Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 260/KH-UBND

Bắc Ninh, ngày 29 tháng 4 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 33/CT-TTG NGÀY 26/11/2021 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới (gọi tắt là Chỉ thị số 33); UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 33 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp nhằm phát huy quyền công dân, quyền làm chủ của người dân; xây dựng chính quyền gần dân, sát dân; xây dựng và củng cố vững chắc lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, với cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới.

- Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện công tác dân vận, từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tinh thần phục vụ Nhân dân phù hợp với tình hình thực tế theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

2. Yêu cầu

- Việc triển khai Chỉ thị số 33 phải đảm bảo nghiêm túc, hiệu quả gắn với công tác cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, tạo sự chuyển biến trong lề lối làm việc, trong quan hệ giải quyết công việc của tổ chức, công dân.

- Công tác dân vận trong các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp phải thực sự hiệu lực, hiệu quả, đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội.

II. NỘI DUNG

1. Tổ chức quán triệt và thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận trong tình hình mới gắn với nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước sau đại dịch COVID-19; xác định công tác dân vận là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch; phải gắn việc xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện công tác dân vận cơ quan đơn vị mình với việc triển khai nhiệm vụ chính trị; công tác dân vận trong các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp phải thực sự hiệu lực, hiệu quả, đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

2. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận; về vị trí, vai trò, trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp và cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện công tác dân vận, bảo đảm công tác dân vận luôn gần gũi với Nhân dân. Cần đặc biệt quan tâm tuyên truyền, vận động người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo, chú trọng đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, vận động Nhân dân sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

3. Tiếp tục thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng gắn với việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

4. Tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ; đổi mới căn bản hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước và chính quyền các cấp theo hướng hiệu lực, hiệu quả, công khai, minh bạch, dân chủ, thân thiện và gần dân; thực hiện cải cách thủ tục hành chính quyết liệt, thực chất, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp phân quyền, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính; hoàn thành việc rà soát và sắp xếp tinh gọn bộ máy; ưu tiên nguồn lực, thực hiện hiệu quả chuyển đổi số.

Tập trung hoàn thiện thể chế của nền hành chính nhà nước theo hướng phát huy dân chủ, công khai, minh bạch, bảo đảm sự tham gia giám sát và quyền làm chủ của Nhân dân theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Hiến pháp năm 2013; cụ thể hóa, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

5. Hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc quy định về đạo đức công vụ, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Xây dựng và thực hiện tốt văn hóa công sở, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ Nhân dân; đổi mới và thực hiện phong cách làm việc “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói”, “nói dân hiểu”, “hướng dẫn dân làm”, “làm dân tin”, khắc phục bệnh thành tích, hành chính, quan liêu xa dân. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công vụ, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi cửa quyền, gây phiền hà cho Nhân dân, xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân.

6. Tổ chức thực hiện tốt Luật tiếp cận thông tin nhằm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân; thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tiếp công dân, tăng cường, công khai đối thoại tiếp dân tại cơ sở, nơi xảy ra vụ việc. Tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, nhất là những vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài, dư luận quan tâm; giải quyết kịp thời những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của người dân.

7. Chủ động phối hợp, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia giám sát, phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nội vụ

- Tham mưu giúp UBND tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 33 và Kế hoạch này tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Hàng năm tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị số 33 trên địa bàn tỉnh, báo cáo Bộ Nội vụ và UBND tỉnh theo quy định.

2. Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố căn cứ vào tình hình thực tiễn để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp, gửi báo cáo về Sở Nội vụ trước ngày 15 tháng 11 để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

Trên đây là Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTG ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan nghiêm túc thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nội vụ;
- TTTU, TTHĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT.UBND tỉnh;
- Ban Dân vận Tỉnh ủy;
- Ủy ban MTTQ VN tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, NC, CVP.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hương Giang

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 260/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chỉ thị 33/CT-TTg về tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới do tỉnh Bắc Ninh ban hành

  • Số hiệu: 260/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 29/04/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Ninh
  • Người ký: Nguyễn Hương Giang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/04/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản