Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 231/KH-UBND

An Giang, ngày 09 tháng 5 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

KỊCH BẢN TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ NĂM 2018 TỈNH AN GIANG

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ việc xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang xây dựng kịch bản tăng trưởng năm 2018 tỉnh An Giang như sau:

I. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018

* Mục tiêu: Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, khai thác có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế ổn định, bền vững theo hướng tăng trưởng xanh; Khai thác mạnh mẽ lợi thế so sánh của tỉnh trong liên kết vùng; Ứng phó và thích nghi hiệu quả với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất và chế biến; Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; Tập trung đầu tư, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân; Thực hiện tốt các chính sách về giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; Giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội, từng bước giảm thiểu tai nạn giao thông.

* Các chỉ tiêu chủ yếu

STT

Chỉ tiêu

ĐVT

KH 2018

1

Tốc độ tăng trưởng GRDP (Giá SS 2010)

%

6 - 6,5

 

- Khu vực Nông, lâm, thủy sản

%

2 - 2,25

 

- Khu vực Công nghiệp và Xây dựng

%

7,69 - 8,20

 

- Khu vực Dịch vụ

%

8 - 8,66

 

- Thuế sản phẩm trừ trợ giá chính sách

%

5,6

2

Cơ cấu kinh tế

 

 

 

- Khu vực Nông, lâm, thủy sản

%

28,86 - 28,93

 

- Khu vực Công nghiệp và Xây dựng

%

14,65 - 14,66

 

- Khu vực Dịch vụ

%

54,85 - 54,92

 

- Thuế sản phẩm trừ trợ giá chính sách

%

1,56 - 1,57

3

Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân

Triệu đồng/ha

183

4

Kim ngạch xuất khẩu

Triệu USD

840

5

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội

Tỷ đồng

26.557

6

Thu ngân sách từ kinh tế địa bàn (tỷ đồng)

Tỷ đồng

5.700

7

Tỷ lệ lao động được đào tạo so với tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân

%

60

8

Tỷ lệ hộ nghèo

%

4,55

9

Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị

%

< 4

10

Tỷ lệ dân tham gia bảo hiểm y tế

%

81,5

11

Số giường bệnh trên 10.000 dân

Giường

20,25

12

Tỷ lệ che phủ rừng và cây xanh phân tán

%

22,4

13

Phấn đấu xã đạt chuẩn nông thôn mới

43

II. Về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2018

Căn cứ mục tiêu tăng trưởng của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của tỉnh An Giang; Và Tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2018: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước quý I năm 2018 (theo giá so sánh 2010) tăng 5,95% so cùng kỳ năm trước; trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 1,22%; khu vực Công nghiệp - Xây dựng tăng 9,35%; khu vực dịch vụ tăng 9,51%. Như vậy, để đạt được kịch bản tăng trưởng GRDP cả năm 2018 là 6 - 6,5% thì dự kiến mục tiêu phấn đấu cần đạt trong 6 tháng và 9 tháng đầu năm như sau:

- Mục tiêu 6 tháng: tăng trưởng GRDP là 6%, trong đó: Khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,43%; Khu vực Công nghiệp và xây dựng tăng 7,87%; Khu vực Dịch vụ tăng 8,34%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 4,92%.

- Mục tiêu 9 tháng: tăng trưởng GRDP là 6,2%, trong đó: Khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,77%; Khu vực Công nghiệp và xây dựng tăng 8,25%; Khu vực Dịch vụ tăng 8,66%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 6,13%.

- Mục tiêu cả năm 2018: tăng trưởng GRDP là 6,5%, trong đó: Khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,25%; Khu vực Công nghiệp và xây dựng tăng 8,2%; Khu vực Dịch vụ tăng 8,88%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 5,44%.

(Phụ lục chi tiết kèm theo)

III. Các giải pháp cần triển khai thực hiện để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra

1) Đối với lĩnh vực phát triển nông nghiệp

- Tiếp tục triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo ngành hàng và triển khai thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tập trung 3 vấn đề: (1) mời gọi đầu tư trong nông nghiệp; (2) đào tạo nguồn nhân lực (3) xây dựng thương hiệu: Triển khai Kế hoạch tạo quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2017-2018.

- Thực hiện thí điểm phân cấp công nhận Doanh nghiệp nông nghiệp Công nghệ cao để thuận tiện hơn cho thu hút đầu tư trong nông nghiệp, trước mắt tập trung một số ngành hàng như: heo giống, heo thịt, chuối cấy mô; cá tra giống; Phối hợp với Ngân hàng nhà nước triển khai nhanh gói hỗ trợ cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ (Dự kiến điều kiện cho vay và phương án cho vay theo hướng đề xuất cơ cấu vốn: 1/3 do Nhà nước hỗ trợ, 1/3 từ vốn vay ưu đãi của Ngân hàng, 1/3 là vốn tự có doanh nghiệp). Triển khai đào tạo cho cán bộ HTX và Doanh nghiệp tại Nhật và Israel. Xây dựng thương hiệu gạo gắn với doanh nghiệp.

- Tổ chức thực hiện Kế hoạch phát triển thủy sản bền vững tỉnh An Giang giai đoạn 2016 - 2020 (theo Quyết định số 3115/QĐ-UBND , ngày 20/10/2017 của UBND tỉnh); Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang rau màu và cây ăn trái trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 (theo Quyết định số 3410/QĐ- UBND, ngày 14/11/2017 của UBND tỉnh); Tiếp tục xây dựng và triển khai Kế hoạch Tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo bền vững giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020.

- Tiếp tục thực hiện và nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, nhân rộng mô hình “Cánh đồng lớn”, gắn với thực hiện các mô hình kinh tế hợp tác của HTX kiểu mới, liên kết từ cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra trong sản xuất và cung cấp các dịch vụ khác. Tiếp tục xây dựng các cửa hàng nông sản an toàn ở các thị xã, thị trấn trong tỉnh.

- Thực hiện đề án đổi mới và phát triển HTX, tổ hợp tác trong nông nghiệp và triển khai Kế hoạch 473 của UBND tỉnh nhằm đổi mới toàn diện, phát triển đa dạng, nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác trong nông nghiệp. Hình thành các liên hiệp HTX gắn với doanh nghiệp tiêu thụ như tập đoàn Lộc trời; tập đoàn Vương Đình; Công ty Vinacam; tập đoàn Tân Long. Phát triển thêm các HTX rau màu, cây ăn trái và sản xuất giống cá tra.

- Triển khai áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”, mở rộng áp dụng Global GAP, Viet GAP để giảm giá thành, nâng cao năng suất và lợi nhuận cho người dân. Tăng cường công tác khuyến nông và khuyến khích nông dân chú trọng khâu ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất, sử dụng máy cấy, máy sạ hàng,…giúp giảm thất thoát, góp phần làm tăng giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích. Gắn kết hoạt động cho cả bộ máy tổ chức từ tỉnh đến xã, nâng cao chất lượng làm việc cũng như trách nhiệm của cán bộ kỹ thuật.

- Tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, vận động các hộ nuôi cá thể thành lập các hợp tác xã hay chi hội thực hiện hợp đồng liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp, ổn định được đầu ra nguyên liệu, sản xuất theo kế hoạch xuất khẩu của doanh nghiệp.

- Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi, tổ chức triển khai tốt công tác bảo vệ thực vật, chăn nuôi và thú y trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục thực hiện công tác phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn và thiên tai. Chương trình hành động chiến lược quốc gia về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020. Chương trình hành động của ngành nông nghiệp về biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

2) Phát triển Công nghiệp và Xây dựng:

- Xây dựng và ban hành Quy định về Quy chế phối hợp, quản lý, đầu tư phát triển Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang; Quy định, trình tự, thủ tục xác nhận ưu đãi và hậu kiểm ưu đãi đối với các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh An Giang.

- Tổ chức đoàn công tác đến làm việc với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để mời gọi đầu tư vào các Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Đẩy mạnh triển khai các Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật các Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp; Thường xuyên cập nhật thông tin quy hoạch phát triển Cụm công nghiệp tỉnh giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa nắm rõ các thông tin về vị trí, diện tích đất công nghiệp cho thuê trong các Cụm công nghiệp.

- Triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình khuyến công và chính sách khuyến công trên địa bàn tỉnh, như: Hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư đổi mới máy móc thiết bị nhằm nâng cao công suất chế biến, giảm chi phí qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh.

- Xây dựng và ban hành các Đề án: Cơ cấu lại ngành công nghiệp tỉnh An Giang (Trong đó, tập trung vào những ngành công nghiệp nền tảng, có lợi thế cạnh tranh và có ý nghĩa chiến lược đối với tăng trưởng nhanh, bền vững của tỉnh; lựa chọn sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp chủ lực để ưu tiên phát triển; cơ cấu lại ngành nghề theo thế mạnh của từng địa phương); Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển ngành cơ khí, cơ khí hỗ trợ, phục vụ phát triển nông nghiệp tỉnh An Giang.

- Tiếp tục triển khai thực hiện hiện quả Chương trình khuyến công và chính sách khuyến công trên địa bàn tỉnh, như: Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia các kỳ hội chợ, triển lãm, giao thương trong và ngoài tỉnh; Tổ chức tập huấn giới thiệu kinh nghiệm quản lý, sản xuất, kinh doanh, các mô hình chuyển giao công nghệ mới, nâng cao năng lực và áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.

- Tăng cường các giải pháp, tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư, triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn Trung ương bổ sung, vốn Trái phiếu Chính phủ, vốn đầu tư tập trung và vốn xổ số kiến thiết của tỉnh và các nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.

3) Về thương mại:

- Xây dựng và triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả, thịt heo trên địa bàn tỉnh An Giang để từng bước nâng cao chất lượng và tạo uy tín thương hiệu cho nông sản địa phương đối với người tiêu dùng, đáp ứng xu thế phát triển của thị trường.

- Phối hợp với các ngành liên quan triển khai Kế hoạch phát triển thương hiệu xoài Chợ Mới; Thành lập Văn phòng đại diện và trưng bày sản phẩm An Giang tại TP. Hồ Chí Minh.

- Có kế hoạch và triển khai thành lập chuỗi phân phối sản phẩm theo hình thức đối tác công tư (PPP) (Trong đó, khuyến khích, hướng dẫn doanh nghiệp và tổ chức đầu tư, kinh doanh khác thành lập các chuỗi phân phối sản phẩm có ít nhất 80% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia trong chuỗi theo quy định); Ban hành cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến.

- Tăng cường hoạt động hỗ trợ DN mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh như: Tổ chức Chương trình “Người tiêu dùng nhận dạng sản phẩm An Giang” thông qua các hoạt động tuyên truyền, quảng bá (Tờ rơi, Báo, Đài, website,...), giới thiệu sản phẩm An Giang đến với người tiêu dùng địa phương và khách du lịch; Hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia 5 phiên chợ xanh (Phiên chợ nông sản an toàn) Tổ chức 01 chuyến kết nối giao thương tại các tỉnh phía Bắc; Tổ chức 5 phiên chợ hàng Việt về nông thôn và 20 chuyến hàng lưu động.

- Tiếp tục thực hiện tốt vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh; Chủ động phối hợp với lực lượng và đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra chuyên ngành. Đặc biệt chú ý đến các kho bãi ở gần khu vực biên giới, cửa khẩu, cảng sông, bến xe được sử dụng để cho thuê chứa hàng, các kho nguyên liệu của công ty sản xuất thực phẩm trên địa bàn tỉnh.… Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật thương mại nhằm góp phần bảo đảm lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, của các doanh nghiệp kinh doanh chân chính.

4) Xuất khẩu hàng hóa:

- Ban hành kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá tỉnh An Giang năm 2018.

- Tiếp tục theo dõi, hỗ trợ DN đẩy nhanh tiến độ đưa sản phẩm gạo vào thị trường Iran; Làm việc với Cục doanh nghiệp quốc tế Singapore (IE, cơ quan quản lý và cấp phép xuất nhập khẩu mặt hàng gạo), một số siêu thị/nhà nhập khẩu gạo lớn và Hiệp hội gạo ở Singapore nhằm đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh tỉnh An Giang vào thị trường Singapore.

- Phối hợp các đơn vị liên quan triển khai thực hiện Đề án Xây dựng và Phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

- Thực hiện bản tin định kỳ dự báo giá cả, thị trường đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh, qua đó triển khai các thông tin về chính sách, thị trường (nhất là các thông tin về chính sách, thị trường của Trung Quốc) đến doanh nghiệp, đồng thời có giải pháp tháo gỡ nhằm cải thiện tình hình sản xuất - kinh doanh cho doanh nghiệp khi thị trường có tín hiệu bất lợi cho sản xuất, kinh doanh các mặt hàng chủ lực của tỉnh. Đồng thời, đưa ra các dự báo sớm về nhu cầu và giá cả hàng hóa xuất khẩu chủ lực của tỉnh để cung cấp thường xuyên và nhằm định hướng sản xuất cho các doanh nghiệp; Nắm rõ các rào cản kỹ thuật và chủ động xây dựng các biện pháp để khắc phục.

- Tập trung triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030; Xây dựng Đề án “Xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh An Giang”.

- Tăng cường liên kết, phối hợp với các Tham tán Thương mại Việt Nam tại nước ngoài và các thương vụ nước ngoài tại Việt Nam để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường cho hàng hóa, dịch vụ của An Giang. Thường xuyên tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia hội chợ và hội thảo gắn kết giao thương tại nước ngoài.

- Xây dựng và triển khai Kế hoạch: Gắn kết giới thiệu các mặt hàng chủ lực tỉnh An Giang tại tỉnh Champasack, Savannakhet, Viêng Chăn - Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; Tổ chức đoàn doanh nghiệp đến làm việc với các doanh nghiệp ngoài nước tại Cuba, Mexico.

- Phối hợp Sở Thương mại Takeo, Kandal triển khai các hoạt động hợp tác phát triển thương mại biên giới hai bên: Tổ chức Hội nghị giao thương kết nối doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp triển khai xây dựng đại lý, hệ thống phân phối các mặt hàng như máy gặt, máy sấy, vật liệu xây dựng,... tại 02 tỉnh Takeo và Kandal.

5) Phát triển du lịch:

- Tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh An Giang. Nâng cao hiệu quả kêu gọi đầu tư xây dựng các khu vui chơi, giải trí quy mô lớn, cơ sở lưu trú hiện đại, gắn với phát triển các dịch vụ ăn uống, mua bán sản phẩm du lịch.

- Triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 09-CTr/TU ngày 05/12/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, giai đoạn I từ năm 2017 đến năm 2020. Tăng cường năng lực đào tạo du lịch bằng nhiều hình thức, chú trọng chất lượng đào tạo cả về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ và nâng cao kiến thức QLNN về du lịch, kiến thức bảo vệ tài nguyên, môi trường, ANTT, văn minh thương mại.

- Triển khai thực hiện Chương trình hành động số 59/CTr-UBND ngày 13/02/2017 của UBND tỉnh về phát triển hạ tầng du lịch phát triển hạ tầng du lịch tỉnh An Giang giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Tập trung nguồn lực đầu tư cho du lịch, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng viễn thông, hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch.

- Triển khai hiệu quả Kế hoạch Xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh An Giang giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025; Xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch An Giang; Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá để tạo mối liên kết bền vững với các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Đà Nẵng…; Tổ chức các chuyến xúc tiến du lịch ngoài nước đến thị trường du lịch trọng điểm của An Giang để giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch An Giang.

- Xây dựng các tuyến du lịch, phát triển sản phẩm du lịch mới; phối hợp các sở, ban ngành tỉnh và địa phương tổ chức các sự kiện nhằm thu hút du khách đến tham quan và lưu trú lại An Giang nhiều hơn.

- Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn an ninh cho du khách, xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện với du khách, nghiêm túc chấn chỉnh và xử phạt những hành vi sai phạm, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch An Giang.

6) Về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp:

- Tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch 73/KH-UBND ngày 08/2/2018 về phát triển doanh nghiệp tỉnh An Giang đến năm 2020; Chương trình hành động số 377/CTr-UBND ngày 14/7/2016 nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

- Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, chú trọng tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút được Nhà đầu tư chiến lược có năng lực để đầu tư vào các mục tiêu mà tỉnh đang chú trọng (như lĩnh vực Du lịch và Nông nghiệp...) gây tác động lan tỏa đến nhà đầu tư mới thông qua việc tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài đã và đang đầu tư tại An Giang nhằm hỗ trợ giới thiệu các nhà đầu tư khác.

- Tiếp tục thực hiện tốt việc rút ngắn thời gian trả kết quả đăng ký doanh nghiệp so với quy định và Kế hoạch giám sát và công bố kết quả giải quyết thủ tục hành chính, hồ sơ liên quan trực tiếp doanh nghiệp, nhà đầu tư.

- Tiếp tục phối hợp với các Chi nhánh Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh ký kết Quy chế liên kết đăng ký tài khoản cho doanh nghiệp cùng thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp, để thực hiện kê khai thuế điện tử./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (1 + 2);
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh ;
- Sở, Ban, ngành tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, TP;
- Lãnh đạo VP, các phòng thuộc VP;
- Lưu VT.
(Kèm phụ lục chi tiết)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT.CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Nưng

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 231/KH-UBND về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2018 tỉnh An Giang

  • Số hiệu: 231/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 09/05/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Lê Văn Nưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản