Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 208/KH-UBND | Đồng Tháp, ngày 08 tháng 9 năm 2020 |
KẾ HOẠCH
PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ GIAI ĐOẠN 2021 – 2025
Tiếp nhận Công văn số 4476/BKHĐT-HTX ngày 14/7/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021-2025, kế hoạch năm 2021, UBND tỉnh Đồng Tháp xây dựng kế hoạch thực hiện như sau:
Phần thứ nhất
ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ (KTTT, HTX) GIAI ĐOẠN 2016 – 2020
Sự phát triển của KTTT mà nòng cốt là HTX luôn đóng góp quan trọng vào từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong giai đoạn 2016-2020, KTTT còn nhiều khó khăn nhưng vẫn luôn nỗ lực, tự đổi mới vươn lên và ngày càng thể hiện đúng vai trò HTX, thể hiện được tư duy mô hình HTX kiểu mới, hạt nhân là hợp tác, góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh ngày càng gay gắt.
I. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KTTT, HTX GIAI ĐOẠN 2016 – 2020
1. Tình hình chung.
1.1. Về tổ hợp tác (THT)
- Ước tính đến 31/12/2020, toàn Tỉnh có 1.120 THT, tăng 28 THT so với thời điểm 31/12/2016. Trong đó có 971 THT nông nghiệp1, tăng 3 THT; 70 THT tiểu thủ công nghiệp, tăng 15 THT; 03 THT lĩnh vực xây dựng, tăng 01 THT; 40 THT lĩnh vực thương mại, tăng 34 THT; 22 THT lĩnh vực vận tải, giảm 01 THT; 14 THT lĩnh vực khác, tăng 04 THT, so với năm 20162.
- Tổng số tổ viên tham gia THT ước tính đến 31/12/2020 là 51.000 tổ viên, tăng 376 tổ viên so với năm 2016.
- Doanh thu bình quân của THT ước tính đến 31/12/2020 khoảng 1.430 tỷ đồng, tăng 70%; lợi nhuận bình quân của THT là 140 triệu đồng, tăng 41%, so với năm 2016.
1.2. Về hợp tác xã (HTX):
- Ước tính đến 31/12/2020, trên địa bàn tỉnh 214 HTX đang hoạt động(3) (kế hoạch năm 2020 là 220 HTX), tăng 55 HTX so với năm 2016. Ước số thành viên HTX đến thời điểm 31/12/2020 là 54.528 thành viên.
- Hiện nay, 100% HTX trên địa bàn Tỉnh chuyển đổi, đăng ký lại HTX theo Luật Hợp tác xã năm 2012.
- Số thành viên HTX đến thời điểm 31/12/2020 tăng 4.033 thành viên so với thời điểm 2016, chủ yếu thành viên là cá nhân; số lượng thành viên mới tham gia vào HTX giai đoạn 2016 – 2020 và số lao động làm việc trong khu vực HTX đến thời điểm 31/12/2020 đều tăng so với năm 2016.
- Tổng vốn số hoạt động 1.182,259 triệu đồng, trong đó tổng số vốn đăng ký mới tăng 404.259 triệu đồng so với năm 2016.
- Doanh thu bình quân của HTX là 3.650 triệu đồng (tăng 1.450 triệu đồng so với năm 2016); lợi nhuận bình quân 400 triệu đồng/HTX (tăng 162 triệu đồng so với năm 2016); Thu nhập bình quân 70 triệu đồng/năm/thành viên, lao động thường xuyên của HTX (tăng28 triệu đồng so với năm 2016).
- Tổng số cán bộ quản lý 214 HTX là 550 người, trong đó người có trình độ sơ cấp, trung cấp là 394 người – chiếm 71,64%, số lượng người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên là 156 người – chiếm 28,36%.
- Riêng đối với HTX nông nghiệp (180 HTX - chiếm tỷ lệ 84,11% tổng số HTX đang hoạt động trên địa bàn Tỉnh) tăng 34 HTX so với năm 2016; giai đoạn 2016-2020, có 22 HTXNN được thành lập từ 23 mô hình Hội quán. Số lượng thành lập mới năm 2020 là 19 HTXNN, tăng 17 HTX so với năm 2016.
- Doanh thu bình quân 01 HTXNN là 2.070 triệu đồng, tăng 565 triệu đồng;lãi bình quân 01 HTXNN là 254 triệu đồng, tăng 18 triệu đồng; thu nhập bình quân của 01 lao động thường xuyên là 48 triệu đồng/năm, tăng 28 triệu đồng so với năm 2016.Tổng số cán bộ quản lý 180 HTXNN là 760 người, trong đó: 108 người có trình độ sơ cấp, trung cấp - chiếm 15%; 115 người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên - chiếm 16%.
2. Tình hình phát triển KTTT theo ngành, lĩnh vực:
2.1. Lĩnh vực nông nghiệp - thủy sản (HTXNN): Có 180 HTX, chiếm tỷ lệ 84,11%.
- Trung bình mỗi huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn Tỉnh đều có HTXNN đang hoạt động. Trong đó, huyện Tam Nông có số lượng nhiều nhất với 31 HTXNN, Thành phố Sa Đéc có ít số lượng nhất với 03 HTXNN.
- Trong 05 năm qua, số HTXNN hoạt động hiệu quả tăng dần qua từng năm. Một số HTXNN đã chú trọng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tích cực tham gia liên kết với doanh nghiệp để cung cấp đầu vào và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Xuất hiện nhiều mô hình hay và cách làm mới4.
2.2. Lĩnh vực tín dụng: 17 QTDND, chiếm tỷ lệ 7,94%. Nhìn chung, các QTDND hoạt động ổn định, vốn huy động tiền gửi, dư nợ đều tăng, thu nhập lớn hơn chi phí, nợ xấu giảm và ở mức thấp. Hoạt động của các QTDND đã góp phần hạn chế hoạt động “Tín dụng đen” trên địa bàn nông thôn.
2.3. Lĩnh vực vận tải: 11 HTX đang hoạt động, chiếm tỷ lệ 5,14%. Các HTX vận tải hoạt động mạnh về loại hình vận tải hành khách. Cán bộ quản lý HTX được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng tốt trong vận chuyển hành khách; một số HTX có đầu tư trang thiết bị, áp dụng công nghệ mới nhằm nâng cao năng lực dịch vụ5.
2.4. Lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp: 04 HTX đang hoạt động, chiếm tỷ lệ 1,87%. Chất lượng các HTX từng bước được nâng lên, quy mô sản xuất được mở rộng, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn.
2.5. Lĩnh vực thương mại - dịch vụ: 02 HTX đang hoạt động, chiếm tỷ lệ 0,93%. HTX thực hiện hoạt động quản lý khai thác chợ và hoạt động cung cấp nước sạch, vệ sinh mô trường. Số lượng thành viên HTX không nhiều, vốn góp ít, khả năng cạnh tranh thấp.
3. Đánh giá tác động HTX, THT đến thành viên, kinh tế hộ thành viên.
- HTX giúp cho kinh tế hộ những việc mà kinh tế hộ không làm được. HTX phát huy được vai trò: tập hợp, vận động thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; góp phần tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn hợp lý. Bên cạnh đó, HTX là cầu nối tạo ra liên kết dọc, khâu trung gian giữa người sản xuất và người tiêu dùng, tiếp nhận thông tin thị trường, đầu mối đảm nhận khâu thu mua và đưa hàng hóa đến thị trường.
- Phát triển kinh tế của HTX hỗ trợ một phần cho kinh tế hộ phát triển, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần vào việc phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, làm nền tảng thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới.
4. Một số mô hình hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị (Chi tiết xem Phụ lục 01)
II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VÀ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ
1. Kết quả triển khai Luật và các văn bản hướng dẫn6
2. Tình hình triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ HTX.
2.1. Chính sách hỗ trợ chung đối với các HTX
a) Chính sách đào tạo, bồi dưỡng: từ năm 2016 - 2020, đã tổ chức 84 lớp tập huấn và đào tạo bồi dưỡng; 01 chuyến học tập kinh nghiệm; 01 cuộc tọa đàm cho cán bộ các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, cán bộ ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, có trên 2.784 người tham dự. Tổng kinh thực hiện 2.600 triệu đồng.
b) Chính sách hỗ trợ cán bộ trẻ về làm việc tại HTX
- Biệt phái 15 viên chức làm Phó Giám đốc HTX: thực hiện biệt phái 15 viên chức từ các trạm, trại của ngành nông nghiệp về hỗ trợ hoạt động cho 15 HTXNN trên địa bàn tỉnh trong thời gian 03 năm (2015-2017). Kết quả bước đầu đã tạo được yếu tố tích cực trong việc hỗ trợ nhân sự trong HTXNN, phát huy nguồn nhân lực trẻ trong nền kinh tế tập thể.
- Hỗ trợ đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng về làm việc có thời hạn tại HTX: thực hiện theo Nghị quyết số 176/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 của HĐND Tỉnh7. Hỗ trợ 79 lao động về làm việc tại 79 HTXNN (trong đó có 09 HTXNN kiểu mới); mức hỗ trợ tương đương mức lương tối thiểu vùng cho 01 lao động/số tháng lao động/01 HTX; nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương (vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới) và ngân sách địa phương; thời gian hỗ trợ từ tháng 8/2018 đến ngày 31/12/2020. Đến nay, triển khai chính sách đến các HTX biết và thực hiện nhận hỗ trợ; kết quả có 64/79 HTXNN thuê được lao động (trong đó có 09 HTX kiểu mới); các HTX còn lại đang làm thủ tục thuê lao động để được hỗ trợ. Năm 2020 có 60/79 HTXNN thuê được lao động.
c) Chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới: từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hỗ trợ các HTX ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất giai đoạn 2016- 2020, hỗ trợ cho 70 HTXNN mua máy móc, thiết bị phục vụ phát triển sản xuất, tổng số 337 máy móc, thiết bị; Tổng kinh phí hỗ trợ là 8.642 triệu đồng (trong đó năm 2020 hỗ trợ 06 HTX mua máy móc, thiết bị với tổng kinh phí hỗ trợ là 1.555 triệu đồng; 05 HTX thực hiện theo chuỗi giá trị, kinh phí hỗ trợ là 1.630 triệu đồng).
d) Chính sách hỗ trợ thành lập mới: giai đoạn 2016-2020 thành lập mới 106 HTXNN. Trong đó, có 09 HTX được thành lập từ nguồn vốn Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, với tổng kinh phí gần 724 triệu đồng. Trong đó năm 2020 hỗ trợ thành lập 03 HTXNN từ nguồn vốn MTQG XD Nông thôn mới, với kinh phí 570 triệu đồng (thành lập HTX từ THT gắn với sản phẩm OCOP); giải thể 40 HTXNN.
2.2. Chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với HTXNN
a) Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng
- Thực hiện Nghị định 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về việc quản lý sử dụng đất trồng lúa: UBND tỉnh Đồng Tháp tiến hành hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ vùng sản xuất quy mô lớn cho 09 HTX tham gia thí điểm HTX kiểu mới với các danh mục như: kiên cố hóa kênh mương, công trình điều tiết, nạo vét nội đồng, cống,… với tổng kinh phí trên 94.000 triệu đồng.
- Hỗ trợ hợp tác xã xây dựng cơ sở hạ tầng giai đoạn 2011-2020: Năm 2019 trình UBND Tỉnh hỗ trợ 07 HTX xây dựng từ nguồn vốn mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với tổng mức đầu tư là 6.555 triệu đồng8. Năm 2020, hỗ trợ 25 HTX với tổng mức đầu tư 19.750 triệu đồng. Trong đó, Trung ương hỗ trợ 15.800 triệu đồng, HTX đối ứng 3.950 triệu đồng (cơ chế hỗ trợ là Trung ương sẽ hỗ trợ 80% và HTX đóng góp 20% tổng mức đầu tư của dự án).
b) Hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp thực hiện theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ: đến tháng 02/2020, dư nợ tại các ngân hàng là 172 tỷ đồng; với 298 máy GĐLH, 282 máy cày, 71 máy xới và 145 máy móc thiết bị khác phục vụ sản xuất nông nghiệp còn dư nợ; Luỹ kế doanh số cho vay từ năm 2016 đến nay là 552,49 triệu đồng9.
c) Chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của HTX với doanh nghiệp
- Giai đoạn 2016-2018, thực hiện theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn: Toàn tỉnh có 44 đơn vị được chấp thuận chủ trương xây dựng dự án cánh đồng lớn (40 Hợp tác xã, 01 tổ hợp tác, 03 công ty) với tổng diện tích 92.758 ha; trong đó: 03 đơn vị đã được UBND Tỉnh phê duyệt phương án (Công ty Lương thực Đồng Tháp; Công ty Cổ phần Sài Gòn Lương thực; và HTX DVNN Thuận Tiến);
- Giai đoạn 2018-2020, thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp10. Theo đó, Hội đồng nhân dân Tỉnh ban hành Nghị quyết số 199/2018/NQ-HĐND ngày 06/12/2019, UBND Tỉnh ban hành Kế hoạch số 242/KH-UBND, ngày 28/10/2019 về thực hiện Nghị quyết số 199/2018/NQ-HĐND ngày 06/12/2018 của Hội đồng nhân dân Tỉnh. Đến nay, chưa có tổ chức, cá nhân nào có đăng ký dự án/ phương án hỗ trợ liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
3. Công tác quản lý nhà nước đối với KTTT, HTX:
3.1. Công tác thành lập và kiện toàn bộ máy QLNN về HTX.
a) Cấp Tỉnh:
- Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối tham mưu, giúp UBND Tỉnh trong công tác quản lý về kinh tế hợp tác. Sở Kế hoạch và Đầu tư không thành lập Phòng Doanh nghiệp, Kinh tế tập thể và tư nhân mà giao nhiệm vụ về kinh tế tập thể cho Phòng Đăng ký kinh doanh, chỉ có 01 cán bộ chuyên trách. Là cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Liên hiệp HTX và Quỹ tín dụng nhân dân.
- Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tham mưu quản lý nhà nước về kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp. Việc bố trí sắp xếp cán bộ theo dõi KTTT, HTX của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt tại Phòng Kinh tế hợp tác và trang trại trực thuộc Chi cục Phát triển nông thôn, với 05 cán bộ.
- Các sở, ngành có liên quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về KTTT theo ngành, lĩnh vực mình quản lý.
b) Cấp huyện: Phòng Tài chính-Kế hoạch, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan tham mưu UBND huyện quản lý nhà nước về kinh tế tập thể trên địa bàn huyện. Cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký đăng ký kinh doanh cho HTX là Phòng Tài chính – Kế hoạch; việc phân công cán bộ theo dõi về kinh tế hợp tác ở các huyện, thị xã, thành phố đều là kiêm nhiệm.
4. Hợp tác quốc tế về KTTT
- Thông qua Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) do Ngân hàng Thế giới tài trợ, các HTX/Tổ chức nông dân được tập huấn nội dung: “03 giảm 03 tăng, 01 phải 05 giảm” trong sản xuất; 07 HTX được hỗ trợ trang thiết bị sản xuất lúa như máy cấy, máy phun hạt; 05 HTX được hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất lúa v.v.
- Tỉnh tiếp tục triển khai dự án Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững và bao trùm nông hộ nhỏ, giai đoạn 2018 - 2021 (phối hợp với Tổ chức Rikolto) và dự án “Liên kết thị trường cho nông hộ sản xuất nhỏ - Sáng kiến lúa gạo Châu Á giai đoạn 2 (BRIA2) (phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn và Tổ chức GIZ).
III. TỒN TẠI, HẠN CHẾ, NGUYÊN NHÂN
1. Tồn tại, hạn chế:
- Về tổ chức thực hiện pháp luật, cơ chế, chính sách: các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác còn chồng chéo thiếu đồng bộ, khó tiếp cận, chưa có tính chiến lược.
- Về năng lực nội tại HTX: Năng lực nội tại các hợp tác xã nhìn chung còn hạn chế về cán bộ quản lý, điều hành và cả về cơ sở vật chất, nguồn vốn. Việc xây dựng phương án sản xuất kinh doanh còn hạn chế nên không huy động được vốn của thành viên hoặc từ các Tổ chức tín dụng, không mở rộng quy mô và hoạt động dịch vụ nên lợi ích mang lại cho thành viên không nhiều.
- Về thực hiện chức năng quản lý nhà nước về KTTT, HTX: công tác phối hợp báo cáo HTX ở địa phương thời gian qua thường xuyên chậm trễ, chưa đầy đủ, chưa thực sự phản ánh đúng tình hình thực tế về KTTT ở địa phương, dẫn tới khó khăn cho Đơn vị quản lý nhà nước trong công tác tổng hợp, theo dõi cũng như tham mưu phát triển KTTT trên địa bàn tỉnh.
3. Nguyên nhân:
3.1. Về pháp luật, cơ chế, chính sách
- Có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ từ phía Nhà nước cho HTX. Tuy nhiên, chỉ có một số chính sách được thực hiện mang tính khả thi, số còn lại còn hạn chế so với nhu cầu thực tế. Mặt khác, một số chính sách không có nguồn kinh phí riêng để thực hiện, chủ yếu là kinh phí lồng ghép vào các Chương trình, dự án nên chưa đáp ứng hết nhu cầu hỗ trợ của các HTX11.
- Chính sách hỗ trợ cho HTX được ban hành nhiều nhưng chậm hướng dẫn thực hiện, chậm bổ sung sửa đổi nên khi triển khai thực hiện còn nhiều chồng chéo, vướng mắc, khó thực thi12.
3.2. Về bản thân HTX
- Đa số các HTX thiếu vốn do vốn góp của thành viên còn hạn chế. Bên cạnh đó, do HTX không có tài sản nên việc tiếp cận với các nguồn vay của các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng hết sức khó khăn. Vì thế không mở thêm hoạt động dịch vụ và quy mô sản xuất, dẫn đến lợi ích mang lại cho thành viên chưa cao.
- Đa phần các hợp tác xã nông nghiệp hiện nay chỉ tập trung hoạt động các dịch vụ đầu vào13, chưa quan tâm đến các dịch vụ đầu ra14; phần lớn HTX chưa liên kết được với các doanh nghiệp do tính liên kết trong nông dân chưa cao, việc ký kết và tổ chức thực hiện các hợp đồng giữa HTX và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, chưa định được giá trị hợp đồng, khi có tranh chấp thì thiếu cơ sở pháp lý để giải quyết nên đa số sản phẩm của thành viên phải tiêu thụ qua thương lái, giá cả bấp bênh, không ổn định và lợi nhuận không cao.
- Phần lớn các HTX đều chưa có trụ sở làm việc, kết cấu hạ tầng còn yếu kém, các trang thiết bị, máy móc còn lạc hậu, công suất thấp chưa đáp ứng hết nhu cầu hoạt động sản xuất của HTX nên kết quả sản xuất kinh doanh còn thấp
3.3. Về thực hiện chức năng quản lý nhà nước về KTTT, HTX:
Hệ thống quản lý Nhà nước cấp cơ sở tuy cơ bản được củng cố nhưng đa phần cán bộ là kiêm nhiệm nên công tác quản lý chưa thực sự chặt chẽ.
Công tác tuyên truyền về kinh tế hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu nhưng chưa mang tính liên tục, chưa tạo sự chuyển biến nhanh trong nhận thức nhất là cán bộ, đảng viên và phần lớn quần chúng nhân dân về vị trí, vai trò cũng như chức năng và lợi ích của kinh tế hợp tác trong bối cảnh hội nhập.
Phần thứ hai
KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KTTT, HTX GIAI ĐOẠN 2021 – 2025 VÀ KẾ HOẠCH NĂM 2021
I. DỰ BÁO NHỮNG THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN
1. Thuận lợi
- Xu thế gắn kết giữa doanh nghiệp với HTX để xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển cơ sở sản xuất, chế biến nông sản ngày càng rõ nét.
- Cơ chế hợp tác công tư (PPP) trong nông nghiệp tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư phát triển nông nghiệp, gắn kết với các HTX.
2. Khó khăn
- Phát triển KTTT vẫn còn nhiều khó khăn: vốn ít, kết cấu hạ tầng, kỹ thuật, trình độ cán bộ quản lý còn hạn chế; thu nhập của HTX và thành viên không nhiều; sản phẩm cung cấp thị trường chất lượng chưa cao, khả năng cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác còn hạn chế.
- Một số HTX và người dân chưa hoàn toàn hiểu đúng về bản chất và giá trị HTX. Một số HTX còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
II. ĐỊNH HƯỚNG CHUNG VỀ PHÁT TRIỂN KTTT, HTX
- Giám sát và hoàn thiện hoạt động HTX theo Luật HTX năm 2012.
- Tiếp tục khuyến khích thành lập mới HTX, THT; khuyến khích thành lập mới đối với các HTX có phương hướng và cơ sở phát triển tốt, đảm bảo các nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
- Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của HTX, THT. Tăng cường năng lực cạnh tranh, tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm.
- Tập trung củng cố và hoàn thiện hoạt động các HTXNN mới thành lập theo Quyết định 461/QĐ-TTg ngày 27/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
- Phát triển Hội quán, HTXNN theo nhu cầu thành lập của nhóm hộ nông dân, Hội quán như cấp mã vùng, mã code gắn với ngành hàng, vùng trồng phục vụ cho việc tiêu thụ sản phẩm.
- Tiếp tục giải thể các HTX yếu kém, không hoạt động hoặc hoạt động không đúng quy định.
- Nâng cao hiệu quả đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào tăng trưởng kinh tế chung, bền vững, góp phần vào giảm tỷ lệ hộ nghèo, tạo động lực xây dựng thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới.
- Đóng góp vào việc cải thiện đời sống thành viên và cộng đồng. Tương hỗ với kinh tế hộ, cộng đồng dân cư, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ lợi ích lâu dài, cùng có lợi.
III. MỤC TIÊU TỔNG QUÁT
- Tập trung củng cố, kiện toàn các HTX đủ mạnh để thực hiện tốt vai trò tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng, thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thay đổi quy trình canh tác theo hướng giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc, tạo điều kiện hình thành những tổ hợp nông - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao.
- Phát triển HTX quy mô lớn, phát triển mới các HTX trên nền tảng Hội quán, tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển có hiệu quả trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Thực hiện có hiệu quả chương trình khởi nghiệp và chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
IV. MỤC TIÊU CỤ THỂ
1. Hợp tác xã
- Phấn đấu đến năm 2021 có 226 HTX, tổng số thành viên 54.600 thành viên. Doanh thu bình quân 01 HTX là 2.173 triệu đồng/năm. Lãi bình quân 01 HTX là 267 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân của 01 lao động thường xuyên trong HTX là 70 triệu đồng/năm.
- Riêng đối với HTXNN, phấn đấu đến năm 2021 có 187 HTXNN, tổng số thành viên 29.120 thành viên. Thu nhập bình quân của 01 lao động thường xuyên trong HTXNN là 50 triệu đồng/năm.
- Đến năm 2025, tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ phấn đấu có khoảng 254 HTX hoạt động hiệu quả với 55.000 thành viên. Riêng HTX NN phấn đấu đến năm 2025 có 21515 HTXNN; 100% hợp tác xã nông nghiệp hoạt động theo đúng Luật hợp tác xã 2012; tổng số thành viên HTX là 33.600 thành viên.
- Tỷ lệ cán bộ quản lý HTX có trình độ sơ, trung cấp trên 15%/năm. Tỷ lệ cán bộ quản lý HTX có trình độ cao đẳng, đại học trên 20%/năm.
- Doanh thu bình quân 01 HTX đến năm 2025 là 2.641 triệu đồng/năm, bình quân tăng 5%/năm.
- Lãi bình quân 01 HTX đến năm 2025 là 325 triệu đồng/năm, bình quân tăng 5%/năm.
- Thu nhập bình quân của 01 lao động thường xuyên trong HTX đến năm 2025 là 85 triệu đồng/năm. Đối với HTXNN là 61 triệu đồng/năm, bình quân tăng 5%/năm.
2. Tổ hợp tác (THT nông nghiệp):
- Dự kiến đến năm 2021, toàn Tỉnh có 1.004 THT nông nghiệp. Tổng số tổ viên tham gia THT nông nghiệp là 49.768 tổ viên. Doanh thu bình quân 510 triệu đồng/THT; Lãi bình quân 138 triệu đồng/THT.
- Phấn đấu đến năm 2025 đạt các chỉ tiêu sau:
Về số lượng THT và tổ viên: Có 1.146 THT nông nghiệp (bình quân tăng 3,5%/năm), số tổ viên THT nông nghiệp là 51.789 tổ viên (bình quân tăng 1%/năm).
Về kết quả hoạt động kinh doanh: Doanh thu bình quân là 552 triệu đồng, tăng 2%/năm và lợi nhuận bình quân 01 THTNN là 150 triệu đồng, tăng 2%/năm.
V. GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ
1. Về công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về KTTT, HTX.
Tiếp tục tuyên truyền các Nghị quyết của Trung ương về phát triển KTTT, HTX và Luật HTX năm 2012, các văn bản hướng dẫn của Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan nhằm thống nhất nhận thức trong hệ thống chính trị, Nhân dân về nguyên tắc, bản chất và giá trị của HTX.
- Đối với cán bộ quản lý nhà nước KTTT, HTX: Tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển KTTT, trong đó nòng cốt là HTX để nắm chắc những nội dung cơ bản của Luật HTX, cơ chế chính sách; phương pháp tổ chức chỉ đạo, phối hợp với các tổ chức đoàn thể để hỗ trợ phát triển HTX.
- Đối với cán bộ quản lý HTX: Tập trung vào các nội dung như định hướng phát triển HTX của Nhà nước; kiến thức, kỹ năng về lập phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh; kỹ năng về quản trị doanh nghiệp, quản trị HTX; thông tin về thị trường, kinh nghiệm về xây dựng các phương án, hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị.
- Đối với người nông dân: Tuyên truyền làm rõ sự cần thiết phải hợp tác, liên kết với nhau trong sản xuất nông nghiệp, tính tất yếu phải tham gia HTX; tuyên truyền chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp.
2. Về hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách
- Cấp ủy các cấp chỉ đạo thực hiện Kết luận số 70-KL/TW09/3/2020 của Bộ Chính trị, về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 Khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên cơ sở tập trung thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 của Tỉnh, các nhiệm vụ giải pháp tại Kế hoạch phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021 - 2025.
- Ban hành văn bản cụ thể hóa Chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021 - 2025; các Chương trình, Đề án, Kế hoạch được các Bộ, ngành Trung ương triển khai.
- Tiếp tục ban hành các chính sách đặc thù của địa phương để hỗ trợ phát triển HTX trong giai đoạn 2021 – 2025 theo đúng quy định.
3. Về nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với KTTT, HTX, gắn liền với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong phát triển KTTT, HTX.
Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về KTTT, HTX ở các cấp và đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức thường xuyên cho đội ngũ này về KTTT, HTX, trong đó:
- Cấp Tỉnh: Bố trí cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về HTX ở Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn).
- Cấp huyện: Bố trí cán bộ chuyên trách ở Phòng Nông nghiệp và PTNT hoặc Phòng Tài chính - Kế hoạch để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về KTTT, HTX.
- Cấp xã: Phân công rõ trách nhiệm của cán bộ chuyên môn để trực tiếp tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp xã trong việc tham mưu quản lý nhà nước về KTTT, HTX.
4. Về Nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, xây dựng mô hình hợp tác xã hiệu quả và tổng kết mô hình
- Từng bước mở rộng quy mô hoạt động của HTX bằng cách kết nạp thêm thành viên hoặc hợp nhất, sáp nhập khi có đủ điều kiện (có sự đồng thuận của thành viên, phù hợp với năng lực quản trị của cán bộ quản lý HTX).
- Tiếp tục giải thể các HTX yếu kém, không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả.
- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ lao động trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng làm việc có thời hạn cho HTX nông nghiệp.
- Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX tham gia có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, mở rộng liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh để nâng cao năng lực hoạt động, năng lực cạnh tranh, tiếp cận khoa học và công nghệ.
- Xây dựng và nhân rộng mô hình HTX kiểu mới gắn với xây dựng vùng chuyên canh; chuyển dần từ hoạt động dịch vụ đơn thuần sang tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, theo hướng an toàn, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, truy xuất được nguồn gốc.
- Phối hợp, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ phát triển KTTT, HTX để hỗ trợ trực tiếp cho các HTX trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất; hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho các HTX; hỗ trợ xây dựng mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết theo chuỗi giá trị.
- Sử dụng có hiệu quả các nguồn tài trợ và tiếp tục huy động các nguồn lực và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong việc thúc đẩy phát triển KTTT.
5. Phát triển Hội quán, phát triển HTXNN từ mô hình Hội quán
- Để Hội quán hoạt động có hiệu quả trước hết phải tổ chức sinh hoạt với nội dung thực sự thiết thực đối với các hội viên Hội quán. Mỗi lần sinh hoạt hội viên
phải được nói những điều mình suy nghĩ và nghe những điều hội viên đáng quan tâm.
- Thực hiện tốt công tác tuyên truyền sâu rộng để nâng cao chất lượng hoạt động các hội quán, vận động hội viên và nhân dân nâng cao nhận thức về chuyển đổi sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang kinh tế nông nghiệp, tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tiếp tục theo dõi, hỗ trợ, giúp đỡ cho hoạt động các hội quán và phát triển thêm các hội quán nếu đủ điều kiện.
- Chính quyền các cấp chỉ đạo các ngành chuyên môn tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, cập nhật kiến thức về sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật tiên tiến vào quy trình sản xuất, liên kết cho hội viên các hội quán; quan tâm giới thiệu các công ty, doanh nghiệp hợp đồng tiêu thụ sản phẩm của hội quán.
- Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá sản phẩm nông sản của Hội quán. Tăng cường mối liên kết 04 nhà trên cơ sở hài hòa lợi ích của các bên tham gia trong chuỗi giá trị sản xuất theo quy luật thị trường để hàng hóa, nông sản của Hội quán phát triển bền vững.
- Lồng ghép việc tuyên truyền về Luật HTX, các chính sách liên quan đến HTX trong các buổi sinh hoạt thường kỳ của Hội quán. Để các thành viên Hội quán hiểu rõ về bản chất, vai trò, lợi ích khi tham gia HTX từ đó tự vận động thành lập HTX từ nền tảng mô hình Hội quán.
6. Về huy động nguồn lực xã hội để phát triển KTTT, HTX
- Tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, HTX của Trung ương cũng như của địa phương.
- Huy động, lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ phát triển KTTT, HTX, tranh thủ sự hỗ trợ, đầu tư từ các Tổ chức Phi chính phủ, các Dự án tài trợ cũng như tạo điều kiện cho các HTX được tham gia các chương trình kinh tế - xã hội của địa phương.
VI. PHÂN CÔNG THỰC HIỆN: (Chi tiết xem Phụ lục 08)
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHỤ LỤC 01
MỘT SỐ MÔ HÌNH HOẠT ĐỘNG HIỆU QUẢ THEO PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT GẮN VỚI CHUỖI GIÁ TRỊ
1. HTXNN Tân Bình, xã Tân Bình, huyện Thanh Bình:
- Thành lập năm 2003. Có 1.034 thành viên. Tổng số lao động trong HTX gồm 78 người. Diện tích phục vụ 668 ha. Hoạt động 08 dịch vụ (Dịch vụ bơm nước, cắt, sấy lúa, phân bón, tín dụng, làm đất, giống cây trồng, nước sạch)
- Vốn điều lệ HTX 1.031 triệu, vốn góp 937 triệu. vốn hoạt động 26.001 triệu đồng. Doanh thu năm 2019 là 6.702 triệu đồng. Phân phối thu nhập (lợi nhuận) 958 triệu. HTX thực hiện 01 bộ máy vừa quản lý vừa điều hành. HTX có xây dựng kế hoạch thực hiện tuần, tháng; phân công cụ thể từng thành viên trong HĐQT, bộ phận chuyên môn.
- HTX ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như mô hình nhà lưới ươm cây giống (cà chua, cây ớt), đưa công nghệ đưa công nghệ tưới nhỏ giọt phục vụ tưới tiêu, sử dụng giống cà gốc ghép. Mô hình này được thực hiện trên diện tích 1.000m2 nhà kính của HTX. Ươm cây giống chất lượng cao cung cấp cho toàn vùng Cù lao huyện Thanh Bình và các huyện trong Tỉnh được hơn 2,2 triệu cây. Đây là mô hình sản xuất cây giống hoa màu (ớt) tiêu biểu ở đồng bằng sông Cửu Long được nông dân đánh giá cao thời gian qua. Thực hiện sấy ớt bằng nhà sấy sử dụng năng lượng mặt trời.
- HTX đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp đầu vào như: dịch vụ phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, HTX luôn quan tâm giảm lợi nhuận để hỗ trợ cho thành viên nghèo về lãi suất, khâu làm đất và sau thu hoạch…; cung cấp vật tư nông nghiệp cho bà con thành viên với giá rẻ hơn thị trường bên ngoài. Ngoài ra, HTX đã xây dựng kho 1.000 tấn, lò sấy với công suất 40 tấn/lần sấy, phát triển thêm dịch vụ tạm trữ, sấy lúa cho thành viên. Hệ thống tưới tiêu được bê tông hóa với tổng chiều dài gần 2 km.
- HTX tạo việc làm cho thành viên, người lao động tại địa phương, nâng cao thu nhập đời sống, góp phần xây dựng nông thôn mới. HTXNN Tân Bình là 01 trong 09 HTX được chọn xây dựng HTX kiểu mới theo Quyết định số 445/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ.
2. HTX DVNN Bình Thành xã Bình Thành, huyện Lấp Vò
- Thành lập năm 1989 vốn điều lệ 1.115 triệu đồng, có 1.814 thành viên. Tổng số lao động trong HTX gồm 55 người. Là HTX quy toàn xã. Diện tích phục vụ tưới tiêu là 1.150 ha, trong đó chia ra sản xuất lúa 3 vụ là 950 ha; 2 lúa 1 màu là 200 ha. Tổng vốn hoạt động 10.706 triệu đồng. Doanh thu năm 2019 là 22.723 triệu đồng. Phân phối thu nhập (lợi nhuận) 764 triệu đồng.
- HTX hoạt động với 13 dịch vụ phục vụ trực tiếp cho hộ thành viên hoạt động ổn định, gồm có: Dịch vụ tưới tiêu, điện nông thôn (toàn xã), tín dụng nội bộ, cung cấp vật tư nông nghiệp trả chậm, sản xuất cung cấp lúa giống, mua bán gạo, điện gia dụng, khuyến nông, bảo vệ thực vật , tổ chức liên kết hỗ trợ thành viên tiêu thụ sản phẩm, nạo vét kênh thủy lợi nội đồng (Kobe), bán giống cây trồng và sản xuất nước đóng bình đóng chai.
- HTX thực hiện tốt chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm tai nạn 100% theo quy định và các chế độ đãi ngộ khác theo Bộ luật Lao động quy định; những cán bộ lớn tuổi (trên 60 tuổi) HTX tiếp tục hỗ trợ 100% BHYT và bảo hiểm tai nạn con người.
- HTX ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: Sử dụng máy xạ lúa, máy phun thuốc, phun phân tự động, máy gặt đập liên hợp trong thu hoạch lúa, chiếm tỷ lệ 80% trên tổng diện tích. Nhiều đề tài, dự án, mô hình trình diễn được áp dụng trên lúa, hoa màu, cây ăn trái, gia súc, thủy sản; cụ thể như: Mô hình sản xuất lúa theo quy trình IPM, 1 phải 5 giảm,… Hầu hết các mô hình đều đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần tăng năng suất, quản lý hiệu quả bệnh, dịch bệnh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giúp người dân giảm chi phí và tăng thêm thu nhập.
- Về hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho thành viên: Diện tích lúa xây dựng vùng lúa chất lượng cao 256 ha, có 81 ha sản xuất lúa an toàn, 30 ha sản xuất lúa giống cung cấp cho thành viên của Hợp tác xã. Về thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản ở HTX rất đa dạng: HTX – Doanh nghiệp – Thương lái. Tất cả các diện tích của HTX đều được tiêu thụ thông qua các doanh nghiệp, qua đó đã mang lại lợi nhuận ổn định cho thành viên HTX.
- Bên cạnh HTX còn có Hội quán sinh hoạt đa dạng các lĩnh vực như kỹ thuật chăm sóc cây có múi, về chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, xử lý ra hoa xoài trái vụ, tỉa cành tạo tán, bón vôi, xử lý ra hoa trái vụ,… với diện tích là 127,5ha đất canh tác chủ yếu là xoài và cây có múi. HTX DVNN Bình Thành là 01trong 09 HTX được chọn xây dựng HTX kiểu mới theo Quyết định số 445/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ.
3. Một số mô hình khác:
- HTX DVNN Thắng Lợi, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, thực hiện mô hình ruộng lúa bờ hoa, sản xuất lúa theo chuẩn SRP vụ Đông Xuân năm 2019- 2020 liên kết tiêu thụ với tập đoàn Phoenix 19 ha đến vụ Hè Thu năm mở rộng diện tích sản xuất theo chuẩn SRP trên 100 ha.
- HTX giống Định An đã nghiên cứu, lai tạo và cho ra đời nhiều giống lúa đặc sản, chất lượng cung cấp cho thị trường, trong đó nội bật là các giống: Ngọc đỏ hương dứa, LD2021, Tím sen, Tím sữa, ND3, LV6, dòng phân li OM384... Hiện các giống lúa do HTX sản xuất đều cho năng suất cao, bán được giá, được nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Cá nhân Giám đốc HTX-ông Nguyễn Anh Dũng được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng danh hiệu “Nhà khoa học của Nhà nông” lần thứ nhất năm 2018.
- HTX nông sản sạch Vĩnh Thới (10,34 ha) ký hợp đồng với tập đoàn VinGroup liên kết tiêu thụ quýt đương, cam xoàn, cam sành, mận An Phước, mận đá đường, ngoài việc liên kết tiêu thụ cho thành viên HTX còn liên kết tiêu thụ cho các hộ dân trong vùng theo hình thức liên kết (nông dân phải sản xuất theo quy chuẩn an toàn). Bên cạnh đó HTX thực hiện mô hình vườn du lịch sinh thái vào trong sản xuất.
- HTX Xoài Mỹ Xương với Mô hình “Cây xoài nhà tôi” thực hiện phương thức giao dịch thương mại điện tử, đã đưa Xoài Cao Lãnh ra thị trường cả nước. Qua gần 2 năm đi vào hoạt động, mô hình đã bán ra tổng cộng 224 cây xoài các loại, với giá bán dao động từ 03 triệu đồng/cây trở lên, tùy theo tiêu chuẩn cây; tổng số tiền thu được đem về cho thành viên trên 830 triệu đồng. Từ mô hình “Cây xoài nhà tôi” các HTXNN khác đã phát triển mô hình “Ruộng nhà mình”, “Cam nhà mình” góp phần đưa nông sản sạch của Tỉnh đến tay người tiêu dùng trong cả nước.
- HTX DVNN Mỹ Đông 2 thực hiện mô hình ứng dụng nhiều công nghệ cao vào sản xuất lúa với tổng diện tích 90ha. Trong đó có 40ha sử dụng phân bón thông thường và 50ha sử dụng phân bón thông minh, áp dụng phương pháp bón phân vùi, sản xuất các loại giống chất lượng cao và áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất. “Mô hình này thực hiện cơ giới hóa đồng bộ từ khâu gieo cấy và phun xịt thuốc bằng máy bay kết hợp sau thu hoạch làm bằng máy, giảm lượng giống, giảm lượng sâu rầy, phân bón, năng suất tăng cao để mang lại lợi nhuận cho bà con nông dân”. Điểm nổi bật của mô hình là thực hiện ứng dụng nhiều công nghệ cao vào sản xuất lúa như toàn bộ diện tích được thực hiện bằng phương pháp cấy bằng máy với với lượng giống là 60kg/ha, phun thuốc bằng máy bay không người lái, tưới ngập khô xen kẻ điều khiển bằng cảm biến. Quản lý dịch hại tổng hợp IPM. Sử dụng sổ điện tử - truy xuất nguồn gốc nên sẽ giúp nông dân tiết kiệm được nhiều chi phí đầu tư và giảm nhân công lao động.
- HTX DV NN Thuận Tiến năm 2018 thực hiện mô hình canh tác lúa thông minh phối hợp với Cty Rynan Smart Fertilizers (Trà Vinh) thực hiện thí điểm diện tích 24 ha. Năm 2019 HTX thực hiện mô hình ruộng nhà mình với công ty lương thực đồng tháp với diện tích 120 ha. Bên cạnh đó ký kết liên kết tiêu thụ với công ty Hiếu Nhân diện tích 250 ha.
- Mô hình giảm giá thành sản xuất do HTX DVNN An Phong xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười phối hợp với Giáo Sư, Tiến Sĩ Võ Tòng Xuân thực hiện thí điểm diện tích 10 ha/17 hộ. Năng suất qua các vụ đạt mức cao, bình quân khoảng 7,2 tấn/ha. Chi phí sản xuất luôn thấp hơn sản xuất bình thường, bình quân đạt thấp hơn 4 triệu/ha. Giá thành sản xuất bình quân giá thành 2.504 đồng/kg lúa, so với sản xuất bình thường là 3.089 đồng/kg lúa. Lợi nhuận cao hơn so với bình thường, bình quân lợi nhuận cao hơn là 5,7 triệu đồng/ha. Mô hình đã giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý đồng ruộng, ứng dụng tốt các kỹ thuật: sạ thưa, bón phân cân đối, phun thuốc theo 4 đúng, giảm ô nhiễm môi trường và dư lượng thuốc BVTV trong nông sản, an toàn sức khỏe cho người sản xuất và tiêu dùng.
5. HTX được thành lập từ mô hình Hội quán
- Mô hình “Hội quán” được thành lập cơ sở hoàn toàn tự nguyện, tự chủ, tự quản của người dân, là một thiết chế đa chức năng mới ở nông thôn với phương châm "Chăm chỉ - Tự lực - Hợp tác". Với sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, nhất là việc kết nối với các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp để hỗ trợ, tạo điều kiện trong quá trình hình thành và hoạt động của Hội quán. Đến nay, toàn tỉnh đã có 96 Hội quán, thành viên 5.252 thành viên. Hầu hết các Hội quán ra đời đều gắn với ít nhất một mặt hàng nông sản đặc trưng của địa phương, nên hoạt động của Hội quán bước đầu hướng các thành viên trở thành những hạt nhân tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
- Từ đầu năm đến nay thành lập mới 03 HTXNN từ mô hình hội quán (HTX DVNN Phương Trà từ Phương Tân Hội quán; HTX DVNN An Bình, từ Thuận An Hội quán; HTX DVNN Định Hòa từ Thanh Tâm Hội quán), Các HTX được thành lập từ mô hình Hội quán hoạt động tương đối tốt, Hội quán phối hợp với Hội đồng quản trị tổ chức các buổi sinh hoạt, họp hàng tháng góp phần thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, thị trường, hàng hóa, lấy chất lượng là tiên phong, qua đây người dân hiểu được họ đang cần gì và sẽ làm những gì, không còn tư tưởng trông chờ cấp ủy, chính quyền nghĩ thay và ấn định. Từng thành viên biết tận dụng, chia sẻ cùng phát triển, tạo ra một thương hiệu, thích ứng với thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao; thông qua sinh hoạt Hội quán giữa các thành viên đã có niềm tin và tất cả vì lợi ích chung.
- Qua đó tạo thuận lợi cho công tác phối hợp để tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, rút ngắn khoảng cách người dân và nhà nước. Các Hội quán, HTX đã phối hợp với các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương lồng ghép tuyên truyền, thông tin các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp.
1 Trong đó có 920 THT hoạt động liên quan đến lĩnh vực trồng trọt chiếm 94,75%; 25 THT hoạt động liên quan đến lĩnh vực thủy sản chiếm 2,57%; 17 THT hoạt động liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi chiếm 1,75%; 09 THT tổng hợp chiếm 0,93%.
2 Năm 2016 toàn tỉnh có1.092 THT, trong đó 968 THT hoạt động lĩnh vực nông nghiệp chiếm 88,64%; 55 THT hoạt động lĩnh vực TTCN chiếm 5,03%; 02 THT hoạt động lĩnh vực XD chiếm 0,18%; 16 THT hoạt động lĩnh vực thương mại chiếm 1,46%; 23 THT hoạt động lĩnh vực vận tải chiếm 2,1%; 10 THT hoạt động lĩnh vực khácchiếm 0,91%;
3 Trong đó có 180 HTXNN;01 HTX xây dựng; 11 HTX vận tải, 17 QTDND, 03 HTX TTCN, 02 HTX thương mại-dịch vụ.
4 HTX Xoài Mỹ Xương - Huyện Cao Lãnh, có mô hình “Cây xoài nhà tôi” và đang triển khai công nghệ blockchain để truy xuất nguồn gốc, tiếp cận thông tin thị trường, đã góp phần đưa nhãn hiệu “Xoài Cao Lãnh” vươn xa trên thị trường trong nước và thế giới; HTX DVNN Mỹ Đông II - Huyện Tháp Mười, xây dựng mô hình canh tác lúa thông minh, điều khiển tưới nước bằng smartphone, sử dụng phân bón thông minh; HTX DVNN Thuận Tiến - Huyện Cao Lãnh; HTX DVNN Tiến Cường - Huyện Tam Nông, xây dựng mô hình “Ruộng nhà mình” sử dụng Camera theo dõi quá trình chăm sóc cây lúa để sản xuất gạo an toàn; THT Tịnh Mỹ - Tp Cao Lãnh có mô hình hệ thống tưới thông minh cho diện tích 01 ha xoài, góp phần giảm chi phí sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế v.v.
5 HTX VTTB TP.Cao Lãnh được Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp giấy phép liên vận Quốc tế Việt Nam - Campuchia.
6 Kế hoạch số 99/KH-UBND ngày 15/07/2014 về chuyển đổi các HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012; - Kế hoạch số 58/KH-UBND ngày 26/03/2015 của về củng cố và nâng cao chất lượng kinh tế tập thể giai đoạn 2015 – 2020; Kế hoạch số 129/KH-UBND ngày 20/7/2015 về phát triển kinh tế tập thể 5 năm 2016 – 2020; Kế hoạch số 76/KH-UBND ngày 28/4/2016 về phân vùng sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Kế hoạch số 231/KH-UBND ngày 24/10/2018 về phát triển chuỗi ngành hàng nông sản chủ lực gắn với truy xuất nguồn gốc giai đoạn 2018-2020; Kế hoạch số 165/KH-UBND ngày 11/11/2014 của UBND Tỉnh về hỗ trợ đầu tư máy, thiết bị theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 02/2015/NQ-HĐND ngày 03/7/2015 của HĐND Tỉnh và Quyết định số 37/2015/QĐ-UBND ngày 28/7/2015 về việc quy định một số chính sách ưu đãi và mức chi hỗ trợ phục vụ cho phát triển nông nghiệp; Kế hoạch số 208/KH-UBND ngày 11/08/2017 của UBND Tỉnh về triển khai thực hiện Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 21/3/2016 của Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020”; Kế hoạch số 226/KH-UBND ngày 17/10/2018 của UBND Tỉnh về thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2018 – 2020; Kế hoạch 234/KH-UBND ngày 19/10/2019 của UBND Tỉnh về việc triển khai thực hiện Quyết định 461/QĐ-TTg ngày 27/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển 15.000 HTX, LHHTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020; Báo cáo số 137/BC-UBND ngày 12/6/2020 của UBND Tỉnh về định hướng chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030; Hàng năm, theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tỉnh đều ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể hàng năm.
7 về Quy định chính sách hỗ trợ lao động trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng làm việc có thời hạn ở HTXNN trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2018-2020
8 trong đó: Ngân sách Trung ương hỗ trợ 4.200 triệu đồng, HTX đối ứng 2.355 triệu đồng
9 trong đó, doanh số cho vay một số loại máy móc thiết bị có tỷ lệ hoàn thành vượt so với kế hoạch nhu cầu vốn vay giai đoạn 2016 – 2020 theo Kế hoạch 165/KH-UBND ngày 11/11/2014 của UBND Tỉnh; cụ thể doanh số cho vay mua máy GĐLH có tỷ lệ hoàn thành là 408,11%, máy kéo là 738,85% và máy cày là 198,53%.
10 Hiện Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg đã hết hiệu lực và được thay thế bởi Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
11 Các chính sách vay vốn tín dụng, đầu tư hạ tầng, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất (chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, Quyết định số 2261/QĐ-TTg, Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg) trong thời gian qua được triển khai nhưng HTX khó tiếp cận các nguồn vốn do vướng mắc về cơ chế và phương thức (HTX phải có phương án SXKD, hồ sơ thiết kế kỹ thuật công trình,v.v). Hiện nay kinh phí hỗ trợ HTX chủ yếu là lồng ghép vào các chương trình, không có nguồn kinh phí riêng, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của HTX.
12 Hiện nay có 02 văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Thông tư 01/2020/TT-BKHĐT) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Thông tư số 09/2017/TT-BNNPTNT) hướng dẫn phân loại, đánh giá HTX.
13 như: Cung ứng giống, vật tư, phân bón, bảo vệ thực vật, thủy lợi,...
14 như: Bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên cũng như nông dân trong vùng diện tích cung cấp dịch vụ
15 Báo cáo 137/BC-UBND ngày 12/6/2020 của UBND tỉnh Đồng Tháp về Định hướng chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030.
- 1Kế hoạch 63/KH-UBND năm 2020 về phát triển kinh tế tập thể tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2025
- 2Kế hoạch 64/KH-UBND năm 2020 về phát triển kinh tế tập thể tỉnh Bình Định năm 2021
- 3Kế hoạch 2937/KH-UBND năm 2020 về phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Ninh Thuận ban hành
- 4Kế hoạch 94/KH-UBND năm 2020 về phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn thành phố Cần Thơ năm 2021
- 5Kế hoạch 32/KH-UBND năm 2021 về phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025
- 1Bộ Luật lao động 2012
- 2Luật hợp tác xã 2012
- 3Quyết định 62/2013/QĐ-TTg chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 68/2013/QĐ-TTg chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 2261/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa
- 7Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn
- 8Kế hoạch 129/KH-UBND năm 2015 về phát triển kinh tế tập thể 5 năm 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
- 9Nghị quyết 02/2015/NQ-HĐND quy định chính sách ưu đãi và mức chi hỗ trợ phục vụ cho phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
- 10Quyết định 37/2015/QĐ-UBND quy định chính sách ưu đãi và mức chi hỗ trợ phục vụ cho phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
- 11Quyết định 445/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Đề án Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 12Thông tư 09/2017/TT-BNNPTNT hướng dẫn phân loại và đánh giá hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 13Quyết định 461/QĐ-TTg năm 2018 phê duyệt Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 14Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
- 15Nghị quyết 176/2018/NQ-HĐND quy định về chính sách hỗ trợ lao động trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng làm việc có thời hạn ở Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2018-2020
- 16Kế hoạch 231/KH-UBND năm 2018 về phát triển chuỗi ngành hàng nông sản chủ lực gắn với truy xuất nguồn gốc giai đoạn 2018-2020 do tỉnh Đồng Tháp ban hành
- 17Kế hoạch 226/KH-UBND thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Đồng Tháp giai đoạn từ quý IV năm 2018 đến năm 2020
- 18Nghị quyết 199/2018/NQ-HĐND về phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
- 19Thông tư 01/2020/TT-BKHĐT hướng dẫn phân loại và đánh giá hợp tác xã do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 20Kết luận 70-KL/TW năm 2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 21Công văn 4476/BKHĐT-HTX năm 2020 về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch năm 2021 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 22Kế hoạch 63/KH-UBND năm 2020 về phát triển kinh tế tập thể tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2025
- 23Kế hoạch 64/KH-UBND năm 2020 về phát triển kinh tế tập thể tỉnh Bình Định năm 2021
- 24Kế hoạch 2937/KH-UBND năm 2020 về phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Ninh Thuận ban hành
- 25Kế hoạch 242/KH-UBND năm 2019 về thực hiện Nghị quyết 199/2018/NQ-HĐND phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
- 26Kế hoạch 94/KH-UBND năm 2020 về phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn thành phố Cần Thơ năm 2021
- 27Kế hoạch 32/KH-UBND năm 2021 về phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025
Kế hoạch 208/KH-UBND năm 2020 về phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Đồng Tháp ban hành
- Số hiệu: 208/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 08/09/2020
- Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
- Người ký: Nguyễn Thanh Hùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra