Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2161/KH-UBND

Gia Lai, ngày 23 tháng 10 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG TỈNH GIA LAI, MÙA KHÔ NĂM 2020 - 2021

Căn cứ Luật Lâm nghiệp, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; Thông tư số 25/2019/TT-BNNPTNT ngày 27/12/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR); Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21/3/2017 của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 30/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp cấp bách PCCCR; Quyết định số 3422/QĐ-BNN-TCLN ngày 28/8/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Kế hoạch phòng cháy chữa cháy rừng thực hiện Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 11/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy chữa cháy;

Nhằm chủ động trong công tác PCCCR, giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại do cháy rừng gây ra, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch PCCCR mùa khô 2020- 2021 tỉnh Gia Lai, với những nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Quản lý, bảo vệ và PCCCR 633.325,46 ha diện tích rừng hiện có của tỉnh; trong đó rừng tự nhiên 543.131,95 ha, rừng trồng 90.193,51 ha.

- Triển khai công tác PCCCR với phương châm “Phòng là chính, chữa cháy phải khẩn trương kịp thời và triệt để”, nâng cao khả năng phòng cháy, kiểm soát được cháy rừng, đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng xảy ra trong mùa khô.

- Nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ rừng (BVR) và PCCCR của các cấp từ tỉnh đến huyện, xã, các ban ngành và nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư; nâng cao năng lực chỉ huy về PCCCR của Ban Chỉ huy các cấp. Khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác tổ chức quản lý BVR, PCCCR, lập lại kỷ cương trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ tốt tài nguyên rừng hiện có.

- Chủ động phát hiện sớm cháy rừng, kịp thời ứng phó, huy động lực lượng triển khai phương án chữa cháy hiệu quả, an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.

2. Yêu cầu

- Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định về PCCCR theo Luật Lâm nghiệp, Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 15/02/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 30/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Lâm nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo việc triển khai thực hiện các biện pháp quản lý BVR, PCCCR.

- Các chủ rừng có trách nhiệm tổ chức quản lý bảo vệ và thực hiện các biện pháp an toàn về PCCCR trên diện tích rừng được giao quản lý. Tăng cường tuần tra, kiểm tra rừng trong suốt mùa khô, nhất là thời gian cao điểm có nguy cơ cháy rừng cao để kịp thời phát hiện và tổ chức chữa cháy khi mới phát sinh đám cháy trong rừng.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH:

1. Công tác phòng cháy rừng

1.1. Thể chế và chính sách:

- Củng cố và kiện toàn Ban Chỉ huy PCCCR các cấp, có quy chế hoạt động, chương trình công tác, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên, duy trì chế độ họp của Ban, có kinh phí để hoạt động.

- Công tác PCCCR phải được quan tâm đúng mức và đầu tư thỏa đáng.

- Củng cố, kiện toàn nâng cao năng lực PCCCR của lực lượng kiểm lâm và các đơn vị chủ rừng là lực lượng nòng cốt sẵn sàng chủ động trong mọi tình huống cháy rừng xảy ra; xây dựng phương án phối hợp, huy động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy rừng các cấp.

- Củng cố, xây dựng các tổ, đội quần chúng BVR tại các thôn làng, làm lực lượng nòng cốt trong công tác PCCCR.

2.1. Giải pháp về phòng cháy rừng:

2.1.1 Công tác tuyên truyền:

- Công tác tuyên truyền vận động, giáo dục phổ biến pháp luật là nhiệm vụ hàng đầu trong sự nghiệp bảo vệ và PCCCR, lực lượng Kiểm lâm, đơn vị chủ rừng, Ủy ban nhân dân các xã tranh thủ sự ảnh hưởng những người có uy tín ở các thôn, làng phối hợp với các đoàn thể của huyện, xã thực hiện việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức trách nhiệm về BVR và PCCCR là của toàn dân; hướng dẫn người dân sản xuất nương rẫy đúng quy định, không để lửa cháy lan vào rừng trong quá trình đốt, dọn nương rẫy, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như tuyên truyền cá biệt, tuyên truyền tại các thôn, làng, tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh của xã; thi tìm hiểu các quy định về bảo vệ rừng, ý nghĩa, tầm quan trọng của rừng đối với đời sống, xã hội; ký cam kết an toàn lửa rừng, thực hiện các quy định về BVR, PCCCR; phát các tài liệu tuyên truyền quản lý BVR, PCCCR, tờ rơi, băng hình, pa nô, áp phích, hình ảnh; qua hệ thống các loại bảng tuyên truyền, bảng nội quy, quy định về BVR, PCCCR tại các tuyến đường ra, vào rừng, ...

- Xây dựng, sửa chữa các các loại bảng biển PCCCR bị hỏng nhằm phát huy tốt việc tuyên truyền, cảnh báo kịp thời về cấp độ cảnh báo cháy rừng; đóng các biển báo cấm lửa, quy định về PCCCR những nơi dễ xảy ra cháy rừng, dễ nhìn thấy, nhiều người qua lại.

2.1.2. Rà soát, khoanh vùng trọng điểm cháy:

Để chủ động trong kiểm soát, huy động lực lượng, phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng và đề ra các biện pháp PCCCR thích hợp, hiệu quả; Ban Chỉ huy PCCCR các huyện, thị xã, thành phố phải rà soát, bổ sung vùng trọng điểm cháy rừng ngoài thực địa vào bản đồ phân vùng trọng điểm cháy rừng.

Những căn cứ để xác định các trọng điểm cháy rừng: Kiểu trạng thái rừng có khả năng cháy cao (khả năng bén lửa của vật liệu cháy), tình hình cháy rừng trong các năm qua, các điều kiện về tự nhiên, kinh tế - xã hội có liên quan trực tiếp đến cháy rừng, công tác PCCCR; diện tích rừng được xác định cho một trọng điểm cháy phải liền nhau, là nơi có nguy cơ cháy rừng cao (gần dân cư, gần đường giao thông, xung quanh là diện tích sản xuất nương rẫy, tồn tại các phong tục, tập quán, thói quen sử dụng lửa bất cẩn...); các cơ sở, nhà ở trong rừng hoặc ven rừng, đường giao thông, đường ống dẫn các chất nguy hiểm về cháy, nổ, đường điện đi qua rừng hoặc ven rừng.

Các biện pháp PCCCR cho từng trọng điểm cháy rừng: Tăng cường tuần tra canh gác lửa rừng, nhất là trong thời kỳ cao điểm mùa khô phải tuần tra 24/24 giờ trong ngày; xây dựng các công trình PCCCR; rà soát, xây dựng các bảng, biển báo, bảng nội quy về PCCCR; đường băng cản lửa; áp dụng các biện pháp làm giảm vật liệu cháy; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn người dân canh tác nương rẫy xung quanh không để lửa cháy lan vào rừng.

2.1.3 .Xây dựng phương án, kế hoạch PCCCR:

- Các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện công tác PCCCR trên địa bàn, nhằm thực hiện tốt công tác PCCCR và chủ động ứng phó với các tình huống cháy rừng xảy ra.

- Chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư lập phương án PCCCR theo Mẫu số 01 Phụ lục III kèm theo theo Nghị định số 156/2018/NĐ-CP.

- Chủ rừng là tổ chức lập phương án PCCCR theo Mẫu số 02 Phụ lục III kèm theo theo Nghị định số 156/2018/NĐ-CP.

- Ủy ban nhân dân cấp xã lập phương án PCCCR được giao quản lý đối với diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê do xã quản lý theo Mẫu số 03 Phụ lục III kèm theo Nghị định số 156/2018/NĐ-CP.

Phương án PCCCR phải được bổ sung, chỉnh lý kịp thời khi có những thay đổi về tính chất, đặc điểm nguy cơ về cháy rừng và các điều kiện liên quan đến đến công tác PCCCR. Hạt Kiểm lâm cấp huyện có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện phương án PCCCR của chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư và Ủy ban nhân dân cấp xã được giao quản lý rừng.

Phương án PCCCR do chủ rừng là tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, Ủy ban nhân dân cấp xã lập theo quy định phải gửi đến cơ quan Kiểm lâm, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tham gia ý kiến. Chủ rừng chịu trách nhiệm tổ chức thực tập phương án phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy,

Cơ quan Kiểm lâm, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện phương án PCCCR.

2.1.4.Phát hiện sớm điểm cháy, cảnh báo nguy cơ cháy rừng:

- Cơ quan thường trực PCCCR các cấp thường xuyên theo dõi Website: kiemlam.org.vn và Hệ thống phát hiện sớm cháy rừng của tỉnh Gia Lai qua phần mềm Hotspot GLA được cài đặt trên điện thoại thông minh để phát hiện sớm các điểm cháy thông qua việc kiểm tra thực tế tại hiện trường để xác định điểm cháy rừng và kịp thời huy động lực lượng dập tắt đám cháy không để xảy ra cháy lớn, đồng thời báo ngay đến Ủy ban nhân dân cấp xã, Hạt kiểm lâm sở tại để hỗ trợ lực lượng.

- Chi cục Kiểm lâm phối hợp Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh thông tin cảnh báo cháy rừng để chính quyền địa phương, người dân thực hiện tốt công tác PCCCR.

2.1.5. Đào tạo, tập huấn và diễn tập chữa cháy rừng:

Tập huấn và diễn tập chữa cháy rừng là biện pháp nhằm nâng cao năng lực cho các lực lượng tham gia công tác PCCCR. Kế hoạch triển khai hàng năm tổ chức như sau:

- Mở các lớp tập huấn về nghiệp vụ quản lý việc sử dụng lửa trong rừng; về kỹ thuật PCCCR; về kiến thức PCCCR cho các lực lượng tham gia công tác quản lý BVR và PCCCR có sự hỗ trợ nghiệp vụ về công tác phòng cháy, chữa cháy của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Công an tỉnh.

- Tổ chức diễn tập phối hợp các lực lượng tham gia chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) nhằm trang bị kiến thức, kỹ thuật, chiến thuật về chữa cháy rừng để các lực lượng chủ động tham gia chữa cháy khi xảy ra cháy rừng. Đồng thời qua các đợt diễn tập Ban Chỉ huy chữa cháy rừng rút ra những bài học kinh nghiệm về chỉ huy chữa cháy, huy động lực lượng phối hợp chữa cháy, hoàn thiện kế hoạch tác chiến, huy động lực lượng chữa cháy sát với tình hình thực tế tại địa phương.

2.1.6. Xây dựng công trình PCCCR:

a. Xây dựng đường băng cản lửa: Đường băng cản lửa có tác dụng ngăn chặn các đám cháy lan mặt đất, cháy tán cây rừng và cháy lan ở những khu rừng dễ cháy, đồng thời là đường vận chuyển lực lượng và phương tiện để dập tắt đám cháy, tuần tra phát hiện cháy rừng. Đối với các khu rừng đã thực hiện làm đường băng cản lửa phải thực hiện phát dọn, vệ sinh đường băng đã có trên diện tích các khu rừng; những diện tích rừng dễ cháy chưa có đường băng cản lửa, phải tiến hành xây dựng đường băng cản lửa nhằm hạn chế thiệt hại khi cháy rừng xảy ra.

b. Biện pháp làm giảm vật liệu cháy: Khối lượng vật liệu cháy càng lớn và càng khô thì càng dễ bắt lửa, do đó việc làm giảm vật liệu cháy là biện pháp phòng cháy rừng tích cực. Ngay từ đầu mùa khô các đơn vị tiến hành xử lý thực bì đối với rừng trồng và phải thông báo cho chính quyền địa phương, cơ quan Kiểm lâm gần nhất biết quản lý. Việc thực hiện đốt xử lý thực bì phải bố trí người canh gác, đảm bảo đến khi đám cháy tắt hoàn toàn mới được ra về, tuyệt đối không để cháy lan vào rừng.

2.1.7. Trực PCCCR:

Vào mùa khô khi cấp dự báo cháy rừng ở cấp III, IV, V, lực lượng kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng, Ủy ban nhân dân cấp xã phải phân công trực PCCCR 24/24 giờ trong ngày tại các trọng điểm cháy và ở cơ quan; tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác, phát hiện lửa rừng và tổ chức dập tắt kịp thời đám cháy khi mới phát sinh, không để xảy ra cháy lớn. Hạt kiểm lâm các huyện, thị xã, Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR số 2 báo cáo tình hình cháy rừng trên địa bàn quản lý về Chi cục Kiểm lâm trước 16 giờ hàng ngày qua số điện thoại 02693.822.966, báo cáo bằng văn bản về Chi cục Kiểm lâm (địa chỉ số 02 Tôn Thất Tùng, PleiKu, Gia Lai) để theo dõi, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

2.1.8. Kiểm tra công tác PCCCR:

Ban Chỉ huy các cấp phải tự kiểm tra và thành lập đoàn kiểm tra, đôn đốc Ban chỉ huy cấp dưới, các cơ quan chức năng, đơn vị chủ rừng triển khai, thực hiện các biện pháp an toàn về PCCCR, đảm bảo các điều kiện cần thiết cho công tác PCCCR (nội dung: công tác chỉ đạo điều hành; tuyên truyền phổ biến pháp luật về BVR-PCCCR; công tác thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ; kiểm tra hiện trường rừng...) để công tác PCCCR ở địa phương, cơ sở thực hiện đúng theo quy định và phương án PCCCR đã xây dựng và phê duyệt.

2.1.9 Kiểm tra, giám sát và hướng dẫn sản xuất nương rẫy không để xảy ra cháy rừng:

- Hạt kiểm lâm cấp huyện phối hợp với phòng Nông nghiệp, Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp xã và các đơn vị chủ rừng tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện trong việc thống kê quản lý hoạt động sản xuất nương rẫy, đồng thời trong mùa đốt rẫy cần bố trí lực lượng kiểm tra, giám sát và hướng dẫn sản xuất nương rẫy tránh cháy lan vào rừng.

- Khi đốt phải có người canh gác và phòng cháy lan vào rừng. Trước khi đốt phải báo cáo Ban chỉ huy PCCCR xã, thôn trưởng, kiểm lâm địa bàn để được hướng dẫn kỹ thuật đốt, tuyệt đối không để lửa cháy lan vào rừng. Đốt xong phải kiểm tra lại cho tới khi lửa tắt hẳn mới ra về.

2. Chữa cháy rừng:

2.1. Yêu cầu trong chữa cháy rừng:

- Dập tắt lửa phải khẩn trương, kịp thời, triệt để.

- Hạn chế đến mức thấp nhất sự thiệt hại.

- Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện, dụng cụ chữa cháy.

2.2. Thông tin báo cháy:

Người phát hiện cháy rừng phải bằng mọi cách báo cháy ngay cho người xung quanh, chủ rừng, đội phòng cháy và chừa cháy rừng nơi gần nhất, cơ quan Kiểm lâm hoặc cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ nơi gần nhất, chính quyền địa phương sở tại hoặc cơ quan Công an, quân đội nơi gần nhất.

2.3. Tổ chức chữa cháy:

2.3.1. Trường hợp đám cháy mới phát sinh (cháy nhỏ):

Đám cháy mới phát sinh, quy mô đám cháy dưới 01 ha và không có nguy cơ cháy lan sang các khu vực lân cận: có thể kiểm soát được bởi lực lượng chữa cháy rừng tại chỗ của chủ rừng hoặc của cấp xã.

- Khi phát hiện cháy rừng, chủ rừng phải huy động nguy lực lượng, công cụ để chữa cháy.

+ Đối với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân thì trưởng thôn, làng nơi xảy ra cháy rừng phải huy động lực lượng, phương tiện cần thiết của thôn để chữa cháy. Đồng thời với việc chữa cháy phải báo cáo ngay cho Kiểm lâm địa bàn, Ủy ban nhân dân cấp xã để có phương án hỗ trợ kịp thời. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã khẩn trương đến hiện trường đám cháy trực tiếp chỉ đạo chữa cháy rừng và huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị của tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý để chữa cháy rừng.

+ Đối với chủ rừng là tổ chức khi phát hiện đám cháy, chủ rừng phải khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện thiết bị của chủ rừng để chữa cháy rừng; chủ rừng trực tiếp là người chỉ đạo, chỉ huy chữa cháy rừng. Đồng thời với việc tổ chức chữa cháy rừng phải báo cáo ngay cho Hạt kiểm lâm và Ủy ban nhân dân xã để có phương án hỗ trợ kịp thời.

- Kiểm lâm địa bàn có trách nhiệm báo cáo ngay cho Hạt trưởng Hạt kiểm lâm tình hình diễn biến cháy rừng, tình hình tổ chức chữa cháy rừng để có phương án hỗ trợ kịp thời và trực tiếp tham gia chữa cháy rừng.

- Trường hợp vượt quá khả năng kiểm soát của cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ban Chỉ huy PCCCR cấp huyện để huy động lực hỗ trợ chữa cháy rừng (khi báo cáo nêu rõ địa điểm, đường đi và hướng lan tràn của đám cháy).

2.3.2. Trường hợp đám cháy phát hiện chậm, có nguy cơ lan rộng sang các khu vực xung quanh (đám cháy trung bình):

Đám cháy có quy mô từ 01-03 ha, nhưng chủ rừng, Ủy ban nhân dân cấp xã chưa kiểm soát, dập tắt được có nguy cơ cháy lan sang khu vực lân cận; cần huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy rừng cấp huyện.

- Sau khi nhận được báo cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện một mặt huy động lực lượng chữa cháy rừng của huyện (Kiểm lâm huyện, Công an phòng cháy chữa cháy huyện, Quân sự huyện) khẩn trương tiếp cận hiện trường để chỉ đạo chữa cháy rừng; mặt khác huy động lực lượng, phương tiện trên địa bàn các các xã lân cận để tham gia chữa cháy rừng.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có mặt tại hiện trường là người trực tiếp chỉ đạo chữa cháy rừng. Lực lượng kiểm lâm là lực lượng nòng cốt hướng dẫn chữa cháy, chỉ đường cho lực lượng chữa cháy.

- Khi có nhiều lực lượng tham gia chữa cháy rừng, người chỉ huy chữa cháy rừng của từng lực lượng chịu sự chỉ đạo chung của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; người chỉ huy chữa cháy rừng của từng lực lượng như sau:

+ Đối với lực lượng quân đội, cảnh sát phòng cháy, chữa cháy; thủ trưởng đơn vị là người chỉ huy chữa cháy.

+ Đối với lực lượng bảo vệ rừng của chủ rừng là tổ chức, người đứng đầu tổ chức là người chỉ huy hoặc ủy quyền người chỉ huy chữa cháy.

+ Đối với các lực lượng khác tham gia chữa cháy rừng thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy.

- Khi triển khai chữa cháy hoặc phân tích, đánh giá vụ cháy xảy ra ở nơi khó khăn, phức tạp và các lực lượng trên địa bàn huyện không tự giải quyết được, vượt khả năng kiểm soát của huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Ban Chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng cấp tỉnh để huy động chữa cháy.

2.3.3. Trường hợp đám cháy bùng phát trên quy mô lớn và nguy cơ cháy lan sang trên diện rộng (cháy lớn);

Đám cháy có quy mô từ 3 -15 ha, chủ rừng, Ủy ban nhân dân cấp huyện không kiểm soát, dập tắt được có nguy cơ cháy lan sang các khu vực lân cận; cần huy động lực lượng, phương tiện thiết bị chữa cháy rừng cấp tỉnh.

Sau khi nhận được báo cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị của tổ chức, thuộc phạm vi quản lý để chữa cháy rừng; khẩn trương tiếp cận đám cháy để chỉ đạo chữa cháy rừng, cụ thể như sau:

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị đến khu vực xảy ra cháy rừng để hướng dẫn các lực lượng và tham gia chữa cháy rừng.

- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Huy động đơn vị quân đội của địa phương tham gia chữa cháy rừng theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo.

- Công an tỉnh: Điều động lực lượng, phương tiện của Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tham gia chữa cháy rừng (bao gồm cả xe chữa cháy ở những nơi tiếp cận được mục tiêu); nhanh chóng triển khai phương án bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường tại các khu vực xảy ra cháy rừng và triển khai các phương án bảo vệ các công trình trọng điểm.

- Sở Thông tin và Truyền thông: Bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt ở các khu vực xảy ra cháy rừng theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo tỉnh, quy định chế độ ưu tiên về thông tin, truyền tin, các dịch vụ bưu chính phục vụ chữa cháy rừng nhanh chóng, an toàn, chính xác, thông suốt trong mọi tình huống.

- Sở Y tế: Cơ động các tổ y tế đến các địa bàn xảy ra cháy rừng theo sự phân công của Ban Chỉ đạo để sẵn sàng cấp cứu người bị nạn.

- Sở Giao thông vận tải: sẵn sàng các xe chuyên chở để chở người và thiết bị khi có yêu cầu. Triển khai ngay lực lượng sửa chữa, khắc phục các đoạn đường bị hư hại, đảm bảo giao thông để cơ động lực lượng đến khu vực xảy ra cháy rừng; đồng thời tìm đường vòng vượt, phối hợp Công an để ứng cứu, giải tỏa ách tắt giao thông.

- Các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị liên quan tùy theo chức năng của mình cơ động lực lượng tham gia chữa cháy, sẵn sàng chi viện cho các đơn vị khác khi có yêu cầu của Ban Chỉ đạo tỉnh.

- Khi có nhiều lực lượng tham gia chữa cháy rừng, người chỉ huy chữa cháy rừng của từng lực lượng chịu sự chỉ đạo chung của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; người chỉ huy chữa cháy rừng của từng lực lượng như sau:

+ Đối với lực lượng Quân đội, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy; thủ trưởng đơn vị là người chỉ huy chữa cháy.

+ Đối với lực lượng bảo vệ rừng của chủ rừng là tổ chức, người đứng đầu tổ chức là người chỉ huy hoặc ủy quyền người chỉ huy chữa cháy.

+ Đối với các lực lượng khác tham gia chữa cháy rừng thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy.

Khi đám cháy lớn vượt khả năng kiểm soát của tỉnh hoặc đám cháy có quy mô không lớn nhưng có nguy cơ ảnh hưởng đến người dân, đến an ninh quốc phòng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để huy động chữa cháy.

2.4. Biện pháp chữa cháy:

- Chữa cháy rừng gián tiếp: Dùng lực lượng và phương tiện để giới hạn đám cháy bằng đường băng trắng, áp dụng cho đám cháy lớn, cường độ cháy cao, tốc độ lan nhanh vào diện tích khu rừng còn lại, nhiều hoặc đám cháy lớn, không chữa trực tiếp được.

- Chữa cháy trực tiếp: Sử dụng tất cả các phương tiện, công cụ thủ công và cơ giới, nhu: Cành cây, dao, xẻng, máy bơm nước, xe chữa cháy (nơi thuận lợi nguồn nước, đường), hóa chất tác động trực tiếp vào đám cháy để dập tắt lửa (áp dụng đối với đám cháy có diện nhỏ, chủ yếu cháy mặt đất).

2.5. Xử lý, khắc phục hậu quả sau cháy rừng:

a. Điều tra, xử lý:

- Xác minh hiện trường đám cháy: Tổ chức cấp cứu người bị nạn (nếu có), phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền xã điều tra xác minh cụ thể nguyên nhân cháy, đối tượng gây cháy (nếu có).

+ Xác định diện tích cháy: Bằng máy định vị GPS.

+ Xác định hiện trạng rừng trước khi bị cháy bằng bản đồ hiện trạng tài nguyên rừng hoặc là hiện trạng rừng xung quanh và hiện trường đám cháy.

+ Xác định vị trí của đám cháy tại thực địa và khoanh vẽ sơ đồ đám cháy bằng máy định vị GPS.

+ Đánh giá mức độ thiệt hại: về số lượng cây chết, sống, khả năng phục hồi của cây rừng và các lâm sản khác.

- Báo cáo sơ bộ ngay về Ban chỉ huy PCCCR cùng cấp, cơ quan chức năng cấp trên và lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý.

b. Khắc phục hậu quả:

- Đối với trường hợp thương tật trước hết phải cấp cứu, điều trị chu đáo cho người bị tai nạn theo chế độ hiện hành.

- Đối với tài sản bị thiệt hại, hư hỏng phải thống kê, lập biên bản và có kế hoạch sửa chữa, bồi thường theo quy định của pháp luật.

- Lập kế hoạch, phương án khôi phục, tu bổ, trồng lại rừng.

3. Kinh phí thực hiện: Nguồn kinh phí thực hiện kế hoạch do ngân sách nhà nước cấp theo quy định.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

1.1. Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm:

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp, mua, bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật; kiểm tra an toàn về PCCCR thường xuyên, định kỳ đối với các khu rừng dễ cháy và các khu rừng có khả năng cháy; kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm quy định về an toàn PCCCR.

- Triển khai thực hiện các hạng mục, công trình PCCCR đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt ngay từ đầu mùa khô; trong suốt mùa khô phải bố trí lực lượng trực PCCCR 24/24h trong ngày; dự báo cháy rừng và báo cáo kịp thời các thông tin về cháy rừng; thường xuyên theo dõi Website của Cục Kiểm lâm để nắm bắt kịp thời các điểm cháy; cung cấp thông tin cấp dự báo cháy rừng cho Đài Phát thanh - Truyền hình tình phát sóng 03 lần/tuần.

- Chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ chữa cháy rừng để tham gia chữa cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra.

- Phối hợp với Ban Chỉ đạo các huyện, thành phố và các chủ rừng tổ chức tập huấn, diễn tập nghiệp vụ PCCCR cho các tổ, đội ở cơ sở.

- Chỉ đạo Hạt Kiểm lâm cấp huyện tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ cập kiến thức về PCCCR cho nhân dân ở trong rừng, ven rừng về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác BVR, PCCCR; nêu gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến trong công tác BVR, PCCCR để tuyên truyền, nhân rộng trong mọi tầng lớp nhân dân; hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện phương án PCCCR của chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư và Ủy ban nhân dân cấp xã được giao quản lý rừng; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát việc xử lý thực bì trong canh tác nương rẫy trên địa bàn quản lý; tuần tra, theo dõi phát hiện sớm những điểm cháy; xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm, dân quân tự vệ với các lực lượng trong hoạt động BVR và phòng chống cháy rừng; chỉ đạo kiểm lâm địa bàn phải bám địa bàn, thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin cấp dự báo cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tại địa phương đưa tin dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng cho người dân biết.

- Kiểm tra, rà soát xây dựng, tu sửa kịp thời các công trình BVR, PCCCR và mua sắm bổ sung các trang thiết bị, dụng cụ PCCCR.

- Kịp thời tham mưu biểu dương, khen thưởng các các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác BVR và PCCCR.

- Lập kế hoạch kinh phí hằng năm cho công tác BVR, PCCCR theo kế hoạch quản lý bảo vệ rừng, PCCCR giai đoạn 2021-2025.

1.2. Chỉ đạo lực lượng kiểm lâm và các đơn vị chủ rừng tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về BVR, PCCCR.

1.3. Báo cáo định kỳ, đột xuất về tình hình BVR, PCCCR.

2. Công an tỉnh:

- Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và lực lượng công an các huyện, thành phố phối hợp với lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương xử lý triệt để các vụ án phá rừng, cháy rừng còn tồn đọng; phối hợp, hỗ trợ lực lượng kiểm lâm điều tra và xử lý các đối tượng vi phạm về BVR, PCCCR.

- Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tỉnh:

+ Thống nhất quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy trong phạm vi cả tỉnh; thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến công tác PCCCR quy định tại Luật Phòng cháy và chữa cháy và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

+ Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm và các địa phương trong công tác PCCCR khi có yêu cầu.

+ Tham gia kiểm tra an toàn về PCCCR 06 tháng hoặc 01 năm đối với những khu rừng có nguy cơ xảy ra cháy và kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu nguy hiểm cháy hoặc vi phạm quy định an toàn PCCCR và khi có yêu cầu bảo vệ đặc biệt.

3. Các lực lượng vũ trang tỉnh:

- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các đơn vị quân đội, dân quân tự vệ phối hợp chặt chẽ với cơ quan kiểm lâm, công an ở địa phương tổ chức thực hiện tốt công tác BVR, PCCCR tại nơi đơn vị đóng quân, địa bàn hoạt động của đơn vị mình; tham gia xây dựng phương án BVR, PCCCR của địa phương;

- Có kế hoạch sử dụng lực lượng, phương tiện để sẵn sàng ứng cứu kịp thời khi có tình huống diễn biến phức tạp trong công tác quản lý rừng, BVR, PCCCR;

- Chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, giáo dục cán bộ, chiến sĩ nắm vững và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về PCCCR; tham gia diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng theo kế hoạch.

- Chỉ đạo tổ chức thực hiện những quy định về BVR, PCCCR đối với những diện tích rừng được giao, khoán cho đơn vị bảo vệ hoặc trồng rừng; thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa lực lượng dân quân tự vệ các xã với lực lượng kiểm lâm trong công tác BVR, PCCCR trên từng địa bàn.

4. Sở Tài chính:

Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ưu tiên cân đối ngân sách đảm bảo nguồn kinh phí để thực hiện có hiệu quả công tác BVR, PCCCR trên địa bàn; hướng dẫn các đơn vị quản lý, sử dụng và thanh quyết toán vốn đúng quy định.

5. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh:

Giải ngân kịp thời kinh phí dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng và Ủy ban nhân dân các xã để các đơn vị có nguồn kinh phí làm công tác PCCCR theo kế hoạch đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

6. Các đoàn thể cấp tỉnh:

Phối hợp lực lượng kiểm lâm, các địa phương, các đơn vị chủ rừng thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục về công tác BVR, PCCCR cho hội, đoàn viên mình và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

7. Các cơ quan truyền thông đóng trên địa bàn tỉnh:

Phối hợp với cơ quan chức năng có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác BVR, PCCCR; thường xuyên thông tin cảnh báo cháy rừng ở thời điểm nắng nóng, nguy cơ cháy rừng cao; nêu gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến trong công tác BVR, PCCCR để tuyên truyền, nhân rộng trong mọi tầng lớp nhân dân.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố theo thẩm quyền, phạm vi quản lý của mình chịu trách nhiệm về PCCCR:

- Ban hành kế hoạch PCCCR hàng năm phù hợp tình hình thực tế tại địa phương và các quy định về PCCCR.

- Ban hành các văn bản quy định về PCCCR tại địa phương và xây dựng kế hoạch bảo vệ rừng và PCCCR trên địa bàn.

- Kiện toàn Ban Chỉ đạo và ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo; phân công nhiệm vụ từng thành viên trong Ban Chỉ đạo.

- Chỉ đạo, kiểm tra và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về PCCCR; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm quy định về PCCCR theo thẩm quyền đồng thời biểu dương, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác BVR, PCCCR.

- Chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức về PCCCR cho nhân dân, xây dựng phong trào toàn dân tham gia hoạt động PCCCR.

- Ưu tiên đầu tư ngân sách cho hoạt động BVR, PCCCR, có thể sử dụng nguồn kinh phí dự phòng của cấp mình chi cho hoạt động bảo vệ rừng; trang bị phương tiện, công cụ PCCCR khi cần thiết.

9. Nhiệm vụ chủ rừng:

- Xây dựng, tổ chức thực hiện các quy định, nội quy, điều kiện an toàn, biện pháp về PCCCR theo quy định tại Mục III, Điều 53, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP;

- Xây dựng và tổ chức thực hiện phương án PCCCR đối với khu vực rừng quản lý;

- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức về BVR, PCCCR; kiện toàn Ban Chỉ huy, các tổ, đội BVR, PCCCR và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; tham gia đấu tranh, phát hiện tố giác các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp; cử người trực những ngày cao điểm và nắng nóng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra; thường xuyên tuần tra, canh gác, theo dõi phát hiện lửa rừng 24/24 giờ, khi cấp dự báo cháy rừng từ cấp III đến cấp V;

- Kiểm tra, giám sát và hướng dẫn người dân xử lý thực bì trong sản xuất nương rẫy không để xảy ra cháy rừng:

- Chủ động phối hợp với kiểm lâm và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong công tác kiểm tra, xác minh, làm rõ và xử lý các hành vi vi phạm về phá rừng, cháy rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp và khai thác lâm sản trái pháp luật.

- Kiểm tra an toàn về PCCCR; đề xuất xử lý các hành vi vi phạm quy định, nội quy về PCCCR; tổ chức khắc phục kịp thời các thiếu sót, vi phạm quy định an toàn về PCCCR theo thẩm quyền;

- Đầu tư trang bị phương tiện, công cụ và có kế hoạch tu sửa, xây dựng đường băng cản lửa và làm giảm vật liệu cháy ngay từ đầu mùa khô;

- Phối hợp và tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng điều tra, truy tìm đối tượng gây cháy rừng, phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật.

- Báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình BVR, PCCCR cho Ban Chỉ huy cấp trên; thông báo kịp thời cho chính quyền địa phương, cơ quan kiểm lâm sở tại, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, cơ quan quản lý trực tiếp khi có cháy rừng, phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật xảy ra trên phạm vi quản lý.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các địa phương, đơn vị báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 


Nơi nhận:
- Bộ NN và PTNT (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ngành thuộc tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Đài Phát thanh và TH tỉnh, Báo Gia Lai;
- Các đơn vị chủ rừng;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, NC, NL.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Kpă Thuyên

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 2161/KH-UBND năm 2020 về phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh Gia Lai, mùa khô năm 2020-2021

  • Số hiệu: 2161/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 23/10/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Gia Lai
  • Người ký: Kpă Thuyên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/10/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản