Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 188/KH-UBND

Thái Bình, ngày 31 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

NÂNG TRÌNH ĐỘ CHUẨN ĐƯỢC ĐÀO TẠO CỦA GIÁO VIÊN MẦM NON, TIỂU HỌC, TRUNG HỌC CƠ SỞ NĂM 2022 TỈNH THÁI BÌNH

Căn cứ Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ về việc Quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; Kế hoạch số 681/KH-BGDĐT ngày 28/8/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở giai đoạn 1 (2020-2025).

Căn cứ Kế hoạch số 75/KH-UBND ngày 28/5/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở giai đoạn 2021-2025 tỉnh Thái Bình; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở năm 2022 tỉnh Thái Bình, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, ĐỐI TƯỢNG

1. Mục đích

Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ và Kế hoạch số 75/KH-UBND ngày 28/5/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và yêu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh.

2. Yêu cầu

Rà soát, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, lựa chọn giải pháp phù hợp để triển khai thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra của năm, đồng thời sắp xếp đảm bảo có đủ giáo viên giảng dạy tại các cơ sở giáo dục.

3. Đối tượng áp dụng

Giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục (sau đây gọi chung là giáo viên) trong các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục, gôm: Trường Mầm non, Trường Tiểu học, Trường Trung học cơ sở, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; cơ sở giáo dục khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học hoặc trung học cơ sở chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019, gồm:

a) Giáo viên mầm non chưa có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên, tính từ ngày 01/7/2020 còn đủ 07 năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.

b) Giáo viên tiểu học chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên tiểu học hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 01/7/2020 còn đủ 08 năm công tác (96 tháng) đối với giáo viên có trình độ trung cấp, còn đủ 07 năm công tác (84 tháng) đối với giáo viên có trình độ cao đẳng đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.

c) Giáo viên trung học cơ sở chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 01/7/2020 còn đủ 07 năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.

II. SỐ LƯỢNG

Cấp học

Số lượng

Trình độ hiện tại

Trình độ nâng chuẩn

Mầm non

24

24 trung cấp

Cao đẳng

Tiểu học

245

12 trung cấp, 233 cao đẳng

Đại học

Trung học cơ sở

101

101 cao đẳng

Đại học

Tổng

370

36 trung cấp, 334 cao đẳng

24 cao đẳng, 346 đại học

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Lựa chọn cơ sở đào tạo; xác định hình thức đào tạo

Căn cứ vào thực tế của địa phương và chỉ tiêu, số lượng giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tham gia đào tạo theo kế hoạch; căn cứ vào thông báo tuyển sinh và các chính sách trong tuyển sinh, đào tạo cũng như việc bảo đảm chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn các cơ sở đào tạo phù hợp để thực hiện đào tạo đảm bảo chất lượng và đủ chỉ tiêu cử đi học theo Kế hoạch.

2. Thực hiện chế độ, chính sách cho giáo viên

Bảo đảm thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách về lương, phụ cấp và các chế độ chính sách hiện hành cho giáo viên theo đúng các quy định hiện hành.

3. Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát quá trình đào tạo để bảo đảm chất lượng đào tạo; sơ kết, đánh giá tình hình, chất lượng của việc đào tạo hàng năm

- Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát và phối hợp nắm bắt thông tin thường xuyên giữa các cơ sở giáo dục với cơ sở đào tạo và giáo viên trong suốt quá trình triển khai thực hiện đào tạo nâng chuẩn cho giáo viên để bảo đảm chất lượng đào tạo.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý theo Luật Giáo dục 2019.

- Tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả đào tạo của từng năm, từng khoá, kịp thời điều chỉnh và khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc.

4. Quyền và trách nhiệm của giáo viên tham gia đào tạo nâng chuẩn trình độ chuẩn

a) Quyền của giáo viên tham gia đào tạo nâng chuẩn trình độ chuẩn

- Được cơ quan quản lý, sử dụng tạo điều kiện về thời gian; được hỗ trợ tiền học phí (áp dụng theo quy định hiện hành của pháp luật đối với sinh viên sư phạm).

- Được tính thời gian đào tạo vào thời gian công tác liên tục.

- Được hưởng 100% lương và các chế độ, phụ cấp theo đúng quy định của pháp luật.

b) Trách nhiệm của giáo viên được cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn

- Thực hiện các quy định về đào tạo, quy chế và quy định về thời gian đào tạo; chịu sự quản lý của cơ sở đào tạo trong thời gian tham gia các hoạt động đào tạo.

- Có cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 02 lần thời gian đào tạo.

- Trong suốt thời gian khóa học, giáo viên vẫn phải thực hiện các nhiệm vụ công tác theo quy định khi không phải tham gia các hoạt động đào tạo.

- Trường hợp giáo viên không hoàn thành chương trình đào tạo theo thời gian quy định dẫn đến phải kéo dài thời gian đào tạo thì phải tự túc các khoản chi phí đào tạo phát sinh trong thời gian đào tạo kéo dài.

c) Đền bù chi phí đào tạo

- Giáo viên được cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn được đào tạo phải đền bù chi phí đào tạo khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động trong thời gian đào tạo.

Không được cơ sở đào tạo cấp bằng tốt nghiệp, trừ trường hợp có lý do khách quan bất khả kháng được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

Đã hoàn thành và được cấp bằng tốt nghiệp khóa học nhưng bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết theo quy định.

- Chi phí đền bù, cách tính tiền đền bù, trình tự, thủ tục đền bù chi phí đào tạo áp dụng thực hiện theo các quy định hiện hành của pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.

IV. PHƯƠNG THỨC VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Phương thức

Việc đào tạo nâng trình độ chuẩn của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở được thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ đối với đào tạo đạt trình độ cao đẳng và đặt hàng đối với đào tạo đạt trình độ cử nhân theo quy định hiện hành của pháp luật với cơ sở đào tạo giáo viên.

2. Kinh phí

- Kinh phí thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên năm 2022 do ngân sách địa phương bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

- Các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục bảo đảm kinh phí để chi trả các chế độ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 10 Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ cho giáo viên được cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn.

- Việc thanh toán kinh phí đào tạo nâng trình độ chuẩn của giáo viên cho các cơ sở đào tạo được giao nhiệm vụ, đặt hàng theo quy định của pháp luật.

- Dự toán kinh phí:

Nguồn kinh phí

Kinh phí (đồng)

Ngân sách nhà nước

6.246.700.000

Kinh phí đơn vị ngoài công lập

152.100.000

Tổng

6.398.800.000

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này bảo đảm về nội dung, mục tiêu và tiến độ.

- Đề xuất kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện kế hoạch nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên năm 2022, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Chủ trì tham mưu thực hiện chế độ, chính sách đối với giáo viên đang đi học đạt trình độ chuẩn đào tạo theo quy định; phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn thực hiện kinh phí năm 2022 bảo đảm theo đúng các quy định hiện hành.

- Phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong, ngoài tỉnh để tổ chức đào tạo và thi cấp bằng theo quy định.

- Đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, tổng hợp kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

2. Sở Tài chính

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch này theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện kinh phí năm 2022 bảo đảm theo đúng các quy định hiện hành.

3. Sở Nội vụ

Theo chức năng, nhiệm vụ, phôi họp với Sở Giáo dục và Đào tạo trong triển khai, theo dõi, giám sát việc thực hiện Kế hoạch.

4. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố

Chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo, phòng Nội vụ và các đơn vị có liên quan của huyện, thành phố:

- Báo cáo tình hình thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên năm 2022, xây dựng kế hoạch đào tạo nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên năm 2023, trình Ủy ban nhân dân huyện, thành phố phê duyệt và gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo trước ngày 05/12/2022.

- Hướng dẫn các cơ sở giáo dục bố trí giáo viên tham gia các khóa đào tạo đảm bảo đủ số lượng, xây dựng phương án và có giải pháp bố trí, sắp xếp, điều tiết, phân công nhiệm vụ cho giáo viên hợp lý giữa các cơ sở giáo dục nhằm đảm bảo nguyên tắc, có đủ giáo viên giảng dạy và tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên tham gia đào tạo theo hình thức vừa làm, vừa học.

5. Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình

- Chuẩn bị tốt các điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực hiện đào tạo nâng trình độ chuẩn cho giáo viên, đảm bảo chất lượng đào tạo và chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo do đơn vị thực hiện khi được lựa chọn theo phương thức giao nhiệm vụ.

- Xây dựng chương trình, giáo trình, học liệu; xác định các hình thức học tập linh hoạt và phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên vừa làm, vừa học.

- Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong quá trình đào tạo nâng trình độ chuẩn cho giáo viên.

6. Các cơ sở giáo dục sử dụng giáo viên

- Lập danh sách giáo viên thuộc đối tượng nâng trình độ chuẩn; đề xuất năm tham gia đào tạo gửi về Phòng Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp.

- Căn cứ vào kế hoạch đào tạo được phê duyệt, bố trí, sắp xếp công việc phù  hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên vừa làm, vừa học.

- Bảo đảm các chế độ, chính sách đối với giáo viên theo quy định.

Trên đây là Kế hoạch nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở năm 2022 tỉnh Thái Bình, yêu cầu các sở, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện. Trong quá trình triển khai, thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, các đơn vị phản ánh về Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ngành, đơn vị có liên quan;
- UBND huyện, thành phố;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, KGVX.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thị Bích Hằng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 188/KH-UBND năm 2021 về nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở năm 2022 tỉnh Thái Bình

  • Số hiệu: 188/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 31/12/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thái Bình
  • Người ký: Trần Thị Bích Hằng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 31/12/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản