Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 245/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 03 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 07/2020/NQ-HĐND NGÀY 10 THÁNG 7 NĂM 2020 CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ LIÊN KẾT SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP, GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND ngày 10 tháng 7 năm 2020 của Hội đồng nhân dân thành phố quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND ngày 10 tháng 7 năm 2020, giai đoạn 2021- 2025, với nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp thông qua liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định phục vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

- Phát huy vai trò của các tổ chức nông dân, Hợp tác xã nông nghiệp, trang trại, doanh nghiệp trong liên kết, hợp tác; hỗ trợ thành viên tham gia liên kết về kỹ năng sản xuất, năng lực cạnh tranh, nâng cao thu nhập... góp phần đẩy mạnh việc hình thành và phát triển các chuỗi ngành hàng nông sản chủ lực của thành phố.

2. Mục tiêu cụ thể

- Thông tin, tuyên truyền, quán triệt đầy đủ nội dung của Nghị định số 98/2018/NĐ-CP và Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đồng thời tư vấn, hỗ trợ các bên tham gia thực hiện đúng hợp đồng liên kết theo quy định.

- Hỗ trợ phát triển, xây dựng 15 dự án/kế hoạch liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố.

- 100% thành viên tham gia liên kết được đào tạo, tập huấn kỹ thuật sản xuất, năng lực quản lý; cam kết tuân thủ đúng quy trình sản xuất, sản phẩm đưa ra thị trường đạt yêu cầu chất lượng.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Công tác tuyên truyền

- Thường xuyên tuyên truyền giới thiệu về các chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho người sản xuất, hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để hướng đến phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia liên kết.

- Tổ chức Hội nghị, Hội thảo chuyên đề về giải pháp thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

- Biên soạn, phát hành tài liệu tuyên truyền về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…

2. Phát triển nguồn nhân lực, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất

- Liên kết đào tạo, tập huấn, chuyển giao kiến thức về kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn, kỹ năng quản lý sản xuất, tiếp cận thị trường…

- Ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ. Từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật cho vùng sản xuất và các khâu sơ chế, đóng gói, chế biến sản phẩm nhằm tăng giá trị sản phẩm.

3. Thực hiện chính sách hỗ trợ dự án/kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm

a) Nội dung, mức hỗ trợ liên kết

- Hỗ trợ chi phí tư vấn, xây dựng liên kết: Chủ trì liên kết được hỗ trợ 100% chi phí (tối đa không quá 300 triệu đồng): Tư vấn, nghiên cứu để xây dựng hợp đồng liên kết, dự án liên kết, phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường.

- Hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết: dự án liên kết được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị, xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết bao gồm: nhà xưởng, bến bãi, kho phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông. Tổng mức hỗ trợ không quá 10 tỷ đồng.

- Hỗ trợ khuyến nông, đào tạo, tập huấn, giống, vật tư, bao bì và nhãn mác sản phẩm (không bao gồm chi phí đăng ký sở hữu trí tuệ):

Xây dựng mô hình khuyến nông ( hỗ trợ 50% chi phí về giống, thiết bị, vật tư thiết yếu để xây dựng mô hình trình diễn; 40% tổng kinh phí thực hiện mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; 100% chi phí chứng nhận cơ sở sản xuất thực phẩm an toàn, cơ sở an toàn dịch bệnh khi tham gia xây dựng mô hình theo quy định hiện hành (đối với tất cả các loại mô hình).

Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn (được hỗ trợ theo Nghị quyết số 12/2015/NQ-HĐND và các quy định khác có liên quan).

Tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ quản lý, kỹ thuật sản xuất, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường (hỗ trợ 100% kinh phí tổ chức lớp đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân sản xuất nông sản theo hợp đồng hoặc dự án liên kết và người tham dự tập huấn, bao gồm chi phí về tài liệu, ăn, ở, đi lại, thuê hội trường, thù lao giảng viên, nhưng không quá 40 triệu đồng/lớp).

Hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm (hỗ trợ 50% chi phí về giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm không quá 03 vụ hoặc 03 chu kỳ sản xuất, khai thác sản phẩm thông qua các dịch vụ tập trung của hợp tác xã).

Hỗ trợ 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi.

b) Phương thức hỗ trợ

Chính sách được thực hiện theo phương thức hỗ trợ sau đầu tư.

4. Các hoạt động khác

Hoạt động của Hội đồng thẩm định, tổ thẩm định các dự án/kế hoạch liên kết; tổ chức đoàn đi học tập, trao đổi kinh nghiệm tại các địa phương về công tác triển khai thực hiện, các mô hình có hiệu quả trong thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Định kỳ, đột xuất tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát, nghiệm thu dự án/kế hoạch liên kết sản xuất.

Tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá vào cuối giai đoạn.

III. TRÌNH TỰ THỰC HIỆN HỖ TRỢ LIÊN KẾT SẢN XUẤT

1. Đề xuất dự án/kế hoạch liên kết

Chủ trì liên kết (quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định số 98/2018/NĐ-CP) đề xuất dự án/kế hoạch liên kết và gửi về:

a) Ủy ban nhân dân quận, huyện đối với dự án/kế hoạch liên kết thực hiện trên địa bàn 01(một) quận, huyện.

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với dự án/kế hoạch liên kết thực hiện trên địa bàn 02 (hai) quận, huyện trở lên.

2. Tổng hợp danh mục đề xuất dự án/kế hoạch

Hàng năm, Ủy ban nhân dân quận, huyện tổng hợp và gửi danh mục đề xuất về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét và trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt danh mục dự án/kế hoạch liên kết (thực hiện trước ngày 30/7 hàng năm).

Sau khi được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt danh mục, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Phòng Kinh tế triển khai, hướng dẫn chủ trì liên kết lập dự án/kế hoạch liên kết theo quy định.

3. Lập dự án/kế hoạch liên kết

Sau khi được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt danh mục dự án/kế hoạch liên kết, Chủ trì liên kết tiến hành lựa chọn tổ chức/cá nhân có đủ năng lực chuyên môn, kinh nghiệm tư vấn để xây dựng dự án/kế hoạch liên kết.

Nội dung và mức chi theo quy định tại Thông tư số 109/2016/TT-BTC, Thông tư số 194/2012/TT-BTC, Thông tư số 40/2017/TT-BTC, Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 07 tháng 7 năm 2017 của Hội đồng nhân dân thành phố).

4. Tiếp nhận và thẩm định dự án/kế hoạch liên kết: Thực hiện theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

5. Triển khai thực hiện và thanh, quyết toán

Cơ quan quản lý dự án: Là cơ quan nhà nước được cấp thẩm quyền phê duyệt dự án/kế hoạch giao quản lý dự án tại quyết định phê duyệt dự án. Được giao tiếp nhận nguồn kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ cho liên kết; có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn triển khai, tham gia nghiệm thu, báo cáo tiến độ và thực hiện thanh, quyết toán nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ theo đúng quy định.

Dự án/kế hoạch liên kết thực hiện trên địa bàn 01 quận, huyện có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng, cơ quan chuyên môn quận, huyện là cơ quan quản lý dự án; dự án thực hiện trên địa bàn 02 quận, huyện trở lên hoặc có tổng mức đầu tư từ 15 tỷ đồng trở lên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan quản lý dự án.

a) Ký hợp đồng cam kết thực hiện dự án

Cơ quan quản lý dự án tiến hành ký hợp đồng cam kết triển khai dự án với chủ trì liên kết. Hợp đồng nêu đầy đủ các nội dung đã được phê duyệt, trách nhiệm, nghĩa vụ của 02 bên và tiến độ thực hiện, thời gian hoàn thành dự án; cam kết khi kết thúc dự án, giải pháp xử lý rủi ro trong quá trình thực hiện, phương thức lưu hồ sơ thanh, quyết toán dự án/kế hoạch...

b) Lập thủ tục đấu thầu

- Đối với các dự án/kế hoạch liên kết sử dụng vốn ngân sách nhà nước từ 30% trở lên thì bắt buộc phải thực hiện các thủ tục đấu thầu (quy định tại khoản 1 Điều 1 Luật Đấu thầu).

Chủ trì liên kết căn cứ Luật Đấu thầu 2013, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ, Thông tư số 10/2015/TT-BKH-ĐT ngày 26 tháng 10 năm 2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập Dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định.

- Đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước dưới 30% vốn đầu tư thì Chủ trì liên kết căn cứ vào Luật đấu thầu để thực hiện thủ tục chỉ định thầu với các gói thầu nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.

c) Tổ chức thực hiện và thanh, quyết toán

- Chủ trì liên kết: Căn cứ Kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt, các quy định của Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu… và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành khác triển khai thực hiện dự án/kế hoạch liên kết.

Đối với hỗ trợ công trình hạ tầng phục vụ liên kết (nguồn vốn đầu tư): thực hiện theo Luật đầu tư công và các quy định hiện hành, việc thẩm định thiết kế cơ sở của công trình hạ tầng thực hiện theo điểm b khoản 4 Điều 57 Luật Xây dựng.

Đối với nội dung hỗ trợ (nguồn vốn sự nghiệp): mô hình khuyến nông, đào tạo, tập huấn, giống, vật tư, bao bì, nhãn mác, chuyển giao khoa học kỹ thuật...: Trên cơ sở dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt (nếu có), chủ trì liên kết tiến hành thực hiện theo đúng quy định.

Nội dung chi và mức chi: mô hình khuyến nông, tập huấn, giống, vật tư, bao bì... theo Nghị quyết số 08/2020/NQ-HĐND ngày 10 tháng 7 năm 2020, Thông tư số

44/2018/TT-BTC, Thông tư số 285/2016/TT-BTC, các quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về định mức kinh tế kỹ thuật; đào tạo nghề nông nghiệp: theo Thông tư số 152/2016/TT-BTC, Thông tư số 40/2019/TT-BTC, Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thanh quyết toán: chủ trì liên kết sau khi hoàn thành nội dung hỗ trợ, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ thanh toán, có văn bản đề nghị nghiệm thu, thanh quyết toán gửi cơ quan quản lý dự án (hồ sơ, chứng từ, hóa đơn thanh toán chi phí hỗ trợ phải hợp lệ, đảm bảo đúng quy tắc tài chính quy định).

Đối với công trình hạ tầng: sau khi hoàn thành công trình đưa vào sử dụng; chủ trì liên kết, tổng hợp hồ sơ và lập thủ tục đề nghị cơ quan quản lý dự án thanh toán. Cơ quan quản lý dự án lập thủ tục thanh toán theo hướng dẫn tại Thông tư số 10/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính gửi cơ quan Tài chính thẩm định và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quyết toán, sau khi được phê duyệt cơ quan quản lý dự án tiến hành thanh toán cho chủ trì liên kết.

Đối với nguồn vốn sự nghiệp: sau khi hoàn thành công việc theo chu kỳ sản xuất, theo năm kế hoạch, chủ trì liên kết tổng hợp hồ sơ chứng từ và đề nghị cơ quan quản lý dự án thanh quyết toán (trước ngày 15/12 của năm ngân sách).

Cơ quan quản lý dự án:

- Thanh toán: sau khi nhận được đề nghị nghiệm thu và thanh toán hỗ trợ của chủ trì liên kết; cơ quan quản lý dự án tiến hành nghiệm thu thực tế các hạng mục và lập hồ sơ thanh, quyết toán theo quy định.

Nghiệm thu khối lượng công việc theo chu kỳ sản xuất, năm kế hoạch cơ quan quản lý dự án thực hiện.

Nghiệm thu kết thúc dự án/kế hoạch liên kết: cơ quan quản lý dự án thành lập Hội đồng nghiệm thu và tổ chức nghiệm thu, bàn giao theo quy định.

- Quyết toán: cơ quan quản lý dự án có trách nhiệm đối chiếu và lập Báo cáo quyết toán với cơ quan quản lý tài chính theo quy định hiện hành.

d) Quản lý, khai thác sử dụng công trình, sở hữu và sử dụng công trình sau bàn nghiệm thu và bàn giao:

Việc nghiệm thu, bàn giao và quản lý khai thác sử dụng công trình của Dự án liên kết được thực hiện theo quy định tại Điều 123, 124 Luật Xây dựng, các Điều 30, 31, 32, 33, 34, 35 của Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2015 về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành khác.

Công trình nghiệm thu xong được bàn giao cho chủ trì liên kết. Việc khai thác, sử dụng công trình phải được thực hiện theo hợp đồng liên kết đã được ký kết giữa các bên tham gia liên kết.

đ) Lưu giữ hồ sơ:

- Chủ trì liên kết lưu giữ đầy đủ hồ sơ gốc của dự án/kế hoạch liên kết và có trách nhiệm cung cấp đầy đủ khi có yêu cầu của cơ quan có liên quan.

- Cơ quan quản lý dự án: lưu giữ bản sao hồ sơ của dự án/kế hoạch liên kết.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Tổng kinh phí dự kiến giai đoạn 2021 - 2025: 284.240 triệu đồng, trong đó:

- Ngân sách nhà nước hỗ trợ: 103.780 triệu đồng (chiếm 36%)

- Vốn đối ứng của các bên tham gia dự án: 180.460 triệu đồng (chiếm 64%)

(Chi tiết xem phụ lục - đính kèm)

V. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Công tác tuyên truyền: thông qua các lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo... lồng ghép tuyên truyền rộng rãi đến người dân, doanh nghiệp các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Tổ chức các buổi gặp gỡ mời gọi các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế có năng lực tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng, đồng thời chọn những doanh nghiệp có đủ năng lực (tài chính để tạm ứng trước vốn, vật tư, hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ) có thị trường tiêu thụ ổn định; đồng thời, có đủ năng lực tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh và thu mua sản phẩm cho nông dân đảm bảo người dân và doanh nghiệp đều có lợi.

2. Nâng cao năng lực cho các tổ chức nông dân hợp tác, chủ cơ sở ngành nghề nông thôn, trang trại, nông dân,... về năng lực quản trị, tiếp cận và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng lực về thông tin, thương mại, thị trường... để tham gia liên kết có hiệu quả.

3. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp: hỗ trợ chính sách theo quy định tại Nghị quyết 07/2020/NQ-HĐND; bên cạnh đó, các sở, ngành tiếp tục rà soát, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố điều chỉnh các chính sách đã có phù hợp điều kiện thực tiễn và quy định của Trung ương để áp dụng, ưu tiên tập trung cho các dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ở vùng chuyên canh, vùng sản xuất sản phẩm có điều kiện tham gia tốt vào thị trường, nhất là sản phẩm xuất khẩu.

4. Mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp: hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia trong việc phát triển thương hiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường, đối tác kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm.

5. Tăng cường công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất việc tổ chức thực hiện và phối hợp thực hiện của các ngành, địa phương về tình hình triển khai thực hiện các dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố. 6 tháng có báo cáo đánh giá tiến độ thực hiện, những việc mà các ngành, địa phương đã làm được, chưa làm được qua đó rút kinh nghiệm và có chỉ đạo khắc phục kịp thời những tồn tại, tháo gỡ những khó khăn và nhân rộng những mô hình làm tốt.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Là cơ quan đầu mối tham mưu, đề xuất cho Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch; có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch.

- Phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai, vận động doanh nghiệp, nông dân và các thành phần kinh tế tham gia liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

- Hàng năm, tổng hợp danh mục dự án/kế hoạch liên kết theo đề xuất của địa phương và doanh nghiệp gửi Sở Kế hoạch - Đầu tư trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt. Tổng hợp kế hoạch năm và đề xuất nguồn vốn phân bổ cho thực hiện dự án/kế hoạch liên kết theo quyết định phê duyệt Ủy ban nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân quận/huyện.

- Tổ chức thẩm định, trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt; quản lý, thanh quyết toán nguồn vốn nhà nước dự án/kế hoạch liên kết thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

- Phối hợp với các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện hỗ trợ liên kết. Định kỳ 6 tháng, hàng năm tổng hợp báo cáo về kết quả triển khai theo quy định.

2. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành thành phố có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp, cân đối nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ thực hiện chính sách liên kết; hướng dẫn trình tự, thủ tục thanh quyết toán nguồn kinh phí hỗ trợ liên kết.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành thành phố có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp, cân đối các nguồn vốn đầu tư, vốn chương trình mục tiêu quốc gia... hỗ trợ thực hiện chính sách liên kết.

4. Các sở, ban ngành thành phố: Theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch.

5. Ủy ban nhân dân quận, huyện

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở ngành, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch.

- Tổ chức thẩm định, phê duyệt; quản lý, thanh quyết toán nguồn vốn nhà nước hỗ trợ dự án/kế hoạch liên kết thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân quận, huyện.

- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các bên tham gia liên kết thực hiện dự án/kế hoạch liên kết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Hàng năm xây dựng kế hoạch hỗ trợ liên kết và danh mục dự án/kế hoạch liên kết gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (trước ngày 15 tháng 7 hàng năm) để tổng hợp trình phê duyệt.

- Định kỳ 6 tháng, năm báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.

6. Đối tượng thụ hưởng

- Triển khai đúng dự án/kế hoạch liên kết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo quy định tại Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

- Tổng hợp đầy đủ hồ sơ (chứng từ, tài liệu) và các văn bản liên quan trong quá trình thực hiện dự án/kế hoạch liên kết phục vụ cho công tác thẩm định, nghiệm thu, thanh quyết toán các nội dung được phê duyệt; lưu trữ hồ sơ phục vụ công tác thanh, kiểm tra theo quy định.

- Thực hiện báo cáo tiến độ, báo cáo năm và báo cáo kết thúc hỗ trợ dự án/kế hoạch liên kết.

7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các đoàn thể

- Thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của nhà nước, vận động và hỗ trợ các bên tham gia liên kết thực hiện đúng hợp đồng.

- Tổ chức giám sát việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố.

Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND ngày 01 tháng 7 năm 2020 của Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2025. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, phát sinh, đề nghị các Sở, ban ngành thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện kịp thời phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố kịp thời chỉ đạo./.

(Đính kèm phụ lục 1 và phụ lục 2)

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Hè

 

PHỤ LỤC 1:

TỔNG HỢP KINH PHÍ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH LIÊN KẾT SẢN XUẤT TIÊU THỤ SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP, GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 245/KH-UBND ngày 03 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban nhân dân thành phố )

ĐVT: triệu đồng

TT

Nội dung

Tổng kinh phí giai đoạn 2021-2025

 

 

Kinh phí năm 2021

Kinh phí năm 2022

Kinh phí năm 2023

Kinh phí năm 2024

Kinh phí năm 2025

Tổng kinh phí

Ngân sách

Đối ứng của các bên tham gia liên kết

Tổng

Ngân sách

Đối ứng

Tổng

Ngân sách

Đối ứng

Tổng

Ngân sách

Đối ứng

Tổng

Ngân sách

Đối ứng

Tổng

Ngân sách

Đối ứng

I

Tuyên truyền

110

110

-

20

20

 

30

30

 

20

20

 

20

20

 

20

20

 

II

Thực hiện dự án/KH liên kết

283.400

102.940

180.460

18.000

6.340

11.660

72.850

25.300

47.550

77.650

28.500

49.150

57.450

21.400

36.050

57.450

21.400

36.050

1

Tư vấn xây dựng DA/KH

4.500

4.500

-

600

600

 

1.200

1.200

 

900

900

 

900

900

 

900

900

 

2

Hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết

210.000

63.000

147.000

15.000

4.500

10.500

60.000

18.000

42.000

55.000

16.500

38.500

40.000

12.000

28.000

40.000

12.000

28.000

3

Hỗ trợ xây dựng mô hình, đào tạo, tập huấn, vật tư…

68.900

35.440

33.460

2.400

1.240

1.160

11.650

6.100

5.550

21.750

11.100

10.650

16.550

8.500

8.050

16.550

8.500

8.050

3.1

Hỗ trợ xây dựng mô hình khuyến nông...

3.600

1.800

1.800

200

100

100

800

400

400

1.000

500

500

800

400

400

800

400

400

3.2

Đào tạo nghề nông nghiệp, tập huấn kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý

2.200

2.200

-

100

100

 

600

600

 

500

500

 

500

500

 

500

500

 

3.3

Hỗ trợ giống, bao bì, nhãn mác,…

62.000

31.000

31.000

2.000

1.000

1.000

10.000

5.000

5.000

20.000

10.000

10.000

15.000

7.500

7.500

15.000

7.500

7.500

3.4

Hỗ trợ chuyển giao KHKT

1.100

440

660

100

40

60

250

100

150

250

100

150

250

100

150

250

100

150

III

KP Hội đồng, Tổ thẩm định DA/KH

320

320

-

40

40

 

85

85

 

65

65

 

65

65

 

65

65

 

IV

KP kiểm tra, giám sát, sơ kết…

410

410

 

10

10

 

100

100

 

100

100

 

100

100

 

100

100

 

 

….

-

 

 

-

 

 

-

 

 

-

 

 

-

 

 

-

 

 

 

Tổng

284.240

103.780

180.460

18.070

6.410

11.660

73.065

25.515

47.550

77.835

28.685

49.150

57.635

21.585

36.050

57.635

21.585

36.050

 

PHỤ LỤC 2:

PHÂN KỲ NGUỒN VỐN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH LIÊN KẾT SẢN XUẤT TIÊU THỤ SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2021-2025)
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 245/KH-UBND ngày 03 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban nhân dân thành phố )

ĐVT: triệu đồng

STT

Nguồn vốn

Tổng

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

I

Ngân sách địa phương

103.780

6.410

25.515

28.685

21.585

21.585

1

Vốn đầu tư

67.500

5.100

19.200

17.400

12.900

12.900

2

Vốn sự nghiệp

36.280

1.310

6.315

11.285

8.685

8.685

II

Vốn đối ứng

180.460

11.660

47.550

49.150

36.050

36.050

Tổng

284.240

18.070

73.065

77.835

57.635

57.635

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 245/KH-UBND năm 2021 thực hiện Nghị quyết 07/2020/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giai đoạn 2021-2025 do thành phố Cần Thơ ban hành

  • Số hiệu: 245/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 03/12/2021
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Hè
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản