Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 282/KH-UBND | Hà Tĩnh, ngày 11 tháng 07 năm 2014 |
Thực hiện Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 10/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, UBND tỉnh Hà Tĩnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh (sau đây gọi là Kế hoạch), với các nội dung chính như sau:
- Cụ thể hóa những nội dung cơ bản của Chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
- Xác định mục tiêu, các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu giai đoạn 2014-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nhu cầu thực tế đặt ra nhằm từng bước phát triển ngành Dược của tỉnh.
- Xác định rõ trách nhiệm đầu mối, phối hợp của các cấp, các ngành trong từng hoạt động cụ thể để hiện thực các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
1. Mục tiêu chung
Phát triển ngành Dược Hà Tĩnh, cung ứng đầy đủ, kịp thời, có chất lượng, giá hợp lý các loại thuốc theo cơ cấu bệnh tật, đáp ứng nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân theo từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và bảo đảm sử dụng thuốc an toàn, hợp lý. Chú trọng cung ứng thuốc cho đối tượng thuộc diện chính sách xã hội, người nghèo, vùng sâu, vùng xa.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020:
a) 100% thuốc được cung ứng kịp thời, đảm bảo chất lượng cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh.
b) Phấn đấu thuốc sản xuất trong tỉnh tăng trưởng hàng năm 20%, đến năm 2020 đạt 800 tỷ đồng/năm, trong đó thuốc sản xuất từ dược liệu chiếm tỷ lệ trên 30%. Đầu tư xây dựng nhà máy chiết xuất, chế biến dược liệu thành nguyên liệu cho sản xuất thuốc đông y, thuốc từ dược liệu.
c) Xây dựng quy hoạch tổng thể vùng trồng dược liệu của tỉnh Hà Tĩnh diện tích từ 200ha đến 250ha với 15 -18 loài cây có giá trị về điều trị và kinh tế cao tại địa bàn các huyện: Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê, Kỳ Anh và một số địa phương khác (Phụ lục 2).
d) Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển các loại vật nuôi chủ lực như: Hươu sao, Ong…; liên kết giữa người chăn nuôi và các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm từ nhung Hươu, Ong...
đ) Tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước/tổng số tiền sử dụng thuốc tại các cơ sở y tế phấn đấu đến năm 2020 đạt các chỉ số như sau:
- Bệnh viện tuyến tỉnh đạt 60% (năm 2013 đạt 43%, dự kiến tăng bình quân 4%/năm);
- Bệnh viện tuyến huyện đạt > 75% (năm 2013 đạt 61%; dự kiến tăng trung bình trên 3%/năm).
đ) 100% cơ sở bán buôn thuốc đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt phân phối thuốc” (GDP), 100% nhà thuốc, quầy thuốc đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt nhà thuốc” (GPP), Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm - Mỹ phẩm đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt phòng kiểm nghiệm thuốc” (GLP).
e) 50% bệnh viện tuyến tỉnh có bộ phận dược lâm sàng, 50% bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện tư nhân có hoạt động dược lâm sàng.
f) Đạt tỷ lệ 1 dược sĩ /1 vạn dân, trong đó dược sĩ lâm sàng chiếm >15% (chỉ tính các đơn vị công lập).
g) 100% trạm Y tế có cán bộ dược (dược sỹ trung cấp trở lên).
h) 100% bệnh viện có kho thuốc đủ điều kiện bảo quản theo tiêu chuẩn “Thực hành tốt bảo quản thuốc” (GSP), có phần mềm quản lý dược đến tận các khoa lâm sàng.
i) Xây dựng cơ sở ứng dụng các bài thuốc, phương pháp điều trị bằng y học cổ truyền của Hải Thượng Lãn Ông tại Khu lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông (huyện Hương Sơn).
3. Định hướng đến năm 2030: Mở rộng quy mô nhà máy sản xuất thuốc tân dược, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu. Phấn đấu thuốc sản xuất trong tỉnh đến năm 2030 đạt 1.600 tỷ đồng/năm, trong đó thuốc sản xuất từ dược liệu chiếm tỷ lệ trên 30%. Mở rộng diện tích vùng nuôi trồng dược liệu, đưa Hà Tĩnh thành tỉnh có thế mạnh về cung cấp các dược liệu quý và xuất khẩu. Hệ thống kiểm nghiệm, phân phối thuốc, công tác dược lâm sàng, thông tin thuốc phấn đấu nằm trong tốp các tỉnh dẫn đầu trong cả nước.
III. CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Củng cố và phát triển mạng lưới cung ứng, sản xuất thuốc
- Củng cố mạng lưới cung ứng thuốc từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn. Phấn đấu đến năm 2020 bình quân 2.000 người dân có 1 điểm bán lẻ thuốc, đối với các xã vùng sâu, vùng xa mỗi xã có tối thiểu 04 điểm bán lẻ thuốc. Có chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển hệ thống cung ứng thuốc cho các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đảm bảo cho mọi người dân được hưởng các dịch vụ cung ứng thuốc, nhất là các thuốc thiết yếu, thông thường.
- Củng cố hệ thống nhà thuốc bệnh viện, tủ thuốc của Trạm Y tế (TYT) xã, phấn đấu đến năm 2020, 100% các bệnh viện có nhà thuốc, TYT xã có tủ thuốc đủ điều kiện cấp phép hoạt động phục vụ bán thuốc cho người bệnh điều trị ngoại trú.
- Huy động, thu hút các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư, nghiên cứu để phát triển ngành Dược, nhất là sản xuất thuốc, phát triển vùng nuôi trồng dược liệu. Khuyến khích đầu tư theo hình thức hỗn hợp công tư (PPP) đối với dự án xây dựng nâng cấp, xây mới cơ sở nghiên cứu dược; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án có sử dụng đất để xây dựng nhà máy, khu công nghiệp dược.
- Thực hiện các biện pháp đồng bộ để quản lý giá thuốc, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kiểm soát, bình ổn giá thuốc. Tổ chức tốt công tác đấu thầu mua thuốc nhằm lựa chọn các nhà thầu cung ứng thuốc có năng lực, uy tín, đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời, đảm bảo chất lượng thuốc cho nhu cầu sử dụng của các cơ sở khám chữa bệnh công lập với giá thống nhất.
- Phối hợp với các Bệnh viện, Viện chuyên ngành, các doanh nghiệp dược nghiên cứu sản xuất thử nghiệm một số sản phẩm chăm sóc sức khỏe có nguồn gốc dược liệu của tỉnh Hà Tĩnh.
- Đánh giá hiệu quả các dự án sản xuất thử nghiệm thuốc thành phẩm có nguồn gốc dược liệu của tỉnh nếu đạt yêu cầu thì tổ chức đăng ký lưu hành và sản xuất quy mô công nghiệp.
2. Đào tạo và phát triển nhân lực dược
- Xây dựng cơ chế chính sách đào tạo nguồn nhân lực dược; thu hút, tuyển dụng dược sỹ đại học chính quy, đào tạo dược sỹ trên đại học chuyên ngành dược lâm sàng. Bình quân hàng năm tuyển mới 5 đến 7 dược sỹ có trình độ đại học và đào tạo 1 đến 2 dược sỹ trên đại học chuyên ngành dược lâm sàng.
- Phối hợp với Trường Đại học Dược Hà Nội đào tạo dược sỹ chuyên ngành dược lâm sàng và đào tạo cấp chứng chỉ dược lâm sàng cho các dược sỹ đang công tác tại các cơ sở khám chữa bệnh. Phấn đấu đến năm 2020, 100% các bệnh viện có dược sỹ đáp ứng đủ trình độ chuyên môn thực hiện công tác dược lâm sàng.
- Thực hiện tuyển dụng dược sỹ trung cấp cho các Trạm y tế còn thiếu nhân lực dược. Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh tổ chức đào tạo cấp bằng trung cấp dược cho cán bộ chưa có chuyên môn về dược đang được phân công phụ trách công tác dược và cán bộ khám chữa bệnh y học cổ truyền tại các Trạm y tế.
- Xây dựng chương trình dạy nghề trồng dược liệu phù hợp với quy hoạch vùng nguyên liệu của tỉnh để áp dụng tại các Trung tâm Dạy nghề, Hướng nghiệp và GDTX ở các huyện, thành phố, thị xã.
3. Đảm bảo thuốc thiết yếu, sử dụng thuốc an toàn, hợp lý
- Đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc thiết yếu cho nhu cầu khám chữa bệnh. Thực hiện sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả. Tăng cường hướng dẫn sử dụng thuốc, đẩy mạnh hoạt động dược lâm sàng, thông tin thuốc, theo dõi phản ứng có hại của thuốc (ADR). Chấn chỉnh và thực hiện nghiêm Quy chế kê đơn và bán thuốc theo đơn tại các cơ sở khám chữa bệnh và các cơ sở bán thuốc.
- Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội đồng thuốc và điều trị tập trung vào một số hoạt động chủ yếu: Tư vấn lựa chọn, xây dựng danh mục thuốc sử dụng, xây dựng và thực hiện các hướng dẫn điều trị, xác định và phân tích các vấn đề liên quan đến sử dụng thuốc, bình đơn thuốc.
- Quản lý chặt chẽ hoạt động thông tin, quảng cáo thuốc; xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân giới thiệu, quảng cáo thuốc sai quy định, quảng cáo thuốc không chính xác, không trung thực.
- Công khai, minh bạch trong việc xây dựng danh mục thuốc, mua, cấp phát, sử dụng thuốc tại các cơ sở y tế.
4. Tăng cường sử dụng thuốc sản xuất trong nước
- Tăng cường cung cấp các thông tin về năng lực sản xuất, chất lượng thuốc (tương đương sinh học, tương đương điều trị, hiệu quả điều trị, hiệu quả phòng ngừa bệnh...) cũng như việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả của thuốc sản xuất tại Việt Nam đến cán bộ y tế, các cơ sở y tế, cơ sở bán thuốc, cơ sở tiêm vắc xin dịch vụ và người dân.
- Xây dựng kế hoạch, tiêu chí phấn đấu nhằm tăng tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước hàng năm. Tăng cường việc tư vấn, kê đơn thuốc và điều trị cho người bệnh bằng các thuốc sản xuất trong nước. Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát các bác sỹ trong việc tư vấn và kê đơn thuốc cho người bệnh nhằm hạn chế việc lạm dụng kê đơn các thuốc nhập khẩu đắt tiền, không cần thiết.
- Tuyên truyền vận động, cung cấp thông tin cho các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở kinh doanh thuốc ưu tiên giới thiệu, khuyến khích khách hàng sử dụng các sản phẩm thuốc sản xuất trong tỉnh và hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”.
5. Đảm bảo chất lượng thuốc, tăng cường thực hiện công tác thông tin thuốc, dược lâm sàng
- Củng cố, phát triển, nâng cao năng lực của Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm - Mỹ phẩm tỉnh, từng bước đầu tư, hiện đại hóa trang thiết bị nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, kiểm nghiệm chất lượng thuốc, kịp thời phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Phấn đấu đến năm 2020, Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm - Mỹ phẩm - Thực phẩm đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt phòng kiểm nghiệm thuốc” (GLP), tiến tới thực hiện chức năng kiểm nghiệm thực phẩm.
- Xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật của các thuốc tham gia đấu thầu cung ứng cho các cơ sở khám chữa bệnh nhằm lựa chọn các thuốc đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Đồng thời củng cố nâng cấp kho bảo quản thuốc của các đơn vị đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt bảo quản thuốc” (GSP).
- Quản lý chặt chẽ thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, lưu thông, phân phối, cung ứng thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không được phép lưu hành trên thị trường.
- Tăng cường hoạt động thông tin thuốc, dược lâm sàng tại các cơ sở y tế, cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về thuốc cho cán bộ y tế và người bệnh. Củng cố hoạt động tư vấn về thuốc cho người sử dụng tại các điểm bán thuốc. Duy trì đều đặn công tác thông tin về thuốc qua các hoạt động hội thảo, tập huấn, nghiên cứu khoa học.
6. Phát triển thuốc y học cổ truyền
- Quy hoạch và phát triển vùng nuôi trồng cây, con làm thuốc, bảo hộ, bảo tồn nguồn gen và phát triển những loài dược liệu quý hiếm, đặc hữu trên cơ sở tăng cường đầu tư kỹ thuật - công nghệ tiên tiến, kết hợp với kinh nghiệm truyền thống. Nghiên cứu, mở rộng việc nuôi trồng các cây, con làm thuốc có hiệu quả cao và phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh để mở rộng vùng nuôi trồng dược liệu.
- Xây dựng và ban hành Quy chế về "Quản lý khai thác, kinh doanh và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên dược liệu" của tỉnh, nhằm đưa các hoạt động khai thác, vận chuyển và buôn bán dược liệu tại các địa phương trong tỉnh đúng quy định. Ngăn chặn có hiệu quả tình trạng khai thác hủy diệt và buôn bán dược liệu quý hiếm ra nước ngoài.
- Xác định các giống cây dược liệu có thị trường và khả năng phát triển phù hợp với điều kiện sinh thái vùng Hà Tĩnh, xây dựng mô hình phát triển nguồn dược liệu theo hướng bền vững.
- Nghiên cứu trồng đại trà một số loài cây có giá trị y tế cao như: Ba kích, Hà thủ ô, Đinh làng, Kim ngân hoa để đánh giá hiệu quả kinh tế và khả năng thích ứng của các loài cây này trên các vùng sinh thái khác nhau;
- Vận động các hộ gia đình có điều kiện về đất đai và nhân lực trồng một số loài dược liệu đang có nhu cầu lớn trên thị trường như: Đinh lăng, Mạch môn, Mộc hoa trắng, Kim ngân hoa, Nhân trần, Sả, Cát căn, Hoài sơn,...
- Có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích nuôi hươu sao, ong cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến nhung hươu tại Hà Tĩnh; hỗ trợ doanh nghiệp liên kết với người chăn nuôi bao tiêu sản phẩm bảo đảm hiệu quả sản xuất kinh doanh bền vững.
- Khuyến khích và ưu tiên các dự án nuôi trồng, chế biến dược liệu đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc” theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO). Xây dựng và đề xuất các chính sách ưu đãi đối với công tác nuôi trồng và chế biến dược liệu.
- Nâng cao năng lực, chất lượng khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại các cơ sở y tế. Tăng cường khai thác, sử dụng các phương pháp khám chữa bệnh bằng thuốc y học cổ truyền trong công tác phòng và chữa bệnh; đầu tư nâng cấp Bệnh viện YHCT của tỉnh để đáp ứng được chức năng đầu ngành trong chỉ đạo phát triển YHCT. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập các loại hình KCB bằng YHCT theo quy định của pháp luật.
- Triển khai ứng dụng các bài thuốc, phương thuốc của Đại Danh Y Hải Thượng Lãn Ông trong khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền trên địa bàn tỉnh.
1. Sở Y tế:
a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện Kế hoạch, triển khai Chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; theo dõi, giám sát, kiểm tra việc thực hiện, sơ kết, tổng kết và đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch từng thời kỳ, từng giai đoạn.
b) Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực dược, đảm bảo chất lượng thuốc, công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu mua thuốc, cung ứng thuốc; quản lý giá thuốc chữa bệnh trên địa bàn.
c) Tổ chức triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”; tuyên truyền, vận động các bệnh viện, trạm y tế, các cơ sở khám chữa bệnh, kinh doanh thuốc...ưu tiên giới thiệu, khuyến khích khách hàng sử dụng các sản phẩm thuốc, sản phẩm có nguồn gốc dược liệu sản xuất trong tỉnh.
d) Tham mưu đề xuất cơ chế, chính sách và các giải pháp phát triển ngành Dược tỉnh.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế triển khai thực hiện quy hoạch các vùng nuôi, trồng dược liệu; đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nuôi trồng dược liệu.
3. Sở Công Thương: Phối hợp với Sở Y tế và các Sở, ngành thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý các hành vi vi phạm về sản xuất, nhập khẩu, lưu thông, phân phối, cung ứng thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không được phép lưu hành trên thị trường...
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách nhằm huy động các nguồn lực đầu tư để phát triển sản xuất thuốc, phát triển vùng nuôi trồng dược liệu trên địa bàn tỉnh. Tích cực vận động thu hút đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi, hướng dẫn các nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất thuốc.
5. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế thực hiện việc cân đối, bố trí ngân sách đảm bảo cho thực hiện Kế hoạch này.
6. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về các chính sách phát triển ngành Dược; thực hiện quản lý nhà nước, kiểm soát thông tin...trong lĩnh vực quảng cáo thuốc chữa bệnh, tổ chức sự kiện về thuốc chữa bệnh.
7. Các Sở, ban, ngành, các cơ quan, tổ chức có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị có trách nhiệm triển khai hoặc phối hợp với Sở Y tế triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch này.
8. Đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên tích cực tham gia tuyên truyền, giám sát việc tổ chức thực hiện Kế hoạch này.
9. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã:
Căn cứ Kế hoạch chung của tỉnh chủ động xây dựng và triển khai Kế hoạch của địa phương; ưu tiên về quỹ đất xây dựng các nhà máy, khu công nghiệp dược, ưu tiên, bố trí giao đất, giao rừng cho các dự án phát triển dược liệu. UBND huyện Hương Sơn chủ trì, phối hợp với Hội Đông Y tỉnh, huyện và Bệnh viện y học cổ truyền Hà Tĩnh triển khai cơ sở ứng dụng bài thuốc, phương pháp chữa bệnh của Đại danh Y Hải Thượng Lãn Ông tại Khu lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông.
Yêu cầu các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã nghiêm túc triển khai thực hiện. Định kỳ hàng năm, 5 năm, các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch này về Sở Y tế để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
DỰ KIẾN KINH PHÍ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NGÀNH DƯỢC VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2014 - 2020, TẦM NHÌN ĐẾN 2030, TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH
(Kèm theo Kế hoạch số 282/KH-UBND ngày 11/7/2014 của UBND tỉnh)
Đơn vị tính: Triệu đồng
Số TT | Nội dung hoạt động | Dự kiến kinh phí thực hiện | Ghi chú | ||||||
Giai đoạn 2014 - 2020 | Giai đoạn 2021 - 2030 | Tổng số | |||||||
NSTW | NS tỉnh | Nguồn vốn hợp pháp khác | NSTW | NS tỉnh | Nguồn vốn hợp pháp khác | ||||
I | Đào tạo nhân lực ngành Dược |
| 6.150 | 5.750 | 5.000 | 5.900 | 500 | 23.300 |
|
1 | Đào tạo sau đại học ngành Dược lâm sàng |
| 400 |
|
| 400 |
| 800 |
|
2 | Đào tạo cán bộ Kiểm nghiệm thuốc |
| 250 | 250 |
| 500 | 500 | 1500 |
|
3 | Đào tạo chuẩn hóa cán bộ Dược tại Trạm Y tế |
| 500 | 500 |
|
|
| 1000 |
|
4 | Đào tạo chuyên khoa định hướng và đào tạo liên tục cho 150 cán bộ khám, điều trị Y học cổ truyền Trạm Y tế xã |
| 5000 | 5000 | 5000 | 5000 |
| 20000 |
|
II | Tăng cường sử dụng thuốc sản xuất trong nước |
| 1000 | 2000 |
| 3000 | 5000 | 11000 |
|
| Truyền thông, diễn đàn, hội nghị, hội thảo |
| 1000 | 2000 |
| 3000 | 5000 | 11000 |
|
III | Đảm bảo chất lượng thuốc, tăng cường thực hiện công tác thông tin thuốc, dược lâm sàng | 5.000 | 7.500 | 2.500 | 20.000 | 10.000 | 5.000 | 40.000 |
|
1 | Mua trang thiết bị bảo quản thuốc (các cơ sở KCB và Trạm Y tế) |
| 1500 | 1500 |
|
|
| 3000 |
|
2 | Trang thiết bị, phần mềm thông tin thuốc |
| 1000 | 1000 |
|
|
| 2000 |
|
3 | Thực hành tốt Phòng Kiểm nghiệm thuốc (GLP); thực hiện kiểm nghiệm thực phẩm. | 5000 | 5000 |
| 20000 | 10000 | 5000 | 45000 |
|
IV | Phát triển thuốc y học cổ truyền | 25.000 | 26.500 | 2.000 | 40.000 | 40.000 | 6.000 | 139.500 |
|
1 | Nghiên cứu về thuốc y học cổ truyền |
| 500 |
|
|
| 1000 | 1500 |
|
2 | Điều tra, khảo sát, Quy hoạch nuôi trồng |
| 2000 |
|
|
|
| 2000 |
|
3 | Xây dựng mô hình trồng dược liệu (10 mô hình x 100 triệu đồng mô hình) |
| 1000 |
|
|
|
| 1000 |
|
4 | Hỗ trợ người nuôi trồng (10-30 triệu đồng hộ gia đình) | 5000 | 5000 |
| 10000 | 10000 |
| 30000 |
|
5 | Triển khai cơ sở ứng dụng bài thuốc, phương pháp điều trị của Hải Thượng Lãn Ông |
| 3000 | 2000 |
|
|
| 5000 |
|
6 | Đầu tư nâng cao năng lực, chất lượng KCB của Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh | 20000 | 15000 |
| 30000 | 30000 | 5000 | 100000 |
|
V | Phát triển Sản xuất - Kinh doanh |
|
| 228.000 |
|
| 550.000 | 778.000 |
|
1 | Đầu tư dây chuyền sơ chế, chiết xuất dược liệu |
|
| 20000 |
|
| 30000 | 50000 |
|
2 | Đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất thuốc (thêm 2 dây chuyền) |
|
| 200000 |
|
| 500000 | 700000 |
|
3 | Hợp tác xã, doanh nghiệp nuôi trồng dược liệu tập trung (250 ha) |
|
| 8000 |
|
| 20000 | 28000 |
|
| Tổng cộng | 30.000 | 41.150 | 240.250 | 65.000 | 58.900 | 561.500 | 1.001.800 |
|
DỰ KIẾN CÁC LOÀI DƯỢC LIỆU (BẢN ĐỊA) TRỒNG Ở HÀ TĨNH
(Kèm theo Kế hoạch số 282/KH-UBND ngày 11/7/2014 của UBND tỉnh)
TT | Tên Việt Nam | Tên khoa học | Diện tích | Ước năng suất (tấn/ha) | Sản lượng (tấn/năm) |
1 | Đinh lăng | Polyscias fruticosa (L.) Harms | 20 | 1 | 20 |
2 | Hoài sơn | Dioscorea persimilis Prain et Burkill | 15 | 3 | 45 |
3 | Hoa hòe | Sophora japonica L. | 10 | 1 | 10 |
4 | Hương nhu trắng | Ocimum gratissmum L. | 10 | 1,5 | 15 |
5 | Ích mẫu | Leonurus heterophyllus Sweet. | 30 | 3 | 90 |
6 | Nghệ vàng | Curcuma longa L. | 8 | 20 | 160 |
7 | Sả | Cymbopogon winterianus Stapf. | 20 | 4 | 80 |
8 | Kim ngân hoa | Lonicera japonica Thunb | 8 | 1 | 8 |
9 | Hà thủ ô đỏ | Polygonum multiflourum Thunb | 20 | 2 | 40 |
10 | Hy thiêm | Siegesbeckia orienialis L | 10 | 2 | 20 |
11 | Nhân trần | Herba Adenosmatis caerrulei | 10 | 1 | 10 |
12 | Mã đề | Plantago major L. | 10 | 2 | 20 |
13 | Cây Chè vàng | Jasminum subtriplinerve | 10 | 1 | 10 |
14 | Mộc hoa trắng | Holarrhena antidysenterica | 10 | 1 | 10 |
15 | Cát căn | Pueraria thomsoni Benth | 10 | 1 | 10 |
16 | Bồ công anh | Lactuca indica L. | 10 | 2 | 20 |
17 | Mộc huơng | Aristolochiaceae | 9 | 1 | 9 |
18 | Kim tiền thảo | Herba Desmodii styracifolium | 30 | 3 | 90 |
- 1Quyết định 2645/QĐ-UBND năm 2014 Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 thành phố Hải Phòng
- 2Kế hoạch 64/KH-UBND năm 2015 thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 tại tỉnh Đồng Tháp
- 3Quyết định 82/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Kon Tum
- 4Kế hoạch 5457/KH-UBND năm 2015 thực hiện Chiến lược Quốc gia phát triển ngành dược trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
- 5Kế hoạch 3054/KH-UBND năm 2016 thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 tỉnh Hà Nam
- 6Kế hoạch 65/KH-UBND năm 2017 thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trên địa bàn do tỉnh Thanh Hóa ban hành
- 1Quyết định 68/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 2645/QĐ-UBND năm 2014 Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 thành phố Hải Phòng
- 3Kế hoạch 64/KH-UBND năm 2015 thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 tại tỉnh Đồng Tháp
- 4Quyết định 82/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Kon Tum
- 5Kế hoạch 5457/KH-UBND năm 2015 thực hiện Chiến lược Quốc gia phát triển ngành dược trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
- 6Kế hoạch 3054/KH-UBND năm 2016 thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 tỉnh Hà Nam
- 7Kế hoạch 65/KH-UBND năm 2017 thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trên địa bàn do tỉnh Thanh Hóa ban hành
Kế hoạch 282/KH-UBND năm 2014 về Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Hà Tĩnh
- Số hiệu: 282/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 11/07/2014
- Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh
- Người ký: Nguyễn Thiện
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra