- 1Luật ngân sách nhà nước 2015
- 2Nghị định 85/2016/NĐ-CP về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ
- 3Quyết định 831/QĐ-BYT năm 2017 về Mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu do Bô trưởng Bộ Y tế ban hành
- 4Quyết định 4210/QĐ-BYT năm 2017 về quy định chuẩn và định dạng dữ liệu đầu ra sử dụng trong quản lý, giám định và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 5Nghị quyết 20/NQ-TW năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 6Quyết định 6111/QĐ-BYT năm 2017 về phê duyệt Đề án triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại Trạm y tế xã, phường giai đoạn 2018-2020 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 7Quyết định 4888/QĐ-BYT năm 2019 về phê duyệt Đề án ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2019-2025 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 8Quyết định 5349/QĐ-BYT năm 2019 về phê duyệt Kế hoạch triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2698/KH-UBND | Bình Thuận, ngày 21 tháng 7 năm 2020 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI HỒ SƠ SỨC KHỎE ĐIỆN TỬ GIAI ĐOẠN 2020 – 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Quyết định số 831/QĐ-BYT ngày 11/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; Quyết định số 6111/QĐ-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế về phê duyệt Đề án triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại trạm y tế, xã, phường giai đoạn 2018-2020; Quyết định số 4888/QĐ-BYT ngày 18/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Đề án ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2019-2025; Quyết định số 5349/QĐ-BYT ngày 12/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Kế hoạch triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử,
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử (HSSK) cho tất cả người dân trên địa bàn tỉnh, đảm bảo cho mỗi một người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử, hình thành cơ sở dữ liệu sức khỏe người dân của tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Lập, hoàn thiện hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử, đảm bảo quản lý đầy đủ các thông tin theo quy định tại Quyết định số 831/QĐ-BYT ngày 11/03/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế về ban hành mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; cung cấp các giao diện tương tác với Bộ Y tế, Sở Y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chuyên gia y tế và người dân trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
2.2. Thu thập trực tiếp thông tin sức khỏe của người dân hoặc thu thập từ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vào hồ sơ sức khỏe điện tử thông qua các tiêu chuẩn của ngành Y tế đã ban hành, bao gồm tiêu chuẩn quốc tế cung cấp giao thức chuẩn về quản lý, trao đổi và tích hợp dữ liệu y tế giữa các hệ thống thông tin y tế ( HL7) và chuẩn định dạng dữ liệu đầu ra sử dụng trong quản lý, giám định và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo Quyết định số 4210/QĐ-BYT ngày 20/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
2.3. Đến cuối năm 2020: Tối thiểu 80% người dân trên địa bàn tỉnh Bình Thuận được lập hồ sơ sức khỏe điện tử. Hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe người dân tại Sở Y tế và Trung tâm dữ liệu Y tế Quốc gia.
2.4. Năm 2025: 95% người dân trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có hồ sơ sức khỏe điện tử, được cập nhật thông tin sức khỏe thường xuyên và được kết nối với tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh và cổng thông tin sức khỏe Bộ Y tế.
2.5. Đảm bảo an toàn, bảo mật cơ sở hạ tầng và hệ thống thông tin hồ sơ sức khỏe điện tử theo Điều 11 Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ. Cụ thể yêu cầu bảo đảm như sau:
- Bảo đảm an toàn hệ thống HSSK khâu thiết kế, xây dựng;
- Bảo đảm an toàn hệ thống thông tin trong quá trình vận hành;
- Kiểm tra đánh giá an toàn thông tin và quản lý rủi ro an toàn thông tin;
- Giám sát an toàn thông tin;
- Dự phòng, ứng cứu sự cố, khôi phục sau thảm họa;
- Kết thúc vận hành, khai thác, thanh lý, hủy bỏ;
- Tổ chức việc bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ.
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Cài đặt, triển khai hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử của tỉnh Bình Thuận
Cơ quan chủ trì: Sở Y tế.
Cơ quan phối hợp: Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế; các đơn vị cung cấp phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử.
1.1. Triển khai hệ thống máy chủ lưu trữ hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân tỉnh Bình Thuận, bao gồm:
- Máy chủ lưu trữ cơ sở dữ liệu hồ sơ sức khỏe của người dân tỉnh Bình Thuận.
- Máy chủ cài đặt phần mềm hồ sơ sức khỏe của người dân tỉnh Bình Thuận.
- Máy chủ triển khai cổng thông tin hồ sơ sức khỏe người dân tỉnh Bình Thuận.
1.2. Triển khai hệ thống đảm bảo an toàn thông tin, hệ thống đường truyền riêng phục vụ triển khai hệ thống HSSK điện tử.
1.3. Cài đặt, triển khai phần mềm hồ sơ sức khỏe của tỉnh Bình Thuận, cụ thể:
- Phần mềm hồ sơ sức khỏe và cổng thông tin người dân được cung cấp miễn phí bởi Trung tâm ứng dụng Công nghệ thông tin y tế - Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế hoặc được cung cấp từ các Công ty, doanh nghiệp cung cấp phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử.
- Cài đặt phần mềm hồ sơ sức khỏe (bao gồm cơ sở dữ liệu) và cổng thông tin hồ sơ sức khỏe người dân tỉnh lên hệ thống máy chủ của tỉnh Bình Thuận.
1.4. Cấu hình hệ thống, thiết lập đồng bộ, kết nối hồ sơ sức khỏe điện tử của tỉnh với Cổng thông tin hồ sơ sức khỏe người dân của Bộ Y tế. Cài đặt hệ thống mạng riêng kết nối với Hệ thống HSSK của tỉnh.
2. Lập, cập nhật thông tin hồ sơ quản lý sức khỏe người dân tỉnh Bình Thuận
Cơ quan chủ trì: Sở Y tế.
Cơ quan phối hợp: Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế; các đơn vị cung cấp phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử.
2.1. Tạo lập tài khoản, cấu trúc hành chính của tỉnh Bình Thuận trên phần mềm HSSK điện tử. Tạo lập tài khoản sử dụng cho toàn bộ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở y tế dự phòng thuộc tỉnh Bình Thuận.
2.2. Sử dụng dữ liệu hộ gia đình của tỉnh để tạo lập dữ liệu về thông tin hành chính cho toàn bộ người dân của tỉnh. Mã định danh (ID) của người dân do hệ thống tự cung cấp.
Đối tượng lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân: Toàn bộ người dân có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Bình Thuận, phân loại đối tượng thành các nhóm:
- Trẻ em dưới 6 tuổi;
- Học sinh: Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông;
- Sinh viên: Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề;
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước, các đơn vị, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, xí nghiệp, doanh nghiệp;
- Người cao tuổi, hưu trí: Người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên, người nghỉ hưu, hưởng bảo hiểm xã hội hàng tháng;
- Người dân lao động tự do và các đối tượng còn lại khác.
2.3. Cập nhật, bổ sung thông tin sức khỏe vào hồ sơ sức khỏe điện tử:
a) Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh thực hiện liên thông, kết nối giữa phần mềm hồ sơ quản lý sức khỏe người dân với phần mềm khám chữa bệnh, phần mềm quản lý y tế khác.
b) Rà soát, thiết lập sự kết nối liên thông dữ liệu giữa các phần mềm quản lý y tế với Hồ sơ sức khỏe điện tử:
- Tại tuyến xã: Triển khai các giải pháp phần mềm đảm bảo việc kết nối thông tin giữa các phần mềm quản lý Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số và Hồ sơ sức khỏe điện tử. Đồng thời duy trì rà soát việc cập nhật dữ liệu khám bệnh, chữa bệnh của người dân theo định kỳ hàng tháng.
- Đối với các cơ sở khám chữa bệnh: Thực hiện chia sẻ dữ liệu khám bệnh, chữa bệnh của người dân vào Hồ sơ sức khỏe điện tử ngay sau khi người bệnh kết thúc quá trình khám, chữa bệnh tại đơn vị.
- Đối với các cơ sở y tế khác: Chuyển thông tin người dân đang sử dụng dịch vụ y tế dự phòng hoặc quản lý điều trị tại đơn vị về Trạm Y tế để tiến hành thiết lập Hồ sơ sức khỏe, hoặc cập nhật thông tin sức khỏe mới vào Hồ sơ sức khỏe cho người dân.
c) Cập nhật, bổ sung các thông tin y tế có sẵn đang được quản lý tại các Trạm Y tế xã như: Tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, quản lý sức khỏe học sinh, sinh viên, quản lý sức khỏe người cao tuổi, quản lý thai nghén, quản lý bệnh không lây nhiễm (Tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư,....) vào hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân.
d) Cập nhật thông tin khám bệnh, chữa bệnh vào hồ sơ sức khỏe điện tử khi người bệnh kết thúc liệu trình khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế từ Trạm Y tế xã trở lên:
- Đối với các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện, tuyến tỉnh: Thực hiện cập nhật thông tin y tế những người đến khám chữa bệnh vào Hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân thông qua việc liên thông, kết nối giữa các phần mềm.
- Đối với các Trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh, các đơn vị quản lý chương trình y tế: Phối hợp lập Hồ sơ quản lý sức khỏe người dân về các thông tin thuộc lĩnh vực phụ trách. Định kỳ (hàng quý) chuyển thông tin người dân đang sử dụng dịch vụ dự phòng hoặc quản lý điều trị tại đơn vị về Trạm Y tế để tiến hành thiết lập Hồ sơ sức khỏe, hoặc cập nhật thông tin sức mới vào Hồ sơ sức khỏe cho người dân. Chưa nhập vào Hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân các thông tin về HIV/AIDS, nghiện ma túy, mại dâm cho đến khi có hướng dẫn cụ thể của cấp có thẩm quyền.
2.4. Tổ chức tiếp nhận hồ sơ điều trị:
- Tiếp nhận hồ sơ điều trị từ File XML 4210 từ phần mềm HIS vào phần mềm HSSK điện tử.
- Tiếp nhận hồ sơ điều trị theo tiêu chuẩn kiến trúc tài liệu lâm sàng (HL7 CDA) và tiêu chuẩn HL7 FHIR liên thông giữa các hệ thống thông tin y tế thông qua giao diện lập trình ứng dụng (API) của hệ thống HSSK trong trường hợp cơ sở khám chữa bệnh triển khai bệnh án điện tử tuân theo tiêu chuẩn HL7 CDA và HL7 FHIR.
- Nhập thông tin điều trị của người dân đến khám bệnh, khám sức khỏe trực tiếp trên mẫu (form) của hệ thống HSSK trong trường hợp cơ sở khám chữa bệnh không có phần mềm HIS, bệnh án điện tử hoặc bệnh nhân được khám theo các chương trình khám sức khỏe khác.
- Thực hiện liên tục cập nhật dữ liệu giữa Hồ sơ điều trị và Thông tin hành chính của người dân.
- Cơ sở khám chữa bệnh xác định thời điểm cập nhật dữ liệu theo hai phương án, cụ thể:
+ Định kỳ hàng ngày.
+ Kết thúc đợt điều trị của người bệnh.
- Định kỳ đồng bộ với cổng hồ sơ sức khỏe điện tử của Bộ Y tế.
2.5. Sở Y tế phối hợp với các đơn vị cung cấp phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử tổ chức đào tạo, tập huấn cho công chức, viên chức y tế trên địa bàn việc sử dụng, cập nhật phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử.
2.6. Sở Thông tin và Truyền thông, các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh:
Tuyên truyền, vận động người dân chủ động cung cấp các thông tin liên quan đến quản lý sức khỏe cá nhân cho Trạm Y tế tuyến xã, phường, thị trấn tại địa bàn sinh sống để mọi người dân đều được quản lý, theo dõi, chăm sóc sức khỏe ban đầu; được tư vấn sức khỏe, điều trị hoặc được chuyển tuyến phù hợp khi khám, chữa bệnh.
3. Tổ chức cấp phát tài khoản cá nhân cho người dân trên cổng thông tin hồ sơ sức khỏe người dân tỉnh Bình Thuận
Cơ quan chủ trì: Sở Y tế.
Cơ quan phối hợp: Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế; các đơn vị cung cấp phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử.
3.1. Sở Y tế phối hợp với Sở Thông tin và truyền thông tuyên truyền hệ thống HSSK điện tử của tỉnh Bình Thuận qua các kênh:
- Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Thuận;
- Trang thông tin Sở Y tế;
- Các phương tiện thông tin đại chúng;
- Tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn tỉnh;
- Truyền thông trong Chương trình 1 thẻ quốc gia, khi cấp phát thẻ cho người dân.
3.2. Cấp phát tài khoản HSSK điện tử (Bao gồm ID) của người dân theo các cách như sau:
- Cấp phát trực tiếp tại cơ sở khám chữa bệnh khi người dân đến khám chữa bệnh;
- Cấp phát khi nhắn tin hoặc gọi điện thoại lên tổng đài.
3.3. Hướng dẫn người dân truy cập tài khoản HSSK điện tử theo các cách như sau:
- Thông qua cổng hồ sơ sức khỏe điện tử người dân tỉnh Bình Thuận;
- Thông qua ứng dụng di động được kết nối với hồ sơ sức khỏe;
- Thông qua phần mềm bệnh viện trong trường hợp phần mềm đăng ký kết nối tự động với hệ thống HSSK thông qua API của hệ thống HSSK.
3.4. Các thông tin HSSK cung cấp cho người dân bao gồm:
- Thông tin hành chính;
- Thông tin tiền sử bệnh;
- Thông tin tiêm chủng;
- Thông tin khám sức khỏe;
- Tóm tắt hồ sơ bệnh án theo từng lần điều trị;
- Các tiện ích sức khỏe khác.
3.5. Tổ chức, hướng dẫn cán bộ y tế khai thác, sử dụng thông tin HSSK của người dân khi được phép:
- Việc khai thác, sử dụng thông tin HSSK của người dân phải được sự đồng ý của người dân.
- Mỗi lần khám chữa bệnh, người dân có thể chia sẻ thông tin HSSK của mình cho bác sỹ bằng các chức năng trên hệ thống phần mềm và thông qua các hệ thống tin nhắn có mật khẩu chỉ sử dụng một lần (OTP).
3.6. Sở Y tế tổ chức hướng dẫn, đào tạo người dân và bác sỹ sử dụng HSSK để quản lý và tra cứu thông tin sức khỏe người dân.
4. Khai thác hồ sơ sức sức khỏe điện tử của người dân
Cơ quan chủ trì: Sở Y tế.
Cơ quan phối hợp: Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế; các đơn vị cung cấp phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử.
4.1. Sở Y tế, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố và Trạm Y tế, Phòng khám đa khoa khu vực sử dụng các hệ thống báo cáo có sẵn trên phần mềm HSSK để thống kê số lượng người tham gia HSSK, tình hình bệnh tật chung trên địa bàn.
4.2. Trong quá trình thực hiện, Sở Y tế tổ chức xây dựng các ứng dụng báo cáo đặc thù trên nền dữ liệu hồ sơ sức khỏe phục vụ cho công tác báo cáo, thống kê của mình.
4.3. Tiến hành phổ biến sử dụng các phần mềm thông minh hoạt động trên điện thoại thông minh (smart phone) để cung cấp và ghi nhận thông tin sức khỏe đối với với các đối tượng cần theo dõi sức khỏe, bao gồm các tính năng tính năng nhắc sức khỏe: Lịch khám, lịch uống thuốc, lịch dinh dưỡng và các thông tin khác; kết nối, tương tác với một số thiết bị đeo tay (healthcare wearable device) để ghi nhận dấu hiệu sinh hoạt theo thời gian thực để đưa ra các khuyến cáo, cảnh báo kịp thời; phần mềm cung cấp tri thức y khoa, ví dụ một số bệnh phổ biến: Tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch, rối loạn chuyển hóa, mỡ máu cao,...
5. Bảo trì, nâng cấp HSSK điện tử của tỉnh Bình Thuận
Cơ quan chủ trì: Sở Y tế.
Cơ Quan phối hợp: Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế; các đơn vị cung cấp phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử.
5.1. Các chức năng hiện tại của phần mềm HSSK điện tử của tỉnh Bình Thuận sẽ được Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin Y tế - Cục Công nghệ thông tin Y tế - Bộ Y tế hoặc các đơn vị cung cấp phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử tự bảo trì, chỉnh sửa khi có lỗi phát sinh.
5.2. Bố trí kinh phí cho việc nâng cấp, xây dựng hệ thống báo báo, các ứng dụng đặc thù của tỉnh.
5.3. Bố trí kinh phí cho việc đảm bảo vận hành, an toàn dữ liệu, làm sạch dữ liệu, tối ưu cơ sở dữ liệu, tối ưu hiệu năng của hệ thống HSSK điện tử của tỉnh.
5.4. Bố trí kinh phí cho việc nâng cấp phần cứng trong trường hợp dữ liệu HSSK tăng trưởng lớn theo từng năm.
5.5. Bố trí kinh phí cho việc thu thập thông tin sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh vào hệ thống HSSK điện tử của người dân.
6. Hoạt động giám sát, đánh giá
6.1. Cơ quan chủ trì: Sở Y tế.
Định kỳ hàng năm (trước ngày 31/12) kiểm tra, đánh giá, đề xuất bổ sung, điều chỉnh các hoạt động của Kế hoạch.
6.2. Cơ quan phối hợp: Các sở, ngành, đoàn thể, UBND huyện, thị xã, thành phố, cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp Sở Y tế trong việc giám sát tiến độ thực hiện kế hoạch theo nhiệm vụ được phân công.
6.3. Thời gian thực hiện: Từ quý III năm 2020 đến tháng 12/2025 (định kỳ hàng quý, năm).
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Ngân sách nhà nước được bố trí từ dự toán chi thường xuyên của các cơ quan, đơn vị.
2. Ngân sách từ các chương trình, dự án liên quan.
3. Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của các đơn vị.
4. Các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Lộ trình thực hiện
1.1. Giai đoạn 1 (Từ tháng 7/2020 đến tháng 12/2020)
- Tổ chức các lớp tập huấn sử dụng phần mềm hồ sơ quản lý sức khỏe người dân cho viên chức y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã. Kinh phí chi từ nguồn chi công việc của Sở Y tế được giao trong dự toán năm 2020.
- Cài đặt phần mềm hồ sơ quản lý sức khỏe người dân cho 100% Trạm Y tế xã, phường, thị trấn.
- Cập nhật thông tin phần hành chính (Phần A theo mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân tại Quyết định số 831/QĐ-BYT ngày 11/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế) từ nguồn dữ liệu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
- Cập nhật các dữ liệu cá nhân có sẵn đang được quản lý tại các cơ sở y tế như: Khám, chữa bệnh; Tiêm chủng mở rộng; phòng, chống suy dinh dưỡng; khám và quản lý thai nghén... vào hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân.
- Nhập các thông tin y tế vào hồ sơ sức khỏe điện tử khi người dân đến khám bệnh tại các Trạm Y tế và các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.
1.2. Giai đoạn 2 (Từ năm 2021 đến năm 2025)
- Triển khai cổng tra cứu, phần mềm di động và cung cấp tài khoản truy cập đến từng người dân đã có thông tin trên Hệ thống hồ sơ sức khỏe.
- Triển khai khai thác hệ thống HSSK điện tử, phát triển các báo cáo đặc thù cho tỉnh.
- Triển khai các ứng dụng thông minh trên di động.
- Tiếp tục tạo lập mới hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân cho những người chưa được tạo lập trong giai đoạn 1.
- Tổ chức đào tạo nâng cao năng lực khám sàng lọc, quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm và nguyên lý Y học gia đình cho các Trạm Y tế, Trung tâm Y tế.
- Tổ chức đào tạo, đạo tạo lại về xử lý dữ liệu vào phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân theo quy định cho viên chức y tế tại các cơ sở y tế trên toàn tỉnh.
- Duy trì công tác quản lý sức khỏe người dân; thường xuyên cập nhật, bổ sung các thông tin sức khỏe cá nhân vào hồ sơ sức khỏe điện tử khi người dân tham gia khám sức khỏe, khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế và từ các nguồn dữ liệu liên quan khác.
2. Phân công trách nhiệm
2.1. Sở Y tế
- Căn cứ Kế hoạch này, xây dựng kế hoạch hàng năm để triển khai thực hiện; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý tổ chức thực hiện đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, đạt mục tiêu đề ra.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp liên quan xây dựng, hoàn thiện phần mềm quản lý sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh.
- Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ các cơ sở y tế (Trạm Y tế, Trung tâm Y tế, bệnh viện,...).
- Phối hợp các đơn vị chức năng tổ chức tuyên truyền về lợi ích, ý nghĩa của việc lập hồ sơ sức khỏe điện tử để vận động người dân trên địa bàn hiểu và chủ động tham gia khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ sức khỏe và tham gia bảo hiểm y tế toàn dân.
- Tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tài chính) bố trí kinh phí trong dự toán giao cho Sở Y tế hàng năm để thực hiện các nội dung, hạng mục theo lộ trình tại Kế hoạch này; riêng năm 2020 sử dụng dự toán chi công việc được giao cho Sở Y tế theo Quyết định số 3139/QĐ-UBND ngày 06/12/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh để thực hiện.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện Kế hoạch, tổng hợp báo cáo kết quả về UBND tỉnh và Bộ Y tế theo quy định.
2.2. Bảo hiểm xã hội tỉnh
- Phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin - Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện liên thông cơ sở dữ liệu sẵn có về người dân, hộ gia đình với cơ sở dữ liệu ngành Y tế các cấp và đơn vị cung cấp phần mềm để lập hồ sơ sức khỏe, bảo đảm an toàn thống nhất và tiết kiệm.
- Phối hợp các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh, kết nối hệ thống giám định bảo hiểm y tế để tích hợp vào hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử đảm bảo an toàn, hiệu quả.
2.3. Sở Tài chính
Trên cơ sở đề nghị của Sở Y tế và khả năng cân đối của ngân sách địa phương, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch theo Luật Ngân sách nhà nước và phù hợp khả năng ngân sách địa phương. Trên cơ sở đề nghị của các cơ quan, đơn vị, Sở Tài chính hướng dẫn về công tác quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí thực hiện.
2.4. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế triển khai công tác tuyên truyền về lợi ích việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho người dân trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn Báo, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các cơ quan báo chí Trung ương hoạt động thường trú trên địa bàn tỉnh, Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thành phố, thị xã mở thêm chuyên trang, chuyên mục, tăng thời lượng phát sóng, tin bài tuyên truyền về lợi ích, ý nghĩa của việc lập hồ sơ sức khỏe người dân để vận động người dân tham gia thực hiện.
- Phối hợp với Sở Y tế trong việc triển khai phần mềm xây dựng giải pháp, chuẩn dữ liệu để kết nối trao đổi thông tin giữa phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe người dân với phần mềm quản lý khám, chữa bệnh và các phần mềm quản lý y tế khác đang triển khai trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với Sở Y tế xây dựng Quy chế khai thác, bảo mật dữ liệu sức khỏe người dân trên hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử.
2.5. Đơn vị cung cấp hạ tầng mạng viễn thông
- Chủ trì, phối hợp Sở Y tế hướng dẫn quản lý, sử dụng phần mềm cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh; đảm bảo đường truyền ổn định, chất lượng tốt, đảm bảo các quy định về an toàn thông tin.
- Chịu trách nhiệm truyền tải, liên thông các dữ liệu sẵn có do các cơ sở y tế cung cấp vào phần mềm hồ sơ quản lý sức khỏe của từng người dân.
- Chủ trì, phối hợp các đơn vị cung cấp phần mềm y tế khác trên địa bàn để liên thông, kết nối giữa các phần mềm với phần mềm hồ sơ quản lý sức khỏe người dân.
- Triển khai cổng tra cứu thông tin sức khỏe để người dân tra cứu, quản lý thông tin của mình.
Giao Sở Y tế đôn đốc việc thực hiện; kết quả báo cáo Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, chỉ đạo./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1Kế hoạch 3160/KH-UBND triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022
- 2Kế hoạch 5465/KH-UBND về triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh năm 2022
- 3Kế hoạch 12/KH-UBND năm 2023 triển khai Hồ sơ sức khỏe điện tử giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn thành phố Cần Thơ
- 1Luật ngân sách nhà nước 2015
- 2Nghị định 85/2016/NĐ-CP về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ
- 3Quyết định 831/QĐ-BYT năm 2017 về Mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu do Bô trưởng Bộ Y tế ban hành
- 4Quyết định 4210/QĐ-BYT năm 2017 về quy định chuẩn và định dạng dữ liệu đầu ra sử dụng trong quản lý, giám định và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 5Nghị quyết 20/NQ-TW năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 6Quyết định 6111/QĐ-BYT năm 2017 về phê duyệt Đề án triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại Trạm y tế xã, phường giai đoạn 2018-2020 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 7Quyết định 4888/QĐ-BYT năm 2019 về phê duyệt Đề án ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2019-2025 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 8Quyết định 5349/QĐ-BYT năm 2019 về phê duyệt Kế hoạch triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 9Kế hoạch 3160/KH-UBND triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022
- 10Kế hoạch 5465/KH-UBND về triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh năm 2022
- 11Kế hoạch 12/KH-UBND năm 2023 triển khai Hồ sơ sức khỏe điện tử giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn thành phố Cần Thơ
Kế hoạch 2698/KH-UBND năm 2020 triển khai Hồ sơ sức khỏe điện tử giai đoạn 2020-2025 do tỉnh Bình Thuận ban hành
- Số hiệu: 2698/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 21/07/2020
- Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
- Người ký: Nguyễn Đức Hòa
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 21/07/2020
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định