Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 196/KH-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 12 tháng 7 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

CẢI THIỆN, NÂNG CAO CHỈ SỐ XANH CẤP TỈNH (PGI) ĐẾN NĂM 2025

Theo kết quả công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI), theo đó tỉnh Vĩnh Phúc xếp vị trí thứ 9 với 16,35 điểm. Đây là một hợp phần về môi trường được tích hợp trong điều tra PCI năm 2022. Chỉ số PGI được công bố thường niên và sẽ trải qua một lộ trình thử nghiệm, hoàn thiện và phát triển, với mong muốn đây sẽ là một công cụ chính sách hữu ích, có thể bổ trợ chỉ số PCI để thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện môi trường đảm bảo phát triển bền vững tại Việt Nam trong thời gian tới.

Để tiếp tục duy trì và nâng cao Chỉ số PGI, tạo chuyển biến tích cực về môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch cải thiện và nâng cao Chỉ số PGI trên địa bàn tỉnh như sau.

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Duy trì và nâng cao Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) của tỉnh một cách bền vững; tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về ý nghĩa và tâm quan trọng của Chỉ số PGI; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh trong việc duy trì và cải thiện kết quả, thứ bậc xếp hạng Chỉ số PGI của tỉnh, góp phần thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện môi trường đảm bảo phát triển bền vững tại tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian tới.

2. Mục tiêu cụ thể

Duy trì và nâng cao Chỉ số PGI của tỉnh Vĩnh Phúc nằm trong Tốp 10 tỉnh có chỉ số PGI dẫn đầu cả nước trong những năm tiếp theo; phấn đấu cải thiện số điểm của các chỉ số thành phần cụ thể như sau:

1. Chỉ số giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của BĐKH (cho doanh nghiệp): Duy trì đạt từ 4,35 điểm trở lên (Vĩnh Phúc đang thứ hạng 8).

2. Chỉ số đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu: Đạt từ 5,51 điểm trở lên (Vĩnh Phúc đang thứ hạng 10).

3. Chỉ số Vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh: Phấn đấu từ điểm số từ 4,48 (thứ hạng 15) lên 4,68 điểm trở lên (điểm hạng thứ 10).

4. Chỉ số chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường: Phấn đấu điểm số 2,02 (thứ hạng 24) lên 2,30 điểm trở lên (điểm hạng thứ 10).

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CẢI THIỆN CÁC CHỈ SỐ THÀNH PHẦN CỦA CHỈ SỐ PGI

1. Chỉ số thành phần 1: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của BĐKH (Minimizing Risk):

1.1. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương về ô nhiễm môi trường, BĐKH và ứng phó với những tác động của BĐKH.

1.2. Triển khai xây dựng các cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu theo quy hoạch, qua đó giảm thiểu, giảm nhẹ tác động tiêu cực của thiên tai đối với doanh nghiệp. Chủ động các phương án ứng phó với thiên tai và BĐKH, tập trung nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai; kịp thời khắc phục hậu quả sau thiên tai, giảm mức thấp ảnh hưởng đến đời sống nhân và hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

1.3. Ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý về lĩnh vực bảo vệ môi trường.

1.4. Yêu cầu các khu công nghiệp, CCN đang hoạt động, đầu tư mới phải đầu tư, xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng KCN, CCN theo quy định tại Điều 51 và Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường.

1.5. Tăng cường công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm về môi trường, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

1.6. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường tự động; yêu cầu các chủ nguồn thải lắp đặt và kết nối dữ liệu quan trắc môi trường tự động nước thải, khí thải về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát trực tiếp theo quy định của pháp luật.

1.7. Điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu. Đối với các Khu công nghiệp đang quy hoạch cần thực hiện việc đánh giá tác động của BĐKH đến KCN và lên phương án thực hiện xây dựng có tích hợp thích ứng với BĐKH.

1.8. Nghiên cứu, xây dựng các công trình bằng vật liệu tại chỗ, công nghệ cao để tăng độ bền công trình.

1.9. Tuyên truyền, khuyến khích các tổ chức, cá nhân chuyển đổi, thay thế nguồn cung cấp năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang các dạng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, sinh khối, khí sinh học...

1.10. Nâng cao năng lực chống ngập lụt đô thị trong điều kiện biến đổi khí hậu.

1.11. Tăng cường hoạt động kiểm soát khí thải từ hoạt động giao thông vận tải.

1.12. Tăng cường, thúc đẩy các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất công nghiệp, giao thông, đặc biệt là đối với các đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm, cận trọng điểm.

2. Chỉ số thành phần 2: Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu (Maintaining Standards):

2.1. Triển khai xây dựng các phương án phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường cấp tỉnh, cấp huyện.

2.2. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; phát hiện, xử lý nghiêm, kịp thời các vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

2.3. Đầu tư hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch được phê duyệt, trong đó đẩy nhanh tiến độ các dự án đang thực hiện đầu tư và chuẩn bị đầu tư (Gồm: 1-Thoát nước và xử lý nước thành phố Vĩnh Yên giai đoạn II - Lưu vực phía Tây thành phố Vĩnh Yên; 2- Hệ thống thu gom và xử lý nước thải tại các thị trấn Hương Canh, Thổ Tang, Tam Hồng, Yên Lạc, các điểm xử lý nước thải phân tán dọc sông Phan; 3- Xây dựng Nhà máy xử lý nước thải thành phố Vĩnh Yên giai đoạn II - Lưu vực phía Đông thành phố Vĩnh Yên; 4- Xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý nước thải khu vực thành phố Phúc Yên).

2.4. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó nâng cao tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

2.5. Duy trì tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát sinh nước thải từ 50 m3/ngày trở lên có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường đạt 100%.

3. Chỉ số thành phần 3: Thúc đẩy thực hành xanh (Environmental Leadership).

3.1. Tuyên truyền, phổ biến và tăng cường các hoạt động mua sắm xanh đối với dự án đầu tư, nhiệm vụ sử dụng ngân sách nhà nước. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước mua sắm xanh, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường được chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam.

3.2. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền hướng dẫn về hoạt động sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo; bảo tồn, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

3.3. Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tăng tần suất, thời lượng và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền. Tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ làm công tác quản lý, bảo vệ môi trường của các Sở, ngành, UBND các cấp và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

3.4. Tổ chức ít nhất 1-2 lần/năm Hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp thông qua nhiều kênh giao tiếp nhằm lắng nghe ý kiến phản ánh, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Qua đó chủ động giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, phát huy tính năng động, sáng tạo trong thực thi chính sách nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

3.5. Tăng cường bố trí ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường theo phân cấp ngân sách hiện hành.

3.6. Tăng cường tuyên truyền hướng dẫn doanh nghiệp về sử dụng nước tiết kiệm, giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa và sử dụng các sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường.

3.7. Hướng dẫn doanh nghiệp trong việc áp dụng các giải pháp để hạn chế ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường không khí.

3.8. Giữ ổn định tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2025 là 25%, tăng cường thực hiện tái trồng rừng.

4. Chỉ số thành phần 4: Chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường (Environmental Incentives).

4.1. Đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp bằng nhiều hình thức mới, hiệu quả cao hơn, đảm bảo công tác chăm sóc nhà đầu tư tại chỗ và tạo điều kiện đẩy mạnh xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước qua đó giúp các doanh nghiệp nắm bắt, tìm hiểu và tháo gỡ khó khăn trong bảo vệ môi trường.

4.2. Tiếp tục rà soát, đề xuất triển khai chính sách khuyến công, trong đó ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất trong quá trình chuyển đổi xanh. Khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường.

4.3. Nghiên cứu, xây dựng và thực hiện các chương trình, nhiệm vụ, kế hoạch dài hạn để triển khai giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí, môi trường nước, giảm thiểu rác thải nhựa, tái chế rác thải trên địa bàn tỉnh.

4.4. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu xây dựng, triển khai chính sách khuyến khích, hỗ trợ về tăng khả năng chống chịu thiên tai và hỗ trợ tái trồng rừng.

4.5. Tăng cường hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ tư vấn và dịch vụ đào tạo để cải thiện hoạt động môi trường trên địa bàn tỉnh.

4.6. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng; tăng cường, khuyến khích các ngành ít sử dụng năng lượng.

4.7. Tham mưu ban hành cơ chế chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2030.

III. Tổ chức thực hiện:

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Chủ trì cùng các Sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch cải thiện, nâng cao chỉ số PGI cấp tỉnh đến năm 2025. Rà soát, đề xuất các giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số PGI cấp tỉnh;

b) Thực hiện đối thoại với các doanh nghiệp, các huyện thành phố về lĩnh vực môi trường của mình ít nhất 01-02 lần/năm trong năm. Giải quyết theo thẩm quyền hoặc kịp thời tham mưu, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc về lĩnh vực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

c) Chịu trách nhiệm theo dõi, báo cáo định kỳ trước ngày 31/12 hàng năm về việc triển khai thực hiện Kế hoạch này.

d) Triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp ở các mục 1.1, 1.6, 2.1 (đối với cấp tỉnh), 2.2, 2.4, 2.5 (đối với các cơ sở thuộc thẩm quyền cấp tỉnh quản lý), 3.3, 3.6 (trừ nội dung về sử dụng nước), 3.7, 4.3, 4.5 của Kế hoạch này.

2. Ban Quản lý các KCN:

a) Hỗ trợ cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp trong KCN; chủ động nắm bắt và đề xuất các biện pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.

b) Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các KCN đã được chấp thuận chủ trương đầu tư; tăng cường kiểm tra, giám sát việc đầu tư xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung trên địa bàn tỉnh đảm bảo 100% các KCN trên địa bàn tỉnh đang hoạt động có đầy đủ hạ tầng bảo vệ môi trường.

c) Tổ chức kiểm tra các cơ sở trong KCN về bảo vệ môi trường theo quy định.

d) Triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp ở các mục 1.4, 1.7, 2.2, 3.3, 3.4, 4.1 của Kế hoạch này đối với KCN.

3. Sở Công Thương:

a) Hỗ trợ cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp trong CCN; chủ động nắm bắt và đề xuất các biện pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.

b) Chủ trì thanh tra, kiểm tra, đánh giá thực hiện quy hoạch, chính sách, pháp luật, hiệu quả hoạt động của CCN theo quy định.

c) Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc đầu tư xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường của các CCN trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đến năm 2025 có 100% các CCN (đang hoạt động hoặc xây dựng mới) trên địa bàn tỉnh có hệ thống xử lý nước thải tập trung vận hành đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

d) Triển khai thực hiện nhiệm vụ và giải pháp ở các mục 1.4, 1.7, 1.9, 1.12 (đối với lĩnh vực công nghiệp), 3.2, 4.2, 4.6, 4.7 của Kế hoạch này đối với CCN.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

a) Chủ trì phối hợp các Sở ngành hướng dẫn, triển khai về đấu thầu thực hiện dự án, nhà đầu tư sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường được chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam.

b) Tiếp tục duy trì bộ phận thường trực chương trình gặp gỡ doanh nhân theo quy định của UBND tỉnh. Phối hợp với các Sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan kịp thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng hấp dẫn.

c) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến tại mục 3.1 và triển khai thực hiện nhiệm vụ tại mục 3.1, 4.1 của Kế hoạch này.

5. Sở Tài chính:

a) Chủ trì hướng dẫn chi tiết nội dung thực hiện mua sắm xanh đối với các dự án, nhiệm vụ sử dụng ngân sách nhà nước.

b) Hàng năm, trên cơ sở đề nghị của các cơ quan, đơn vị, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình HĐND tỉnh bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường hàng năm đảm bảo cho công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và khả năng cân đối của ngân sách địa phương.

c) Triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp ở các mục 3.1, 3.5 của Kế hoạch này.

6. Công an tỉnh:

a) Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nghiêm đối với các loại tội phạm; nắm bắt tình hình đối với các nhà đầu tư đưa các dây chuyền, công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường.

b) Triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp ở mục 1.5 của Kế hoạch này.

7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Chủ trì phối hợp với các sở, ngành và địa phương tham mưu UBND tỉnh trong công tác phòng chống thiên tai.

b) Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp ở các mục 1.2, 3.6 (đối với lĩnh vực sử dụng nước), 3.8, 4.4 của Kế hoạch này.

8. Sở Khoa học và Công nghệ:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai có hiệu quả nhiệm vụ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ về bảo vệ môi trường và cấp nước sạch nông thôn phù hợp với điều kiện đặc thù của từng vùng; thẩm định công nghệ tiên tiến, phù hợp, thân thiện với môi trường; rà soát, xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương, định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá đối với các nội dung, hoạt động có liên quan.

b) Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ ở mục 1.3 của Kế hoạch này.

9. Sở Xây dựng: Chủ trì theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các huyện, thành phố đầu tư triển khai các công trình thoát nước, xử lý nước thải thuộc nhiệm vụ ở mục 2.3 và các nhiệm vụ ở các mục 1.8, 1.10 của Kế hoạch này.

10. Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài: Đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc (hợp phần 2 - Quản lý môi trường nước), đảm bảo các công trình xử lý nước thải được đầu tư đi vào hoạt động trong năm 2023 và theo dõi, đề xuất nâng cao hiệu quả của dự án sau đầu tư.

11. Sở Giao thông vận tải: Căn cứ chức năng nhiệm vụ của ngành, thực hiện các nhiệm vụ tại mục 1.11 và 1.12 (đối với lĩnh vực giao thông) của Kế hoạch này.

12. Các sở, ngành khác có liên quan: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công, chủ động thực hiện lồng ghép các chương trình, nhiệm vụ thực hiện nội dung liên quan đến Chỉ số PGI. Tổng hợp kết quả thực hiện, những khó khăn, vướng mắc đối với nội dung, nhiệm vụ được giao báo cáo UBND tỉnh theo quy định đồng thời gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp.

13. Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh: Chủ trì tổ chức điều tra khảo sát, đánh giá phản hồi của doanh nghiệp đối với 04 chỉ số thành phần của Chỉ số xanh PGI trên địa bàn tỉnh. Định kỳ hàng tháng tổ chức khảo sát, tổng hợp và phản ánh những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;

14. UBND các huyện, thành phố

a) Xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên cơ sở các nhiệm vụ của 04 chỉ số thành phần của Chỉ số xanh PGI của Kế hoạch thuộc thẩm quyền của các huyện, thành phố.

b) Triển khai thực hiện đầy đủ trách nhiệm của UBND cấp huyện đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Quyết định số 38/2022/QĐ-UBND ngày 15/11/2022 của UBND tỉnh về việc ban hành một số quy định về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

c) Chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện đầy đủ trách nhiệm đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Quyết định số 38/2022/QĐ-UBND ngày 15/11/2022 của UBND tỉnh về việc ban hành một số quy định về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

d) Ưu tiên bố trí kinh phí, huy động các nguồn lực tại địa phương, lồng ghép các chương trình, đề án, dự án thực hiện trên địa bàn để tham gia xây dựng các mô hình về bảo vệ môi trường và cấp nước sạch nông thôn.

Định kỳ trước ngày 15/12 hàng năm, các sở, ban, ngành có liên quan, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và UBND các huyện, thành phố báo cáo kết quả thực hiện về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 


Nơi nhận:
- TTTU, TT HĐND tỉnh (B/c);
- BCSĐ UBND tỉnh (B/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh;
- CV: NCTH;
- Lưu: VT, NN1.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vũ Chí Giang

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 196/KH-UBND năm 2023 về cải thiện, nâng cao Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) đến năm 2025 do tỉnh Vĩnh Phúc ban hành

  • Số hiệu: 196/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 12/07/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
  • Người ký: Vũ Chí Giang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/07/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản