Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 214/KH-UBND | Lạng Sơn, ngày 02 tháng 11 năm 2021 |
PHÒNG, CHỐNG BỆNH VIÊM GAN VI RÚT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
Căn cứ Quyết định số 4531/QĐ-BYT ngày 24/9/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh viêm gan vi rút giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch phòng, chống bệnh viêm gan vi rút trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025 như sau:
1. Mục tiêu chung
Giảm lây truyền viêm gan vi rút, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do viêm gan vi rút.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025
a) Dự phòng lây nhiễm viêm gan vi rút
- 100% các cơ sở y tế có phòng triển khai tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ sau sinh.
- Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu đạt ít nhất 85%.
- Trên 95% trẻ em dưới 01 tuổi được tiêm vắc xin viêm gan B ba liều cơ bản (VGB3).
b) Phòng lây truyền viêm gan vi rút B từ mẹ sang con
- Đạt các chỉ tiêu tiêm chủng viêm gan B cho trẻ em dưới 1 tuổi.
- Tỷ lệ phụ nữ được xét nghiệm sàng lọc viêm gan B trong thời kỳ mang thai trên 70%.
- Tỷ lệ phụ nữ mang thai mắc viêm gan B được điều trị trên 70%. c) Kiểm soát nhiễm khuẩn trong cơ sở y tế
- Tỷ lệ mũi tiêm an toàn trong các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đạt 100%.
- 100% cán bộ y tế làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tiêm phòng vắc xin viêm gan B.
d) Can thiệp giảm tác hại
- Đảm bảo cung cấp ít nhất 300 bơm kim tiêm cho một người tiêm chích ma túy trong một năm.
- 30% người nghiện chất dạng thuốc phiện được điều trị bằng thuốc thay thế.
e) An toàn truyền máu
- 100% đơn vị máu được sàng lọc.
- Trên 95% đơn vị máu được sàng lọc bằng NAT.
- 100% phòng xét nghiệm sàng lọc máu có hệ thống quản lý chất lượng.
f) Tiếp cận chẩn đoán, điều trị viêm gan vi rút
- 50% số người nhiễm viêm gan vi rút B, C được chẩn đoán.
- 60% số người đủ tiêu chuẩn điều trị được điều trị viêm gan vi rút B, C.
- 90% người bệnh điều trị viêm gan vi rút B đạt tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện.
- 95% người bệnh điều trị viêm gan vi rút C khỏi bệnh.
- 70% người nhiễm HIV đang điều trị ARV được sàng lọc viêm gan vi rút C.
- 80% người được chẩn đoán đồng nhiễm HIV/HCV được điều trị viêm gan C.
g) Truyền thông nâng cao nhận thức xã hội
- Nâng cao nhận thức của cộng đồng trong dự phòng và điều trị bệnh viêm gan vi rút và dự phòng ung thư gan. 100% các buổi truyền thông giáo dục sức khỏe trực tiếp tại cộng đồng có nội dung về dự phòng viêm gan vi rút và ung thư gan.
- Tăng cường sự tham gia của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh.
- Tăng cường các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và sự ủng hộ của người dân, cán bộ y tế, chính quyền các cấp, các tổ chức trong nước và quốc tế đối với công tác phòng chống bệnh viêm gan vi rút.
- Tăng cường công tác dự phòng lây nhiễm viêm gan vi rút đặc biệt là viêm gan vi rút B và C, dự phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con.
- Nâng cao năng lực hệ thống giám sát và thu thập số liệu báo cáo bệnh do viêm gan vi rút trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế.
- Nâng cao năng lực trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân viêm gan vi rút và mở rộng tiếp cận với các dịch vụ chẩn đoán và điều trị bệnh viêm gan vi rút đặc biệt là viêm gan vi rút B và C.
1. Dự phòng lây nhiễm viêm gan vi rút
1.1. Tiêm chủng vắc xin viêm gan B
a) Viêm gan B sơ sinh
- Triển khai tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ sau sinh theo hướng dẫn của Bộ Y tế, giảm thiểu hoãn tiêm không phù hợp.
- Tổ chức tập huấn triển khai tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ cho cán bộ y tế tại các cơ sở y tế có phòng sinh.
- Tổ chức tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh ít nhất 02 lần/ngày tại các cơ sở y tế có phòng sinh.
- Tổ chức triển khai và mở rộng tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh tại cơ sở y tế có tỷ lệ tiêm liều sơ sinh thấp. Vận động việc sinh con tại các cơ sở y tế có phòng sinh để mẹ và trẻ được chăm sóc đầy đủ trong và sau quá trình sinh cũng như được tiêm chủng vắc xin viêm gan B liều sơ sinh kịp thời.
- Phối hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em để phụ nữ mang thai, bà mẹ, người chăm sóc trẻ được cán bộ y tế tư vấn về tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh cho trẻ sau sinh trong những lần khám thai và trong ngày đầu sau khi sinh.
- Truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh trong 24 giờ đầu sau sinh cho trẻ sơ sinh.
- Thực hiện đăng ký trẻ sơ sinh trên hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng của Bộ Y tế đối với tất cả các cơ sở y tế có phòng sinh và phòng tiêm chủng.
b) Tiêm chủng 3 liều vắc xin viêm gan B cho trẻ dưới 1 tuổi
- Tổ chức triển khai tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch 3 liều vắc xin viêm gan B cho trẻ dưới 1 tuổi theo đúng lịch tiêm chủng.
- Tổ chức các điểm tiêm chủng ngoài trạm y tế để tăng khả năng tiếp cận của đối tượng với dịch vụ tiêm chủng mở rộng tại các địa bàn khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
c) Tiêm phòng cho các nhóm người trưởng thành có nguy cơ cao
- Thúc đẩy việc triển khai tiêm vắc xin viêm gan B cho nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Tổ chức truyền thông về lợi ích của tiêm vắc xin viêm gan B cho các nhóm có nguy cơ cao bao gồm: nam quan hệ tình dục đồng tính, phụ nữ bán dâm, người nghiện chích ma túy, người thường xuyên tiếp xúc với các sản phẩm máu (nhân viên y tế và bệnh nhân).
d) Tiếp nhận, cấp phát vắc xin viêm gan B đầy đủ và đảm bảo chất lượng
- Đáp ứng đầy đủ, kịp thời các loại vắc xin viêm gan B cho hoạt động tiêm chủng thường xuyên.
- Cung ứng đầy đủ vắc xin phối hợp chứa thành phần viêm gan B, tránh gián đoạn tiêm chủng thường xuyên cho trẻ em dưới 01 tuổi.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng vắc xin được bảo quản tại các tuyến.
- Đáp ứng đủ, kịp thời bơm kim tiêm tự khóa và hộp an toàn trong tiêm chủng thường xuyên.
1.2. Phòng lây truyền viêm gan vi rút B từ mẹ sang con
Triển khai các hoạt động dự phòng lây truyền viêm gan vi rút B từ mẹ sang con theo kế hoạch loại trừ ba bệnh HIV, giang mai và viêm gan B lây truyền từ mẹ sang con của Bộ Y tế.
- Xây dựng, cập nhật và tổ chức triển khai các chính sách, văn bản pháp quy, hướng dẫn quốc gia về dự phòng và kiểm soát lây truyền từ mẹ sang con.
- Tổ chức triển khai hiệu quả các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức, thái độ và thay đổi hành vi.
- Cung cấp đầy đủ các dịch vụ sàng lọc, chẩn đoán, chăm sóc, quản lý điều trị các bệnh lây truyền từ mẹ sang con đảm bảo chất lượng.
- Thực hiện hệ thống ghi nhận thông tin, theo dõi và giám sát lây truyền từ mẹ sang con.
1.3. Kiểm soát nhiễm khuẩn trong cơ sở y tế
a) Thúc đẩy triển khai các biện pháp kiểm soát và phòng, chống nhiễm khuẩn bao gồm cả viêm gan vi rút tại các cơ sở y tế
- Tổ chức truyền thông, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức của cán bộ y tế về dự phòng lây nhiễm viêm gan vi rút trong các cơ sở y tế.
- Giám sát việc thực hành tiêm an toàn tại các cơ sở y tế.
- Đảm bảo áp dụng các biện pháp phòng ngừa chuẩn trong tất cả các cơ sở y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Triển khai hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở chạy thận nhân tạo.
b) Triển khai tiêm vắc xin viêm gan B cho cán bộ y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật về triển khai tiêm vắc xin viêm gan B cho cán bộ y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Thúc đẩy triển khai tiêm vắc xin viêm gan B cho cán bộ y tế tại tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
1.4. Can thiệp giảm tác hại
- Duy trì, mở rộng các can thiệp giảm tác hại với độ bao phủ và hiệu quả cao, giảm lây truyền viêm gan vi rút C trong nhóm nghiện chích ma túy.
- Truyền thông, giáo dục tư vấn về các can thiệp dự phòng nhiễm HIV và viêm gan vi rút C.
- Duy trì và mở rộng điều trị thay thế chất gây nghiện dạng thuốc phiện.
- Duy trì, mở rộng chương trình bơm kim tiêm dựa vào cộng đồng và sử dụng bơm kim tiêm khoảng chết thấp.
- Duy trì, mở rộng chương trình bao cao su, chất bôi trơn dựa vào cộng đồng cho các nhóm quần thể đích.
1.5. An toàn truyền máu
- Tăng cường triển khai quản lý chất lượng (QMS) và ngoại kiểm (EQAS) các xét nghiệm sàng lọc viêm gan vi rút trong chương trình an toàn truyền máu.
- Cập nhật hướng dẫn hoạt động xét nghiệm an toàn phòng, chống lây truyền qua đường truyền máu.
- Kết nối cơ sở dữ liệu quản lý sức khỏe người hiến máu và kết nối cơ sở điều trị để quản lý bệnh nhân viêm gan được phát hiện.
- Triển khai hệ thống quản lý chất lượng tại tất cả các cơ sở xét nghiệm lâm sàng lọc máu đáp ứng tiêu chuẩn hệ thống chất lượng.
- Thiết lập hệ thống cảnh báo nguy cơ lây truyền viêm gan vi rút B, C qua truyền máu.
- Xây dựng tài liệu, tuyên truyền và tư vấn về phòng, chống bệnh viêm gan vi rút đối với người hiến máu tiềm năng và người hiến máu có nhiễm viêm gan vi rút.
1.6. Dự phòng lây truyền viêm gan vi rút A và E
- Đảm bảo công tác vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm và đảm bảo nước sạch để dự phòng lây truyền viêm gan vi rút lây truyền qua đường tiêu hóa.
- Tổ chức truyền thông, cung cấp các khuyến cáo, thông điệp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa.
- Thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở y tế trong đó tập trung cải thiện vấn đề quản lý chất thải tại các cơ sở y tế để hạn chế lây lan mầm bệnh viêm gan vi rút ra môi trường.
- Duy trì và triển khai hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng và các cơ sở y tế để xử lý kịp thời.
- Duy trì và mở rộng dịch vụ tiêm phòng vắc xin viêm gan A.
- Các cơ sở giáo dục, trường học thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, đặc biệt tập trung cải thiện vấn đề vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân rửa tay bằng xà phòng của học sinh.
2. Tiếp cận chẩn đoán, điều trị viêm gan vi rút
a) Xét nghiệm và chẩn đoán viêm gan B, C theo hướng dẫn của Bộ Y tế
- Mở rộng dịch vụ xét nghiệm viêm gan vi rút B, C tại các cơ sở y tế tuyến huyện, xã và cộng đồng.
- Mở rộng dịch vụ xét nghiệm tải lượng vi rút tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh và tiến tới thực hiện xét nghiệm tải lượng vi rút tại tuyến huyện. Xây dựng hướng dẫn và triển khai thực hiện quy trình chuyển mẫu xét nghiệm đo tải lượng HBV, HCV đến các cơ sở xét nghiệm và được bảo hiểm y tế chi trả.
- Huy động nguồn lực thực hiện xét nghiệm viêm gan vi rút cho các nhóm quần thể đích bao gồm cả trong trại giam và các cơ sở khép kín.
- Kết nối hiệu quả người được xét nghiệm viêm gan vi rút với dịch vụ chăm sóc và điều trị. Lồng ghép các dịch vụ xét nghiệm viêm gan B, C với các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng, tại các cơ sở y tế và các dịch vụ chăm sóc, điều trị và dự phòng HIV.
b) Xây dựng mạng lưới phòng xét nghiệm viêm gan vi rút
- Tăng cường triển khai quản lý chất lượng (QMS) và ngoại kiểm (EQAS) theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại các phòng xét nghiệm viêm gan vi rút.
- Dự trù, cung ứng sinh phẩm xét nghiệm viêm gan B, C đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế hoặc sử dụng thông tin về đánh giá sinh phẩm do Tổ chức Y tế Thế giới, Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế thuộc Bộ Y tế thực hiện thông qua chương trình tiền kiểm định.
- Triển khai áp dụng hướng dẫn xét nghiệm viêm gan vi rút B, C do Bộ Y tế ban hành trong chẩn đoán và điều trị.
c) Điều trị viêm gan vi rút
- Định kỳ cập nhật hướng dẫn quốc gia về chăm sóc và điều trị bệnh viêm gan vi rút theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.
- Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế các tuyến từ tuyến huyện đến tuyến tỉnh trong quản lý, chăm sóc và điều trị viêm gan vi rút.
- Xây dựng và triển khai các mô hình cung cấp dịch vụ toàn diện bao gồm xét nghiệm, chăm sóc, điều trị và dự phòng.
- Phân tuyến điều trị viêm gan vi rút, đặc biệt là điều trị viêm gan vi rút C, đến tuyến huyện được bảo hiểm y tế chi trả để nâng cao số lượng người bệnh được điều trị viêm gan vi rút.
d) Điều trị đồng nhiễm HIV/HCV
- Cập nhật, tối ưu hóa phác đồ điều trị HIV theo hướng lựa chọn các thuốc không tương tác với các thuốc điều trị viêm gan C.
- Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế về chẩn đoán, theo dõi, chăm sóc và điều trị đồng nhiễm HIV/HBV và HIV/HCV.
- Mở rộng mô hình điều trị HIV/HCV theo hướng quản lý ca bệnh đồng nhiễm HIV/HCV được lồng ghép trong quy trình quản lý điều trị cho người nhiễm và người phơi nhiễm với HIV.
- Thực hiện quản lý ca bệnh điều trị đồng nhiễm HIV/HCV, thúc đẩy điều trị đồng nhiễm HIV/HCV từ nguồn bảo hiểm y tế.
e) Cung cấp sinh phẩm chẩn đoán và thuốc điều trị
Tham mưu cấp có thẩm quyền cấp kinh phí để cung cấp sinh phẩm chẩn đoán và thuốc điều trị cho đối tượng chính sách, bệnh nhân nghèo, cận nghèo.
3. Truyền thông nâng cao nhận thức xã hội
a) Triển khai các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức về phòng, chống bệnh viêm gan vi rút và giảm kỳ thị, phân biệt đối xử
- Phối hợp và đa dạng hoá các hình thức thông tin - giáo dục - truyền thông về phòng, chống bệnh viêm gan vi rút; tuyên truyền các thông điệp truyền thông dễ hiểu và có hiệu quả về các biện pháp dự phòng, đặc biệt về lợi ích của việc tiêm phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, chương trình rửa tay và vệ sinh an toàn thực phẩm, các yếu tố nguy cơ của nhiễm vi rút gây viêm gan, các thông điệp về dự phòng lây nhiễm, xét nghiệm sớm và điều trị kịp thời để ngăn ngừa biến chứng trong đó có ung thư gan.
- Triển khai các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép trong việc tư vấn, tổ chức các buổi truyền thông, hội thảo, tập huấn về phòng, chống bệnh viêm gan vi rút.
- Lồng ghép việc tuyên truyền phòng, chống bệnh viêm gan vi rút trong việc tuyên truyền phòng, chống ung thư gan, phòng, chống HIV/AIDS, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng, chống tiêm chích, mại dâm và ma túy.
- Đẩy mạnh việc tư vấn về phòng, chống bệnh viêm gan vi rút tại các cơ sở y tế, các trung tâm tư vấn về sức khỏe, đặc biệt cho phụ nữ có thai, người hiến máu, các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, tiêm chích ma túy.
- Triển khai các hoạt động hưởng ứng ngày Viêm gan Thế giới (28/7) hàng năm với sự tham gia của chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và cộng đồng...
- Tăng cường tổ chức truyền thông, cung cấp các khuyến cáo, thông điệp nhằm nâng cao nhận thức của giáo viên, phụ huynh và học sinh về các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa.
- Do HIV và viêm gan vi rút có đường lây truyền giống nhau, tỷ lệ đồng nhiễm vi rút gây viêm gan trong nhóm người nhiễm HIV cao nên tăng cường truyền thông về đồng nhiễm và giám sát đồng nhiễm trong nhóm nguy cơ cao đảm bảo tăng hiệu quả và tiết kiệm nguồn lực.
b) Huy động nguồn lực và vận động sự tham gia của chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và cộng đồng trong việc xây dựng và triển khai các hoạt động phòng, chống viêm gan
- Vận động lãnh đạo chính quyền các địa bàn và huy động nguồn lực cho chương trình phòng, chống bệnh viêm gan vi rút.
- Huy động các tổ chức chính trị - xã hội để ủng hộ và tham gia chương trình phòng, chống bệnh viêm gan vi rút.
4. Hệ thống thông tin chiến lược
4.1. Giám sát thu thập dữ liệu về viêm gan vi rút
a) Thực hiện giám sát viêm gan vi rút theo hướng dẫn của Bộ Y tế
- Triển khai quản lý và báo cáo kết quả xét nghiệm viêm gan vi rút trong hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm quốc gia.
- Triển khai giám sát trường hợp bị bệnh viêm gan vi rút cấp tính và mãn tính viêm gan vi rút B, C.
- Triển khai giám sát trường hợp biến chứng do viêm gan vi rút.
b) Xây dựng và triển khai hệ thống báo cáo và theo dõi, chẩn đoán và điều trị bệnh nhân viêm gan B, C
- Thực hiện bộ chỉ số theo dõi đánh giá về chẩn đoán và điều trị viêm gan B, C tại các cơ sở y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Triển khai phần mềm theo hướng dẫn của Bộ Y tế để theo dõi bệnh nhân viêm gan vi rút trong quá trình chẩn đoán, điều trị và giám sát điều trị; thực hiện báo cáo theo quy định của Bộ Y tế.
c) Liên kết hệ thống giám sát viêm gan vi rút với các chương trình y tế quốc gia và các hệ thống giám sát bệnh tật khác
- Kết nối dữ liệu giám sát bệnh viêm gan vi rút với giám sát HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm khác có liên quan.
- Liên kết dữ liệu đăng ký ung thư gan với các hệ thống báo cáo viêm gan vi rút.
- Liên kết dữ liệu sàng lọc hiến máu và bệnh nhân sau hiến máu.
4.2. Tăng cường năng lực và phát triển hệ thống
a) Tăng cường đào tạo và đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực
- Kiện toàn và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dự phòng, giám sát, xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị và truyền thông về viêm gan vi rút.
- Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới về dự phòng, xét nghiệm, giám sát, chẩn đoán và điều trị bệnh viêm gan vi rút.
- Cập nhật chương trình dự phòng và điều trị bệnh viêm gan vi rút vào chương trình đào tạo của Trường Cao đẳng Y tế.
b) Huy động các nguồn lực phòng, chống bệnh viêm gan vi rút
- Huy động nguồn lực trong tỉnh từ các chương trình y tế ở địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và nguồn bảo hiểm y tế.
- Tăng kinh phí của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia nhằm đảm bảo tỷ lệ bao phủ vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi theo kế hoạch đề ra, xem xét mở rộng cho các đối tượng nguy cơ.
- Lồng ghép chương trình phòng, chống bệnh viêm gan vi rút với chương trình phòng, chống HIV/AIDS và các chương trình trình phòng, chống bệnh tật khác có liên quan để giải quyết tình trạng đồng nhiễm và tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực.
Kinh phí triển khai các hoạt động trong kế hoạch sử dụng nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị; nguồn huy động từ các tổ chức, cá nhân và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
1. Sở Y tế
- Chủ trì, tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh viêm gan vi rút trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025; hướng dẫn UBND huyện, thành phố tổ chức triển khai kế hoạch phòng, chống bệnh viêm gan vi rút, có thể lồng ghép trong kế hoạch phòng, chống dịch bệnh.
- Căn cứ Kế hoạch này và nhiệm vụ cụ thể hàng năm, xây dựng dự toán kinh phí hàng năm, gửi Sở Tài chính thẩm định.
- Phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh viêm gan vi rút tới các đơn vị thành viên và vận động người dân tham gia.
- Cung cấp thông tin cho các phóng viên báo chí, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn phát các thông điệp, phóng sự.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai các hoạt động theo kế hoạch:
Tăng cường triển khai tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ em tại các điểm tiêm chủng và trẻ sơ sinh tại các cơ sở y tế có phòng sinh đạt tỷ lệ tiêm chủng vắc xin viêm gan B đạt thấp.
Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện nghiêm túc các quy trình chuẩn về phòng nhiễm khuẩn trong cơ sở y tế; thực hiện tốt việc khám sàng lọc để phát hiện sớm các trường hợp nhiễm viêm gan vi rút và điều trị, quản lý kịp thời hạn chế biến chứng.
Chỉ đạo các cơ sở y tế có phòng sinh, phòng tiêm chủng thực hiện việc nhập thông tin tất cả các trẻ sơ sinh trên hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng của Bộ Y tế.
Chỉ đạo các đơn vị y tế dự phòng truyền thông, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng, chống HIV/AIDS…
2. Sở Tài chính
Trên cơ sở dự toán do các cơ quan, đơn vị được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ xây dựng, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền đảm bảo kinh phí để thực hiện Kế hoạch. Hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý và sử dụng kinh phí theo quy định.
3. Sở Thông tin và Truyền thông
- Phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan kịp thời định hướng nội dung tuyên truyền, cung cấp thông tin về các hoạt động truyền thông phòng, chống bệnh viêm gan vi rút theo Kế hoạch.
- Đôn đốc, định hướng các cơ quan báo chí truyền thông của tỉnh, chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở đăng tải các tin, bài tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú và đa dạng trên các phương tiện thông tin, truyền thông tuyên truyền về các hoạt động truyền thông phòng, chống bệnh viêm gan vi rút.
4. Các sở, ban, ngành khác
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công thực hiện việc triển khai Kế hoạch phòng, chống bệnh viêm gan vi rút trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025 tại cơ quan, đơn vị. Quán triệt công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị thực hiện theo đúng hướng dẫn của cơ quan y tế.
5. UBND các huyện, thành phố
Căn cứ Kế hoạch phòng, chống bệnh viêm gan vi rút giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh, xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch phòng, chống bệnh viêm gan vi rút của huyện, thành phố giai đoạn 2021 - 2025 phù hợp với tình hình thực tế. Bố trí kinh phí triển khai thực hiện Kế hoạch.
- Chỉ đạo tổ chức thực hiện tuyên truyền tới người dân về công tác phòng, chống bệnh viêm gan vi rút. Trong đó tăng cường truyền thông trên loa phát thanh xã, phường, thị trấn; truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động triển khai thực hiện tại các đơn vị trên địa bàn.
- Báo cáo tiến độ và kết quả triển khai phòng, chống bệnh viêm gan vi rút trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định. UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1Kế hoạch 4155/KH-UBND năm 2015 phòng chống bệnh viêm gan vi rút tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2015 - 2019
- 2Kế hoạch 374/KH-UBND năm 2021 về phòng, chống bệnh lao trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn năm 2030
- 3Kế hoạch 2453/KH-UBND năm 2021 về phòng chống bệnh viêm gan vi rút giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
- 4Kế hoạch 779/KH-UBND năm 2021 về phòng, chống bệnh viêm gan vi rút trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025
- 5Kế hoạch 231/KH-UBND năm 2022 về phòng, chống bệnh Viêm gan vi rút trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2022-2025
- 1Kế hoạch 4155/KH-UBND năm 2015 phòng chống bệnh viêm gan vi rút tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2015 - 2019
- 2Kế hoạch 374/KH-UBND năm 2021 về phòng, chống bệnh lao trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn năm 2030
- 3Quyết định 4531/QĐ-BYT năm 2021 về Kế hoạch phòng chống bệnh viêm gan vi rút giai đoạn 2021-2025 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 4Kế hoạch 2453/KH-UBND năm 2021 về phòng chống bệnh viêm gan vi rút giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
- 5Kế hoạch 779/KH-UBND năm 2021 về phòng, chống bệnh viêm gan vi rút trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025
- 6Kế hoạch 231/KH-UBND năm 2022 về phòng, chống bệnh Viêm gan vi rút trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2022-2025
Kế hoạch 214/KH-UBND năm 2021 về phòng, chống bệnh viêm gan vi rút trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025
- Số hiệu: 214/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 02/11/2021
- Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn
- Người ký: Dương Xuân Huyên
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra