pháp kỹ thuật theo quy định của Bộ quản lý công trình xây dựng thì phải chuyển đổi công năng phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của cơ sở; đồng thời quy định về cải tạo, chỉnh trang đối với các khu vực đô thị không bảo đảm hạ tầng giao thông hoặc nguồn nước phục vụ chữa cháy theo quy định của pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động PCCC.
3. Công tác tổng rà soát, phân loại, lập, công bố danh sách cơ sở và rà soát, đánh giá hạ tầng giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy tại các đô thị phải triển khai thực hiện nghiêm túc, toàn diện, không hình thức, không bỏ sót đối tượng, đảm bảo khách quan, đúng tiến độ, chất lượng và tuân thủ quy định của pháp luật; hạn chế ảnh hưởng tối đa đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
N. ĐỐI TƯỢNG, THỜI GIAN, NỘI DUNG RÀ SOÁT, PHÂN LOẠI
1. Đối tượng rà soát, phân loại
- Cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 50/2024/NĐ-CP ngày 10/5/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy (trừ các cơ sở được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực thi hành; các cơ sở này tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND ngày 20/7/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam và phải hoàn thành việc khắc phục các yêu cầu bảo đảm an toàn về PCCC).
- Hạ tầng giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy tại các khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh.
2. Thời gian tổng rà soát, phân loại: Từ ngày 25/4/2025 đến hết ngày 15/6/2025.
3. Nội dung rà soát, phân loại
3.1. Đối với cơ sở
(1) Xác định thời gian công trình, hạng mục công trình được đưa vào sử dụng, hoạt động; qua đó xác định các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC tại thời điểm cơ sở đưa vào hoạt động đến trước ngày Luật PCCC và CNCH có hiệu lực thi hành.
(2) Xác định quy mô từng hạng mục của công trình, như: diện tích xây dựng, số tầng, khối tích, chiều cao PCCC, nhóm nhà;
(3) Rà soát, đánh giá các nội dung đảm bảo yêu cầu về PCCC:
- Đường giao thông cho xe chữa cháy; khoảng cách an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với các công trình xung quanh;
- Bậc chịu lửa; hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ (đối với cơ sở sản xuất); bố trí công năng của công trình liên quan đến công tác phòng cháy và chữa cháy;
- Giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan;
- Giải pháp thoát nạn;
- Giải pháp chống tụ khói;
- Giải pháp cấp điện cho hệ thống phòng cháy và chữa cháy và các hệ thống kỹ thuật có liên quan về phòng cháy và chữa cháy;
- Hệ thống báo cháy;
- Hệ thống chữa cháy và phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại cơ sở.
(4) Qua kết quả rà soát, thực hiện phân loại nhóm tồn tại không đảm bảo yêu cầu về PCCC; qua đó xác định khả năng khắc phục theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với từng cơ sở.
3.2. Đối với hạ tầng giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy các khu đô thị
(1) Rà soát, đánh giá hệ thống giao thông đảm bảo tiếp cận, kích thước và tải trọng cho phương tiện chữa cháy cơ giới triển khai các hoạt động chữa cháy theo quy định của pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật.
(2) Rà soát, đánh giá nguồn nước phục vụ chữa cháy như: trụ nước chữa cháy, bồn, bể, hồ ao, bến bãi phục vụ chữa cháy ngoài nhà theo quy định của pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật;
(3) Tổng hợp, đánh giá, qua đó quy định về cải tạo, chỉnh trang đối với các khu vực đô thị không bảo đảm hạ tầng giao thông hoặc nguồn nước phục vụ chữa cháy để đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động PCCC.
III. PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN
1. Tổ chức thống kê, lập danh sách 100% cơ sở thuộc diện rà soát theo Kế hoạch này; thông báo đến từng cơ sở để phối hợp thực hiện; hạ tầng giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy các khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh.
Thời gian hoàn thành trước ngày 30/4/2025.
2. Tổ chức kiểm tra rà soát thực tế tại cơ sở, khu đô thị.
- Thành lập các đoàn hoặc tổ rà soát, đánh giá, phân loại các cơ sở; kiểm tra rà soát, đánh giá hạ tầng giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy tại các khu vực đô thị. Qua đó xác định:
(1) Nhóm cơ sở tồn tại, không đảm bảo yêu cầu về PCCC có khả năng khắc phục (trường hợp này yêu cầu và hướng dẫn người đứng đầu cơ sở khắc phục theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC tương ứng với thời điểm cơ sở đưa vào hoạt động và phải hoàn thành trước ngày 01/7/2025);
(2) Nhóm cơ sở tồn tại, không đảm bảo yêu cầu về PCCC không có khả năng khắc phục (trường hợp này lập danh sách, UBND tỉnh công bố, đồng thời hướng dẫn người đứng đầu cơ sở áp dụng các giải pháp kỹ thuật nâng cao an toàn PCCC cho công trình theo quy định của Bộ quản lý công trình xây dựng và thời gian hoàn thành theo quy định của Chính phủ);
(3) Nhóm hạ tầng giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy tại các khu đô thị không đảm bảo theo quy định của pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động PCCC (tổng hợp báo cáo để UBND tỉnh quy định khi cải tạo, chỉnh trang đối với các khu vực đô thị không bảo đảm hạ tầng giao thông hoặc nguồn nước phục vụ chữa cháy theo quy định của pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật).
- Việc kiểm tra rà soát phải lập biên bản rà soát. Thời gian hoàn thành việc kiểm tra rà soát thực tế trước ngày 15/6/2025.
3. Lập danh sách, công bố
Sau khi kết thúc việc rà soát, phân loại, tham mưu UBND tỉnh công bố danh sách cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy và không có khả năng khắc phục theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tại thời điểm đưa vào hoạt động đến trước ngày Luật PCCC và CNCH có hiệu lực thi hành trên địa bàn tỉnh.
4. Hướng dẫn người đứng đầu cơ sở lựa chọn giải pháp khắc phục; thời gian và lộ trình thực hiện đảm bảo theo quy định của Chính phủ.
5. Phúc tra việc khắc phục các tồn tại về PCCC tại các cơ sở.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Công an tỉnh
- Tổng hợp danh sách cơ sở do cơ quan Công an quản lý cần rà soát, phân loại gửi đến các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, các cơ quan, tổ chức có liên quan và cơ sở để phục vụ công tác tổng rà soát, phân loại.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thành lập các đoàn hoặc tổ công tác tiến hành tổng rà soát thực tế tại các cơ sở và đánh giá, phân loại; lập danh sách cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy và không có khả năng khắc phục theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tại thời điểm đưa vào hoạt động đến trước ngày Luật số 55/2024/QH15 có hiệu lực thi hành.
- Tham mưu UBND tỉnh quyết định công bố danh sách cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy và không có khả năng khắc phục theo đúng quy định của Luật PCCC và CNCH.
- Hướng dẫn, yêu cầu người đứng đầu cơ sở cam kết, thực hiện khắc phục các tồn tại về PCCC tại các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC có khả năng khắc phục; theo dõi, phúc tra việc khắc phục đảm bảo đến ngày 01/7/2025 phải khắc phục xong.
- Phối hợp các cơ quan tuyên truyền tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của Luật PCCC và CNCH có hiệu lực từ ngày 01/7/2025 đến Nhân dân biết, thực hiện.
- Giúp UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc các Sở, Ban, ngành và UBND các địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này và tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Chính phủ và Bộ Công an theo quy định.
2. Sở Xây dựng
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban ngành và UBND cấp huyện tổ chức rà soát, lập danh sách hạ tầng giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy tại các khu đô thị không đảm bảo theo quy định của pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động PCCC.
- Tham mưu UBND tỉnh quy định về cải tạo, chỉnh trang đối với các khu vực đô thị gắn với việc đảm bảo hạ tầng giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy theo quy định của Luật PCCC và CNCH, quy chuẩn kỹ thuật đối với đô thị không đảm bảo về hạ tầng giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy.
- Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn áp dụng giải pháp kỹ thuật nâng cao an toàn phòng cháy, chữa cháy cho các cơ sở không bảo đảm yêu cầu phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn của Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành.
3. Các Sở, Ban, ngành liên quan
Phối hợp với Công an tỉnh và UBND cấp huyện tổ chức rà soát, phân loại 100% cơ sở thuộc diện quản lý đảm bảo chặt chẽ, không bỏ sót cơ sở; có kế hoạch chỉ đạo, tổ chức khắc phục các tồn tại, thiếu sót về PCCC tại các cơ sở do ngành mình quản lý đảm bảo đầy đủ nội dung và tiến độ.
4. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Phối hợp với Công an tỉnh, các Sở, Ban, ngành tổ chức rà soát, phân loại 100% cơ sở do cơ quan Công an quản lý thuộc địa bàn cấp huyện; có kế hoạch chỉ đạo tổ chức khắc phục các tồn tại, thiếu sót về PCCC tại các cơ sở đảm bảo đầy đủ nội dung và tiến độ.
- Chỉ đạo UBND cấp xã thành lập các đoàn hoặc tổ công tác, tổ chức tổng rà soát, phân loại đối với 100% cơ sở do UBND cấp xã quản lý; lập danh sách cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy và không có khả năng khắc phục theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tại thời điểm đưa vào hoạt động đến trước ngày Luật số 55/2024/QH15 có hiệu lực thi hành. Tổng hợp tình hình, báo cáo kết quả thực hiện về Công an tỉnh (qua Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH) để tổng hợp, báo cáo theo quy định
- Chỉ đạo các cơ quan tuyên truyền đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của về PCCC và CNCH, trọng tâm là Luật PCCC và CNCH có hiệu lực từ ngày 01/7/2025 đến Nhân dân biết, thực hiện.
5. UBND cấp xã
- Xây dựng kế hoạch rà soát, phân loại; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập các đoàn hoặc tổ công tác tiến hành tổ chức tổng rà soát, phân loại tại 100% cơ sở do UBND cấp xã quản lý; lập danh sách cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy và không có khả năng khắc phục theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tại thời điểm đưa vào hoạt động đến trước ngày Luật số 55/2024/QH15 có hiệu lực thi hành; báo cáo kết quả thực hiện về UBND huyện và Công an tỉnh (qua Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH) trước ngày 10/6/2025.
- Hướng dẫn người đứng đầu cơ sở có tồn tại có khả năng khắc phục được thì tiến hành cam kết khắc phục tất cả những tồn tại về PCCC; theo dõi, phúc tra việc khắc phục các tồn tại về PCCC đối với cơ sở do mình quản lý.
UBND tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, ngành và UBND các cấp xây dựng Kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đúng tiến độ. Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo về UBND tỉnh (qua Công an tỉnh) để hướng dẫn, giải quyết./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Luật phòng cháy và chữa cháy 2001
- 2Nghị quyết 07/2020/NQ-HĐND quy định việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn tỉnh Quảng Nam được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 có hiệu lực
- 3Nghị định 50/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 136/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi và Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy
Kế hoạch 3414/KH-UBND năm 2025 tổng rà soát, phân loại, lập, công bố danh sách cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy và không có khả năng khắc phục theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tại thời điểm đưa vào hoạt động đến trước ngày Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2024 có hiệu lực thi hành (ngày 01/7/2025) do tỉnh Quảng Nam ban hành
- Số hiệu: 3414/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 25/04/2025
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
- Người ký: Lê Văn Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 25/04/2025
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra