Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 194/KH-UBND

Bắc Ninh, ngày 28 tháng 5 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 03/CT-TTG NGÀY 19/01/2018 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ TĂNG CƯỜNG GIẢI QUYẾT VIỆC NUÔI CON NUÔI TRONG TÌNH HÌNH MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 19/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác giải quyết việc nuôi con nuôi trong tình hình mới, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai đầy đủ nội dung của Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 19/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức và toàn thể cán bộ, nhân dân trong tỉnh; xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn thực hiện, đảm bảo tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả;

- Xác định rõ trách nhiệm và sự phối hợp giữa các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp và đơn vị có liên quan trong triển khai, tổ chức thực hiện Chỉ thị, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.

2. Yêu cầu

- Việc xác định nội dung triển khai phải gắn với trách nhiệm theo chức năng, nhiệm vụ và phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của các cơ quan, đơn vị và Ủy ban nhân dân các cấp;

- Đảm bảo sự phối hợp liên ngành trong giải quyết việc nuôi con nuôi nhằm thực hiện tốt công tác tìm gia đình thay thế phù hợp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được thương yêu, chăm sóc, nuôi dưỡng trong môi trường gia đình; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong việc cho và nhận con nuôi.

II. NỘI DUNG, THỜI GIAN VÀ CƠ QUAN THỰC HIỆN

1. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến thường xuyên, sâu rộng về ý nghĩa nhân đạo và chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác giải quyết nuôi con nuôi; Tập huấn, hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tư pháp - hộ tịch trong công tác giải quyết việc nuôi con nuôi.

- Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp.

- Đơn vị phối hợp: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Uỷ ban nhân dân cấp huyện, các cơ quan, đơn vị có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Hàng năm.

2. Đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở bảo trợ xã hội đánh giá và lập danh sách trẻ em có nhu cầu được nhận làm con nuôi theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 15 Luật nuôi con nuôi và khoản 1, khoản 2 Điều 6 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ; Rà soát, đánh giá năng lực các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh, không phân biệt cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập trong việc giải quyết nuôi con nuôi theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ.

- Đơn vị chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Đơn vị phối hợp: Sở Tư pháp, các cơ quan, đơn vị có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Hàng năm.

3. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên công tác xã hội, cộng tác viên công tác xã hội thuộc các cơ sở trợ giúp xã hội về công tác giải quyết việc nuôi con nuôi, về các điều ước quốc tế về nuôi con nuôi và quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.

- Đơn vị chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Đơn vị phối hợp: Sở Tư pháp, các cơ quan, đơn vị có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

4. Kịp thời giải quyết và cấp đầy đủ kinh phí giải quyết việc nuôi con nuôi theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 114/2016/NĐ-CP ngày 08/7/2016 của Chính phủ quy định về lệ phí đăng ký nuôi con nuôi.

- Đơn vị chủ trì: Sở Tài chính.

- Đơn vị phối hợp: Sở Tư pháp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

- Thời gian thực hiện: Hàng năm.

5. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tiếp nhận, giải quyết việc nuôi con nuôi đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở các cơ sở trợ giúp xã hội nhằm ngăn ngừa và phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật; Đẩy mạnh công tác giám sát, quản lý việc tiếp nhận, sử dụng các khoản hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc nuôi con nuôi nhằm bảo đảm công khai, minh bạch và đúng pháp luật.

- Đơn vị thực hiện: Sở Tư pháp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan, đơn vị có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

6. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong giải quyết việc nuôi con nuôi nhằm thực hiện tốt công tác tìm gia đình thay thế cho trẻ em.

- Đơn vị thực hiện: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Ytế, Công an tỉnh, các cơ quan, đơn vị có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Sở, ngành: Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Y tế, Công an tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức thực hiện các nội dung được nêu trong Kế hoạch.

2. Giao Sở Tư pháp là đầu mối giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nội dung Kế hoạch; Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tư pháp tiến độ, tình hình thực hiện Kế hoạch theo quy định.

Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 19/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải quyết việc nuôi con nuôi trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch, nếu có khó khăn, vướng mắc phản ánh về Sở Tư pháp để tổng hợp, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp (Cục con nuôi);
- TT.Tỉnh ủy, TT.HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT.UBND tỉnh;
- Các Sở, ngành: Tư pháp, Tài chính,
Lao động- Thương binh và Xã hội,
Y tế, Công an tỉnh;
- Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, NC, CVP.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Tiến Nhường