Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 233/KH-UBND | Đồng Nai, ngày 26 tháng 6 năm 2025 |
KẾ HOẠCH
THÚC ĐẨY CHUYỂN ĐỔI SỐ LIÊN THÔNG, ĐỒNG BỘ, NHANH, HIỆU QUẢ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU SẮP XẾP TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ
Căn cứ Kế hoạch số 02-KH/BCĐTW ngày 19/6/2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số về thúc đẩy chuyển đổi số liên thông, đồng bộ, nhanh, hiệu quả đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị;
Căn cứ Kế hoạch số 487-KH/TU ngày 24/6/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thúc đẩy chuyển đổi số liên thông, đồng bộ, nhanh, hiệu quả đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Đồng Nai;
UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thúc đẩy chuyển đổi số liên thông, đồng bộ, nhanh, hiệu quả đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Xây dựng nền tảng Chính quyền điện tử, cơ sở dữ liệu dùng chung, đảm bảo trao đổi, chia sẻ thông tin liên thông giữa các sở, ban, ngành và 55 xã phường trên địa bàn tỉnh, tiến tới đảm bảo liên thông với 95 xã/phường sau khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (tỉnh-xã) và sáp nhập 02 tỉnh Đồng Nai - Bình Phước;
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, rút ngắn thời gian xử lý công việc, cải thiện trải nghiệm người dân, doanh nghiệp;
- Đáp ứng kịp thời yêu cầu sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, đảm bảo vận hành thông suốt sau khi điều chỉnh cơ cấu.
2. YÊU CẦU
- Quyết liệt, khẩn trương: Phải hành động với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, thống nhất, khẩn trương, xác định đây là nhiệm vụ cấp bách. Các nhiệm vụ, đặc biệt trong giai đoạn đầu, phải có sản phẩm cụ thể, đo lường được và hoàn thành đúng tiến độ đã đề ra.
- Đồng bộ, toàn diện: Kế hoạch phải được quán triệt và triển khai thống nhất trong toàn bộ các cơ quan chuyên môn/cơ quan trực thuộc UBND tỉnh; đảm bảo thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp xã.
- Thực chất, hiệu quả: Chấm dứt triệt để tình trạng triển khai hình thức. Mọi giải pháp phải hướng tới mục tiêu cuối cùng là nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo.
- Trách nhiệm rõ ràng: Gắn chặt trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị với kết quả thực hiện. Kết quả chuyển đổi số phải được xem là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu để đánh giá, quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong giai đoạn mới.
- An ninh thông tin, bảo mật: Xác định rõ an ninh thông tin và bảo mật là tiên quyết trong công tác chuyển đổi số. Cấp ủy các đơn vị phải thường xuyên đánh giá, rà soát, chủ động phối hợp và tuân thủ tuyệt đối các quy định, tiêu chuẩn của cơ quan chuyên trách về an ninh thông tin và bảo mật.
II. MỤC TIÊU, ĐỊNH HƯỚNG VÀ PHẠM VI
1. Mục tiêu
a) Mục tiêu tổng quát
Tổ chức triển khai chuyển đổi số một cách nhanh chóng, kịp thời, toàn diện, lấy việc bảo đảm tính liên thông, đồng bộ trong toàn hệ thống chính trị làm mục tiêu xuyên suốt và cao nhất, đồng thời đáp ứng yêu cầu cấp bách của việc cải cách tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính; bảo đảm bộ máy các cấp sau cải cách vận hành thông suốt, liên thông, hiệu quả, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp, tạo nền tảng vững chắc cho quản trị quốc gia hiện đại và phát triển bền vững, chia làm 2 giai đoạn:
- Giai đoạn từ nay đến ngày 30/6/2025: Tập trung tháo gỡ ngay các điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng, dữ liệu để bảo đảm hệ thống chính quyền địa phương hai cấp sau sáp nhập vận hành thông suốt, liên tục, hiệu quả từ ngày 01/7/2025. Không để xảy ra tình trạng gián đoạn, ách tắc trong giải quyết thủ tục hành chính, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của người dân và doanh nghiệp.
- Giai đoạn từ ngày 01/7/2025 đến ngày 31/12/2025: Khắc phục cơ bản những tồn tại, yếu kém cố hữu về chuyển đổi số trong toàn hệ thống chính trị. Hoàn thiện các nền tảng dùng chung, chuẩn hoá và kết nối các cơ sở dữ liệu (CSDL) quan trọng, nâng cao thực chất chất lượng dịch vụ công trực tuyến, tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
b) Mục tiêu cụ thể thực hiện đến 30/6/2025
- 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành, địa phương được đồng bộ, thống nhất trên các Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh.
- Hoàn thành việc lựa chọn, cấu hình, nâng cấp và kết nối, tích hợp Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh với Cổng Dịch vụ công quốc gia.
- Hoàn thành nâng cấp, cấu hình các hệ thống thông tin phục vụ hoạt động và chỉ đạo, điều hành (hệ thống họp trực tuyến; hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc; hệ thống thư điện tử; hệ thống thông tin báo cáo; hệ thống quản lý cán bộ, công chức, viên chức; cổng thông tin điện tử…) để đáp ứng yêu cầu sắp xếp đơn vị hành chính, thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
- Bảo đảm cung cấp 25 dịch vụ công trực tuyến toàn trình đã tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia phục vụ người dân, doanh nghiệp.
- Bảo đảm cung cấp 982 dịch vụ công trực tuyến với số lượng hồ sơ trung bình của mỗi dịch vụ công phát sinh ít nhất 10 hồ sơ/năm/tỉnh (không áp dụng chỉ tiêu này đối với những thủ tục hành chính có tần suất thấp, đối tượng tuân thủ và thuộc những lĩnh vực đặc thù).
- Bố trí trụ sở, trang cấp thiết bị, phân công lãnh đạo, nhân lực, hệ thống hạ tầng mạng; thiết lập và vận hành ổn định Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, tại cấp xã theo mô hình chính quyền mới, bảo đảm phục vụ người dân, doanh nghiệp liên tục, không gián đoạn.
* Giai đoạn từ ngày 01/7/2025 đến ngày 31/12/2025
- Thực hiện việc cung cấp tập trung các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đối với toàn bộ thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần, theo hướng thống nhất, đồng bộ, từng bước thay thế các dịch vụ công trực tuyến riêng lẻ tại cấp tỉnh. Trong đó:
+ Bảo đảm duy trì và cung cấp thực chất, hiệu quả 25 dịch vụ công trực tuyến toàn trình đã tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia phục vụ người dân, doanh nghiệp.
+ Bảo đảm cung cấp 982 dịch vụ công trực tuyến với số lượng hồ sơ trung bình của mỗi dịch vụ công phát sinh ít nhất 1.000 hồ sơ/năm/tỉnh và đáp ứng yêu cầu cung cấp 100% kết quả điện tử và tái sử dụng thông tin, dữ liệu (không áp dụng chỉ tiêu này đối với những thủ tục hành chính có tần suất thấp, đối tượng tuân thủ và thuộc những lĩnh vực đặc thù).
+ Bảo đảm cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với 82 nhóm thủ tục hành chính theo Quyết định số 06/QĐ-TTg, ngày 06/01/2022, Quyết định số 206/QĐ-TTg, ngày 28/02/2024, Quyết định số 422/QĐ-TTg, ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ và các thủ tục hành chính ưu tiên.
+ Bảo đảm cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với 1.139 thủ tục hành chính có thành phần hồ sơ được thay thế bằng dữ liệu, cắt giảm giấy tờ và chi phí.
- 100% thủ tục hành chính được thực hiện không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh; 100% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến, thông suốt, liền mạch.
- Tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến, người dân chỉ phải nhập dữ liệu một lần.
- Hoàn thành phối hợp làm sạch và đưa vào khai thác, bảo đảm "đúng - đủ - sạch - sống - thống nhất - dùng chung" đối với 12 cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành trọng yếu. Riêng đối với cơ sở dữ liệu về tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ, công chức hoàn thành giai đoạn 1 và giai đoạn 2 trong năm 2025, kết thúc vào năm 2026.
- Kết nối, liên thông các hệ thống thông tin phục vụ hoạt động và chỉ đạo, điều hành (hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc, hệ thống thông tin báo cáo, hệ thống họp trực tuyến…) của các khối cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân.
- 100% hồ sơ, tài liệu công việc phát sinh từ ngày 01/7/2025 được tạo lập và xử lý trên môi trường điện tử; hoàn thành số hoá ít nhất 30% tài liệu lưu trữ lịch sử có giá trị cao, tạo tiền đề hoàn thành toàn bộ công tác số hoá tài liệu lưu trữ trong năm 2026.
- Cơ bản hoàn thành việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hoá đầy đủ các chủ trương, định hướng của Nghị quyết số 57-NQ/TW.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chỉ đạo điều hành trực tuyến của lãnh đạo các cấp: Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, trợ lý ảo…
2. Định hướng triển khai
- Rà soát, điều chỉnh và bổ sung các Đề án, Kế hoạch chuyển đổi số đã được ban hành ở tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới, phù hợp với tổ chức bộ máy theo mô hình chính quyền hai cấp.
- Xác định và triển khai các nhiệm vụ tạo đột phá theo 6 trụ cột: thể chế, hạ tầng, dữ liệu, nền tảng, nhân lực và tài chính nhằm nâng cao hiệu quả, tốc độ và tính bền vững của quá trình chuyển đổi số.
- Tập trung các giải pháp trọng tâm nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn đang cản trở tiến trình chuyển đổi số, bảo đảm điều kiện vận hành thông suốt, không gián đoạn.
3. Phạm vi
Kế hoạch được áp dụng triển khai trong tỉnh Đồng Nai bao gồm các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh và UBND các xã/phường
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Văn phòng UBND tỉnh
- Theo dõi, đôn đốc, tham mưu chỉ đạo triển khai việc tiếp nhận, giải quyết TTHC trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đảm bảo tỷ lệ giải quyết TTHC theo kế hoạch của UBND tỉnh; tham mưu chủ tịch UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc các Sở, ban ngành triển khai dịch vụ công trực tuyến, tái cấu trúc quy trình giải quyết TTHC, đảm bảo tỷ lệ hồ sơ trực tuyến theo quy định.
- Tham mưu triển khai các nhiệm vụ về tổ chức hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; hướng dẫn triển khai Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã theo quy định tại Nghị định số 118/2025/NĐ-CP ngày 09/6/2025 của Chính phủ đảm bảo về cơ sở hạng tầng, nhân sự, trang thiết bị,… đáp ứng triển khai tiếp nhận, trả kết quả TTHC cho người dân, doanh nghiệp được liên tục, hiệu quả, thông suốt, không gián đoạn khi triển khai mô hình chính quyền địa phương 02 cấp.
2. Sở Khoa học và Công nghệ
- Khảo sát, đề xuất và hoàn tất lựa chọn, cấu hình, nâng cấp Hệ thống Thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh; kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia.
- Nâng cấp, cấu hình Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, Hệ thống họp trực tuyến, Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc, Hệ thống thư điện tử, Hệ thống thông tin báo cáo, Cổng thông tin điện tử,… để đáp ứng mô hình chính quyền hai cấp.
- Rà soát, lập kế hoạch chi tiết tích hợp tập trung toàn bộ dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia, thay thế dần các dịch vụ riêng lẻ.
- Đảm bảo kết nối, tích hợp 25 dịch vụ công trực tuyến toàn trình lên Cổng DVC quốc gia.
- Phối hợp làm sạch, chuẩn hóa và đưa vào khai thác 12 cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành trọng yếu (giai đoạn 1 hoàn thành 30/9/2025; giai đoạn 2 hoàn thành 31/12/2025).
3. Sở Nội vụ
- Theo dõi quá trình số hoá tài liệu đặc biệt là quá trình số hoá tài liệu lưu trữ lịch sử có giá trị cao; hoàn thành số hoá ít nhất 30% tài liệu lưu trữ lịch sử có giá trị cao, tạo tiền đề hoàn thành toàn bộ công tác số hoá tài liệu lưu trữ trong năm 2026.
- Đánh giá, lựa chọn hệ thống thông tin phục vụ hoạt động và chỉ đạo, điều hành: Hệ thống quản lý cán bộ, công chức viên chức
4. UBND cấp xã/phường
- Đồng bộ 100% thủ tục hành chính địa phương lên hệ thống chung, đảm bảo không phụ thuộc địa giới hành chính trong tỉnh và 80% hồ sơ xử lý hoàn toàn trực tuyến (nhập dữ liệu một lần). (Hạn hoàn thành nâng cấp quy trình & hệ thống: 31/8/2025; Hoàn thành kiểm thử & hiệu chỉnh: 30/9/2025)
- Bố trí trụ sở, hạ tầng mạng, nhân lực vận hành Trung tâm Phục vụ HCC cấp huyện/xã; phối hợp cung cấp dữ liệu cho Trung tâm tỉnh (Hoàn thành bố trí: 25/6/2025)
5. Các sở, ngành
Hỗ trợ kỹ thuật, phối hợp liên thông hệ thống chỉ đạo - điều hành (văn bản, báo cáo, họp trực tuyến) giữa của các khối cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân. (Hoàn thành tích hợp kỹ thuật: 30/9/2025; Hoàn thành thử nghiệm liên thông: 31/10/2025)
- Đảm bảo 982 dịch vụ công trực tuyến, mỗi dịch vụ phát sinh tối thiểu: 10 hồ sơ /năm (đến 30/6/2025); 1.000 hồ sơ/năm (đến 31/12/2025); đồng thời cung cấp 100% kết quả điện tử và tái sử dụng dữ liệu chung.
- Triển khai DVCTT toàn trình cho 82 nhóm thủ tục theo các Quyết định 06/QĐ-TTg, 206/QĐ-TTg, 422/QĐ-TTg và 1.139 thủ tục cắt giảm giấy tờ (Khởi động ban đầu hoàn thành: 31/10/2025, ổn định vận hành: 30/11/2025).
- Tham mưu ban hành, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật thể chế hóa Nghị quyết 57-NQ/TW (Cơ bản hoàn thành: 31/12/2025)
Trên đây là Kế hoạch Thúc đẩy chuyển đổi số liên thông, đồng bộ, nhanh, hiệu quả đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị của UBND tỉnh Đồng Nai./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 06/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 422/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2022 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 206/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông ưu tiên tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia năm 2024 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Nghị quyết 57-NQ/TW năm 2024 đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 5Nghị định 118/2025/NĐ-CP thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Bộ phận Một cửa và Cổng Dịch vụ công quốc gia
Kế hoạch 223/KH-UBND năm 2025 thúc đẩy chuyển đổi số liên thông, đồng bộ, nhanh, hiệu quả đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị do tỉnh Đồng Nai ban hành
- Số hiệu: 223/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 26/06/2025
- Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai
- Người ký: Dương Minh Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 26/06/2025
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra