Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2139/KH-UBND

Hải Phòng, ngày 26 tháng 04 năm 2011

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN LUẬT LÝ LỊCH TƯ PHÁP VÀ CÁC VĂN BẢN HƯỚNG DẪN THI HÀNH LUẬT LÝ LỊCH TƯ PHÁP

Thực hiện Luật Lý lịch tư pháp được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 17/6/2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2010; Quyết định số 1532/QĐ-TTg ngày 23/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Luật Lý lịch tư pháp; Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 của Chính Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp; Quyết định số 2369/QĐ-TTg ngày 28/12/2010 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và kiện toàn tổ chức thuộc Sở Tư pháp để xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp”.

Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành ở thành phố như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Bảo đảm các quy định của Luật Lý lịch tư pháp, Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành được triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ, hiệu quả trên địa bàn thành phố.

2. Xác định trách nhiệm chủ trì và xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan Sở Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Công an, các cơ quan Thi hành án dân sự và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong việc cung cấp, tiếp nhận, cập nhật, xử lý thông tin lý lịch tư pháp; xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp của thành phố, đảm bảo thống nhất với cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp toàn quốc.

3. Tăng cường quản lý Nhà nước đối với công tác lý lịch tư pháp, đồng thời bảo đảm phục vụ nhanh chóng, kịp thời, thuận tiện và chính xác đối với yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của các cá nhân, cơ quan, tổ chức, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế của thành phố và phục vụ hoạt động tư pháp, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội theo quy định của pháp luật.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Tuyên truyền, phổ biến Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành (thực hiện thường xuyên):

1.1. Giao Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật thành phố và các quận, huyện phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng, Phụ trương Pháp luật Báo Hải Phòng, Báo An ninh Hải Phòng tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong nhân dân, các cơ quan, tổ chức ở thành phố những quy định pháp luật về lý lịch tư pháp; qua đó nâng cao nhận thức về cơ chế cung cấp, tiếp nhận, cập nhật xử lý và khai thác thông tin lý lịch tư pháp, đặc biệt là việc chủ động yêu cầu xóa án tích trong trường hợp người bị kết án có đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích theo quy định pháp luật; bảo đảm quyền công dân, phục vụ nhu cầu sinh sống, lao động, học tập, xuất cảnh... của người dân; hỗ trợ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã của cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức và hỗ trợ hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp.

1.2. Các Đoàn thể, Sở, Ngành, cơ quan, tổ chức liên quan ở thành phố phối hợp lồng ghép tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về lý lịch tư pháp cho nhân dân và cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, thành viên của cơ quan, tổ chức mình.

2. Rà soát các quy định hiện hành, xây dựng các quy chế, quy trình theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành:

2.1. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức rà soát, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố xử lý đối với các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành của thành phố có liên quan đến công tác lý lịch tư pháp (hoàn thành trong quý II/2011).

2.2. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố, Công an thành phố, Cục Thi hành án dân sự thành phố và các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành về việc trao đổi, cung cấp, tiếp nhận, cập nhật, xử lý thông tin lý lịch Tư pháp (hoàn thành trong quý II/2011).

2.3. Trong thời gian chờ hướng dẫn cụ thể của liên Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng về trình tự, thủ tục cung cấp, trao đổi thông tin lý lịch tư pháp, các cơ quan cần phối hợp thực hiện ngay các vấn đề sau:

- Công an thành phố phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp tiếp tục thực hiện tốt công tác xác minh, cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo Thông tư số 07/1999/TTLT-BTP-BCA, không làm ảnh hưởng đến công việc của người dân, doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan.

- Tòa án nhân dân thành phố, các Tòa án nhân dân quận, huyện; Cục thi hành án dân sự thành phố; các Chi Cục thi hành án dân sự quận, huyện và các cơ quan, tổ chức khác cung cấp thông tin lý lịch tư pháp về tình trạng án tích và thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã về Sở Tư pháp theo đúng Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2.4. Sở Tư pháp có trách nhiệm ban hành Quy trình xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp tại thành phố Hải Phòng (hoàn thành trong quý II/2011).

3. Quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp:

3.1. Sở Tư pháp thực hiện quản lý Nhà nước về lý lịch tư pháp ở thành phố theo quy định tại Khoản 5 Điều 9 Luật Lý lịch tư pháp; trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, quản lý công tác lý lịch tư pháp của thành phố và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác thuộc thẩm quyền được giao theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp.

3.2. Sở Nội vụ phối hợp với Sở Tư pháp quản lý, kiểm tra, hướng dẫn về tổ chức, biên chế thực hiện công tác lý lịch tư pháp.

3.3. Sở Tài chính và Cục Thuế thành phố quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các chế độ thu nộp, sử dụng lệ phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

3.4. Tòa án nhân dân thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố, Công an thành phố, Cục Thi hành án dân sự thành phố và các cơ quan, tổ chức hữu quan khác trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với sở Tư pháp thực hiện các quy định của pháp luật về lý lịch tư pháp.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch, kịp thời tổng hợp các vướng mắc, khó khăn, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, chỉ đạo, giải quyết

2. Sở Tài chính và Sở Tư pháp phối hợp lập dự toán kinh phí để trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt và bố trí cấp kinh phí triển khai các nội dung của Kế hoạch.

3. Sở Nội vụ và Sở Tư pháp phối hợp thực hiện các thủ tục thành lập Phòng Lý lịch Tư pháp, bổ sung biên chế, cán bộ đáp ứng yêu cầu triển khai Luật Lý lịch tư pháp.

4. Thủ trưởng các Sở, Ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện và các cơ quan tổ chức liên quan trong phạm vi nhiệm vụ được phân công và theo quy định pháp luật có trách nhiệm phối hợp và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nội dung Kế hoạch; đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân thành phố, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố phối hợp và chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai Luật lý lịch tư pháp ở thành phố./.

 


Nơi nhận:

- VPCP Bộ Tư pháp;
- TTTU, TTHĐNDTP;
- Ban CĐ CCTP thành phố;
- Các Sở, Ban, Ngành, Hội, Đoàn thể;
- TAND, VKSND, CA, Cục THADSTP;
- Đoàn LS, Trường CT Tô Hiệu;
- UBND quận, huyện;
- Đài PT-TH HP, Báo HP, Báo ANHP;
- CPVP, CVNC, TH, TT Tin học, Lưu trữ TP;
- Lưu VP UBNDTP./.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hoàng Văn Kể

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 2139/KH-UBND năm 2011 thực hiện Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Lý lịch tư pháp do thành phố Hải Phòng ban hành

  • Số hiệu: 2139/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 26/04/2011
  • Nơi ban hành: Thành phố Hải Phòng
  • Người ký: Hoàng Văn Kể
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/04/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản