Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 202/KH-UBND

Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG KỸ NĂNG NGHỀ CHO GIÁO VIÊN, GIẢNG VIÊN CÁC TRƯỜNG DẠY NGHỀ CÔNG LẬP THUỘC THÀNH PHỐ NĂM 2018

Căn cứ Kế hoạch số 206/KH-UBND ngày 10/12/2014 của UBND Thành phố về việc Đào tạo bồi dưỡng kỹ năng nghề cho giáo viên, giảng viên dạy nghề các trường dạy nghề công lập thuộc Thành phố giai đoạn 2015 - 2020; Quyết định số 9077/QĐ-UBND ngày 30/12/2017 của UBND Thành phố về việc giao chỉ tiêu kế hoạch và kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội năm 2018,

UBND Thành phố ban hành Kế hoạch tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho giáo viên, giảng viên các trường dạy nghề công lập thuộc Thành phố năm 2018 như sau:

I. MỤC ĐÍCH - YÊU CẦU

1. Mục đích

Xây dựng đội ngũ giáo viên, giảng viên theo hướng chuẩn hóa, nâng cao chất lượng, bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên có năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề đạt chuẩn khu vực và quốc tế.

Chuẩn bị đội ngũ giáo viên, giảng viên có trình độ kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề đủ khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo đáp ứng các yêu cầu trong lộ trình xây dựng một số trường dạy nghề công lập của Thành phố thành trường chất lượng cao, đào tạo các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực, quốc gia vào năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phê duyệt.

2. Yêu cầu

Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho giáo viên, giảng viên dạy nghề phải đảm bảo phù hợp với các quy định tại Kế hoạch số 206/KH-UBND; đồng thời đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm.

II. NỘI DUNG

1. Chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng

Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng 09 nghề cho 112 giáo viên, giảng viên các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề thuộc Thành phố đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Kế hoạch số 206/KH-UBND ngày 10/12/2014 và Quyết định số 9077/QĐ-UBND ngày 30/12/2017.

2. Nội dung, thời gian đào tạo

- Nội dung đào tạo, bồi dưỡng chung được thực hiện theo quy định tại Mục 2, Phần III Kế hoạch số 206/KH-UBND. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng chi tiết được xây dựng trên cơ sở đề xuất của các trường theo từng nghề.

- Thời gian đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện theo từng nghề, tối đa không quá 03 (ba) tháng.

3. Đối tượng lựa chọn đào tạo, bồi dưỡng: Thực hiện theo quy định tại Mục 1, Phần III kế hoạch số 206/KH-UBND ngày 10/12/20 14.

4. Hình thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng

- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tập trung trong nước, theo từng nghề (đưa giáo viên đến các cơ sở giáo dục đào tạo có tư cách pháp nhân, đủ điều kiện và đáp ứng yêu cầu đào tạo bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề cho giáo viên).

- Mời chuyên gia nước ngoài đào tạo, bồi dưỡng đối với 01 nghề Hàn.

(Chi tiết chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng và phương thức tổ chức theo Biểu đính kèm)

III. KINH PHÍ

1. Tổng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng năm 2018 là: 5.250.000.000 đồng (Năm tỷ, hai trăm năm mươi triệu đồng chẵn) được thực hiện từ nguồn ngân sách Thành phố giao Sở Lao động Thương binh và Xã hội tại Quyết định số 8586/QĐ-UBND ngày 08/12/2017 của UBND Thành phố về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch Kinh tế - Xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2018 của Thành phố Hà Nội.

2. Phương thức thực hiện: Thực hiện đặt hàng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng theo quy định hiện hành.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động Thương binh và Xã hội

- Lựa chọn các cơ sở giáo dục - đào tạo trong nước và nước ngoài có tư cách pháp nhân, phù hợp năng lực, mục tiêu để thực hiện đặt hàng đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho các giáo viên, giảng viên theo chỉ tiêu tại Mục 1, Phần II.

- Tổ chức thẩm định, đặt hàng đơn vị tham gia đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho giáo viên, giảng viên theo quy định.

- Xây dựng và phê duyệt dự toán chi tiết kinh phí đặt hàng trên cơ sở khối lượng công việc thực hiện đặt hàng, định mức đơn giá do Nhà nước quy định hoặc tham khảo đơn giá do cơ quan tư vấn thẩm định giá xác định.

- Thực hiện các quy định hiện hành của nhà nước và Thành phố về quản lý, giám sát, nghiệm thu, thanh quyết toán giá trị đặt hàng theo khối lượng, chất lượng công việc đặt hàng theo các hợp đồng ký kết với các đơn vị. Tổng hợp quyết toán kinh phí nêu trên trong tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 của Sở Lao động Thương binh và Xã hội theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp các cơ sở giáo dục và đào tạo được lựa chọn và các trường dạy nghề công lập triển khai tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho giáo viên, giảng viên.

- Chủ trì, phối hợp Sở Ngoại vụ thẩm định hồ sơ năng lực của các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia đào tạo, bồi dưỡng.

- Thực hiện thanh quyết toán kinh phí đào tạo bồi dưỡng đúng quy định tài chính.

- Kiểm tra, giám sát; tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch đào tạo bồi dưỡng giáo viên, giảng viên.

2. Sở Tài chính: Phối hợp Sở Lao động Thương binh và Xã hội thẩm định dự toán kinh phí đào tạo bồi dưỡng giáo viên đúng quy định.

3. Sở Nội vụ: Phối hợp Sở Lao động Thương binh và Xã hội trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện.

4. Sở Ngoại vụ: Phối hợp Sở Lao động Thương binh và Xã hội, các đơn vị liên quan thẩm định hồ sơ năng lực của các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia đào tạo, bồi dưỡng giáo viên của Thành phố.

5. Các trường có giáo viên, giảng viên tham gia đào tạo, bồi dưỡng

- Đề xuất nội dung chương trình đào tạo; cơ sở tham gia đào tạo có uy tín, chất lượng và hợp pháp (trong nước, ngoài nước), gửi Sở Lao động Thương binh và Xã hội xem xét, thực hiện đặt hàng để tổ chức đào tạo.

- Quyết định cử giáo viên từng nghề theo số lượng chỉ tiêu đã được phê duyệt đảm bảo đúng đối tượng, điều kiện, quy định tại Kế hoạch số 206/KH- UBND ngày 10/12/2014 của UBND Thành phố.

- Sử dụng hợp lý, hiệu quả đội ngũ giáo viên, giảng viên sau đào tạo bồi dưỡng và tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên, giảng viên phát huy các kiến thức, kỹ năng đã được đào tạo, bồi dưỡng trong công tác giảng dạy và đào tạo nghề của trường.

Trên đây là Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho giáo viên, giảng viên dạy nghề các trường dạy nghề công lập thuộc UBND thành phố Hà Nội năm 2018. Yêu cầu các Sở, ngành và các trường dạy nghề tổ chức triển khai thực hiện và tổng hợp kết quả báo cáo UBND Thành phố.

 


Nơi nhận:
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND;
- Đ/c Chủ tịch UBND TP;
- Các Đ/c PCT UBND TP;
- Các sở, ngành: LĐTB&XH, Tài chính, Nội vụ, Ngoại vụ;
- Các trường: CĐN, TCN thuộc TP; (để t/h)
- VPUB: CVP, PCVP Đ.H.Giang, Phòng KGVX, TKBT, TH;
- Lưu: VT, KGVX(Tue).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Ngô Văn Quý

 

PHỤ LỤC

BIỂU TỔNG HỢP CHỈ TIÊU ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG KỸ NĂNG NGHỀ GIÁO VIÊN CÁC TRƯỜNG DẠY NGHỀ CÔNG LẬP THÀNH PHỐ NĂM 2018 (CHI TIẾT THEO NGHỀ)
(Kèm theo Kế hoạch số 202/KH-UBND ngày 23 tháng 10 năm 2018 của UBND TP)

TT

n nghề

Chỉ tiêu (người)

Ghi chú

I

Tổ chức tại cơ sở giáo dục - đào tạo trong nước

 

 

1

Công nghệ ô tô

10

 

2

Điện Công nghiệp

15

 

3

Quản trị mạng máy tính

12

 

4

Thiết kế đồ họa

10

 

5

Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí

15

 

6

Kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính

10

 

7

Cắt gọt kim loại

10

 

8

Kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính

10

 

II

Mời cơ sở, chuyên gia nước ngoài vào tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tại Việt Nam

 

 

9

Hàn

20

 

 

Tổng cộng

112

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 202/KH-UBND về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho giáo viên, giảng viên các trường dạy nghề công lập thuộc Thành phố Hà Nội năm 2018

  • Số hiệu: 202/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 23/10/2018
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Ngô Văn Quý
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản