Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2827/KH-BVHTTDL | Hà Nội, ngày 08 tháng 07 năm 2024 |
THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC ĐẾN NĂM 2030 CỦA BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
Thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030 kèm theo Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 11/10/2023 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Chiến lược), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược với các nội dung sau đây:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược;
b) Nâng cao hơn nữa trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ trong việc chỉ đạo, điều hành, triển khai công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (sau đây gọi tắt là PCTNTC) tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
2. Yêu cầu
a) Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược gắn với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
b) Phân công trách nhiệm cụ thể trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp PCTNTC đến năm 2030.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Thực hiện có hiệu quả các biện pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực; xây dựng cơ quan, đơn vị dân chủ, kỷ cương, liêm chính; giữ vững ổn định nội bộ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước của Bộ.
2. Mục tiêu cụ thể
- Kịp thời phát hiện, khắc phục những sơ hở, bất cập trong việc ban hành chính sách, pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch, nhất là những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
- Xây dựng tổ chức bộ máy cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chuyên nghiệp, kỷ cương, liêm chính.
- Tăng cường thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát do hành vi tham nhũng, tiêu cực gây ra.
- Phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông và các thiết chế văn hóa, nghệ thuật trong PCTNTC, giáo dục đạo đức liêm chính.
III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
1. Hoàn thiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ và PCTNTC
a) Chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành quy định pháp luật về quản lý văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch, tập trung vào các lĩnh vực, hoạt động liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.
b) Tích cực tham gia ý kiến về xây dựng chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực khi có đề nghị phối hợp của các bộ, ngành.
b) Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong quá trình ban hành, sửa đổi, bổ sung, thu hồi, đình chỉ, gia hạn, bãi bỏ, tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật, quyết định hành chính.
c) Khắc phục triệt để những hạn chế, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật được phát hiện, chỉ ra qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.
d) Rà soát, cụ thể hóa quy định trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ trong tổ chức thực hiện các biện pháp PCTNTC tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp do mình quản lý, phụ trách.
2. Kiện toàn tổ chức bộ máy, hoàn thiện chế độ công vụ, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức liêm chính, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật
a) Rà soát, tinh gọn bộ máy các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, quy định cụ thể, rõ ràng, khoa học chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị; trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, các cơ quan, đơn vị phân công cụ thể đến các phòng, ban, tổ chức trực thuộc đảm bảo minh bạch, trách nhiệm cao; có cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát hiệu quả, trong đó tăng cường và nâng cao chất lượng công tác thanh tra nội bộ.
b) Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, kỷ cương, liêm chính, đủ năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ:
- Thực hiện nghiêm, nhất quán Đảng lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ.
- Xây dựng quy hoạch cán bộ, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ theo hướng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cơ bản, lâu dài, có tính đến nhu cầu và khả năng phát triển.
- Thực hiện tốt chế độ quản lý cán bộ, nhất là quản lý chất lượng chính trị; bảo vệ vững chắc chính trị nội bộ.
- Đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn.
c) Thực hiện tốt cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị.
d) Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật gắn với việc kiểm soát chặt chẽ quyền lực nhà nước, kiểm soát xung đột lợi ích, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong PCTNTC.
đ) Triển khai kịp thời các chính sách tiền lương đối với công chức, viên chức, chế độ công vụ của Đảng và Nhà nước; các cơ quan, đơn vị xây dựng, triển khai thực hiện các phương án phù hợp với quy định của pháp luật nhằm tăng thu, tiết kiệm chi đảm bảo cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có thu nhập hợp lý, ổn định cuộc sống, yên tâm công tác; tăng cường kiểm soát việc thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.
e) Tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với người vi phạm trong việc thực thi nhiệm vụ, công vụ, đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Kiên quyết đưa ra khỏi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, không hoàn thành nhiệm vụ, công vụ.
g) Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; tham gia vào việc xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống Chính phủ điện tử, Chính phủ số (số hóa, chuẩn hóa dữ liệu hiện có của các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch nhằm hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành); tiếp tục xây dựng, phát triển các hệ thống nền tảng (Nền tảng bảo tàng số; Nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch) theo các kế hoạch của Bộ; tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào hoạt động quản lý văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch theo hướng công khai, minh bạch, thân thiện, dễ tiếp cận, dễ thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý.
h) Tăng cường minh bạch tài chính và thanh toán không dùng tiền mặt.
i) Đẩy mạnh công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định của pháp luật, nhất là trong các lĩnh vực, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực: công tác cán bộ; quản lý tài chính, ngân sách, tài sản công, đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đấu giá, cấp giấy phép đối với các hoạt động liên quan đến văn hóa, thể thao, du lịch,...; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia vào quy trình ra quyết định và giám sát hoạt động của các cơ quan.
3. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra
a) Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quy trình nghiệp vụ của hoạt động thanh tra chuyên ngành về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ VHTTDL đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, không chồng chéo với các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
b) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, có phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo, nội bộ mất đoàn kết, dư luận xã hội quan tâm.
c) Tăng cường chế độ trách nhiệm, đẩy mạnh PCTNTC trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị có chức năng PCTNTC, nhất là các cơ quan, đơn vị chuyên trách.
d) Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ làm công tác PCTNTC; đảm bảo các chính sách đãi ngộ theo quy định cho những người làm công tác PCTNTC yên tâm công tác, vững vàng trong thực hiện nhiệm vụ.
đ) Phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc thực hiện các quy định về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát do tham nhũng, tiêu cực; tham gia xây dựng, khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng, hành vi tẩu tán tài sản theo quy định.
e) Thực hiện chuyển đổi số và đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong các hoạt động kiểm tra, thanh tra.
g) Tăng cường sự phối hợp với các cơ quan kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực và thu hồi tài sản.
4. Nâng cao nhận thức, phát huy vai trò và trách nhiệm của xã hội trong PCTNTC
a) Đổi mới, nâng cao hiệu quả các phương thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTNTC; đưa nội dung PCTNTC vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức và trong trường học; tăng cường phương thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTNTC, đạo đức liêm chính thông qua hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
b) Cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về công tác PCTNTC, những vụ việc tham nhũng, tiêu cực cho cơ quan báo chí để tuyên truyền kết quả PCTNTC; phát hiện và nhân rộng nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, sáng kiến, cách làm hay trong PCTNTC.
c) Tăng cường vai trò, trách nhiệm giám sát của các tổ chức đoàn thể, các đơn vị báo chí thuộc Bộ, các hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề hoạt động trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ trong quá trình xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật về PCTNTC; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động hội viên, đoàn viên, Nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật về PCTNTC.
d) Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ thực hiện việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết phản ánh, báo cáo, tố cáo về hành vi tham nhũng, tiêu cực và công tác PCTNTC theo đúng quy định pháp luật. Khen thưởng hoặc đề xuất khen thưởng, bảo vệ người phản ánh, báo cáo, tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực và xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm cá nhân cố ý phản ánh, báo cáo, tố cáo sai sự thật để vu khống, gây rối, làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể, cá nhân.
đ) Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ; xây dựng, thực hiện văn hóa liêm chính trong kinh doanh, phối hợp chặt chẽ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời hành vi tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong khu vực ngoài nhà nước và các hành vi nhũng nhiễu, đòi hối lộ của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Bộ.
5. Tích cực tham gia, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về PCTNTC trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ
Tăng cường hợp tác quốc tế về PCTNTC, nhất là trong phối hợp, chia sẻ thông tin, trong ký kết hợp đồng, thỏa thuận với đối tác nước ngoài thực hiện các biện pháp ngăn chặn PCTNTC.
IV. LỘ TRÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH
1. Giai đoạn thứ nhất (từ năm 2023 đến năm 2026)
a) Tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, khắc phục những sơ hở bất cập của pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao, du lịch, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chú trọng nâng cao năng lực, hiệu quả trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
b) Phối hợp tham gia thực hiện các nhiệm vụ cụ thể trong Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030 và Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng giai đoạn 2023-2026 theo đề nghị của các cơ quan có liên quan. Tổ chức sơ kết, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch này vào năm 2026 theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC.
2. Giai đoạn thứ hai (từ năm 2026 đến năm 2030)
a) Phát huy những kết quả đã đạt được trong giai đoạn thứ nhất. Trên cơ sở sơ kết, căn cứ yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tình hình thực tiễn để xây dựng Kế hoạch cụ thể thực hiện Chiến lược giai đoạn 2026 - 2030 và đẩy mạnh thực hiện toàn diện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược.
b) Tiến hành tổng kết việc thực hiện Kế hoạch này theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và Kế hoạch này xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể hằng năm để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên.
2. Phân công nhiệm vụ cụ thể:
a) Các Cục, Vụ quản lý nhà nước chuyên ngành và Thanh tra Bộ trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động rà soát, đề xuất tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại mục 1 Phần III Kế hoạch này.
Vụ Pháp chế phối hợp với các Cục, Vụ quản lý nhà nước chuyên ngành và Thanh tra Bộ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại mục 1 Phần III Kế hoạch này.
b) Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại các điểm a, b, c, d, đ, e mục 2 và điểm a mục 4 Phần III Kế hoạch này.
c) Văn phòng Bộ, Trung tâm Công nghệ thông tin tham mưu tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại điểm g mục 2 Phần III Kế hoạch này.
d) Thanh tra Bộ tham mưu tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại mục 3 Phần III Kế hoạch này.
đ) Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch, Tài chính và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ tại điểm h, i mục 2 Phần III Kế hoạch này theo quy định pháp luật về trách nhiệm của từng cấp quản lý và phân cấp của Bộ.
e) Vụ Đào tạo, Trường Cán bộ quản lý Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ sở giáo dục thuộc Bộ tham mưu, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại điểm a mục 4 Phần III Kế hoạch này.
g) Các Cục: Nghệ thuật biểu diễn; Điện ảnh; Văn hóa cơ sở; Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; Bản quyền tác giả; Di sản văn hóa; các đơn vị sự nghiệp khối nghệ thuật, bảo tàng, báo chí lồng ghép nội dung PCTNTC trong công tác quản lý, hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trưng bày, báo chí.
h) Các tổ chức đoàn thể thuộc Bộ tổ chức thực hiện nhiệm vụ, giải pháp tại điểm c mục 4 Phần III Kế hoạch này.
i) Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ tại mục 5 Phần III Kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.
3. Kinh phí thực hiện
a) Vụ Kế hoạch, Tài chính tham mưu việc bố trí kinh phí để thực hiện Kế hoạch này.
b) Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ căn cứ chức năng, nhiệm vụ và phân công tại Kế hoạch này xây dựng dự toán thực hiện và tổng hợp vào dự toán chi ngân sách nhà nước hằng năm gửi Vụ Kế hoạch, Tài chính thẩm định báo cáo Lãnh đạo Bộ bố trí kinh phí.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia PCTNTC đến năm 2030. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch này./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
Kế hoạch 2827/KH-BVHTTDL năm 2024 thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Số hiệu: 2827/KH-BVHTTDL
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 08/07/2024
- Nơi ban hành: Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch
- Người ký: Trịnh Thị Thủy
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 08/07/2024
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra