Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SÓC TRĂNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 196/KH-UBND

Sóc Trăng, ngày 27 tháng 12 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NỘI DUNG SỐ 2 VỀ HỖ TRỢ NHÀ Ở THUỘC DỰ ÁN 1 CỦA CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ GIAI ĐOẠN 2021-2030, GIAI ĐOẠN I: TỪ NĂM 2021 ĐẾN NĂM 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG

Căn cứ Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ 2021 đến năm 2025 (Quyết định số 1719/QĐ-TTg);

Căn cứ Thông tư số 02/2022/TT-UBDT ngày 30/6/2022 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 -2030, giai đoạn I: từ 2021 đến năm 2025 (Thông tư số 02/2022/TT-UBDT ngày 30/6/2022)

Căn cứ Kế hoạch số 147/KH-UBND ngày 13/10/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 -2030, giai đoạn I: từ 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng;

Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng ban hành Kế hoạch thực hiện nội dung số 2 về hỗ trợ nhà ở thuộc Dự án 1 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030, giai đoạn l: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU

1. Mục đích

Triển khai hỗ trợ nhà ở theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 -2025 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng (sau đây gọi tắt là Chương trình), giúp hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, ấp đặc biệt khó khăn có điều kiện cải thiện về nhà ở, đảm bảo chất lượng, từng bước ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần giảm nghèo bền vững.

2. Yêu cầu

- Tổ chức triển khai thực hiện tốt việc hỗ trợ nhà ở đảm bảo chất lượng, hiệu quả và đúng đối tượng theo quy định.

- Xác định rõ trách nhiệm và phân công cụ thể cho các ngành, địa phương, đơn vị; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban ngành, địa phương, đơn vị trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao; có sự lồng ghép hiệu quả với việc thực hiện các nhiệm vụ chung của từng cơ quan, đơn vị.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Tổ chức tuyên truyền phổ biến chính sách

Tổ chức tuyên truyền về nội dung của Chương trình trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức phù hợp khác, trong đó tập trung phổ biến, giải thích trực tiếp đến người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số để nắm rõ các quy định về đối tượng, điều kiện hỗ trợ, hướng dẫn về trình tự thủ tục, hồ sơ hỗ trợ; về quyền lợi và nghĩa vụ của đối tượng thụ hưởng chính sách.

2. Nguyên tắc hỗ trợ và đối tượng thụ hưởng

a) Nguyên tắc hỗ trợ

- Hỗ trợ đến từng hộ gia đình để xây dựng mới hoặc sửa chữa, nâng cấp nhà ở đảm bảo về diện tích và chất lượng.

- Việc hỗ trợ phải đúng đối tượng, đảm bảo dân chủ, công khai, công bằng và minh bạch, tuân thủ các quy định của pháp luật và chính sách của Nhà nước.

- Hỗ trợ xây dựng nhà ở phải phù hợp với điều kiện thực tiễn, phong tục, tập quán của mỗi dân tộc, bảo tồn bản sắc văn hóa của từng dân tộc; gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới của địa phương.

- Thực hiện hỗ trợ theo nguyên tắc: Nhà nước hỗ trợ, Ngân hàng Chính sách cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia để xây dựng nhà ở đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng quy định; kết hợp lồng ghép các chương trình đầu tư, hỗ trợ khác của trung ương và địa phương để phát huy hiệu quả của chính sách.

b) Đối tượng thụ hưởng

- Hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sinh sống trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, ấp đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa có nhà ở hoặc nhà ở dột nát, hư hỏng.

- Hộ được hỗ trợ đất ở thì được đồng thời xem xét hỗ trợ nhà ở.

3. Số lượng hộ có nhu cầu hỗ trợ nhà ở: 3.099 hộ.

4. Thời gian thực hiện

Từ năm 2022 đến năm 2025, cụ thể:

- Năm 2022 là 623 hộ;

- Năm 2023 dự kiến khoảng 900 hộ;

- Năm 2024 dự kiến khoảng 900 hộ;

- Năm 2025 dự kiến khoảng 676 hộ.

5. Nội dung hỗ trợ và cách thực hiện

- Hỗ trợ đầu tư xây dựng 01 căn nhà theo phong tục tập quán của địa phương; nội dung hỗ trợ áp dụng theo quy định tại điểm c khoản 5 Mục III Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể: Xây mới hoặc sửa chữa, nâng cấp nhà ở hiện có; đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m2 với tiêu chí “3 cứng” (nền - móng cứng, khung - tường cứng, mái cứng) và tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên:

+ “Nền - móng cứng” là nền - móng nhà làm bằng các loại vật liệu có tác dụng làm tăng độ cứng của nền như: vữa xi măng-cát, bê tông, bê tông cốt thép, xây gạch/đá, gạch lát, gỗ;

+ “Khung - tường cứng” bao gồm hệ thống khung, cột, tường. Tùy điều kiện cụ thể, khung, cột được làm từ các loại vật liệu: bê tông cốt thép, thép, gỗ bền chắc; tường xây gạch/đá hoặc làm gỗ bền chắc;

+ “Mái cứng” gồm hệ thống đỡ mái và mái lợp. Tùy điều kiện cụ thể, hệ thống đỡ mái có thể làm từ các loại vật liệu: bê tông cốt thép, sắt, thép, gỗ bền chắc. Mái làm bằng bê tông cốt thép, lợp ngói. Trường hợp lợp bằng tole giả ngói, tôn lạnh, tôn cách nhiệt, tôn cán sóng và có kết cấu đỡ chắc chắn (khung sắt, gỗ...) liên kết bền chặt với tường xây, cột bê tông cốt thép thì mái tôn trong trường hợp này được coi là vật liệu bền chắc.

- Tùy theo điều kiện thực tế của từng địa phương, căn cứ nguyện vọng của các đối tượng thụ hưởng, Ủy ban nhân dân cấp xã vận động các hộ gia đình tự tổ chức xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở đảm bảo yêu cầu về diện tích và chất lượng theo quy định. Trường hợp người dân không thể tự xây dựng nhà ở, Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức xây dựng cho các đối tượng này đảm bảo yêu cầu về diện tích và chất lượng theo đúng quy định.

III. DỰ KIẾN TỔNG KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Nguồn vốn thực hiện

Thực hiện theo Nghị quyết số 49/NQ-HĐND ngày 30/8/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng phân bổ vốn đầu tư phát triển ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, Quyết định số 2282/QĐ-UBND ngày 31/8/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng về việc giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng (ngân sách trung ương) và Kế hoạch số 147/KH-UBND ngày 13/10/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng, cụ thể như sau:

a) Dự kiến tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước là: 137.199,081 triệu đồng. Trong đó:

- Ngân sách trung ương là 124.726,442 triệu đồng.

- Ngân sách địa phương là 12.472,639 triệu đồng.

b) Đối với vốn tín dụng cho vay ưu đãi: Các đối tượng được hỗ trợ nhà ở nếu đủ điều kiện vay vốn sẽ được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025.

Ngoài ra, tùy theo điều kiện cụ thể mà các địa phương tổ chức vận động các tổ chức, cá nhân, dòng họ, hộ gia đình đóng góp để đảm bảo việc xây nhà ở chất lượng, khang trang hơn.

2. Nguyên tắc cấp kinh phí

a) Đối với nguồn vốn ngân sách hỗ trợ: Việc lập, phân bổ, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí thực hiện Chương trình thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công; cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Các cơ quan, đơn vị được phân bổ và giao dự toán kinh phí thực hiện Chương trình chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng và quyết toán theo đúng quy định.

b) Đối với nguồn vốn vay: Hộ gia đình có nhu cầu vay vốn thực hiện theo hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách xã hội.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Xây dựng

- Là cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan hướng dẫn và tổ chức thực hiện nội dung Kế hoạch này đảm bảo hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra.

- Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện chi tiết hằng năm; đồng thời, thiết kế từ 3 đến 5 mẫu nhà ở gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã để tổ chức triển khai đến các hộ được hỗ trợ tham khảo, lựa chọn phù hợp với điều kiện và nhu cầu.

- Phối hợp với Ban Dân tộc, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính và các ngành có liên quan đôn đốc các đơn vị, địa phương trong quá trình thực hiện, đảm bảo việc hỗ trợ đúng đối tượng theo quy định; thường xuyên tổ chức kiểm tra tiến độ xây dựng và chất lượng nhà ở.

- Định kỳ 6 tháng (chậm nhất là ngày 05/6 hằng năm), hằng năm (chậm nhất là ngày 05/12 hằng năm) tổng hợp số liệu, báo cáo kết quả thực hiện gửi Ban Dân tộc tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Ban Dân tộc

- Tổng hợp, tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ chi tiết vốn thực hiện Chương trình (kể cả vốn sự nghiệp), đồng gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để tổng hợp chung trong kế hoạch trung hạn, hằng năm của tỉnh.

- Phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương có liên quan xác định đối tượng được hỗ trợ nhà ở.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Phối hợp, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp các phòng, đơn vị liên quan rà soát, kiểm tra, đảm bảo đúng đối tượng được hỗ trợ theo quy định.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Phối hợp với Sở Tài chính thông báo nguồn vốn thực hiện Chương trình trong kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tham mưu cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương để đối ứng thực hiện Chương trình.

- Phối hợp với Sở Tài chính, Ban Dân tộc tổng hợp chung nguồn vốn cho Chương trình hằng năm trong kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm; đồng thời, lồng ghép các nguồn lực có liên quan để thực hiện Chương trình.

5. Sở Tài chính

Phối hợp với Ban Dân tộc, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các ngành có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Chương trình theo khả năng cân đối của ngân sách địa phương; đồng thời, phối hợp các đơn vị liên quan hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình.

6. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh

- Thực hiện cho vay đối với các hộ gia đình được hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình theo quy định tại Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ và theo hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam.

- Hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, thủ tục vay vốn theo quy định, đảm bảo đơn giản, rõ ràng, để thực hiện.

7. Các sở, ngành tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ theo quy định tham gia phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của Kế hoạch này.

8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể tỉnh

Phối hợp với các sở, ngành chức năng có liên quan triển khai thực hiện nội dung Kế hoạch này; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân tích cực hưởng ứng Chương trình, tiếp tục tham gia ủng hộ "Quỹ người nghèo" để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các đối tượng thụ hưởng chính sách; đồng thời, tham gia phối hợp theo dõi kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình, nhất là công tác quản lý, sử dụng các nguồn lực thực hiện Chương trình, tránh thất thoát, lãng phí.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Căn cứ nội dung Kế hoạch này và tình hình thực tế của địa phương để chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn.

- Thường xuyên rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia của địa phương, đảm bảo hoạt động thông suốt, hiệu quả.

- Tổng hợp và phê duyệt danh sách đối tượng được thụ hưởng chính sách và đăng ký vay vốn về nhà ở trên địa bàn.

- Chỉ đạo các cơ quan có liên quan giải quyết các thủ tục về đất đai và giấy phép xây dựng (đối với các khu vực phải cấp phép xây dựng) để các hộ được hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở trong thời gian sớm nhất.

- Phối hợp các tổ chức, đoàn thể cùng cấp vận động cộng đồng giúp đỡ, hỗ trợ các hộ được hỗ trợ trong quá trình xây dựng và sửa chữa nhà ở.

- Thanh tra, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm trong việc triển khai hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình.

- Định kỳ 6 tháng (chậm nhất là ngày 05/6 hằng năm), hằng năm (chậm nhất là ngày 05/12 hằng năm) tổng hợp số liệu, báo cáo kết quả thực hiện gửi Ban Dân tộc tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn:

+ Tổ chức rà soát, lập danh sách các hộ gia đình được hỗ trợ nhà ở trên địa bàn.

+ Niêm yết công khai danh sách và mức hỗ trợ về nhà ở thuộc Chương trình tại trụ sở của Ủy ban nhân dân cấp xã.

+ Tổ chức việc lập biên bản xác nhận xây dựng nhà ở hoàn thành theo giai đoạn và biên bản xác nhận hoàn thành xây dựng nhà ở đưa vào sử dụng.

+ Lập hồ sơ hoàn công cho từng hộ gia đình được hỗ trợ nhà ở, bao gồm:

. Đơn đề nghị hỗ trợ về nhà ở của hộ gia đình;

. Biên bản xác nhận xây dựng nhà ở hoàn thành theo giai đoạn;

. Biên bản xác nhận hoàn thành xây dựng nhà ở đưa vào sử dụng;

. Các chứng từ giải ngân nguồn vốn hỗ trợ.

+ Hướng dẫn, giám sát để các hộ gia đình sử dụng kinh phí được hỗ trợ đúng mục đích, bảo đảm chất lượng nhà ở.

+ Tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện về kết quả thực hiện việc hỗ trợ về nhà ở trên địa bàn (gồm số hộ gia đình đã được hỗ trợ, số tiền hỗ trợ đã cấp cho các hộ gia đình và các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị trong quá trình thực hiện trên địa bàn).

+ Phối hợp với các tổ chức đoàn thể vận động các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, hỗ trợ thêm kinh phí để đảm bảo việc xây dựng nhà ở đạt yêu cầu về chất lượng và diện tích nhà ở.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện nội dung số 2 về hỗ trợ nhà ở thuộc Dự án 1 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng./.

 


Nơi nhận:
- TT. Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- CT và các PCT.UBND tỉnh;
- Các sở, ban ngành tỉnh;
- MTTQ và các đoàn thể tỉnh;
- Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Huỳnh Thị Diễm Ngọc

 

PHỤ LỤC

DỰ KIẾN KẾ HOẠCH VỐN THỰC HIỆN NỘI DUNG HỖ TRỢ NHÀ Ở THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ GIAI ĐOẠN I: TỪ NĂM 2021 ĐẾN NĂM 2025, TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG
(Kèm theo Kế hoạch số 196/KH-UBND ngày 27/12/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng)

Stt

Đơn vị hành chính

Nguồn vốn ngân sách dự kiến phân bổ (triệu đồng)

Ngân sách Trung ương

Ngân sách địa phương

Tổng cộng

1

Huyện Mỹ Xuyên

5.965,603

595,660

6.552,263

2

Thị xã Vĩnh Châu

28.978,070

2.897,807

31.875,877

3

Thị xã Ngã Năm

1.408,656

140,865

1.549,521

4

Huyện Mỹ Tú

9.417,873

941,787

10.359,660

5

Huyện Cù Lao Dung

120,742

12,074

132,816

6

Huyện Long Phú

12.597,411

1.259,741

13.857,152

7

Huyện Kế Sách

20.043,165

2.004,315

22.047,480

8

Huyện Thạnh Trị

15.696,454

1.569,645

17.266,099

9

Huyện Trần Đề

17.185,605

1.718,560

18.904,165

10

Huyện Châu Thành

11.349,744

1.134,974

12.484,718

11

Thành phố Sóc Trăng

1.972,119

197,211

2.169,330

Tổng

124.726,442

12.472,639

137.199,081

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 196/KH-UBND năm 2022 thực hiện nội dung số 2 về hỗ trợ nhà ở thuộc Dự án 1 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030, giai đoạn l: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

  • Số hiệu: 196/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 27/12/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Sóc Trăng
  • Người ký: Huỳnh Thị Diễm Ngọc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản