Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 33/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 23 tháng 5 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

Thực hiện Chương trình hành động số 25-CTr/TU ngày 04/02/2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV

Thực hiện Chương trình hành động số 25-CTr/TU ngày 04/02/2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 25-CTr/TU ngày 04/02/2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV, cụ thể như sau:

I- MỤC TIÊU

1. Thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 25-CTr/TU ngày 04/02/2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

2. Phát triển khoa học và công nghệ thành động lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh.

Phấn đấu đến năm 2020: Khoa học và công nghệ của tỉnh đạt trình độ phát triển khá của khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc và đạt mức trung bình tiên tiến của cả nước; Hoạt động khoa học công nghệ đóng góp từ 20% đến 30% tăng trưởng kinh tế, xây dựng được một số sản phẩm mang thương hiệu Tuyên Quang; tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 20%/năm; số cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trên địa bàn tỉnh đạt 11 người/vạn dân; thành lập được 25 doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Đến năm 2030 có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến quốc gia.

II- NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tuyên truyền nâng cao trách nhiệm, đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, hành động về khoa học và công nghệ.

Các sở, ban, ngành của tỉnh và Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tổ chức quán triệt, tuyên truyền, giáo dục, vận động sâu rộng cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của khoa học và công nghệ đối với phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Mỗi cấp, mỗi ngành phân công cán bộ phụ trách và chịu trách nhiệm chỉ đạo tìm ra những biện pháp thực hiện có hiệu quả để phát triển khoa học và công nghệ trong lĩnh vực hoạt động của ngành, cơ quan, đơn vị và tại địa phương.

Thực hiện đa dạng hóa các loại hình thông tin khoa học và công nghệ. Báo Tuyên Quang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng các trang, mục, chương trình thông tin chuyên đề về khoa học và công nghệ; Sở Khoa học và Công nghệ duy trì và nâng cấp trang thông tin điện tử về khoa học và công nghệ; xây dựng cơ sở dữ liệu và nâng cao chất lượng thông tin khoa học và công nghệ phục vụ quản lý và phát triển kinh tế-xã hội...

2. Đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động khoa học và công nghệ

2.1. Đổi mới cơ chế quản lý, phương thức đầu tư và cơ chế tài chính

Xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách đối với hoạt động khoa học và công nghệ 5 năm, hàng năm đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Tăng cường thu hút đầu tư, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho phát triển khoa học và công nghệ hàng năm, bao gồm: Vốn sự nghiệp khoa học, vốn đầu tư phát triển khoa học công nghệ cân đối qua tỉnh, vốn từ các chương trình trọng điểm quốc gia, của các doanh nghiệp, trong nhân dân..., nâng tổng đầu tư xã hội trên địa bàn tỉnh cho khoa học và công nghệ đạt khoảng 1,0 đến 1,5% tổng sản phẩm của tỉnh vào năm 2020, tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ từ 1,0% đến 1,5% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm. Trong đó ưu tiên đầu tư cho các ngành kinh tế có tiềm năng, lợi thế phát triển của tỉnh; đồng thời cấp một phần ngân sách sự nghiệp khoa học cho hoạt động khoa học và công nghệ cấp huyện.

Thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh Tuyên Quang; các cơ quan chức năng chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp thành lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 25 quỹ phát triển khoa học và công nghệ trong các doanh nghiệp.

Cụ thể hóa định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước để phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương; giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Thực hiện chế độ khoán kinh phí theo quy định tại Thông tư liên tịch số 93/2006/TTLT/BTC-BKHCN ngày 04/10/2006 của Bộ Tài chính-Bộ Khoa học và Công nghệ.

Ban hành Quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân, cá nhân đầu tư nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ; Quy định về xác lập quyền sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; Quy định về việc doanh nghiệp lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ …

Hằng năm, thực hiện rà soát, kiện toàn và tăng cường hoạt động của Hội đồng khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp huyện và của các ngành trên địa bàn tỉnh.

 2.2. Đổi mới hệ thống tổ chức và cơ chế hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ

Thành lập các tổ chức khoa học và công nghệ; xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng khoa học và công nghệ, trong đó tập trung ưu tiên cho các trung tâm làm hạt nhân cho việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ của tỉnh như: Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; Trung tâm Thủy sản, Trung tâm kiểm định chất lượng công trình xây dựng, Trung tâm quan trắc và Bảo vệ môi trường, …; thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

Đầu tư phát triển hoạt động khoa học và công nghệ ở các trường Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp hiện có trên địa bàn.

Tạo mối liên kết giữa tổ chức khoa học và công nghệ với doanh nghiệp trong việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới công nghệ, đào tạo nhân lực; Giao quyền sở hữu các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đồng thời có cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, tổ chức chủ trì và tác giả.

2.3. Phát triển nguồn nhân lực, đổi mới cơ chế, chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ khoa học và công nghệ

Tiếp tục xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ; tổ chức thực hiện hệ thống chức danh, chức vụ khoa học và công nghệ.

Tạo môi trường cho cán bộ khoa học phát huy khả năng sáng tạo khoa học và công nghệ, thông qua hệ thống các Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng, phân tích ….; có chính sách để các nhà khoa học có thu nhập xứng đáng bằng chính công việc nghiên cứu khoa học và công nghệ.

2.4. Kiện toàn, nâng cao năng lực bộ máy và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ

Kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan chuyên môn, tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ theo Thông tư liên tịch số 05/2008/TTLT-BKHCN-BNV ngày 18/6/2008 của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nội vụ Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về khoa học và công nghệ thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

Triển khai kịp thời các văn bản pháp luật, chính sách mới về khoa học và công nghệ cho mọi đối tượng; tăng cường quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hoá; xây dựng hệ thống kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hoá để đáp ứng yêu cầu công tác quản lý về chất lượng, sản phẩm hàng hoá trên địa bàn tỉnh; tăng cường kiểm soát, giám định chặt chẽ về công nghệ nhằm ngăn chặn việc nhập vào địa bàn tỉnh các công nghệ lạc hậu, công nghệ gây nguy hại đến sức khỏe con người, tài nguyên, môi trường, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh; đẩy mạnh hoạt động quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ cấp huyện; phát triển hạ tầng thông tin và thống kê khoa học và công nghệ.

2.5. Thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, tư vấn, phản biện của các nhà khoa học

Thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Tuyên Quang, phát huy vai trò của Liên hiệp Hội, các tổ chức chính trị - xã hội và các thành viên Hội đồng khoa học trong công tác tư vấn, phản biện, giám định xã hội đối với các hoạt động khoa học và công nghệ.

Tiếp tục phát động phong trào thi đua, sáng tạo, cải tiến kỹ thuật trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; nâng cao nhận thức, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh tham gia vào hoạt động khoa học và công nghệ; duy trì và nâng cao chất lượng các hội thi sáng tạo khoa học và kỹ thuật trên địa bàn tỉnh.

3. Triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu

3.1. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, cung cấp thông tin, luận cứ khoa học, làm cơ sở cho việc hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh

Nghiên cứu giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh vững mạnh; tổng kết thực tiễn, đánh giá khách quan, khoa học về thực trạng và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước và các mặt hoạt động trong các ngành, lĩnh vực.

Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hoá truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc; lập hồ sơ khoa học Hát then Tuyên Quang đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới; lập hồ sơ khoa học di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh để đề nghị xếp hạng di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt.

Nghiên cứu các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở tất cả các cấp học, bậc học; nghiên cứu, đánh giá nguồn tài nguyên thiên nhiên, xã hội và nhân văn để phục vụ phát triển kinh tế du lịch trên địa bàn tỉnh; Ứng dụng và phát triển mô hình phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hoá lịch sử gắn với phát triển kinh tế-xã hội và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc ở những vùng có tiềm năng của tỉnh.

3.2. Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ trong các ngành, lĩnh vực, các huyện, thành phố; ưu tiên ứng dụng một số công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ liên ngành

Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, chế biến nông lâm nghiệp thủy sản. Lựa chọn các đề tài, dự án nghiên cứu, chuyển giao trọng tâm vào các lĩnh vực: công nghệ sản xuất giống; khảo nghiệm, lựa chọn và tạo giống cây trồng, vật nuôi có năng suất chất lượng cao; phục tráng các giống bản địa có chất lượng tốt; các biện pháp kỹ thuật canh tác, chăn nuôi an toàn sinh học; công nghệ mới trong sản xuất, chế biến, bảo quản hàng hóa nông sản. Chú trọng phát triển các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh: Chè, Cam, Lạc, Mía, lâm sản…; xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao; ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn, góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Điều tra, đánh giá trình độ công nghệ của các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, từng bước thực hiện đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp; đầu tư thiết bị công nghệ tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường trong công nghiệp khai khoáng, chế biến khoáng sản và nông lâm sản: chế biến chè chất lượng cao, đường kính, gỗ xuất khẩu; sản xuất giấy, thép, bột đá siêu mịn; khai thác quặng sắt, thiếc, kẽm-chì, mangan...; nghiên cứu, thực hiện chương trình tiết kiệm năng lượng; nghiên cứu bảo tồn và phát triển một số ngành nghề thủ công truyền thống phục vụ nhu cầu xã hội, xuất khẩu và du lịch.

Từng bước hiện đại hoá công nghệ trong lĩnh vực thông tin-truyền thông, giao thông đô thị; xây dựng mô hình hành chính điện tử nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và cải thiện chất lượng dịch vụ hành chính của các sở, ban, ngành của tỉnh; ứng dụng sản phẩm công nghệ thông tin xây dựng hệ thống giao thông thông minh tại thành phố Tuyên Quang; gắn kết quy hoạch hạ tầng công nghệ thông tin-truyền thông với quy hoạch giao thông, đô thị; bước đầu hình thành công nghiệp phần mềm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu, các công trình giao thông, xây dựng.

Nghiên cứu đánh giá, điều tra cơ bản về nguồn tài nguyên, môi trường trên địa bàn tỉnh; ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ về bảo vệ môi trường trong công tác xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, sự cố môi trường và biến đổi khí hậu; nghiên cứu ứng dụng các giải pháp bảo vệ môi trường cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn; giải pháp xử lý và tái tạo sử dụng các phế thải nông, công nghiệp và sinh hoạt, chất thải rắn và lỏng cho các đô thị và khu dân cư; giải pháp phục hồi môi trường cho các khu khai thác khoáng sản; giải pháp bảo vệ môi trường cho các khu dân cư, khu du lịch, lịch sử văn hóa; giải pháp quản lý và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên của tỉnh; nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên của tỉnh.

Ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại trong khám chữa bệnh, từng bước hiện đại hóa kỹ thuật y học chuyên môn sâu trong lĩnh vực dự phòng bệnh, khám chữa bệnh, kiểm nghiệm, giám định; đề xuất và triển khai các giải pháp bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn dược liệu quý của tỉnh Tuyên Quang.

Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý hồ sơ, vụ việc, kỹ thuật hình sự, phục vụ quốc phòng, an ninh; nghiên cứu tổng kết lý luận và thực tiễn về khoa học quân sự tại địa phương.

Ứng dụng khoa học và công nghệ để khai thác và phát triển có hiệu quả các lợi thế và điều kiện đặc thù ở mỗi huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

4. Phát triển thị trường khoa học và công nghệ; tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ.

Từng bước tạo lập và phát triển thị trường khoa học và công nghệ, hình thành hệ thống dịch vụ khoa học và công nghệ, bao gồm thông tin khoa học và công nghệ, tư vấn chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng, đào tạo, bồi dưỡng, phổ biến, ứng dụng tri thức khoa học, công nghệ và kinh nghiệm thực tiễn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội; nghiên cứu ứng dụng các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các loại hình dịch vụ khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh; tổ chức, tham gia các hội chợ công nghệ-thiết bị khu vực, toàn quốc, quốc tế.

Đẩy mạnh việc xúc tiến xây dựng và quảng bá các thương hiệu cho các sản phẩm, hàng hóa của tỉnh như: Mía đường Tuyên Quang; chè Tuyên Quang; miến dong Tuyên Quang; lạc Chiêm Hóa; cam Sành Hàm Yên; Rượu ngô Na Hang; Rượu chuối Kim bình, Rượu thóc Lâm Bình, nước khoáng thiên nhiên Mỹ Lâm; vịt bầu Minh Hương; trâu ngố Chiêm Hóa; bưởi, hồng Xuân Vân...; tiếp tục đề xuất, xây dựng và triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ.

Ứng dụng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp, trao đổi, giao dịch  thông tin về khoa học và công nghệ.

Tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, mở rộng mối liên kết giữa tỉnh với các trường đại học, các viện nghiên cứu, các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của tỉnh; xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại tỉnh.

(Có biểu phụ lục các nhiệm vụ chi tiết kèm theo)

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố; các cơ quan, đơn vị liên quan: căn cứ Kế hoạch này, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương mình; định kỳ hàng năm tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện gửi Sở Khoa học và Công nghệ (trước ngày 10/12 hàng năm) để Sở Khoa học và Công nghệ tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức đoàn thể phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, các ngành, để tuyên truyền thống nhất nhận thức, hành động và tổ chức thực hiện đạt mục tiêu theo nội dung Chương trình hành động số 25-CTr/TU ngày 04/02/2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

3. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các ngành, cơ quan liên quan có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi chặt chẽ việc tổ chức thực hiện các nội dung của Kế hoạch này; hàng năm tổng hợp, đánh giá tiến độ, báo cáo kết quả thực hiện với Uỷ ban nhân dân tỉnh./.

 

 

Nơi nhận:
- Bí thư Tỉnh ủy;
- Thường trực Tỉnh uỷ; (báo cáo)
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Mặt trận Tổ quốc tỉnh;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Đài PTTH tỉnh, Báo Tuyên Quang;
- UBND các huyện, thành phố;
- TP: KTCNLN, TH;
- CV: CN, TC;
- Lưu VT (Th.CN).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Ngọc Thực

 

PHỤ LỤC

(Kèm theo Kế hoạch số 33/KH-UBND ngày 23/5/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

STT

Nội dung công việc

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Thời gian thực hiện

I

Đổi mới cơ chế quản lý, hoạt động khoa học và công nghệ.

 

 

 

1

Xây dựng Quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân, cá nhân đầu tư nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ; Quy định về xác lập quyền sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Sở Khoa học và Công nghệ

Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính; Sở Công Thương; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các cơ quan, đơn vị liên quan

2013

2

Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phát triển nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sở Tài chính; Sở Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan

2013-2015

3

Xây dựng và ban hành danh mục ngành nghề, lĩnh vực hỗ trợ thu hút cán bộ khoa học – công nghệ về tỉnh công tác, hỗ trợ cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ.

Sở Nội vụ

Các cơ quan, đơn vị liên quan

Hàng năm

4

Xây dựng dự án đầu tư và phát triển Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ

Sở Khoa học và Công nghệ

Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính; các cơ quan liên quan

2013-2016

5

Đầu tư nâng cấp Phòng nuôi cấy mô thuộc Trung tâm Thực nghiệm thực hành và chuyển giao khoa học công nghệ

Trường Cao đẳng tỉnh

Các cơ quan, đơn vị liên quan

2013-2015

6

Thành lập Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh.

Sở Nội vụ

Sở Khoa học và Công nghệ; các cơ quan, đơn vị liên quan

2013

7

Thành lập “Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Tuyên Quang”

Sở Nội vụ

Sở Khoa học và Công nghệ; các cơ quan, đơn vị liên quan

2013

8

Kiện toàn tổ chức, bộ máy của Sở Khoa học và Công nghệ và cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ ở cấp huyện.

Sở Khoa học và Công nghệ

Sở Nội vụ; UBND các huyện, thành phố

2013-2015

9

Kiện toàn Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh.

Sở Nội vụ

Sở Khoa học và Công nghệ

Hàng năm

II

Thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ

 

 

 

1

Điều tra, đánh giá thực trang nguồn nhân lực Khoa học và công nghệ tỉnh Tuyên Quang

Sở Khoa học và Công nghệ

Sở Nội vụ; các cơ quan liên quan

2013-2015

2

Nghiên cứu văn hóa truyền thống, ứng dụng các thành tựu KH&CN vào bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan

2013-2020

3

Nghiên cứu nguồn tài nguyên thiên nhiên, xã hội, nhân văn để phục vụ phát triển kinh tế du lịch của tỉnh

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan

2013-2020

4

Xây dựng dự án khu nông nghiệp công nghệ cao; quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan

2013-2020

5

Chương trình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về hệ thống canh tác, cơ giới hóa các khâu sản xuất, bảo quản, chế biến nông lâm sản hàng hóa của tỉnh

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan

2013-2020

6

Đề xuất, xây dựng và thực hiện các dự án ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Khoa học và Công nghệ; các cơ quan đơn vị liên quan

2013-2020

7

Đề xuất các dự án tham gia chương trình: Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội nông thôn và miền núi.

Sở Khoa học và Công nghệ

Sở Nông nghiệp & PTNT; các cơ quan, đơn vị liên quan; UBND các huyện, thị xã

Hàng năm

8

Chương trình ươm tạo doanh nghiệp khoa học trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020

Sở Khoa học và Công nghệ

Sở Công thương; các tổ chức, cá nhân liên quan

2013-2020

9

Điều tra đánh giá trình độ công nghệ của các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Sở Công thương

Sở Khoa học và Công nghệ; Các tổ chức, cá nhân có liên quan.

2013-2015

10

Chương trình đổi mới công nghệ nâng cao năng suất chất lượng hàng hóa của các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp chủ lực của Tuyên Quang đến năm 2020

Sở Công thương

Sở Khoa học và Công nghệ; Các tổ chức, cá nhân có liên quan.

2013-2020

11

Đề xuất, thực hiện các dự án thuộc Chương trình thúc đẩy năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt nam giai đoạn đến năm 2020.

Sở Khoa học và Công nghệ

Sở Công thương; Sở Nông nghiệp và PTNT; Ủy ban nhân dân huyện, thị xã

2013-2020

12

Nghiên cứu bảo tồn và phát triển một số ngành nghề thủ công truyền thống phục vụ nhu cầu xã hội, xuất khẩu và du lịch

Sở Công Thương

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan

2013-2015

13

Xây dựng mô hình hành chính điện tử trong các cơ quan cấp tỉnh

Sở Thông tin và Truyền thông

Các sở, ban, ngành trong tỉnh.

2013-2015

14

Thực hiện các dự án điều tra cơ bản, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ về bảo vệ môi trường trong công tác xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, sự cố môi trường và biến đổi khí hậu.

Sở Tài nguyên và Môi trường

Sở Khoa học và Công nghệ; các cơ quan, đơn vị liên quan.

2013-2020

15

Điều tra, quy hoạch, bảo tồn nguồn gen cây thuốc quý hiếm; xây dựng, phát triển vùng dược liệu tại một số huyện trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Sở Y tế

Các cơ quan, đơn vị liên quan

2014-2020

16

Xây dựng và quảng bá các thương hiệu cho các sản phẩm, hàng hóa: Mía đường Tuyên Quang; chè Tuyên Quang; miến dong Tuyên Quang; lạc Chiêm Hóa; cam Sành Hàm Yên, Rượu ngô Na Hang; Rượu chuối Kim bình, Rượu thóc Lâm Bình; nước khoáng thiên nhiên Mỹ Lâm; vịt bầu Minh Hương; trâu ngố Chiêm Hóa, bưởi, hồng Xuân Vân...;

Sở Khoa học và Công nghệ

UBND các huyện, thành phố; các tổ chức, cá nhân liên quan

2013-2020

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 33/KH-UBND năm 2013 thực hiện Chương trình hành động 25-CTr/TU do tỉnh Tuyên Quang ban hành

  • Số hiệu: 33/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 23/05/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tuyên Quang
  • Người ký: Trần Ngọc Thực
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản