Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2860/KH-UBND

Bến Tre, ngày 23 tháng 6 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TẠI MỘT SỐ ĐỊA BÀN TRỌNG ĐIỂM VỀ VI PHẠM PHÁP LUẬT GIAI ĐOẠN 2013-2016” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE

Thực hiện Quyết định số 1133/QĐ-TTg ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện các Đề án tại Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 09 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày 19 tháng 4 năm 2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá XI), Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật giai đoạn 2013-2016” (sau đây gọi là Đề án) trên địa bàn tỉnh Bến Tre như sau:

I. MỤC TIÊU VÀ PHẠM VI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu:

a) Mục tiêu chung:

Nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chấp hành pháp luật trong các lĩnh vực đất đai, môi trường, an toàn giao thông, hình sự, tệ nạn xã hội, từng bước giảm số vụ việc và người vi phạm pháp luật, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn trọng điểm. Tăng cường, nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức thuộc hệ thống chính quyền, đoàn thể cơ sở và người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hoà giải cơ sở ở các địa bàn trọng điểm trong phạm vi Đề án nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Phấn đấu đến năm 2016, 70% nhân dân tại địa bàn trọng điểm được phổ biến, hướng dẫn thực hiện quy định pháp luật gắn trực tiếp đến cuộc sống của người dân, trong đó tập trung vào những nội dung pháp luật liên quan đến tình hình vi phạm pháp luật, phù hợp đặc thù ở từng địa bàn.

- Phấn đấu 100% cán bộ, công chức thuộc hệ thống chính quyền, đoàn thể cơ sở và những người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hoà giải ở cơ sở tại địa bàn trọng điểm được trang bị kiến thức pháp luật và kỹ năng, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật về các lĩnh vực pháp luật liên quan.

- Phấn đấu kiềm chế và làm giảm từ 10% đến 15% số người vi phạm pháp luật và số vụ việc vi phạm pháp luật tại địa bàn trọng điểm.

- Xây dựng được mô hình chỉ đạo điểm về tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật, hạn chế vi phạm pháp luật tại các xã có nhiều vi phạm pháp luật theo từng lĩnh vực để rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng.

2. Phạm vi và đối tượng thực hiện của Đề án:

a) Phạm vi:

- Địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật được Đề án xác định là đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã).

- Trên cơ sở theo dõi diễn biến tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật, những vấn đề phức tạp nổi lên về trật tự, an toàn xã hội trong những năm gần đây, chọn địa bàn trọng điểm chỉ đạo điểm như sau:

+ Chỉ đạo điểm cấp tỉnh: Chọn xã An Thuỷ, huyện Ba Tri và xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm chỉ đạo điểm.

+ Chỉ đạo điểm cấp huyện: 07 huyện, thành phố còn lại lựa chọn, triển khai chỉ đạo điểm 01 địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật.

- Các lĩnh vực pháp luật Đề án xác định tập trung thực hiện phổ biến, giáo dục tại địa bàn trọng điểm gồm: Quản lý, sử dụng đất đai; môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước và an toàn thực phẩm (gọi chung là môi trường); hình sự, ma tuý và các tệ nạn xã hội khác; trật tự, an toàn giao thông.

b) Đối tượng:

- Nhân dân tại địa bàn trọng điểm.

- Các đối tượng đã có tiền án, tiền sự hoặc có nguy cơ phạm tội cao, trọng tâm là các đối tượng nằm trong diện quản lý nghiệp vụ của lực lượng Công an; đối tượng có trình độ nhận thức và văn hoá hạn chế; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng trên địa bàn trọng điểm.

- Cán bộ, công chức thuộc hệ thống chính quyền, đoàn thể cơ sở và người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hoà giải viên ở các địa bàn trọng điểm.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Khảo sát, đánh giá thực trạng, nhu cầu công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại các địa bàn trọng điểm:

- Xây dựng kế hoạch, xác định hình thức khảo sát cụ thể và tổ chức khảo sát tại các địa bàn.

- Xác định đối tượng, nội dung, hình thức cần tập trung ưu tiên triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp ở từng địa bàn trọng điểm.

2. Tổ chức các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân ở các địa bàn trọng điểm thuộc phạm vi của Đề án:

a) Tổ chức phổ biến pháp luật trực tiếp thông qua các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, các buổi trợ giúp pháp lý lưu động, các cuộc họp tại ấp, khu phố, khu dân cư tại cơ sở.

b) Biên soạn, in ấn, phát hành đề cương, tài liệu hỏi đáp các văn bản pháp luật về một số lĩnh vực cụ thể; tờ gấp pháp luật và băng cát xét, đĩa DVD tiểu phẩm pháp luật.

c) Tổ chức thi tìm hiểu pháp luật; lồng ghép nội dung pháp luật vào sinh hoạt văn hoá, lễ hội dân tộc và các hoạt động khác phù hợp với phong tục, tập quán của địa phương;

d) Thực hiện các chuyên mục, chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh cấp huyện, cấp xã, loa truyền thanh cơ sở.

đ) Tổ chức các chiến dịch, Tuần lễ pháp luật, Tháng hành động pháp luật, phong trào ra quân thực hiện pháp luật...

e) Phát hiện, biểu dương, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến trong việc chấp hành và thực hiện pháp luật tại địa bàn dân cư nơi cư trú.

g) Các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật khác phù hợp, có hiệu quả với địa bàn, địa phương.

3. Chỉ đạo điểm về tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo lĩnh vực tại một số địa bàn trọng điểm được lựa chọn:

a) Triển khai xây dựng mô hình chỉ đạo điểm về tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hạn chế vi phạm pháp luật tại địa bàn trọng điểm vi phạm pháp luật đã chọn với các hình thức:

- Tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý lưu động, tư vấn trực tiếp cho nhân dân để giải đáp vướng mắc pháp luật về đất đai góp phần giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn về đất đai trong cộng đồng dân cư.

- Tổ chức các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật về môi trường bằng các hình thức như: Phát động Tháng hành động vì môi trường; phát động phong trào vì môi trường xanh - sạch - đẹp; hưởng ứng Tháng hành động vì vệ sinh an toàn thực phẩm; làm điểm về chấp hành nghiêm pháp luật về môi trường tại một số làng nghề, khu vực sản xuất, kinh doanh tập trung; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật về môi trường.

- Tổ chức tuyên truyền trực tiếp các quy định pháp luật về an toàn giao thông; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật; treo băng rôn, khẩu hiệu, tranh ảnh cổ động, triển lãm hình ảnh liên quan đến lĩnh vực trật tự an toàn giao thông.

- Tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật trực tiếp cho nhân dân và các đối tượng vi phạm pháp luật về hình sự, ma tuý và các tệ nạn xã hội khác; tổ chức phiên toà xét xử lưu động tại địa bàn trọng điểm; tuyên truyền pháp luật thông qua hoạt động của các nhóm đồng đẳng, tình nguyện viên trong cộng đồng; thiết lập đường dây nóng, hòm thư tố giác tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật; góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư.

b) Tổ chức các cuộc giao lưu, giới thiệu, phổ biến các mô hình, sáng kiến hay về phổ biến, giáo dục pháp luật, hạn chế vi phạm pháp luật trong quá trình tiến hành chỉ đạo điểm.

c) Đánh giá kết quả chỉ đạo điểm, rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình ra các địa bàn có đặc điểm, điều kiện và tình hình vi phạm pháp luật tương tự.

4. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền, đoàn thể ở cơ sở; người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hoà giải viên tại địa bàn trọng điểm:

a) Định kỳ tổ chức các lớp tập huấn; các khoá bồi dưỡng về kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, hoà giải ở cơ sở cho cán bộ chính quyền, đoàn thể, Hội viên Hội Luật gia tham gia công tác hoà giải và đội ngũ những người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hoà giải viên ở các xã thuộc địa bàn trọng điểm.

b) Xây dựng, phát hành, cung cấp các tài liệu pháp luật, tài liệu nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cần thiết hỗ trợ, phục vụ việc triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa bàn trọng điểm.

c) Tổ chức toạ đàm, giao lưu, tham khảo kinh nghiệm giữa các cán bộ chính quyền, đoàn thể ở cơ sở, học tập kinh nghiệm của tỉnh khác trong thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hạn chế vi phạm pháp luật ở địa bàn trọng điểm nói riêng và nhân dân nói chung.

5. Huy động hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp đóng trên địa bàn trọng điểm tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật; phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật ở địa bàn:

a) Xây dựng mới hoặc huy động các nhóm nòng cốt, các tổ chức tự quản, các mô hình đã có ở cộng đồng dân cư tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật; phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật ở địa bàn; chú trọng vai trò của các tuyên truyền viên pháp luật, hoà giải viên, cán bộ của các tổ chức đoàn thể.

b) Hướng dẫn, khuyến khích doanh nghiệp đóng trên địa bàn tự tổ chức các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp; hạn chế, chấm dứt các vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

c) Hướng dẫn, khuyến khích cộng đồng dân cư xây dựng và thực hiện tốt hương ước, quy ước trong đó có tiêu chí không vi phạm pháp luật.

d) Xác định cơ chế phối hợp giữa chính quyền và các đoàn thể; giao trách nhiệm cụ thể để phát huy vai trò của chính quyền cơ sở, đoàn thể xã hội và mỗi người dân trong việc tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật, chấp hành pháp luật, ngăn ngừa và hạn chế vi phạm pháp luật tại mỗi khu dân cư nói riêng và địa bàn trọng điểm nói chung.

6. Tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án:

- Thực hiện kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Đề án 6 tháng và hằng năm.

- Sơ kết việc thực hiện Đề án theo từng giai đoạn cụ thể làm cơ sở định hướng tiếp tục triển khai thực hiện Đề án trong những năm tiếp theo; tiến hành tổng kết cả giai đoạn thực hiện Đề án.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phân công trách nhiệm:

a) Sở Tư pháp:

- Hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án, xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án hằng năm và cả giai đoạn.

- Chủ trì tổ chức thực hiện nhiệm vụ khảo sát, chỉ đạo điểm hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật tại 02 địa bàn trọng điểm tỉnh chọn làm điểm.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, địa phương liên quan tổ chức triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai; môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước và an toàn thực phẩm; hình sự, ma tuý và các tệ nạn xã hội khác; trật tự, an toàn giao thông tại 02 địa bàn trọng điểm tỉnh chọn làm điểm.

- Tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án theo từng giai đoạn; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch về Uỷ ban nhân dân tỉnh.

b) Sở Tài chính:

Đảm bảo cấp ngân sách hằng năm để thực hiện Đề án theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

c) Công an tỉnh:

- Phối hợp Sở Tư pháp xác định các địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh để tổ chức triển khai hoạt động của Đề án;

- Chỉ đạo Công an các huyện, thành phố phối hợp với Phòng Tư pháp các huyện, thành phố xác định địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật triển khai Đề án ở cấp huyện.

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của Ngành tổ chức triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật tại các địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật; phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện nội dung Kế hoạch này.

- Định kỳ 06 tháng và hằng năm báo cáo kết quả thực hiện Đề án về Uỷ ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tư pháp) để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

d) Các sở, ban, ngành tỉnh:

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực phụ trách liên quan có trách nhiệm tổ chức triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật; phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, nhân dân tại các địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật.

- Định kỳ 06 tháng và hằng năm báo cáo kết quả thực hiện Đề án về Uỷ ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tư pháp) để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

đ) Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho đoàn viên, hội viên và nhân dân tại các địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật.

- Tăng cường phối hợp và huy động nguồn lực tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, nhân dân tại các địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật chấp hành nghiêm pháp luật.

- Định kỳ 06 tháng và hằng năm báo cáo kết quả thực hiện Đề án về Uỷ ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tư pháp) để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

e) Đề nghị Toà án nhân dân tỉnh:

Phối hợp thực hiện và chỉ đạo, hướng dẫn Toà án nhân dân cấp huyện thực hiện xét xử lưu động các vụ án điểm tại địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật, nhất là các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, các vụ án được dư luận xã hội quan tâm.

g) Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án; bảo đảm kinh phí thực hiện Đề án tại địa phương.

- Chỉ đạo Phòng Tư pháp phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện, thành phố triển khai thực hiện nội dung, biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, nhân dân tại các địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật, bồi dưỡng nguồn nhân lực tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương.

- Định kỳ 06 tháng và hằng năm báo cáo kết quả thực hiện Đề án về Uỷ ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tư pháp) để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Tiến độ thực hiện Đề án:

Việc thực hiện Đề án được chia làm 2 giai đoạn cụ thể như sau:

a) Giai đoạn I (năm 2014):

- Xây dựng, ban hành văn bản phục vụ cho việc quản lý, điều hành và thực hiện Đề án; tổ chức khảo sát, đánh giá, lựa chọn địa bàn trọng điểm và tổ chức triển khai các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức các nội dung của Đề án; kiểm tra việc thực hiện Đề án, tổ chức sơ kết thực hiện chỉ đạo điểm, xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án từ năm 2015 đến 2016.

b) Giai đoạn II (năm 2015 đến hết năm 2016):

Nhân rộng chỉ đạo điểm phổ biến, giáo dục pháp luật; tiếp tục triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật đối với các địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật; đánh giá tổng kết, nhân rộng các mô hình điểm hiệu quả; tổ chức kiểm tra việc thực hiện Đề án; tổng kết đánh giá việc thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh.

3. Kinh phí triển khai thực hiện:

- Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí phục vụ việc triển khai Kế hoạch thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính - Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.

- Các sở, ban, ngành, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh; Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động dự toán kinh phí triển khai thực hiện Đề án hằng năm tổng hợp vào dự toán chi của cơ quan, đơn vị, địa phương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật giai đoạn 2013-2016” trên địa bàn tỉnh Bến Tre./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Võ Thành Hạo

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 2860/KH-UBND năm 2014 thực hiện Đề án Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật giai đoạn 2013-2016 trên địa bàn tỉnh Bến Tre

  • Số hiệu: 2860/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 23/06/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
  • Người ký: Võ Thành Hạo
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản