Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2924/KH-UBND

Bến Tre, ngày 24 tháng 6 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “BẢO ĐẢM TÀI CHÍNH CHO CÁC HOẠT ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS TỈNH BẾN TRE GIAI ĐOẠN 2014-2020”

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1899/QĐ-TTg ngày 16 tháng 10 năm 2013 phê duyệt Đề án “Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2013-2020”, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre xây dựng Kế hoạch thực hiện với các nội dung chính như sau:

Phần I

SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

I. CÁC CƠ SỞ PHÁP LÝ

Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) của Quốc hội (số 64/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006);

Quyết định số 608/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030;

Quyết định số 1899/QĐ-TTg ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2013-2020”;

Công văn số 8239/BYT-AIDS ngày 18 tháng 12 năm 2013 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án bảo đảm tài chính;

Hướng dẫn số 999/HD-BYT ngày 18 tháng 12 năm 2013 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án “Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2014-2020 tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Quyết định số 2663/QĐ-UBND ngày 10 tháng 11 năm 2011 của UBND tỉnh Bến Tre về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm tỉnh Bến Tre.

II. TÌNH HÌNH VÀ ĐÁP ỨNG VỚI DỊCH HIV/AIDS

1. Tình hình dịch HIV/AIDS:

Kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện năm 1993, lũy tích đến cuối năm 2013 tỉnh Bến Tre phát hiện 2.007 trường hợp. Trong đó, tổng số bệnh nhân chuyển sang AIDS là 1.203, số trường hợp đã tử vong là 756 người; hiện tổng số trường hợp nhiễm HIV còn sống là 1.251.

Đến ngày 31 tháng 12 năm 2013 toàn tỉnh đã phát hiện người nhiễm HIV tại 161/164 xã/phường chiếm tỷ lệ 98,2%, tất cả 9 huyện/thành phố Bến Tre đều có người nhiễm. Trong đó, tỷ lệ nhiễm HIV tập trung nhiều tại thành phố Bến Tre (27%) chiếm hơn 1/4 tỷ lệ nhiễm HIV trong toàn tỉnh, kế đến là huyện Châu Thành (20,1%) và thấp nhất là huyện Thạnh Phú chiếm 4,3%.

Phân bố các trường hợp nhiễm HIV (1993-2013) tập trung chủ yếu là nam giới, tỷ lệ nam cao gấp 2,3 lần so với nữ (69,39%-30,64%), tuy nhiên trong khoảng thời gian 5 năm gần đây (2009-2013) dịch có xu hướng tăng lên ở nữ giới, tỷ lệ nhiễm HIV giữa nam và nữ chỉ khoảng 1,6 lần (61,35%-38,25%). Các trường hợp nhiễm HIV/AIDS chủ yếu tập trung ở độ tuổi 15-49 (95,46%). Trong đó, nhóm tuổi 25-49 chiếm đa số (58,12%). Trong 5 năm gần đây nhóm tuổi 25-49 có xu hướng tăng từ 66,13% năm 2009 lên 75,55% năm 2013, trong khi đó nhóm tuổi 15-24 giảm (26,61%-15,86%).

Về đối tượng: Các trường hợp nhiễm qua các năm (1993-2013) chủ yếu tập trung ở nhóm nghiện chích ma tuý (NCMT) (36,00%), nghi AIDS (18,55%) và tình dục khác giới (9,98%). Từ năm 2003-2011, bệnh nhân nghi AIDS có xu hướng tăng (5,9% năm 2003-37,6% năm 2010), 3 năm gần đây (2011-2013) dịch có xu hướng giảm trong nhóm này (từ 34,3% năm 2011 xuống 3,76% năm 2013). Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm NCMT có xu hướng biến động giảm trong 5 năm gần đây (2009: 28,8%-2013: 17,0%). Ngược lại, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) lại có xu hướng biến động tăng trong 5 năm gần đây (2009: 16,1%-2013: 20%).

Ngoài các đối tượng nguy cơ cao như NCMT, mại dâm, tỷ lệ nhiễm HIV đang có xu hướng lan sang các đối tượng nguy cơ thấp. Theo báo cáo năm 2013 cho thấy phân bố nghề nghiệp ở những người nhiễm HIV qua giám sát phát hiện có 4,51% là công nhân, 3,76% là công nhân viên chức, 1,5% lực lượng vũ trang, 0,75% là trí thức, 12,78% là nông dân, lao động tự do chiếm đến 39,10%, còn lại là các nghề khác.

Dịch HIV vẫn đang chứa đựng các yếu tố nguy cơ bùng nổ nếu không triển khai các biện pháp can thiệp giảm tác hại một cách hiệu quả. Đường lây truyền HIV chủ yếu qua các năm (1993-2013) là đường máu (52,88%) và đường tình dục (33,01%). Phân bố người nhiễm HIV theo đường lây qua các năm có sự thay đổi, tỷ lệ người nhiễm HIV lây nhiễm qua đường máu vẫn chiếm tỷ lệ cao nhưng theo số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ này đang có xu hướng giảm dần và tỷ lệ nhiễm HIV qua đường tình dục có xu hướng tăng. Cụ thể, trong 5 năm gần đây, tỷ lệ nhiễm HIV qua đường máu từ 38,98% năm 2009 xuống 21,05% năm 2013, tỷ lệ nhiễm HIV qua đường tình dục từ 44,06% năm 2009 lên 63,91% năm 2013, các trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện lây truyền qua đường tình dục cao gần 3 lần lây truyền qua đường máu. Vì thế, hành vi không sử dụng bao cao su (BCS) khi quan hệ tình dục, đặc biệt ở nhóm nguy cơ cao như người bán dâm (NBD) và nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới và hành vi sử dụng chung bơm kim tiêm (BKT) khi tiêm chích là những hành vi nguy cơ quan trọng dẫn đến dịch dễ dàng bùng nổ.

Uớc tính tình hình dịch ở địa phương đến năm 2020: Từ năm 1993-2013 tổng số người nhiễm HIV mới phát hiện là 2.007 người, trung bình số người nhiễm HIV nhiễm mới trong 5 năm gần đây (2009-2013) khoảng 169 người/năm. Như vậy với mức độ gia tăng hằng năm, sự mở rộng của chương trình điều trị ARV góp phần kéo dài thời gian sống của người nhiễm HIV, dự báo số lượng người nhiễm HIV dự tính đến năm 2020: Số người nhiễm HIV mới sẽ là hơn 1.183 người và số nhiễm HIV lũy tích sẽ tăng hơn 3.190 người vào năm 2020. Tuy nhiên nếu chúng ta duy trì được tất cả các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS như tăng cường công tác truyền thông, tăng độ bao phủ chương trình can thiệp giảm tác hại, điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV, điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con và mở rộng dịch vụ điều trị các chất thay thế dạng thuốc phiện bằng Methadone thì tình hình dịch HIV chúng ta có thể khống chế được dưới mức 0,15%.

2. Tổng quan đáp ứng với dịch HIV/AIDS ở địa phương:

2.1. Kết quả triển khai thực hiện các hoạt động/các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS (theo 04 Đề án thực hiện Chiến lược).

2.1.1 Công tác dự phòng lây nhiễm HIV:

- Thông tin, giáo dục, truyền thông: Các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông trong những năm qua đã có tác động rất lớn đến sự thay đổi về kiến thức phòng, chống HIV/AIDS trong nhóm nguy cơ cao và cộng đồng dân cư. Các hoạt động truyền thông được đẩy mạnh, số đối tượng thụ hưởng từ truyền thông ngày càng tăng. Triển khai các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư thông qua các hình thức: Loa truyền thanh xã, phường, truyền thông tại tổ nhân dân tự quản, trạm thông tin về phòng, chống HIV/AIDS tại các địa điểm tập trung đông dân cư. Truyền thông thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS cho các đối tượng nguy cơ cao: Người NCMT, NBD, MSM và các đối tượng khác.

Số lượt người được truyền thông tăng dần qua các năm từ 231.216 người năm 2009 tăng 418.106 lượt người năm 2013 (tăng 1,8 lần). Những đối tượng nguy cơ cao ảnh hưởng rất lớn đến việc lây truyền HIV/AIDS trong cộng đồng, nhóm đối tượng này thường không tập trung mà phân tán trong cộng đồng. Do đó, các biện pháp truyền thông gián tiếp như loa, Đài Phát thanh … kém hiệu quả hơn truyền thông trực tiếp vì thế truyền thông trực tiếp được đánh giá cao và mang lại nhiều hiệu quả, tuy nhiên nguồn kinh phí phục vụ chương trình truyền thông hạn hẹp, đây là một thách thức lớn trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh Bến Tre.

- Can thiệp giảm tác hại: Chương trình can thiệp giảm tác hại cho nhóm nguy cơ cao cho đến nay đã triển khai được 5 huyện/thành phố. Số người NCMT và NBD được can thiệp tăng dần qua các năm, năm 2006 số người NCMT được can thiệp chỉ có 55 người cho đến năm 2013 con số này đã tăng gấp 5 lần (281 người NCMT), tương tự NBD được can thiệp năm 2006 chỉ có 395 người đến năm 2013 đã tăng 2,5 lần (904 NBD). Chương trình can thiệp giảm tác hại chỉ tập trung ở người NCMT và NBD thông qua giáo dục viên đồng đẳng và cộng tác viên thực hiện cung cấp BCS miễn phí và trao đổi BKT sạch. Chưa triển khai chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (Methadone). Các huyện còn lại (Giồng Trôm, Bình Đại, Thạnh Phú, Chợ Lách) chưa triển khai do chưa có nguồn kinh phí hỗ trợ. Số lượng các đối tượng nguy cơ cao được can thiệp ngày càng tăng cao, tuy nhiên mạng lưới đồng đẳng viên phục vụ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS so với các năm trước giảm từ 110 người năm 2009 xuống 40 người năm 2013 do không đủ kinh phí hoạt động. Nguồn tài trợ của dự án kết thúc là một trong những thách thức lớn của chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Bến Tre.

2.1.2. Công tác chăm sóc, hỗ trợ, điều trị toàn diện HIV/AIDS:

- Công tác điều trị và chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS: Cơ sở điều trị đặt tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, điều trị cho người lớn và trẻ em, phòng khám ngoại trú quản lý điều trị cả người nhiễm HIV tại Trại giam Châu Bình và Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động Xã hội.

Số lượng bệnh nhân được điều trị ARV tăng dần qua các năm, từ 152 người năm 2009 tăng lên 739 người năm 2013. Số bệnh nhân vẫn còn đang được điều trị ARV đến cuối năm 2013 là 598 người. Tuy nhiên so với thực tế số lượng này vẫn còn thấp.

Quản lý, chăm sóc, tư vấn người nhiễm tại cộng đồng: Tình hình quản lý người nhiễm tại các địa phương tính đến cuối tháng 12/2013 đạt 67,2%.

- Công tác dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con: Chương trình dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con được triển khai từ tháng 9/2008. Toàn tỉnh có 18 điểm cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền mẹ con tại các bệnh viện đa khoa tỉnh, huyện và Trung tâm y tế huyện/thành phố bao gồm cung cấp thuốc ARV và sữa thay thế. Số phụ nữ mang thai được phát hiện nhiễm HIV cộng dồn từ lúc triển khai (9/2008) đến 12/2013 là 86 người. Trong đó, số phụ nữ mang thai nhiễm HIV được phát hiện qua các năm biến động giảm cụ thể năm 2010 là 20 ca, 2011 tăng lên 24 ca, đến năm 2013 giảm còn 17 ca.

Lũy tích số trẻ em nhiễm HIV được phát hiện đến ngày 31 tháng 12 năm 2013 là 53 trẻ. Theo thống kê trong các năm gần đây, cho thấy số trẻ phơi nhiễm HIV được xét nghiệm phát hiện có kết quả dương tính có xu hướng tăng, cụ thể năm 2010 là 2 ca, 2012 là 3 ca và năm 2013 là 4 ca. Cộng dồn số trẻ nhiễm HIV đến năm 2013 là 53 (bao gồm cả số trẻ được phát hiện nơi khác chuyển về), số trẻ quản lý được 30 trẻ, không quản lý 11, lũy tích số trẻ tử vong là 12. Số trẻ đã đăng ký điều trị tại Phòng khám ngoại trú tỉnh là 28 trẻ. Hiện có 26 trẻ đang được điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV).

100% các đơn vị sản khoa trong toàn tỉnh đều triển khai chương trình can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Mặc dù chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai đến tận xã, phường tuy nhiên có hơn 50% số trường hợp được xét nghiệm trong lúc chuyển dạ (59,7% năm 2011, 71,6% năm 2012 và 63.6% năm 2013) do đó ảnh hưởng đến hiệu quả của việc điều trị dự phòng. Tỷ lệ phụ nữ mang thai có kết quả xét nghiệm HIV dương tính dưới 0,2% (0,15% năm 2011 và 0,12% năm 2012 và 0,15% năm 2013).

- Hoạt động tư vấn, xét nghiệm tự nguyện: Toàn tỉnh hiện có 4 phòng tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện (VCT) đặt tại Trung tâm Y tế thành phố Bến Tre, Mỏ Cày Nam, Châu Thành và Ba Tri. Tỷ lệ người đến tư vấn xét nghiệm HIV gia tăng tại các phòng tư vấn và xét nghệm HIV miễn phí, người đến tư vấn đa số là đối tượng nguy cơ cao. Tỷ lệ người tư vấn quay lại lấy kết quả đạt 97,0%.

2.1.3. Công tác tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS:

Cán bộ công tác tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh thường xuyên được đào tạo, tập huấn do Trung ương tổ chức.

Đã tiến hành xây dựng Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Bến Tre (2012-2015).

2.1.4. Công tác giám sát dịch tễ học HIV/AIDS, theo dõi và đánh giá chương trình phòng, chống HIV/AIDS:

Hệ thống theo dõi, đánh giá chương trình: Quản lý phần mềm Epi: 9/9 huyện, thành phố đã được cài đặt và hướng dẫn sử dụng phần mềm.

Chương trình giám sát phát hiện qua các năm đã thu được nhiều kết quả. Số lượng người được xét nghiệm HIV tăng dần qua các năm, trong khi đó số người nhiễm HIV không tăng. Năm 2011 tiến hành xét nghiệm 33.809 trường hợp, năm 2012 đạt 39.610 trường hợp và năm 2013 lên 42.038 trường hợp, tỷ lệ dương tính giảm 0,01%.

2.2. Mức độ bao phủ/mức độ tiếp cận của các chương trình:

- Chương trình giáo dục đồng đẳng: Chương trình BKT, BCS triển khai tại 5 huyện, thành phố: Thành phố Bến Tre, Châu Thành, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc và Ba Tri.

- Khám và điều trị các nhiễm khuẩn lây truyền qua đ­ường tình dục tại địa phương chỉ triển khai tại khoa Da liễu Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, không triển khai các điểm lưu động.

- Điểm triển khai tư vấn xét nghiệm tự nguyện (TVXNTN): Toàn tỉnh có 04 phòng TVXNTN (01 thuộc dự án Quỹ toàn cầu (QTC), 03 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia) các phòng này hoạt động tốt, đặc biệt phòng TVXNTN thuộc dự án Quỹ toàn cầu tại thành phố Bến Tre.

- Chương trình Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con: 9/9 huyện, thành phố đều triển khai (01 thuộc dự án QTC tại thành phố Bến Tre, 08 huyện thuộc chương trình mục tiêu quốc gia). Điểm cung cấp thuốc và điều trị dự phòng lây truyền mẹ con đặt tại Phòng khám ngoại trú tỉnh.

- Khám và điều trị thuốc ARV: Toàn tỉnh có 01 phòng khám ngoại trú đặt tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu do dự án QTC tài trợ.

Bảng 1: Các điểm cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS đang triển khai tại địa phương

Địa bàn

Can thiệp giảm tác hại

Tư vấn XN tự nguyện

Điều trị ARV

Phòng lây truyền mẹ con

Chăm sóc tại cộng đồng

BKT

BCS

MSM

Methadone

STI

I. NGUỒN CTMTQG

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1. Huyện Châu Thành

1

1

1

 

 

1

 

1

 

2. Huyện Mỏ Cày Nam

1

1

1

 

 

1

 

1

 

3. Huyện Mỏ Cày Bắc

1

1

1

 

 

 

 

1

 

4. Huyện Chợ Lách

 

 

1

 

 

 

 

1

 

5. Huyện Thạnh Phú

 

 

1

 

 

 

 

1

 

6. Huyện Bình Đại

 

 

1

 

 

 

 

1

 

7. Huyện Giồng Trôm

 

 

1

 

 

 

 

1

 

8. Huyện Ba Tri

1

1

1

 

 

1

 

1

 

9. Thành phố Bến Tre

1

1

1

 

 

 

 

 

 

II. NGUỒN VỐN VIỆN TRỢ CÁC DỰ ÁN KHÁC (NÊU CỤ THỂ TÊN DỰ ÁN GỒM: DỰ ÁN QUỸ TOÀN CẦU, DỰ ÁN LG, FHI, WB...)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1. Thành phố Bến Tre

 

 

 

 

 

QTC

QTC (BV NĐC)

QTC

 

2.3. Khó khăn thách thức:

Tình hình dịch HIV tại tỉnh có xu hướng lan ra cộng đồng, tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV có xu hướng tăng.

Vẫn còn tỷ lệ lớn người nhiễm HIV trong cộng đồng chưa biết về tình trạng nhiễm HIV của họ, do đó gia tăng tiềm ẩn nguy cơ làm lây truyền HIV trong cộng đồng và không xác định được đúng mức độ dịch HIV/AIDS.

Tình trạng người dân có những suy nghĩ, quan niệm sai lầm về HIV/AIDS dẫn đến phân biệt, kỳ thị đối xử với người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn cao. Ngoài ra, thái độ tự kỳ thị của các đối tượng nguy cơ và người nhiễm HIV làm ảnh hưởng đáng kể đến dự phòng lây truyền HIV/AIDS, tiếp cận với dịch vụ điều trị của người nhiễm HIV/AIDS, rào cản cho việc phát hiện HIV sớm và chuyển gửi đến dịch vụ chăm sóc điều trị.

Việc tiếp cận các nhóm đối tượng dễ bị cảm nhiễm với HIV như NBD, người NCMT, MSM còn gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí để thành lập các nhóm đồng đẳng.

Xu hướng dịch HIV lây truyền qua đường tình dục đang gia tăng, nhóm đối tượng đa dạng hơn và lây truyền từ nhóm nguy cơ cao sang cộng đồng, do đó các biện pháp can thiệp khó khăn hơn.

Tệ nạn mại dâm, mua bán và sử dụng ma tuý ngày càng diễn biến phức tạp, khó quản lý, kiểm soát và tiếp cận sẽ tác động đến nguy cơ lây truyền HIV trong tình hình hiện nay.

Tình trạng quan hệ tình dục đồng giới diễn biến phức tạp, việc tiếp cận các đối tượng khó khăn. Tình trạng dân di biến động đến làm việc, sinh sống ngày càng nhiều ảnh hưởng đến nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Kinh phí triển khai cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS đang có xu hướng cắt giảm mạnh, không đáp ứng đủ để thực hiện và duy trì các chương trình phòng, chống HIV/AIDS.

Ngoài ra, tình trạng thiếu cán bộ có trình độ phục vụ cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là bác sĩ.

III. KẾT QUẢ HUY ĐỘNG VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ

1. Tình hình huy động kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS ở địa phương:

Ngân sách nhà nước chi cho công tác phòng, chống HIV/AIDS tăng dần qua các năm, tại tỉnh đã có sự quan tâm đầu tư vốn đối ứng cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Ðáng chú ý, nguồn kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS phần lớn từ các tổ chức quốc tế. Với tình hình trên, để thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, chúng ta sẽ phải đứng trước những thách thức lớn về tài chính khi mà nguồn tài trợ của các tổ chức nước ngoài bị cắt giảm.

- Nguồn ngân sách nhà nước được cấp từ Trung ương: Nguồn kinh phí được cấp từ Trung ương thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS tăng dần qua các năm từ 938 triệu đồng năm 2008 tăng lên 5.242 triệu đồng năm 2012 và 4.928 triệu đồng năm 2013 (năm 2012 và năm 2013 được cấp thêm kinh phí để xây dựng Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS là 3.000 triệu đồng /năm).

- Nguồn ngân sách nhà nước được cấp từ địa phương: Nguồn kinh phí được cấp từ ngân sách địa phương chủ yếu là kinh phí hoạt động thường xuyên và lương cho cán bộ tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS. Ngoài các khoản kinh phí nêu trên, kể từ năm 2013 kinh phí địa phương cấp là 640,2 triệu đồng chi hỗ trợ phụ cấp cho cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS và chi lương cho nhân viên tiếp cận cộng đồng (theo Thông tư Liên tịch số 163/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 08 tháng 10 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính - Bộ trưởng Bộ Y tế quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2012-2015). Ngoài ra hằng năm kinh phí địa phương cấp để phục vụ cho việc xét nghiệm HIV và ma tuý cho tân binh (khoảng 200 triệu đồng/năm).

- Nguồn viện trợ nước ngoài thông qua các dự án quốc tế: Nguồn viện trợ quốc tế đóng góp cho công tác phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh rất lớn gấp 2 lần kinh phí nhà nước (dự án phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam do Ngân hàng Thế giới tài trợ từ năm 2006 và dự án Quỹ toàn cầu kể từ năm 2011). Tuy nhiên, kể từ tháng 6 năm 2013 dự án phòng, chống HIV/AIDS do Ngân hàng Thế giới tài trợ đã kết thúc, dự án Quỹ toàn cầu cũng giảm một phần kinh phí và sẽ kết thúc năm 2015.

- Nguồn Bảo hiểm y tế chi trả: Từ năm 2008 đến 2013 bảo hiểm y tế chưa chi trả, đa số bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS chưa mua bảo hiểm y tế.

- Nguồn đóng góp của người sử dụng dịch vụ, người nhiễm HIV: Chưa có đóng góp từ người nhiễm HIV, hiện tại chi phí điều trị ARV và một số thuốc nhiễm trùng cơ hội, xét nghiệm CD4 đều miễn phí.

- Nguồn khác: Không có.

Bảng 2. Tổng kinh phí huy động được giai đoạn 2008-2013 (tính theo nguồn)

Đơn vị tính: Triệu đồng

Nguồn kinh phí

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

NSNN thông qua CTMTQG

934

1.119

1.600

1.890

5.242

4.928

Ngân sách địa phương

91

86

109

112

137

844

Các dự án viện trợ

3.622

4.507

4.112

4.483

4.500

3.008

Tổng

4.647

5.712

5.821

6.485

9.879

8.780

Bảng 3. Kinh phí huy động được giai đoạn 2008-2013 (theo 04 dự án)

Đơn vị tính: Triệu đồng

 

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Dự phòng lây nhiễm HIV

2.500

2.780

3.200

3.558

3.027

3.479

Chăm sóc và điều trị toàn diện

200

234

256

580

1.605

1.032

Tăng cường năng lực

89

98

95

61

3.000

3.196

Theo dõi giám sát và đánh giá

1.858

2.600

2.270

2.286

2.247

1.073

Tổng

4.647

5.712

5.821

6.485

9.879

8.780

2. Tình hình sử dụng kinh phí phòng, chống HIV/AIDS ở địa phương:

2.1. Kết quả sử dụng kinh phí:

Công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh được thực hiện trên nguyên tắc có Chiến lược của tỉnh về công tác phòng, chống HIV/AIDS, có Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống HIV/AIDS đảm bảo điều phối hoạt động phòng, chống HIV/AIDS từ tỉnh đến cơ sở và có chung một hệ thống theo dõi và đánh giá thống nhất. Việc quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh đều có sự giám sát của các cơ quan chức năng. Các hoạt động đề ra đều tổ chức thực hiện đúng tiến độ, hiệu quả. Đồng thời, các cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS của các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tuyến được tập huấn, hướng dẫn lập kế hoạch nên việc sử dụng kinh phí đúng quy định và đúng mục tiêu đề ra. Ngoài ra, các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đều được giám sát hỗ trợ, kiểm tra nhằm đảm bảo các hoạt động được thực hiện có hiệu quả.

Tỷ lệ giải ngân nguồn kinh phí được cấp từ Chương trình mục tiêu quốc gia, kinh phí địa phương và các nguồn vốn tài trợ đều đạt 100%.

2.2. Tác động của việc sử dụng kinh phí đến tình hình dịch HIV/AIDS của địa phương:

Trong những năm qua việc sử dụng kinh phí trong phòng, chống HIV/AIDS rất hiệu quả, đặc biệt số trường hợp nhiễm HIV không tăng. Tình hình dịch HIV/AIDS vẫn trong giai đoạn tập trung, các trường hợp nhiễm HIV vẫn tập trung trong nhóm nguy cơ cao.

Bảng 4. So sánh tình hình dịch và tổng mức đầu tư qua các năm

 

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Số phát hiện HIV mới

109

118

141

211

166

208

Số phát hiện AIDS mới

103

122

254

110

103

109

Tử vong do HIV/AIDS

45

34

179

61

45

75

Đầu tư (triệu đồng)

4.647

5.712

5.821

6.485

9.879

8.780

2.3. Tác động của việc sử dụng kinh phí đến việc thực hiện các Đề án thuộc Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS:

Công tác truyền thông, giáo dục đa dạng, phong phú, chuyển đổi hành vi, nhận thức của người dân về phòng, chống HIV/AIDS ngày càng được nâng cao. Hoạt động truyền thông được đẩy mạnh ở tất cả các ban ngành, đoàn thể.

Can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV đã được nhân rộng và triển khai hiệu quả chương trình cung cấp BCS, BKT miễn phí. Các đối tượng nguy cơ cao như ma tuý, mại dâm và nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới được chú trọng can thiệp.

Công tác giám sát theo dõi, đánh giá được triển khai thường xuyên từ tỉnh đến cơ sở. Công tác giám sát phát hiện người nhiễm được đẩy mạnh, góp phần hiệu quả trong công tác dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng và kịp thời đưa vào điều trị.

Phát hiện, quản lý, chăm sóc và điều trị ARV được tăng cường, số người nhiễm HIV/AIDS được đưa vào điều trị ngày càng nhiều, chất lượng chăm sóc và điều trị tại các cơ sở được nâng cao.

Bệnh nhân HIV/AIDS tuân thủ điều trị ARV ngày càng cao, ngày càng có nhiều bệnh nhân tự nguyện đến đăng ký xin điều trị ARV, số lượng người tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện tăng mạnh qua các năm. Số người tử vong do AIDS ngày càng giảm.

Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai rộng tại 164 xã/phường trên địa bàn toàn tỉnh.

3. Những khó khăn, thách thức trong huy động, quản lý, sử dụng kinh phí:

3.1. Về huy động kinh phí:

Từ trước tới nay, Chương trình phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam vẫn có sự hỗ trợ rất lớn từ các tổ chức nước ngoài. Tuy nhiên, nguồn viện trợ này đang giảm dần ảnh hưởng rất lớn đến việc duy trì các hoạt động cho phòng, chống HIV/AIDS. Do đó muốn duy trì hiệu quả của công tác phòng, chống HIV/AIDS cần có giải pháp huy động nguồn lực tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS từ nhiều nguồn của Trung ương, địa phương, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước, ngoài nước và nhân dân để bảo đảm nguồn lực cho việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược, trong đó xác định nguồn đầu tư từ ngân sách là chính.

Mặc khác, ngân sách Trung ương và địa phương tăng số lượng vốn đầu tư cho Chương trình phòng, chống HIV/AIDS nhưng không đảm bảo bù đắp thiếu hụt kinh phí.

Tiếp tục vận động, kêu gọi và đa dạng hoá các nguồn viện trợ quốc tế, các nhà tài trợ mới. Các dự án viện trợ đang triển khai phải có lộ trình chuyển giao cụ thể đảm bảo tính bền vững khi dự án kết thúc.

Đa dạng hoá nguồn kinh phí trong tỉnh, tận dụng tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực sẵn có. Bước đầu chuyển dần nguồn kinh phí điều trị người nhiễm HIV/AIDS từ các chương trình dự án sang nguồn kinh phí của quỹ Bảo hiểm y tế…

Tăng nguồn thu từ một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS để tự cân đối thu - chi cho các hoạt động của các dịch vụ này...

3.2. Về quản lý kinh phí:

Việc quản lý kinh phí gặp thách thức lớn, bài toán đặt ra, làm thế nào để các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS dù bị cắt giảm kinh phí nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng của các hoạt động, dịch vụ và đồng thời sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

Phòng, chống HIV/AIDS là một công tác liên ngành, do đó có rất nhiều cơ quan, tổ chức, các ban ngành, đoàn thể tham gia và được phân bổ, tiếp nhận kinh phí phòng, chống HIV/AIDS. Sở Y tế là cơ quan tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý về phòng, chống HIV/AIDS bao gồm cả quản lý, điều phối các nguồn lực cho lĩnh vực này.

Việc quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh đều có sự giám sát của các cơ quan chức năng để không xảy ra các sai sót.

3.3. Về tổ chức, quản lý các hoạt động chuyên môn:

a) Tại tuyến tỉnh:

Về quản lý Chương trình phòng, chống HIV/AIDS: Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm tỉnh do đồng chí Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban, Sở Y tế là cơ quan Thường trực phòng chống HIV/AIDS.

- Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS là đơn vị Thường trực thực hiện về công tác phòng, chống HIV/AIDS giúp việc cho Ban Chỉ đạo tỉnh và Sở Y tế.

- Các Tiểu ban chuyên môn phòng, chống HIV/AIDS gồm:

+ Tiểu ban Giám sát HIV/AIDS.

+ Tiểu ban Điều trị HIV/AIDS.

+ Tiểu ban Phòng các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục.

+ Tiểu ban Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

+ Tiểu ban Thông tin, giáo dục truyền thông.

+ Tiểu ban Nhi.

+ Tiểu ban An toàn truyền máu.

+ Tiểu ban điều phối lao/HIV.

b) Tại tuyến huyện, thành phố:

Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm huyện, thành phố do Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố làm Trưởng ban, 01 lãnh đạo Trung tâm y tế huyện, thành phố làm Phó ban. Mỗi Trung tâm y tế huyện, thành phố có 01 cán bộ chuyên trách về phòng, chống HIV/AIDS phụ trách các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn quản lý.

c) Tại tuyến xã, phường, thị trấn:

Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm xã, phường, thị trấn do Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn làm Trưởng ban, 01 lãnh đạo Trạm y tế xã, phường, thị trấn làm Phó ban. Mỗi xã, phường, thị trấn có 01 chuyên trách về phòng, chống HIV/AIDS phụ trách các hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại địa phương.

Công tác phòng, chống HIV/AIDS đã đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, có Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống HIV/AIDS đảm bảo điều phối hoạt động phòng, chống HIV/AIDS từ tỉnh đến cơ sở và có chung một hệ thống theo dõi và đánh giá thống nhất. Các chương trình, dự án chưa thực hiện đúng theo nguyên tắc ưu tiên có trọng tâm và trọng điểm.

Phần II

ƯỚC TÍNH NHU CẦU VÀ SỰ THIẾU HỤT KINH PHÍ CHO CÁC HOẠT ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS CỦA ĐỊA PHƯƠNG GIAI ĐOẠN 2014-2020

I. ƯỚC TÍNH NHU CẦU KINH PHÍ GIAI ĐOẠN 2014-2020

Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn về tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, khi mà nguồn tài trợ từ nước ngoài sẽ cắt giảm trong thời gian tới. Theo ước tính, tổng nhu cầu kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2014-2020 là 26.882.000 triệu đồng, tuy nhiên, với các nguồn hiện có mới đáp ứng khoảng 37% tổng nhu cầu.

Tại tỉnh Bến Tre ước tính tổng nhu cầu kinh phí cho công tác phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2014-2020 là 147.523 triệu đồng. Trong đó chi cho dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS là 43.869 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 29,74%; chăm sóc điều trị là 44.601 triệu đồng chiếm tỷ lệ 30,23%; tăng cường năng lực là 55.778 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 37,81%; theo dõi, giám sát là 3.274 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 2,22%.

Bảng 5. Tổng nhu cầu kinh phí cho các Đề án Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2014-2020 (tính theo từng năm và cả giai đoạn)

Đơn vị: Triệu đồng

TT

Nội dung phân tích

2014

2015

2016

2017

2018

2019

2020

2014-2020

%

 

Tổng nhu cầu

16.154

45.013

12.725

14.688

16.939

19.521

22.482

147.523

100

1

Dự phòng

3.688

4.347

5.107

5.986

7.004

8.184

9.553

43.869

29,74

2

Chăm sóc điều trị

3.568

4.291

5.124

6.084

7.186

8.450

9.898

44.601

30,23

3

Tăng cường năng lực

8.496

35.953

2.050

2.153

2.260

2.373

2.492

55.778

37,81

4

Theo dõi, giám sát

402

422

443

465

489

513

539

3.274

2,22

5

Khác

-

-

-

-

-

-

-

-

-

II. ƯỚC TÍNH KHẢ NĂNG KINH PHÍ HUY ĐỘNG ĐƯỢC TỪ CÁC NGUỒN KHÁC NHAU

Theo ước tính tổng nhu cầu kinh phí cho công tác phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2014-2020 là 147.523 triệu đồng. Với các nguồn lực hiện có chỉ đáp ứng được 63,04% tổng nhu cầu.

Bảng 6. Ước tính thiếu hụt kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2014-2020

Đơn vị: Triệu đồng

TT

Nguồn kinh phí

2014

2015

2016

2017

2018

2019

2020

2014-2020

I

SỐ KINH PHÍ CẦN HUY ĐỘNG TỪ CÁC NGUỒN ĐỂ ĐÁP ỨNG TỔNG NHU CẦU

16.154

45.013

12.725

14.688

16.939

19.521

22.482

147.523

1

NSNN TƯ

4.056

29.474

3.379

3.839

4.367

4.975

5.677

55.767

2

NSNN ĐP

6.085

8.313

3.379

3.839

4.367

4.975

5.677

36.634

3

Viện trợ quốc tế

2.450

2.940

-

-

-

-

-

5.390

4

Bảo hiểm y tế

1.457

2.587

3.261

4.075

5.055

6.229

7.629

30.294

5

Doanh nghiệp

-

-

-

-

-

-

-

-

6

Người dân tự chi trả

2.106

1.698

2.707

2.936

3.150

3.342

3.500

19.439

II

KHẢ NĂNG HUY ĐỘNG ĐƯỢC

12.353

40.334

5.130

6.310

7.750

9.501

11.621

93.000

1

NSNN TƯ

3.564

28.636

720

819

936

1.074

1.236

36.985

2

NSNN ĐP

5.626

7.687

2.024

2.429

2.915

3.498

4.198

28.378

3

Viện trợ quốc tế(*)

2.450

2.940

-

-

-

-

-

5.390

4

Bảo hiểm y tế(**)

291

647

978

1.426

2.022

2.803

3.815

11.982

5

Doanh nghiệp

-

-

-

-

-

-

-

-

6

Người dân tự chi trả(***)

421

425

1.407

1.635

1.877

2.126

2.372

10.264

III

THIẾU HỤT (III=I-II)

- CẦN PHẢI HUY ĐỘNG ĐƯỢC

3.802

4.678

7.595

8.378

9.189

10.020

10.861

54.523

1

NSNN TƯ

492

838

2.658

3.019

3.431

3.902

4.440

18.781

2

NSNN ĐP

459

626

1.354

1.409

1.452

1.477

1.479

8.256

3

Viên trợ quốc tế

-

-

-

-

-

-

-

-

4

Bảo hiểm y tế

1.166

1.940

2.283

2.649

3.033

3.426

3.815

18.311

5

Doanh nghiệp

-

-

-

-

-

-

-

-

6

Người dân tự chi trả

1.685

1.274

1.300

1.300

1.273

1.216

1.128

9.175

III. ƯỚC TÍNH SỰ THIẾU HỤT KINH PHÍ GIAI ĐOẠN 2014-2020

1. Ước tính sự thiếu hụt kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của địa phương trong giai đoạn 2014-2020:

Theo ước tính tổng nhu cầu kinh phí cho công tác phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2014-2020 là 147.523 triệu đồng. Trong đó:

+ Nguồn kinh phí cần huy động từ Ngân sách nhà nước do Trung ương cấp đề đáp ứng tổng nhu cầu chiếm 55.767 triệu đồng.

+ Nguồn kinh phí cần huy động từ ngân sách nhà nước do địa phương cấp đề đáp ứng tổng nhu cầu chiếm 36.634 triệu đồng.

+ Nguồn viện trợ quốc tế cần huy động đề đáp ứng tổng nhu cầu là 5.390 triệu đồng; bao gồm nguồn viện trợ năm 2014 và ước tính năm 2015 (tăng 20%), sau năm 2015 nguồn viện trợ từ các dự án quốc tế không còn nữa.

+ Nguồn kinh phí cần huy động để đáp ứng tổng nhu cầu từ Bảo hiểm y tế được ước tính gồm chi phí cho chương trình điều trị ART và công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Hiện tại tỷ lệ người nhiễm HIV đã mua bảo hiểm y tế đạt 30%. Ước tính với mục tiêu đạt 80% tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ BHYT vào năm 2015 và đạt 100% vào năm 2020. Nguồn kinh phí từ BHYT giai đoạn 2014-2020 chiếm 30.294 triệu đồng.

+ Nguồn kinh phí ước tính cần huy động để đáp ứng tổng nhu cầu từ người dân tự chi trả là 19.439 triệu đồng. Bao gồm ước tính chi phí người dân tự chi trả ngoài mức chi của BHYT (20% gói khám chữa bệnh) và chi phí tự chi trả của các đối tượng không có BHYT khi tham gia chương trình điều trị ART và công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đồng thời, thu từ công tác xã hội hoá chương trình điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone từ năm 2016.

Hiện tại tổng kinh phí có thể huy động được từ các nguồn trong giai đoạn 2014-2020 là: 93.000 triệu đồng. Với các nguồn lực hiện có chỉ đáp ứng được 49,04% tổng nhu cầu. Trong đó:

+ Khả năng huy động được từ ngân sách nhà nước do Trung ương cấp là: 36.985 triệu đồng, bao gồm nguồn kinh phí được Trung ương cấp năm 2014 và được ước tính tăng thêm 20% mỗi năm đến năm 2020.

+ Khả năng huy động được từ ngân sách nhà nước do địa phương cấp là: 28.378 triệu đồng, bao gồm nguồn kinh phí được địa phương cấp năm 2014 và được ước tính tăng thêm 20% mỗi năm đến năm 2020.

+ Nguồn viện trợ quốc tế có khả năng huy động đề đáp ứng tổng nhu cầu là 5.390 triệu đồng; bao gồm nguồn viện trợ năm 2014 và ước tính năm 2015 (tăng 20%), sau năm 2015 nguồn viện trợ từ các dự án quốc tế không còn nữa.

+ Nguồn kinh phí có khả năng huy động được từ Quỹ BHYT được ước tính chỉ chiếm 20%-50% nguồn kinh phí huy động từ Quỹ BHYT để đáp ứng nhu cầu. Cụ thế, trong giai đoạn 2014-2020, nguồn kinh phí có khả năng huy động từ BHYT là 11.982 triệu đồng.

+ Nguồn kinh phí do người dân tự chi trả giai đoạn 2014-2020 được ước tính là 10.264 triệu đồng. Bao gồm 20%-50% ước tính chi phí người dân tự chi trả ngoài mức chi của BHYT (20% gói khám chữa bệnh) và chi phí tự chi trả của các đối tượng không có BHYT khi tham gia chương trình điều trị ART và công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đồng thời, cộng thu từ công tác xã hội hoá chương trình điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone từ năm 2016.

Như vậy, nguồn kinh phí thiếu hụt cần phải huy động để phục vụ công tác phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Bến Tre trong giai đoạn 2014-2020 (số kinh phí cần huy động từ các nguồn để đáp ứng tổng nhu cầu - số kinh phí có khả năng huy động được) là: 54.523 triệu đồng, trong đó:

+ Thiếu hụt từ ngân sách nhà nước do Trung ương cấp là 18.781 triệu đồng.

+ Thiếu hụt từ ngân sách nhà nước do địa phương cấp là: 8.256 triệu đồng.

+ Thiếu hụt từ Bảo hiểm y tế: 18.311 triệu đồng.

+ Thiếu hụt từ người dân tự chi trả là 9.175 triệu đồng.

2. Nguyên nhân của sự thiếu hụt tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2014-2020:

2.1. Nhu cầu đầu tư chương trình tăng cao do phải mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động để ứng phó với tình hình dịch đang ngày càng lan rộng và có tính chất phức tạp.

Công tác dự phòng HIV/AIDS và công tác chăm sóc điều trị chiếm phần lớn trong ngân sách (83,5%), các đối tượng nguy cơ cao cần can thiệp và chăm sóc điều trị chiếm số lượng lớn, trong khi nguồn kinh phí sử dụng chủ yếu từ Nhà nước, nguồn bảo hiểm y tế chi trả chưa có (2008-2013), đa số bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS chưa mua bảo hiểm y tế. Nguồn đóng góp của người sử dụng dịch vụ, người nhiễm HIV vẫn chưa có, hiện tại chi phí điều trị ARV và một số thuốc nhiễm trùng cơ hội, xét nghiệm CD4 đều miễn phí.

2.2. Những nguyên nhân khách quan dẫn đến hạn chế các nguồn ngân sách:

Phòng, chống HIV/AIDS là một công tác liên ngành, do đó có rất nhiều cơ quan, tổ chức, các ban ngành, đoàn thể tham gia và được phân bổ, tiếp nhận kinh phí. Công tác phòng, chống HIV/AIDS còn dựa nhiều vào nguồn kinh phí được cấp từ Trung ương, địa phương và nguồn viện trợ từ nước ngoài. Kể từ năm 2013, các viện trợ nước ngoài dần rút đến năm 2015, nguồn kinh phí viện trợ của dự án không còn, làm tăng khó khăn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS từ đó thiếu hụt tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2014-2020 tăng cao. Ngoài ra, nguồn ngân sách nhà nước do Trung ương cấp giảm mạnh, năm 2014 giảm 71% so với năm 2013, tuy nguồn ngân sách địa phương tăng nguồn bổ sung nhưng vẫn thiếu hụt.

IV. KINH NGHIỆM HUY ĐỘNG KINH PHÍ CHO HOẠT ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS CỦA MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG

Việc khống chế dịch HIV/AIDS ở Việt Nam đạt được nhiều thành tựu, ngày càng đến gần hơn với mục tiêu “Ba không” do Liên hợp quốc đề ra (không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử với HIV/AIDS). Tuy nhiên, khi Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS thì phải đối mặt với vấn đề hết sức khó khăn, đó là nguồn tài chính. Từ năm 2013, các khoản tài trợ quốc tế cho phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam sẽ giảm dần và chưa có tín hiệu nối lại sau năm 2015.

Thực hiện các biện pháp nhằm tăng dần tỷ trọng của Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) tham gia chi trả cho các dịch vụ về HIV/AIDS cũng là giải pháp quan trọng. Theo quy định của Luật BHYT, Quỹ BHYT chỉ chi trả chi phí khám, chữa bệnh HIV/AIDS của người có thẻ BHYT như các bệnh khác. Những cái khó là, hiện chưa có số liệu chính thức về những người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT và số liệu người có thẻ BHYT đang điều trị HIV/AIDS. Do đó, trước mắt cần phải thực hiện công tác thống kê, tiến tới đề ra được giải pháp tăng dần tỷ trọng thanh toán của Quỹ BHYT cho công tác phòng, chống HIV/AIDS cũng như lồng ghép Chiến lược phòng, chống HIV/AIDS và các chương trình khác.

Người nhiễm HIV cần tham gia BHYT: Theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia y tế, việc tuân thủ đúng phác đồ là vô cùng quan trọng trong điều trị thuốc ARV và ảnh hưởng trực tiếp tới sự sống còn của chính người bệnh. Nếu người nhiễm HIV đang dùng phác đồ bậc 1 mà ngừng điều trị thì sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc đang sử dụng và buộc phải chuyển sang phác đồ điều trị bậc 2. Khi đó, người bệnh sẽ phải đối mặt với gánh nặng về tác dụng phụ của thuốc, rồi khó khăn lớn về tài chính và cuối cùng là nguy cơ hết phác đồ điều trị (nếu tiếp tục không tuân thủ theo phác đồ bậc 2). Do đó, Bộ Y tế đang nỗ lực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người nhiễm HIV tham gia BHYT, nhằm đảm bảo sau khi sự hỗ trợ giảm mạnh từ các tổ chức quốc tế thì sẽ không tác động nghiêm trọng đến tài chính, cũng như việc duy trì điều trị của các bệnh nhân HIV. Tuy nhiên, điều quan trọng là người nhiễm HIV cần chủ động tham gia BHYT.

Để đạt được mục tiêu này, trước tiên phải tăng tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT và tăng tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT được tiếp cận với dịch vụ khám chữa bệnh theo tuyến chuyên môn kỹ thuật trong điều trị HIV/AIDS do Quỹ BHYT chi trả cho các chi phí thuộc phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT theo quy định của pháp luật về BHYT

Tuy nhiên, dù Nhà nước có gia tăng đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS thì cũng rất cần nhanh chóng phải xã hội hoá hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để huy động nguồn lực của toàn xã hội. Khi chúng ta huy động được toàn xã hội tham gia vào công tác phòng, chống HIV/AIDS thì các mục tiêu đặt ra trong Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS nhất định sẽ đạt được.

Phần III

QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ ĐỊNH HƯỚNG GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM TÀI CHÍNH CHO CÁC HOẠT ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS Ở TỈNH BẾN TRE GIAI ĐOẠN 2014-2020

I. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO CỦA TỈNH VỀ BẢO ĐẢM TÀI CHÍNH CHO CÁC HOẠT ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS GIAI ĐOẠN 2014-2020

Nhà nước bảo đảm đầu tư các nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với diễn biến tình hình dịch HIV/AIDS, khả năng và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời đẩy mạnh xã hội hoá đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS, trong đó tập trung đầu tư cho các hoạt động thiết yếu, mang tính bền vững, lâu dài, có hiệu quả cao bao gồm dự phòng là chủ đạo và chăm sóc, điều trị HIV/AIDS.

Chủ động bố trí ngân sách thích hợp nhằm bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh.

Tiếp tục vận động, kêu gọi và đa dạng hoá các nguồn viện trợ quốc tế, thu hút các nhà tài trợ mới để thu hẹp khoảng trống thiếu hụt về kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Các dự án viện trợ đang triển khai phải có lộ trình chuyển giao cụ thể và bảo đảm tính bền vững sau khi dự án kết thúc.

Tăng cường quản lý, tổ chức, vận hành bộ máy tinh giản và tiết kiệm. Thiết kế, xây dựng, triển khai các mô hình cung cấp dịch vụ, các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo hướng chi phí - hiệu quả.

Phòng, chống HIV/AIDS là một nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, cần có sự phối hợp liên ngành của tất cả các cấp uỷ Đảng, các sở, ngành, chính quyền các cấp và là bổn phận, trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi gia đình và mỗi cộng đồng.

II. MỤC TIÊU CỦA KẾ HOẠCH

1. Mục tiêu chung:

Bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho việc thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Tăng dần tỷ lệ chi tiêu cho phòng, chống HIV/AIDS từ ngân sách nhà nước tại tỉnh. Tiến tới ngân sách nhà nước ở địa phương, đơn vị (bao gồm cả nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước ở Trung ương thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia) bảo đảm được nhu cầu kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh.

- Bảo đảm 80% doanh nghiệp chủ động bố trí kinh phí để triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại doanh nghiệp.

- Bảo đảm 80% số người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế được chi trả theo quy định vào năm 2015 và đạt 100% vào năm 2020.

- Tăng nguồn thu từ một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS để tự cân đối thu - chi cho các hoạt động của các dịch vụ này.

- Bảo đảm quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí huy động được theo các quy định hiện hành.

III. ĐỊNH HƯỚNG CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Nhóm giải pháp về huy động kinh phí:

- Tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước ở địa phương cho các hoạt động thiết yếu, có hiệu quả để bảo đảm tính bền vững của các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

- Tăng tính chủ động của các sở, ngành, đoàn thể trong việc huy động và bố trí kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS thuộc phạm vi quản lý.

- Phát huy vai trò chủ động và trách nhiệm của địa phương trong đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS.

+ Xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách về vai trò, trách nhiệm của tỉnh trong việc lập kế hoạch và phân bổ ngân sách cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

+ Đưa mục tiêu, nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS là một trong những mục tiêu ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tiến tới đưa các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS thành các hoạt động thường xuyên, liên tục trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Huy động sự tham gia đóng góp kinh phí của các doanh nghiệp cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

+ Xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách về vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc lập kế hoạch và phân bổ kinh phí hàng năm cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động của doanh nghiệp.

+ Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc.

+ Rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản có liên quan, như hướng dẫn thu nhập chịu thuế, xây dựng các nội dung chi, mức chi của các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc.

- Tăng cường chi trả các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS bằng nguồn đóng góp của người sử dụng dịch vụ chăm sóc, điều trị HIV/AIDS.

+ Xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS theo hướng đẩy mạnh sự tham gia của BHYT đối với các dịch vụ được cung cấp.

+ Xây dựng kế hoạch thực hiện bảo hiểm y tế tại tỉnh nhằm tăng tính chủ động của tỉnh trong việc mở rộng độ bao phủ của BHYT đối với các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

+ Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, vận động và hỗ trợ người nhiễm HIV tham gia BHYT.

+ Phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể và cơ quan đầu mối phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh chủ động tự thí điểm và mở rộng triển khai tiếp thị xã hội BCS, BKT và các vật tư phòng, chống HIV/AIDS.

+ Đẩy mạnh công tác xã hội hoá Chương trình điều trị Methadone theo Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ, trong đó ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ cho một số đối tượng quy định tại Khoản 2, Điều 23, phân cấp tổ chức chương trình và chủ động bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương và các nguồn khác.

+ Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xử phạt vi phạm hành chính trong công tác phòng, chống HIV/AIDS và có cơ chế sử dụng nguồn thu từ hoạt động này.

2. Nhóm giải pháp quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí:

- Hoàn thiện cơ chế điều phối, phân bổ nhằm kiểm soát hiệu quả nguồn kinh phí huy động được.

+ Đẩy mạnh tính chủ động của tỉnh trong việc điều phối, phân bổ và sử dụng nguồn lực.

+ Tập trung ưu tiên kinh phí phân bổ cho các nhiệm vụ dự phòng và điều trị HIV/AIDS.

+ Tăng cường cơ chế trao đổi thông tin giữa các cơ quan đầu mối về phòng, chống HIV/AIDS, các sở, ngành, các nhà tài trợ và liên tục cập nhật về các lĩnh vực, địa bàn và đối tượng cần ưu tiên can thiệp nhằm chủ động bố trí và điều phối nguồn lực cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

- Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí:

+ Tăng cường vai trò giám sát của Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý mại dâm tỉnh đối với việc thực hiện các giải pháp huy động, quản lý và sử dụng các nguồn tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS.

+ Định kỳ, các cơ quan tài chính và kế hoạch đầu tư phối hợp với cơ quan đầu mối về phòng, chống HIV/AIDS cùng cấp tiến hành kiểm tra, giám sát công tác quản lý tài chính của các chương trình, dự án và của các cơ quan, đơn vị tham gia phòng, chống HIV/AIDS.

- Thực hiện các giải pháp quản lý chương trình nhằm tối ưu hoá hiệu quả sử dụng nguồn lực.

+ Củng cố, kiện toàn bộ máy và nâng cao năng lực các cơ quan đầu mối về phòng, chống HIV/AIDS tại các tuyến nhằm tăng cường điều phối tập trung và có hiệu quả các nguồn kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại các cấp, các ngành.

+ Định kỳ nghiên cứu xác định các ưu tiên trong phòng, chống HIV/AIDS (địa bàn, lĩnh vực, hoạt động, đối tượng) để có sự phân bổ kinh phí hợp lý.

+ Thực hành tiết kiệm chi tiêu trong phòng, chống HIV/AIDS. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hành tiết kiệm chi tiêu trong phòng, chống HIV/AIDS.

+ Rà soát, bổ sung, sửa đổi, xây dựng và ban hành mới các cơ chế, chính sách và các hướng dẫn đưa công tác phòng, chống HIV/AIDS thành nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của các cấp, các ngành, các đoàn thể và được thực hiện bởi các nguồn kinh phí thường xuyên của tỉnh.

+ Thiết lập và mở rộng các mô hình cung cấp dịch vụ có tính chi phí - hiệu quả. Mở rộng các hình thức cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, tạo điều kiện cho người nhiễm HIV được tiếp cận sớm với các dịch vụ này, đặc biệt là người nhiễm HIV có thể tiếp cận sớm với các dịch vụ điều trị và chăm sóc HIV/AIDS.

+ Huy động các tổ chức xã hội, các tổ chức dựa vào cộng đồng tham gia cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS bằng nguồn kinh phí tự huy động được (từ các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, các nhà tài trợ khác).

+ Lồng ghép các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vào các hệ thống, thiết chế kinh tế - xã hội hiện có, đặc biệt là hệ thống y tế và các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, các phong trào, các cuộc vận động quần chúng của tỉnh.

3. Nhóm giải pháp về nâng cao năng lực quản lý chương trình nhằm tối ưu hoá hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí:

- Tăng cường năng lực tổ chức, điều hành và phân tích chính sách.

+ Giao ban định kỳ nhằm cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức điều hành, quản lý hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho Thành viên Ban Chỉ đạo.

+ Tổ chức cho các Thành viên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động và sử dụng nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS tại các tuyến theo ngành dọc.

+ Tập huấn nâng cao năng lực tham mưu, tổ chức, điều hành và phân tích chính sách cho các cơ quan, cán bộ trực tiếp giúp việc cho Ban Chỉ đạo các cấp.

- Tăng cường năng lực đảm bảo nguồn tài chính cho việc thực hiện mục tiêu chiến lược.

+ Tổ chức hội nghị và hội thảo chuyên đề về nhu cầu nguồn lực tổng thể cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS thuộc phạm vi quản lý và đề xuất giải pháp huy động nguồn lực tài chính.

+ Tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn, lớp tập huấn chuyên về năng lực lập kế hoạch, xác định nhu cầu nguồn lực dựa vào bằng chứng, năng lực huy động và sử dụng hiệu quả nguồn tài chính.

+ Hội thảo/hội nghị chuyên đề về huy động nguồn lực từ các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức tôn giáo và nhân dân để đảm bảo nguồn lực thực hiện chiến lược.

+ Tập huấn cho các cơ sở cung cấp dịch vụ liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS về các chính sách bảo hiểm y tế cho người nhiễm, truyền thông cho người nhiễm tham gia bảo hiểm y tế.

- Hoàn thiện quy trình quyết toán, giám sát hỗ trợ quá trình quyết toán kinh phí tại các đơn vị.

Phần IV

CÁC HOẠT ĐỘNG ĐỂ THỰC HIỆN MỤC TIÊU KẾ HOẠCH

I. MỤC TIÊU 1: Tăng dần tỷ lệ chi tiêu cho phòng, chống HIV/AIDS từ ngân sách nhà nước tại tỉnh. Tiến tới ngân sách nhà nước ở địa phương, đơn vị bảo đảm được nhu cầu kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh.

Hoạt động 1.1: Hội nghị và hội thảo chuyên đề về nhu cầu nguồn lực tổng thể cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS thuộc phạm vi quản lý và đề xuất giải pháp huy động nguồn lực tài chính.

- Nội dung: Xây dựng chương trình quản lý, các giải pháp huy động nguồn lực tài chính phục vụ công tác phòng, chống HIV/AIDS cho tỉnh Bến Tre.

- Đầu ra: Tạo sự thống nhất, đồng thuận trong Ban Chỉ đạo, các sở, ban ngành, đoàn thể.

- Thời gian: Năm 2014.

- Đơn vị đầu mối: Sở Y tế, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Bến Tre.

Hoạt động 1.2: Hội thảo/hội nghị chuyên đề về huy động nguồn lực từ các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức tôn giáo và nhân dân để đảm bảo nguồn lực thực hiện chiến lược.

- Nội dung: Huy động nguồn ngân sách phục vụ chương trình phòng, chống HIV/AIDS.

- Đầu ra: Tăng tính chủ động về nguồn kinh phí, tạo sự thống nhất, đồng thuận của các tổ chức, huy động được nguồn kinh phí phục vụ chương trình phòng, chống HIV/AIDS.

- Thời gian: Năm 2014.

- Đơn vị đầu mối: UBND tỉnh Bến Tre, Sở Y tế, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS.

II. MỤC TIÊU 2: Bảo đảm 80% số người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế được chi trả theo quy định vào năm 2015 và đạt 100% vào năm 2020.

Hoạt động 2.1: Lồng ghép vào chương trình tư vấn, điều trị, khuyến khích người nhiễm HIV mua bảo hiểm y tế.

- Nội dung: Tập huấn cho các cơ sở cung cấp dịch vụ liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS về các chính sách bảo hiểm y tế cho người nhiễm, truyền thông cho người nhiễm tham gia bảo hiểm y tế.

Chuyển dần nguồn kinh phí điều trị người nhiễm HIV/AIDS từ các chương trình, dự án sang kinh phí từ Quỹ Bảo hiểm y tế.

- Đầu ra: Đạt 80% người nhiễm có BHYT vào năm 2015 và 100% vào năm 2020.

- Thời gian hoàn thành: Năm 2015.

- Đơn vị đầu mối: Các cơ sở cung cấp dịch vụ liên quan đến công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.

III. MỤC TIÊU 3: Bảo đảm 80% doanh nghiệp chủ động bố trí kinh phí để triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại doanh nghiệp.

Hoạt động 3.1: Vận động tuyên truyền cho các doanh nghiệp chủ động thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

- Nội dung: Hội thảo/hội nghị chuyên đề về huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, đảm bảo nguồn lực thực hiện chiến lược.

- Đầu ra: Đạt 80% doanh nghiệp tại địa phương chủ động bố trí kinh phí để triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

- Thời gian hoàn thành: Năm 2020.

- Đơn vị đầu mối: Các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đang kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

IV. MỤC TIÊU 4: Tăng nguồn thu từ một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS để tự cân đối thu - chi cho các hoạt động của các dịch vụ này.

Hoạt động 4.1: Đẩy mạnh công tác xã hội hoá chương trình điều trị Methadone theo Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ.

- Nội dung: Ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ cho một số đối tượng quy định tại Khoản 2, Điều 23, phân cấp tổ chức chương trình và chủ động bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương và các nguồn khác.

- Đầu ra: Tỷ lệ điều trị Methadone đạt 35% năm 2014 đến 90% năm 2020 cho các đối tượng đủ tiêu chuẩn tại tỉnh Bến Tre.

- Thời gian triển khai: Năm 2014.

- Đơn vị đầu mối: Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Bến Tre.

Hoạt động 4.2: Xã hội hoá chương trình BCS và chương trình BKT.

- Nội dung: Từng bước chuyển đổi từ cung cấp miễn phí, đến trợ giá và tiếp thị xã hội các sản phẩm BCS và BKT.

- Đầu ra: Tỷ lệ BCS và BKT được tiếp thị xã hội ngày càng tăng.

- Thời gian triển khai: Năm 2014.

- Đơn vị đầu mối: Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS, các cơ sở y tế, các cơ sở, dịch vụ nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh.

V. MỤC TIÊU 5: Bảo đảm quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí huy động được theo các quy định hiện hành.

Hoạt động 5.1: Đào tạo, tập huấn chuyên môn cho các cán bộ thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Bến Tre.

- Nội dung: Tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn, lớp tập huấn chuyên về năng lực lập kế hoạch, xác định nhu cầu nguồn lực dựa vào bằng chứng, năng lực huy động và sử dụng hiệu quả nguồn tài chính.

- Đầu ra: Đảm bảo tất cả các cán bộ được tăng cường năng lực, xây dựng kế hoạch và sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí.

- Thời gian triển khai: Năm 2014.

- Đơn vị đầu mối: Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Bến Tre.

Hoạt động 5.2: Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí.

- Nội dung: Tăng cường vai trò giám sát của Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý mại dâm tỉnh đối với việc thực hiện các giải pháp huy động, quản lý và sử dụng các nguồn tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS.

- Đầu ra: Đảm bảo quy trình hoạt động và sử dụng kinh phí được thực hiện theo đúng quy định.

- Thời gian: 2014-2020.

- Đơn vị đầu mối: Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS.

Phần V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH

I. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC NGÀNH, CÁC CẤP

1. Sở Y tế:

- Chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi và giám sát việc triển khai thực hiện Đề án; định kỳ tổng hợp báo cáo Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh tình hình triển khai và kết quả thực hiện Đề án.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan nghiên cứu, xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện Đề án này.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các sở, ngành có liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp huy động tài chính cụ thể cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, bao gồm cả việc huy động các nguồn viện trợ mới.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành là thành viên của Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm và các cơ quan liên quan tổ chức triển khai các nội dung của đề Án trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

- Theo dõi, giám sát, đánh giá, kiểm tra tình hình thực hiện Đề án của các sở, ngành, đoàn thể tại tỉnh.

2. Sở Tài chính:

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng các cơ chế, chính sách để tổ chức triển khai Đề án trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế đề xuất tổng dự toán ngân sách nhà nước hằng năm cho phòng, chống HIV/AIDS trình Hội đồng nhân dân theo lộ trình tăng dần qua các năm để bảo đảm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng định mức chi tiêu cho phòng, chống HIV/AIDS; mức phí thu và sử dụng phí thu được từ một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất tình hình huy động và sử dụng kinh phí phòng, chống HIV/AIDS của các sở, ngành, đoàn thể và các địa phương, bảo đảm đúng mục tiêu, nhiệm vụ, sử dụng có hiệu quả kinh phí và tuân thủ các quy định tài chính, kế toán hiện hành.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường, huy động vốn đầu tư phát triển cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và thực hiện việc phân bố, điều phối các nguồn đầu tư cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo đúng các quy định hiện hành.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Y tế phân bổ vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước hàng năm để thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan hướng dẫn chi tiết thực hiện Điều 19 Nghị định số 108/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về lồng ghép hoạt động phòng, chống HIV/AIDS với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.

4. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bến Tre:

- Chủ trì phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành có liên quan triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, vận động tài trợ quốc tế cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, đồng thời hướng dẫn các sở, ngành, triển khai các hoạt động này.

5. Sở Thông tin và Truyền thông:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, các sở, ngành liên quan và các địa phương xây dựng cơ chế, giải pháp cụ thể huy động tài chính cho công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về HIV/AIDS trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông tin tuyên truyền ở cơ sở theo thẩm quyền.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin, báo chí trong tỉnh thực hiện thông tin, truyền thông về HIV/AIDS như một hoạt động thường xuyên, liên tục của cơ quan, đơn vị và bằng nguồn ngân sách hằng năm của các cơ quan, đơn vị này.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách tài chính, chi tiêu cho truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trên phương tiện truyền thông đại chúng bằng các nguồn kinh phí thường xuyên của cơ quan, đơn vị truyền thông.

- Phối hợp với Sở Tài chính xây dựng cơ chế sử dụng nguồn kinh phí xã hội hoá trong hoạt động tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2013-2020.

6. Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Chỉ đạo hướng dẫn xây dựng kế hoạch huy động nguồn kinh phí triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong trường học và sử dụng có hiệu quả kinh phí phòng, chống HIV/AIDS huy động được.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách tài chính, chi tiêu cho phòng, chống HIV/AIDS trong các nhà trường bằng nguồn kinh phí thường xuyên của các nhà trường theo thẩm quyền.

7. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngành liên quan tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện chính sách tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma tuý, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương theo quy định tại Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg ngày 26 táng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị tạo điều kiện để người nhiễm HIV/AIDS và người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tiếp cận được các chính sách xã hội hiện hành dành cho những người yếu thế, những người dễ bị tổn thương.

8. Bảo hiểm xã hội tỉnh:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn các cơ quan trực thuộc thực hiện chi trả một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS qua hệ thống bảo hiểm y tế.

- Đẩy mạnh và mở rộng việc cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh đối với người nhiễm HIV/AIDS thông qua hệ thống bảo hiểm y tế.

- Phối hợp với Sở Y tế để rà soát, đề xuất sửa đổi một số điều, khoản của Luật Bảo hiểm y tế nhằm mở rộng việc chi trả điều trị HIV/AIDS và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

9. Các sở, ngành, cơ quan khác của tỉnh:

- Chịu trách nhiệm sử dụng kinh phí phòng, chống HIV/AIDS đúng mục đích, có hiệu quả, thanh quyết toán theo đúng quy định hiện hành.

- Ngoài nguồn kinh phí được giao, chủ động huy động nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật để bổ sung nguồn tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS. Báo cáo mức huy động kinh phí bổ sung về Sở Y tế để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

- Có cơ chế, chính sách, quy định đưa hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo quy định của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) vào kế hoạch công tác, bao gồm kế hoạch kinh phí thường xuyên của sở, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị.

10. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong tỉnh:

- Chủ động tham gia triển khai thực hiện Đề án này theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi hoạt động của mình.

- Phối hợp với ngành Y tế và các ngành có liên quan khác ở cùng cấp tăng cường huy động các tổ chức xã hội, tổ chức dựa vào cộng đồng tham gia hoạt động phòng, chống HIV/AIDS bằng nguồn kinh phí tự huy động được.

- Triển khai rộng khắp phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”. Đưa hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vào các phong trào, các cuộc vận động quần chúng, các sinh hoạt cộng đồng ở cơ sở.

11. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Chỉ đạo lồng ghép, phối hợp và điều hành thực hiện các mục tiêu, giải pháp của Đề án này với các chương trình, dự án khác trên địa bàn do địa phương trực tiếp quản lý.

- Chịu trách nhiệm về việc sử dụng kinh phí hiệu quả, không để thất thoát, thực hiện thanh toán, quyết toán theo quy định về tài chính hiện hành.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án trên địa bàn huyện, thành phố.

- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ (sáu tháng, hằng năm) với Hội đồng nhân dân và Sở Y tế để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh tình hình thực hiện Đề án này.

II. KINH PHÍ THỰC HIỆN CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA KẾ HOẠCH

1. Nguồn kinh phí:

Kinh phí thực hiện các hoạt động triển khai thực hiện Kế hoạch này được sử dụng từ nguồn:

- Chương trình Mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS.

- Ngân sách chi thường xuyên của các đơn vị.

- Nguồn viện trợ và các nguồn hợp pháp khác.

2. Sử dụng kinh phí:

Các đơn vị được phân công lập kế hoạch thực hiện nhiệm vụ/hoạt động và dự toán ngân sách cần thiết gửi về Sở Y tế để tổng hợp và phối hợp với Sở Tài chính thống nhất trình lãnh đạo UBND tỉnh phê duyệt theo các quy định hiện hành./.

 

 

CHỦ TỊCH




Võ Thành Hạo

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 2924/KH-UBND năm 2014 thực hiện Đề án Bảo đảm tài chính cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Bến Tre giai đoạn 2014-2020

  • Số hiệu: 2924/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 24/06/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
  • Người ký: Võ Thành Hạo
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/06/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản