Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/KH-UBND

Bình Định, ngày 12 tháng 03 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TRIỂN KHAI, ÁP DỤNG VÀ QUẢN LÝ HỆ THỐNG TRUY XUẤT NGUỒN GỐC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (sau đây viết tắt là Đề án); UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh, với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH

1. Tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ áp dụng, quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh có hiệu quả, phù hợp với quy định, nhằm tạo điều kiện các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan nhận thức các quy định; hướng dẫn truy xuất nguồn gốc, từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

2. Hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xây dựng mô hình áp dụng và chứng nhận truy xuất nguồn gốc, đảm bảo yêu cầu xuất khẩu, nâng cao chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa; nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế của các doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

II. YÊU CẦU

1. Xác định lộ trình triển khai cụ thể trong từng giai đoạn để hoàn thành một số mục tiêu cụ thể của Đề án.

2. Cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án trong áp dụng, quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với một số nhóm sản phẩm hàng hóa phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.

3. Thực hiện đúng quy định của pháp luật về triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

III. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

1. Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm, hàng hóa, bán và trao đổi hàng hóa, cung cấp dịch vụ có nhu cầu sử dụng mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa (sau đây viết tắt là tổ chức, cá nhân).

2. Tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị cung cấp dịch vụ giải pháp liên quan đến mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

3. Các cơ quan, đơn vị có chức năng quản lý nhà nước về mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

IV. NỘI DUNG

1. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa

a) Phổ biến, hướng dẫn văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quốc tế về hệ thống truy xuất nguồn gốc; hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc đến các đối tượng tham gia chuỗi cung ứng như các đơn vị: cung ứng, sản xuất, phân phối, bán lẻ, chứng nhận chất lượng sản phẩm và người tiêu dùng.

b) Tổ chức tập huấn, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm áp dụng các giải pháp về xây dựng, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc các nhóm sản phẩm, hàng hóa đến các đối tượng tham gia chuỗi cung ứng và cơ quan quản lý nhà nước liên quan; hướng dẫn kết nối, tham gia Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

c) Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức chuyên môn về nghiệp vụ truy xuất nguồn gốc; nghiệp vụ vận hành, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hóa của các Bộ chuyên ngành; nghiệp vụ tham gia Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

2. Xây dựng cơ sở hạ tầng truy xuất nguồn gốc

a) Xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng hệ thống truy xuất nguồn gốc của tỉnh; áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, máy tính, máy quét mã truy xuất và hệ thống chứng nhận truy xuất sản phẩm, hàng hóa của tỉnh.

b) Xây dựng, quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc theo thẩm quyền và kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia, bảo đảm công khai, minh bạch, xác thực thông tin truy xuất nguồn gốc.

3. Xây dựng dữ liệu, danh mục sản phẩm, nhóm sản phẩm trọng điểm, ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc

a) Khảo sát, xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin, nhu cầu của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, thị trường theo hướng ưu tiên thị trường hội nhập và yêu cầu về an toàn thực phẩm, đơn vị đã áp dụng mã số mã vạch.

b) Rà soát, lựa chọn danh mục sản phẩm, nhóm sản phẩm trọng điểm ưu tiên triển khai trên cơ sở các sản phẩm trọng điểm, sản phẩm đã được chứng nhận nhãn hiệu, sản phẩm OCOP; triển khai thí điểm áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của cơ quan quản lý, nhu cầu của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đối với danh mục sản phẩm, nhóm sản phẩm trọng điểm.

4. Quy định các sản phẩm bắt buộc áp dụng truy xuất nguồn gốc và lộ trình phù hợp theo nguyên tắc mức độ an toàn, khả năng thực thi và yêu cầu của thị trường xuất khẩu

Căn cứ mức độ an toàn, khả năng thực thi và yêu cầu của thị trường xuất khẩu để ban hành danh mục sản phẩm, nhóm sản phẩm bắt buộc triển khai truy xuất nguồn gốc theo lĩnh vực quản lý của các Sở, ban, ngành liên quan.

5. Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp hoạt động về truy xuất nguồn gốc

a) Khảo sát, phân loại để lựa chọn doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đáp ứng yêu cầu của Đề án: quy mô, nhóm sản phẩm, thị trường và yêu cầu quản lý, tập trung các doanh nghiệp có sản phẩm trọng điểm, đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế theo chuỗi giá trị (sản phẩm OCOP).

b) Tư vấn, hướng dẫn thủ tục đăng ký mã số mã vạch, xây dựng và triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc, kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

c) Hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh sử dụng mã số, mã vạch, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, các tiêu chuẩn quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế; đảm bảo tương tác, trao đổi dữ liệu với các hệ thống truy xuất nguồn gốc của doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

d) Hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đơn vị cung cấp dịch vụ giải pháp xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo các quy định của pháp luật trên nền tảng các doanh nghiệp đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng hoặc sản phẩm đã được chứng nhận chất lượng; hướng dẫn chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc đảm bảo chuẩn hóa, minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc.

đ) Hỗ trợ xây dựng một số mô hình điểm về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

6. Triển khai đề tài, dự án, nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ để phát triển các giải pháp, công nghệ (Blockchain, IoT, AI, Big data và các công nghệ mới phù hợp xu hướng phát triển của thế giới) ứng dụng trong hoạt động truy xuất nguồn gốc của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

V. LỘ TRÌNH VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Lộ trình thực hiện

a) Năm 2020:

- Thông tin, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn về truy xuất nguồn gốc.

- Khuyến khích các thành phần kinh tế khác nhau tham gia Kế hoạch.

- Xây dựng danh mục sản phẩm, nhóm sản phẩm trọng điểm ưu tiên.

- Xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật hệ thống truy xuất nguồn gốc.

- Triển khai một số mô hình điểm về truy xuất nguồn gốc trong danh mục sản phẩm trọng điểm ưu tiên.

b) Giai đoạn 2021 - 2025:

- Hỗ trợ các sản phẩm trọng điểm (chiếm tỷ trọng cao trong GRDP của tỉnh), sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, sản phẩm OCOP xây dựng và áp dụng truy xuất nguồn gốc.

- Thực hiện chính sách, quy định, danh mục sản phẩm, nhóm sản phẩm bắt buộc về truy xuất nguồn gốc.

c) Giai đoạn 2026 - 2030: Mở rộng áp dụng truy xuất nguồn gốc tối thiểu 30% doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa thuộc lĩnh vực nông lâm thủy sản; thực phẩm; thuốc chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện kết nối vào hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tỉnh.

2. Kinh phí thực hiện từ các nguồn vốn: Vốn Ngân sách nhà nước, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Khoa học và Công nghệ

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan giúp UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này, cụ thể:

+ Thực hiện quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tại địa phương.

+ Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan tổ chức hướng dẫn, quản lý và kiểm tra, giám sát việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tại địa phương.

+ Chủ trì đề xuất lựa chọn, xây dựng các mô hình thí điểm triển khai ứng dụng các công nghệ, giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa cho một số sản phẩm chủ lực của tỉnh.

+ Thực hiện các chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc từ nguồn kinh phí của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và sự hỗ trợ của nhà nước theo quy định.

- Chỉ đạo Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thực hiện việc quản lý nhà nước về hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tại địa phương, cụ thể:

+ Tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa cho công chức các sở, ban, ngành, địa phương liên quan và doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu.

+ Thông tin, tuyên truyền, kết nối với Trung tâm dữ liệu quốc gia; phối hợp với các cơ quan liên quan lựa chọn nhóm sản phẩm, nhóm doanh nghiệp thực hiện.

+ Hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân áp dụng hệ thống quản lý chất lượng; quản lý, kiểm tra, giám sát các tổ chức chứng nhận chất lượng và doanh nghiệp cập nhật cơ sở dữ liệu và chứng nhận chất lượng.

+ Hỗ trợ xây dựng các mô hình thí điểm triển khai ứng dụng các công nghệ, giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa tại địa phương.

+ Thực hiện báo cáo định kỳ hàng năm (vào ngày 15/12 hàng năm) hoặc đột xuất báo cáo UBND tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ về tình hình triển khai hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tại địa phương theo quy định.

- Chỉ đạo Trung tâm Thông tin - Ứng dụng khoa học và công nghệ Bình Định tổ chức triển khai ứng dụng công nghệ, giải pháp truy xuất nguồn gốc tại tỉnh; nghiên cứu xây dựng phần mềm truy xuất nguồn gốc có khả năng kết nối với cổng thông tin truy xuất nguồn gốc Quốc gia cho nhóm sản phẩm nông lâm thủy sản, thực phẩm của tỉnh.

2. Sở Tài chính

- Căn cứ dự toán ngân sách hàng năm cân đối, đề xuất UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch theo quy định phân cấp quản lý ngân sách hiện hành.

- Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc từ nguồn kinh phí của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và sự hỗ trợ của nhà nước.

3. Sở Thông tin và Truyền thông: Xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật cần thiết cho hệ thống truy xuất nguồn gốc của tỉnh.

4. Các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan

- Xây dựng danh mục sản phẩm, nhóm sản phẩm trọng điểm, hàng hóa ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc thuộc thẩm quyền.

- Đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành danh mục sản phẩm, nhóm sản phẩm bắt buộc triển khai truy xuất nguồn gốc theo lĩnh vực quản lý của các sở, ngành thực hiện trên cơ sở hướng dẫn, danh mục của các Bộ, ngành liên quan đảm bảo phù hợp với đặc thù của địa phương.

- Xây dựng chương trình, kế hoạch áp dụng truy xuất nguồn gốc các sản phẩm, hàng hóa theo thẩm quyền.

- Tuyên truyền, phổ biến kế hoạch để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc ngành, lĩnh vực quản lý tham gia.

- Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ quản lý, giám sát và xử lý vi phạm về truy xuất nguồn gốc đối với những sản phẩm, hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định.

5. Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Bình Định: Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện thông tin, tuyên truyền về công nghệ truy xuất nguồn gốc, các mô hình áp dụng có hiệu quả và các tổ chức làm tốt, nâng cao giá trị cho doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

6. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Chủ trì thực hiện Kế hoạch đối với sản phẩm, nhóm sản phẩm trọng điểm ưu tiên triển khai truy xuất tại địa phương và quản lý hoạt động này.

- Tuyên truyền, phổ biến về mục đích, yêu cầu và các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tại địa phương.

- Bố trí kinh phí triển khai Kế hoạch trên địa bàn quản lý.

- Đề xuất ban hành danh mục sản phẩm, nhóm sản phẩm bắt buộc triển khai truy xuất nguồn gốc theo lĩnh vực quản lý.

- Phối hợp với các cơ quan liên quan quản lý, giám sát việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc tại địa phương.

Yêu cầu các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch này; định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị kịp thời phản ánh về Sở Khoa học và Công nghệ để được hướng dẫn, giải quyết; trường hợp vượt thẩm quyền, Sở Khoa học và Công nghệ báo cáo, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Khoa học và Công nghệ;
- CT, PCT Nguyễn Phi Long;
- Các Sở: NN&PTNN, YT, TNMT, CT;
- Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh;
- UBND các huyện, TX, TP;
- CVP, PVP QT
- Lưu: VT, K16.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Phi Long

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 18/KH-UBND năm 2020 về thực hiện Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Bình Định

  • Số hiệu: 18/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 12/03/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
  • Người ký: Nguyễn Phi Long
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/03/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản