Hệ thống pháp luật

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
BAN TUYÊN GIÁO
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 203-KH/BTGTW

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM 80 NĂM RA ĐỜI “ĐỀ CƯƠNG VỀ VĂN HÓA VIỆT NAM” (1943-2023)

“Đề cương về văn hóa Việt Nam” do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương, tháng 2/1943. Đề cương là văn kiện có tính cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa; đề cập toàn diện và sâu sắc những vấn đề có tính chất nền tảng về nguyên tắc, phương châm, phương hướng xây dựng nền văn hóa Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong suốt 80 năm qua, những nội dung, giá trị cốt lõi của Đề cương được Đảng ta không ngừng kế thừa, vận dụng và phát triển để từng bước hoàn thiện tư duy lý luận và nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ.

Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và ý kiến chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ngày 24/11/2021; căn cứ Hướng dẫn số 69-HD/BTGTW, ngày 20/9/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong 03 năm 2023-2025; sau khi trao đổi, xin ý kiến thống nhất với các cơ quan, đơn vị có liên quan; Ban Tuyên giáo Trung ương triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời “Đcương về văn hóa Việt Nam”, với những nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Tiếp tục nghiên cứu, khẳng định và tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, lâu bền của “Đ cương về văn hóa Việt Nam”; tổng kết, đánh giá quá trình kế thừa, vận dụng và phát triển những nội dung cốt lõi của văn kiện.

- Thông qua các hoạt động kỷ niệm, giúp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, nhất là những người làm công tác văn hóa, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ cả nước tiếp tục quán triệt sâu sắc, toàn diện và đồng bộ hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng về văn hóa, văn nghệ, đặc biệt là quan điểm của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam và Bài phát biểu chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ngày 24/11/2021.

- Tổ chức các hoạt động kỷ niệm bằng các hình thức phù hợp, bảo đảm trang trọng, thiết thực, hiệu quả, có sức lan tỏa sâu rộng, gắn kết với sự kiện Lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nhân dịp đầu xuân Quý Mão 2023; hoạt động văn hóa, văn nghệ mừng Xuân, mừng Đảng và các sự kiện lịch sử, văn hóa, chính trị quan trọng của đất nước, ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương; tạo không khí phấn khởi, góp phần củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân với Đảng và sự chuyển biến tích cực, rõ nét trong thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của ngành văn hóa, của địa phương, cơ quan, đơn vị.

II. CÁC HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM

1. Tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023)”

- Cơ quan chủ trì: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (theo Đề án của Bộ).

- Cơ quan phối hợp: Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Thời gian (dự kiến): tổ chức trong 01 buổi (ngày 28/02/2023).

- Nội dung: Tập trung làm rõ, sâu sắc hơn nữa các nhóm vấn đề: Bối cảnh ra đời, ý nghĩa lịch sử của Đề cương; Nội dung và giá trị toàn diện, to lớn, trường tồn của Đề cương; Quá trình vận dụng, tiếp thu, bổ sung và hoàn thiện những tư tưởng quan trọng của Đề cương trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử; Quan điểm, chủ trương của Đảng tại Đại hội XIII về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam theo định hướng của Đề cương.

2. Tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 80 năm “Đề cương về văn hóa Việt Nam” (1943-2023)

- Cơ quan chủ trì: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (theo Đề án của Bộ).

- Cơ quan phối hợp: Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Thời gian (dự kiến): ngày 28/02/2023.

- Nội dung: Tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, với những tác phẩm đặc sắc, tiêu biểu của nền văn học, nghệ thuật nước nhà qua 80 năm thực hiện “Đcương về văn hóa Việt Nam”.

3. Sản xuất và phát sóng phim tài liệu “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023)”

- Cơ quan thực hiện: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sản xuất (theo Đề án của Bộ); Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức phát sóng.

- Thời gian thực hiện: từ tháng 01/2023 đến tháng 02/2023.

- Nội dung: Tập trung làm rõ bối cảnh ra đời, ý nghĩa lịch sử và giá trị lý luận, thực tiễn của Đề cương về Văn hóa Việt Nam”; quá trình vận dụng, phát triển những tư tưởng cốt lõi của Đề cương trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước.

4. Tổ chức cuộc thi Tìm hiểu Văn hóa Việt Nam

- Cơ quan tổ chức: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (theo Đề án của Bộ).

- Thời gian thực hiện (dự kiến): từ tháng 01/2023 đến tháng 03/2023.

- Nội dung: Tổ chức cuộc thi tìm hiểu về văn hóa Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng (phát thanh, truyền hình), hướng đến đối tượng là người dân thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

5. Tổ chức các chương trình diễn đàn, tọa đàm trao đổi, chương trình văn hóa, nghệ thuật về chủ đề “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023)”

- Cơ quan tổ chức: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam; các cơ quan báo chí.

- Thời gian thực hiện: từ tháng 01/2023 đến tháng 03/2023.

- Nội dung: Tổ chức sản xuất, phát sóng các chương trình diễn đàn, tọa đàm trao đổi, chương trình văn hóa, nghệ thuật có chất lượng về chủ đề 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam”.

6. Tọa đàm (hội thảo) với chủ đề: “Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển của văn học, nghệ thuật Việt Nam”

- Cơ quan tổ chức: Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam.

- Thời gian (dự kiến): tổ chức trong 01 buổi (trong tháng 3/2023).

- Nội dung: Tập trung làm rõ, sâu sắc vai trò quan trọng của Đề cương đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn học, nghệ thuật cách mạng Việt Nam trong 80 năm qua; đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục vận dụng, bổ sung, phát triển những tư tưởng cốt lõi của Đề cương nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam trong thời kỳ mới.

7. Tọa đàm (hội thảo) với chủ đề: “Từ Đề cương về văn hóa Việt Nam đến lý luận văn nghệ Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập”

- Cơ quan tổ chức: Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.

- Thời gian (dự kiến): tổ chức trong 01 buổi (trong tháng 3/2023).

- Nội dung: Tập trung làm rõ quá trình vận dụng, phát triển những nội dung quan trọng của Đề cương trong việc xây dựng và phát triển tư tưởng lý luận văn nghệ Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử; định hướng và những nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát triển để xây dựng, hoàn thiện hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.

8. Công tác thông tin, tuyên truyền

- Cơ quan chủ trì: Ban Tuyên giáo Trung ương.

- Cơ quan phối hợp: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông; Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam; Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.

- Thời gian thực hiện: Từ tháng 01/2023 đến tháng 02/2023.

- Nội dung: Tổ chức các hình thức tuyên truyền, cổ động trực quan, sinh động về chủ đề “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam”; xuất bản sách, tài liệu tuyên truyền về ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương; tổ chức sáng tác, công bố, phát hành các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị về đề tài ca ngợi Tổ quốc, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, văn hóa, con người Việt Nam,... gắn với các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương; tuyên truyền đậm nét trên các phương tiện thông tin đại chúng về ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn to lớn, lâu bền của Đề cương, kết quả thực hiện các chủ trương, quan điểm của Đảng, đặc biệt là quan điểm của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam và Bài phát biểu chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ngày 24/11/2021; xuất bản Tạp chí Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật số tháng 2/2023 chuyên đề về “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023)”; tổ chức triển lãm sách, tài liệu, nghệ thuật,... về chủ đề 80 năm ra đời Đề cương.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Tuyên giáo Trung ương

- Chủ trì, phối hợp xây dựng Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam” (1943-2023); theo dõi, tổng hợp kết quả, báo cáo Ban Bí thư.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động kỷ niệm theo nội dung tại mục II của Kế hoạch.

- Xây dựng hướng dẫn tuyên truyền 80 năm “Đề cương về văn hóa Việt Nam” (1943-2023); hướng dẫn, chỉ đạo, định hướng công tác thông tin, tuyên truyền trên hệ thống truyền thông cả nước về ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn to lớn, lâu bền của Đề cương và kết quả thực hiện các chủ trương, quan điểm của Đảng, đặc biệt là quan điểm của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh của con người Việt Nam và Bài phát biểu chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ngày 24/11/2021.

2. Ban Cán sự Đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động kỷ niệm theo nội dung tại mục II của Kế hoạch.

- Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức công tác tuyên truyền, cổ động trực quan; xây dựng đề án, kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, xuất bản sách, tài liệu tuyên truyền, triển lãm, trưng bày chuyên đề... về chủ đề 80 năm ra đời “Đcương về văn hóa Việt Nam”.

3. Hội đồng Lý luận Trung ương; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động kỷ niệm theo nội dung tại mục II của Kế hoạch.

4. Ban Cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông

Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, theo dõi, quản lý các cơ quan báo chí, truyền thông làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về các hoạt động kỷ niệm.

5. Đảng đoàn Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam

- Tổ chức tọa đàm (hội thảo) về chủ đề: “Đcương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển của văn học, nghệ thuật Việt Nam”; tổ chức các hoạt động văn học, nghệ thuật về chủ đề “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023)”.

- Vận động, tổ chức, phối hợp với các Hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và địa phương tuyên truyền, vận động văn nghệ sĩ sáng tác, công bố, phát hành các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị về đề tài ca ngợi Tổ quốc, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, văn hóa, con người Việt Nam,... gắn với các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời “Đcương về văn hóa Việt Nam”.

6. Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương

- Tổ chức tọa đàm (hội thảo) với chủ đề: “Từ Đề cương về văn hóa Việt Nam đến lý luận văn nghệ Việt Nam thời kỳ đi mới và hội nhập”.

- Xuất bản Tạp chí Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật số tháng 2/2023 chuyên đề về “80 năm Đcương về văn hóa Việt Nam (1943-2023)”.

7. Các tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương

Căn cứ Kế hoạch, chức năng, nhiệm vụ được giao và điều kiện thực tế, các tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam” với các hình thức phù hợp, như: tọa đàm, hội thảo khoa học; triển lãm nghệ thuật; nói chuyện chuyên đề; tổ chức thi tìm hiểu về Đề cương...; chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền về sự kiện trên báo chí, trang thông tin điện tử, các phương tiện thông tin, cổ động trực quan, thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và các ấn phẩm tuyên truyền về ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương.

8. Các cơ quan báo chí

- Tập trung tuyên truyền về “Đề cương về văn hóa Việt Nam”, trong đó tăng cường các tin, bài, phóng sự tuyên truyền về ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, lâu bền của Đề cương; những thành tựu của Đảng, đất nước trong xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước qua 80 năm thực hiện Đề cương.

- Tổ chức các diễn đàn, tọa đàm trao đổi, chương trình văn hóa, nghệ thuật có chất lượng kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam”.

- Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổ chức phát sóng phim tài liệu “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam”, dự kiến vào tối ngày 27/02/2023.

IV. Kinh phí thực hiện

Các cơ quan, đơn vị căn cứ nhiệm vụ, đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí kinh phí cho các hoạt động kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam” theo quy định hiện hành./.

 


Nơi nhận:
- Thường trực Ban Bí thư (để b/c),
- Đ/c Trưởng Ban (để b/c),
- Văn phòng Trung ương Đảng,
- Các tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng,
đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương,
- Hội đồng Lý luận Trung ương,
- Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam,
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,
- Bộ Thông tin và Truyền thông,
- Lãnh đạo Ban,
- Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội,
- Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam,
- Hội đồng LLPBVHNTTW,
- Đài Truyền hình Việt Nam,
- Các cơ quan báo, đài Trung ương,
- Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy,
đảng ủy trực thuộc trung ương,
- Các vụ, đơn vị của Ban TGTW,
- Vụ Văn hóa - Văn nghệ (10),
- Lưu HC.

K/T TRƯỞNG BAN
PHÓ TRƯỞNG BAN




Trần Thanh Lâm

 

ĐỀ CƯƠNG VỀ VĂN HÓA VIỆT NAM

(Năm 1943 của T.Ư.)

CÁCH ĐẶT VẤN ĐỀ

1. Phạm vi vấn đề: Văn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật.

2. Quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, chính trị: nền tảng kinh tế của một xã hội và chế độ kinh tế dựng trên nền tảng ấy quyết định toàn bộ văn hóa của xã hội kia (hạ tầng cơ sở quyết định thượng tầng kiến trúc).

3. Thái độ Đảng Cộng sản Đông Dương đối với vấn đề văn hóa:

a) Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động.

b) Không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa.

c) Có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả.

LỊCH SỬ VÀ TÍNH CHẤT VĂN HÓA VIỆT NAM

1. Các giai đoạn trong lịch sử văn hóa Việt Nam.

a) Thời kỳ Quang Trung trở về trước: văn hóa Việt Nam có tính chất nửa phong kiến, nửa nô lệ, phụ thuộc vào văn hóa Trung Quốc.

b) Thời kỳ từ Quang Trung đến khi đế quốc Pháp xâm chiếm, văn hóa phong kiến có xu hướng tiểu tư sản.

c) Thời kỳ từ Pháp sang xâm chiếm đến nay: văn hóa nửa phong kiến, nửa tư sản và hoàn toàn có tính cách thuộc địa (chú ý phân biệt mấy giai đoạn trong thời kỳ này).

2. Tính chất văn hóa Việt Nam hiện tại: văn hóa Việt Nam hiện nay về hình thức là thuộc địa, về nội dung là tiền tư bản.

Chiến tranh và xu trào văn hóa hiện nay: ảnh hưởng của văn hóa phát xít làm cho tính chất phong kiến, nô dịch trong văn hóa Việt Nam mạnh lên, nhưng đồng thời chịu ảnh hưởng của văn hóa tân dân chủ, xu trào văn hóa mới của Việt Nam đang cố vượt hết mọi trở lực để nảy nở (văn nghệ bất hợp pháp).

NGUY CƠ CỦA VĂN HÓA VIỆT NAM DƯỚI ÁCH PHÁT XÍT NHẬT - PHÁP

1. Những thủ đoạn phát xít trói buộc văn hóa và giết chết văn hóa Việt Nam:

a) Chính sách văn hóa của Pháp:

- Đàn áp các nhà văn hóa cách mạng dân chủ chống phát xít.

- Ra tài liệu tổ chức các cơ quan và các đoàn thể văn hóa để nhồi sọ.

- Kiểm duyệt rất ngặt những tài liệu văn hóa.

- Mua chuộc và hăm doạ các nhà văn hóa.

- Mật thiết liên lạc với tôn giáo để truyền bá văn hóa trung cổ, văn hóa ngu dân, v.v..

- Tuyên truyền chủ nghĩa đầu hàng và chủ nghĩa ái quốc mù quáng và hẹp hòi (chauvinisme).

- Làm ra vẻ săn sóc đến trí dục, thể dục và đức dục cho dân.

b) Chính sách văn hóa của Nhật:

- Tuyên truyền chủ nghĩa Đại Đông Á.

- Gây ra một quan niệm cho người Nhật là cứu tinh của giống da vàng và văn hóa Nhật Bản chiếu rọi những tia sáng văn minh tiến bộ cho các giống nòi Đại Đông Á, v.v..

- Tìm hết cách phô trương và giới thiệu văn hóa Nhật Bản (triển lãm, diễn thuyết, đặt phòng du lịch, viện văn hóa, trao đổi du học sinh, mời nghệ sĩ Đông Dương sang thăm nước Nhật, mở báo chí tuyên truyền, tổ chức ca kịch, chiếu bóng ...).

- Đàn áp các nhà văn chống Nhật và mua chuộc các nhà văn có tài.

2. Tiền đồ văn hóa Việt Nam: hai ức thuyết:

- Nền văn hóa phát xít (văn hóa trung cổ và nô dịch hóa) thắng thì văn hóa dân tộc Việt Nam nghèo nàn thấp kém.

- Văn hóa dân tộc Việt Nam sẽ do cách mạng dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi mở xiềng xích và sẽ đuổi kịp văn hóa tân dân chủ thế giới. Hai ức thuyết, cái nào sẽ trở nên sự thực? Căn cứ vào điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội hiện nay, cách mạng dân tộc Việt Nam nhất quyết sẽ làm cho ức thuyết thứ hai trở nên sự thực.

VẤN ĐỀ CÁCH MẠNG VĂN HÓA VIỆT NAM

1. Quan niệm của người cộng sản về vấn đề cách mạng văn hóa:

a) Phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội.

b) Cách mạng văn hóa muốn hoàn thành phải do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo.

c) Cách mạng văn hóa có thể hoàn thành khi nào cách mạng chính trị thành công (cách mạng văn hóa phải đi sau cách mạng chính trị. Những phương pháp cải cách văn hóa đề ra bấy giờ chỉ là dọn đường cho cuộc cách mạng triệt để mai sau).

2. Nền văn hóa mà cuộc cách mạng văn hóa Đông Dương phải thực hiện sẽ là văn hóa xã hội chủ nghĩa.

3. Cách mạng văn hóa Việt Nam và cách mạng dân tộc giải phóng:

a) Cách mạng văn hóa ở Việt Nam phải dựa vào cách mạng dân tộc giải phóng mới có điều kiện phát triển.

b) Cách mạng dân tộc giải phóng Việt Nam chỉ có thể trong trường hợp may mắn nhất đưa văn hóa Việt Nam tới trình độ dân chủ và có tính chất dân tộc hoàn toàn độc lập dựng nên một nền văn hóa mới.

c) Phải tiến lên thực hiện cách mạng xã hội ở Đông Dương, gây dựng một nền văn hóa xã hội ở khắp Đông Dương.

4. Ba nguyên tắc vận động cuộc vận động văn hóa nước Việt Nam trong giai đoạn này.

a) Dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập).

b) Đại chúng hóa (chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng).

c) Khoa học hóa (chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ).

Muốn cho ba nguyên tắc trên đây thắng, phải kịch liệt chống những xu hướng văn hóa bảo thủ, chiết trung, lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm, v.v.. Nhưng đồng thời cũng phải chống xu hướng văn hóa quá trớn của bọn tờrốtkít.

5. Tính chất của nền văn hóa mới Việt Nam: văn hóa mới Việt Nam do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo chủ trương chưa phải là văn hóa xã hội chủ nghĩa hay văn hóa Xôviết (như văn hóa Liên Xô chẳng hạn).

Văn hóa mới Việt Nam là một thứ văn hóa có tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung. Chính vì thế nó cách mạng nhất và tiến bộ nhất ở Đông Dương trong giai đoạn này.

NHIỆM VỤ CẦN KÍP CỦA NHỮNG NHÀ VĂN HÓA MÁCXÍT ĐÔNG DƯƠNG VÀ NHẤT LÀ NHỮNG NHÀ VĂN HÓA MÁCXÍT VIỆT NAM

I- Mục đích trước mắt

- Chống lại văn hóa phát xít phong kiến, thoái bộ, nô dịch, văn hóa ngu dân và phỉnh dân.

- Phát huy văn hóa tân dân chủ Đông Dương.

II- Công việc phải làm

a) Tranh đấu về học thuyết, tư tưởng (đánh tan những quan niệm sai lầm của triết học Âu, Á, có ít nhiều ảnh hưởng tai hại ở ta: triết học Khổng, Mạnh, Đềcác (Descartes), Bécsông (Bergson), Căng (Kant), Nítsơ (Niesche), v.v. ; làm cho thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử thắng.

b) Tranh đấu về tông phái văn nghệ (chống chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa tượng trưng, v.v.) làm cho xu hướng tả thực xã hội chủ nghĩa thắng.

c) Tranh đấu về tiếng nói, chữ viết:

1- Thống nhất và làm giàu thêm tiếng nói;

2- Ấn định mẹo văn ta;

3- Cải cách chữ quốc ngữ, v.v..

III- Cách vận động

a) Lợi dụng tất cả khả năng công khai và bán công khai để:

1- Tuyên truyền và xuất bản.

2- Tổ chức các nhà văn.

3- Tranh đấu giành quyền lợi thực tại cho các nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ, v.v..

4- Chống nạn mù chữ, v.v..

b) Phối hợp một thiết phương pháp bí mật và công khai thống nhất mọi hoạt động văn hóa tiến bộ dưới quyền lãnh đạo của đảng vô sản mácxít.

 

Văn kiện Đảng 1930 - 1945,

Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương xuất bản, Hà Nội, 1977. t.III, tr.363-368.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 203-KH/BTGTW năm 2022 về tổ chức hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời "Đề cương về Văn hóa Việt Nam" (1943-2023) do Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành

  • Số hiệu: 203-KH/BTGTW
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 30/12/2022
  • Nơi ban hành: Ban Tuyên giáo Trung ương
  • Người ký: Trần Thanh Lâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản