Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2584/KH-UBND

Bến Tre, ngày 10 tháng 06 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG CỬA HÀNG BÁN LẺ XĂNG DẦU TỈNH BẾN TRE GIAI ĐOẠN 2011-2020, TẦM NHÌN NĂM 2025

Để tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 107/QĐ-UBND ngày 21 tháng 01 năm 2013 của Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn năm 2025; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Nhằm đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu và định hướng quy hoạch đã đề ra, thiết lập hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu đảm bảo tính hợp lý giữa phát triển số lượng và quy mô, chú trọng đến yêu cầu tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, hiện đại hoá các trang thiết bị trong cửa hàng để phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng cho sản xuất, vận chuyển hàng hoá và phương tiện đi lại của nhân dân.

- Nhằm tổ chức thực hiện tốt các giải pháp của quy hoạch, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 góp phần thực hiện tốt việc phát triển cơ sở hạ tầng thương mại trên địa bàn, để phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của các đối tượng tiêu dùng trong xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu: Các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ để tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch có hiệu quả theo các giải pháp đã đề ra.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Nhiệm vụ:

- Tạo điều kiện để phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội, đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định hiện hành; khắc phục các tồn tại về mật độ phân bố cửa hàng, an toàn PCCC, bảo vệ hành lang an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.

- Xây dựng cửa hàng xăng dầu theo quy mô phù hợp từng cấp loại, công nghệ hiện đại, trang thiết bị tiên tiến. Nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ ngày càng tốt hơn cho người tiêu dùng và nâng cao hiệu quả kinh tế cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

- Đề xuất xử lý các cửa hàng xăng dầu cần phải di dời, nâng cấp, cải tạo đảm bảo đúng quy trình, quy định của pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hoạt động có hiệu quả.

2. Giải pháp:

a) Về vốn đầu tư:

- Cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân tự đầu tư và huy động vốn từ các thành phần kinh tế để đầu tư, mở rộng quy mô kinh doanh và hiện đại hoá trang thiết bị đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và thực hiện văn minh thương mại tại các cửa hàng xăng dầu.

- Đối với cửa hàng xăng dầu xây mới, các hạng mục công trình cơ bản phục vụ cho kinh doanh xăng dầu như: Hệ thống bồn, bể chứa; trụ bơm; văn phòng; hệ thống PCCC; xử lý môi trường; nhà vệ sinh công cộng... phải hoàn thành trước khi đưa vào sử dụng. Các hạng mục khác như: Xưởng sửa chữa, nơi vệ sinh phương tiện, cửa hàng ăn uống,… tuỳ theo nhu cầu, chủ đầu tư lựa chọn thời điểm để xây dựng cho phù hợp tránh lãng phí vốn đầu tư.

b) Về bố trí địa điểm, diện tích xây dựng cửa hàng xăng dầu mới:

* Về xác định địa điểm: Địa điểm quy hoạch chỉ xác định số lượng cửa hàng và địa chỉ đến khu phố, ấp. Do đó, khi thương nhân có nhu cầu đầu tư xây dựng cửa hàng trong khu vực có quy hoạch thì Phòng Kinh tế và Hạ tầng/Kinh tế huyện, thành phố tiến hành khảo sát, tham khảo ý kiến Sở Giao thông vận tải (đối với các tuyến đường thuộc Sở Giao thông vận tải quản lý) trước khi báo cáo UBND huyện, thành phố xem xét, có ý kiến và chuyển về Sở Công Thương. Sở Công Thương căn cứ quy hoạch và các quy định hiện hành, nếu đủ điều kiện thì có văn bản chấp thuận cho thương nhân đầu tư.

Trường hợp có nhiều người cùng đăng ký đầu tư cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại một địa chỉ quy hoạch (ấp, khu phố) thì ưu tiên theo thứ tự sau:

- Cửa hàng thuộc diện phải giải toả di dời từ nơi khác đến;

- Khoảng cách đến cửa hàng đã có lớn nhất;

- Người có văn bản đăng ký trước;

- Không mở cửa hàng mới trong cùng một ấp, khu phố với cửa hàng xăng dầu hiện hữu.

Sau khi được chấp thuận địa điểm xây dựng cửa hàng xăng dầu, chủ đầu tư phải khởi công xây dựng trong thời gian 6 tháng (180 ngày) và đưa vào sử dụng sau 9 tháng (270 ngày); quá thời gian này Sở Công Thương sẽ huỷ bỏ địa điểm quy hoạch.

* Về diện tích các cửa hàng xăng dầu mới: Tổng diện tích sử dụng đất ít nhất 3.500m2 đối với cửa hàng loại 1, 2.400m2 đối với cửa hàng loại 2, 1.200m2 đối với cửa hàng loại 3. Chủ đầu tư được co giãn số đo mặt tiền và chiều sâu tối đa 10% tổng diện tích đất sử dụng.

c) Xử lý đối với những cửa hàng phải giải toả di dời, nâng cấp cải tạo:

- Những cửa hàng phải nâng cấp, cải tạo: Cần kiểm tra, xác định lại các hạng mục phải nâng cấp, cải tạo để đến ngày 01/01/2016 tất cả các cửa hàng xăng dầu phải đảm bảo diện tích, tiêu chuẩn theo quy định, cụ thể như sau:

+ Cửa hàng xăng dầu ở các đô thị (các phường thuộc thành phố và thị trấn các huyện): Các cửa hàng có diện tích dưới 300m2 (không đảm bảo tiêu chuẩn quy định) cho phép tồn tại đến ngày 31/12/2015 nhưng phải đảm bảo quy định về PCCC và vệ sinh môi trường, đồng thời phải tiến hành nâng cấp mở rộng diện tích cho đạt chuẩn theo quy chuẩn 07:2010/BXD. Đối với cửa hàng có diện tích từ 300m2 trở lên được tiếp tục kinh doanh, các cửa hàng này phải xây dựng tường ngăn cháy có bậc chịu lửa theo quy định PCCC và đảm bảo về môi trường.

+ Cửa hàng xăng dầu ngoài đô thị (QL.57, QL.60 và các tuyến đường khác): Các cửa hàng có tổng diện tích từ 300m2 đến dưới 1.000m2 (không đảm bảo tiêu chuẩn quy định) được tiếp tục kinh doanh đến ngày 31/12/2015 nhưng phải đảm bảo các yêu cầu về PCCC và môi trường, đồng thời phải từng bước mở rộng mặt bằng để đạt chuẩn theo quy chuẩn 07:2010/BXD.

d) Về công nghệ, môi trường và đảm bảo an toàn cửa hàng bán lẻ xăng dầu:

* Về công nghệ: Các cửa hàng xăng dầu phải đầu tư tự đổi mới thiết bị công nghệ đảm bảo an toàn, thuận tiện trong kinh doanh, đảm bảo quyền lợi của khách hàng; thiết bị phải đáp ứng yêu cầu kinh doanh, quản lý.

* Về xây dựng:

- Cửa hàng xăng dầu loại 1: Phải có đầy đủ các chức năng của một trạm dịch vụ xăng dầu tổng hợp.

- Cửa hàng xăng dầu loại 2: Chức năng của cửa hàng xăng dầu này là cung cấp các sản phẩm xăng dầu, hàng hoá nhu yếu phẩm và dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa phương tiện.

- Cửa hàng xăng dầu loại 3: Chức năng của cửa hàng này là cung cấp các loại xăng dầu và có thể kinh doanh chai khí dầu mỏ hoá lỏng.

* Về cấp điện: Đối với những nơi chưa có lưới điện quốc gia có thể sử dụng máy phát điện để vận hành các cột đo nhiên liệu của cửa hàng. Tất cả các cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải trang bị máy phát điện để sử dụng trong trường hợp cúp điện. Máy phát điện sử dụng phải đủ công suất để vận hành các cột đo nhiên liệu.

* Về cấp nước: Một số cửa hàng nằm xa khu dân cư, không có hệ thống cấp nước chung phải sử dụng nguồn nước từ các giếng nước ngầm.

* Về thoát nước và vệ sinh môi trường: Các cửa hàng xăng dầu phải có hố ga thu gom nước thải nhiễm xăng dầu và xử lý trước khi đưa ra môi trường đạt tiêu chuẩn: TCVN 5945-1995; khi nhập nhiên liệu, hơi xăng dầu được thoát ra theo hệ thống van thở cao từ 3,5m-4m, đảm bảo an toàn trong quá trình giao nhận.

* Về an toàn PCC: Các cửa hàng xăng dầu phải được trang bị phương tiện, dụng cụ chữa cháy và được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện PCCC theo quy định; cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp kinh doanh phải được đào tạo nghiệp vụ về kỹ thuật an toàn PCCC theo quy định hiện hành.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Công Thương:

- Công khai số lượng, địa điểm dự kiến phát triển cửa hàng mới.

- Phối hợp với các sở, ngành tiến hành kiểm tra, xác định và thông báo cho những cửa hàng chưa đảm bảo các điều kiện kinh doanh về thời gian để khắc phục, điều chỉnh cho phù hợp quy hoạch.

- Công khai thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng cửa hàng bán lẻ xăng dầu phù hợp với quy hoạch và các quy định hiện hành trên cơ sở ý kiến của UBND các huyện, thành phố.

- Trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch, nếu xét thấy cần thiết điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương có liên quan để thống nhất ý kiến trước khi trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt nhằm đảm bảo tính pháp lý và đồng bộ trong quá trình thực hiện quy hoạch.

- Chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan đề xuất với UBND tỉnh giải quyết các cửa hàng xăng dầu cần di dời, nâng cấp cải tạo theo lộ trình của quy hoạch và tổ chức hậu kiểm sau khi thực hiện việc di dời, nâng cấp.

- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi kinh doanh xăng dầu vi phạm các quy định của pháp luật.

- Định kỳ hàng năm có tổng hợp báo cáo kết quả triển khai thực hiện về UBND tỉnh để theo dõi chỉ đạo.

2. Sở Xây dựng: Hướng dẫn thương nhân kinh doanh xăng dầu lập thủ tục cấp phép xây dựng theo quy hoạch, quy chuẩn 07:2010/BXD, thẩm định thiết kế các hạng mục công trình và thực hiện công tác quản lý nhà nước có liên quan đến việc xây dựng cửa hàng bán lẻ xăng dầu theo quy định hiện hành.

3. Sở Giao thông vận tải:

- Đối với tuyến đường bộ: Sở Giao thông vận tải có văn bản hướng dẫn, thống nhất với chủ đầu tư khi thực hiện đấu nối vào các tuyến do Sở quản lý trước khi lập thủ tục cấp giấy phép xây dựng và cấp giấy phép thi công tại các vị trí phần đấu nối này.

- Đối với tuyến đường thuỷ: Sở Giao thông vận tải xem xét cấp phép hoạt động cảng, bến thuỷ nội địa cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu phục vụ giao thông đường thuỷ nội địa.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường: Phối hợp với các địa phương, xem xét bố trí quỹ đất để xây dựng cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên phạm vi toàn tỉnh; thực hiện công tác quản lý về bảo vệ môi trường tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu theo quy định.

5. Sở Khoa học và Công nghệ: Thực hiện tốt việc kiểm định cột đo nhiên liệu; phối hợp với các ngành thường xuyên kiểm tra đo lường, chất lượng, nhãn hàng hoá trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.

6. Phòng Cảnh sát PCCC: Thoả thuận thiết kế xây dựng, nghiệm thu thiết kế hệ thống PCCC đối với các cửa hàng đã được cấp phép xây dựng; thực hiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện PCCC cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu theo quy định; tổ chức tập huấn nghiệp vụ về kỹ thuật an toàn PCCC cho cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp kinh doanh xăng dầu; thường xuyên phối hợp với các ngành có liên quan kiểm tra an toàn PCCC đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

7. UBND các huyện, thành phố:

- Có ý kiến về các trường hợp mở mới cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong khu vực có quy hoạch và chuyển về Sở Công Thương để xem xét.

- Theo dõi tình hình phát triển cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn; thường xuyên báo cáo về Sở Công Thương tình hình hoạt động kinh doanh xăng dầu và thực hiện quy hoạch trên địa bàn huyện, thành phố.

- Phối hợp với Sở Công Thương và các ngành chức năng của tỉnh xử lý hoặc đề xuất với UBND tỉnh các biện pháp xử lý đối với những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện và quản lý quy hoạch.

Trên đây là Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu tỉnh giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn năm 2025; yêu cầu các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được phân công triển khai thực hiện tốt Kế hoạch này; định kỳ hàng năm báo cáo tình hình thực hiện về Sở Công Thương để tổng hợp báo cáo về UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc báo cáo kịp thời về UBND tỉnh để xem xét giải quyết./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Trần Anh Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 2584/KH-UBND năm 2013 thực hiện Quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn năm 2025

  • Số hiệu: 2584/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 10/06/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
  • Người ký: Trần Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/06/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản