Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN 8 | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 26/KH-UBND | Quận 8, ngày 28 tháng 02 năm 2014 |
KẾ HOẠCH
TỔ CHỨC CHIẾN DỊCH PHÒNG, CHỐNG BỆNH SỞI TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN 8 NĂM 2014
Trước tình hình bệnh sởi đang bùng phát ở một số tỉnh, thành phố trên cả nước và hiện đang tiếp tục gia tăng trên một số quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh trong đó Quận 8. Quận 8 có số ca mắc bệnh sởi đang gia tăng và có nguy cơ bùng phát dịch nếu không được khống chế kịp thời.
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ… Bệnh có thể gặp ở trẻ em, người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh, do chưa được tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm nhắc lại và có thể gây thành dịch. Bệnh Sởi gây chứng có thể gặp: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt và đôi khi viêm não, đặc biệt ở trẻ suy dinh dưỡng….
Để phòng, chống bệnh sởi, khống chế không để lây lan thành dịch lớn trong cộng đồng và trường học, Ủy ban nhân dân Quận 8 xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh sởi như sau:
I. MỤC TIÊU:
1. Mục tiêu chung:
- Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh Sởi trên toàn quận;
- Giảm tỷ lệ mắc và không để xảy ra vong do bệnh Sởi, khống chế kịp thời các ổ dịch, không để lây lan thành dịch lớn;
- Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, hóa chất, vật tư tiêu hao chống dịch.
2. Mục tiêu cụ thể:
- Huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia vào công tác truyền thông phòng, chống bệnh và vận động người dân đưa trẻ đi tiêm chủng Sởi;
- Khống chế các bệnh truyền nhiễm gây dịch, không để bùng phát trong cộng đồng và trường học
- Đảm bảo 100% các trường hợp nghi Sởi và các trường hợp mắc Sởi đều được phát hiện và xử lý kịp thời;
- Xử các ổ dịch Sởi hiệu quả và đúng qui định của ngành y tế;
- Trên 95% trẻ từ 9 đến 24 tháng được tiêm vét sởi mũi 1, mũi 2 và rà soát lại danh sách trẻ dưới 03 tuổi, tổ chức tiêm vét cho các trẻ chưa được tiêm Sởi đầy đủ.
- Đảm bảo chất lượng, an toàn tiêm chủng theo Quyết định số 3029/QĐ-BYT ngày 21/8/2013 của Bộ Y tế.
- Tăng cường năng lực, kỹ năng của hệ thống giám sát và kiểm soát dịch bệnh của hệ thống y tế cơ sở, đáp ứng kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch.
II. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG VÀ BIỆN PHÁP THỰC HIỆN:
1. Công tác tuyên truyền vận động:
- Thực hiện công tác tuyên truyền về phòng, chống bệnh Sởi trong hệ thống giáo dục và cộng đồng trên địa bàn toàn quận; Sởi là một bệnh lây lan rất nhanh, bệnh lây qua những giọt tiết của đường hô hấp khi bệnh nhân ho, hắt hơi. Thời gian lây bệnh cho người lành là giai đoạn viêm long hô hấp trên và thời kỳ phát ban. Để phòng ngừa bệnh hiệu quả người dân cần thực hiện tốt:
- Vệ sinh cá nhân:
+ Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh và người nghi bị bệnh.
+ Rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với người bệnh và người nghi bị bệnh.
+ Che miệng khi ho, hắt hơi.
- Dinh dưỡng hợp lý: uống nhiều nước hoa quả, ăn lỏng, đủ chất dinh dưỡng
- Khi bị bệnh, để tránh lây lan cho cộng đồng: trẻ em phải nghỉ học, người lớn phải nghỉ làm 7 ngày kể từ khi bắt đầu phát ban.
- Vệ sinh môi trường:
+ Tẩy trùng sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ, vật dụng của người bệnh bằng dung dịch cloramin B.
- Tiêm ngừa vắc-xin:
+ Trẻ từ 9 đến 18 tháng nếu chưa tiêm ngừa mũi 1; thì tiêm mũi 1 tại Trạm y tế;
+ Trẻ từ 18 đến 24 tháng nếu chưa tiêm mũi 2 thì sẽ tiêm ngừa mũi 2 tại Trạm y tế;
- Triển khai tuyên truyền vận động bằng nhiều hình thức; Truyền thông trực tiếp, truyền thông nhóm trong cộng đồng, trường học, nói chuyện dưới cờ...
- Phối hợp nhiều loại hình truyền thông gián tiếp: phát thanh trên hệ thống loa 16 phường, xe loa, phát tờ rơi.
- Truyền thông trực tiếp thông qua mạng lưới khu phố, tổ dân phố;
2. Công tác tập huấn:
- Tổ chức các lớp tập huấn về phòng, chống bệnh sởi cho giáo viên, bảo mẫu các trường Mầm non công, tư thục và các nhóm lớp; mạng lưới y tế các trường Tiểu học.
- Tổ chức tập huấn công tác điều tra trẻ cho các Tổ trưởng Tổ dân phố.
3. Công tác điều tra và lập danh sách trẻ:
- Tại cộng đồng: tiến hành điều tra, rà soát và lập danh sách toàn bộ trẻ sinh từ ngày 01/01/2012 đến tháng 30/06/2013 (kể cả trẻ tạm trú) gửi về Trạm y tế phường.
- Tại các trường Mầm non công tư thục và các nhóm trẻ: Lập danh sách trẻ sinh 01/01/2012 đến tháng 30/06/ 2013 gửi về Trạm y tế phường.
- Thời gian lập danh sách từ 01/03/2014 đến 10/03/2014.
(Danh sách thống kê trẻ đến đâu, gửi về Trạm y tế đến đó để tiến hành tiêm chủng).
4. Công tác tiêm chủng bổ sung:
- Tổ chức tiêm chủng tại các Trạm Y tế phường vào các buổi tiêm chủng; hoặc tiêm vào thứ 6, 7 hàng tuần (do Trung tâm Y tế dự phòng tổ chức).
- Bố trí nhân lực: Tại mỗi bàn tiêm chủng ít nhất có 2 cán bộ y tế đã được tập huấn về an toàn tiêm chủng;
- Rà soát các hoạt động sau mỗi cuối buổi tiêm để kịp thời điều chỉnh, đảm bảo không để sót đối tượng.
- Thời gian thực hiện: Từ tháng 2 đến tháng 4 năm 2014.
5. Công tác phát hiện sớm ca bệnh và xử lý ổ dịch:
- Tăng cường phát hiện sớm các trường hợp nghi sởi và các trường hợp mắc bệnh sởi tại các cơ sở y tế và cộng đồng, để cách ly và điều trị kịp thời;
- 100% các ổ dịch sởi đều được khoanh vùng và xử lý đúng qui trình, không để lây lan thành dịch lớn.
- Giám sát chặt chẽ các trường hợp tiếp xúc gần để phát hiện sớm, các lý điều trị tránh lây lan cho cộng đồng.
6. Công tác phát hiện sớm ca bệnh và xử lý ổ dịch:
- Tăng cường phát hiện sớm các trường hợp nghi sởi và các trường hợp mắc bệnh sởi tại các cơ sở y tế và cộng đồng, để cách ly và điều trị kịp thời;
- 100% các ổ dịch sởi đều được khoanh vùng và xử lý đúng qui trình, không để lây lan thành dịch lớn.
- Giám sát chặt chẽ các trường hợp tiếp xúc gần để phát hiện sớm, các lý điều trị tránh lây lan cho cộng đồng.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Giao Thành viên Ban Chỉ đạo:
- Theo dõi, giám sát hoạt động phòng, chống dịch bệnh ở phường được phân công phụ trách.
- Có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Y tế dự phòng Quận 8 và Phòng Y tế Quận 8 để giám sát, kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở hoạt động phòng, chống bệnh Sởi trên địa bàn được phân công, đặc biệt trong thực hiện chiến dịch tiêm bù Sởi;
2. Giao Trưởng Phòng Y tế Quận 8:
- Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Sởi năm 2014.
- Kiểm tra, giám sát, theo dõi hoạt động phòng, chống bệnh Sởi của các đơn vị, đề xuất, báo cáo thường xuyên tình hình dịch bệnh về Thường trực Ủy ban nhân dân quận để chỉ đạo kịp thời.
- Tăng cường chỉ đạo hệ thống y tế tư nhân tham gia phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ, đồng thời báo về Trạm Y tế phường, Trung tâm Y tế dự phòng Quận 8 hoặc báo trực tiếp qua email của phòng để kịp thời xử lý.
- Tham mưu văn bản chỉ đạo và tổng hợp số liệu kịp thời báo cáo khi có dịch phát sinh.
3. Giao Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Quận 8:
- Phối hợp chặt chẽ với Phòng Y tế Quận 8 và Bệnh viện Quận 8 để chủ động phòng, chống bệnh Sởi hiệu quả;
- Xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh Sởi và thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin phòng sởi đạt hiệu quả;
- Tăng cường giám sát, phát hiện ca bệnh sốt phát ban nghi Sởi/Rubella tại các cơ sở khám chữa bệnh và cộng đồng;
- Đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống bệnh sởi, đặc biệt những nơi dân cư biến động, địa bàn có nhiều khu nhà trọ, nơi có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin Sởi thấp;
- Cung cấp tài liệu truyền thông cho Ủy ban nhân dân 16 phường và các trường Mầm non công tư thục, nhóm trẻ trên địa bàn quận;
- Phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, tổ chức các buổi truyền thông, nói chuyện dưới cờ, tập huấn kiến thức phòng, chống bệnh sởi cho cán bộ nhân viên các trường Mầm non công tư thục, nhóm trẻ trên địa bàn quận;
- Điều tra tất cả các ca sốt phát ban nghi Sởi/Rubella trong vòng 48 giờ sau khi nhận được thông báo;
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các phường trong công tác tập huấn điều tra, điều tra trẻ trong độ tuổi tiêm ngừa Sởi và triển khai chiến dịch tiêm sởi;
- Tổ chức triển khai chiến dịch tiêm bù sởi cho trẻ đạt > 95%; Phối hợp với Bệnh viện Quận 8 tổ chức cấp cứu, phòng, chống sốc trong thời thời gian triển khai chiến dịch;
- Dự trù và cân đối hóa chất, vắc xin, vật tư tiêu hao đủ để chống dịch có hiệu quả;
- Báo cáo Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, thường trực Ủy ban nhân dân quận sau khi kết thúc chiến dịch 01 tuần.
4. Giao Giám đốc Bệnh viện Quận 8:
- Chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ thuốc, dịch truyền các loại, hóa chất khử trùng, trang bị bảo hộ cá nhân, phương tiện chuyên môn phục vụ công tác khám, chữa bệnh để tiếp nhận, cấp cứu, điều trị bệnh nhân bệnh nhân Sởi.
- Đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống bệnh Sởi tại bệnh viện và các phòng khám thuộc bệnh viện quản lý;
- Chỉ đạo các phòng khám, phòng cấp cứu, khoa điều trị, phát hiện ca bệnh và tiến hành điều trị, thông báo ca bệnh đến Trung tâm Y tế dự phòng Quận 8 để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh.
- Hỗ trợ Trung tâm y tế dự phòng Quận 8 công tác cấp cứu các trường hợp có phản ứng sau tiêm nặng, trong thời gian thực hiện tiêm ngừa vắc xin Sởi.
5. Giao Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 8:
- Tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh Sởi theo hướng dẫn chuyên môn của Trung tâm Y tế dự phòng Quận 8;
- Phối hợp Trung tâm Y tế dự phòng Quận 8 tổ chức tập huấn đội ngũ giáo viên về kiến thức phòng, chống bệnh Sởi; thực hiện các buổi buổi truyền thông cho phụ huynh tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo, tiểu học kể cả nhóm trẻ gia đình trong và ngoài công lập.
- Phối hợp Trung tâm Y tế dự phòng Quận 8 tuyên truyền giáo dục học sinh nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe bản thân, giữ gìn vệ sinh cá nhân, ăn uống hợp vệ sinh, rửa tay thường xuyên … để phòng ngừa bệnh Sởi;
- Chỉ đạo các trường học quản lý và báo cáo trường hợp học sinh nghỉ bệnh. Khi phát hiện bệnh hoặc nghi ngờ trẻ bệnh, Ban Giám hiệu phải báo cáo theo quy định.
- Chỉ đạo các trường Lập danh sách trẻ sinh 01/01/2012 đến 30/06/2013 gửi về Trạm y tế phường trước ngày 06/03/2014, phối hợp với ngành y tế triển khai thực hiện tốt tiêm chủng đủ mũi Sởi cho học sinh.
6. Giao Giám đốc Trung tâm Văn hóa Quận 8: Phối hợp Trung tâm Y tế dự phòng Quận 8, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, các loại hình tuyên truyền cổ động, các băng rôn, xe loa trong đợt chiến dịch theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Quận 8.
7. Giao Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch Quận 8: thẩm định và tham mưu Thường trực Ủy ban phê duyệt kinh phí phòng, chống dịch khi có dịch bùng phát trong cộng đồng.
8. Đề nghị Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể Quận 8: Căn cứ chức năng nhiệm vụ của đơn vị xây dựng kế hoạch giám sát và tuyên truyền vận động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân về việc chủ động tự phòng ngừa dịch bệnh Sởi đạt hiệu quả, vận động người dân đưa trẻ đi tiêm chủng Sởi.
9. Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân 16 phường:
- Xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh Sởi, cụ thể và phù hợp với tình hình địa bàn quản lý;
- Chỉ đạo Trạm y tế, các trường học, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội đóng trên địa bàn đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống bệnh sởi, đặc biệt những nơi dân cư biến động, địa bàn có nhiều khu nhà trọ, nơi có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin Sởi thấp, bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú; (Nội dung do Trung tâm y tế dự phòng Quận 8 cung cấp).
- Phát thanh trên hệ thống loa phường về các nội dung phòng, chống bệnh Sởi, chiến dịch tiêm sởi 2 lần mỗi ngày;
- Chỉ đạo Trạm y tế tổ chức tập huấn điều tra trẻ cho mạng lưới Tổ trưởng tổ dân phố.
- Chỉ đạo các khu phố, tổ dân phố điều tra, rà soát, lập danh sách tất cả các trẻ sinh 01/01/2012 đến 30/06/2013 (theo biểu mẫu của Trung tâm Y tế dự phòng Quận 8); Điều tra xong tổ nào thì gửi gấp danh sách tổ đó về Trạm y tế để tiến hành tiêm Sởi cho trẻ. Công tác điều tra trẻ kết thúc trước ngày 10/03/2014.
- Phân công trách nhiệm giám sát cho Ban Điều hành khu phố , Tổ dân phố và tuyên truyền vận động hộ gia có trẻ trong độ tuổi tiêm ngừa Sởi (chưa tiêm đủ) đưa trẻ ra trạm y tế tiêm ngừa vào các ngày tiêm chủng thường qui và trong chiến dịch.
- Tổ chức và triển khai hiệu quả các buổi tiêm chủng thường quy và chiến dịch tiêm bù Sởi tại Trạm y tế;
- Xử lý triệt để các trường hợp nghi sởi và bệnh Sởi, không để bùng phát thành dịch lớn.
IV. KINH PHÍ:
- Từ nguồn phòng, chống dịch của thành phố và Trung tâm Y tế dự phòng Quận 8 năm 2014.
- Kinh phí mời trẻ: Nguồn chống dịch của Ủy ban nhân dân phường.
V. CÔNG TÁC BÁO CÁO:
1. Các Trạm y tế thực hiện báo cáo về Trung tâm y tế dự phòng Quận 8 theo qui định;
2. Trung tâm Y tế dự phòng Quận 8 báo cáo Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, Ủy ban nhân dân Quận 8 ngày sau khi kết thúc chiến dịch và thường quy mỗi tháng/lần.
Trên đây là kế hoạch phòng, chống bệnh Sởi năm 2014 trên địa bàn quận. Ủy ban nhân dân Quận 8, đề nghị thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân 16 phường tổ chức thực hiện./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1Công văn 3841/SYT-NVY thực hiện Quyết định 4900/QĐ-BYT về tăng cường công tác điều trị phòng, chống bệnh sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết và bệnh dịch mới nổi năm 2014 do Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2Chỉ thị 17/CT-UBND năm 2014 tổ chức triển khai tiêm phòng vắc xin phòng chống bệnh sởi và rubella trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
- 3Kế hoạch 3034/KH-UBND năm 2018 triển khai hoạt động khẩn cấp phòng, chống dịch bệnh sởi trên địa bàn tỉnh Điện Biên
- 1Quyết định 3029/QĐ-BYT năm 2013 phê duyệt Kế hoạch tăng cường công tác an toàn tiêm chủng do Bộ Y tế ban hành
- 2Công văn 3841/SYT-NVY thực hiện Quyết định 4900/QĐ-BYT về tăng cường công tác điều trị phòng, chống bệnh sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết và bệnh dịch mới nổi năm 2014 do Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 3Chỉ thị 17/CT-UBND năm 2014 tổ chức triển khai tiêm phòng vắc xin phòng chống bệnh sởi và rubella trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
- 4Kế hoạch 3034/KH-UBND năm 2018 triển khai hoạt động khẩn cấp phòng, chống dịch bệnh sởi trên địa bàn tỉnh Điện Biên
Kế hoạch 26/KH-UBND về tổ chức chiến dịch phòng, chống bệnh sởi trên địa bàn Quận 8, thành phố Hồ Chí Minh năm 2014
- Số hiệu: 26/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 28/02/2014
- Nơi ban hành: Quận 8
- Người ký: Nguyễn Thị Ngọc Bích
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra