- 1Luật ngân sách nhà nước 2015
- 2Thông tư 28/2022/TT-BNNPTNT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3Quyết định 587/QĐ-TTg năm 2024 phê duyệt Đề án "Phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Nghị định 106/2024/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 337/KH-UBND | Thừa Thiên Huế, ngày 28 tháng 8 năm 2024 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP CHUỒNG TRẠI VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI CHĂN NUÔI ĐẾN NĂM 2030
Thực hiện Quyết định số 587/QĐ-TTg ngày 03/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi đến năm 2030; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh với các nội dung sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
- Hiện đại hóa trang thiết bị và công nghệ chuồng trại đáp ứng yêu cầu phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi.
- Nâng cao năng lực quản lý, xử lý chất thải chăn nuôi bảo vệ môi trường và sử dụng có hiệu quả nguồn chất thải chăn nuôi cho các mục đích khác nhau.
2. Mục tiêu cụ thể
- Tỷ lệ nội địa hóa tính theo giá trị hệ thống chuồng trại, trang thiết bị chuồng trại đáp ứng 80%.
- Chăn nuôi trang trại quy mô vừa và quy mô lớn sử dụng chuồng trại với trang bị thiết bị hiện đại đạt 70%; trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm có chuồng kín đạt 70%.
- Áp dụng biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi, xây dựng công trình khí sinh học các loại của hộ chăn nuôi ở mức tối đa.
- Tổng lượng chất thải hữu cơ từ hoạt động chăn nuôi được thu gom, xử lý, tận dụng cho các mục đích khác nhau đạt mức cao nhất.
II. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Công tác tuyên truyền, phổ biến
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung Quyết định số 587/QĐ-TTg ngày 03/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi đến năm 2030 và các văn bản có liên quan tới các cơ sở, doanh nghiệp chăn nuôi.
2. Ứng dụng các trang thiết bị chuồng trại, xử lý chất thải chăn nuôi cho quy mô chăn nuôi trang trại
- Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch trong việc xử lý chất thải chăn nuôi và quản lý chất thải chăn nuôi theo hướng phòng ngừa chủ động.
- Ứng dụng mới công nghệ về quy trình chăn nuôi và chuồng trại chăn nuôi theo hướng tự động hóa.
- Nâng cao năng lực, áp dụng các quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP), chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi tuần hoàn vào chăn nuôi.
- Đổi mới hệ thống chuồng trại đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trong hoạt động chăn nuôi.
3. Phát triển mô hình chăn nuôi hữu cơ, tuần hoàn, nâng cao hiệu quả kinh tế sinh thái chăn nuôi
- Tuyên truyền, đẩy mạnh phát triển các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, nuôi hữu cơ, tuần hoàn tại các địa phương nhằm mang lại chuỗi giá trị kinh tế cao trong chăn nuôi, giảm phát thải khí nhà kính.
- Áp dụng mô hình nông nghiệp tuần hoàn tại các trang trại, áp dụng các biện pháp thu gom, xử lý, tuần hoàn và tái sử dụng chất thải hữu cơ cho các mục đích khác nhau theo hướng thân thiện với môi trường giảm thiểu tối đa lượng phát thải ra ngoài môi trường tại các trang trại.
- Chuyển hóa chất thải chăn nuôi thành mô hình sản xuất phân bón hữu cơ hoặc mô hình nuôi côn trùng, sinh vật làm thức ăn chăn nuôi, thủy sản nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế sinh thái chăn nuôi.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí thực hiện kế hoạch được ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp ngân sách hiện hành; lồng ghép chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình khoa học và công nghệ, Chương trình nông nghiệp công nghệ cao; các chương trình, đề án, kế hoạch khác có liên quan; nguồn xã hội hóa của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và nguồn huy động hợp pháp khác.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với sở, ngành có liên quan và các địa phương tổ chức thực hiện các nội dung của Kế hoạch. Lồng ghép các mục tiêu, nội dung của Đề án với các chương trình, đề án, dự án khác có liên quan không để xảy ra trùng lặp, chồng chéo với các Đề án, Dự án do các cơ quan, tổ chức đã và đang triển khai thực hiện.
- Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành rà soát, tham mưu UBND tỉnh bổ sung các chính sách có liên quan để làm nguồn lực triển khai thực hiện, trong đó ưu tiên cho việc xây dựng chính sách khuyến khích và hỗ trợ ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ thu gom, bảo quản và áp dụng công nghệ phù hợp trong chế biến phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp làm thức ăn chăn nuôi.
- Chủ trì, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi thực hiện các quy định tại Thông tư số 28/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 ban hành QCVN 01-195:2022/BNNPTNT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng, nhằm triển khai đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh trong việc tái sử dụng nước thải chăn nuôi.
- Phối hợp với các đơn vị của Bộ, ngành Trung ương triển khai các nội dung của Đề án có hiệu quả.
- Theo dõi, đánh giá kết quả triển khai các nội dung Kế hoạch, định kỳ hằng năm tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh theo đúng quy định.
2. Sở Tài chính
Hàng năm, căn cứ khả năng cân đối của ngân sách tỉnh, trên cơ sở đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ban, ngành, địa phương, tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh trình bố trí kinh phí chi thường xuyên theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn để thực hiện Kế hoạch.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực phát triển chăn nuôi áp dụng công nghệ cao, công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi hiện đại.
4. Sở Khoa học và Công nghệ
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và triển khai các giải pháp, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào lĩnh vực xử lý chất thải trong chăn nuôi.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường
Chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan hướng dẫn các cơ sở hoạt động chăn nuôi thực hiện các quy định của pháp luật về môi trường, hướng dẫn xây dựng các phương án tuần toàn và tái sử dụng các nguồn chất thải phát sinh theo quy định.
6. UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế
- Chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch. Thực hiện việc lồng ghép các nội dung của Kế hoạch vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và các doanh nghiệp xây dựng các mô hình, dự án về phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, hữu cơ, tuần hoàn và hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi, xây dựng công trình khí sinh học và bảo vệ môi trường trong chăn nuôi. Khuyến khích các cơ sở chăn nuôi đẩy mạnh việc sử dụng cơ giới hóa, các trang thiết bị hiện đại và công nghệ chuồng trại vào chăn nuôi. Chủ động huy động lồng ghép các nguồn kinh phí và bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách của địa phương hàng năm để thực hiện.
- Chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường công tác truyền thông đến toàn thể người dân được biết và phối hợp triển khai hiệu quả các nội dung của Kế hoạch trên phạm vi địa phương.
- Định kỳ hằng năm đánh giá tình hình thực hiện và kết quả triển khai Kế hoạch, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
7. Các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp
Chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương và các cơ quan liên quan để triển khai thực hiện; huy động nguồn vốn để tham gia các dự án phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, hữu cơ, tuần hoàn; đẩy mạnh việc sử dụng các trang thiết bị hiện đại và công nghệ chuồng trại, bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.
Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch, nếu có khó khăn, vướng mắc; các sở, ngành, địa phương phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.
| TM.ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHỤ LỤC
DANH MỤC NHIỆM VỤ, VÀ DỰ KIẾN NGUỒN VỐN THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP CHUỒNG TRẠI VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI CHĂN NUÔI ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Kế hoạch số /KH-UBND ngày tháng 8 năm 2024 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)
STT | Nội dung | Cơ quan chủ trì | Cơ quan phối hợp | Dự kiến nhu cầu vốn (tỷ đồng) | Thời gian |
1 | Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh (Phát triển các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, nuôi hữu cơ, tuần hoàn) | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế | 05 | 2025-2030 |
2 | Hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi theo Nghị định số 106/2024/NĐ-CP ngày 01/8/2024 của Chính phủ (xử lý chất thải chăn nuôi) | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế | 05 | 2025-2030 |
- 1Luật ngân sách nhà nước 2015
- 2Thông tư 28/2022/TT-BNNPTNT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3Quyết định 587/QĐ-TTg năm 2024 phê duyệt Đề án "Phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Nghị định 106/2024/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi
Kế hoạch 337/KH-UBND năm 2024 thực hiện Đề án Phát triển công nghiệp Chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi đến năm 2030 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- Số hiệu: 337/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 28/08/2024
- Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
- Người ký: Hoàng Hải Minh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 28/08/2024
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định