Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 320/KH-UBND

Lào Cai, ngày 03 tháng 08 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC TRUY VẾT, XÉT NGHIỆM SARS-COV-2 ĐỂ CHỦ ĐỘNG GIÁM SÁT COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI

Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên thế giới và tại các địa phương trên cả nước vẫn đang diễn biến phức tạp; nhiều trường hợp mắc COVID-19 liên quan đến nhiều chuỗi lây nhiễm tại cộng đồng, tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, cơ sở y tế,… Trong bối cảnh đó, nguy cơ dịch bệnh COVID-19 xâm nhập, lây lan và bùng phát trên địa bàn tỉnh luôn thường trực, đòi hỏi các cơ quan, đơn vị, địa phương và mỗi cá nhân phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự giác thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; tiếp tục thực hiện quyết liệt các chiến lược kiểm soát, phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là việc truy vết, xét nghiệm để giám sát chủ động, phát hiện sớm, từ đó triển khai thần tốc các biện pháp khoanh vùng, cách ly, dập dịch.

Thực hiện Thông báo số 137/TB-VPCP ngày 30/5/2021 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”; Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 08/6/2021 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2021; Quyết định số 4042/QĐ-BYT ngày 21/9/2020 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Kế hoạch xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 trong giai đoạn dịch COVID-19; Thông báo số 823-TB/TU ngày 26/7/2021 của Tỉnh ủy Lào Cai về việc thực hiện xét nghiệm định kỳ SARS- CoV-2 cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao trên địa bàn tỉnh Lào Cai nhằm chủ động giám sát dịch Covid-19; Công văn số 207/HĐND-TT ngày 03/8/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai về ý kiến đối với Tờ trình số 154/TTr-UBND của UBND tỉnh, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch truy vết, xét nghiệm SARS-CoV-2 để giám sát chủ động COVID-19 trên địa bàn tỉnh Lào Cai (sau đây viết tắt là Kế hoạch), cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH - YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Thần tốc truy vết người tiếp xúc với ca bệnh để tổ chức cách ly, xử lý kịp thời, ngăn chặn dịch lây lan.

b) Giám sát chủ động bằng xét nghiệm để kịp thời phát hiện sớm các trường hợp mắc COVID-19 trong nhóm cộng đồng, khu vực có nguy cơ cao, tiềm ẩn khả năng trở thành ổ dịch như trong cơ sở y tế, cơ sở lao động, sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp… nhằm triển khai kịp thời các biện pháp, giải pháp phòng chống dịch phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn.

c) Đánh giá đúng nguy cơ dịch COVID-19 trong cộng đồng, đánh giá mức độ các vùng an toàn để thực hiện mục tiêu “kép” vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch, vừa tổ chức các hoạt động thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Yêu cầu

a) Thần tốc và triệt để, không được để sót người tiếp xúc.

b) Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp huyện, xã, các cơ quan, đơn vị có liên quan huy động tối đa mọi nguồn lực đảm bảo cho công tác truy vết nhanh, hiệu quả.

c) Việc tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm SARS-CoV-2 đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy trình, đúng quy định về phòng chống dịch COVID-19. Công tác chuẩn bị nhân lực, địa điểm lấy mẫu, quy trình phối hợp lấy mẫu khoa học để triển khai lấy mẫu nhanh chóng đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch.

d) Đảm bảo năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 và nhu cầu về vật tư, sinh phẩm, hóa chất phục vụ công tác xét nghiệm.

e) Đảm bảo thời gian trả kết quả xét nghiệm theo quy định.

f) Các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan phối hợp chặt chẽ triển khai thực hiện kịp thời, đúng kế hoạch đề ra.

II. NỘI DUNG

A. Công tác truy vết

1. Công tác chuẩn bị:

- Thành lập các tổ truy vết: mỗi thôn bản, tổ dân phố có ít nhất 01 tổ truy vết thành phần gồm: Công an, Y tế, tổ Covid -19 cộng đồng.

- Các huyện, thị xã, thành phố: Lập danh sách ít nhất 60 cán bộ y tế để sẵn sàng tham gia hỗ trợ truy vết cho các địa phương khác khi cần thiết (danh sách gửi về Sở Y tế trước ngày 08/8/2021, để tổng hợp điều phối nhân lực trong trường hợp khẩn cấp).

2. Nguyên tắc thực hiện

- Tiến hành truy vết càng sớm càng tốt, ngay khi có thông tin ca bệnh.

- Xác định các “mốc dịch tễ” trước, sau đó mới truy vết đến từng người tiếp xúc.

- Sử dụng đồng thời nhiều lực lượng truy vết để tiến hành truy vết thật nhanh theo các “mốc dịch tễ” phát hiện được.

- Áp dụng nhiều biện pháp truy vết; Các biện pháp có thể thu thập được các thông tin trùng lặp nhau nhưng bổ sung cho nhau, giúp truy vết người tiếp xúc một cách đầy đủ và có hệ thống.

- Đầu tư nguồn lực và thời gian để hoàn thành truy vết F1 trước trong thời gian 24 giờ; Việc truy vết F2 thực hiện sau khi đã cơ bản hoàn thành truy vết F1 và hoàn thành trong vòng 48h-72h.

- Các “mốc dịch tễ” và người tiếp xúc gần F1 cần được truy vết trong khoảng thời gian từ 3 ngày trước khi ca bệnh khởi phát cho đến khi ca bệnh được cách ly y tế.

- Người tham gia truy vết khi thực hiện nhiệm vụ phải thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm.

3. Các bước tiến hành

Khi có ca bệnh xâm nhập, ca bệnh thứ phát trong cộng đồng và các ổ dịch khu trú

a) Bước 1. Phong tỏa tạm thời các địa điểm ca bệnh F0 đi qua theo các mốc dịch tễ

- Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố ban hành quyết định phong tỏa tạm thời ngay các địa điểm ca bệnh F0 đi qua theo các mốc dịch tễ.

- Thiết lập các chốt trạm kiểm soát ra/vào vùng phong tỏa: tại tất cả đường chính, đường làng, lối mở, ngõ, ngách ra/vào vùng phong tỏa.

- Chính quyền và các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự cho người dân trong vùng phong tỏa.

- Đảm bảo an sinh xã hội trong vùng cách ly

b) Bước 2. Truy vết F0, F1, F2

- Tách F0 và đưa F0 đi cách ly, điều trị tại cơ sở y tế theo quy định

- Truy vết F1 thần tốc - triệt để trong cộng đồng; tách ngay F1, lấy mẫu đơn xét nghiệm Realtime- PCR và đưa đi cách ly tập trung theo quy định.

- Rà soát F2, tổ chức cách ly tại nhà và lấy mẫu xét nghiệm.

c) Bước 3. Lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho tất cả người dân ở khu vực phong tỏa.

- Lựa chọn địa điểm lấy mẫu phù hợp, đảm bảo thông thoáng, an toàn phòng chống Covid-19

- Chuẩn bị đầy đủ vật tư xét nghiệm, nhân lực lấy mẫu xét nghiệm đảm bảo công xuất mỗi điểm đạt 400-600 người/ngày. Quy mô xã hoàn thành trong vòng 24h, quy mô huyện hoàn thành trong vòng 48h, quy mô thành phố hoàn thành trong vòng 72h.

- Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho tất cả người dân ở khu vực phong tỏa. Mẫu xét nghiệm gộp 5 mẫu.

d) Bước 4. Xác định nguy cơ khi có kết quả xét nghiệm sàng lọc

* Trường hợp tất cả kết quả xét nghiệm trong khu vực phong tỏa âm tính với SARS-CoV-2: sau 3 ngày, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh đề xuất phương án dỡ bỏ cách ly.

* Trường hợp tiếp tục ghi nhận F0 tại khu vực phong tỏa: Báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh đề xuất phương án tiếp tục phong tỏa đủ 14 ngày:

Tổ chức xét nghiệm toàn bộ người dân khu vực phong tỏa 03 lần: vào ngày đầu, ngày thứ 7 và ngày thứ 14;

Đảm bảo an ninh, lương thực, thực phẩm, vệ sinh môi trường, xử lý rác thải trong khu vực phong tỏa.

B. Công tác xét nghiệm

1. Nguyên tắc

a) Các đối tượng thuộc diện phải lấy mẫu xét nghiệm theo yêu cầu điều tra dịch tễ ca bệnh, truy vết, cách ly, điều trị và kiểm soát, phòng, chống dịch COVID-19 tiếp tục thực hiện theo các quy định hiện hành của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế và theo các văn bản của UBND tỉnh Lào Cai, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Lào Cai.

b) Kế hoạch này quy định việc xét nghiệm SARS-CoV-2 cho các đối tượng có nguy cơ cao nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng nhằm chủ động giám sát dịch bệnh COVID-19 tại tỉnh Lào Cai. Do đó, việc xác định đối tượng, quy mô, tần suất, cách thức lấy mẫu xét nghiệm phải đáp ứng được yêu cầu giám sát chủ động, phát hiện sớm ca bệnh và phù hợp theo tình hình dịch bệnh; ưu tiên khu vực, đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao như khu vực tập trung nhiều người, các nhóm đối tượng tiếp xúc nhiều, di chuyển nhiều…

c) Căn cứ Kế hoạch xét nghiệm của UBND tỉnh phê duyệt, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm tổng hợp, lập danh sách các đối tượng xét nghiệm trong phạm vi quản lý trên địa bàn hoặc theo lĩnh vực, bố trí địa điểm, các nguồn lực tại điểm lấy mẫu phục vụ việc tổ chức, quản lý buổi lấy mẫu; phối hợp với Sở Y tế tổ chức công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích, yêu cầu và tiến độ. Đảm bảo việc lấy mẫu đạt công xuất 30.000 mẫu/ngày

d) Công tác tổ chức lấy mẫu, vận chuyển, xử lý, xét nghiệm được tổ chức khoa học, an toàn phòng, chống dịch; tối ưu hóa công tác nhập và xử lý số liệu, trả kết quả xét nghiệm trong vòng 24h kể từ khi nhận mẫu tại phòng xét nghiệm.

2. Nhóm đối tượng xét nghiệm và tần suất xét nghiệm ngân sách nhà nước chi trả

* Tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố:

2.1. Các đối tượng F0, F1, F2, người về từ vùng dịch thực hiện theo quy định của Bộ Y tế và của UBND tỉnh, tần suất theo quy định của từng đối tượng F0, F1, F2.

2.2. 100% Người có triệu chứng lâm sàng: ho, sốt, khó thở... không rõ nguyên nhân được xét nghiệm theo quy định, tần suất một lần.

2.3. 100% Đối với cán bộ công chức, viên chức, người lao động được cử đi công tác nước ngoài, đến khu vực yêu cầu phải có xét nghiệm, tần suất theo lần đi công tác.

2.4. 100% Các đối tượng được đưa vào các cơ sở, đơn vị tập trung dài ngày như: trại giam, tạm giam, các cơ sở cai nghiện ma túy,… tần suất 01 lần trước khi vào các cơ sở.

2.5. 20% Cán bộ làm việc tại Nhà liên ngành Cửa khẩu quốc tế số 2 Kim Thành, tần suất 02 tuần/lần.

2.6. 100% các cán bộ, chiến sỹ làm việc tại các cơ sở cách ly tập trung, cơ sở điều trị bệnh nhân Covid, tần suất 02 tuần/ lần.

2.7. 100% cán bộ y tế tại phòng khám, bộ phận tiếp đón, các khoa Hồi sức tích cực, cấp cứu, Truyền nhiễm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, khoa xét nghiệm và 20% bệnh nhân, người chăm sóc điều trị nội trú tại các khoa Hồi sức tích cực, cấp cứu, nội khoa, tần suất 02 tuần/ lần.

2.8. 20% công nhân, người lao động thực hiện công tác thu gom, vận chuyển, xử lý… rác thải y tế tại các cơ sở y tế, tần suất 02 tuần/ lần.

2.9. 100% cán bộ, người lao động làm việc tại Trung tâm dịch vụ hành chính công của tỉnh, bộ phận 1 cửa của các huyện, tần suất 02 tuần/ lần.

2.10. 20% người mắc bệnh mạn tính có hồ sơ bệnh án điều trị ngoại trú đến khám bệnh ngoại trú, người cung ứng dịch vụ tại bệnh viện như giữ xe, căng tin, vệ sinh…tại các bệnh viện, tần suất 01 tháng/ lần.

3. Nhóm đối tượng xét nghiệm và tần suất xét nghiệm tự chi trả kinh phí xét nghiệm.

* Tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố:

3.1. Thực hiện tần suất 07 ngày/lần đối với người lao động tại các cơ sở sản sản xuất kinh doanh trong và ngoài khu công nghiệp (cơ sở sản xuất kinh doanh):

20% người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh.

100% người tham gia cung cấp các dịch vụ cho cơ sở sản xuất kinh doanh như: cung cấp suất ăn, lương thực, thực phẩm, nguyên vật liệu, dịch vụ bảo vệ, vận chuyển, đưa đón chuyên gia ....

3.2. 20% chủ doanh nghiệp và người lao động làm việc trong khu vực cửa khẩu, tần suất 01 tuần/lần.

* Đối tượng xét nghiệm ở khu vực có nguy cơ (thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa, thị trấn các huyện)

3.3. 20% người làm việc là quản lý, lễ tân, nhân viên phục vụ… tại các cơ sở lưu trú, khu, điểm du lịch, tần suất 02 tuần/ lần.

3.4. 20% người lao động làm việc tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, tần suất 02 tuần/ lần.

3.5. 20% người kinh doanh thực phẩm thiết yếu, giữ xe… tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, tần suất 02 tuần/ lần.

3.6. 20% người lao động tại các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải (vận tải hành khách, xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi, xe tải vận chuyển hàng hóa…), tần suất 01 tuần/lần.

3.7. Xét nghiệm 02 tuần/ lần với 20% người lao động tại:

- Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống.

- Các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, massage, vũ trường, bar, spa, cắt tóc, làm đẹp, thẩm mỹ, gym, yoga.

- Các ngân hàng thương mại.

3.8. Các cơ sở y tế, nhà thuốc:

- Xét nghiệm 02 tuần/ lần với 20% các cán bộ làm việc tại bệnh viện, phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa, cơ sở xét nghiệm tư nhân.

- Xét nghiệm 01 tuần/ lần với 20% người làm việc tại cơ sở bán lẻ thuốc tư nhân.

(chi tiết tại Phụ lục kèm theo)

4. Đối với các đối tượng khác: Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật làm đầu mối tiếp nhận và tham mưu về chuyên môn và cơ sở pháp lý để có cơ sở trình UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh xem xét, quyết định.

Việc lựa chọn đối tượng cần xét nghiệm, phương pháp, kỹ thuật và sinh phẩm xét nghiệm căn cứ vào các yếu tố dịch tễ và lâm sàng; cần xem xét đánh giá tính khả thi trước khi thực hiện xét nghiệm cho các đối tượng có ưu tiên thấp hơn.

5. Thời gian thực hiện

- Thời gian thực hiện kể từ khi Kế hoạch được ban hành. Căn cứ diễn biến dịch COVID-19 tại tỉnh Lào Cai và trên cả nước, có thể điều chỉnh tỷ lệ xét nghiệm của các nhóm đối tượng cho phù hợp với tình hình thực tế.

- Các đối tượng đã được tầm soát trước thời gian ban hành kế hoạch trong năm 2021 được thanh quyết toán theo quy định.

6. Kỹ thuật xét nghiệm

a) Tùy nhóm đối tượng, điều kiện cụ thể để sử dụng các phương pháp xét nghiệm như: kỹ thuật RT-PCR mẫu đơn hoặc trộn mẫu, test nhanh kháng nguyên… (chi tiết theo nhóm đối tượng tại Phụ lục kèm theo).

b) Sinh phẩm xét nghiệm: Sử dụng sinh phẩm xét nghiệm đã được Bộ Y tế cho phép hoặc Tổ chức Y tế thế giới hoặc CDC Hoa Kỳ thẩm định và khuyến cáo.

7. Đơn vị thực hiện lấy mẫu và xét nghiệm: Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện, trong đó:

- Đơn vị thực hiện lấy mẫu: các Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố phối hợp lấy mẫu xét nghiệm cho các nhóm đối tượng thuộc địa bàn quản lý; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật lấy mẫu cho một số cơ quan, đơn vị, tổ chức theo phân công. Trong trường hợp vượt quá năng lực, đề nghị báo cáo Sở Y tế để giải quyết.

- Đơn vị thực hiện xét nghiệm: các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã được Bộ Y tế, Sở Y tế cấp phép đủ năng lực thực hiện xét nghiệm test nhanh, RT-PCR với vi rút SARS-CoV-2. Căn cứ tình huống, diễn biến của dịch bệnh và năng lực xét nghiệm của các cơ sở y tế, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật làm đầu mối tiếp nhận, thông báo điều phối nhận mẫu và làm xét nghiệm theo quy định. Việc mua sắm vật tư, hóa chất, sinh phẩm... phục vụ công tác lấy mẫu, xét nghiệm test nhanh... do các huyện/ thị xã/ thành phố tự đảm bảo theo phân cấp ngân sách.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Kinh phí thực hiện Kế hoạch này được bố trí từ nguồn dự phòng, ngân sách địa phương, quỹ bảo hiểm, nguồn thu dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 và các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định.

2. Đối với các đối tượng không được miễn phí xét nghiệm theo quy định sẽ tự chi trả chi phí xét nghiệm cho các cơ sở y tế theo mức giá dịch vụ xét nghiệm quy định tại Nghị quyết số 08/2021/NQ-HĐND ngày 15/6/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai (Chi tiết các đối tượng tại Phụ lục kèm theo).

Trường hợp có chủ trương miễn hoặc hỗ trợ một phần chi phí xét nghiệm của cơ quan có thẩm quyền, các cơ sở y tế thực hiện hoàn trả kinh phí đã thu cho các đối tượng đối với phần kinh phí được hỗ trợ theo quy định.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch này bảo đảm hiệu quả và tiến độ đề ra. Tùy theo tình hình dịch bệnh và nguy cơ lây nhiễm tại các đơn vị, đại phương tham mưu UBND tỉnh các biện pháp chỉ đạo cụ thể, phù hợp, hiệu quả đối với việc tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 theo kế hoạch này.

b) Chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao; tăng công suất, đảm bảo chất lượng lấy mẫu xét nghiệm và tổ chức xét nghiệm.

c) Căn cứ tình hình dịch bệnh để chủ động đề xuất, mua sắm Trang thiết bị, vật tư, hóa chất phục vụ công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh đảm bảo hiệu quả, kịp thời, tránh lãng phí.

d) Chủ động nhân lực dự phòng lấy mẫu xét nghiệm tối thiểu mỗi huyện, thị xã, thành phố 60 cán bộ y tế (Bệnh viện 20 người, Trung tâm Y tế: 40 người) để khi có yêu cầu huy động hỗ trợ các địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Xong trước ngày 08/8/2021.

e) Sở Y tế cung cấp danh sách các đơn vị đủ điều kiện thực hiện lấy mẫu, xét nghiệm test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho Sở Thông tin và truyền thông công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng.

f) Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật:

- Tổ chức tập huấn cho các huyện, thị xã, thành phố về công tác truy vết, cách ly, phong tỏa, lấy mẫu, thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên cho các cơ sở y tế đến tận tuyến xã.

- Lập dự trù sinh phẩm, vật tư tiêu hao, trang phục bảo hộ để thực hiện xét nghiệm theo Kế hoạch này theo phân cấp ngân sách; hướng dẫn các đơn vị y tế tuyến huyện/ thị xã/ thành phố dự trù và đề xuất bổ sung dự toán, thực hiện mua sắm theo quy định. Đảm bảo nguồn vật tư, sinh phẩm cho thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 đến hết năm 2021.

- Phối hợp với các đơn vị lấy mẫu, đơn vị có đủ năng lực xét nghiệm để tiếp nhận mẫu, điều phối mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2, thực hiện xét nghiệm và trả lời kết quả xét nghiệm trong vòng 24 giờ.

- Làm đầu mối tổng hợp kế hoạch, tiến độ, kết quả xét nghiệm, kinh phí thực hiện xét nghiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan đối với các đơn vị trong phạm vi quản lý sau mỗi đợt thực hiện xét nghiệm để báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh theo định kỳ (báo cáo ngày, báo cáo tuần, báo cáo tháng hoặc theo đợt xét nghiệm).

g) Hướng dẫn các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức xét nghiệm trình UBND tỉnh trước khi triển khai, thực hiện

h) Chủ trì phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan để xác định cụ thể đối tượng được sử dụng miễn phí xét nghiệm và đối tượng không được miễn phí xét nghiệm theo quy định báo cáo UBND tỉnh.

i) Tổng hợp kinh phí thực hiện Kế hoạch này trên cơ sở báo cáo của các cơ quan, đơn vị, địa phương sau mỗi đợt thực hiện xét nghiệm báo cáo UBND tỉnh theo quy định; đồng thời chịu trách nhiệm thanh quyết toán theo quy định của pháp luật hiện hành.

k) Định kỳ Chủ nhật hằng tuần tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo kế hoạch về UBND tỉnh.

2. Sở Công Thương

a) Chủ động xây dựng kế hoạch xét nghiệm, rà soát, chọn ngẫu nhiên, đại diện theo tỷ lệ quy định, lập danh sách đối tượng xét nghiệm tại các Trung tâm thương mại, siêu thị, các cơ sở sản xuất kinh doanh ngoài khu công nghiệp… thuộc phạm vi quản lý của sở. Chủ động liên hệ với đơn vị đủ điều kiện xét nghiệm COVID-19 theo công bố của Sở Y tế để tổ chức xét nghiệm theo tiến độ, tần suất quy định tại Kế hoạch này.

b) Chủ trì phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan giám sát việc triển khai tầm soát xét nghiệm thuộc phạm vi quản lý.

c) Thứ 6 hằng tuần báo cáo kết quả triển khai các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này về Sở Y tế tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

a) Chủ động xây dựng kế hoạch xét nghiệm, rà soát, chọn ngẫu nhiên, đại diện theo tỷ lệ quy định, lập danh sách đối tượng xét nghiệm tại các cơ sở lưu trú, khu, điểm du lịch, … thuộc phạm vi quản lý của sở. Chủ động liên hệ với đơn vị đủ điều kiện xét nghiệm COVID-19 theo công bố của Sở Y tế để tổ chức xét nghiệm theo tiến độ, tần suất quy định tại Kế hoạch này.

b) Chủ trì phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan giám sát việc triển khai tầm soát xét nghiệm thuộc phạm vi quản lý.

c) Thứ 6 hằng tuần báo cáo kết quả triển khai các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này về Sở Y tế tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

4. Sở Giao thông vận tải - Xây dựng

a) Chủ động xây dựng kế hoạch xét nghiệm, rà soát, chọn ngẫu nhiên, đại diện theo tỷ lệ quy định, lập danh sách đối tượng xét nghiệm tại các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải (vận tải hành khách, xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi, xe tải vận chuyển hàng hóa, xe ôm…). thuộc phạm vi quản lý của sở. Chủ động liên hệ với đơn vị đủ điều kiện xét nghiệm COVID-19 theo công bố của Sở Y tế để tổ chức xét nghiệm theo tiến độ, tần suất quy định tại Kế hoạch này.

b) Chủ trì phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan giám sát việc triển khai tầm soát xét nghiệm thuộc phạm vi quản lý.

c) Thứ 6 hằng tuần báo cáo kết quả triển khai các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này về Sở Y tế tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

5. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh

a) Tổng hợp, lập danh sách các doanh nghiệp, số lượng lao động của từng doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu để sắp xếp thời gian và số lượng mẫu phù hợp với năng lực lấy mẫu và công suất xét nghiệm của các đơn vị xét nghiệm, thứ tự ưu tiên theo đúng chỉ đạo của tỉnh.

b) Chỉ đạo các công ty, doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh lập danh sách, tổ chức thực hiện sắp xếp công nhân, người lao động thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, giãn cách, đúng thứ tự lấy mẫu xét nghiệm (tuyệt đối đảm bảo an toàn phòng chống dịch).

c) Phối hợp với Sở Y tế giám sát quá trình tổ chức lấy mẫu tại c ác doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp, khu kinh tế. Trường hợp có nhu cầu đề xuất đơn vị y tế thực hiện dịch vụ cần có kế hoạch cụ thể để các đơn vị có kế hoạch đấu thầu mua sắm vật tư, sinh phẩm đảm bảo công tác xét nghiệm tại các Khu công nghiệp, Khu kinh tế.

d) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

e) Thứ 6 hằng tuần báo cáo kết quả triển khai các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này về Sở Y tế tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

6. Sở Tài chính

a) Trên cơ sở thông tin tổng hợp kinh phí của Sở Y tế thực hiện sau mỗi đợt xét nghiệm, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

b) Chủ trì phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị, địa phương có liên quan báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định về hỗ trợ chi phí xét nghiệm từ nguồn ngân sách địa phương đối với các đối tượng không được miễn phí xét nghiệm theo quy định (nếu có).

7. UBND các huyện, thị xã, thành phố

a) Căn cứ Kế hoạch này, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai xây dựng Kế hoạch chi tiết thực hiện tại địa phương: Dựa vào đánh giá dịch tễ của cơ quan chuyên môn, chủ động thành lập các tổ truy vết, bổ sung các trang thiết bị, đề xuất số lượng mẫu cần xét nghiệm trên cơ sở đảm bảo hiệu quả phòng, chống dịch và tiết kiệm nguồn lực; rà soát lập danh sách các đối tượng lấy mẫu xét nghiệm theo từng nhóm đối tượng gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo tỉnh và Sở Y tế.

b) Chỉ đạo các đơn vị liên quan, phối hợp với Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật triển khai chi tiết Kế hoạch này tại địa phương.

c) Trước khi thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, phải có kế hoạch phân công nhiệm vụ rõ ràng cho các đơn vị liên quan; lập danh sách đối tượng cần lấy mẫu đúng, đầy đủ thông tin, sắp xếp lấy mẫu theo khoảng thời gian để đảm bảo việc giãn cách phòng chống dịch.

d) Chủ động bố trí sẵn địa điểm lấy mẫu tập trung tại khu dân cư phù hợp với số lượng mẫu cần lấy và cử các lực lượng chức năng giữ gìn an ninh trật tự để triển khai tuần tự lấy mẫu đến tổ dân phố đảm bảo an toàn phòng chống dịch. (có sơ đồ bố trí các điểm lấy mẫu tại các xã, phường, thị trấn) .

đ) Chủ động mua sắm vật tư, hóa chất xét nghiệm đảm bảo công tác lấy mẫu, truy vết... phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19.

e) Hướng dẫn các cơ sở kinh doanh, tiểu thương các chợ, các cơ sở dịch vụ như: cắt tóc, gội đầu, gym, massage…. tổ chức xét nghiệm cho người lao động.

f) Chỉ đạo UBND, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 xã, phường, thị trấn chủ động phối hợp, lập danh sách chi tiết những người cần lấy mẫu (cả trong doanh nghiệp và khu dân cư trên địa bàn quản lý), cử cán bộ tham gia trực tiếp điều hành, sắp xếp, hướng dẫn các đối tượng lấy mẫu theo đúng trình tự. Nơi nào để xảy ra tình trạng lộn xộn, mất an toàn phòng chống dịch lãnh đạo địa phương đó hoàn toàn chịu trách nhiệm.

g) Chủ động huy động các giáo viên tin học, hoặc người tình nguyện có khả năng về công nghệ thông tin trên địa bàn để phục vụ công tác nhập liệu, số hóa thông tin lấy mẫu và xét nghiệm. Bố trí theo nguyên tắc: mỗi bàn lấy mẫu phải có 1 người, 1 máy tính xách tay để nhập liệu. UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm cung cấp các trang thiết bị và điều kiện cần thiết để đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ và an toàn cho các tình nguyện viên này trong quá trình tham gia trợ giúp phòng, chống dịch COVID-19. Đảm bảo việc lấy mẫu đạt công xuất 30.000 mẫu/ngày

h) Chủ động cân đối từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện Kế hoạch.

i) Thứ 6 hằng tuần báo cáo kết quả triển khai các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này về Sở Y tế tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Trên đây là Kế hoạch truy vết, xét nghiệm SARS-CoV-2 để chủ động giám sát dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong giai đoạn hiện nay, yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị được giao nhiệm vụ hằng tuần lập kế hoạch cho tuần tiếp theo trình UBND tỉnh phê duyệt trước khi triển khai thực hiện. Căn cứ tình hình thực tế và diễn biến của dịch bệnh UBND tỉnh sẽ điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch cho phù hợp ./.

 


Nơi nhận:
- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Báo Lào Cai;
- Đài PTTH tỉnh;
- UBND các các huyện, thị xã, thành phố
- Lãnh đạo Văn phòng;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, TH3, VX2.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Giàng Thị Dung

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 320/KH-UBND năm 2021 về tổ chức truy vết, xét nghiệm SARS-CoV-2 để chủ động giám sát COVID-19 trên địa bàn tỉnh Lào Cai

  • Số hiệu: 320/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 03/08/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai
  • Người ký: Giàng Thị Dung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/08/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản