Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3074/KH-UBND | Kon Tum, ngày 28 tháng 8 năm 2021 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 86/NQ-CP NGÀY 06 THÁNG 8 NĂM 2021 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CÁC GIẢI PHÁP CẤP BÁCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 ĐỂ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 30/2021/QH15 NGÀY 28 THÁNG 7 NĂM 2021 CỦA QUỐC HỘI KHÓA XV
Căn cứ Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội khóa XV.
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích: Nhằm tiếp tục tăng cường các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn để vừa kiểm soát tốt dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và năm 2022 của tỉnh.
2. Yêu cầu:
- Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thích ứng với tình hình.
- Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, Nhân dân, với yêu cầu đặt tính mạng, sức khỏe của Nhân dân lên trên hết, trước hết.
II. NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP CẤP BÁCH
1. Về áp dụng các biện pháp phòng, chống bệnh COVID-19
Căn cứ Quyết định số 2686/QĐ-BCĐ ngày 31/5/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Quyết định số 581/QĐ-UBND ngày 01/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum[1], Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện chủ động quyết định và chỉ đạo cấp dưới áp dụng nghiêm các giải pháp theo quy định, tương ứng với các mức độ nguy cơ theo tinh thần Chỉ thị số 15/CT-TTg, Chỉ thị số 16/CT-TTg và Chỉ thị số 19/CT- TTg của Thủ tướng Chính phủ với phương châm “có thể áp dụng sớm hơn, cao hơn nhưng không được chậm hơn, thấp hơn”; trong đó lưu ý:
a) Việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là thực hiện giãn cách xã hội (nếu có) phải được triển khai thực chất, nghiêm ngặt, mạnh mẽ, quyết liệt, chặt chẽ ngay từ đầu, xuyên suốt trong tất cả các cấp; làm việc gì phải dứt khoát việc đó, không chần chừ, do dự, chập chờn, thiếu cương quyết, thiếu bản lĩnh. Bám sát thực tiễn với tinh thần “hiệu quả trên hết” phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tính sáng tạo, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và từng bước mở rộng, hoàn thiện, điều chỉnh ngay bảo đảm sát với diễn biến tình hình theo tinh thần không cầu toàn, không nóng vội và tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác khi dịch đi qua; cấp trên phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra cấp dưới, rà soát các khâu, các điều kiện, biện pháp phòng, chống dịch bệnh để sẵn sàng đáp ứng nhanh khi tình hình dịch bệnh thay đổi.
Căn cứ vào các quy định chung của Trung ương, của tỉnh, chủ động ban hành theo thẩm quyền các quy định về phòng, chống dịch, bảo đảm đồng bộ, nhất quán, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn. Đặc biệt chú trọng chỉ đạo công tác phối hợp chặt chẽ, thông tin kịp thời giữa các sở, ngành, UBND các cấp kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh phù hợp với tình hình cụ thể tại địa bàn và chịu trách nhiệm trước cấp trên trực tiếp.
b) UBND các huyện, thành phố chỉ đạo thực hiện nghiêm phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, phát hiện, xử lý ngay người đến từ vùng có dịch hoặc đến từ địa bàn khác theo quy định của địa phương mà không khai báo, người rời khỏi địa phương đang giãn cách xã hội mà không được phép của cấp có thẩm quyền theo quy định.
Căn cứ tình hình và yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, chủ động áp dụng linh hoạt các biện pháp cần thiết như: Hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn nhất định trên nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”; dứt khoát không để người dân tự phát rời khỏi địa bàn đang có dịch làm lây lan sang các địa bàn, địa phương khác; tổ chức các lực lượng để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong vùng có dịch; thực hiện biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc và sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc; kêu gọi, thuyết phục, huy động, trưng dụng tài sản, phương tiện, trang thiết bị và các biện pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan trong phạm vi thẩm quyền quản lý. Trường hợp cần thiết, Chủ tịch UBND huyện, thành phố báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước khi áp dụng.
Xử lý nghiêm các vi phạm, kể cả xử lý hình sự theo quy định của pháp luật đối với mọi hành vi không tuân thủ, cản trở, chống đối việc thực hiện các quy định, biện pháp phòng, chống dịch bệnh của cơ quan có thẩm quyền.
Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng công an địa phương tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền và làm nòng cốt trong tổ chức thực hiện nghiêm các nhiệm vụ này.
c) Các địa phương khi có thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg, Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ phải quán triệt nghiêm “chủ trương 1, tổ chức thực hiện 10”, bảo đảm chặt chẽ, thực chất. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giãn cách xã hội hình thức hoặc “chặt ngoài, lỏng trong”. Kể từ ngày bắt đầu giãn cách: Trong thời hạn 14 ngày phải xác định được cụ thể và bảo vệ được thật chắc các “vùng xanh”; có biện pháp, lộ trình cụ thể để chuyển “vùng vàng” thành “vùng xanh”, “vùng cam” thành “vùng vàng” và khoanh chặt, thu hẹp “vùng đỏ”; trong thời hạn 28 ngày phải kiểm soát được tình hình trên địa bàn, phải cô lập được các “vùng đỏ” ở phạm vi hẹp nhất.
d) Trong trường hợp nếu có áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, các sở, ngành, địa phương chủ động xây dựng và thực hiện phương án đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm thiết yếu, tuyệt đối không để ai thiếu đói, đồng thời phải bảo đảm các yêu cầu an toàn phòng, chống dịch bệnh; kịp thời cấp cứu, chữa bệnh cho mọi người dân ở mọi lúc, mọi nơi.
2. Về công tác y tế
Sở Y tế bám sát diễn biến dịch trong tỉnh, các tỉnh cả nước và trên thế giới, cập nhật các giải pháp tiến bộ trong phòng, chống dịch và điều trị để kịp thời ban hành hoặc đề xuất ban hành các văn bản điều chỉnh, quy định, hướng dẫn phù hợp trên địa bàn tỉnh. Văn bản hướng dẫn phải rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ giám sát, kiểm tra và dễ đánh giá; phải nêu rõ những điểm bắt buộc thực hiện (cứng) và những điểm có tính nguyên tắc để trên cơ sở đó các địa phương nêu cao tinh thần chủ động, trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm và vận dụng sáng tạo.
a) Về xét nghiệm:
- Sở Y tế cập nhật, bổ sung, hướng dẫn và kịp thời tổ chức tập huấn nghiệp vụ xét nghiệm bảo đảm khoa học, thiết thực, hiệu quả, tránh lạm dụng, lãng phí. Hướng dẫn, khuyến nghị, khuyến cáo về các thiết bị và sinh phẩm xét nghiệm để các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động mua sắm. Sở Y tế tổ chức mua sắm tập trung các vật tư, thiết bị cần thiết trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường giám sát, chấn chỉnh ngay những nơi tổ chức không khoa học, thiếu trọng tâm, trọng điểm, vừa không ngăn được dịch lây lan, vừa lãng phí.
- Chỉ đạo xét nghiệm “thần tốc” các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao trên địa bàn nhằm phát hiện F0 nhanh nhất phục vụ công tác truy vết và phân loại điều trị ngay; phải kiểm soát, tuyệt đối không bỏ sót, không để F0 tiếp tục tiếp xúc, di chuyển làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
- Các địa bàn thực hiện phong tỏa (nếu có) cần tập trung xét nghiệm để phát hiện F0 nhanh nhất, không để lây lan ra cộng đồng.
b) Về sàng lọc, phân loại người nhiễm và điều trị bệnh nhân COVID-19:
Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở y tế tổ chức sàng lọc, phân loại người nhiễm theo tình trạng, diễn biến bệnh lý để có biện pháp theo dõi, chăm sóc, điều trị phù hợp, hiệu quả, bảo đảm giảm tỷ lệ người nhiễm có triệu chứng, tỷ lệ chuyển bệnh nặng hơn ở tất cả các tầng, các lớp điều trị. Đặc biệt chú trọng việc quản lý, chăm sóc người bị nhiễm chưa có triệu chứng; việc chủ động chuẩn bị ô-xy y tế (nhất là hệ thống ô-xy tập trung) ở các tầng điều trị. Điều phối phù hợp, tập trung mọi nguồn lực, trang thiết bị để cứu chữa giảm bệnh nhân nặng, nguy kịch, hạn chế tối đa tử vong. Duy trì hoạt động của hệ thống khám bệnh, chữa bệnh an toàn. Bảo đảm hệ thống thường trực cấp cứu, xe cứu thương, ô xy y tế, máy thở và các trang thiết bị y tế thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu, điều trị người bệnh.
c) Về đảm bảo vắc xin phòng COVID-19, thuốc điều trị COVID-19:
- Căn cứ chỉ đạo, chủ trương của Bộ Y tế, UBND tỉnh, Sở Y tế kịp thời phân bổ vắc xin cho các huyện, thành phố phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch bệnh đối với từng địa phương và công khai việc phân bổ. Trường hợp cần thiết, Giám đốc Sở Y tế báo cáo đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh điều chỉnh hoặc Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế điều chỉnh việc phân bổ. Trên cơ sở hướng dẫn của Sở Y tế, UBND huyện, thành phố quyết định việc ưu tiên các đối tượng tiêm vắc xin phù hợp, hiệu quả với tình hình dịch bệnh.
- Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương chỉ đạo tổ chức tiêm vắc xin, bảo đảm tiến độ nhanh nhất, an toàn, hiệu quả, phù hợp với tình hình dịch bệnh ở từng nơi; huy động mọi lực lượng y tế công lập, tư nhân và các lực lượng hỗ trợ khác triển khai chiến dịch tiêm vắc xin trên toàn tỉnh. Tăng cường tìm kiếm và khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chủ động tìm kiếm nguồn và mua vắc xin, thuốc điều trị COVID-19. Sở Y tế có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin miễn phí cho người dân.
- Sau khi Trung ương ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho việc tiêm vắc xin phòng COVID-19, thuốc và trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết điều trị COVID-19, giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp Sở Tài chính và các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện theo quy định.
d) Xây dựng kịch bản và bảo đảm công tác y tế phòng, chống dịch bệnh COVID-19:
- Căn cứ mức độ nguy cơ, diễn biến dịch bệnh, Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh xây dựng các kịch bản phòng, chống dịch ở mức thấp, mức trung bình, mức cao và các phương án ứng phó tương ứng bảo đảm công tác y tế trên địa bàn tỉnh. Căn cứ yêu cầu thực tế phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, UBND huyện, thành phố xây dựng các kịch bản ở mức thấp, mức trung bình, mức cao và các phương án ứng phó tương ứng bảo đảm công tác y tế trên địa bàn theo thẩm quyền và phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của địa phương; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
- Sở Y tế, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và các Sở, ban ngành, cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ kịch bản, phương án của đơn vị, địa phương mình để phê duyệt, chủ động thực hiện việc thành lập, xây dựng cơ sở thu dung, điều trị COVID-19; mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế; dự trữ, bố trí nguồn lực và tổ chức lực lượng để phục vụ kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
- Sở Y tế, các sở, ngành, địa phương huy động hệ thống y tế công lập, tư nhân và các nguồn lực xã hội để kịp thời phối hợp trong triển khai công tác dự phòng, điều trị, tiêm vắc xin, đầu tư cơ sở vật chất và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả và theo đúng quy định.
3. Về bảo đảm an ninh, trật tự
a) Chủ tịch UBND huyện, thành phố chỉ đạo, tổ chức các lực lượng, cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác; có phương án chủ động ứng phó với các diễn biến phức tạp về an ninh, trật tự trên địa bàn.
b) Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng công an phối hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương tăng cường bám sát địa bàn, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội (nếu có) và các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, chú trọng phát huy vai trò của công an cấp cơ sở, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tăng cường công tác quản lý, bảo đảm an toàn các cơ sở cai nghiện, cơ sở bảo trợ xã hội.
c) Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh chỉ đạo các lực lượng quân đội, nhất là lực lượng quân y, bộ đội biên phòng, dân quân tự vệ phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh; tham gia sản xuất, cung ứng trang thiết bị, vật tư và tham gia cứu trợ Nhân dân trong khu vực cách ly, phong tỏa; chú trọng quản lý chặt chẽ biên giới, đường mòn, lối mở, xuất cảnh, nhập cảnh; giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia.
4. Về sản xuất, cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa
Các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tập trung chỉ đạo:
a) Duy trì hoạt động sản xuất, tránh làm đứt gãy các chuỗi cung ứng lao động, hàng hóa, dịch vụ, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất nhưng phải bảo đảm, tạo điều kiện cao nhất các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và chỉ những cơ sở bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh theo quy định mới được phép hoạt động, trên tinh thần an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn.
b) Tạo điều kiện cao nhất để vận chuyển, lưu thông hàng hóa, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất; chuyển phát công văn, tài liệu phục vụ sự chỉ đạo điều hành của các cơ quan Đảng, Chính phủ, Bộ, ngành; hàng hoá thiết yếu của người dân và toàn xã hội; hàng hóa nông nghiệp giữa các tỉnh bảo đảm an toàn, liên thông, thống nhất, thông suốt giữa các tỉnh, thành phố, địa bàn. Có biện pháp kiểm soát chặt chẽ tại điểm đầu và điểm cuối trong chuỗi cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Chủ động có các giải pháp hỗ trợ bảo đảm sản xuất, cung ứng, lưu thông đối với nhóm hàng hóa là trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, hóa chất, ô xy y tế, phương tiện, dịch vụ phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.
c) Bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, ổn định đời sống của người dân, đặc biệt là bảo đảm cung ứng trực tiếp đến người dân ở những khu vực phong tỏa, giãn cách xã hội (nếu có).
d) Huy động các lực lượng công an, quân đội, dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp, các hội nghề nghiệp, hội đồng hương... và Nhân dân toàn tỉnh tham gia sản xuất, cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, nhất là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ người dân.
5. Về các chính sách hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội
a) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tập trung chỉ đạo:
- Triển khai hiệu quả Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; thường xuyên rà soát, cập nhật, không bỏ sót đối tượng cần cứu trợ, không để ai bị thiếu đói, bám sát tình hình và yêu cầu thực tế để tiếp tục mở rộng hoặc điều chỉnh phù hợp các đối tượng được trợ cấp khi gặp khó khăn và giảm tối đa các thủ tục hành chính khi thực hiện nhiệm vụ này.
- Chăm lo đời sống Nhân dân, đặc biệt là người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất việc làm do dịch COVID-19 và lực lượng tuyến đầu chống dịch, bảo đảm kịp thời, thực chất, hiệu quả.
b) Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, đề xuất chính sách hỗ trợ phù hợp và bảo đảm trang thiết bị phòng hộ đối với lực lượng tham gia tuyến đầu chống dịch, đội ngũ bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, nhân viên y tế; cán bộ, chiến sỹ quân đội, công an, cán bộ cơ sở và đội ngũ tình nguyện viên.
d) Các địa phương đẩy mạnh việc thành lập tổ, nhóm hỗ trợ, cứu trợ với hình thức tổ chức, phương thức hoạt động phù hợp, kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân và yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn; lập và duy trì đường dây nóng 24/24 giờ để kịp thời tiếp nhận thông tin cần hỗ trợ của người dân về chăm sóc y tế và sinh hoạt thiết yếu; có hệ thống giám sát y tế tại cộng đồng để kịp thời hỗ trợ người dân; bảo đảm trang thiết bị phòng hộ cho đội ngũ tình nguyện viên của các trung tâm hỗ trợ, cứu trợ...
6. Về thông tin, truyền thông và ứng dụng công nghệ thông tin
a) Sở Y tế, Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp là đầu mối cung cấp kịp thời thông tin chính thức về dịch bệnh và các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho người dân, doanh nghiệp; tổ chức đội ngũ chuyên gia, tình nguyện viên kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ người dân phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là đối tượng F0, F1.
b) Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố:
- Chỉ đạo tổ chức thực hiện thống nhất một đầu mối về truyền thông trên địa bàn, tăng cường hệ thống thông tin cơ sở, thường xuyên cung cấp các bản tin tuyên truyền, phổ biến, vận động, hướng dẫn, kêu gọi người dân trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, đưa tin, đăng tải hình ảnh, tấm gương tích cực phòng chống dịch; cải chính, phản bác, đấu tranh với các thông tin xấu độc, bịa đặt, thông tin giả mạo, xuyên tạc về công tác phòng, chống dịch bệnh của các cấp, các ngành, các địa phương.
- Triển khai có hiệu quả các nền tảng công nghệ dùng chung đã được Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế, Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền công bố; chủ động triển khai các ứng dụng công nghệ khác phù hợp với các nền tảng công nghệ dùng chung, đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
- Tổ chức, phân công đầu mối để phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu kịp thời, hiệu quả với Sở Y tế, Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền khác.
c) Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm:
- Chỉ đạo các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng ứng trực 24/24 giờ, bảo đảm thông suốt, an toàn, an ninh mạng, đặc biệt là các hệ thống thông tin, nền tảng công nghệ phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
- Chỉ đạo các lực lượng chức năng, các doanh nghiệp viễn thông phối hợp với các lực lượng khác ứng trực 24/24 giờ, sẵn sàng các phương án kỹ thuật, biện pháp, công cụ cần thiết để ngăn chặn, xử lý nghiêm thông tin xấu độc trên không gian mạng.
- Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện thống nhất đầu mối, chủ động cung cấp, xử lý thông tin kịp thời, chính xác; chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường các hình thức truyền thông, tuyên truyền, truyền cảm hứng, nêu gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, mô hình hiệu quả, đồng thời đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động, sai sự thật về phòng, chống dịch COVID-19.
7. Về kinh phí
a) Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, ưu tiên sắp xếp, bố trí ngân sách địa phương để bảo đảm kinh phí cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và cơ sở điều trị người bệnh COVID-19. Sau khi Trung ương ban hành cơ chế hỗ trợ chi thường xuyên cho các cơ sở y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch, Sở Y tế chủ trì, phối hợp Sở Tài chính và các đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện theo quy định.
Trên cơ sở đề nghị của Sở Y tế, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí kinh phí mua sắm, dự trữ, phù hợp khả năng cân đối ngân sách địa phương theo phân cấp. Trường hợp vượt khả năng ngân sách địa phương, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Trung ương xem xét, hỗ trợ, chi viện kịp thời.
b) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
- Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước và các quy định của pháp luật có liên quan, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên năm 2021 của ngân sách cấp huyện để bổ sung dự phòng ngân sách cấp huyện, tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Trung ương[2] và Ủy ban nhân dân tỉnh[2].
- Chủ động thực hiện điều chỉnh, cắt giảm kinh phí của các nhiệm vụ chi chưa thật sự cần thiết để tập trung kinh phí phòng, chống dịch bệnh và chuyển nguồn kinh phí phòng, chống dịch bệnh chưa sử dụng hết sang năm sau theo thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền thì đề xuất Sở Tài chính để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định theo quy định.
- Căn cứ yêu cầu công tác phòng, chống dịch COVID-19, sau khi đã rà soát, huy động, sử dụng ngân sách cấp huyện và các nguồn lực hợp pháp khác vẫn chưa đảm bảo, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tài chính) để tổng hợp, báo cáo Bộ Tài chính hỗ trợ địa phương theo quy định.
c) Trên cơ sở dự toán ngân sách được cấp thẩm quyền giao và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, các đơn vị, địa phương chủ động quyết định sử dụng, mua sắm theo các kịch bản và phương án ứng phó đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và theo quy định hiện hành.
d) Đối với những vấn đề luật quy định thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến kinh phí phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trên cơ sở đề nghị của các đơn vị, địa phương, Sở Tài chính tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất Bộ Tài chính trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi thực hiện.
8. Về tổ chức, nhân lực
a) Trong trường hợp cần thiết, Sở Y tế trình Chủ tịch UBND tỉnh kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tiểu ban thuộc Ban Chỉ đạo bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan cử người tham gia và bảo đảm để người được cử tập trung tham gia công việc của Ban Chỉ đạo.
b) Các địa phương khẩn trương kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp trên địa bàn cho phù hợp với tình hình và yêu cầu phòng, chống dịch bệnh; có bộ phận thường trực chỉ đạo, điều phối 24/24 giờ, tổ chức theo từng nhóm chuyên môn để giải quyết kịp thời các vướng mắc, yêu cầu về vật tư, thiết bị, nhân lực, truyền thông, giao thông vận tải, cứu trợ, hỗ trợ...
c) Căn cứ tình hình và yêu cầu thực tế, các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương xem xét tham mưu UBND tỉnh việc thành lập Trung tâm chỉ huy để chỉ đạo tập trung, thống nhất các cơ quan liên quan thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
d) Chủ tịch UBND các cấp chỉ đạo và huy động các cơ sở y tế, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 nhưng phải bảo đảm các điều kiện an toàn phòng, chống dịch bệnh phù hợp với tình hình, diễn biến dịch bệnh.
9. Về tăng cường hợp tác quốc tế
Sở Ngoại vụ chủ trì đề xuất chính sách xuất cảnh, nhập cảnh phù hợp với tình hình mới; làm tốt công tác bảo hộ công dân; tăng cường thông tin đối ngoại về những nỗ lực và kết quả phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh, về sự chủ động, tích cực hợp tác quốc tế của tỉnh trong phòng, chống dịch.
10. Các cơ chế, chính sách đặc thù
a) Sở Y tế, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh và UBND huyện, thành phố căn cứ tình hình thực tiễn tham mưu UBND tỉnh quyết định thành lập, giao nhiệm vụ cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm COVID-19. Quyết định thành lập, giao nhiệm vụ cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm COVID-19 đồng thời là giấy phép hoạt động.
b) Về cơ chế, hình thức mua sắm:
- Các địa phương, đơn vị được quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm và vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 79/NQ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ.
- Trường hợp lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 của Luật Đấu thầu thì các địa phương, đơn vị tổ chức lập, trình thẩm định và đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt phương án lựa chọn nhà thầu.
- Khi xây dựng giá gói thầu mua sắm hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư, phương tiện, dịch vụ phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 được cứ vào điểm c Khoản 4 Điều 2 Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ để thực hiện.
- Trường hợp không xác định được giá các loại hóa chất, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị, phương tiện, dịch vụ phòng, chống COVID-19, các địa phương, đơn vị được thực hiện theo Quy định tại điểm d, Khoản 4 Điều 2 Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ.
- Trong quá trình xây dựng giá gói thầu, các địa phương, đơn vị được lựa chọn một trong các quy định tại điểm c hoặc quy định tại điểm đ Khoản 4 Điều 2 Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ để thực hiện.
- Thực hiện quy định của pháp luật đấu thầu để mua sắm phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo các hướng dẫn liên quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư các cơ quan liên quan theo quy định.
- Tài sản phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong thời gian có dịch theo Quyết định công bố dịch của Thủ tướng Chính phủ được áp dụng theo điểm i Khoản 4 Điều 2 Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ (về tiêu chuẩn, định mức sử dụng).
c) Việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 do ngân sách nhà nước bảo đảm theo chi phí thực tế; chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị COVID-19 thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh.
d) Về tổ chức, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế:
Căn cứ các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế ban hành việc tổ chức khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người tham gia bảo hiểm y tế trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội tỉnh hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh triển khai thực hiện theo quy định.
e) Trên cơ sở quy trình, định mức kinh tế - kỹ thuật các loại xét nghiệm COVID-19 do Bộ Y tế ban hành, Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh quyết định giá đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện theo đúng quy định.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các cấp, các Tiểu ban của Ban Chỉ đạo và các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh; UBND các huyện, thành phố theo chức năng, thẩm quyền, nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện; đồng thời chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp quy định tại Kế hoạch này; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu; bảo đảm phòng ngừa, ngăn chặn, nghiêm cấm tình trạng tham nhũng, tiêu cực, hạn chế tối đa lãng phí trong phòng, chống dịch; kịp thời động viên, khen thưởng những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chủ động đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao và các cá nhân, tập thể có thành tích trong phòng, chống dịch bệnh; tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân thực hiện các quy định, xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ.
- UBND các huyện, thành phố trong phạm vi quản lý và theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện Kế hoạch này tại địa phương; quyết định các biện pháp, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; trường hợp cần thiết xin ý kiến cấp ủy, đề xuất Thường trực Hội đồng nhân dân huyện, thành phố quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân và báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất.
- Trường hợp phát sinh vướng mắc hoặc vượt thẩm quyền, các sở, ngành, địa phương kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh, các cơ quan có thẩm quyền.
2. Trường hợp cần thiết phải ban hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh khác với quy định của luật hiện hành và ngoài phạm vi quy định tại mục 3.1, mục 3.2 Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội, trong thời gian Quốc hội không họp, các sở, ngành, các địa phương đề xuất gửi Sở Y tế để tổng hợp, trình UBND tỉnh để gửi Bộ Y tế báo cáo Chính phủ theo quy định.
3. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, căn cứ tình hình và yêu cầu thực tế, các sở, ngành, địa phương đề xuất gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, trình UBND tỉnh gửi Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định trước khi thực hiện theo quy định.
4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước tiếp tục chung tay, góp sức, tích cực phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra để sớm kiểm soát tình hình, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của Nhân dân, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Quá trình thực hiện, các đơn vị, địa phương cần bám sát thực tiễn, kịp thời xử lý vướng mắc phát sinh theo thẩm quyền và kiến nghị, đề xuất các nội dung liên quan gửi Sở Y tế để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
[1] Căn cứ Quyết định số 2686/QĐ-BCĐ ngày 31-5-2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về việc ban hành “Quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch Covid-19”; Quyết định số 581/QĐ-UBND ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc ban hành Quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
[2] Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ; Văn bản số 5302/VPCP-KTTH ngày 03 tháng 8 năm 2021 của Văn phòng Chính phủ về cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên năm 2021
[2] Văn bản số 3000/UBND-KTTH ngày 24 tháng 8 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc cắt giảm, tiết kiệm theo Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2021
- 1Chỉ thị 15/CT-TTg năm 2020 về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Chỉ thị 16/CT-TTg năm 2020 về thực hiện biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Chỉ thị 19/CT-TTg năm 2020 về tiếp tục thực hiện biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Nghị quyết 58/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2021
- 5Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 do Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 23/2021/QĐ-TTg quy định về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Nghị quyết 79/NQ-CP năm 2021 về mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng chống dịch COVID-19 do Chính phủ ban hành
- 8Công văn 5302/VPCP-KTTH về cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên năm 2021 do Văn phòng Chính phủ ban hành
Kế hoạch 3074/KH-UBND năm 2021 thực hiện Nghị quyết 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 để thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 do tỉnh Kon Tum ban hành
- Số hiệu: 3074/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 28/08/2021
- Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum
- Người ký: Lê Ngọc Tuấn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra