Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 26 tháng 01 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH SỮA HỌC ĐƯỜNG CẢI THIỆN TÌNH TRẠNG DINH DƯỠNG GÓP PHẦN NÂNG CAO TẦM VÓC TRẺ EM MẪU GIÁO VÀ TIỂU HỌC GIAI ĐOẠN 2018 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn thành phố Cần Thơ (viết tắt là Chương trình Sữa học đường) với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

a) Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và tiểu học (viết tắt là trẻ) thông qua hoạt động cho trẻ uống sữa hàng ngày nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em thành phố Cần Thơ góp phần phát triển nguồn nhân lực của thành phố trong tương lai.

b) Nâng cao nhận thức của cộng đồng, cha mẹ, người chăm sóc về tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sự phát triển toàn diện về tầm vóc, thể lực và trí tuệ của trẻ.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

a) 90% cha, mẹ, người chăm sóc trẻ ở thành thị và 60% cha, mẹ, người chăm sóc trẻ ở nông thôn của những trẻ tham gia uống sữa được truyền thông, giáo dục và tư vấn về dinh dưỡng.

b) 100% học sinh mẫu giáo và tiểu học của huyện Cờ Đỏ được uống sữa theo Chương trình Sữa học đường.

c) 70% số học sinh mẫu giáo và tiểu học ở vùng thành thị, nông thôn được uống sữa theo Chương trình Sữa học đường.

d) Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học trung bình 0,6%/năm.

đ) Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học trung bình 0,7%/năm.

e) Phấn đấu đạt chiều cao trung bình của trẻ tuổi nhập học (6 tuổi) đạt chuẩn theo chiều cao tăng từ 1,5-2cm.

II. ĐỐI TƯỢNG, THỜI GIAN THỰC HIỆN, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ

1. Đối tượng áp dụng

a) Đối tượng thụ hưởng: Trẻ mẫu giáo và tiểu học trong các trường học trên địa bàn thành phố; mỗi trẻ được uống 01 hộp sữa tươi tiệt trùng (180ml) trên một ngày đi học tại trường.

b) Đối tượng liên quan: Cha, mẹ học sinh; giáo viên; lãnh đạo nhà trường.

c) Đối tượng cung cấp sữa: Cung cấp sữa tươi phục vụ Chương trình tuân thủ theo Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28 tháng 9 năm 2016 của Bộ Y tế quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường; đảm bảo bình ổn giá sữa, không bị gián đoạn nguồn sữa trong thời gian thực hiện Kế hoạch này; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp cho việc bảo quản và cung cấp sữa cho các trường theo tiêu chuẩn.

2. Thời gian thực hiện và định mức sử dụng

a) Thời gian thực hiện chia thành 02 giai đoạn, cụ thể:

- Giai đoạn 1 (năm học 2018 - 2019): Từ ngày 01 tháng 9 năm 2018 đến ngày 31 tháng 5 năm 2019 có 50% trẻ tại huyện Cờ Đỏ, huyện Thới Lai, huyện Vĩnh Thạnh và quận Thốt Nốt được uống sữa theo Chương trình Sữa học đường.

- Giai đoạn 2 (năm học 2019 - 2020): Từ ngày 01 tháng 9 năm 2019 đến ngày 31 tháng 5 năm 2020, 100% trẻ ở huyện Cờ Đỏ, 70% trẻ ở vùng thành thị, nông thôn được uống sữa theo Chương trình Sữa học đường.

- Tại các trường mẫu giáo và tiểu học chưa thực hiện Chương trình Sữa học đường theo lộ trình nêu trên thì tất cả các xã, phường, thị trấn và quận, huyện còn lại phải động viên, khuyến khích cha, mẹ tự mua sữa cho trẻ uống ít nhất 05 hộp sữa/tuần, đồng thời phải tuyên truyền về ý nghĩa tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sự phát triển toàn diện về tầm vóc, thể lực và trí tuệ của trẻ.

b) Định mức sử dụng: Mỗi trẻ được uống 05 lần/tuần, mỗi lần uống 180ml/hộp và được uống trong 09 tháng của một năm học (tổng cộng 40 tuần trừ 03 tháng hè).

3. Chính sách hỗ trợ

a) Trẻ thuộc hộ nghèo: Ngân sách hỗ trợ 100% giá sữa trúng thầu.

b) Trẻ thuộc hộ cận nghèo: Đơn vị cung cấp sữa hỗ trợ 60%, cha, mẹ học sinh đóng góp 40% giá sữa trúng thầu.

c) Trẻ không thuộc hộ nghèo và cận nghèo: Đơn vị cung cấp sữa hỗ trợ 30%, cha, mẹ học sinh đóng góp 70% giá sữa trúng thầu.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Tổng kinh phí dự kiến thực hiện là: 293.924.740.000 đồng (Hai trăm chín mươi ba tỷ chín trăm hai mươi bốn triệu bảy trăm bốn mươi ngàn đồng), trong đó: Ngân sách thành phố: 12.307.720.000 đồng; Cha, mẹ học sinh: 193.565.457.000 đồng; Đơn vị cung cấp sữa: 88.051.563.000 đồng. Cụ thể như sau:

a) Kinh phí cung cấp sữa cho trẻ: 293.446.620.000 đồng.

Năm học

Tổng kinh phí (đồng)

Cộng

Ngân sách hỗ trợ

Cha, mẹ học sinh đóng góp

Đơn vị cung cấp sữa hỗ trợ

2018 - 2019

85.990.590.000

4.434.705.000

55.523.092.500

26.032.792.500

2019 - 2020

207.456.030.000

7.394.895.000

138.042.364.500

62.018.770.500

Tổng cộng

293.446.620.000

11.829.600.000

193.565.457.000

88.051.563.000

(Đính kèm phụ lục 1).

b) Kinh phí chi cho các hoạt động triển khai thực hiện Kế hoạch 478.120.000 đồng. (Đính kèm Phụ lục 2)

IV. TIÊU CHÍ LỰA CHỌN NHÀ THẦU

1. Phương thức lựa chọn nhà thầu

Đấu thầu thực hiện cả giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2020.

2. Tiêu chí lựa chọn nhà thầu

a) Công ty cung cấp sữa cho trẻ uống đạt thương hiệu Việt Nam đã được Bộ Y tế cấp phép đảm bảo hàm lượng đầy đủ các chất dinh dưỡng, vi chất dinh dưỡng phù hợp với trẻ mẫu giáo và tiểu học.

b) Là đơn vị trực tiếp sản xuất sữa đạt tiêu chuẩn ISO 9001. FSSC 22000.

c) Có đủ điều kiện bảo quản sữa tươi tiệt trùng từ 6 tháng trở lên.

d) Hỗ trợ kinh phí: 60% giá sữa cho trẻ thuộc hộ cận nghèo và 30% giá sữa cho trẻ không thuộc hộ nghèo và cận nghèo.

3. Hình thức hợp đồng

a) Hợp đồng phải được thực hiện trong suốt quá trình triển khai từ năm học 2018 - 2019 đến năm học 2019 - 2020.

b) Đơn giá 01 hộp sữa không tăng trong suốt 02 năm thực hiện kế hoạch; nếu giá sữa trên thị trường giảm thì đơn vị cung cấp sữa phải giảm giá cho phù hợp với thực tế.

4. Cung ứng sữa

Đơn vị trúng thầu chịu trách nhiệm cung ứng sữa kịp thời, không bị gián đoạn hoặc dồn dập; đồng thời bố trí nhân viên vận chuyển sữa đến tận kho của các trường an toàn.

V. GIẢI PHÁP TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý của Nhà nước

a) Nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương về tầm quan trọng trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Phát huy tính chủ động, thực hiện đầy đủ chủ trương, chính sách về giáo dục mầm non trên địa bàn thành phố đúng hướng, kịp thời, hiệu quả, phù hợp với thực tế.

b) Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu dinh dưỡng, nguồn kinh phí sử dụng phải hiệu quả và đúng mục đích, tránh thất thoát; tổ chức tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm kịp thời.

2. Giải pháp về cơ chế chính sách

a) Ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia Chương trình để đảm bảo nguồn lực, sự bền vững của Chương trình, đặc biệt tại các quận, huyện có điều kiện kinh tế khó khăn.

b) Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp để thực hiện Chương trình Sữa học đường.

3. Giải pháp về nguồn lực

a) Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng và sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ quản lý phụ trách về dinh dưỡng trẻ em và vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ an toàn cho trẻ trong trường mầm non, tiểu học.

b) Củng cố và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên y tế làm công tác dinh dưỡng. Nâng cao năng lực quản lý, điều hành trong thực hiện nhiệm vụ cho trẻ uống sữa tại các trường mầm non, tiểu học, đánh giá hiệu quả tác động của chương trình.

c) Tổ chức các lớp tập huấn, thực hành ghi chép các biểu mẫu, thu thập số liệu, hồ sơ, sổ sách phục vụ Chương trình Sữa học đường tại các các trường mầm non, tiểu học.

4. Giải pháp truyền thông

a) Truyền thông vận động, nâng cao nhận thức về ý nghĩa xã hội, vai trò, lợi ích và tầm quan trọng của Chương trình Sữa học đường nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ của các cấp chính quyền để tăng cường nguồn lực thực hiện Chương trình.

b) Tăng cường công tác thông tin giáo dục truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng, cha, mẹ, người chăm sóc về tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sự phát triển toàn diện về tầm vóc, thể lực và trí tuệ của trẻ em, đặc biệt là bữa ăn học đường và sử dụng các sản phẩm sữa phù hợp theo nhóm tuổi.

c) Đa dạng loại hình, phương thức truyền thông theo chiều rộng qua các phương tiện truyền thông đại chúng, qua các hình ảnh trực quan như: băng rôn, khẩu hiệu, áp phích... và theo chiều sâu qua các buổi họp hội cha mẹ học sinh, sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt giáo viên chủ nhiệm.

d) Kết hợp truyền thông giáo dục dinh dưỡng với giáo dục thể chất trong hệ thống trường học.

5. Giải pháp kỹ thuật

a) Bổ sung lượng sữa theo định mức khuyến nghị sử dụng sữa và các chế phẩm từ sữa cho người Việt Nam của Viện Dinh dưỡng Trung ương. Cập nhật các tiêu chuẩn kỹ thuật lựa chọn sữa phù hợp với tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe của trẻ mẫu giáo và tiểu học tại thành phố Cần Thơ.

b) Tập huấn kiến thức về công tác quản lý, về kỹ thuật và kỹ năng cảm quan nhận biết sản phẩm sữa đạt yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, quy trình khi tiếp nhận và cách bảo quản, cho trẻ uống sữa tại trường; tập huấn giám sát, đánh giá tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe của trẻ cho đội ngũ cán bộ y tế, giáo viên tham gia Chương trình Sữa học đường lồng ghép với tập huấn Chương trình y tế trường học.

c) Tổ chức thu thập số liệu đánh giá kết quả trước và sau khi thực hiện Chương trình Sữa học đường.

d) Kiểm tra, giám sát thực hiện quy trình giao nhận sữa, cách bảo quản, phân phối và tổ chức thực hiện việc cho trẻ uống sữa tại trường học.

đ) Tổ chức tổng kết theo lộ trình thực hiện.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giáo dục và Đào tạo

a) Là cơ quan Thường trực chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Thông tin và truyền thông, Ủy ban nhân dân quận, huyện xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện Kế hoạch này, đảm bảo gắn kết chặt chẽ với các chương trình, đề án có liên quan; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân thành phố và gửi 01 bản cho Sở Y tế để báo cáo Bộ Y tế.

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị có liên quan tổ chức đấu thầu chọn Đơn vị cung cấp sữa cho Chương trình Sữa học đường theo quy định.

c) Phối hợp với Sở Y tế triển khai Kế hoạch tại các trường học; chỉ đạo các trường học cho trẻ uống sữa đúng quy định; thống kê, quản lý số lượng trẻ được hưởng lợi ích từ Kế hoạch; tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và cán bộ y tế trường học tham gia thực hiện Chương trình Sữa học đường.

d) Tổ chức triển khai thực hiện truyền thông giáo dục dinh dưỡng, lợi ích của việc uống sữa hàng ngày cho trẻ và giáo dục thể chất trong hệ thống trường học; quản lý, sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách và xã hội hóa (nếu có) chi cho các hoạt động của Chương trình Sữa học đường.

đ) Theo dõi, kiểm tra, giám sát việc triển khai và đánh giá hiệu quả thực hiện; làm nhiệm vụ đầu mối tổng hợp, đề xuất các điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện Kế hoạch, tổ chức tổng kết, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố kết quả thực hiện Kế hoạch vào cuối năm 2020.

2. Sở Y tế

a) Cung cấp danh sách các loại sữa đạt tiêu chuẩn phục vụ cho công tác đấu thầu.

b) Đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên y tế; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường giáo dục dinh dưỡng và giáo dục thể chất trong hệ thống trường học.

c) Chỉ đạo các cơ sở y tế và đơn vị trực thuộc phối hợp với các cơ sở giáo dục theo dõi, giám sát và đánh giá việc phát triển thể lực của trẻ trong giai đoạn thực hiện Chương trình Sữa học đường.

d) Kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm của trường học, công tác bảo quản sữa của các trường.

đ) Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, kiểm tra, tổ chức tổng kết thực hiện Kế hoạch vào cuối năm 2020.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế triển khai các hoạt động liên quan thuộc phạm vi Chương trình Sữa học đường; đảm bảo 100% trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hưởng các quyền lợi của Kế hoạch này.

4. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo cân đối kinh phí thực hiện Kế hoạch trong dự toán ngân sách hàng năm theo quy định.

5. Sở Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo các cơ quan truyền thông trên địa bàn tăng cường các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho các cấp chính quyền, cán bộ y tế, nhà trường, cộng đồng về vai trò, tầm quan trọng của Chương trình Sữa học đường.

6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng các chương trình thể dục thể thao trong nhà trường cho học sinh trên địa bàn đảm bảo mục tiêu tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030.

7. Ủy ban nhân dân quận, huyện

a) Chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức triển khai các nội dung của Kế hoạch trên địa bàn.

b) Huy động các nguồn lực khác tại địa bàn để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này.

c) Lồng ghép quản lý, đánh giá nội dung Kế hoạch là một phần trong hoạt động y tế trường học.

d) Kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình Sữa học đường ở địa phương mình báo cáo kết quả thực hiện về Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế định kỳ giữa năm học và cuối năm học.

8. Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện

a) Chỉ đạo Hiệu trưởng các trường tổ chức cho học sinh uống sữa theo Kế hoạch.

b) Phối hợp với Đơn vị cung cấp sữa, nguồn xã hội hóa đảm bảo cơ sở vật chất thực hiện Kế hoạch.

c) Cung cấp số liệu kịp thời, đầy đủ cho việc triển khai thực hiện Kế hoạch, thường xuyên theo dõi, phối hợp với các cơ sở y tế và đơn vị có liên quan trong việc đánh giá tình trạng dinh dưỡng, sự phát triển thể lực của trẻ theo từng giai đoạn, báo cáo đến cơ quan quản lý theo quy định.

9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Cần Thơ và các tổ chức thành viên; các đoàn thể chính trị xã hội và các tổ chức xã hội nghề nghiệp có liên quan

a) Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và người dân, nhất là cha, mẹ học sinh tham gia thực hiện Chương trình; đồng thời phối hợp giám sát việc thực hiện Chương trình.

b) Các đoàn thể chính trị xã hội và các tổ chức xã hội nghề nghiệp có liên quan vận động các tầng lớp quần chúng, nhân dân ủng hộ Chương trình.

10. Đơn vị cung cấp sữa

a) Đảm bảo các tiêu chí lựa chọn và các điều kiện để triển khai hiệu quả Chương trình Sữa học đường theo đúng quy định; bảo đảm cung ứng sữa kịp thời, không gián đoạn vận chuyển sữa đến tận kho của các trường mầm non và tiểu học an toàn.

b) Phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức tổng kết theo quy định.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có phát sinh, vướng mắc, các đơn vị gửi báo cáo về Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế để tổng hợp đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, giải quyết./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Tâm

 

PHỤ LỤC 1

SỐ LIỆU TRẺ THUỘC HỘ NGHÈO, CẬN NGHÈO VÀ TRẺ KHÔNG THUỘC HỘ NGHÈO, CẬN NGHÈO TẠI CÁC QUẬN, HUYỆN

ĐVT: đồng

STT

Quận, huyện

Tổng trẻ

Trẻ thuộc hộ nghèo

Trẻ thuộc hô cận nghèo

Trẻ không thuộc hộ nghèo và cận nghèo

Kinh phí năm 2018 - 2019

Kinh phí năm 2019 - 2020

Tổng cộng

1

Bình Thủy

16.109

175

128

15.806

 

244.125.000

244.125.000

2

Ninh Kiều

34.327

213

164

33.950

 

297.135.000

297.135.000

3

Cái Răng

9.778

281

228

9.269

 

391.995.000

391.995.000

4

Phong Điền

11.752

567

423

10.762

 

790.965.000

790.965.000

5

Ô Môn

15.106

886

95

14.125

 

1.235.970.000

1.235.970.000

6

Thốt Nốt

17.834

525

428

16.881

732.375.000

732.375.000

1.464.750.000

7

Thới Lai

14.209

854

894

12.461

1.191.330.000

1.191.330.000

2.382.660.000

8

Cờ Đỏ

15.744

892

1786

13.066

1.244.340.000

1.244.340.000

2.488.680.000

9

Vĩnh Thạnh

13.855

908

634

12.313

1.266.660.000

1.266.660.000

2.533.320.000

TỔNG CỘNG

148.714

5.301

4.780

138.633

4.434.705.000

7.394.895.000

11.829.600.000

(Số liệu do Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp từ Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện)

 

PHỤ LỤC 2

KINH PHÍ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH

Tổng kinh phí 478.120.000 đồng, cụ thể:

I. Sở Giáo dục và Đào tạo

ĐVT: đồng

STT

Nội dung hoạt động

Số lượng

Đơn giá

Thành tiền

Năm 2018 - 2019

Năm 2019 - 2020

Tổng cộng

I

Tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình Sữa học đường

 

 

 

12.000.000

 

12.000.000

1

Khẩu hiệu

01 cái

4.000.000

4.000.000

4.000.000

4.000.000

2

In tài liệu

200 bộ

30.000

6.000.000

6.000.000

6.000.000

3

Nước uống cho đại biểu

200 người

10.000

2.000.000

2.000.000

2.000.000

II

Tổ chức Hội nghị Tổng kết Kế hoạch thực hiện Chương trình Sữa học đường

 

 

 

 

12.000.000

12.000.000

1

Khẩu hiệu

01 cái

4.000.000

4.000.000

4.000.000

4.000.000

2

In tài liệu

200 bộ

30.000

6.000.000

6.000.000

6.000.000

3

Nước uống cho đại biểu

200 người

10.000

2.000.000

2.000.000

2.000.000

III

Tập huấn cho giáo viên, cán bộ y tế trường học

 

 

 

13.200.000

 

13.200.000

1

Khẩu hiệu

01cái

4.000.000

4.000.000

4.000.000

4.000.000

2

Chi bồi dưỡng báo cáo viên

02 người

500.000

1.000.000

1.000.000

1.000.000

3

In tài liệu

200 bộ

30.000

6.000.000

6.000.000

6.000.000

4

Nước uống cho đại biểu

200 người

10.000

2.200.000

2.200.000

2.200.000

Tổng cộng

25.200.000

12.000.000

37.200.000

II. Sở Y tế

ĐVT: đồng

STT

Nội dung hoạt động

Số lượng

Đơn giá

Thành tiền

Năm 2018 - 2019

Năm 2019 - 2020

Tổng cộng

I

Tập huấn điều tra, giám sát Chương trình

 

 

 

8.760.000

 

8.760.000

1

Khẩu hiệu

01 cái

4.000.000

4.000.000

4.000.000

4.000.000

2

Chi bồi dưỡng báo cáo viên

02 người

500.000

1.000.000

1.000.000

1.000.000

3

In tài liệu

94 bộ

30.000

2.820.000

2.820.000

2.820.000

4

Nước uống cho đại biểu

94 người

10.000

940.000

940.000

940.000

II

Truyền thông

 

 

 

256.560.000

256.560.000

1

Thiết kế và in tờ rơi khổ A4

150.000 tờ

510

76.500.000

76.500.000

 

76.500.000

2

In áp phích 54 x 79

1.000 tờ

13.450

13.450.000

13.450.000

13.450.000

3

In Băng rôn treo tại các trường

366 cái

85.000

31.110.000

31.110.000

31.110.000

4

Thực hiện Sopt

01 cái

6.000.000

6.000.000

6.000.000

6.000.000

5

Phát sóng Spot

90 lần

550.000

49.500.000

49.500.000

49.500.000

6

In sang đĩa

600 đĩa

35.000

21.000.000

21.000.000

21.000.000

7

Thực hiện thông điệp phát thanh

01 lần

15.000.000

15.000.000

15.000.000

15.000.000

8

Tổ chức tọa đàm trên truyền hình

01 lần

44.000.000

44.000.000

44.000.000

44.000.000

III

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình hàng năm

 

 

 

125.400.000

50.200.000

175.600.000

1

Thuê đánh giá kết quả thực hiện

01 lần

40.000.000

40.000.000

40.000.000

40.000.000

80.000.000

2

Cân điện tử

94 cái

500.000

47.000.000

47.000.000

 

47.000.000

3

Thước chuyên dụng đo chiều cao

94 cây

300.000

28.200.000

28.200.000

28.200.000

4

Thuê cộng tác viên đo chiều cao và cân nặng của học sinh

85 người

60.000

5.100.000

10.200.000

10.200.000

20.400.000

Tổng cộng

390.720.000

50.200.000

440.920.000

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 24/KH-UBND năm 2018 thực hiện Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn thành phố Cần Thơ

  • Số hiệu: 24/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 26/01/2018
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Lê Văn Tâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/01/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản