Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG THI ĐUA - KHEN THƯỞNG TRUNG ƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/KH-HĐTĐKT

Hà Nội, ngày 24 tháng 5 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC ĐẠI HỘI THI ĐUA YÊU NƯỚC CÁC CẤP TIẾN TỚI ĐẠI HỘI THI ĐUA YÊU NƯỚC TOÀN QUỐC LẦN THỨ X

Thực hiện Luật Thi đua khen thưởng và Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, tiếp theo các kỳ Đại hội thi đua, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương xây dựng Kế hoạch tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước các cấp, tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X như sau:

I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU

1. Đánh giá kết quả của các phong trào thi đua yêu nước từ sau Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX (2015) với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đề ra phương hướng, nhiệm vụ đẩy mạnh phong trào thi đua và thực hiện công tác khen thưởng trong thời gian tới.

2. Biểu dương thành tích các phong trào thi đua và tôn vinh các tập thể, cá nhân Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, các gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu trong các ngành, các cấp, các lĩnh vực, vùng, miền trong cả nước, qua đó khơi dậy và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của từng ngành, từng địa phương.

3. Thông qua Đại hội khẳng định các bài học kinh nghiệm về tổ chức phong trào thi đua và công tác khen thưởng, về xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến cũng như những tồn tại, hạn chế cần khắc phục để tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng đạt được hiệu quả cao trong thời gian tới.

4. Tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước các cấp đảm bảo trang trọng, thiết thực, tiết kiệm, tránh phô trương, hình thức.

II. NỘI DUNG VÀ CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Những nội dung tập trung từ nay đến Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua khen thưởng. Các cơ quan thông tin truyền thông tập trung tuyên truyền về Đại hội thi đua, biểu dương ghi nhận những thành quả của phong trào thi đua yêu nước trên tất cả những lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước; mở rộng nhiều hình thức tuyên truyền, biểu dương các điển hình tiên tiến, các nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt, tạo không khí sôi nổi, chào mừng các ngày kỷ niệm lớn trong năm 2019 và 2020, chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.

- Các ngành, các cấp phát động đợt thi đua đặc biệt, sôi nổi, sâu rộng, thiết thực, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đi đôi với thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, giảm thiểu tai nạn giao thông, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, xây dựng bộ máy vững mạnh. Tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua trọng tâm: “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”. Tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện và tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Đồng thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc trong thực hiện các phong trào thi đua.

- Tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện tốt Luật thi đua, khen thưởng và các hướng dẫn thi hành, nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm chấp hành tốt các pháp luật và các chính sách về thi đua, khen thưởng. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng, để công tác thi đua, khen thưởng thực sự là động lực mạnh mẽ trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị.

- Chú trọng việc phát hiện các điển hình và nhân tố mới thực sự tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước, được quần chúng, tập thể suy tôn để biểu dương, tôn vinh kịp thời và đề nghị các hình thức khen thưởng phù hợp, xứng đáng, đồng thời có kế hoạch bồi dưỡng, nhân rộng để các điển hình tiêu biểu được lan tỏa thực sự hiệu quả trong cuộc sống.

2. Hình thức, thời gian tổ chức Đại hội thi đua các cấp

a) Đối với cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn, công ty, tổng công ty thuộc tỉnh, bộ, ngành) và trên cơ sở (quận, huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh);

- Hình thức tổ chức: Tùy quy mô và đặc điểm đơn vị, có thể lựa chọn các hình thức như: “Hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến”, “Hội nghị biểu dương người tốt, việc tốt”, “Hội nghị biểu dương những người lao động giỏi, lao động sáng tạo” hoặc “Đại hội thi đua yêu nước”.

- Thành phần và số lượng đại biểu:

+ Thành phần: Tập thể và cá nhân Anh hùng, Chiến sĩ thi đua, các gương điển hình tiên tiến tiêu biểu.

+ Số lượng: Do đơn vị tổ chức quyết định trên cơ sở đề xuất của Thường trực Hội đồng Thi đua khen thưởng của cấp đó.

- Thời gian tổ chức: 01 buổi vào Quý I và Quý II/2020.

b) Đối với các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương; tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập:

- Hình thức tổ chức: Đại hội Thi đua yêu nước.

- Thành phần và số lượng đại biểu:

+ Thành phần: Tập thể và cá nhân Anh hùng, Chiến sĩ thi đua, các gương điển hình tiên tiến tiêu biểu.

+ Số lượng: Do đơn vị tổ chức quyết định trên cơ sở đề xuất của Thường trực Hội đồng Thi đua khen thưởng; lưu ý đảm bảo tính cân đối, cơ cấu đại diện các ngành, lĩnh vực, các thành phần kinh tế, dân tộc, tôn giáo, đại biểu nữ, đại biểu trẻ tuổi, đại biểu là cán bộ, chiến sĩ, nhân viên, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp...

- Thời gian tổ chức: 01 buổi hoặc 01 ngày (tùy theo tính chất của đơn vị) vào Quý III/2020.

Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương sẽ chỉ đạo điểm Đại hội Thi đua tại Bộ Quốc phòng, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An vào Quý II/2020 để rút kinh nghiệm chỉ đạo chung.

c) Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X sẽ tiến hành vào cuối Quý IV năm 2020 (có kế hoạch cụ thể riêng).

3. Nội dung Đại hội

- Khai mạc Đại hội.

- Báo cáo đánh giá, biểu dương phong trào thi đua yêu nước của bộ, ngành, địa phương, đơn vị. Đây là nội dung quan trọng cần được chuẩn bị công phu, chất lượng, bám sát mục đích, yêu cầu của Đại hội. Báo cáo phải nêu được những nét mới, sáng tạo, những phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, những mô hình mới góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị (có thể xây dựng phóng sự, video clip, hình ảnh để minh họa cho nội dung báo cáo)

- Báo cáo tham luận của các điển hình tiên tiến (tập thể và cá nhân). Chú trọng lựa chọn điển hình thật sự tiêu biểu trong 5 năm qua và có sức lan tỏa, để lại ấn tượng tại Đại hội.

- Tổ chức các hoạt động giao lưu với các điển hình tiên tiến.

- Biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các điển hình tiêu biểu.

- Phát động phong trào thi đua.

- Thông qua danh sách đại biểu đi dự Đại hội cấp trên.

- Tổng kết và bế mạc.

Căn cứ vào các nội dung, yêu cầu nêu trên, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị có thể tổ chức các hình thức đa dạng, phong phú, sáng tạo nhằm tạo không khí phấn khởi, vui tươi và cũng là niềm tự hào đối với các tập thể, cá nhân được tôn vinh cũng như các đại biểu được về dự Đại hội.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ Kế hoạch này, các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện.

2. Quá trình triển khai và chuẩn bị Đại hội, các bộ, ban, ngành, địa phương định kỳ báo cáo Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương để theo dõi và phối hợp giải quyết những vấn đề vướng mắc.

3. Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương hướng dẫn tổ chức thực hiện Kế hoạch này./.

 


Nơi nhận:
- Thường trực Ban Bí thư (để báo cáo);
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các ban của Đảng;
- Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Quản lý vốn nhà nước;
- Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty Nhà nước;
- Thành viên HĐ TĐKT Trung ương;
- Lưu: VT, Vụ I (10b).

TM. HỘI ĐỒNG
PHÓ CHỦ TỊCH NƯỚC,
PHÓ CHỦ TỊCH THỨ NHẤT




Đặng Thị Ngọc Thịnh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 19/KH-HĐTĐKT năm 2019 về tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước các cấp tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương ban hành

  • Số hiệu: 19/KH-HĐTĐKT
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 24/05/2019
  • Nơi ban hành: Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương
  • Người ký: Đặng Thị Ngọc Thịnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/05/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản