Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 269/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 20 tháng 12 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

RÀ SOÁT, LẬP THỦ TỤC CẤP GIẤY, CẮM MỐC CHỈ GIỚI PHẠM VI BẢO VỆ CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Thủy lợi ngày 19 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 129/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi;

Căn cứ Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước;

Căn cứ Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi;

Căn cứ Thông tư số 03/2022/TT-BNNPTNT ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi;

Căn cứ Quyết định số 12/2021/QĐ-UBND ngày 30 tháng 3 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai về ban hành Quy định phạm vi vùng phụ cận đối với công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch rà soát, lập thủ tục cấp giấy, cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai với những nội dung sau:

1. Mục đích, yêu cầu

a) Mục đích

Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi, làm cơ sở xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm công trình trình thủy lợi, đảm bảo an toàn công trình và phát huy tối đa hiệu quả phục vụ sản xuất, dân sinh và các ngành kinh tế khác của các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

b) Yêu cầu

Rà soát hiện trạng hồ sơ đất, tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cắm ranh mốc tại các công trình thủy lợi; hoàn thiện, bổ sung nội dung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cắm ranh mốc hệ thống kênh mương.

2. Nội dung thực hiện

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 137 công trình thủy lợi đang hoạt động gồm: 18 hồ chứa, 56 đập dâng, 39 trạm bơm, 7 công trình ngăn mặn, ngăn lũ, 3 kênh tạo nguồn và 14 kênh tiêu, thuộc địa bàn các huyện, thành phố Long Khánh, thành phố Biên Hòa. Để đảm bảo công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, tài sản nhà nước; làm cơ sở để xử lý các hành vi vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, các địa phương, đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi cần phải thực hiện các nội dung sau:

a) Rà soát hiện trạng công trình thủy lợi/ Hiện trạng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (hoặc quyết định giao đất) tại các công trình thủy lợi.

Hiện nay có 9/137 công trình đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 9/137 công trình có quyết định giao đất hoặc quyết định thu hồi đất để xây dựng công trình, còn 119/137 công trình chưa có hồ sơ pháp lý về đất để quản lý, bảo vệ, trong đó:

- 8/137 công trình thủy lợi đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gồm: Đập Bến Xúc, đập Long An, đê ngăn mặn Hiệp Phước - Long Thọ (bao gồm đập ngăn mặn Bà Ký), đập Lang Minh, đập Cù Nhí 1, đập Cù Nhí 2, đập Suối Cả, đập Lát Chiếu. Trong đó: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại công trình đập Bến Xúc (bao gồm đập chính, nhà quản lý; chưa có kênh dẫn vào tràn, kênh N1A và lòng đập); Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đập Bà Ký là một phần khu đầu mối và nhà quản lý (chưa có tuyến đê); Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đập Long An bao gồm nhà quản lý, đập và hạ lưu đập (chưa có phần thượng lưu đập).

- 10/137 công trình thủy lợi đã có quyết định giao đất hoặc thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng công trình, gồm: Trạm bơm Tà Lài, hồ Sông Mây, hồ Gia Ui, hồ Gia Măng, hồ Cầu Mới tuyến V, hồ Cầu Mới tuyến VI, hồ Lộc An, đập Phước Thái, Hệ thống thủy lợi Ông Kèo, đập Suối Nước Trong.

- Đối với 119/137 công trình còn lại chưa có quyết định giao đất/ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải lập kế hoạch thực hiện để phục vụ công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình.

b) Cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình và cập nhật lên bản đồ địa chính

- Về cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình

Đến nay có 24/137 công trình đầu mối đã được cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình, trừ hồ Cầu Dầu thuộc xã Hàng Gòn, thành phố Long Khánh mới hoàn thành xây dựng, hồ Suối Tre, hồ Suối Đầm thực hiện dự án sửa chữa nâng cấp (hạng mục cắm mốc đã có trong dự án), các công trình khác chưa rà soát; thực hiện điều chỉnh cắm mốc theo các quy định như: Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước; Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi; Quyết định số 12/2021/QĐ-UBND ngày 30 tháng 3 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định phạm vi vùng phụ cận đối với công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và các quy định có liên quan.

113/137 công trình chưa cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình. Một số công trình đã được cắm ranh mốc phạm vi bảo vệ nhưng hiện nay tại hiện trường mốc đã bị mất, đường ranh bị bồi lắng, như: Hồ Cầu Mới tuyến V, hồ Cầu Mới tuyến VI, hồ Lộc An. Có 6 công trình, gồm: Hồ Sông Mây, hồ Bà Long, hồ Đa Tôn, hồ Suối Vọng, hồ Núi Le, hồ Gia Ui đã cắm mốc ranh giới xác định phạm vi quản lý bảo vệ tại các đường cao trình đỉnh đập và cao trình mực nước dâng gia cường. Có 03 công trình còn tranh chấp về đường ranh mốc bồi thường, gồm: Hồ Cầu Mới tuyến V, hồ Cầu Mới tuyến VI, hồ Lộc An. Hệ thống kênh mương các công trình thủy lợi chưa được cắm ranh mốc.

- Về cập nhật đường ranh mốc lên bản đồ địa chính

Đến nay có 9/137 công trình đã được cập nhập đường ranh mốc lên bản đồ địa chính, gồm: Hồ Sông Mây, hồ Gia Ui, hồ Đa Tôn, hồ Bà Long, hồ Núi Le, hồ Suối Vọng, hồ Suối Tre, hồ Suối Đầm, hồ Cầu Dầu.

128/137 công trình còn lại cần thực hiện hoàn chỉnh cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình và cập nhật đường ranh mốc lên bản đồ địa chính để phục vụ công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình.

3. Thời gian thực hiện

a) Đối với công tác lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Thời gian hoàn thành từ năm 2023 - 2025.

b) Đối với công tác cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình và cập nhật đường ranh mốc lên bản đồ địa chính: Thời gian hoàn thành từ năm 2023 - 2025.

4. Nguồn kinh phí thực hiện

a) Đối với đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi cấp tỉnh (Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai):

- Về kinh phí cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (hoặc quyết định giao đất): Bố trí trong nguồn kinh phí của đơn vị (đối với Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai); sử dụng nguồn hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi (đối với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi).

- Về kinh phí cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình

Đối với hồ chứa: Sử dụng từ nguồn chi đầu tư phát triển (nguồn sự nghiệp hoặc đầu tư công) theo điểm b khoản 1 Điều 30 Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước và các quy định có liên quan.

Đối với công trình khác: Bố trí trong nguồn kinh phí quản lý, khai thác công trình thủy lợi của đơn vị.

b) Đối với đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi cấp huyện, thành phố: Bố trí từ ngân sách địa phương để thực hiện kế hoạch.

5. Tổ chức thực hiện

5.1. UBND các huyện, thành phố Long Khánh, thành phố Biên Hòa

a) Chỉ đạo đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi xây dựng kế hoạch cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi và lập bản đồ địa chính của công trình; hoàn thiện hồ sơ, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đồng thời triển khai phương án cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định tại Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi; Quyết định số 12/2021/QĐ-UBND ngày 30 tháng 3 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai quy định phạm vi vùng phụ cận đối với công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Kế hoạch gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trước ngày 31/12/2022.

b) Phối hợp, hỗ trợ Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi trong công tác quản lý, cấp giấy, cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình, công tác khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn.

5.2. Các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi

a) Thực hiện kê khai đăng ký đất đai, lập hồ sơ xin giao đất, thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định.

b) Rà soát hiện trạng hồ sơ đất công trình được giao quản lý, khai thác (gửi 01 bản điện tử về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, theo dõi); tham mưu xây dựng Kế hoạch quản lý, cấp giấy, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn; công việc hoàn thành trước ngày 31/12/2022 và gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh. Đồng thời chủ động đề xuất biện pháp xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Kế hoạch.

5.3. Các sở ngành

a) Sở Tài nguyên và Môi trường

Trên cơ sở hồ sơ đề nghị giao đất, thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giao đất, cho thuê đất, ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi theo quy định.

b) Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với các sở, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan rà soát, bố trí nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch quản lý, cấp giấy, cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh theo phân cấp ngân sách hiện hành; hướng dẫn các đơn vị thực hiện và thanh quyết toán kinh phí theo đúng quy định.

c) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan hướng dẫn, đôn đốc đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch quản lý, cấp giấy, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Đồng thời theo dõi, tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện Kế hoạch, đề xuất xử lý các khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch.

Trên đây là Kế hoạch rà soát, lập thủ tục cấp giấy, cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương và đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện và báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh theo đúng thời gian quy định./.

 


Nơi nhận:
- Đơn vị thực hiện (khoản 5);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT. UBND tỉnh;
- Công ty TNHH MTV KTCTTL tỉnh;
- Khu Bảo tồn TN-VH Đồng Nai;
- Chánh, các PCVP. UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KTN.
(Khoa/779.KH quanly CTTL)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Văn Phi

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 269/KH-UBND năm 2022 về rà soát, lập thủ tục cấp giấy, cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

  • Số hiệu: 269/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 20/12/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai
  • Người ký: Võ Văn Phi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản