Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 205/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 26 tháng 12 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN LỘ TRÌNH NÂNG TRÌNH ĐỘ CHUẨN ĐƯỢC ĐÀO TẠO CỦA GIÁO VIÊN MẦM NON, TIỂU HỌC, TRUNG HỌC CƠ SỞ NĂM 2021

I. CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

1. Hệ thống văn bản

- Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;

- Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở;

- Quyết định số 18/2017/QĐ-TTg ngày 31/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng với trình độ đại học;

- Thông tư số 07/2017/TT-BGDĐT ngày 15/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành quy định về liên kết đạo tạo trình độ đại học;

- Kế hoạch số 681/KH-BGDĐT ngày 28/8/2020 của Bộ GDĐT về việc ban hành Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở giai đoạn 2020 - 2025;

- Quyết định số 561/QĐ-UBND ngày 06/4/2020 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục mầm non, phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông và thực hiện Luật Giáo dục giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn (sau đây gọi tắt là Đề án 561).

2. Tình hình mạng lưới trường lớp, học sinh, trình độ đào tạo của đội ngũ

2.1. Quy mô trường lớp, học sinh

- Toàn tỉnh hiện có 676 đơn vị trường học (trong đó có 232 trường mầm non; 182 trường tiểu học; 71 trường tiểu học và trung học cơ sở; 149 trường trung học cơ sở; 26 trường trung học phổ thông; 03 trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở - trung học phổ thông; 01 trường trung học cơ sở - trung học phổ thông; 02 trung tâm giáo dục thường xuyên; 09 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và trường Cao đẳng Sư phạm).

- Số lượng học sinh, sinh viên là 202.696 (trong đó cấp mầm non 54.561; tiểu học 73.691; trung học cơ sở 46.374, trung học phổ thông 23.431, giáo dục thường xuyên 3.673 và trường Cao đẳng Sư phạm 966).

- Đội ngũ: toàn ngành có 20.585 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Trong đó: cán bộ quản lý 1.781; giáo viên: 14.665; nhân viên: 4.139.

2.2. Trình độ đào tạo của đội ngũ

- Số cán bộ quản lý, giáo viên trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, giáo viên dạy văn hóa trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn đào tạo 100%.

- Số cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở đạt chuẩn đào tạo hoặc đang tham gia đào tạo để đạt chuẩn là 10.808/13.193 (81,92%).

- Số cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở chưa đạt chuẩn đào tạo và chưa tham gia đào tạo để đạt chuẩn là 2.385/13.193 (18,08%), trong đó cấp mầm non là 300/4.549 (6,59%), tiểu học là 1.325/5.091 (26,03%), trung học cơ sở là 760/3.553 (21,39%). Trong đó:

Số cán bộ quản lý, giáo viên thuộc đối tượng phải thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo là 2.022/13.193 (15,33%), trong đó cấp mầm non là 281/4.549 (6.18%), tiểu học là 1.168/5.091 (22,94%), trung học cơ sở là 573/3.553 (16,13%).

Số cán bộ quản lý, giáo viên không thuộc đối tượng phải thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo (không còn đủ năm công tác, thuộc đối tượng thực hiện theo quy định tại Thông tư số 24/2020/TT-BGDĐT ngày 25/8/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo) hoặc không đăng ký tham gia đào tạo vì lý do cá nhân (sức khỏe, xin nghỉ chế độ…) là 363 người, trong đó cấp mầm non là 19/4.549 (0,42%), tiểu học là 157/5.091 (3,08%), trung học cơ sở là 187/3.553 (5,26%).

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu chung

Triển khai thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ; đạt các chỉ tiêu đào tạo nâng chuẩn cho cán bộ quản lý, giáo viên theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP, Kế hoạch số 681/KH-BGDĐT và Đề án 561, bảo đảm chất lượng đào tạo để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

1.2. Mục tiêu cụ thể

Năm 2021, cử 571 cán bộ quản lý, giáo viên tham gia đào tạo nâng chuẩn (chiếm 26,8% tổng số cán bộ quản lý, giáo viên phải thực hiện nâng trình độ chuẩn), trong đó:

- Cấp mầm non: liên thông trình độ trung cấp lên trình độ cao đẳng cho 86 người.

- Cấp tiểu học: đào tạo trình độ đại học 253 người (Đại học Tiếng Anh 42 người, Đại học Mỹ thuật 29 người, Đại học Âm nhạc 40 người, Đại học Giáo dục Tiểu học 110 người, Đại học Tin học 16 người, Đại học Thể dục 16 người); trong đó có 31 người liên thông trình độ trung cấp lên trình độ đại học, 222 người liên thông trình độ cao đẳng lên trình độ đại học.

- Cấp trung học cơ sở: đào tạo trình độ đại học 232 người (Đại học Âm nhạc 32 người, Đại học Mỹ thuật 20 người, Đại học Hóa học 23 người, Đại học Ngữ văn 40 người, Đại học Toán học 37 người, Đại học Sinh học 36 người, Đại học Tiếng Anh 32 người, Đại học Tin học 05 người, Thể dục 07 người); trong đó có 04 người liên thông trình độ trung cấp lên trình độ đại học, 228 người liên thông trình độ cao đẳng lên trình độ đại học.

- Theo đó tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn hoặc đang tham gia đào tạo để đạt chuẩn tính đến hết năm 2021 sẽ là:

95,3% số cán bộ quản lý, giáo viên mầm non đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo trình độ cao đẳng trở lên.

78,94% số cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo trình độ đại học.

85,14% số cán bộ quản lý, giáo viên trung học cơ sở đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo trình độ đại học1.

(Danh sách học viên dự kiến đi đào tạo: Phụ lục 1a, 1b, 1c)

- Số lượng, tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn hoặc đang tham gia đào tạo để đạt chuẩn tính đến hết năm 2021 và năm 2025: Phụ lục 2.

2. Đối tượng cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện đào tạo nâng trình độ chuẩn2

- Cán bộ quản lý, giáo viên mầm non chưa có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên, tính từ ngày 01/7/2021 còn đủ 07 năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.

- Cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên tiểu học hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 01/7/2021 còn đủ 08 năm công tác (96 tháng) đối với giáo viên có trình độ trung cấp, còn đủ 07 năm công tác (84 tháng) đối với giáo viên có trình độ cao đẳng đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.

- Cán bộ quản lý, giáo viên trung học cơ sở chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 01/7/2021 còn đủ 07 năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.

3. Nguyên tắc, cách thức chọn cử cán bộ quản lý, giáo viên tham gia đào tạo để nâng trình độ chuẩn; quyền và trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên tham gia đào tạo

3.1. Nguyên tắc, cách thức chọn cử cán bộ quản lý, giáo viên tham gia đào tạo để nâng trình độ chuẩn

- Việc chọn cử cán bộ quản lý, giáo viên đi đào tạo cần bảo đảm phù hợp với thực trạng đội ngũ giáo viên và điều kiện của các cơ sở giáo dục; không để xảy ra tình trạng thiếu cán bộ quản lý hoặc giáo viên giảng dạy; bảo đảm khách quan, công khai, công bằng và hiệu quả.

- Việc xác định đối tượng cán bộ quản lý, giáo viên tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn được đào tạo phải bảo đảm đúng độ tuổi, trình độ đào tạo của cán bộ quản lý, giáo viên. Ưu tiên bố trí cán bộ quản lý, giáo viên còn đủ tối thiểu năm công tác tính đến tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 71/2020/NĐ-CP tham gia đào tạo trước. Trường hợp cán bộ quản lý, giáo viên không đủ năm công tác, không thuộc đối tượng thực hiện nâng chuẩn được đào tạo thì thực hiện theo quy định tại Thông tư số 24/2020/TT-BGDĐT.

3.2. Quyền và trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn3

- Được cơ quan quản lý sử dụng tạo điều kiện về thời gian; được hỗ trợ tiền đóng học phí (áp dụng theo quy định hiện hành của pháp luật đối với sinh viên sư phạm).

- Được tính thời gian đào tạo vào thời gian công tác liên tục.

- Cán bộ quản lý, giáo viên được cử đi đào tạo thực hiện các quy định về đào tạo quy chế và quy định về thời gian đào tạo; chịu sự quản lý của cơ sở đào tạo trong thời gian tham gia các hoạt động đào tạo.

- Có cam kết thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 02 lần thời gian đào tạo.

- Trong suốt thời gian khóa học, cán bộ quản lý, giáo viên vẫn phải thực hiện các nhiệm vụ công tác theo quy định khi không phải tham gia các hoạt động đào tạo.

- Trường hợp cán bộ quản lý, giáo viên không hoàn thành chương trình đào tạo theo thời gian quy định dẫn đến phải kéo dài thời gian đào tạo thì phải tự túc các khoản chi phí đào tạo phát sinh trong thời gian đào tạo kéo dài.

4. Phương thức, hình thức, thời gian đào tạo

4.1. Phương thức đào tạo

- Đối với đào tạo trình độ cao đẳng mầm non: giao nhiệm vụ cho Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn thực hiện.

- Đối với đào tạo trình độ đại học cấp tiểu học, trung học cơ sở: thực hiện đặt hàng với các trường đại học có uy tín, đảm bảo chất lượng đào tạo hoặc thực hiện đấu thầu theo quy định. Cơ sở giáo dục chủ trì đào tạo: các trường đại học sư phạm, trường đại học giáo dục, trường đại học đào tạo chuyên ngành sư phạm. Địa điểm đặt lớp: Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn, các Trung tâm Giáo dục thường xuyên cấp tỉnh.

4.2. Hình thức, thời gian đào tạo

- Hình thức đào tạo: vừa làm vừa học.

- Thời gian đào tạo: thực hiện từ năm 2021.

III. KINH PHI THƯC HIỆN

Nguồn kinh phí triển khai Kế hoạch gồm:

- Kinh phí thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của cán bộ quản lý, giáo viên do ngân sách bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

- Các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục bảo đảm kinh phí để chi trả các chế độ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 10 Nghị định số 71/2020/NĐ-CP cho cán bộ quản lý, giáo viên được cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn.

- Việc thanh toán kinh phí đào tạo nâng trình độ chuẩn của cán bộ quản lý, giáo viên cho các cơ sở đào tạo được giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu theo quy định của pháp luật.

IV. TỔ CHỨC THƯC HIỆN

1. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và Nhân dân về Luật Giáo dục năm 2019 và các quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP và Kế hoạch này.

- Chủ trì tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch; phối hợp với Sở Tài chính tham mưu kinh phí triển khai thực hiện Kế hoạch. Căn cứ chỉ tiêu, số lượng cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đăng ký tham gia đào tạo; căn cứ chính sách trong tuyển sinh, đào tạo cũng như việc đảm bảo chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục, tham mưu UBND tỉnh việc giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu để thực hiện đào tạo nâng trình độ chuẩn cho cán bộ quản lý, giáo viên theo quy định hiện hành của pháp luật.

- Chỉ đạo Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn tổ chức đào tạo trình độ trung cấp lên cao đẳng cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non; chỉ đạo Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn, các Trung tâm Giáo dục thường xuyên cấp tỉnh phối hợp với các trường đại học tổ chức các lớp liên kết đào tạo trình độ đại học cho cán bộ quản lý, giáo viên theo quy định tại Quyết định số 18/2017/QĐ-TTg ngày 31 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng với trình độ đại học; Thông tư số 07/2017/TT-BGDĐT ngày 15/3/2017 của Bộ GDĐT ban hành quy định về liên kết đạo tạo trình độ đại học.

- Phối hợp với Sở Nội vụ và các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố bố trí, sắp xếp để cán bộ quản lý, giáo viên vừa làm vừa học; thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên được cử đi học; thực hiện việc thu hồi tiền đền bù chi phí đào tạo (nếu có) theo các quy định tại Điều 11 Nghị định số 71/2020/NĐ-CP.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan quản lý, kiểm tra việc triển khai thực hiện Kế hoạch; trước ngày 15/12/2021, tổng hợp, đánh giá kết quả, tình hình thực hiện Kế hoạch báo cáo UBND tỉnh và xây dựng kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo cho năm 2022.

2. Sở Nội vụ: phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các sở ngành liên quan quản lý, kiểm tra, giám sát, tổ chức đánh giá công tác đào tạo cán bộ quản lý, giáo viên bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

3. Sở Tài chính: căn cứ khả năng cân đối ngân sách, tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí để triển khai thực hiện Kế hoạch; đề xuất việc ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương khi chưa cân đối được ngân sách để thực hiện nhiệm vụ này theo quy định tại khoản 1, Điều 9 Nghị định số 71/2020/NĐ-CP; hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Kế hoạch theo quy định của pháp luật hiện hành.

4. UBND các huyện, thành phố

- Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện Kế hoạch; phối hợp với các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình tại địa phương tổ chức tuyên truyền việc thực hiện Luật Giáo dục năm 2019, Nghị định số 71/2020/NĐ-CP và Kế hoạch này.

- Căn cứ vào đối tượng, nguyên tắc thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của cán bộ quản lý, giáo viên; trên cơ sở dữ liệu đội ngũ và thực tiễn ở từng cơ sở giáo dục,UBND các huyện, thành phố rà soát đối tượng cán bộ quản lý, giáo viên phải thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo ở từng cơ sở giáo dục, đặt ra chỉ tiêu, mục tiêu phấn đấu cho từng năm phù hợp để hướng tới đạt được mục tiêu giai đoạn 2020-2025 theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP và Đề án 561. Công khai danh sách giáo viên tham gia đào tạo hàng năm.

- Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị liên quan đảm bảo thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách về lương, phụ cấp và các chính sách hiện hành cho giáo viên kịp thời, đúng quy định.

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, đánh giá kết quả, tình hình thực hiện Kế hoạch hằng năm và giai đoạn để sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác đào tạo giáo viên đạt chuẩn.

Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch này, nếu có vướng mắc các cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các sở: GDĐT, TC, NV;
- UBND các huyện, TP;
- Trường CĐSP, TTGDTX 1, 2 tỉnh;
- C,PVP UBND tỉnh, các Phòng: KG-VX, TH-NC, KT, TT TH-CB;
- Lưu: VT, KG-VX (NTH).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Dương Xuân Huyên

 



1 Theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP và Kế hoạch 681, từ ngày 01/7/2020 đến hết ngày 31/12/2025: ít nhất 60% số GV mầm non đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm; ít nhất 50% số GV tiểu học đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân; ít nhất 60% số GV trung học cơ sở đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân.

2 Theo Điều 2 Nghị định số 71/2020/NĐ-CP.

3 Theo quy định tại Điều 10, Nghị định số 71/2020/NĐ-CP.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 205/KH-UBND năm 2020 thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở năm 2021 do tỉnh Lạng Sơn ban hành

  • Số hiệu: 205/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 26/12/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn
  • Người ký: Dương Xuân Huyên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/12/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản