Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐNỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 187/KH-UBND

Hà Nội, ngày 05 tháng 7 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA RƯỢU, BIA TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2022

Căn cứ Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019; Nghị định số 24/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Quyết định số 3400/QĐ-BYT ngày 01/8/2019 của Bộ Y tế ban hành Kế hoạch triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia trong ngành Y tế và Công văn số 308/BYT-DP ngày 18/01/2022 của Bộ Y tế về việc tăng cường phòng, chống tác hại của rượu, bia, Ủy ban nhân dân Thành phố xây dựng Kế hoạch thực hiện Phòng, chống tác hại của rượu, bia trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; tăng cường các hoạt động thông tin, truyền thông, giáo dục về tác hại của việc lạm dụng rượu, bia đối với sức khỏe, cộng đồng và xã hội; phổ biến chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức người lao động và Nhân dân trên địa bàn Thành phố.

- Triển khai thi hành nghiêm quy định về các biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia theo đúng quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

2. Yêu cầu

- Việc tuyên truyền, phổ biến, triển khai thi hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia trên địa bàn Thành phố được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng phù hợp với đối tượng được tuyên truyền đảm bảo kịp thời, chất lượng, hiệu quả.

- Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc triển khai thi hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

- Chú trọng, đẩy mạnh hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng để phòng, chống tác hại của rượu, bia.

- Đối với người lạm dụng rượu, bia: Cần chủ động tiếp cận, tạo điều kiện thuận lợi để điều trị cai nghiện tại cộng đồng và phòng, chống tái nghiện.

II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI

Toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang và Nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội.

III. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP

1. Công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành

- Thành lập mới Ban Chỉ đạo liên ngành về phòng, chống tác hại của rượu, bia hoặc lồng ghép hoạt động phòng, chống tác hại rượu, bia trong nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá của Thành phố và Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá các Sở, ban, ngành, Đoàn thể, cơ quan, đơn vị từ Thành phố đến cơ sở.

- Các cấp ủy đảng, chính quyền tăng cường quán triệt, tổ chức triển khai kịp thời nội dung của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và các văn bản quy định, hướng dẫn thi hành có liên quan tới các cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể nhân dân trên địa bàn.

- Lồng ghép nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện phòng, chống tác hại rượu, bia vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cơ quan, đơn vị, địa phương. Đưa quy định thực thi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia vào quy chế của cơ quan, đơn vị.

- Định kỳ họp cán bộ nòng cốt để chỉ đạo công tác thực thi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia kịp thời, hiệu quả. Tăng cường công tác, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai kế hoạch thực thi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia tại các đơn vị, địa phương.

2. Phổ biến, tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và các văn bản quy định, hướng dẫn thi hành có liên quan

Tổ chức tuyên truyền phổ biến nội dung của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và các văn bản quy định, hướng dẫn thi hành có liên quan bằng nhiều hình thức, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của từng đối tượng, địa phương như:

2.1. Thông qua lồng ghép chuyên đề trong các hội nghị, lớp tập huấn, cập nhật kiến thức pháp luật mới theo kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Đơn vị thực hiện: Các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể, Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện, thị xã và cấp xã, phường, thị trấn.

2.2. Đăng tải, cập nhật nội dung Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật lên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử.

Đơn vị thực hiện: các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể, Ủy ban nhân dân các cấp có cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử thường xuyên, kịp thời đăng tải, cập nhật nội dung Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia lên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử.

2.3. Tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin, truyền thông

- Xây dựng các tin bài, ảnh, chuyên mục thông tin trên báo chí; tổ chức tuyên truyền trên hệ thống thông tin cơ sở, trong đó, tập trung tuyên truyền trên đài truyền thanh cơ sở về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và các văn bản hướng dẫn thực hiện, chú trọng tuyên truyền trong dịp tết Nguyên đán và mùa Lễ hội, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng để phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe con người, gia đình, trật tự an toàn xã hội.

- Đẩy mạnh hoạt động thông tin, giáo dục truyền thông đồng thời tổ chức chương trình, chiến dịch truyền thông trong dịp tết cổ truyền và các ngày lễ, ngày hội nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Tập trung tuyên truyền các quy định về những hành vi bị nghiêm cấm; phòng, chống tác hại rượu, bia đối với người chưa đủ 18 tuổi; không uống rượu, bia trước và trong khi lái xe; không uống rượu, bia trước và trong thời gian làm việc và tại nơi làm việc; địa điểm không được uống, không được bán rượu, bia và các quy định khác trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Đơn vị thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các cơ quan thông tin, báo chí trên địa bàn Thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan.

2.4. Lồng ghép nội dung giáo dục về tác hại của lạm dụng rượu, bia vào các môn học chính khóa và hoạt động ngoại khóa phù hợp với các cấp học, bậc học.

Đơn vị thực hiện: Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Y tế.

3. Thực hiện các biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia

3.1. Thông tin, giáo dục truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen có hại để phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe con người, gia đình, cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội.

Đơn vị thực hiện: Sở Y tế chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin, báo chí trên địa bàn Thành phố.

3.2. Tăng cường thực hiện và kiểm tra, xử lý vi phạm quy định cấm sử dụng rượu, bia trước và trong giờ làm việc, tại nơi làm việc, giữa hai buổi trong ngày làm việc, ngày trực và đưa nội dung quy định về cấm sử dụng rượu, bia vào nội quy, quy chế làm việc và tổ chức, giám sát việc thực hiện.

Đơn vị thực hiện: Các cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn Thành phố.

3.3. Kiểm soát chặt chẽ việc quảng cáo rượu, bia trên địa bàn, bảo đảm việc quảng cáo rượu, bia tuân thủ các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và quy định khác của pháp luật về quảng cáo.

Đơn vị thực hiện: Sở thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã.

3.4. Thực hiện các biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia

- Quản lý chặt chẽ việc cấp phép sản xuất rượu, bia nhằm mục đích kinh doanh và giấy phép bán buôn, bán lẻ rượu, bia trên địa bàn; việc chấp hành các quy định về quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm và nhãn hàng hóa đối với rượu, bia.

- Tăng cường quản lý chặt chẽ việc cung cấp rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.

Đơn vị thực hiện: Sở Công Thương, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã.

- Tăng cường kiểm tra và thực hiện nghiêm việc cấp giấy phép kinh doanh rượu theo đúng quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và quy định khác của pháp luật về cấp phép kinh doanh.

Đơn vị thực hiện: Sở Công Thương, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã.

- Tăng cường biện pháp kiểm soát, kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm đối với rượu, bia sản xuất trong nước, nhập khẩu và biện pháp phòng, chống rượu, bia nhập lậu, giả và không đảm bảo chất lượng.

Đơn vị thực hiện: Sở Công Thương, Công an Thành phố.

4. Thực hiện các biện pháp giảm tác hại của rượu, bia

- Thực hiện sàng lọc, phát hiện sớm yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe của người uống rượu, bia; can thiệp giảm tác hại cho người có yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe ở cộng đồng.

- Phòng ngừa, can thiệp giảm tác hại của việc uống rượu, bia đối với sức khỏe; chẩn đoán, điều trị, phục hồi chức năng cho người mắc bệnh, rối loạn chức năng có liên quan đến uống rượu, bia; phòng, chống nghiện, tái nghiện và chăm sóc sức khỏe cho người nghiện rượu, bia tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

- Tổ chức, hướng dẫn can thiệp giảm tác hại của rượu, bia cho phụ nữ mang thai có hội chứng hoặc nguy cơ ngộ độc ở thai nhi; tư vấn cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú về tác hại của rượu, bia đối với thai nhi, trẻ em khi sử dụng dịch vụ tại cơ sở y tế, cơ sở trợ giúp xã hội.

Đơn vị thực hiện: Sở Y tế Hà Nội.

5. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, đặc biệt vào các dịp cao điểm để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

IV. KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG

Kinh phí thực hiện Kế hoạch từ nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế (Cơ quan thường trực)

- Phối hợp các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tăng cường hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia trên địa bàn Thành phố.

- Hướng dẫn các Sở, ban, ngành, Đoàn thể, cơ quan Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch hoạt động phòng chống tác hại của rượu, bia năm 2022 theo Kế hoạch của Ủy ban nhân dân Thành phố và hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; các Nghị định xử lý vi phạm tại các cơ quan, ban, ngành địa phương.

- Phối hợp với Sở Công Thương tăng cường quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất rượu, bia trên địa bàn Thành phố.

- Tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống tác hại của rượu, bia gắn liền với công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm.

- Chủ động cung cấp thông tin về các hoạt động triển khai và kết quả thực hiện Kế hoạch cho các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, các cơ quan báo chí để thực hiện công tác thông tin, truyền thông đạt hiệu quả.

- Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội thực hiện:

Phối hợp các Sở, ban, ngành liên quan:

(1) Tổ chức các lớp tập huấn về thực thi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật triển khai hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia cho các đơn vị liên quan.

(2) Triển khai công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe về tác hại của lạm dụng rượu, bia; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên tờ tin, website của các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp, đẩy mạnh công tác truyền thông sâu rộng trong cộng đồng dân cư tại các khu dân cư, tổ dân phố... Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai các dịch vụ phát hiện sàng lọc, điều trị can thiệp, phòng chống tái nghiện và chăm sóc liên tục dành cho người lạm dụng rượu, bia tại cộng đồng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Phối hợp các Sở, ban, ngành thực hiện tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện và các kiến nghị, đề xuất (nếu có) của các cơ quan, đơn vị, địa phương gửi Ủy ban nhân dân Thành phố, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan theo quy định.

2. Sở Công Thương

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đơn vị tại thành phố Hà Nội tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, khuyến mãi rượu, bia, cấp phép sản xuất, kinh doanh bán buôn sản phẩm rượu theo thẩm quyền.

- Phối hợp với các Sở, ban ngành, đơn vị liên quan kiểm tra, thanh tra việc thực hiện về cấm bán rượu, bia trong các cơ sở Y tế, cơ sở giáo dục, trong thời gian giảng dạy, học tập, làm việc; cơ sở khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi; cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở giam giữ phạm nhân và cơ sở giam giữ khác; cơ sở bảo trợ xã hội; nơi làm việc của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian làm việc, trừ địa điểm được phép kinh doanh rượu, bia.

- Thực hiện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, cam kết đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất rượu, bia theo quy định của pháp luật.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, bia; phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu, bán rượu tiêu dùng tại chỗ.

- Kiểm soát chặt chẽ sản lượng sản xuất rượu, bia theo quy định của pháp luật.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố trong việc quản lý các cơ sở sản xuất rượu, bia thủ công trên toàn địa bàn Thành phố.

3. Cục Quản lý Thị trường Hà Nội

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra phát hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh, mua bán, vận chuyển rượu, bia không đảm bảo tiêu chuẩn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

- Tăng cường các biện pháp phòng, chống rượu, bia nhập lậu, giả và không đảm bảo chất lượng.

4. Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch

- Quản lý chặt chẽ, tăng cường kiểm tra việc cấp phép hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, lễ hội, bảo đảm các hoạt động này không có quảng cáo, tiếp thị và tài trợ của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu, bia.

- Hướng dẫn các địa phương, cộng đồng dân cư cam kết không lạm dụng rượu, bia trong đám tang, đám cưới, lễ hội và đưa vào hương ước, quy chế nội bộ của tổ dân phố, cụm dân cư, làng, khu vực, thôn xóm.

5. Sở Thông tin và Truyền thông

- Tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo và thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về quảng cáo rượu, bia.

- Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc đăng tải thông tin, quảng cáo rượu, bia trên các phương tiện thông tin đại chúng; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin, báo chí trên địa bàn Thành phố tuyên truyền, phổ biến Luật và các văn bản hướng dẫn thực hiện; đưa tin, phản ánh các tổ chức, cá nhân, địa phương tổ chức, triển khai thực hiện tốt Luật; đăng bài phản ánh những tổ chức, cá nhân, địa phương thiếu nghiêm túc hoặc có những việc làm vi phạm Luật.

- Phối hợp với Sở Y tế, các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan hướng dẫn các cơ quan báo chí Thành phố, phối hợp cơ quan báo chí Trung ương ký chương trình phối hợp công tác với Thành phố và chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và các văn bản hướng dẫn thực hiện, góp phần nâng cao nhận thức của dân về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

6. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện lồng ghép các nội dung giáo dục của Luật vào các môn học chính khóa và hoạt động ngoại khóa phù hợp với các cấp học. Phối hợp với các ban, ngành chức năng kiểm tra việc thực thi các quy định của pháp luật về cấm bán rượu, bia trong trường học và khu vực xung quanh trường học.

- Phối hợp Sở Y tế triển khai các hoạt động tập huấn, truyền thông, điều tra, kiểm tra, giám sát hoạt động phòng chống tác hại của rượu, bia trên địa bàn Thành phố.

7. Công an Thành phố

- Chỉ đạo, tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật về nồng độ cồn trong máu và khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông.

- Phối hợp với các Sở, ban, ngành địa phương trong việc thực thi các quy định của Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia. Kịp thời phát hiện, xử lý theo quy định các trường hợp uống rượu, bia và đồ uống có cồn vi phạm pháp luật.

8. Sở Giao thông vận tải

Phối hợp với các Sở, ban, ngành địa phương trong việc thực thi các quy định của Luật; tổ chức các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông.

9. Sở Tài chính

Căn cứ Kế hoạch được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt, trên cơ sở đề xuất của các đơn vị, Sở Tài chính phối hợp với các đơn vị tham mưu, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố về nguồn kinh phí để triển khai thực hiện kế hoạch theo quy định.

10. Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội; các Báo Hànộimới, Kinh tế và Đô thị

- Phối hợp, xây dựng các chuyên mục, xây dựng tin, bài tuyên truyền, phổ biến, phản ánh, đưa tin trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành thực hiện các phóng sự, tọa đàm... về phòng, chống tác hại rượu, bia nhằm kêu gọi cộng đồng hưởng ứng tham gia thực thi Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.

11. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã của Thành phố

- Căn cứ kế hoạch này và tình hình thực tế tại địa phương, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, bố trí ngân sách theo phân cấp hiện hành để tổ chức thực hiện.

- Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật; tổ chức tuyên truyền việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia; đặc biệt là hành vi sử dụng rượu, bia trong thanh thiếu niên; tăng cường quản lý Nhà nước đối với sản xuất và kinh doanh rượu, bia thủ công tại địa phương.

12. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, các tổ chức thành viên của Mặt trận và tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội

- Phối hợp với Sở Y tế và các Sở, ban, ngành, địa phương nghiên cứu triển khai việc thực hiện “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn liền với các giải pháp của Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia. Huy động sự tham gia của các đoàn thể, tổ chức xã hội trong việc giám sát việc thực hiện các quy định của Luật. Phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong giám sát, phát hiện và kịp thời ngăn ngừa hành vi điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng rượu, bia, hành vi gây rối trật tự xã hội, bạo lực gia đình và các hành vi vi phạm pháp luật khác do sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác.

- Tuyên truyền, vận động Nhân dân, đoàn viên, hội viên thực hiện tốt chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia; đưa nội dung phòng, chống tác hại của rượu, bia vào nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức; thực hiện giám sát, phản biện xã hội trong lĩnh vực phòng, chống tác hại của rượu, bia theo quy định của pháp luật.

Trên đây là Kế hoạch Phòng, chống tác hại rượu, bia của thành phố Hà Nội. Ủy ban nhân dân Thành phố đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội; yêu cầu các Sở, ban, ngành, Đoàn thể, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã nghiêm túc triển khai thực hiện; Báo cáo kết quả triển khai thực hiện 6 tháng một lần về Sở Y tế để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố và Bộ Y tế theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- Đồng chí Bí thư Thành ủy;
- Các đồng chí Phó Bí thư Thành ủy;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Phó Chủ tịch TT Lê Hồng Sơn;
- Các Phó Chủ tịch UBND Thành phố;
- UBMTTQ VN TP HN;
- Ban Tuyên giáo Thành ủy;
- Văn phòng Thành ủy;
- Văn phòng ĐĐBQH&HĐND Thành phố;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố;
- Cục QLTT Hà Nội;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- Đài PTTH; các Báo: HNM, KT&ĐT;
- Cổng Thông tin điện tử Thành phố;
- VPUB: CVP, các PCVP;
- Các phòng: KGVX, HC-TC, TH;
- Lưu: VT, KGVXAn.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Chử Xuân Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 187/KH-UBND về phòng, chống tác hại của rượu, bia trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022

  • Số hiệu: 187/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 05/07/2022
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Chử Xuân Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản