Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SÓC TRĂNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 32/KH-UBND

Sóc Trăng, ngày 09 tháng 09 năm 2011

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TỈNH SÓC TRĂNG GIAI ĐOẠN 2011-2015

PHẦN MỞ ĐẦU

I. Vai trò và sự cần thiết của việc xây dựng kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2011-2015:

Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Sóc Trăng có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế và xã hội, chiếm khoảng 99,21% tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập và 46,8% vốn đăng ký của tỉnh, là khu vực doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển và đóng góp vào ngân sách nhà nước. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có vốn đầu tư ban đầu tuy không lớn nhưng được hình thành và phát triển rộng khắp ở cả thành thị và nông thôn, ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực; là khu vực khai thác và huy động các nguồn lực, tiềm năng, tạo cơ hội cho đông đảo dân cư có thể tham gia đầu tư và tạo ra một thị trường cạnh tranh lành mạnh hơn.

Từ cuối năm 2007 cho đến nay, nền kinh tế nước ta chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới hàng năm vẫn tăng, tính đến hết năm 2009, có gần 85.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng gần 30% so với năm 2008. Việc phát triển doanh nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện giải quyết việc làm, nâng cao mức sống của người dân, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có vai trò rất quan trọng.

Sự phát triển tích cực của khu vực DNNVV trong những năm qua đã góp phần cơ bản tạo việc làm mới, giảm tỷ lệ thất nghiệp, góp phần ổn định tình hình kinh tế, chính trị, an sinh xã hội. Tuy nhiên, các DNNVV vẫn còn có những khó khăn, hạn chế mang tính đặc trưng và lâu dài ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và phát triển như: quy mô doanh nghiệp nhỏ, trình độ công nghệ lạc hậu, khả năng quản trị doanh nghiệp yếu, việc tiếp cận nguồn tín dụng và mặt bằng sản xuất khó, mối liên kết với các doanh nghiệp lớn còn thấp...

Để cụ thể hóa việc triển khai thực hiện các quy định của Trung ương tại tỉnh Sóc Trăng, việc xây dựng Kế hoạch phát triển DNNVV tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2011-2015 là hết sức cần thiết.

Thông qua Kế hoạch phát triển DNNVV các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về khuyến khích và hỗ trợ phát triển DNNVV sẽ được công khai, minh bạch hơn, giúp các DNNVV phát huy hiệu quả năng lực của mình trong hoạt động đầu tư và phát triển kinh doanh. Kế hoạch 5 năm là một công cụ đắc lực giúp UBND tỉnh Sóc Trăng theo dõi, đánh giá tình hình phát triển DNNVV trên địa bàn; là cơ sở để thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

II. Căn cứ, phương pháp và kết cấu kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2011-2015:

1. Căn cứ xây dựng Kế hoạch:

- Dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2011-2020;

- Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 tỉnh Sóc Trăng;

- Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển DNNVV;

- Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 05/5/2010 của Chính phủ về việc triển khai thực hiện Nghị định số 56/2009/NĐ-CP về trợ giúp phát triển DNNVV;

- Quyết định số 23/2011/QĐ-UBND ngày 24/6/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng về việc ban hành Quy định về chính sách khuyến khích và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

2. Nội dung Kế hoạch:

Kế hoạch gồm ba chương như sau:

Chương I: Thực trạng Khu vực DNNVV tỉnh Sóc Trăng

Khái quát thực trạng số lượng, tình hình phát triển DNNVV, đóng góp của DNNVV vào tăng trưởng GDP, thu ngân sách và kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh.

Chương II: Mục tiêu và giải pháp phát triển DNNVV giai đoạn 2011 - 2015 tỉnh Sóc Trăng

Khái quát bối cảnh kinh tế - xã hội thế giới, trong nước và những tác động của thực trạng này đến sự phát triển DNNVV của tỉnh. Từ đó xây dựng mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể liên quan đến phát triển DNNVV; đồng thời đề xuất các giải pháp thực hiện kế hoạch, bao gồm các giải pháp ưu đãi, khuyến khích và hỗ trợ DNNVV và những chương trình, dự án trực tiếp trợ giúp DNNVV.

Chương III: Tổ chức thực hiện Kế hoạch

Bao gồm việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết (nhân lực, tài chính, thể chế,...) để tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch; đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các sở ban ngành, UBND huyện, thành phố có liên quan trong việc tổ chức thực hiện Kế hoạch.

Chương I

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DNNVV TỈNH SÓC TRĂNG

I. Thực trạng về khu vực DNNVV tỉnh Sóc Trăng

Thời gian qua tỉnh đã thực hiện tốt Kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2006 - 2010 và đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần tạo điều kiện phát triển nhanh số lượng doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh.

1. Số lượng, quy mô DNNVV:

- Số lượng doanh nghiệp đăng ký và hoạt động trên địa bàn tỉnh tính đến cuối năm 2010:

Đến cuối năm 2010 trên địa bàn tỉnh có 2.152 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 14.625,614 tỷ đồng, (trong đó DNNVV có 2.135 doanh nghiệp, chiếm 99,21%, với số vốn 6.871,833 tỷ đồng, chiếm 46,89%), cụ thể như sau:

Loại hình

31/12/2010

DN Nhỏ và vừa

Số DN

Vốn (tỷ.đ)

Số DN

Vốn (tỷ.đ)

Vốn b/q (tỷ.đ)

Toàn tỉnh

2.152

14.625,614

2.135

6.871,833

 

- DN Tư nhân

1.375

1.796,490

1.375

1.796,490

1,307

- Cty TNHH 2TV

296

2.681,422

293

1.414,724

4,828

- Cty TNHH 1TV

364

3.004,524

361

2.275,740

6,304

- Cty Cổ phần

102

7.131,955

91

1.373,656

15,095

- DN nhà nước

1

0,66

1

0,66

0,66

- Quỹ tín dụng

14

10,563

14

10,563

0,755

- Tình hình đăng ký kinh doanh giai đoạn 2006-2010: toàn tỉnh đăng ký thành lập mới 1.337 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký 6.950,9 tỷ đồng, trong đó: 725 doanh nghiệp tư nhân, vốn đăng ký 868,93 tỷ đồng; 240 công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên, vốn đăng ký 1.111,17 tỷ đồng; Công ty TNHH 01 thành viên 308 doanh nghiệp, vốn đăng ký 2.230,92 tỷ đồng; 63 công ty cổ phần, vốn đăng ký 2.738,38 tỷ đồng; 01 Quỹ tín dụng với số vốn đăng ký là 1,5 tỷ đồng.

So với số doanh nghiệp đăng ký giai đoạn 2001-2005, số doanh nghiệp tư nhân đăng ký giai đoạn 2006-2010 tăng 119% về số lượng và hơn 207% về vốn, (trong đó Công ty TNHH 2 thành viên tăng 169% về số lượng và tăng 320% về số vốn đăng ký; Công ty cổ phần tăng 203% về số lượng doanh nghiệp, tăng 201% về vốn đăng ký).

Loại hình đăng ký

Năm 2006

Năm 2007

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Tổng cộng

Số DN

Vốn (tỷ.đ)

Số DN

Vốn (tỷ.đ)

Số DN

Vốn (tỷ.đ)

Số DN

Vốn (tỷ.đ)

Số DN

Vốn (tỷ.đ)

Số DN

Vốn (tỷ.đ)

Toàn tỉnh

214

605,65

265

1.593.74

210

307,20

309

593,92

339

3.850,36

1.337

6.950,9

- DN Tư nhân

147

166,37

167

149,37

121

136,75

157

188.40

133

228,02

725

868,93

- Cty TNHH 2TV

54

171,95

42

313,48

30

61,75

48

126,45

66

437,54

240

1.111,17

- Cty TNHH 1TV

4

59,40

36

92,19

51

81,55

100

256,27

117

1.741,50

308

2.230,92

- Cty Cổ phần

8

206,43

20

1.038.70

8

27,15

4

22,80

23

1.443,30

63

2.738,38

- Quỹ tín dụng

1

1,5

 

 

 

 

 

 

 

 

1

1,5

2. Phân bố DNNVV theo ngành nghề, địa bàn:

2.1. Phân loại theo ngành nghề, số lượng doanh nghiệp phân bố phần lớn trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp - xây dựng, cụ thể như sau:

- Thương mại: 938 doanh nghiệp, chiếm 43,58%

- Công nghiệp, xây dựng: 853 doanh nghiệp, chiếm 39,65%.

- Dịch vụ khác: 192 doanh nghiệp, chiếm 8,92%.

- Nông lâm ngư nghiệp: 169 doanh nghiệp, chiếm 7,85%.

2.2. Phân theo địa bàn, phần đông doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thành phố Sóc Trăng (chiếm gần 43%), cụ thể:

STT

Huyện

Tổng số

DN tư nhân

Cty TNHH 2TV

Cty TNHH 1TV

Cty CP

Hợp tác xã

DN Nhà nước

%

Số DN

Số vốn
(tỷ.đ)

Số DN

Số vốn
(tỷ.đ)

Số DN

Số vốn
(tỷ.đ)

Số DN

Số vốn
(tỷ.đ)

Số DN

Số vốn
(tỷ.đ)

Số DN

Số vốn
(tỷ.đ)

Số DN

Số vốn
(tỷ.đ)

 

Tổng cộng:

 

2.152

14.625,64

1.375

1.796,49

364

2.681,42

296

3.004,52

102

7.131,96

14

10,56

1

0,66

1

TP Sóc Trăng

42,99

925

11.234,51

426

702,68

222

1.667,66

199

2.411,60

76

6.450,30

1

1,60

1

0,66

2

Kế Sách

3,77

81

230,05

63

71,45

7

119,70

9

27,90

1

10,00

1

1,00

0

0

3

Long Phú

8,56

184

369,85

152

172,24

16

54,51

9

87,15

6

54,95

1

1,00

0

0

4

Mỹ Tú

4,80

105

251,97

77

65,37

16

90,89

7

18,00

3

76,00

2

1,75

0

0

5

Mỹ Xuyên

11,99

258

578,95

197

169,97

34

221,37

22

89,20

2

97,00

3

1,42

0

0

6

Thạnh Trị

3,68

79

179,38

67

83,30

4

25,46

6

69,00

0

0

2

1,62

0

0

7

Vĩnh Châu

10,11

217

435,08

161

164,37

33

149,57

17

83,64

5

37,50

1

0

0

0

8

Cù Lao Dung

2,43

52

103,41

45

67,09

4

24,42

1

10,00

1

1,90

1

0

0

0

9

Ngã Năm

3,16

68

151,29

55

74,46

4

34,55

8

25,13

1

17,15

0

0

0

0

10

Châu Thành

6,51

140

599,09

102

154,23

19

216,29

14

165,90

4

62,15

1

0,51

0

0

11

Trần Đề

2,00

43

492,02

30

71,32

5

77,00

4

17,00

3

325

1

1,69

 

 

3. Lao động trong khu vực DNNVV:

Trong 5 năm (2006-2010), các DNNVV đã góp phần tạo thêm việc làm mới cho khoảng 13.360 lao động, bình quân 10 lao động/doanh nghiệp. Thu nhập bình quân đối với khối doanh nghiệp khoảng 1.500.000 đồng/người/tháng;

Về đào tạo lao động, một số doanh nghiệp quy mô lớn tự đào tạo lao động thông qua hình thức kèm cặp giữa người cũ và người mới. Còn đa số các DNNVV, chỉ nhận những lao động đã được đào tạo.

4. Đóng góp của khu vực DNNVV vào GDP, xuất nhập khẩu, thu ngân sách:

4.1. Đóng góp vào GDP:

Mặc dù còn những hạn chế, khó khăn nhất định, nhưng hoạt động của các DNNVV vẫn đóng góp một phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh:

- Năm 2006, giá trị tăng thêm của khu vực DNNVV đạt 2.350,60 tỷ đồng, chiếm 25,27% GDP toàn tỉnh.

- Năm 2010, giá trị tăng thêm của khu vực DNNVV đạt 7.347,08 tỷ đồng, chiếm 27,73% GDP toàn tỉnh.

4.2. Đóng góp vào xuất nhập khẩu:

Giai đoạn 2006-2010, tỷ lệ đóng góp của các DNNVV vào tổng kim ngạch xuất khẩu cũng tăng theo từng năm, cụ thể:

- Năm 2006, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 333,08 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của DNNVV đạt 8,77 triệu USD; chiếm 2,63% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Tổng kim ngạch nhập khẩu của tỉnh là 24,9 triệu USD, trong đó của DNNVV là 5,62 triệu USD, chiếm 22,57%.

- Đến năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 432,37 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của DNNVV đạt 95,74 triệu USD, chiếm 22,14%. Tổng kim ngạch nhập khẩu của tỉnh 5,17 triệu USD, trong đó của DNNVV là 0,41 triệu USD, chiếm 8,01%.

4.3. Đóng góp vào thu ngân sách:

Sự phát triển của các DNNVV trong thời gian qua đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngoài việc góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương, các doanh nghiệp cũng đã đóng góp đáng kể vào thu ngân sách của tỉnh với tỷ trọng ngày càng tăng, cụ thể năm 2006, tổng thu ngân sách trên địa bàn là 1.183 tỷ đồng, trong đó thu từ khối các DNNVV là 338,824 tỷ đồng, chiếm 29%; đến năm 2010, tổng thu ngân sách của tỉnh ổn định ở mức 1.101 tỷ đồng, trong đó thu từ các DNNVV là 423,243 tỷ đồng, chiếm 38%.

II. Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển DNNVV lần thứ nhất 2006- 2010 và bài học rút ra

1. Một số kết quả chủ yếu:

1.1. Về công tác triển khai thực hiện kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2006 - 2010:

Trên cơ sở nội dung kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2006 - 2010 của Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển DNNVV của tỉnh.

Căn cứ theo tình hình thực tế của địa phương, tỉnh Sóc Trăng không thành lập Ban Điều phối thực hiện kế hoạch phát triển DNNVV mà giao nhiệm vụ cho Ban Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức triển khai và điều hành thực hiện. Đồng thời, thành lập 2 đơn vị sự nghiệp để hỗ trợ phát triển DNNVV tại địa phương như sau:

- Trung tâm Xúc tiến Đầu tư trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối của tỉnh trong việc hỗ trợ và cung cấp các dịch vụ tư vấn cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

- Trung tâm Xúc tiến Thương mại trực thuộc Sở Công Thương là đơn vị đầu mối của tỉnh trong việc tổ chức các hoạt động về xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm, tham quan, khảo sát, tìm hiểu thị trường; hỗ trợ và cung cấp dịch vụ tư vấn cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; tổ chức hội thảo chuyên đề về thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế và đào tạo, bồi dưỡng các kỹ năng kinh doanh cho doanh nghiệp.

1.2. Về thực hiện kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho DNNVV:

Hằng năm, tỉnh Sóc Trăng đều xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho các DNNVV và thường xuyên tổ chức các lớp đào đạo, bồi dưỡng đối với cán bộ quản lý hợp tác xã. Thông qua các khóa học, đa số các học viên đều đánh giá cao các chương trình trợ giúp đào tạo của nhà nước, giúp họ nắm bắt và vận dụng tốt những kiến thức được đào tạo trong việc quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

1.3. Về cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký thành lập doanh nghiệp:

Nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước để cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Quy chế phối hợp thực hiện cơ chế liên thông về đăng ký kinh doanh, đăng ký khắc con dấu và đăng ký mã số thuế trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng vào năm 2007. Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối trực tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cho doanh nghiệp trong thời gian tối đa 04 ngày làm việc. Cụ thể, Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm cung cấp thông tin đến Công an và Cục Thuế tỉnh để tiến hành đồng thời việc đăng ký khắc con dấu và đăng ký mã số thuế.

Đến năm 2008, thực hiện Thông tư số 05/2008/TTLT/BKH-BTC-BCA ngày 29/7/2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục xây dựng và ban hành Quy chế phối hợp thực hiện cơ chế liên thông về đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và đăng ký con dấu đối với doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, thời gian giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp chỉ còn 03 ngày, bao gồm cả việc khắc con dấu và cấp Giấy chứng nhận đăng ký.

2. Bài học rút ra từ việc thực hiện Kế hoạch lần thứ nhất:

Việc tổ chức và phối hợp thực hiện Kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2006 - 2010 của tỉnh đạt một số kết quả tích cực, góp phần tạo điều kiện phát triển nhanh số lượng doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do không thành lập Ban Điều phối nên việc tổ chức thực hiện kế hoạch giữa các ngành, các địa phương còn những mặt bất cập, thiếu đồng bộ. Bên cạnh đó, ngân sách tỉnh hạn hẹp và khả năng hỗ trợ của Trung ương cũng hạn chế, nên đã ảnh hưởng đáng kể đến công tác hỗ trợ và phát triển DNNVV của địa phương.

III. Hạn chế, thách thức của khu vực DNNVV và nhu cầu hỗ trợ trong giai đoạn 2011-2015:

1. Các hạn chế cơ bản của khu vực DNNVV:

- Năng lực và trình độ quản lý của DNNVV nhìn chung còn hạn chế do thường xuất phát từ kinh tế hộ gia đình hoặc từ ý tưởng của một nhóm bạn bè, một cá thể, do vậy thường gặp lúng túng trong việc hoạch định chiến lược hoạt động, hiệu quả kinh doanh kém.

Việc tiếp cận, nắm bắt, xử lý thông tin và xúc tiến hoạt động đầu tư, hoạt động thương mại của doanh nghiệp tư nhân còn nhiều hạn chế, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ. Ý thức về những khó khăn, thách thức khi hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế đối với đại bộ phận doanh nghiệp chưa được quan tâm hoặc quan tâm chưa đúng mức.

- Đa số DNNVV có quy mô nhỏ, vốn ít, công nghệ lạc hậu, trình độ quản lý và hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp. Mặt khác phần lớn các DNNVV ngoài quốc doanh cũng khó tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước.

- Thiếu lực lượng lao động có kỹ năng tay nghề cũng là một khó khăn đối với DNNVV và các hộ kinh doanh. Không ít doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa cho rằng thiếu lực lượng lao động có kỹ năng tay nghề được xem như một trở ngại đáng kể đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

- Kết cấu hạ tầng cơ sở yếu kém, nhất là hạ tầng cầu cảng và cung cấp điện cũng đang gây khó khăn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DNNVV, các hộ kinh doanh.

- Sản phẩm DNNVV còn dựa trên công nghệ sản xuất giá rẻ, phụ thuộc nhiều vào thị trường khác.

- Việc báo cáo tài chính theo quy định của Luật Doanh nghiệp, hầu hết các doanh nghiệp chưa thực hiện được, do các mẫu báo cáo theo quy định của Bộ Tài chính quá phức tạp, doanh nghiệp khó thực hiện, số doanh nghiệp gửi báo cáo theo quy định rất ít, nhiều nhất là năm 2010 chỉ có 31% doanh nghiệp gởi báo cáo.

2. Nhu cầu hỗ trợ đối với khu vực DNNVV giai đoạn 2011-2015:

Từ những hạn chế, thách thức nêu trên, định hướng giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh Sóc Trăng sẽ tập trung thực hiện các hỗ trợ đối với DNNVV như sau:

- Triển khai Dự án phát triển DNNVV tỉnh Sóc Trăng (do Cơ quan Phát triển quốc tế Canada tài trợ), dự án sẽ hỗ trợ kỹ thuật, tài chính và nâng cao năng lực quản lý cho các DNNVV trong phạm vi toàn tỉnh.

- Thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển DNNVV, bao gồm ngân sách hỗ trợ từ Trung ương, ngân sách tỉnh, đóng góp của các doanh nghiệp và các nguồn tài trợ khác.

- Hỗ trợ đào tạo nghề cho DNNVV có nhu cầu sử dụng lao động nhưng không thể tự đào tạo lao động.

- Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn được tiếp cận đất sạch và hỗ trợ các chính sách về giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư theo quy định pháp luật

- DNNVV sẽ được hỗ trợ chi phí thực hiện thủ tục đầu tư nếu đăng ký thực hiện các dự án thuộc diện đặc biệt khuyến khích đầu tư của tỉnh.

- Hỗ trợ xúc tiến thương mại để giúp các DNNVV mở rộng thị trường tiêu thụ.

Chương II

MỤC TIÊU VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DNNVV GIAI ĐOẠN 2011 -2015

I. Bối cảnh kinh tế - xã hội và yêu cầu phát triển DNNVV giai đoạn 2011-2015:

1. Bối cảnh trong, ngoài nước tác động đến khu vực DNNVV:

1.1. Thế giới:

Kế hoạch phát triển DNNVV 5 năm (2011-2015) được thực hiện trong bối cảnh kinh tế thế giới biến đổi nhanh, phức tạp và khó lường. Sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, thế giới sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều cơ hội và thách thức mới.

Theo xu hướng hiện tại, kinh tế tri thức đang phát triển mạnh, theo đó yếu tố con người và tri thức đang trở thành lợi thế chủ yếu của mỗi quốc gia. Việc tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu đã trở thành yêu cầu tất yếu đối với các nền kinh tế.

1.2. Trong nước:

- Chủ trương nhất quán của Đảng và Chính phủ trong việc xây dựng nền kinh tế thị trường nhiều thành phần theo định hướng XHCN có sự quản lý của Nhà nước, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế cùng phát triển bình đẳng và cam kết tạo điều kiện để phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân, trong đó chú trọng đến mục tiêu phát triển ngày càng nhiều loại hình DNNVV.

- Việt Nam đang thực hiện các cam kết về AFTA và WTO, các hiệp định song phương và đa phương khác đây cũng vừa là cơ hội vừa là thách thức cho DNNVV Việt Nam trong quá trình hội nhập với nền kinh tế quốc tế.

- Năng lực và trình độ sản xuất của nhiều ngành kinh tế đã tăng đáng kể; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo chiều hướng tích cực; chất lượng tăng trưởng trong nhiều ngành, lĩnh vực đã có những cải thiện; các doanh nghiệp và toàn nền kinh tế đã thích nghi dần với thị trường quốc tế (tập quán thương mại, tác động của thị trường thông tin...).

- Đầu tư trực tiếp nước ngoài trong những năm gần đây đã tăng về số lượng dự án và số vốn đầu tư, trong đó ngày càng có nhiều tập đoàn xuyên quốc gia đã có mặt tại Việt Nam, đây là một trong những yếu tố kích thích phát triển DNNVV với vai trò là các nhà cung cấp sản phẩm đầu vào cũng như phân phối sản phẩm đầu ra.

2. Dự báo xu hướng phát triển, yêu cầu mới từ nền kinh tế và các thách thức đối với công tác phát triển DNNVV trong thời gian tới:

- DNNVV vẫn tiếp tục đà phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, quy mô và hiệu quả, đảm nhận vị trí, vai trò quan trọng không thể thiếu trong nền kinh tế quốc dân;

- Xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng đòi hỏi sự liên kết của các DNNVV càng cao, liên kết giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, giữa các DNNVV trong nước với nhau tạo thành chuỗi giá trị sản xuất kinh doanh, hình thành công nghiệp phụ trợ...

- Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ của tỉnh; phát triển bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, và đảm bảo sự công bằng trong xã hội.

II. Quan điểm, định hướng và mục tiêu phát triển DNNVV giai đoạn 2011 - 2015:

1. Quan điểm, định hướng phát triển DNNVV giai đoạn 2011-2015:

Hỗ trợ và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DNNVV của tỉnh phát triển, từng bước nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh, góp phần giảm nghèo và phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

2. Mục tiêu phát triển DNNVV giai đoạn 2011 - 2015:

2.1. Mục tiêu tổng quát:

Đẩy nhanh tốc độ phát triển doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh của DNNVV, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, bình đẳng và minh bạch để các DNNVV đóng góp ngày càng nhiều vào chiến lược giảm nghèo và phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh, cũng như góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của tỉnh.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

Trong 5 năm 2011-2015, tỉnh Sóc Trăng phấn đấu đạt một số chỉ tiêu cụ thể sau:

- Phát triển thêm 2.700 DNNVV.

- Đầu tư của Khu vực DNNVV chiếm 40 - 45% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

- Đóng góp của Khu vực DNNTVV tăng từ 30% (năm 2011) lên 42,5% (năm 2015) trong GDP toàn tỉnh.

- Đóng góp của Khu vực DNNVV vào thu Ngân sách Nhà nước tăng từ 474 tỷ đồng (năm 2011, chiếm 39%) lên 560 tỷ đồng (năm 2015, chiếm 31%)

- Đến năm 2015, đóng góp của Khu vực DNNVV khoảng 25 % (tương đương 125 triệu USD) vào tổng kim ngạch xuất khẩu; khoảng 33,33% (tương đương 15 triệu USD) vào tổng kim ngạch nhập khẩu của tỉnh.

- Khu vực DNNVV sẽ góp phần tạo việc làm mới cho khoảng 40.000 - 45.000 lao động.

- Có khoảng 3.000 DNNVV được hưởng lợi từ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt từ Dự án Phát triển DNNVV do Cơ quan Phát triển quốc tế Canada (CIDA) tài trợ.

III. Các giải pháp phát triển DNNVV giai đoạn 2011 - 2015:

1. Tổ chức thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, khuyến khích và hỗ trợ DNNVV:

Căn cứ Nghị định 56/2009/NĐ-CP , Nghị quyết 22/NQ-CP và các mục tiêu hỗ trợ phát triển DNNVV của tỉnh, các giải pháp sau sẽ được quan tâm thực hiện:

Một là, hỗ trợ DNNVV tiếp cận nguồn tài chính phù hợp với điều kiện của DNNVV thông qua việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển DNNVV từ việc huy động các nguồn vốn trong và ngoài tỉnh; song song đó, sẽ nghiên cứu áp dụng cơ chế thực hiện Quỹ bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ lãi suất và quản lý thuế phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DNNVV sản xuất và tham gia xuất khẩu.

Hai là, hỗ trợ DNNVV tháo gỡ khó khăn về mặt bằng sản xuất, tiếp tục thực hiện việc công khai minh bạch các quy hoạch, quy trình, thủ tục tiếp cận đất đai chung để các DNNVV dễ dàng tiếp cận và hạn chế tối đa các chi phí trung gian trong quá trình tiếp cận đất đai. Thường xuyên rà soát, bổ sung, ban hành các cơ chế ưu đãi về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và hỗ trợ tín dụng đầu tư nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ba là, sẽ hỗ trợ một phần kinh phí từ Quỹ phát triển Khoa học Công nghệ quốc gia hàng năm cho các DNNVV đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ kỹ thuật, nhất là việc xây dựng thương hiệu, thực hiện đăng ký và bảo hộ, cấp các chứng chỉ chất lượng sản phẩm, chứng chỉ thân thiện môi trường, chứng chỉ quy trình sản xuất...

Bốn là, tranh thủ lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ các DNNVV trong việc khảo sát thị trường, tham gia hội chợ triển lãm và xúc tiến thương mại để các doanh nghiệp từng bước tiếp cận thị trường và mở rộng thị trường sản xuất kinh doanh.

Năm là, hàng năm xây dựng và thực hiện Kế hoạch đào tạo, quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện đào tạo quản trị doanh nghiệp cho các DNNVV, tạo nguồn nhân lực có tay nghề đáp ứng nhu cầu phát triển của DNNVV.

Sáu là, nghiên cứu thành lập Ban Điều phối hỗ trợ phát triển DNNVV do lãnh đạo UBND tỉnh làm Trưởng ban, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ làm Phó ban; thành viên là lãnh đạo các sở ban ngành có liên quan. Đồng thời, sẽ thành lập Trung tâm Hỗ trợ DNNVV trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư, là cơ quan trực tiếp thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển DNNVV.

2. Một số chương trình, dự án trực tiếp hỗ trợ hoạt động của DNNVV:

2.1. Triển khai tốt Dự án Phát triển DNNVV tỉnh Sóc Trăng do Cơ quan Phát triển quốc tế Canada (CIDA) tài trợ:

Trong khuôn khổ Chương trình tăng cường phân cấp, phân quyền nâng cao đời sống người dân ở nông thôn, Cơ quan Phát triển Quốc tế Canada (CIDA) đã đồng ý tài trợ tài trợ “Dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Sóc Trăng” với tổng số vốn 10,2 triệu đô la Canada, trong đó CIDA tài trợ 9,2 triệu đô la Canada và vốn đối ứng của tỉnh Sóc Trăng là 1 triệu đô la Canada.

Dự án Phát triển các DNNVV tỉnh Sóc Trăng sẽ hỗ trợ cho việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch 5 năm phát triển DNNVV của tỉnh, có chú trọng đến các cộng đồng cư dân nông thôn, bao gồm cả người dân tộc thiểu số. Năm đầu tiên của dự án sẽ tập trung vào việc xác định các lĩnh vực mục tiêu thông qua các phân tích kinh tế và lấy ý kiến tham vấn, cùng với việc hỗ trợ xây dựng năng lực cho các cơ quan của tỉnh trong các lĩnh vực như lập kế hoạch, lập ngân sách và quản lý tài chính. Trong suốt thời gian triển khai, dự án sẽ cung cấp các dịch vụ đào tạo và hỗ trợ kinh doanh cho khoảng 3.000 DNNVV nhằm giúp các doanh nghiệp cải thiện năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh trong khi vẫn đảm bảo sự bền vững về mặt môi trường.

Dự án cũng ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng quy mô nhỏ tại 18 xã của 5 huyện, dự kiến sẽ có khoảng 160.000 nam giới và phụ nữ tại 18 xã ở vùng nông thôn sẽ được tiếp cận đối với các kết cấu hạ tầng quy mô nhỏ. Tính bền vững sẽ dễ dàng đạt được thông qua việc tăng thêm sự minh bạch, trách nhiệm giải trình và hiệu quả của các cơ quan, ban ngành địa phương. Dự án dự kiến sẽ cung cấp các khóa tập huấn và hỗ trợ kỹ thuật về quản lý tài chính, mua sắm đấu thầu, triển khai chương trình và quản lý dựa trên kết quả cho khoảng 1.600 cán bộ các cấp tỉnh, huyện, xã.

Dự án gồm 3 hợp phần cụ thể như sau:

- Hợp phần 1. Xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển DNNVV

Kế hoạch phát triển DNNVV dự kiến sẽ bao gồm các nội dung: đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh; cải thiện các dịch vụ phát triển kinh doanh; tạo điều kiện tiếp cận vốn, đất đai và thị trường; và tăng cường phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng các nhu cầu về lao động cho các DNNVV.

Hợp phần này sẽ được triển khai trong phạm vi toàn tỉnh. Ngân sách (CIDA) thực hiện là 5,2 triệu đô la Canada.

- Hợp phần 2. Các kết cấu hạ tầng quy mô nhỏ hỗ trợ phát triển DNNVV

Các công trình kết cấu hạ tầng quy mô nhỏ hỗ trợ phát triển DNNVV sẽ được ưu tiên xây dựng tại 18 xã thuộc 5 huyện Cù Lao Dung, Kế Sách, Long Phú, Mỹ Xuyên và Trần Đề. Các công trình kết cấu hạ tầng quy mô nhỏ sẽ được xác định thông qua các quy trình tham vấn người dân tại các xã và các huyện. Dự kiến các xã và các huyện với tư cách là chủ đầu tư sẽ quản lý quy trình đấu thầu và lựa chọn nhà thầu thông qua quy trình này. Các chủ đầu tư cũng sẽ chịu trách nhiệm tiến hành các đánh giá tác động môi trường và quản lý nguồn vốn được phân bổ để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng quy mô nhỏ.

Ngân sách (CIDA) thực hiện hợp phần 2 là 2,9 triệu đô la Canada, tương đương 3 tỷ đồng/xã.

Danh sách 18 xã thuộc vùng dự án Hợp phần 2

Cù Lao Dung

Long Phú

Kế Sách

Mỹ Xuyên

Trần Đ

An Thạnh Tây

Phú Hữu

Kế An

Thạnh Qưới

xã Lịch Hội Thượng

An Thạnh 2

Long Đức

Ba Trinh

Thạnh Phú

Thị trấn Lịch Hội Thượng

Đại Ân 1

Thị trấn Long Phú

Xuân Hòa

Gia Hòa 2

Trung Bình

 

 

Đại Hải

 

Thị trấn Trần Đề

 

 

Thị trấn Kế Sách

 

 

- Hợp phần 3. Xây dựng năng lực cho quản lý công trong việc triển khai chương trình hỗ trợ phát triển DNNVV

Dự án cũng sẽ bao gồm tăng cường việc quản trị công liên quan đến phát triển DNNVV. Nguồn quỹ hỗ trợ kỹ thuật sẽ tăng cường năng lực lập kế hoạch, lập ngân sách, quản lý tài chính, mua sắm đấu thầu và giám sát tại cấp tỉnh và các cấp cơ sở.

Hợp phần này được triển khai trong phạm vi toàn tỉnh. Ngân sách (CIDA) thực hiện là 1,1 triệu đô la Canada.

2.2. Một số chương trình, dự án ưu tiên hỗ trợ hoạt động của DNNVV:

a) Chương trình Phát triển cụm liên kết doanh nghiệp:

Nhằm hỗ trợ các DNNVV tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị có lợi thế cạnh tranh như sản xuất và chế biến lúa gạo; nuôi trồng và chế biến thủy sản; sản phẩm thủ công mỹ nghệ...

- Thời gian thực hiện: 2012-2015.

- Tổng vốn thực hiện: 20 tỷ đồng.

- Nguồn vốn thực hiện: sẽ tranh thủ các nguồn tài trợ và vốn đóng góp từ các doanh nghiệp.

b) Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp thuộc đối tượng doanh nghiệp khó khăn (doanh nghiệp nữ, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp,...).

Chương trình sẽ hỗ trợ vốn, nâng cao năng lực quản lý và hỗ trợ kỹ thuật nhằm giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất và cải thiện sức cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ.

- Thời gian thực hiện: 2012-2015

- Tổng vốn thực hiện: 50 tỷ đồng.

- Nguồn vốn thực hiện: tranh thủ các nguồn vốn tài trợ phát triển chính thức (ODA) và các nguồn vốn tài trợ Phi chính phủ (NGO).

c) Chương trình phát triển thương mại điện tử:

Đến 2015, các mục tiêu cụ thể cần đạt được về thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh là 100% cán bộ quản lý nhà nước và doanh nghiệp biết đến lợi ích của thương mại điện tử; 50% doanh nghiệp tiến hành giao dịch thương mại điện tử loại hình doanh nghiệp với người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp với doanh nghiệp, trong đó 100% doanh nghiệp sử dụng thư điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh, 45% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, cập nhật định kỳ thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp, 20% doanh nghiệp tham gia các website thương mại điện tử để mua bán các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bước đầu hình thành các tiện ích hỗ trợ người tiêu dùng tham gia thương mại điện tử loại hình doanh nghiệp với người tiêu dùng, trong đó có 30% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng, 20% cơ sở kinh doanh phát triển các kênh giao dịch điện tử phục vụ người tiêu dùng.

Thời gian thực hiện: 2011-2015

Tổng vốn thực hiện: 2 tỷ đồng

Nguồn vốn thực hiện: ngân sách nhà nước, vốn đóng góp của doanh nghiệp và vốn tài trợ khác.

d) Và một số chương trình/dự án hỗ trợ đào tạo lao động và hỗ trợ kỹ thuật khác trong giai đoạn 2011-2015.

Tổng vốn thực hiện dự kiến khoảng 15 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách và các nguồn huy động khác.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH

I. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện tốt kế hoạch:

1. Tổ chức - nhân sự:

1.1. Thành lập Ban Điều phối Hỗ trợ phát triển DNNVV:

Chức năng: Tham mưu UBND tỉnh các kế hoạch ngắn hạn, trung hạn về phát triển DNNVV; trực tiếp chỉ đạo và điều phối các hoạt động hỗ trợ phát triển DNNVV.

Cơ cấu: lãnh đạo UBND tỉnh làm Trưởng ban, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư làm Phó ban, thành viên là lãnh đạo các sở ban ngành, UBND các huyện, thành phố.

1.2. Thành lập Trung tâm hỗ trợ DNNVV:

Chức năng: là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư; là cơ quan giúp việc cho Ban Điều phối Hỗ trợ phát triển DNNVV; trực tiếp hỗ trợ các DNNVV trong việc chuẩn bị các thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư, tiếp cận đất đai, giải quyết các vấn đề phát sinh trong hoạt động của doanh nghiệp.

Cơ cấu: gồm Giám đốc, một Phó Giám đốc và một số viên chức.

Kinh phí hoạt động của Trung tâm sẽ do Ngân sách tỉnh hỗ trợ.

2. Thể chế:

Ngoài quy chế hoạt động của Ban Điều phối và Trung tâm hỗ trợ phát triển DNNVV, sẽ tiếp tục nghiên cứu và ban hành các chính sách hỗ trợ DNNVV, nhất là các chính sách ưu đãi và khuyến khích đầu tư, nhằm xây dựng một môi trường kinh doanh thông thoáng cho các DNNVV phát triển.

3. Tài chính:

Tổng ngân sách dự kiến cho thực hiện Kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2011-2015 là 300 tỷ đồng, trong đó:

- Vốn Ngân sách Nhà nước: 20 tỷ đồng

- Vốn tài trợ: 250 tỷ đồng

- Vốn đóng góp của doanh nghiệp: 30 tỷ đồng

II. Trách nhiệm của các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố trong việc tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch:

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế và Công an tỉnh trong việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh trong việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp.

2. Sở Xây dựng chịu trách nhiệm và hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình đăng ký giấy phép xây dựng.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp cận đất sạch và các vấn đề liên quan đến môi trường.

4. Sở Công Thương có trách nhiệm hỗ trợ các doanh nghiệp về các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử.

5. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh Truyền hình Sóc Trăng, Báo Sóc Trăng có trách nhiệm hỗ trợ DNNVV quảng bá thương hiệu sản phẩm.

6. Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký thương hiệu và sở hữu trí tuệ.

7. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các KCN có trách nhiệm hỗ trợ DNNVV trong việc đào tạo lao động.

8. Các sở ban ngành khác có liên quan, UBND các huyện, thành phố trong phạm vi trách nhiệm quyền hạn của mình tổ chức triển khai và báo cáo kết quả thực hiện.

III. Giám sát, đánh giá thực hiện kế hoạch:

Tỉnh Sóc Trăng sẽ xây dựng một hệ thống chỉ số giám sát, đánh giá và áp dụng phương pháp tiếp cận dựa trên kết quả khi giám sát và đánh giá việc thực hiện Kế hoạch. Ngoài các chỉ tiêu về gia tăng số lượng DNNVV, số lượng DNNVV do phụ nữ làm chủ, đóng góp của DNNVV vào sự tăng trưởng kinh tế,... kết quả kinh doanh của các DNNVV cũng sẽ được đưa vào hệ thống chỉ số giám sát, đánh giá.

Căn cứ vào hệ thống chỉ số giám sát, đánh giá, hàng quý, 6 tháng, năm các sở ban ngành và UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm báo cáo tình hình và kết quả hỗ trợ phát triển DNNVV trong phạm vi mình phụ trách và gởi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trình thông qua Ban Điều phối Hỗ trợ phát triển DNNVV, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ KHĐT;
- TT. Tỉnh ủy, TT.HĐND tỉnh;
- CT, các PCT;
- Các sở, ban ngành;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: TH, KT, HC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thành Nghiệp

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 32/KH-UBND năm 2011 về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2011-2015

  • Số hiệu: 32/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 09/09/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Sóc Trăng
  • Người ký: Trần Thành Nghiệp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/09/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản