Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20/KH-UBND

Cà Mau, ngày 26 tháng 01 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THEO DÕI TÌNH HÌNH THI HÀNH PHÁP LUẬT TRONG LĨNH VỰC TRỌNG TÂM, LIÊN NGÀNH NĂM 2022 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU

Thực hiện Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật (Nghị định số 59/2012/NĐ-CP); Nghị định số 32/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật (Nghị định số 32/2020/NĐ-CP), UBND tỉnh ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2022, như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

- Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP; Nghị định số 32/2020/NĐ-CP; Chỉ thị số 26/CT- TTg ngày 15/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính (Chỉ thị số 26/CT-TTg) và các văn bản liên quan.

- Xem xét, đánh giá khách quan thực trạng và hiệu quả công tác thi hành pháp luật; kịp thời phát hiện, đề ra các biện pháp, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc thi hành pháp luật, kiến nghị xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật và các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Thực hiện đầy đủ nguyên tắc, phạm vi trách nhiệm, nội dung và hình thức theo dõi thi hành pháp luật theo quy định.

- Xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm triển khai thực hiện công việc được giao.

- Bảo đảm sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan; huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức, cá nhân trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

- Quá trình triển khai thực hiện đảm bảo tính bao quát, toàn diện các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ theo quy định pháp luật liên quan đến công tác theo dõi, thi hành pháp luật theo văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ của các Bộ, ngành Trung ương và văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh.

II. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tổ chức thu thập, xử lý thông tin theo dõi tình hình thi hành pháp luật về ban hành và tham mưu ban hành văn bản QPPL

1.1. Đảm bảo tất cả các văn bản QPPL do các cơ quan Trung ương ban hành trong năm 2022 phải được rà soát, theo dõi, lập danh mục xác định cụ thể nội dung được giao địa phương quy định chi tiết thi hành và tham mưu kịp thời thực hiện việc ban hành văn bản QPPL quy định chi tiết thi hành theo nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch xây dựng, ban hành, tự kiểm tra, kiểm tra và rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật năm 2022.

- Cơ quan thực hiện: sở, ban, ngành tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện theo ngành, lĩnh vực quản lý; UBND cấp huyện; UBND cấp xã.

- Cơ quan phối hợp: Sở Tư pháp.

- Thời gian thực hiện: thường xuyên trong năm 2022.

1.2. Đảm bảo tất cả các văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh ban hành còn hiệu lực thi hành phải được lập danh mục theo dõi, rà soát xác định nội dung không còn phù hợp và tham mưu thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ kịp thời đúng quy định theo nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch xây dựng, ban hành, tự kiểm tra, kiểm tra và rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật năm 2022.

- Cơ quan thực hiện: sở, ban, ngành tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện theo ngành, lĩnh vực quản lý.

- Cơ quan phối hợp: Sở Tư pháp.

- Thời gian thực hiện: thường xuyên trong năm 2022.

1.3. Đảm bảo tất cả các văn bản QPPL của HĐND, UBND cấp huyện; Hội đồng nhân dân, UBND cấp xã ban hành còn hiệu lực thi hành phải được lập danh mục theo dõi, rà soát xác định nội dung không còn phù hợp và tham mưu thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ kịp thời đúng quy định.

- Cơ quan thực hiện: UBND cấp huyện, UBND cấp xã.

- Cơ quan phối hợp: Sở Tư pháp; Phòng Tư pháp và các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND cấp huyện; Công chức Tư pháp - Hộ tịch và các công chức chuyên môn thuộc UBND cấp xã.

- Thời gian thực hiện: thường xuyên trong năm 2022.

2. Theo dõi đánh giá thi hành pháp luật trên các lĩnh vực thuộc thẩm quyền cấp tỉnh

2.1. Sở Tư pháp tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chọn ít nhất một trong các chuyên đề trọng tâm, liên ngành: (i) Thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh COVID-19 theo các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc Hội và các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; (ii) Tình hình thi hành pháp luật trong tự chủ đại học (tự chủ tài chính và tự chủ bộ máy, nhân sự); (iii) Tình hình thi hành pháp luật về lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, để thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát theo dõi, thi hành pháp luật và tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra tổ chức thực hiện theo quy định.

- Cơ quan phối hợp: sở, ban, ngành tỉnh; UBND cấp huyện.

- Thời gian thực hiện: quý II - quý III/2022.

2.2. Mỗi sở, ban, ngành tỉnh chọn ít nhất một chuyên đề thuộc lĩnh vực ngành mình quản lý trên cơ sở Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành của tỉnh, của Bộ, ngành Trung ương thuộc lĩnh vực chuyên môn để thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát theo dõi, thi hành pháp luật và thành lập Đoàn kiểm tra tổ chức thực hiện theo quy định.

- Cơ quan thực hiện: sở, ban, ngành tỉnh.

- Cơ quan phối hợp: Sở Tư pháp.

- Thời gian thực hiện: quý II - quý III/2022.

3. Theo dõi đánh giá thi hành pháp luật trên các lĩnh vực thuộc thẩm quyền cấp huyện

Mỗi huyện, thành phố chọn ít nhất một chuyên đề thuộc lĩnh vực cấp mình quản lý trên cơ sở Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành của tỉnh để thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát theo dõi, thi hành pháp luật và thành lập Đoàn kiểm tra tổ chức thực hiện theo quy định.

- Cơ quan thực hiện: UBND cấp huyện.

- Cơ quan phối hợp: Phòng Tư pháp và các phòng chuyên môn trực thuộc UBND cấp huyện.

- Thời gian thực hiện: quý II - quý III/2022.

4. Theo dõi đánh giá thi hành pháp luật trên các lĩnh vực thuộc thẩm quyền cấp xã

Mỗi xã, phường, thị trấn chọn ít nhất một chuyên đề thuộc lĩnh vực cấp mình quản lý trên cơ sở Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành của huyện để thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát theo dõi, thi hành pháp luật và thành lập Đoàn kiểm tra tổ chức thực hiện theo quy định.

- Cơ quan thực hiện: UBND cấp xã.

- Cơ quan phối hợp: Công chức Tư pháp - Hộ tịch và các công chức chuyên môn thuộc UBND cấp xã.

- Thời gian thực hiện: quý II - quý III/2022.

5. Theo dõi đánh giá thi hành pháp luật trong công tác phối hợp

Nghiên cứu triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phối hợp theo quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP; Nghị định số 32/2020/NĐ-CP; Nghị định số 71/2016/NĐ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg.

- Cơ quan thực hiện: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; Tòa án nhân dân; Viện Kiểm sát nhân dân; cơ quan Thi hành án dân sự; Hội Luật gia tỉnh; Đoàn Luật sư tỉnh; các hội nghề nghiệp; các cơ quan thông tin đại chúng; các sở, ban, ngành tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.

- Cơ quan phối hợp: Sở Tư pháp.

- Thời gian thực hiện: thường xuyên trong năm 2022.

6. Điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật

6.1. Sở Tư pháp thực hiện theo nội dung Kế hoạch này, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt phương án điều tra, khảo sát; tiến hành điều tra, khảo sát và báo cáo kết quả điều tra, khảo sát cho UBND tỉnh và Bộ Tư pháp theo quy định.

- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp.

- Cơ quan phối hợp: sở, ban, ngành tỉnh; UBND cấp huyện.

- Thời gian thực hiện: trong năm 2022.

6.2. Mỗi huyện, thành phố Cà Mau thực hiện theo nội dung Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2022 của mình, tiến hành phê duyệt phương án điều tra, khảo sát; thực hiện điều tra, khảo sát và báo cáo kết quả điều tra, khảo sát cho Sở Tư pháp để tổng hợp chung.

- Cơ quan thực hiện: UBND cấp huyện.

- Cơ quan phối hợp: Phòng Tư pháp và các phòng chuyên môn trực thuộc UBND cấp huyện.

- Thời gian thực hiện: quý III/2022.

6.3. Mỗi xã, phường, thị trấn thực hiện theo nội dung Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2022 của mình, tiến hành phê duyệt phương án điều tra, khảo sát; thực hiện điều tra, khảo sát và báo cáo kết quả điều tra, khảo sát cho UBND huyện và Sở Tư pháp tổng hợp chung.

- Cơ quan thực hiện: UBND cấp xã.

- Cơ quan phối hợp: Công chức Tư pháp - Hộ tịch và các công chức chuyên môn thuộc UBND cấp xã.

- Thời gian thực hiện: quý III/2022.

7. Về nội dung, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động theo dõi thi hành pháp luật năm 2022 trên địa bàn tỉnh Cà Mau

7.1. Theo dõi tình hình thi hành pháp luật là giải pháp quan trọng liên quan đến việc xem xét, đánh giá thực trạng thi hành pháp luật, kiến nghị thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Vì vậy, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND cấp huyện; Chủ tịch UBND cấp xã tập trung quán triệt, nâng cao nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, công chức và huy động người dân, cộng đồng doanh nghiệp tích cực tham gia.

7.2. Quá trình thực hiện phải tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc: khách quan, công khai, minh bạch, thường xuyên, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; kết hợp theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo ngành, lĩnh vực và theo địa bàn; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình thực hiện; không trùng lặp, chồng chéo với các hoạt động thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đã được pháp luật quy định.

7.3. Tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đối với đội ngũ cán bộ, công chức và ban hành văn bản hướng dẫn nghiệp vụ.

- Trách nhiệm của Sở Tư pháp: tổ chức 01 cuộc hội nghị tập huấn nghiệp vụ và ban hành văn bản hướng dẫn nghiệp vụ theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh.

- Chủ tịch UBND cấp huyện: tổ chức hoặc phối hợp cùng Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ tại địa phương mình quản lý.

- Thời gian thực hiện: trong quý III/2022.

7.4. Về giải pháp truyền thông nâng cao nhận thức hoạt động theo dõi thi hành pháp luật.

- Sở Tư pháp là cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông; Báo Cà Mau; Đài phát thanh - Truyền Cà Mau xây dựng nội dung, biện pháp truyền thông phù hợp, hiệu quả.

- Chủ tịch UBND huyện, thành phố Cà Mau chịu trách nhiệm chỉ đạo các Trung tâm văn hóa, truyền thông và thể thao cấp huyện, Trạm truyền thanh cấp xã xây dựng nội dung, chuyên mục và các hình thức khác thực hiện hoạt động truyền thông phù hợp nhu cầu thực tế của từng địa phương.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ nội dung và phân công trách nhiệm được xác định tại Kế hoạch này, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND cấp huyện; Chủ tịch UBND cấp xã và các đơn vị liên quan có trách nhiệm tổ chức quán triệt và xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện các nội dung theo Kế hoạch này trước ngày 15/02/2022.

2. Thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo định kỳ năm hoặc đột xuất theo yêu cầu, đánh giá kết quả thực hiện theo chế độ báo cáo; các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND cấp huyện gửi báo cáo về Sở Tư pháp tổng hợp, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo Bộ Tư pháp theo quy định.

3. Sở Tư pháp có trách nhiệm theo dõi, đánh giá tình hình kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch này. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Minh Luân