Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 249/KH-UBND | Tiền Giang, ngày 12 tháng 9 năm 2017 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1058/QĐ-TTG NGÀY 19/7/2017 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “CƠ CẤU LẠI HỆ THỐNG CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG GẮN VỚI XỬ LÝ NỢ XẤU GIAI ĐOẠN 2016 - 2020”
Căn cứ Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020”, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU
- Triển khai thực hiện đồng bộ và nghiêm túc Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020”;
- Để thực hiện nhiệm vụ được giao trong phạm vi, chức năng quản lý trên địa bàn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ;
- Để hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn hoạt động an toàn, hiệu quả, góp phần tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế địa phương;
- Để có số lượng các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn phù hợp, có quy mô và uy tín, hoạt động lành mạnh, bảo đảm tính thanh khoản. Nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển sản xuất kinh doanh, từng bước xử lý và kiềm chế nợ xấu gắn với thúc đẩy đầu tư, thương mại, tiêu dùng hỗ trợ thị trường phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu ổn định kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
II. NỘI DUNG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện một số công việc sau:
1. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tiền Giang:
- Tổ chức triển khai thực hiện tốt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020” theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Chủ động nghiên cứu, chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực hiện tốt cơ chế chính sách về tiền tệ, tín dụng và lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, tập trung vốn mở rộng tín dụng và kiểm soát chất lượng tín dụng, đặc biệt là đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu vốn đối với các lĩnh vực ưu tiên: nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao;
- Chỉ đạo các Ngân hàng thương mại (NHTM) và các Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn tích cực triển khai các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực theo chủ trương của Chính phủ. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành có liên quan trên địa bàn để tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai các chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực, góp phần tăng trưởng tín dụng đi đối với nâng cao chất lượng tín dụng;
- Chỉ đạo các NHTM và QTDND rà soát, đánh giá lại nợ xấu; phân loại nợ, đối tượng vay vốn và các loại tài sản đảm bảo, đánh giá thực trạng tài sản đảm bảo, nguồn gốc pháp lý, giá trị thị trường, khả năng thanh khoản của các tài sản này để tham mưu giải pháp xử lý phù hợp với từng khoản nợ xấu;
- Chỉ đạo các NHTM và QTDND tiếp tục cơ cấu lại nợ gắn với xử lý nợ xấu để hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận được vốn vay phục vụ sản xuất, kinh doanh, đồng thời triển khai các giải pháp hạn chế nợ xấu phát sinh trong tương lai. Thanh tra, kiểm tra và giám sát chặt chẽ việc cơ cấu lại nợ gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD trên địa bàn nhằm hạn chế phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng;
- Chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí, tích cực phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý nợ xấu thông qua sử dụng dự phòng rủi ro, bán nợ, xử lý tài sản bảo đảm;
- Chỉ đạo các Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn xây dựng Phương án Cơ cấu lại quỹ tín dụng nhân dân gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2017 - 2020 và phê duyệt Phương án do các Quỹ tín dụng nhân dân xây dựng đúng theo thời hạn quy định. Đặc biệt là theo dõi và quản lý chặt chẽ đối với QTDND đang trong quá trình cơ cấu lại;
- Triển khai kịp thời các quy định của Nhà nước, của ngành về lãi suất huy động, lãi suất cho vay, các lĩnh vực được ưu tiên về vốn và lãi suất để các doanh nghiệp tiếp cận vốn;
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng trên địa bàn trong việc chấp hành quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về cấp tín dụng, lãi suất huy động, lãi suất cho vay và quản lý hoạt động kinh doanh vàng trên địa bàn... phân tích, đánh giá và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để có hướng chỉ đạo, xử lý, đảm bảo hoạt động ngân hàng trên địa bàn an toàn, ổn định và phát triển;
- Phối hợp các sở, ban, ngành, huyện, thành phố, thị xã, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh để nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội và hoạt động ngân hàng, báo cáo, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các biện pháp quản lý hoạt động, mạng lưới ngân hàng;
- Chủ động phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội, các sở, ban, ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh để tuyên truyền, phổ biến, giải đáp các thắc mắc liên quan đến các giải pháp về tiền tệ, hoạt động ngân hàng đúng theo chỉ đạo của Chính phủ tại các Nghị quyết, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Thống đốc NHNN, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn.
2. Sở Tài chính:
- Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tiền Giang, các sở, ngành có liên quan và các doanh nghiệp nhà nước xây dựng phương án xử lý dứt điểm các khoản nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý;
- Phối hợp, tham mưu cho Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tỉnh hướng dẫn các doanh nghiệp nhà nước có sở hữu cổ phần, vốn góp tại các tổ chức tín dụng đẩy nhanh tiến độ thoái vốn theo đúng lộ trình đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã nghiên cứu, tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các giải pháp đẩy mạnh đầu tư và chi tiêu công cho các mục đích phát triển kinh tế - xã hội bền vững; đôn đốc các chủ đầu tư sớm triển khai kế hoạch, hoàn tất các thủ tục đầu tư, nghiệm thu khối lượng hoàn thành để có đủ điều kiện thanh toán theo quy định; kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch của các chủ đầu tư, khắc phục tình trạng chậm trễ trong việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư, đấu thầu, nghiệm thu, thanh toán vốn; tổ chức kiểm tra đánh giá tiến độ thi công, giải ngân của các dự án, nhất là đối với vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia. Rà soát, khắc phục và không để phát sinh nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản;
- Chủ trì, phối hợp Sở Công Thương đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hóa cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa;
- Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thẩm định dự án đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư; hướng dẫn, tạo mọi thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi đến làm thủ tục;
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương nghiên cứu, xây dựng lộ trình và bố trí nguồn xử lý các khoản nợ xấu liên quan đến nợ đọng xây dựng cơ bản có nguồn vốn từ ngân sách địa phương, nợ xấu từ hoạt động cho vay theo các chương trình dự án, chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, khoản nợ được Chính phủ bảo lãnh.
4. Cục Thi hành án dân sự tỉnh:
Chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan thi hành án các huyện, thành phố, thị xã phối hợp, hỗ trợ các TCTD trong quá trình thi hành bản án, quyết định của Tòa án về xử lý tài sản đảm bảo; rà soát, tổng hợp các bản án, quyết định có hiệu lực thi hành của Tòa án chưa được thi hành hoặc đang được thi hành dở dang, đẩy nhanh thi hành án các vụ án còn tồn đọng.
5. Công an tỉnh:
- Phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tiền Giang, sở, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan trong việc phòng ngừa đẩy nhanh tiến độ và xử lý dứt điểm các vụ án có liên quan đến hoạt động ngân hàng và thi hành các vụ án dân sự để tạo điều kiện cho các ngân hàng và QTDND trên địa bàn tỉnh thu hồi nợ, giảm nợ xấu và mở rộng tín dụng phục vụ phát triển kinh tế của tỉnh;
- Phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tiền Giang, sở, ban, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan trong việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Hỗ trợ các tổ chức tín dụng đảm bảo an ninh trật tự trong việc thu giữ, xử lý tài sản đảm bảo để thu nợ.
6. Sở Thông tin và Truyền thông; Báo Ấp Bắc, Đài Phát thanh Truyền hình Tiền Giang:
Phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tiền Giang và các sở, ban, ngành có liên quan trong công tác chỉ đạo, cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu; có kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền thông tin đầy đủ, kịp thời các chủ trương chính sách, đặc biệt là chủ trương hỗ trợ về thuế, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
7. Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi quy định tại Luật đất đai để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về nhận thế chấp quyền sử dụng đất của các tổ chức không phải là tổ chức tín dụng;
- Thực hiện lộ trình cập nhật và công khai thông tin các giao dịch về quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trên hệ thống thông tin điện tử của cơ quan tài nguyên môi trường để các bên nắm bắt. Trường hợp chưa xây dựng xong cơ sở dữ liệu đất đai, việc cung cấp thông tin về thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất được thực hiện theo quy định hiện hành về cung cấp thông tin;
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo quy định;
- Chỉ đạo các cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản có trách nhiệm thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho bên mua, bên nhận chuyển nhượng tài sản đảm bảo các khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng nhanh chóng, kịp thời.
8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã:
Phối hợp các sở, ngành tỉnh quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn trong sản xuất kinh doanh; tạo điều kiện cho các ngân hàng và QTDND trên địa bàn tỉnh thu hồi nợ, giảm nợ xấu và mở rộng tín dụng phục vụ phát triển kinh tế địa phương. Hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong quá trình thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu theo quy định.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
- Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung triển khai thực hiện tốt Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch này. Định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm, báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện về Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tiền Giang để tổng hợp. Cụ thể như sau:
+ Báo cáo Quý I: trước ngày 05 tháng 3;
+ Báo cáo 06 tháng: trước ngày 18 tháng 5;
+ Báo cáo Quý III: trước ngày 05 tháng 9;
+ Báo cáo năm: trước ngày 18 tháng 11.
- Giao Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tiền Giang làm đầu mối, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tiến hành sơ kết, đánh giá tình hình triển khai thực hiện theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch này; định kỳ tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình, kết quả triển khai thực hiện trước ngày 01/6 và 30/11 hàng năm, đồng thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 2377/QĐ-UBND năm 2017 thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” trên địa bàn tỉnh Bình Dương
- 2Quyết định 1737/QĐ-UBND năm 2017 về Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
- 3Kế hoạch 338/KH-UBND năm 2017 về thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
- 4Kế hoạch 294/KH-UBND năm 2017 về thực hiện Quyết định 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Lào Cai
- 1Luật đất đai 2013
- 2Quyết định 1058/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 2377/QĐ-UBND năm 2017 thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” trên địa bàn tỉnh Bình Dương
- 4Quyết định 1737/QĐ-UBND năm 2017 về Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
- 5Kế hoạch 338/KH-UBND năm 2017 về thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
- 6Kế hoạch 294/KH-UBND năm 2017 về thực hiện Quyết định 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Kế hoạch 249/KH-UBND năm 2017 về thực hiện Quyết định 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 do tỉnh Tiền Giang ban hành
- Số hiệu: 249/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 12/09/2017
- Nơi ban hành: Tỉnh Tiền Giang
- Người ký: Lê Văn Nghĩa
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra