Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2063/KH-UBND | Quảng Nam, ngày 25 tháng 3 năm 2024 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI CÔNG TÁC BẢO ĐẢM AN NINH, AN TOÀN THỰC PHẨM NĂM 2024 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về việc tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới;
Căn cứ Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới;
Căn cứ Kế hoạch số 236-KH/TU ngày 11/01/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới;
Căn cứ Kế hoạch số 1825/KH-UBND ngày 29/3/2023 của UBND tỉnh về triển khai Kế hoạch số 236-KH/TU ngày 11/01/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng;
Căn cứ tình hình thực tế công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh;
UBND tỉnh Quảng Nam xây dựng Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2024 trên địa bàn tỉnh với các nội dung, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Nhằm bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2021-2025; tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm; tạo bước chuyển biến tích cực trong việc kiểm soát bảo đảm an ninh, ATTP trong toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hội nhập trong nước và quốc tế.
2. Yêu cầu
- Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với công tác quản lý về an ninh, ATTP, công tác này phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả; xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
- Triển khai toàn diện, xây dựng từng nhiệm vụ cụ thể sát với tình hình thực tế của từng địa phương, cơ quan, đơn vị nhằm nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo; tổ chức thực hiện đồng bộ các hoạt động quản lý nhà nước về an ninh, an toàn thực phẩm trên phạm vi toàn tỉnh.
- Kế hoạch phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an ninh, an toàn thực phẩm; chấp hành tốt các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về an ninh, an toàn thực phẩm.
- UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Kế hoạch của UBND tỉnh và thực tế tình hình an toàn thực phẩm của địa phương để xây dựng kế hoạch, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn theo phân công, phân cấp và đúng quy định hiện hành.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Kiểm soát đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm được thiết lập, phát huy hiệu quả, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng.
2. Mục tiêu cụ thể
- Số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể trên 30 người mắc nhỏ hơn 02 vụ/ 01 năm; tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính trong vụ ngộ độc được ghi nhận dưới 6 người/100.000 dân;
- 90% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng, người quản lý được cập nhật kiến thức về an toàn thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm;
- 90% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm;
- Tỷ lệ mẫu vượt mức cho phép/tổng số mẫu được kiểm tra an toàn thực phẩm trong các chương trình giám sát về an toàn thực phẩm nông sản <6%;
- Tỷ lệ mẫu vượt mức cho phép/tổng số mẫu được kiểm tra an toàn thực phẩm trong các chương trình giám sát về an toàn thực phẩm thủy sản <4%;
III. NỘI DUNG KẾ HOẠCH
1. Công tác chỉ đạo
- Các Sở: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Sở, ngành và UBND các cấp thực hiện đầy đủ các chức năng quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật An toàn thực phẩm. Đặc biệt là triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới.
- Căn cứ Kế hoạch số 1825/KH-UBND ngày 29/3/2023 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 236-KH/TU ngày 11/01/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam về triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh và các kế hoạch chuyên ngành có liên quan, các Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động và triển khai tổ chức có hiệu quả các hoạt động bảo đảm ATTP theo lĩnh vực được phân công quản lý trong năm 2024.
- Các Sở: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực an ninh, an toàn thực phẩm để chỉ đạo các địa phương.
- Tiếp tục kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm (BCĐLNVATTP) các cấp, xây dựng quy chế hoạt động, phân công rõ trách nhiệm các thành viên và phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên nhằm phát huy tối đa hiệu lực, hiệu quả quản lý, đặc biệt là trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp trong công tác bảo đảm an ninh, ATTP. Nâng cao trách nhiệm, chất lượng hoạt động của Tổ giúp việc BCĐLNVATTP các cấp. Tăng cường các hoạt động đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm theo quy chế phối hợp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đã được ký kết giữa các ngành.
2. Công tác thông tin, truyền thông về an ninh, an toàn thực phẩm
- Các Sở: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm; phối hợp với Báo Quảng Nam, Đài Phát Thanh - Truyền hình Quảng Nam và các cơ quan thông tấn báo chí đưa tin, tuyên truyền về công tác bảo đảm an ninh, ATTP.
- Thông tin đến người dân kết quả thanh tra, kiểm tra về an ninh, ATTP, trong đó công khai tên các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vi phạm ATTP, đồng thời biểu dương các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thực hiện tốt các quy định về ATTP.
- Tổ chức phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về an ninh, ATTP cho công chức, viên chức làm công tác ATTP, Hội, đoàn thể các cấp và tập huấn phổ biến kiến thức về an ninh, ATTP cho các cơ sở thực phẩm theo lĩnh vực quản lý.
- Kịp thời khen thưởng, biểu dương các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn.
- Thông tin rộng rãi số điện thoại đường dây nóng và đầu mối tiếp nhận, xử lý tố giác, phản ánh của tổ chức/cá nhân về các hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm; nâng cao hiệu quả, trách nhiệm tiếp nhận, xử lý thông tin của các cơ quan từ cấp tỉnh đến cấp xã.
- Tiếp tục phối hợp thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 907/KH-UBND ngày 18/02/2022 của UBND tỉnh về phối hợp tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
3. Công tác thanh tra, kiểm tra về an ninh, an toàn thực phẩm
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về an ninh, ATTP tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất, chế biến và kinh doanh.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với cơ sở dịch vụ ăn uống, chú trọng loại hình phục vụ cho nhiều người như bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến suất ăn sẵn, cơ sở nấu ăn lưu động…
- Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra; kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh hóa chất và các vật tư nông nghiệp; đảm bảo sử dụng đúng chủng loại, liều lượng, thời gian cách ly của các loại vật tư nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, bảo quản và chế biến nông sản thực phẩm.
- Duy trì thực hiện việc giám sát, kiểm tra tồn dư hóa chất độc hại trong nông sản, thủy sản. Kiểm soát chặt chẽ các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; kiểm tra việc thực hiện các quy định đảm bảo điều kiện an ninh, ATTP trong toàn bộ chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn.
- Ngăn chặn có hiệu quả việc kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, quá hạn sử dụng, vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa, không rõ nguồn gốc và gian lận thương mại. Quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử đối với thực phẩm, chú trọng nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng.
- Tăng cường công tác quản lý an ninh, ATTP trong các lễ hội, sự kiện quan trọng của tỉnh; quản lý các chợ, siêu thị và các hệ thống dự trữ, phân phối hàng hóa thực phẩm, các làng nghề sản xuất thực phẩm, bảo đảm vừa duy trì và phát triển nghề truyền thống, vừa bảo đảm ATTP cho người tiêu dùng.
- Nội dung thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm cụ thể thực hiện theo kế hoạch, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP về việc triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2024.
- Có chính sách thoả đáng, kịp thời khen thưởng và biện pháp phù hợp để bảo vệ người tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm. Đồng thời, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm để hạ uy tín, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh lành mạnh của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.
4. Thiết lập hệ thống giám sát ô nhiễm thực phẩm; phòng, chống ngộ độc thực phẩm
- Ngành Y tế củng cố hệ thống giám sát ngộ độc thực phẩm tại các tuyến; tăng cường hoạt động giám sát ô nhiễm thực phẩm tại các nhà hàng, cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, trường học, nhất là các bếp ăn tập thể tại các trường mầm non, tiểu học…; tăng cường công tác lấy mẫu thực phẩm để giám sát nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm. Tăng cường giám sát các cơ sở thức ăn đường phố, đặc biệt chú trọng các cơ sở dịch vụ nấu ăn lưu động.
- Ngành Công Thương chủ động phối hợp với các ngành liên quan thực hiện giám sát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm đối với các loại rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột, tinh bột, bánh, mứt, kẹo; quản lý an toàn thực phẩm đối với các chợ, siêu thị trên địa bàn tỉnh.
- Ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai kế hoạch giám sát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm trên sản phẩm nông lâm thủy sản, đặc biệt tập trung các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: rau, củ, quả, thịt, thủy sản, các sản phẩm từ thịt và thủy sản tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản và các chợ đầu mối, sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra tình hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc thú y, hóa chất dùng trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
- Các Ngành: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương tăng cường thực hiện giám sát định kỳ, giám sát đột xuất theo chuyên đề đảm bảo thực hiện được các mẫu giám sát; triển khai những biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm; tổ chức cảnh báo, thông báo nguy cơ và quản lý nguy cơ về ATTP đối với các mẫu không đảm bảo ATTP theo quy định.
- Quản lý chặt chẽ việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo phân công, phân cấp quản lý tại các tuyến.
- Tăng cường công tác quản lý đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo phân cấp tại các tuyến.
5. Nâng cao năng lực kiểm nghiệm an toàn thực phẩm, năng lực điều tra, xác định nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm
- Tăng cường năng lực kiểm nghiệm của các đơn vị kiểm nghiệm phục vụ công tác quản lý nhà nước về an ninh, ATTP trên địa bàn tỉnh.
- Hướng dẫn sử dụng các loại test nhanh về ATTP cho các Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP các huyện, thị xã, thành phố và Trạm Y tế các xã, phường, thị trấn trọng điểm nhằm phục vụ có hiệu quả cho công tác kiểm tra ATTP, giám sát phòng chống ngộ độc và các bệnh truyền qua thực phẩm.
- Cử cán bộ tham gia đào tạo về điều tra dịch tễ đối với bệnh truyền qua thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, sự cố về thực phẩm; phát hiện nguy cơ, đánh giá nguy cơ, thông báo nguy cơ và quản lý nguy cơ trên địa bàn trên cơ sở số liệu khoa học.
6. Thực hiện việc xây dựng và kiểm soát chuỗi thực phẩm an toàn; hỗ trợ xây dựng và áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến
- Tiếp tục duy trì, nhân rộng và hình thành các chuỗi cung cấp sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trong năm 2024.
- Đẩy mạnh hỗ trợ cơ sở xây dựng, áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (Viet GAP, HACCP,&) và phát triển các mô hình sản xuất hữu cơ.
- Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thân thiện với môi trường trong sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm. Khuyến khích, hỗ trợ hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm ứng dụng công nghệ cao và kết nối chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn.
- Xây dựng mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm giúp người dân an tâm lựa chọn sản phẩm thực phẩm an toàn.
7. Tăng cường công tác quản lý hoạt động đối với loại hình kinh doanh thức ăn đường phố, dịch vụ nấu ăn lưu động
- Tăng cường kiểm soát ATTP đối với loại hình kinh doanh dịch vụ thức ăn đường phố, dịch vụ nấu ăn lưu động, làm rõ trách nhiệm của UBND các xã, phường, thị trấn gắn kết xây dựng văn minh đô thị - văn minh thương mại và bảo đảm ATTP đối với loại hình dịch vụ thức ăn đường phố...
- UBND huyện, thị xã, thành phố tăng cường quản lý đối với dịch vụ nấu ăn lưu động trên địa bàn.
8. Tăng cường quản lý việc kinh doanh và sử dụng chất phụ gia thực phẩm trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm.
- Tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra thường xuyên và xử lý nghiêm các vi phạm về việc kinh doanh hóa chất, chất phụ gia thực phẩm không đúng với quy định.
- Hướng dẫn các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chỉ được mua chất hỗ trợ chế biến, phụ gia thực phẩm bán trong các cơ sở được phép kinh doanh chất hỗ trợ chế biến, phụ gia thực phẩm, thực hiện đầy đủ quy định về mua, sử dụng (có sổ theo dõi) chất phụ gia thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế.
9. Tăng cường hoạt động giám sát lưu thông hàng thực phẩm
- Chỉ đạo thực hiện cam kết kinh doanh thực phẩm bảo đảm ATTP và văn minh thương mại theo quy định trong các chợ, siêu thị, phố đêm, dịch vụ thức ăn đường phố.
- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với thực phẩm lưu thông trên thị trường nhằm phát hiện hành vi vi phạm nội dung ghi nhãn hàng hoá, về hàng giả, hàng nhái, hàng không bảo đảm chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, hàng không có nguồn gốc, xuất xứ.
- Tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý về vi phạm bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá, kiểu dáng công nghiệp, mã số - mã vạch, hàng Việt Nam chất lượng cao...
- Tăng cường kiểm tra ATTP tại các chợ tự phát, ngăn chặn việc hình thành các chợ tự phát và khi cần thiết phải xử lý để bảo đảm văn minh đô thị và sức khỏe cho người tiêu dùng.
- Thực hiện chương trình giám sát thông qua việc lấy mẫu sản phẩm nông sản, thủy sản để phân tích các chỉ tiêu ATTP, chương trình kiểm soát dư lượng các chất độc hại trên thủy sản nuôi. Tăng cường số mẫu giám sát về ATTP trong tất cả các lĩnh vực: nông sản và thủy sản.
10. Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, công tác cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giảm tối đa thời gian, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Tập trung tuyên truyền cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm về việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến và lợi ích của việc triển khai áp dụng việc giải quyết thủ tục hành chính trên hệ thống dịch vụ công.
- Đẩy mạnh công tác cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm các cơ sở thực phẩm theo phân cấp quản lý đúng quy định của pháp luật.
11. Xử lý các sự cố mất an ninh, an toàn thực phẩm, các vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm (nếu có) xảy ra trên địa bàn tỉnh
Các Ngành: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương và các địa phương chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, lực lượng, vật tư kỹ thuật xử lý các sự cố mất an ninh, an toàn thực phẩm (nếu có) trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị có liên quan phối hợp với ngành Y tế điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn theo quy chế điều tra ngộ độc thực phẩm.
IV. KINH PHÍ
Nguồn kinh phí thực hiện: Kinh phí từ các nguồn ngân sách nhà nước. Kinh phí của các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố; xã, phường, thị trấn. Kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Kế hoạch này và tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương để xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm năm 2024 theo chức năng, nhiệm vụ được giao đạt hiệu quả.
2. Các cơ quan, đơn vị, địa phương được giao chủ trì triển khai các nhiệm vụ bảo đảm an ninh an toàn thực phẩm có trách nhiệm xây dựng kế hoạch cụ thể trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện. Định kỳ báo cáo về cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo theo quy định.
3. Giao Sở Y tế - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch này và định kỳ báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh.
VI. BÁO CÁO ĐỊNH KỲ, ĐỘT XUẤT VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG SƠ KẾT, TỔNG KẾT
Các đơn vị là thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố định kỳ tổng hợp kết quả thực hiện và báo cáo (bằng văn bản) về Sở Y tế - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo (qua Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Nam) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Y tế (Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về ATTP) vào các thời gian sau:
1. Báo cáo
- Báo cáo định kỳ:
+ Báo cáo 6 tháng đầu năm 2024: Trước ngày 15/6/2024.
+ Báo cáo năm 2024: Trước ngày 25/11/2024.
- Báo cáo đột xuất: Khi xảy ra các việc đột xuất liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
2. Các hoạt động sơ kết, tổng kết
- Sơ kết 6 tháng đầu năm 2024: Tháng 7/2024.
- Tổng kết năm 2024: Tháng 12/2024.
Trên đây là Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm năm 2024 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Đề nghị các Sở, Ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp triển khai thực hiện đạt kết quả./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Kế hoạch 177/KH-UBND năm 2023 về thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW "Về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới" do thành phố Hà Nội ban hành
- 2Kế hoạch 158/KH-UBND năm 2023 thực hiện Kế hoạch 227-KH/TU về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành
- 3Kế hoạch 3449/KH-UBND năm 2023 thực hiện tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Kon Tum
- 4Kế hoạch 2086/KH-UBND đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
- 5Quyết định 350/QĐ-UBND Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
- 6Kế hoạch 38/KH-UBND triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và hậu kiểm về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc năm 2024
- 7Kế hoạch 291/KH-UBND hoạt động bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm năm 2024 trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 8Kế hoạch 113/KH-UBND năm 2024 thực hiện Đề án “Bảo đảm an toàn thực phẩm tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"
- 1Luật an toàn thực phẩm 2010
- 2Chỉ thị 17/CT-TTg năm 2020 về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Kế hoạch 907/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
- 4Chỉ thị 17-CT/TW năm 2022 về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 5Kế hoạch 1825/KH-UBND năm 2023 thực hiện Kế hoạch 236-KH/TU triển khai Chỉ thị 17-CT/TW về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
- 6Kế hoạch 177/KH-UBND năm 2023 về thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW "Về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới" do thành phố Hà Nội ban hành
- 7Kế hoạch 158/KH-UBND năm 2023 thực hiện Kế hoạch 227-KH/TU về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành
- 8Kế hoạch 3449/KH-UBND năm 2023 thực hiện tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Kon Tum
- 9Kế hoạch 2086/KH-UBND đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
- 10Quyết định 350/QĐ-UBND Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
- 11Kế hoạch 38/KH-UBND triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và hậu kiểm về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc năm 2024
- 12Kế hoạch 291/KH-UBND hoạt động bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm năm 2024 trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 13Kế hoạch 113/KH-UBND năm 2024 thực hiện Đề án “Bảo đảm an toàn thực phẩm tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"
Kế hoạch 2063/KH-UBND triển khai công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm năm 2024 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
- Số hiệu: 2063/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 25/03/2024
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
- Người ký: Trần Anh Tuấn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 25/03/2024
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra