Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3046/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 02 tháng 05 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUY CHUẨN KỸ THUẬT ĐỊA PHƯƠNG VỀ CHẤT LƯỢNG NƯỚC SẠCH SỬ DỤNG CHO MỤC ĐÍCH SINH HOẠT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM

I. TÌNH HÌNH CHUNG

Trong cuộc sống hàng ngày, việc quan tâm đến nước sạch để phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, các bệnh về da là một vấn đề rất quan trọng. Nước sạch phải là nước trong, không màu, không mùi, không vị lạ, không gây khó chịu cho người sử dụng, không chứa các mầm bệnh, không chứa các chất độc hại. Nước sạch có nhiều nguồn cung cấp khác nhau như nước mưa, nước giếng khoan, nước giếng đào, nước máng lần và hệ thống cung cấp nước tập trung (Trạm cấp nước, Nhà máy nước). Mỗi gia đình cần có ít nhất một trong các nguồn nước sạch, nước được lấy từ bất cứ nguồn nào cho dù đã qua xử lý trước khi uống cũng phải đun sôi, tuyệt đối không uống nước lã.

Tuy nhiên, không phải ai cũng được tiếp cận và sử dụng nguồn nước sạch. Nguồn nước sạch mà người dân sử dụng phổ biến hiện nay là: Nước máy, nước uống đóng chai, nước đã qua xử lý bằng hệ thống lọc đã được công bố chất lượng. Đa số người dân đều nhận xét nguồn nước sạch hay ô nhiễm bằng cảm quan, mà không dựa trên cơ sở khoa học.

Nước sạch đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cơ thể người, vì nước chiếm đến 70 - 80% trọng lượng cơ thể. Nước có khả năng cung cấp nguồn chất khoáng, vận chuyển chất dinh dưỡng cần thiết cho các tế bào, nuôi dưỡng tế bào trong mọi hoạt động trong cơ thể. Nước sạch mà hàng ngày chúng ta thường sử dụng có chứa rất nhiều các chất khoáng có lợi cho sức khỏe. Nước sạch được coi là dung môi sống của các phản ứng hóa học trong cơ thể, tham gia quá trình chuyển hóa và các phản ứng trao đổi chất nhằm xây dựng và duy trì tế bào. Các tế bào có thể hoạt động và thực hiện các chức năng của mình là do được hòa tan trong dung môi. Nước có khả năng đào thải các độc tố, các chất cặn bã mà các cơ quan, tế bào không thể hấp thu và được đưa ra ngoài thông qua đường nước tiểu và phân. Nước còn có khả năng ổn định nhiệt độ cơ thể, phân phối hơi nóng của cơ thể. Nước làm cơ thể giải phóng nhiệt độ khi nhiệt độ môi trường cao hơn so với nhiệt độ cơ thể. Ngoài ra, nước còn có tác dụng bôi trơn nơi tiếp xúc với các đầu nối, bao hoạt dịch và màng bao, làm cho các khớp linh động. Nó còn có tác dụng giảm xóc cho mắt, tủy sống kể cả thai nhi trong nước ối.

Vì vậy, sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt, trong ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp để đáp ứng nhu cầu cuộc sống của con người là yếu tố quyết định đến sức khỏe của mỗi người và cả cộng đồng. Khi sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm sẽ gây ra các bệnh về đường ruột như: Lỵ, tả, thương hàn...; các bệnh về mắt, da liễu, phụ khoa như: Nấm, lang ben, hắc lào, ghẻ, chàm, đau mắt đỏ, đau mắt hột, viêm kết mạc, viêm màng tiếp hợp, viêm âm đạo… Các bệnh này có thể lây bệnh sang người lành do nguyên nhân chính là thiếu nước và sử dụng chung nguồn nước bị ô nhiễm để sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh đó, sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm các kim loại nặng lâu ngày có thể gây ra các bệnh ung thư,…

Để kiểm soát chất lượng nước sạch, năm 2018, Bộ Y tế đã ban hành Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt QCVN 01-1:2018/BYT (theo Thông tư số 41/2018/TT-BYT ngày 14/12/2018), trong đó qui định 99 chỉ tiêu/thông số phải giám sát đối với chất lượng nước thành phẩm.

Để kiểm soát tốt chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nhằm đảm bảo an toàn về vệ sinh và sức khỏe của người dân; mục tiêu xác định các thông số thử nghiệm, tần suất thử nghiệm và giới hạn tối đa cho phép các thông số thử nghiệm được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch và tránh gây lãng phí nguồn lực, giảm chi phí cho người sử dụng nước, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 37/2023/QĐ-UBND ngày 25/12/2023 về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Ký hiệu: QCĐP 01:2023/QNm. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/01/2024.

Theo thống kê năm 2023, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 61%. Qua rà soát, có 66 đơn vị cấp nước có sử dụng công nghệ để sản xuất nước sạch cung cấp nước cho người dân (15 cơ sở có công suất thiết kế 1000 m3/ngày đêm trở lên, 51 cơ sở có công suất thiết kế dưới 1000m3/ngày đêm) cung cấp nước ăn uống, sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đang hoạt động phân bố trên hầu hết huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Trong những năm qua, công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch trên địa bàn tỉnh thực hiện còn rất nhiều hạn chế do không có kinh phí thực hiện, chủ yếu thực hiện giám sát hồ sơ sổ sách, chưa thực hiện lấy mẫu nước xét nghiệm khách quan.

II. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Thông tư số 41/2018/TT-BYT ngày 14/12/2018 của Bộ Y tế về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt;

- Thông tư số 26/2021/TT-BYT ngày 15/12/2021 của Bộ Y tế ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số điều của Thông tư số 41/2018/TT- BYT ngày 14/12/2018;

- Công văn số 6633/UBND-KTN ngày 11/11/2020 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch, bảo đảm cấp nước an toàn, liên tục;

- Quyết định số 2236/QĐ-UBND ngày 26/8/2022 của UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam;

- Quyết định số 37/2023/QĐ-UBND ngày 25/12/2023 của UBND tỉnh ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa tỉnh Quảng Nam.

III. MỤC TIÊU VÀ YÊU CẦU

1. Mục tiêu

Triển khai thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (sau đây gọi tắt là QCĐP) nhằm đảm bảo kiểm soát hiệu quả chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trong cung cấp và sử dụng của người dân. Qua đó, đảm bảo và nâng cao tỉ lệ sử dụng nước sạch trên địa bàn tỉnh, góp phần giảm các bệnh liên quan đến nguồn nước và vệ sinh, từng bước đạt được mục tiêu Chiến lược Quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của tỉnh.

2. Yêu cầu

Các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện Kế hoạch một cách nghiêm túc, đồng bộ, đồng thời kiểm tra, theo dõi, đôn đốc, sơ kết, tổng kết, đánh giá để kịp thời điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp, tháo gỡ khó khăn trong tổ chức thực hiện.

IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp liên ngành

- Các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các cơ sở cấp nước tổ chức xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu về việc tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn.

- Tổ chức các hội nghị triển khai các văn bản, quy định về quản lý chất lượng nước sạch cho lãnh đạo chính quyền, các Ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội… nhằm huy động sự tham gia của hệ thống chính trị, các cơ sở sản xuất nước và người dân.

2. Tăng cường thông tin, giáo dục, truyền thông

- Truyền thông phổ biến Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

- Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức về lợi ích của việc sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn;

- Phổ biến các kiến thức, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong việc khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn nước sinh hoạt, xây dựng các công trình vệ sinh môi trường;

- Nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc khai thác và bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo vệ các công trình cấp nước và vệ sinh môi trường đảm bảo sự phát triển bền vững.

3. Nâng cao năng lực quản lý chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt

- Kết hợp giữa đào tạo và tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên trách về nước sạch và vệ sinh môi trường từ cấp huyện, xã, thôn/bản, đặc biệt là những vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay.

- Tăng cường tập huấn nâng cao năng lực triển khai thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật địa phương, Quy chuẩn Quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh cho cán bộ y tế, người làm công tác quản lý chất lượng nước tại các tuyến, cơ sở cấp nước hằng năm.

4. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh

- Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt theo QCĐP theo phân cấp quản lý và thực hiện quản lý số liệu cơ sở cấp nước, thực hiện chế độ thống kê, báo cáo theo quy định;

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động cấp nước và bảo đảm cấp nước an toàn, chống thất thoát, thất thu nước sạch đối với các đơn vị cấp nước trên địa bàn; xử lý hoặc kiến nghị xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định.

5. Nâng cao năng lực xét nghiệm chất lượng nước

- Xây dựng lộ trình đầu tư nâng cao năng lực xét nghiệm chất lượng nước sạch cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đảm bảo chất lượng tất cả các thông số xét nghiệm trong QCVN 01-1:2018/BYT phù hợp với TCVN ISO/IEC 17025.

- Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác giám sát, xét nghiệm chất lượng nước sạch tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

6. Theo dõi, giám sát và đánh giá

- Tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định hiện hành về đảm bảo chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt tại các cơ sở cấp nước.

- Giám sát và phối hợp với các cơ sở cấp nước tiến hành kiểm soát các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng nước, tư vấn cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường đảm bảo chất lượng nước.

- Đánh giá các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng nước phát sinh trong những diễn biến do ảnh hưởng của thời tiết, quá trình đô thị hóa hoặc những yếu tố phát sinh đột xuất khác.

- Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, giám sát và báo cáo quản lý chất lượng nước tại các tuyến.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

- Nguồn ngân sách địa phương;

- Nguồn huy động xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch;

- Xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt hàng năm của ngành Y tế bảo đảm nhân lực, trang thiết bị và bố trí kinh phí thực hiện. Đầu tư nâng cao năng lực phòng xét nghiệm ngoại kiểm chất lượng nước của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh;

- Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện việc xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt theo phân cấp đảm bảo quy định;

- Chỉ đạo nâng cao chất lượng thống kê, báo cáo của các đơn vị trực thuộc và các cơ sở cấp nước;

- Chỉ đạo hoạt động thông tin giáo dục truyền thông, hướng dẫn, giám sát, tập huấn chuyên môn, kỹ thuật về kiểm tra, giám sát, xét nghiệm chất lượng nước cho cán bộ y tế làm công tác giám sát, xét nghiệm chất lượng nước các tuyến;

- Phối hợp với các Sở, ngành liên quan trong việc thực hiện các nội dung thanh, kiểm tra hoặc xử lý sự cố môi trường ảnh hưởng đến chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt;

- Tổng hợp và báo cáo định kỳ quản lý chất lượng nước theo quy định.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì xây dựng và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh. Theo dõi, hướng dẫn các địa phương, đơn vị quản lý khai thác nước sạch tập trung nông thôn thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn theo quy định thuộc phạm vi quản lý;

- Phối hợp với Sở Y tế và các Sở, ngành, các đơn vị liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra và giám sát việc thực hiện hoạt động cấp nước, chất lượng nước sạch tại nông thôn theo quy định.

3. Sở Xây dựng

- Chủ trì xây dựng và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn khu vực đô thị và khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với Sở Y tế và các Sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc chấp hành các quy định của pháp luật về xây dựng các công trình cấp nước, chống thất thoát, thất thu nước sạch tại đô thị và khu công nghiệp theo quy định.

4. Sở Tài chính

Hằng năm, phối hợp với Sở Y tế và các Sở, ngành tham mưu trình UBND tỉnh phân bổ kinh phí để triển khai thực hiện Kế hoạch theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan tham mưu bố trí kinh phí từ nguồn đầu tư công cho các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển để đảm bảo điều kiện thực hiện công tác quản lý chất lượng nước sạch.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường

Quản lý, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xử lý theo thẩm quyền, hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý đối với các cơ sở vi phạm theo quy định.

7. Các Sở, ngành khác

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Sở Y tế tổ chức thực hiện Kế hoạch này.

8. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Phổ biến, chỉ đạo các cơ sở cấp nước trên địa bàn quản lý nghiêm túc triển khai có hiệu quả QCĐP;

- Chủ động, tích cực huy động, bố trí ngân sách địa phương thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCĐP đối với các đơn vị cấp nước trên địa bàn quản lý;

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt tại các cơ sở cấp nước đóng trên địa bàn.

9. Các đơn vị cấp nước trên địa bàn tỉnh

- Thực hiện nghiêm việc đảm bảo chất lượng nước sạch theo quy định của Bộ Y tế và QCĐP cung cấp cho người dân;

- Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, nâng cấp máy móc trang thiết bị đảm bảo cho việc sản xuất nước sạch, ứng dụng các công nghệ mới vào trong sản xuất, nhằm cải thiện chất lượng nước sạch;

- Lập, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch bảo đảm cấp nước an toàn, quản lý rủi ro và thực hiện theo quy định;

- Đề xuất các thông số chất lượng nước sạch để sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt;

- Chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

- Thực hiện việc thống kê, báo cáo theo quy định.

Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; đề nghị các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Cục Quản lý môi trường Y tế (báo cáo);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành;
- Các tổ chức chính trị - xã hội;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, KGVX (&).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Anh Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 3046/KH-UBND năm 2024 thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

  • Số hiệu: 3046/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 02/05/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
  • Người ký: Trần Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/05/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản