Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1995/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 20 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

KHẮC PHỤC NHỮNG TỒN TẠI, HẠN CHẾ NHẰM NÂNG CAO TỶ LỆ SỬ DỤNG DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN (DVCTT) CỦA TỈNH LÂM ĐỒNG

I. Hiện trạng

1. Hiện trạng dịch vụ công tỉnh Lâm Đồng

- Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Lâm Đồng (trên cơ sở hợp nhất Cổng dịch vụ công với Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Lâm Đồng theo quy định tại Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính) hoạt động tại địa chỉ https://dichvucong.lamdong.gov.vn/ đã triển khai đến 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã. Đã kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia.

- Đơn vị quản lý hoạt động: Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Lâm Đồng - Văn phòng UBND tỉnh.

- Hình thức triển khai: thuê dịch vụ của Tập đoàn VNPT.

- Nguồn lực: Hiện tại 100% UBND các cấp đều có Bộ phận một cửa.

- Số liệu về dịch vụ công năm 2022:

Bảng 1: Thống kê số lượng hồ sơ phát sinh toàn tỉnh năm 2022

STT

Đơn vị

Hồ sơ tiếp nhận của DVCTT

Tổng số

Trong đó

Tỉ lệ hồ sơ trực tuyến/ Tổng số tiếp nhận (%)

Kỳ trước chuyển sang

Tiếp nhận mới

Trực tuyến

Trực tiếp, dịch vụ bưu chính

1

Cấp tỉnh

288.802

7.647

40.853

240.302

14,15

2

Cấp huyện

58.612

846

25.173

32.593

42,95

3

Cấp xã

422.673

306

138.314

284.053

32,72

Tổng cộng

770.087

8.799

204.340

556.948

26,53

* Phân tích số lượng hồ sơ phát sinh của DVCTT trong năm 2022:

- Trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh năm 2022: Toàn tỉnh phát sinh 770.087 hồ sơ, trong đó 204.340 hồ sơ trực tuyến, chiếm tỷ lệ 26,53% (Cấp tỉnh phát sinh 288.802 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 37,5% tổng hồ sơ toàn tỉnh; cấp huyện phát sinh 85.612 hồ sơ chiếm tỷ lệ 7,61% tổng hồ sơ toàn tỉnh; cấp xã phát sinh 422.673 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 54,89% tổng hồ sơ toàn tỉnh).

- Ngoài ra, một số sở, ban, ngành có phát sinh số lượng hồ sơ trực tuyến nhiều trên hệ thống khác do Bộ, ngành, Trung ương triển khai và chưa đồng bộ được với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh. Cụ thể:

Sở Giao thông vận tải: phát sinh 3.592 hồ sơ.

Sở Tài chính: phát sinh 1.359 hồ sơ.

Sở Giáo dục và Đào tạo: phát sinh 14.162 hồ sơ.

Sở Kế hoạch và Đầu tư: phát sinh 4.552 hồ sơ.

Bảng 2: Một số lĩnh vực phát sinh số lượng hồ sơ nhiều

STT

Đơn vị

Số lượng hồ sơ tiếp nhận

Tổng số

Trong kỳ

Từ kỳ trước

Trực tuyến

Trực tiếp, dịch vụ bưu chính

A

Cấp tỉnh

 

 

 

 

1

Sở Công Thương

22.336

22.163

158

15

 

Xúc tiến thương mại

22.021

21.927

94

-

2

Sở Giao thông Vận tải

2.328

1.875

380

73

 

Đường bộ

2.070

1.849

221

 

3

Sở Tài nguyên và Môi trường

250.827

12.453

231.236

7.138

 

Đăng ký biện pháp bảo đảm

93.447

7.043

86.374

30

 

Đất đai

156.821

5.315

144.681

6.825

4

Sở Y tế

2.059

1.759

77

223

 

Dược phẩm

1.294

1.083

27

184

B

Cấp huyện

85.245

26.311

50.474

8.460

 

Chứng thực

4.066

1.966

2.100

-

 

Hộ tịch (Tư pháp)

3.538

148

3.138

252

 

Đất đai

37.730

3.885

273.364

6.481

C

Cấp xã

442.556

155.481

284.015

3.060

 

Chứng thực

322.239

106.096

216.051

92

 

Hộ tịch (Tư pháp)

105.796

45.660

58.301

1.835

 

Đất đai

2.799

402

1.914

483

- Phân tích một số lĩnh vực có số lượng hồ sơ phát sinh nhiều trong năm 2022:

Lĩnh vực Đất đai: toàn tỉnh phát sinh 197.350 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 24% tổng hồ sơ toàn tỉnh; tuy nhiên chỉ có 9.602 hồ sơ trực tuyến, chiếm tỷ lệ 5% tổng hồ sơ phát sinh lĩnh vực đất đai.

Lĩnh vực Hộ tịch: toàn tỉnh phát sinh 109.334 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 13% tổng hồ sơ toàn tỉnh; trong đó có 45.808 hồ sơ trực tuyến, chiếm tỷ lệ 42% tổng hồ sơ phát sinh lĩnh vực hộ tịch.

Lĩnh vực Chứng thực: toàn tỉnh phát sinh 326.305 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 40% tổng hồ sơ toàn tỉnh; trong đó có 108.062 hồ sơ trực tuyến, chiếm tỷ lệ 33% tổng hồ sơ phát sinh lĩnh vực chứng thực.

2. Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số (Hệ thống EMC)

Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng trong đó có quy định về Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số (Hệ thống EMC), giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng để thực hiện.

Ngày 04/10/2022 Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản số 4946/BTTTT-CĐSQG về việc hướng dẫn triển khai Nghị định số 42/2022/NĐ-CP trong đó có triển khai Hệ thống EMC, yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố kết nối toàn diện, triệt để Cổng thông tin điện tử và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính với Hệ thống EMC để thực hiện đo lường đánh giá, theo dõi, quản lý việc cung cấp và hiệu quả sử dụng thông tin và dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước.

Hệ thống EMC kết nối, thu thập và đánh giá dữ liệu của 3 loại đối tượng gồm: (1) Cổng Thông tin điện tử, (2) Cổng Dịch vụ công, (3) Hệ thống Một cửa điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dữ liệu dùng để đánh giá là dữ liệu thô do máy sinh ra, được thu thập theo thời gian thực nên bảo đảm tính khách quan và độ chính xác.

3. Phân tích đánh giá tồn tại, hạn chế, nguyên nhân tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tỉnh Lâm Đồng thấp:

- Theo báo cáo chuyên đề tuần 51/2022 (Tài liệu tham khảo phục vụ Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số) thì Lâm Đồng là 1 trong 5 tỉnh có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến thấp nhất tỷ lệ 2,94%.

Bảng 3: Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của các địa phương (số liệu thống kê từ ngày 01/01/2022 đến 20/12/2022)

HỒ SƠ TRỰC TUYẾN CAO NHẤT

HỒ SƠ TRỰC TUYẾN THẤP NHẤT

Hồ sơ trực tuyến

Tỷ lệ

Hồ sơ trực tuyến

Tỷ lệ

Hòa Bình

88,45%

Hà Tĩnh

6,60%

Quảng Ninh

74,70%

Quảng Bình

5,89%

Hà Nam

67,71%

Gia Lai

4,09%

Lạng Sơn

67,12%

Lâm Đồng

2,94%

TP. Đà Nẵng

65,44%

Bắc Kạn

0,52%

- Đối với nhóm 05 địa phương có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến cao (Bảng 3), 02/05 địa phương đều sử dụng Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính do Tập đoàn VNPT triển khai (Hà Nam, Lạng Sơn).

- Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính có quy định nội dung về Tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính cụ thể “Kiểm tra danh tính số của cá nhân, tổ chức. Trường hợp cá nhân, tổ chức chưa có danh tính số, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại Bộ phận Một cửa thực hiện cấp danh tính số cho cá nhân, tổ chức theo hướng dẫn thực hiện cấp tài khoản trên Cổng Dịch vụ công quốc gia”. Tuy nhiên thời gian qua việc cấp danh tính số trên hệ thống Cổng dịch vụ công tỉnh Lâm Đồng chưa được triển khai triệt để theo quy định, số lượng tài khoản được cấp trên hệ thống chưa nhiều.

- Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến được tính bằng số lượng hồ sơ nộp trực tuyến của các dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4 so với tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính. Hệ thống EMC chỉ thống kê tính tỷ lệ trên các hồ sơ trực tuyến mà người dân, doanh nghiệp đăng nhập bằng tài khoản đã đăng ký (bằng một trong các hình thức: Tài khoản định danh điện tử VneID; Đăng ký tài khoản bằng thuê bao di động; Đăng ký tài khoản bằng Bảo hiểm xã hội; Đăng ký tài khoản bằng Sim ký số; Đăng ký tài khoản bằng USB ký số; Đăng ký tài khoản bằng Bưu điện Việt Nam).

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Lâm Đồng không quy định bắt buộc các hồ sơ trực tuyến khi giao dịch phải nộp bằng cách thức đăng nhập bằng tài khoản của cá nhân, tổ chức. Phần lớn hồ sơ phát sinh do người dân hay nhân viên tại bộ phận một cửa các cấp nhập mà không cần có tài khoản đăng ký do đó toàn bộ số lượng hồ sơ này sẽ không được cộng vào để tính vào tỷ lệ hồ sơ trực tuyến theo cách tính của hệ thống EMC.

Qua bảng số liệu dịch vụ công năm 2022 (bảng 1) cho thấy hiện tại số lượng hồ sơ nộp trực tiếp hay qua dịch vụ bưu chính chiếm tỷ lệ cao (72,32%), trong khi đó số lượng hồ sơ nộp trực tuyến chiếm tỷ lệ thấp (26,53%). Điều này cho thấy người dân chưa thật sự nhận thức được lợi ích mang lại của dịch vụ trực tuyến, chưa nhận thấy được cần thiết, để từ đó hình thành thói quen giải quyết thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến, người dân chưa tiếp xúc nhiều với công nghệ nên đã lựa chọn cách thức nộp hồ sơ và trả kết quả trực tiếp tại bộ phận một cửa các cấp.

- Trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin tuy đã được trang bị nhưng còn thiếu và chưa đồng bộ, hạn chế việc tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân, tổ chức... đây cũng là nguyên nhân gây khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

- Qua khảo sát hiện nay, có 11/63 tỉnh, thành đã tích hợp nền tảng trợ lý ảo (chatbot) tư vấn trả lời tất cả các nội dung thủ tục hành chính công trên cổng dịch vụ công trực tuyến (tỉnh Lâm Đồng chưa triển khai); có 24/63 tỉnh, thành có triển khai tổng đài 1022 để hỗ trợ người dân, tổ chức (tỉnh Lâm Đồng chưa triển khai). Hệ thống phản ánh kiến nghị về thủ tục hành chính tỉnh lâm Đồng đang vận hành hệ thống của Chính phủ giao tại địa chỉ https://dichvucong.gov.vn

II. Kế hoạch nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh

1. Mục đích

a) Triển khai và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 25/5/2022 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 25/5/2022 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về đẩy mạnh CCHC trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025 định hướng đến năm 2030; Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/06/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

b) Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, thay đổi cách thức quản trị hành chính từ truyền thống sang hiện đại, góp phần hình thành công dân số, doanh nghiệp số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.

b) Trên cơ sở những tồn tại, hạn chế nêu trên xác định nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện, góp phần nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

c) Phấn đấu tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến thuộc nhóm 15 tỉnh đứng đầu cả nước.

d) Nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

a) Người đứng đầu các cấp, các ngành, địa phương; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) không ngừng nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến nói riêng và cải cách hành chính nói chung.

b) Tổ chức triển khai có hiệu quả việc cải thiện và nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến là nhiệm vụ của tất cả các cấp, các ngành.

3. Nhiệm vụ, phân công thực hiện:

3.1. Công tác tham mưu chỉ đạo:

a) Tiếp tục rà soát, kiến nghị đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công của tỉnh.

- Đơn vị thực hiện: Các Sở, ban, ngành; UBND cấp huyện; UBND cấp xã.

- Đơn vị phối hợp: Trung tâm Phục vụ hành chính công.

- Thời gian thực hiện: thường xuyên

b) Tham mưu, triển khai các cơ chế chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

- Đơn vị thực hiện: Các Sở, ban, ngành; UBND cấp huyện; UBND cấp xã.

- Đơn vị phối hợp: Trung tâm Phục vụ hành chính công.

- Thời gian thực hiện: thường xuyên.

c) Thí điểm thực hiện một số thủ tục hành chính thực hiện bằng hình thức chỉ tiếp nhận trực tuyến, ưu tiên các dịch vụ công có số lượng hồ sơ nhiều, quy trình thành phần hồ sơ thực hiện đơn giản.

- Đơn vị thực hiện: Các Sở, ban, ngành; UBND cấp huyện; UBND cấp xã.

- Đơn vị phối hợp: Trung tâm Phục vụ hành chính công.

- Thời gian thực hiện: quý II/2023.

d) Tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến để cán bộ công chức, người dân, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về lợi ích mang lại, cách thức thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Trong đó chú trọng đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng thụ hưởng, đa dạng hình thức tuyên truyền (tờ gấp, đĩa CD, điện thoại di động, qua hệ thống truyền thanh cơ sở, lồng ghép trong các buổi họp thôn, tổ dân phố, ...)

- Đơn vị thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông.

- Đơn vị phối hợp: Trung tâm phục vụ hành chính công, Các Sở, ban, ngành; UBND cấp huyện; UBND cấp xã

- Thời gian thực hiện: thường xuyên.

e) Chuẩn hóa quy trình ISO, cập nhật quy trình điện tử.

- Đơn vị thực hiện: Các Sở, ban, ngành; UBND cấp huyện; UBND cấp xã.

- Đơn vị phối hợp: Sở Khoa học và công nghệ, Trung tâm phục vụ hành chính công.

- Thời gian thực hiện: thường xuyên

g) Kiểm tra, đánh giá trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hồ sơ thủ tục hành chính tồn đọng, quá hạn.

- Đơn vị thực hiện: Trung tâm phục vụ hành chính công.

- Đơn vị phối hợp: các Sở, ban, ngành; UBND cấp huyện; UBND cấp xã

- Thời gian thực hiện: thường xuyên.

h) Tham mưu chính sách miễn, giảm phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến

- Đơn vị thực hiện: Các Sở, ban, ngành; UBND cấp huyện; UBND cấp xã

- Đơn vị phối hợp: Trung tâm phục vụ hành chính công.

- Thời gian thực hiện: thường xuyên.

3.2. Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cung cấp thông tin dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước, đảm bảo an toàn an ninh mạng

a) Nâng cấp cổng dịch vụ công tỉnh Lâm Đồng đáp ứng quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; Nghị định 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; các hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ và Bộ Thông tin Truyền thông.

- Đơn vị thực hiện: Trung tâm phục vụ hành chính công.

- Đơn vị phối hợp: các Sở, ban, ngành; UBND cấp huyện; UBND cấp xã

- Thời gian thực hiện: Quý II/2023 và thường xuyên.

b) Hướng dẫn cho cá nhân tạo tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc cấp định danh điện tử (Trong trường hợp cá nhân, tổ chức chưa có danh tính số) theo quy định tại Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

- Đơn vị thực hiện: Trung tâm Phục vụ hành chính công; Bộ phận một của các cấp; Công an tỉnh.

- Đơn vị phối hợp: các sở, ban, ngành, tổ công nghệ số cộng đồng.

- Thời gian thực hiện: thường xuyên

c) Nâng cấp đường truyền đảm bảo hoạt động của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Lâm Đồng.

- Đơn vị thực hiện: Trung tâm phục vụ hành chính công

- Thời gian thực hiện: Tháng 03/2023 và thường xuyên.

d) Bổ sung các tiện ích trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Lâm Đồng:

- Triển khai trợ lý ảo tư vấn trả lời tất cả các nội dung thủ tục hành chính công tỉnh Lâm Đồng

Đơn vị thực hiện: Trung tâm phục vụ hành chính công.

Đơn vị phối hợp: các Sở, ban, ngành; UBND cấp huyện; UBND cấp xã.

Thời gian thực hiện: Theo lộ trình của Chính phủ giao và thường xuyên.

- Xây dựng tổng đài hỗ trợ người dùng gọi điện thoại miễn phí để được tư vấn, giải đáp thông tin thủ tục hành chính, quy định, chính sách; gửi ý kiến góp ý, phản ánh đến đường dây nóng tỉnh.

Đơn vị thực hiện: Trung tâm phục vụ hành chính công.

Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ban, ngành, các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện và UBND cấp xã.

Thời gian thực hiện: Quý IV/2023 và thường xuyên.

- Triển khai thực hiện Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Đơn vị thực hiện: Trung tâm phục vụ hành chính công.

Đơn vị phối hợp: Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã.

Thời gian thực hiện: thường xuyên.

e) Đầu tư, mua sắm bổ sung trang thiết bị để phục vụ người dân và doanh nghiệp trực tiếp thực hiện các dịch vụ công trực tuyến tại bộ phận một cửa từ cấp tỉnh đến cấp xã.

- Đơn vị thực hiện: Trung tâm phục vụ hành chính công; các Sở, ban, ngành; UBND cấp huyện; UBND cấp xã.

- Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Tài chính.

- Thời gian thực hiện: Quý II/2023 và thường xuyên.

3.3. Kết nối, chia sẻ dữ liệu

a) Rà soát các thủ tục hành chính trong phạm vi sở, ngành, địa phương để xác định và công bố Danh mục dịch vụ công trực tuyến toàn trình, dịch vụ công trực tuyến một phần theo quy định.

- Đơn vị thực hiện: Trung tâm phục vụ hành chính công.

- Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên

b) Kết nối toàn diện, triệt để Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Lâm Đồng với Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số (hệ thống EMC) để thực hiện đo lường đánh giá, theo dõi, quản lý việc cung cấp và hiệu quả sử dụng thông tin và dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước theo hướng dẫn tại Phụ lục II, III, IV văn bản số 4946/BTTTT-CĐSQG ngày 04/10/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn triển khai Nghị định số 42/2022/NĐ-CP. Thường xuyên theo dõi, điều chỉnh kịp thời khi có thay đổi hệ thống đảm bảo kết nối giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Lâm Đồng hệ thống EMC của Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Đơn vị thực hiện: Trung tâm phục vụ hành chính công.

- Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông.

- Thời gian thực hiện: Tháng 03/2023

c) Số hóa kết quả giải quyết TTHC đang còn hiệu lực và có giá trị sử dụng thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để đảm bảo việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử hướng tới người dân, tổ chức chỉ phải cung cấp dữ liệu một lần cho các cơ quan nhà nước; Năm 2023, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đạt tỷ lệ tối thiểu tương ứng 60%, 50%, 45%.

- Đơn vị thực hiện: các Sở, ban, ngành; UBND cấp huyện; UBND cấp xã.

- Đơn vị phối hợp: Trung tâm phục vụ hành chính công.

- Thời gian thực hiện: thường xuyên.

d) Phối hợp với đơn vị triển khai Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Lâm Đồng cung cấp tài khoản để Sở Thông tin và Truyền thông theo dõi, giám sát việc cung cấp và hiệu quả sử dụng thông tin thông tin và dịch vụ công trực tuyến của các cấp trên địa bàn tỉnh.

- Đơn vị thực hiện: Trung tâm phục vụ hành chính công.

- Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông.

- Thời gian thực hiện: Tháng 03/2023

e) Thu thập, thống kê, rà soát cập nhật làm sạch các dữ liệu đảm bảo thông tin công dân luôn “đúng, đủ, sạch, sống” theo hướng dẫn của các bộ, cơ quan.

- Đơn vị thực hiện: công an tỉnh; các Sở, ban, ngành; UBND cấp huyện; UBND cấp xả.

- Đơn vị phối hợp: Trung tâm phục vụ hành chính công.

- Thời gian thực hiện: thường xuyên.

g) Không yêu cầu xác nhận chứng minh thư nhân dân 9 số trong giải quyết công việc cho cá nhân, tổ chức khi đã có thẻ căn cước công dân gắn chíp.

- Đơn vị thực hiện: các Sở, ban, ngành; UBND cấp huyện; UBND cấp xã.

- Thời gian thực hiện: thường xuyên.

h) Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ công, thanh toán không dùng tiền mặt đối với lĩnh vực y tế, lĩnh vực giáo dục, chi trả trợ cấp đối với các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội.

- Đơn vị thực hiện: các Sở, ban, ngành; UBND cấp huyện; UBND cấp xã.

- Thời gian thực hiện: thường xuyên.

3.4. Nhân lực

a) Tăng cường bố trí nhân lực, cán bộ có trình độ sử dụng thành thạo các ứng dụng, phần mềm tại bộ phận một cửa các cấp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tạo tài khoản và đăng nhập vào hệ thống để thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến trên cổng dịch vụ công (không làm thay).

- Đơn vị thực hiện: Trung tâm phục vụ hành chính công; các Sở, ban, ngành; UBND cấp huyện; UBND cấp xã.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

b) Tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng cho nhân viên tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận một cửa các cấp. Xác định đây là lực lượng trọng tâm để hỗ trợ người dân trong việc đăng ký và đăng nhập hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, từ đó góp phần tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến.

- Đơn vị thực hiện: Trung tâm phục vụ hành chính công; các Sở, ban, ngành; UBND cấp huyện; UBND cấp xã.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

c) Tập huấn cho Tổ công nghệ số cộng đồng về Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Lâm Đồng, về dịch vụ công trực tuyến. Xác định đang là lực lượng trọng tâm trong công tác tuyên truyền tại cơ sở về lợi ích dịch vụ công trực tuyến mang lại cho người dân, từ đó nâng cao nhận thức và ý thức sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Tập huấn chuyển đổi số cho lực lượng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh

- Đơn vị thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông

- Đơn vị phối hợp: Trung tâm phục vụ hành chính công; các Sở, ban, ngành; UBND cấp huyện; UBND cấp xã.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

d) Đưa việc giới thiệu, hướng dẫn sử dụng Dịch vụ công trực tuyến vào chương trình ngoại khóa, sinh hoạt chuyên đề cho học sinh THPT, sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng, giáo viên các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, sinh hoạt chuyên đề cho giáo viên. Xác định đây là lực lượng tuyên truyền, hỗ trợ triển khai dịch vụ công trực tuyến tại từng hộ gia đình, tại địa phương.

- Đơn vị thực hiện: Sở Giáo dục và Đào tạo

- Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông; Trung tâm phục vụ hành chính công, các Sở, ban, ngành; UBND cấp huyện; UBND cấp xã.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

III. Tổ chức thực hiện

- Giám đốc/Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Giám đốc Trung tâm Phục vụ Hành chính công; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, UBND cấp xã và các cơ quan, tổ chức có liên quan tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ theo kế hoạch đã đề ra. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu phát sinh những khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Thông tin và Truyền thông) để được xem xét, giải quyết.

- Giao Sở Thông tin và Truyền thông theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện Kế hoạch này tại các cơ quan, địa phương, đơn vị; kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh các giải pháp để khắc phục những hạn chế, yếu kém phát sinh (nếu có) nhằm nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh Lâm Đồng./.

 


Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh;
- UBND cấp huyện, cấp xã;
- Báo, Đài PT-TH Lâm Đồng;
- Lưu: VT, VX.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm S

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 1995/KH-UBND năm 2023 về khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của tỉnh Lâm Đồng

  • Số hiệu: 1995/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 20/03/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Phạm S
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản