Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/KH-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 28 tháng 01 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH BẢO VỆ SỨC KHỎE TÂM THẦN TẠI CỘNG ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2022-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC

Phần I

CƠ SỞ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;

Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 20/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 2015-2025;

Quyết định số 1929/QĐ-TTg ngày 25/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030;

Quyết định số 4485/QĐ-BYT ngày 20/9/2021 của Bộ Y tế về phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1929/QĐ-TTg ngày 25/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030;

Văn bản số 6690/BYT-DP ngày 26/8/2021 của Bộ Y tế về việc rà soát, chuyển nội dung nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số thành nhiệm vụ thường xuyên đối với các hoạt động phòng chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần;

Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 10/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2025 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển sự nghiệp Y tế tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2035;

II. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NGƯỜI MẮC CÁC BỆNH TÂM THẦN

1. Tại Việt Nam

Tỉ lệ người mắc các bệnh tâm thần thường gặp như tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, loạn thần sau chấn thương hay do các chất gây nghiện…chiếm khoảng 15%-20% dân số (khoảng 13-18 triệu người). Tỷ lệ người bệnh tâm thần mãn tính đang được đặc biệt quan tâm chiếm 0,81% dân số (tương đương 730.000 người), trong đó tâm thần phân liệt chiếm 0,5% (430.000 người), động kinh chiếm 0,33% (290.000 người). Trong đó khoảng 80% số người này sống ở xã, phường, thị trấn trong khi các bệnh viện cũng chỉ có hơn 6.500 giường bệnh nên thường xuyên quá tải. Ngoài ra, còn có 10.000 người đang được chăm sóc tại các trung tâm bảo trợ xã hội... Như vậy, hiện có khoảng 724.000 người bệnh tâm thần sống tại cộng đồng, trong đó hơn 440.000 người có nhiều nguy cơ tái phát bệnh.

Hiệu quả cao nhất là người tâm thần phải được chăm sóc, điều trị tại cộng đồng và cần kết hợp nhiều yếu tố để đem lại hiệu quả tích cực. Người bệnh phải được cấp thuốc; có cán bộ y tế theo dõi thường xuyên, giúp hỗ trợ về mặt tâm lý xã hội, cần sự trợ giúp của xã hội và nâng cao kiến thức, kỹ năng chăm sóc cũng như kỹ năng phòng vệ cho gia đình có người bị tâm thần khi người bệnh có biểu hiện lạ, bất thường.

Để việc điều trị, chăm sóc ở cộng đồng có hiệu quả chỉ một mình Ngành Y tế hay ngành Lao động thì không thể giải quyết được mà cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc, đặc biệt là chính quyền cơ sở.

2. Tại Vĩnh Phúc

2.1. Kết quả hoạt động bảo vệ sức khỏe tâm thần giai đoạn 2016-2020

Trong giai đoạn 2016-2020, thực hiện các Quyết định số 1125/QĐ-TTg ngày 31/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 1125/QĐ-TTg ngày 31/7/2017 và Thông tư số 26/2018/TT-BTC ngày 21/3/2018 của Bộ Tài chính Quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020; tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai thực hiện Dự án Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tâm thần và trẻ em tại cộng đồng thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020, kết quả thực hiện như sau:

- Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 01 bệnh viện chuyên khoa tâm thần điều trị cho người mắc bệnh tâm thần, người rối nhiễu tâm trí thuộc Sở Y tế với 120 giường bệnh, bình quân hàng năm đã khám và và điều trị được trên 1000 lượt người bệnh

- Đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền dưới nhiều hình thức khác nhau: Tổ chức nhiều đợt truyền thông tại cộng đồng, xây dựng nhiều chuyên trang chuyên mục trên Báo Vĩnh Phúc, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh về nhận thức chăm sóc, phát hiện, quản lý người mắc bệnh tâm thần, rối nhiễu, công tác về không kỳ thị với gia đình có người mắc bệnh tâm thần

- Có 9/9 huyện, thành phố và 136/136 xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện quản lý, điều trị bệnh nhân tâm thần của tỉnh: Đạt tỷ lệ 100%;

- 100% bệnh nhân tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm phát hiện mới trong giai đoạn 2016-2020 được lập bệnh án, quản lý và cấp phát thuốc tại cộng đồng;

- Triển khai quản lý, theo dõi, cấp phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm tại 100% số xã/phường/thị trấn. Hàng năm giám sát 100% các huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn. Đảm bảo cung ứng đấy đủ thuốc cho bệnh nhân theo đúng quy định, kết quả thực hiện giai đoạn 2016-2020 như sau:

Năm 2016: Tổng số bệnh nhân động kinh phát hiện mới là 154 bệnh nhân, Tâm thần phân liệt 66 bệnh nhân, Trầm cảm 5 bệnh nhân. Tổng số bệnh nhân động kinh, tâm thần được quản lý điều trị là 4809 bệnh nhân, trong đó: 1.712 bệnh nhân tâm thần phân liệt, 1.671 bệnh nhân động kinh, 78 bệnh nhân trầm cảm, bệnh nhân chẩn đoán khác 1.348 bệnh nhân.

Năm 2017: Số bệnh nhân động kinh phát hiện mới là 58 bệnh nhân, Tâm thần phân liệt 31 bệnh nhân, Trầm cảm 5 bệnh nhân. Tổng số bệnh nhân động kinh, tâm thần được quản lý điều trị là 4.629 bệnh nhân, trong đó: 1.376 bệnh nhân tâm thần phân liệt, 1.674 bệnh nhân động kinh, 66 bệnh nhân trầm cảm, bệnh nhân chẩn đoán khác 1.513 bệnh nhân.

Năm 2018: Số bệnh nhân phát hiện mới được quản lý đưa về cấp thuốc tại cộng đồng là 40 bệnh nhân, trong đó: Động kinh 32 bệnh nhân, Tâm thần phân liệt: 6 bệnh nhân, bệnh nhân trầm cảm: 2 bệnh nhân. Tổng số bệnh nhân động kinh, tâm thần hiện đang quản lý điều trị là 4.526 bệnh nhân, trong đó: 1.366 bệnh nhân tâm thần phân liệt, 1.685 bệnh nhân động kinh, 68 bệnh nhân trầm cảm, bệnh nhân chẩn đoán khác 1.407 bệnh nhân.

Năm 2019: Số bệnh nhân phát hiện mới của 3 bệnh chính được quản lý đưa về cấp thuốc tại cộng đồng là 37 bệnh nhân, trong đó: Động kinh 23 bệnh nhân, Tâm thần phân liệt: 10 bệnh nhân, bệnh nhân trầm cảm: 4 bệnh nhân. Tổng số bệnh nhân động kinh, tâm thần hiện đang quản lý điều trị là 4.526 bệnh nhân, trong đó: 1.363 bệnh nhân tâm thần phân liệt, 1.684 bệnh nhân động kinh, 72 bệnh nhân trầm cảm, bệnh nhân chẩn đoán khác 1.407 bệnh nhân.

Năm 2020: Số bệnh nhân phát hiện mới của 3 bệnh chính được quản lý đưa về cấp thuốc tại cộng đồng là 49 bệnh nhân, trong đó: Động kinh 29 bệnh nhân, Tâm thần phân liệt: 13 bệnh nhân, bệnh nhân trầm cảm: 7 bệnh nhân. Tổng số bệnh nhân động kinh, tâm thần hiện đang quản lý điều trị là 4.515 bệnh nhân, trong đó:1.343 bệnh nhân tâm thần phân liệt, 1.692 bệnh nhân động kinh, 77 bệnh nhân trầm cảm, bệnh nhân chẩn đoán khác 1.403 bệnh nhân.

- Đến hết tháng 12/2021 tổng số bệnh nhân động kinh, tâm thần hiện được quản lý điều trị là 4.345 bệnh nhân, trong đó: 1.247 bệnh nhân tâm thần phân liệt, 1.675 bệnh nhân động kinh, 74 bệnh nhân trầm cảm, bệnh nhân chẩn đoán khác 1.349 bệnh nhân.

(Chi tiết tại phụ lục 1 kèm theo)

2.2. Kinh phí thực hiện hoạt động bảo vệ sức khỏe tâm thần giai đoạn 2016-2020

Tổng kinh phí thực hiện: 7.060.011.000 đồng, trong đó:

- Nguồn ngân sách Trung ương cấp: 1.611.000.000 đồng;

- Nguồn ngân sách địa phương cấp: 5.449.011.000 đồng.

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Từ năm 2016 đến nay, hoạt động bảo vệ sức khỏe tâm thần trên địa bàn tỉnh đã được chú trọng và thu được nhiều kết quả. Các nội dung hoạt động như quản lý, điều trị và phục hồi chức năng cho các bệnh nhân tâm thần phân liệt, động kinh và trầm cảm đã được phát hiện ở giai đoạn trước; phát hiện, lập hồ sơ điều trị, quản lý cho bệnh nhân mắc tâm thần phân liệt, động kinh và trầm cảm mới; đào tạo, tập huấn chuyên môn giám sát chuyên môn phát hiện, lập hồ sơ điều trị, quản lý, điều trị và phục hồi chức năng bệnh nhân tâm thần và giám sát chuyên môn hoạt động bảo vệ sức khỏe tâm thần được duy trì thường xuyên qua các năm.

Bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế như:

- Cơ sở vật chất, trang thiết bị đầu tư cho công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần còn thiếu, cơ sở hạ tầng phục vụ công tác chuyên môn tại bệnh viện Tâm thần tỉnh xuống cấp do đã xây dựng nhiều năm.

- Mạng lưới chuyên khoa tâm thần tuyến huyện, xã còn nhiều hạn chế đội ngũ cán bộ chuyên khoa tâm thần chưa chuyên sâu, cán bộ phụ trách chương trình tuyến cơ sở thay đổi thường xuyên. Vì vậy việc triển khai kế hoạch còn gặp nhiều khó khăn.

- Nhận thức của cộng đồng ở một số nơi về sức khoẻ tâm thần còn chưa được cải thiện, nhiều quan niệm còn lệch lạc vẫn còn thái độ kỳ thị phân biệt đối sử đối với bệnh nhân tâm thần.

- Công tác khám sàng lọc, phát hiện sớm bệnh nhân tại cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn do chưa được quan tâm nhiều của địa phương cũng như người dân trên địa bàn.

- Tỷ lệ phát hiện, điều trị, quản lý các bệnh tâm thần tại cộng đồng còn thấp; hệ thống cung ứng các dịch vụ y tế chưa đáp ứng yêu cầu; chủ yếu triển khai theo chiều dọc, nhiều đầu mối, thiếu sự lồng ghép, chưa tiếp cận toàn diện và thiếu các dịch vụ chăm sóc lâu dài, liên tục.

- Chế độ hỗ trợ cho đội ngũ cộng tác viên chương trình còn thấp nên chất lượng hoạt động chưa cao. Sự tham gia, phối hợp trong công tác y tế của một số ban, ngành, đoàn thể tại địa phương chưa chặt chẽ, sâu sát.

Trong cuộc sống hiện nay tiềm ẩn rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến các bệnh lý tâm thần. Đặc biệt đại dịch COVID-19 như là một sang chấn thúc đẩy bệnh lý tâm thần diễn ra nhanh hơn, trầm trọng hơn như trầm cảm, lo âu, rối loạn stress sau sang chấn.

Vì vậy, việc ban hành Kế hoạch này là cần thiết nhằm đầu tư đủ điều kiện để tăng cường khám sàng lọc, phát hiện sớm, chủ động phòng chống, quản lý điều trị sớm các rối loạn tâm thần; hỗ trợ can thiệp, phòng ngừa rối nhiễu tâm trí góp phần đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội đối với người tâm thần và rối nhiễu tâm trí; duy trì và củng cố mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo cho mọi người dân đều được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần một cách thuận tiện nhất, sớm nhất và chất lượng tốt nhất.

IV. DỰ BÁO NHỮNG THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN

1. Thuận lợi

Hoạt động bảo vệ sức khỏe tâm thần của tỉnh luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Y tế và sự phối hợp của các cấp các ngành, sự đoàn kết nỗ lực phấn đấu của ngành y tế tỉnh.

Chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên vì vậy công tác bảo vệ sức khỏe tâm thần có nhiều tiến bộ. Trong thời gian tới toàn bộ hệ thống sẽ đồng thuận, đoàn kết phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch được giao góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới.

Hoạt động bảo vệ sức khỏe tâm thần có độ bao phủ rộng tới tận thôn, đây là một trong những vấn đề ưu tiên của tỉnh và ngày càng có vai trò nổi lên. Chiến lược kiểm soát, phòng chống luôn được sự cam kết hỗ trợ của quốc tế cũng như môi trường chính sách trong nước ủng hộ.

2. Khó khăn, thách thức

- Nhận thức của cộng đồng ở một số nơi về sức khoẻ tâm thần còn chưa được cải thiện, nhiều quan niệm còn lệch lạc vẫn còn thái độ kỳ thị phân biệt đối sử đối với bệnh nhân tâm thần.

- Một bộ phận người dân còn giấu bệnh, không cung cấp thông tin về bệnh lý tâm thần khi đi khám tại các cơ sở y tế khác trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các trường hợp điều trị tại tuyến Trung ương.

- Một số thuốc điều trị bệnh trong danh mục nhưng số lượng còn hạn chế.

- Trang thiết bị y tế đã được đầu tư bổ sung trong những năm qua, tuy nhiên vẫn còn thiếu so với yêu cầu thực tế để sàng lọc phát hiện sớm, quản lý, điều trị bệnh nhân.

- Các yếu tố nguy cơ tác động xấu tới sức khoẻ vẫn chưa giảm như: stress, trầm cảm lo âu, sang chấn tâm lý,…

- Hiện nay chưa có phần mềm quản lý các bệnh về tâm thần cho y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh.

- Kinh phí Trung ương đầu tư cho hoạt động phòng chống bệnh không lây nhiễm hàng năm bị cắt giảm mạnh.

Phần II

KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH BẢO VỆ SỨC KHỎE TÂM THẦN TẠI CỘNG ĐỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC GIAI ĐOẠN 2022-2025

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tiếp tục quản lý, điều trị và phục hồi chức năng cho các bệnh nhân tâm thần phân liệt, động kinh và trầm cảm đã được phát hiện ở giai đoạn trước. Chủ động phòng chống, khám sàng lọc phát hiện sớm, quản lý điều trị sớm các rối loạn tâm thần; hỗ trợ can thiệp, phòng ngừa rối nhiễu tâm trí đặc biệt là trẻ tự kỷ bị tâm thần nặng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội đối với người tâm thần và rối nhiễu tâm trí.

2. Mục tiêu cụ thể

a) 95% Trạm Y tế xã, trường học và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện truyền thông phòng chống, phát hiện sớm các rối loạn sức khỏe tâm thần và tự kỷ ở trẻ em.

b) Ít nhất 80% người từ 40 tuổi trở lên được truyền thông, cung cấp thông tin, hướng dẫn để biết theo dõi sức khỏe, phát hiện sớm các rối loạn sức khỏe tâm thần.

c) Phát hiện được ít nhất 70% người mắc tâm thần phân liệt và động kinh, 50% người mắc trầm cảm, 30% người bị sa sút trí tuệ và một số rối loạn tâm thần khác.

d) Quản lý điều trị ít nhất 80% người bệnh tâm thần phân liệt, 70% người bệnh động kinh và 50% người bệnh trầm cảm đã được phát hiện.

đ) Ít nhất 40% người thuộc đối tượng sàng lọc được định kỳ sàng lọc một số rối loạn sức khỏe tâm thần theo hướng dẫn sàng lọc từng bệnh; 75% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm dạng khuyết tật phổ tự kỷ và được can thiệp sớm; có ít nhất 70% số người trầm cảm, trẻ tự kỷ và người bị rối nhiễu tâm trí được tư vấn, trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng xã hội và sử dụng các dịch vụ công tác xã hội khác tại cộng đồng và các cơ sở y tế.

e) 100% số huyện có cơ sở y tế thực hiện quản lý cấp thuốc điều trị cho người bệnh tâm thần phân liệt và động kinh; 100% số huyện có cơ sở y tế thực hiện quản lý cấp thuốc điều trị cho người bệnh trầm cảm và 100% số huyện có cơ sở y tế thực hiện quản lý cấp thuốc điều trị cho người mắc một số rối loạn tâm thần khác.

g) 100% số Trạm Y tế xã thực hiện quản lý, cấp thuốc điều trị cho người bệnh tâm thần phân liệt và động kinh; 50% số Trạm Y tế xã quản lý cấp thuốc điều trị cho người bệnh trầm cảm.

h) 100% cán bộ y tế thực hiện công tác phòng, chống rối loạn sức khỏe tâm thần các tuyến được đào tạo tập huấn về dự phòng, giám sát, phát hiện, quản lý, chẩn đoán, điều trị bệnh theo quy định.

i) 100% Trạm Y tế xã và các cơ sở y tế liên quan thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và thống kê báo cáo đầy đủ kết quả dự phòng, phát hiện, quản lý điều trị và nguyên nhân tử vong do rối loạn sức khỏe tâm thần theo quy định.

k) 95% cán bộ đầu mối giám sát, thống kê báo cáo các tuyến được tập huấn về giám sát, quản lý thông tin, thống kê báo cáo rối loạn sức khỏe tâm thần theo quy định.

II. GIẢI PHÁP VÀ NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Công tác chỉ đạo và phối hợp liên ngành

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong triển khai thực hiện các nội dung thuộc Chương trình.

- Tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, UBND các cấp trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát các nội dung thuộc Chương trình.

- Đưa các chỉ tiêu quan trọng của Kế hoạch này vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hàng năm.

2. Giải pháp về truyền thông và vận động xã hội

- Sử dụng mạng lưới thông tin truyền thông từ tỉnh tới xã để tuyên truyền, phổ biến, vận động các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật, các hướng dẫn, khuyến cáo về phòng, chống rối loạn sức khỏe tâm thần.

- Nghiên cứu, xây dựng và cung cấp các chương trình, tài liệu truyền thông về vai trò, vị trí hệ thống trợ giúp xã hội; kỹ năng chăm sóc sức khỏe tâm thần phù hợp với phương thức truyền thông và các nhóm đối tượng.

- Đa dạng hóa các loại hình truyền thông, tận dụng ưu thế của truyền thông trên mạng điện thoại, mạng xã hội, internet,… để truyền thông nhanh chóng, chính xác, cập nhật đến đối tượng đích, tăng khả năng tương tác với cộng đồng.

- Vận động xây dựng cộng đồng nâng cao sức khỏe phù hợp với từng địa phương và từng nhóm đối tượng, trong đó chú trọng trường học nâng cao sức khỏe, nơi làm việc vì sức khỏe.

- Phát động phong trào toàn dân nâng cao sức khỏe gắn với phòng, chống rối loạn sức khỏe tâm thần. Xây dựng và cung cấp các chương trình, tài liệu truyền thông về phòng, chống rối loạn sức khỏe tâm thần phù hợp với phương thức truyền thông và các nhóm đối tượng.

- Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận, sử dụng không gian công cộng, cơ sở luyện tập thể dục, thể thao; phát triển giao thông công cộng,...

- Tham quan, khảo sát, học hỏi kinh nghiệm các tỉnh đang, đã làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí; xây dựng sổ tay hướng dẫn kỹ năng chăm sóc và phục hồi chức năng sức khỏe tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí cho cán bộ, nhân viên, cộng tác viên trợ giúp xã hội và gia đình.

3. Giải pháp tăng cường hệ thống cung cấp dịch vụ và chuyên môn kỹ thuật y tế

a) Tổ chức hệ thống dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý các trường hợp mắc các bệnh lý tâm thần từ tỉnh đến xã.

- Tổ chức hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ cho công tác dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý các bệnh lý tâm thần phù hợp với chức năng nhiệm vụ và phân tuyến kỹ thuật cho các cơ sở y tế.

- Các cơ sở y tế dự phòng, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (công lập và ngoài công lập) từ tuyến tỉnh đến tuyến xã tổ chức các hoạt động dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý các bệnh lý tâm thần phù hợp chức năng, nhiệm vụ theo quy định.

- Phối hợp, lồng ghép khám phát hiện bệnh lý tâm thần trong các hoạt động khám sức khỏe định kỳ, quản lý sức khỏe tại các trường học, xí nghiệp, cơ quan đơn vị.

b) Tăng cường phát hiện, điều trị, quản lý tại trạm y tế xã và cộng đồng cho người mắc các bệnh lý tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm và các bệnh lý tâm thần khác theo quy định, bảo đảm cung cấp dịch vụ quản lý, theo dõi và chăm sóc liên tục cho người bệnh.

- Hàng năm tổ chức khám sàng lọc để phát hiện sớm các bệnh lý tâm thần thường gặp ngay tại tuyến xã. Trước mắt triển khai phát hiện, điều trị duy trì theo chỉ định của tuyến trên, từng bước tiến tới tự quản lý, theo dõi, điều trị ngoại trú được một số bệnh tâm thần theo hướng dẫn của tuyến trên ở những trạm y tế đủ điều kiện.

- Cung cấp đủ thuốc thiết yếu cho công tác điều trị tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm và các bệnh lý tâm thần khác ở tuyến xã theo quy định.

c) Tăng cường hiệu quả hoạt động của lĩnh vực y tế dự phòng trong kiểm soát yếu tố nguy cơ và các tình trạng tiền bệnh để dự phòng các bệnh không lây nhiễm.

- Hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát hoạt động dự phòng, phát hiện sớm, điều trị, quản lý và tự quản lý điều trị các bệnh lý tâm thần tại Trạm Y tế xã và cộng đồng theo quy định. Nâng cao năng lực cho Trung tâm Y tế huyện để thực hiện việc quản lý, hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến xã.

- Tăng cường hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các hoạt động liên ngành có liên quan trong phòng, chống bệnh lý bệnh tâm thần tại cộng đồng.

d) Củng cố hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để cung cấp các dịch vụ toàn diện, chuyên sâu và kỹ thuật cao cho chẩn đoán, điều trị bệnh nhân mắc các bệnh lý tâm thần, đồng thời hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới, bảo đảm việc phát hiện bệnh sớm, điều trị hiệu quả và quản lý bệnh nhân liên tục và lâu dài.

- Phát triển kỹ thuật cao, chuyên sâu để điều trị các bệnh lý tâm thần; từng bước nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các khoa điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh;

- Tăng cường tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trung ương và chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới theo nhu cầu thực tế.

5. Đảm bảo cung ứng thuốc cho bệnh nhân quản lý tại cộng đồng

Căn cứ tình hình thực tế số bệnh nhân quản lý hàng năm xây dựng kế hoạch cung ứng thuốc cho bệnh nhân theo quy định.

6. Công tác khám sàng lọc, phát hiện các rối loạn tâm thần và trẻ tự kỷ

- Hàng năm xây dựng Kế hoạch/chương trình Chăm sóc sức khỏe, PHCN đối với người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí tại đảm bảo thực hiện các nội dung sau:

- Thực hiện khám sàng lọc, phát hiện sớm trẻ em tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí; tuyên truyền, tư vấn về phục hồi chức năng đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí.

- Từng bước phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ phát hiện sớm, điều trị, trị liệu và phục hồi chức năng đối với người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí theo quy định của pháp luật.

- Triển khai phục hồi chức năng cho người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng.

- Hướng dẫn lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, chuyển tuyến điều trị đối với người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí

7. Tập huấn nâng cao năng lực cán bộ về quản lý và quy trình chuyên môn, kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí.

Xây dựng và triển khai kế hoạch, chương trình tập huấn nâng cao năng lực cán bộ về quản lý và quy trình chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng (PHCN) cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí đảm bảo cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, PHCN để chăm sóc và PHCN cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí.

8. Triển khai tư vấn trị liệu, điều trị, phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng.

- Thực hiện các hướng dẫn quy trình chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh PHCN đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí.

- Kiểm tra, giám sát thực hiện các chính sách và thực hiện quy trình chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh, PHCN đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí.

- Thực hiện quy hoạch, phát triển mạng lưới chăm sóc, tư vấn trị liệu, điều trị, phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí. Trong đó chú trọng đầu tư phát triển, nâng cấp Bệnh Viện tâm thần tỉnh Vĩnh Phúc, thành lập Trung tâm điều trị rối loạn tâm lý: Tự kỷ, Stress, trầm cảm thuộc Bệnh viện Tâm thần tỉnh.

9. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin

- Triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và thống kê báo cáo đầy đủ kết quả dự phòng, phát hiện, quản lý điều trị và nguyên nhân tử vong do rối loạn sức khỏe tâm thần và tự kỷ theo quy định.

- Triển khai phần mềm quản lý, theo dõi bệnh nhân tâm thần và trẻ tự kỷ trên toàn tỉnh.

10. Tăng cường công tác giám sát

- Thực hiện hệ thống theo dõi, giám sát kết quả thực hiện các chỉ tiêu Kế hoạch và đánh giá kết quả, tác động của chương trình đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí.

- Tổng hợp, phổ biến thông tin kết quả thực hiện Kế hoạch theo quy định.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý người bệnh tâm thần và trẻ tự kỷ

11. Tăng cường hợp tác quốc tế

- Chủ động tích cực hợp tác với các các viện, trường tuyến trung ương trong nghiên cứu, đào tạo để phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho công tác phòng, chống các bệnh lý về tâm thần.

- Tăng cường phối hợp thực hiện các dự án của Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức quốc tế khác để hỗ trợ, thúc đẩy triển khai thực hiện chương trình; lồng ghép các dự án hợp tác phát triển với hoạt động của chương trình nhằm thực hiện được các mục tiêu.

III. KHÁI TOÁN KINH PHÍ

- Nguồn Kinh phí thực hiện Kế hoạch do ngân sách Nhà nước tập trung cho hoạt động kiểm soát yếu tố nguy cơ, dự phòng, giám sát và phát hiện sớm, quản lý, điều trị các bệnh rối loạn sức khỏe tâm thần.

- Dự kiến kinh phí giai đoạn 2022-2025 là: 7.042.587.040 đồng (Bằng chữ: Bảy tỷ không trăm bốn mươi hai triệu, năm trăm tám mươi bảy nghìn, không trăm bốn mươi đồng).

(Chi tiết tại Phụ lục 2 kèm theo Kế hoạch này)

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Là cơ quan thường trực chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm về việc tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn lực (nhân lực, tài chính) thực hiện Kế hoạch này.

- Chỉ đạo các đơn vị trong ngành làm tốt công tác tham mưu cho UBND các cấp trong triển khai thực hiện Kế hoạch tại địa phương. Định kỳ tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Y tế tình hình triển khai và kết quả thực hiện Kế hoạch.

- Phối hợp triển khai phát triển các cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí; đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên, cộng tác viên y tế về chăm sóc sức khỏe tâm thần.

- Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình Bảo vệ sức khoẻ tâm thần tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025.

2. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội

Sở Lao động - TB&XH là cơ quan thường trực thực hiện Kế hoạch số 51/KH-UBND, ngày 08/3/2021 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc Thực hiện Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

- Phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, cộng đồng trách nhiệm trợ giúp đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí.

- Phát triển các mô hình trợ giúp người tâm thần, trẻ em tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí.

- Tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung các chính sách trợ giúp người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí.

- Chủ trì, tạo lập cơ sở dữ liệu phần mềm quản lý hệ thống người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với Sở Y tế và các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan tăng cường quản lý, thanh tra, giám sát đảm bảo môi trường làm việc nâng cao sức khỏe cho người lao động, giảm thiểu các yếu tố nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm; tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc nhằm phát hiện sớm, quản lý điều trị và phục hồi chức năng cho người lao động mắc bệnh lý tâm thần.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với Sở Y tế lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của tỉnh.

4. Sở Tài chính

Hàng năm căn cứ vào nội dung hoạt động và nhu cầu kinh phí thực hiện Kế hoạch, phối hợp với Sở Y tế thẩm định, tổng hợp kinh phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;

5. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Phối hợp với Ngành Y tế và UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, triển khai tốt công tác y tế trường học, đưa các chuyên đề về rối nhiễu tâm trí học đường vào chương trình sinh hoạt ngoại khóa, chỉ đạo đổi mới nội dung giáo dục thể chất, tâm lý theo định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đẩy mạnh việc gắn công tác y tế trường học với y tế cơ sở, phối hợp tốt với các đơn vị chuyên môn y tế thực hiện việc khám sàng lọc, phát hiện sớm trẻ tự kỷ và các học sinh có các rối nhiễu tâm trí đưa vào quản lý, điều trị sớm

- Chỉ đạo các Trường học trên địa bàn phối hợp tốt với các đơn vị chuyên môn y tế thực hiện việc khám sàng lọc, phát hiện sớm trẻ tự kỷ và các học sinh có các rối nhiễu tâm trí đưa vào quản lý, điều trị sớm.

6. Sở Thông tin và Truyền thông

Phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo và tổ chức các hoạt động thông tin, truyền thông cung cấp thông tin, kiến thức về khám, phát hiện điều trị sớm và quản lý phục hồi chức năng cho người có rối nhiễu tâm trí, trẻ tự kỷ tại cộng đồng, góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân.

7. Báo Vĩnh Phúc, Đài Phát thanh - Truyền hình, Cổng thông tin - Giao tiếp điện tử tỉnh

Phối hợp với Ngành Y tế và các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan mở các chuyên mục, chuyên trang nhằm cung cấp thông tin, kiến thức về khám, phát hiện điều trị sớm và quản lý phục hồi chức năng cho người có rối nhiễu tâm trí, trẻ tự kỷ tại cộng đồng, góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân.

8. Bảo hiểm xã hội tỉnh

Thực hiện chi trả các dịch vụ y tế theo quy định, tạo thuận lợi trong việc thanh quyết toán cho bệnh nhân đi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh. Phổ biến, khuyến khích tăng tỷ lệ người dân tham gia BHYT.

9. UBND các huyện, thành phố

Căn cứ nội dung kế hoạch của UBND tỉnh, phối hợp với Sở Y tế xây dựng Kế hoạch cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện tại địa phương. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát, báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện kế hoạch về UBND tỉnh thông qua Sở Y tế.

10. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh và các Đoàn thể chính trị - Xã hội

Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vận động các tổ chức thành viên phối hợp với ngành Y tế và các địa phương tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền, giám sát, vận động nhân dân hưởng ứng kế hoạch này.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chương trình Bảo vệ sức khỏe tâm thần tại cộng đồng giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- TTTU, TTHĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, Đoàn thể;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, VX1 (Tr  b).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vũ Việt Văn

 

PHỤ LỤC 1.

TỔNG HỢP SỐ NGƯỜI MẮC CÁC BỆNH TÂM THẦN ĐƯỢC QUẢN LÝ, ĐIỀU TRỊ THEO ĐỊA BÀN CÁC HUYỆN, THÀNH PHỐ ĐẾN HẾT NĂM 2021
(Kèm theo Kế hoạch số 24/KH-UBND ngày 28/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc)

STT

Địa phương

Số xã triển khai

Số bệnh nhân quản lý

Tổng bệnh nhân

Tâm thần phân liệt

Động kinh

Trầm cảm

CĐ khác

Tổng

Cấp thuốc

Tổng

Cấp thuốc

Tổng

Cấp thuốc

Tổng

Cấp thuốc

Tổng

Cấp thuốc

1

Vĩnh Tường

28

1.064

714

332

315

429

382

17

17

286

0

2

Yên Lạc

17

425

321

146

118

221

191

5

1

53

11

3

Lập Thạch

20

591

303

183

150

198

152

12

1

198

0

4

Tam Dương

13

504

249

100

99

155

150

13

0

236

0

5

Vĩnh Yên

9

382

151

78

40

121

97

1

0

182

14

6

Phúc Yên

10

229

123

50

36

115

85

3

1

61

1

7

Bình Xuyên

13

449

242

140

88

179

146

7

2

123

6

8

Sông Lô

17

498

234

156

111

139

109

15

2

188

12

9

Tam Đảo

9

187

176

61

60

114

112

1

1

11

4

10

TTCTXH

 

16

16

1

1

4

4

0

0

11

11

 

Tổng

136

4.345

2.529

1.247

1.018

1.675

1.428

74

25

1.349

59

 

PHỤ LỤC 2

KHÁI TOÁN KINH PHÍ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH BẢO VỆ SỨC KHỎE TÂM THẦN TẠI CỘNG ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2022 - 2025
(Kèm theo kế hoạch số 24/KH-UBND ngày 28/01/2022 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc)

Đơn vị tính: đồng

STT

Nội dung hoạt động chuyên môn

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

Tổng kinh phí

1.740.886.037

1.706.300.390

1.768.100.088

1.827.300.525

7.042.587.040

I

Quản lý, điều trị, cấp thuốc cho bệnh nhân

 

 

 

 

 

1

Mua thuốc cấp cho bệnh nhân tâm thần điều trị tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh

1.081.386.037

1.181.000.390

1.250.000.088

1.300.000.525

4.812.387.040

II

Truyền thông và giáo dục về sức khỏe tâm thần

 

 

 

 

 

1

Phối hợp với Đài PTTH tỉnh làm các phóng sự

41.700.000

41.700.000

41.700.000

41.700.000

166.800.000

2

Công tác quản lý, cập nhật cơ sở dữ liệu và quản lý thông tin trên trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử của bệnh viện

15.000.000

15.000.000

15.000.000

15.000.000

60.000.000

3

In tờ rơi tuyên truyền một số rối loạn tâm thần và tự kỷ

237.600.000

237.600.000

237.600.000

237.600.000

950.400.000

III

Công tác khám, tư vấn giám sát bệnh nhân tại cộng đồng

 

 

 

 

 

 

Hỗ trợ công tác phí cho cán bộ đi khám, tư vấn giám sát bệnh nhân tại cộng đồng

40.000.000

40.000.000

40.000.000

40.000.000

160.000.000

IV

Tập huấn cho NVYT thôn bản, người nhà bệnh nhân tâm thần về chăm sóc và PHCN cho bệnh nhân tại cộng đồng

 

 

 

 

 

1

Tập huấn cho người nhà bệnh nhân tâm thần về chăm sóc và PHCN cho bệnh nhân

70.000.000

70.000.000

70.000.000

70.000.000

280.000.000

2

Tập huấn cho nhân viên y tế thôn bản về cách phát hiện một số RLTT và tự kỷ

70.000.000

70.000.000

70.000.000

70.000.000

280.000.000

3

Tập huấn cho nhân viên y tế tại các TYT về cách phát hiện một số RLTT và tự kỷ

15.200.000

36.000.000

28.800.000

38.000.000

118.000.000

V

Triển khai phần mềm quản lý, theo dõi, báo cáo bệnh nhân tâm thần tại cộng dồng

 

 

 

 

 

 

Mua phần mềm và tập huấn sử dụng phần mềm và chi phí duy trì phần mềm quản lý

170.000.000

15.000.000

15.000.000

15.000.000

215.000.000

(Bằng chữ: Bảy tỷ không trăm bốn mươi hai triệu năm trăm tám mươi bảy nghìn đồng)

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 24/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chương trình bảo vệ sức khỏe tâm thần tại cộng đồng giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

  • Số hiệu: 24/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 28/01/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
  • Người ký: Vũ Việt Văn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/01/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản