Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 200/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 22 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

KHUYẾN NÔNG TỈNH TUYÊN QUANG NĂM 2022

Căn cứ Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 của Chính phủ về khuyến nông;

Căn cứ Thông tư số 75/2019/TT-BTC ngày 04/11/2019 của Bộ Tài chính về Quy định quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện hoạt động khuyến nông;

Căn cứ Quyết định số 688/QĐ-UBND ngày 31/12/2020 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang về việc ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025;

Căn cứ Quyết định số 148/QĐ-UBND ngày 19/4/2021 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang về việc phê duyệt Chương trình Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021- 2025;

Căn cứ Quyết định số 358/QĐ-UBND ngày 08/6/2021 về việc phê duyệt Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết bảo đảm chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030;

Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành Kế hoạch Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang năm 2022, với các nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Triển khai thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, phát huy vai trò định hướng, hỗ trợ chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.

- Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp để tăng thu nhập, làm giàu, thích ứng với các điều kiện canh tác, khí hậu, thị trường và gắn với phát triển du lịch sinh thái góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hoá, nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm; thúc đẩy tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới.

- Đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thông qua các hoạt động đào tạo, tập huấn; thông tin tuyên truyền; xây dựng mô hình trình diễn khuyến nông; tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; hợp tác khuyến nông... trong đó tập trung vào hướng dẫn, tổ chức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ các ngành hàng, sản phẩm nông lâm nghiệp chủ lực và đặc sản của tỉnh đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Đào tạo, tập huấn

- Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp, kỹ năng khuyến nông; nâng cao kiến thức về an toàn thực phẩm, sản xuất nông nghiệp hữu cơ; tập huấn quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao; tập huấn nâng cao kiến thức sản xuất và chọn giống cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông lâm nghiệp; công tác tiếp cận thị trường và liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông lâm nghiệp và thuỷ sản theo chuỗi giá trị cho cán bộ khuyến nông cấp huyện, xã, cộng tác viên khuyến nông cơ sở, các tổ hợp tác, chủ trang trại, hợp tác xã, nông dân, hộ gia đình.

- Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về sản xuất hàng hoá đối với cây trồng, vật nuôi chủ lực, đặc sản của từng địa phương cho cán bộ khuyến nông cấp huyện, xã và cộng tác viên khuyến nông cơ sở.

2.2. Thông tin tuyên truyền

- Tuyên truyền các chủ trương, chính sách của trung ương và của tỉnh về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; các mô hình có hiệu quả, hộ sản xuất điển hình, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, xây dựng nông thôn mới, các tin tức sự kiện của ngành nông nghiệp tỉnh; hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; thông tin về thị trường.

- Tổ chức các hội nghị tổng kết đánh giá hiệu quả các mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm tuyên truyền nhân rộng mô hình.

2.3. Thực hiện dự án khuyến nông và mô hình khuyến nông

Xây dựng và thực hiện các dự án, mô hình trình diễn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ phù hợp với từng địa phương, nhu cầu của sản xuất và định hướng phát triển của ngành nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Trong đó tập trung ưu tiên xây dựng và thực hiện các dự án, mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; mô hình sản xuất có chứng nhận; mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ; mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm; mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái; mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; mô hình tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh nông nghiệp hiệu quả và bền vững; mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, dịch hại, bảo vệ môi trường; mô hình phát triển sản xuất để giảm nghèo bền vững cho các đối tượng yếu thế ở địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn.

2.4. Về hướng dẫn, tổ chức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường

Tư vấn, hướng dẫn các doanh nghiệp liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; hướng dẫn hợp tác xã thực hiện dịch vụ trọn gói từ cung ứng dịch vụ đầu vào đến bao tiêu sản phẩm đầu ra. Phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường, tuyên truyền quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm chủ lực, đặc sản của tỉnh.

2.5. Về hợp tác khuyến nông

Đẩy mạnh xã hội hoá công tác khuyến nông, chủ động mời gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước, các cơ quan quản lý, cơ sở nghiên cứu, các trường đại học... tham gia vào các hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh, trọng tâm hợp tác về đào tạo tập huấn kiến thức khoa học công nghệ mới, triển khai các mô hình, đề tài, dự án khuyến nông.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Đào tạo, tập huấn

1.1.Tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ khuyến nông, thành viên các tổ hợp tác, hợp tác xã, chủ trang trại, hộ sản xuất kinh doanh nhỏ trên địa bàn tỉnh

- Nội dung: Tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp, kỹ năng hoạt động khuyến nông; tập huấn nâng cao kiến thức về an toàn thực phẩm, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sản xuất VietGAP, sản xuất theo tiêu chuẩn quốc gia; ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh 4.0 trong sản xuất nông lâm nghiệp, thuỷ sản; quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên các cây trồng chủ lực; nâng cao kiến thức sản xuất và chọn giống cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông lâm nghiệp của tỉnh; tập huấn công tác tiếp cận thị trường và liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông lâm nghiệp và thuỷ sản theo chuỗi giá trị.

- Đối tượng nhận chuyển giao: Là cán bộ khuyến nông, cộng tác viên khuyến nông huyện, xã, thành viên các tổ hợp tác, hợp tác xã, chủ trang trại, hộ sản xuất kinh doanh nhỏ trên địa bàn tỉnh.

- Số lượng: 05 lớp (50 người/lớp).

- Địa điểm tổ chức: Tại thành phố Tuyên Quang.

1.2.Tập huấn nâng cao kiến thức về sản xuất hàng hoá đối với cây trồng, vật nuôi chủ lực, đặc sản của từng địa phương cho cán bộ khuyến nông và cộng tác viên khuyến nông cơ sở

- Nội dung: Kỹ thuật nuôi trồng thủy sản theo VietGAP; kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản chế biến lạc; kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò vỗ béo...).

- Đối tượng nhận chuyển giao: Là cán bộ khuyến nông và cộng tác viên khuyến nông cơ sở tại các huyện, thành phố của tỉnh.

- Số lượng: 04 lớp (50 người/lớp).

- Địa điểm tổ chức: Tại các huyện, thành phố.

2. Thông tin, tuyên truyền

2.1.Xuất bản Bản tin khuyến nông và thị trường

- Nội dung: Tuyên truyền các chính sách về nông nghiệp, kết quả các mô hình giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới, gương sản xuất giỏi, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản.

- Số lượng: 1.200 quyển (6 số, 2 tháng 1 số).

- Đối tượng phát hành: Các cơ quan liên quan của tỉnh, huyện; Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

2.2.In ấn, phát hành tài liệu hướng dẫn sử dụng giống và thời vụ

- Nội dung: Hướng dẫn sử dụng giống và thời vụ.

- Số lượng: 10.000 tờ.

- Đối tượng phát hành: Các tổ, xóm và thôn bản trên địa bàn tỉnh.

2.3.In ấn, phát hành tài liệu hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi

- Nội dung: Hướng dẫn cách nhận biết, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng và biện pháp phòng, chống dịch bệnh đối với vật nuôi.

- Số lượng: 80.000 tờ.

- Đối tượng phát hành: Các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh.

2.4.Tuyên truyền trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh

- Nội dung: Tuyên truyền các mô hình có hiệu quả, hộ sản xuất điển hình, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, xây dựng nông thôn mới, các tin tức sự kiện của ngành nông nghiệp tỉnh.

- Số lượng: 36 chuyên mục.

2.5.Tuyên truyền trên Báo Tuyên Quang

- Nội dung: Tuyên truyền các mô hình có hiệu quả, hộ sản xuất điển hình, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, xây dựng nông thôn mới, các tin tức sự kiện của ngành nông nghiệp tỉnh.

- Số lượng: 48 tin, bài, ảnh.

2.6.Tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp

- Nội dung: Hội thảo, thảo luận, trao đổi thông tin, kiến thức, khó khăn, vướng mắc, nhu cầu về phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá, nâng cao giá trị sản phẩm.

- Đối tượng đại biểu: Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố; UBND các xã; các hộ sản xuất nông lâm nghiệp thuỷ sản của tỉnh.

- Địa điểm tổ chức: Tại các huyện, thành phố.

2.7.Tổ chức Hội nghị đầu bờ tổng kết mô hình

- Nội dung: Tổng kết đánh giá các mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới đạt hiệu quả để tuyên truyền nhân rộng mô hình.

- Đối tượng đại biểu: Sở Nông nghiệp và PTNT; Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố; UBND các xã; các hộ sản xuất nông lâm nghiệp thuỷ sản của tỉnh...

- Địa điểm tổ chức: Tại các huyện, thành phố.

2.8.Tổ chức toạ đàm phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm các cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh

- Nội dung: Xây dựng và phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm các cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh.

- Đối tượng đại biểu: Là các nhà khoa học, cán bộ quản lý, doanh nghiệp, chủ trang trại, hợp tác xã, các hộ nông dân sản xuất của tỉnh...

- Địa điểm tổ chức: Tại thành phố Tuyên Quang.

2.9.Tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm

- Nội dung: Khảo sát học tập kinh nghiệm, xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mô hình ứng dụng công nghệ cao; xây dựng nông thôn mới nâng cao để áp dụng vào sản xuất.

- Đối tượng đại biểu: Là cán bộ khuyến nông, cộng tác viên khuyến nông và các hộ nông dân sản xuất nông lâm nghiệp của tỉnh.

- Thời gian, địa điểm khảo sát học tập: Tại các tỉnh, thành phố.

3. Thực hiện các dự án và mô hình khuyến nông

3.1. Mô hình trồng tre Lục Trúc lấy măng gắn với phát triển du lịch sinh thái

- Thực hiện 01 mô hình, quy mô 1,5 ha, thực hiện tại huyện Na Hang.

- Mục tiêu mô hình: Phát triển trồng tre Lục Trúc lấy măng, tạo môi trường sinh thái, phát triển du lịch phù hợp với vùng miền. Tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

3.2. Mô hình sản xuất cây Gai Xanh lấy sợi gắn với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm

- Thực hiện 01 mô hình, quy mô 05 ha tại huyện Sơn Dương.

- Mục tiêu mô hình: Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây trồng mới (cây Gai Xanh) vào sản xuất hàng hoá, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, góp phần hình thành chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

3.3. Mô hình chăn thả lợn rừng sinh sản theo hướng an toàn sinh học gắn với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm

- Thực hiện 01 mô hình, quy mô 40 con (36 con lợn nái sinh sản, 04 con lợn đực) thực hiện tại huyện Na Hang.

- Mục tiêu mô hình: Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới chăn nuôi để nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập, xây dựng thương hiệu lợn rừng đặc sản, góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn rừng trên địa bàn huyện Na Hang.

4. Hướng dẫn, tổ chức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường

Tư vấn, hướng dẫn ít nhất 02 doanh nghiệp xây dựng Chương trình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn nông dân ký hợp đồng, tổ chức sản xuất các sản phẩm đảm bảo an toàn, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, đồng thời kiểm tra, giám sát các bên tham gia liên kết thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng.

Hướng dẫn củng cố, đổi mới hoạt động từ 01 hợp tác xã/tổ hợp tác trở lên theo hình thức dịch vụ trọn gói từ cung ứng dịch vụ đầu vào đến bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường; tuyên truyền quảng bá, giới thiệu sản phẩm chủ lực, đặc sản của tỉnh.

5. Hợp tác khuyến nông

Phối hợp với các tổ chức, chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để đưa tiến bộ kỹ thuật, các giống vật nuôi, giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với điều kiện sản xuất của tỉnh.

Phối hợp với các trường đại học, Viện nghiên cứu, Trung tâm nghiên cứu chuyển giao khoa học để triển khai các mô hình, dự án thuộc nguồn vốn khuyến nông trung ương, vốn của các tổ chức, cá nhân và nguồn vốn của tỉnh.

Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đề xuất triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Tổng kinh phí thực hiện Kế hoạch Khuyến nông năm 2022 là 2.328.792.000 đồng (Hai tỷ, ba trăm hai mươi tám triệu, bảy trăm chín mươi hai nghìn đồng). Trong đó:

- Ngân sách Khuyến nông Trung ương: 200.000.000 đồng.

- Ngân sách tỉnh: 1.896.787.000 đồng (Được giao cùng dự toán ngân sách tỉnh năm 2022).

- Vốn đối ứng của người dân, doanh nghiệp đóng góp: 232.005.000 đồng.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ trì, tổ chức, hướng dẫn, triển khai thực hiện Kế hoạch Khuyến nông theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục tiêu đề ra. Định kỳ tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện.

Quản lý, sử dụng kinh phí được giao để thực hiện Kế hoạch đảm bảo đúng mục tiêu, đối tượng và theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản có liên quan.

2. Sở Tài chính

Hướng dẫn việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Kế hoạch Khuyến nông theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản pháp luật hiện hành của Nhà nước và của tỉnh.

3. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố

Chỉ đạo phòng chuyên môn và Ủy ban nhân dân xã, phường phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức triển khai thực hiện các nội dung theo kế hoạch được duyệt.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, kịp thời thông tin về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết theo thẩm quyền./.

 


Nơi nhận:
- Bộ NN và PTNT (Báo cáo);
- Thường trực Tỉnh ủy (Báo cáo);
- Thường trực HĐND tỉnh (Báo cáo);
- Chủ tịch UBND tỉnh (Báo cáo);
- Phó CT UBND tỉnh;
- Các Sở: NN&PTNT, TC, KH&ĐT, KH&CN, KBNN;
- UBND huyện, thành phố;
- Chánh VP UBND tỉnh;
- Các PCVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT; KT (Toản).

T.M ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thế Giang

 

TỔNG HỢP KINH PHÍ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH KHUYẾN NÔNG ĐỊA PHƯƠNG NĂM 2022

(Kèm theo Kế hoạch số: 200/KH-UBND ngày 22/11/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

STT

Nội dung

Đơn vị tính

Số lượng

Tổng kinh phí

Trong đó

Ngân sách Trung ương

Ngân sách tỉnh

Nhân dân đối ứng

 I

Đào tạo, tập huấn

Lớp

 

 303.400.000

 50.000.000

 253.400.000

 -

1

Tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ khuyến nông

Lớp

5

 170.000.000

 50.000.000

 120.000.000

 -

1.1

Tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp hoạt động khuyến nông cho cán bộ khuyến nông, cộng tác viên khuyến nông

Lớp

1

 30.000.000

 

 30.000.000

 

1.2

Tập huấn nâng cao kiến thức về an toàn thực phẩm, sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Lớp

1

 30.000.000

 

 30.000.000

 

1.3

Tập huấn ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh 4.0 trong sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản.

Lớp

1

 30.000.000

 

 30.000.000

 

1.4

Tập huấn quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên các cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao ( cây: cam, bưởi, chè)

Lớp

1

 30.000.000

 

 30.000.000

 

1.5

Tập huấn nâng cao kiến thức sản xuất và chọn giống cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông lâm nghiệp của tỉnh.

Lớp

1

 50.000.000

 50.000.000

 

 

2

Tập huấn nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ về sản xuất hàng hoá đối với cây trồng, vật nuôi chủ lực, đặc sản của từng địa phương cho cán bộ khuyến nông và cộng tác viên khuyến nông cơ sở.

Lớp

4

 133.400.000

 

 133.400.000

 

 II

Thông tin tuyên truyền

 

 

 672.900.000

 150.000.000

 522.900.000

 -

1

Bản tin Khuyến nông và Thị trường

Cuốn

1.200

 67.000.000

 

 67.000.000

 

2

In tài liệu hướng dẫn cơ cấu giống và thời vụ

Tờ

10.000

 100.000.000

 

 100.000.000

 

3

In tài liệu hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi

Tờ

80.000

 64.000.000

 

 64.000.000

 

4

Tuyên truyền trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh

Chuyên mục

36

 65.100.000

 

 65.100.000

 

5

Tuyên truyền trên Báo Tuyên Quang

Tin, bài

48

 38.000.000

 

 38.000.000

 

6

Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp

HN

1

 150.000.000

 150.000.000

 

 

7

Hội nghị đầu bờ tổng kết mô hình

HN

7

 65.800.000

 

 65.800.000

 

8

Tọa đàm

HN

1

 91.100.000

 

 91.100.000

 

9

Học tập kinh nghiệm

Chuyến

1

 31.900.000

 

 31.900.000

 

III

Thực hiện các Dự án, mô hình Khuyến nông

 

 

 1.352.492.000

 -

 1.120.487.000

 232.005.000

1

Mô hình trồng tre Lục Trúc lấy măng gắn với phát triển du lịch sinh thái

MH

1

 430.320.000

 

 318.780.000

 111.540.000

2

Mô hình sản xuất cây Gai Xanh lấy sợi gắn với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm

MH

1

 483.065.000

 

 362.600.000

 120.465.000

3

Mô hình chăn thả lợn rừng sinh sản theo hướng an toàn sinh học gắn với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.

MH

1

 439.107.000

 

 439.107.000

 

 

Tổng kinh phí (I II III)

 

 

 2.328.792.000

 200.000.000

 1.896.787.000

 232.005.000

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 200/KH-UBND năm 2021 về Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang năm 2022

  • Số hiệu: 200/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 22/11/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tuyên Quang
  • Người ký: Nguyễn Thế Giang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/11/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản