- 1Quyết định 491/QĐ-TTg năm 2018 phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 1746/QĐ-TTg năm 2019 về Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Công văn 5724/VPCP-KGVX năm 2020 quản lý, giám sát về rác thải sinh hoạt trên các lưu vực sông do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Chỉ thị 33/CT-TTg năm 2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa do Thủ tướng Chính phủ ban hành
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 177/KH-UBND | Kiên Giang, ngày 13 tháng 11 năm 2020 |
KẾ HOẠCH
HÀNH ĐỘNG VỀ QUẢN LÝ RÁC THẢI NHỰA VÀ RÁC THẢI NHỰA ĐẠI DƯƠNG ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG
Thực hiện Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động Quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030;
Thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa;
Thực hiện Công văn số 5724/VPCP-KGVX ngày 14/7/2020 của Văn phòng Chính phủ về việc quản lý, giám sát về rác thải sinh hoạt trên các lưu vực sông.
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hành động về quản lý chất thải nhựa và rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, với các nội dung cụ thể như sau:
I. TỔNG QUAN VỀ THỰC TRẠNG CHẤT THẢI RẮN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG
Tỉnh Kiên Giang nằm về phía Tây Nam của Việt Nam và thuộc vùng Tây-Bắc vùng đồng bằng sông Cửu Long, có tổng diện tích tự nhiên là 634.852,67 ha, ngư trường đánh bắt rộng 63.290 km2 và bờ biển hơn 200 km với hơn 140 hòn, đảo lớn nhỏ, có ranh giới quốc gia trên biển, giáp với các nước Campuchia, Thái Lan và Malaysia.
Kiên Giang có một mạng lưới thủy văn đa dạng, bao gồm biển Tây và một mạng lưới sông ngòi kênh rạch phong phú. Hệ thống sông ngòi của tỉnh với tổng chiều dài sông, kênh, rạch chiếm trên 2.054,93 km, phân bố hầu khắp trên toàn lãnh thổ. Ngoài các sông tự nhiên như sông Cái Lớn, sông Cái Bé, sông Giang Thành, còn có hệ thống kinh đào, gồm các kinh chính như: kinh Vĩnh Tế; kinh T3, kinh Tri Tôn, kinh Ba Thê, kinh Cái Sắn, kinh Thốt Nốt, kinh Thị Đội,... Hiện nay, nhiều kinh đổ ra biển đã có công trình cống ngăn mặn. Tỉnh Kiên Giang đã và đang thực hiện gần hoàn chỉnh hệ thống cống ngăn mặn tại các cửa sông, cửa kinh ven biển.
Năm 2019, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Kiên Giang khoảng 1.508 tấn/ngày. Trong đó, chất thải rắn sinh hoạt đô thị tỷ lệ thu gom đạt khoảng 91,27 %, tỷ lệ xử lý bằng phương pháp đốt và chôn lấp hợp vệ sinh đạt 44 %, tỷ lệ tái chế, thu hồi năng lượng đạt 30% (so với lượng phát sinh). Chất thải rắn sinh hoạt nông thôn phát sinh khoảng 833 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom đạt 35%, được người dân xử lý chủ yếu bằng hình thức tự chôn lấp hoặc đốt tại chỗ. Lượng chất thải công nghiệp nguy hại phát sinh trên 2.155,2 tấn/năm, thu gom đạt tỷ lệ 94%, được xử lý đạt 74%. Chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh khoảng 1,2 tấn/ngày, thu gom và xử lý đạt khoảng 98%.
Riêng thành phần rác thải nhựa trong rác thải sinh hoạt, tại thành phố Rạch Giá, rác thải nhựa chiếm 19% trong tổng lượng rác phát sinh (250 tấn/ngày). Mỗi ngày có 4,48 tấn rác thải nhựa thất thoát ra môi trường, tương đương 12,6% lượng rác thải nhựa phát sinh và phần lớn (77,4%) rác thải nhựa thất thoát ra môi trường là từ việc xả rác bừa bãi của người dân (WWF, 2019).
Theo quy hoạch tổng thể đến 2015, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang sẽ có 07 khu xử lý chất thải rắn liên huyện, 20 bãi chôn lấp khu vực nông thôn, 10 trạm trung chuyển chất thải rắn đô thị, 46 trạm trung chuyển khu vực nông thôn và 10 lò đốt rác ở các xã đảo. Giai đoạn đến 2020 và 2025: chuyển đổi chức năng các bãi chôn lấp chất thải rắn khu vực nông thôn thành trạm trung chuyển chất thải rắn nông thôn. Công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh đã dần được cải thiện. Tuy nhiên, do nguồn vốn bố trí đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị phục vụ cho công tác thu gom và xử lý chất thải rắn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; còn khó khăn về tuyến đường thu gom và vận chuyển (vùng sâu, vùng xa thuộc các khu vực nông thôn),...nên lượng rác thải trên địa bàn tỉnh chưa được thu gom, xử lý triệt để và đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
Về quản lý chất thải nhựa và rác thải nhựa đại dương, tỉnh Kiên Giang đã tổ chức triển khai các chương trình, hoạt động hưởng ứng Chương trình “Chống rác thải nhựa” quốc gia. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các đơn vị của tỉnh đã tham gia một số hoạt động kiểm kê, đánh giá và xây dựng giải pháp quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch hành động quản lý chất thải nhựa và rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang được xây dựng nhằm mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh và triển khai hiệu quả các hoạt động quản lý rác thải sinh hoạt, giảm thiểu phát thải và tác động của chất thải nhựa đối với môi trường và sức khỏe con người, góp phần trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh và Quốc gia.
II. MỤC TIÊU CỦA KẾ HOẠCH
1. Mục tiêu chung:
- Thực hiện có hiệu quả công tác quản lý chất thải nhựa, bao gồm cả rác thải nhựa đại dương, bảo đảm ngăn ngừa, hạn chế việc xả rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển.
- Góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 và bảo đảm xây dựng, thực hiện có hiệu quả Đề án tăng cường quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam.
- Nâng cao nhận thức và ứng xử về việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần của cộng đồng và xã hội.
2. Mục tiêu cụ thể:
a) Đến năm 2025;
- Giảm thiểu 30% rác thải nhựa thất thoát ra biển và đại dương.
- 80% lượng chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, vận chuyển, tự xử lý, xử lý tập trung đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
- Giảm thiểu được 50% ngư cụ bị thải bỏ trực tiếp xuống biển.
- 50% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, vận chuyển khách du lịch và dịch vụ du lịch khác có tiếp giáp với biển hoặc trên biển, đảo không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.
- Đảm bảo tối thiểu một năm hai lần phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch các bãi tắm biển trên toàn tỉnh và Khu bảo tồn biển Phú Quốc.
b) Đến năm 2030:
- Giảm thiểu 50% rác thải nhựa thất thoát ra biển và đại dương.
- 90% lượng chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, vận chuyển, tự xử lý, xử lý tập trung đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
- Kiểm soát hoàn toàn việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển.
- 75% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, vận chuyển khách du lịch và dịch vụ du lịch khác có tiếp giáp với biển hoặc trên biển, đảo không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.
- Duy trì đảm bảo tối thiểu một năm hai lần phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch các bãi tắm biển trên toàn tỉnh và Khu bảo tồn biển Phú Quốc.
- Tổ chức được một chiến dịch thu gom, làm sạch rác thải nhựa tại các dải rừng ngập mặn ven biển thuộc địa bàn tỉnh.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương:
a) Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các tổ chức, cá nhân có liên quan xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu chất thải nhựa, phân loại chất thải, chất thải nhựa; xây dựng phong trào liên minh chống rác thải nhựa; vận động người dân, cộng đồng dân cư lựa chọn sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường và đồng thời hạn chế hoặc không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần (bao gồm túi ni-lông khó phân hủy, bao gói nhựa thực phẩm, chai lọ nhựa, ống hút nhựa, hộp xốp đựng thực phẩm, cốc và bộ đồ ăn,...) để bảo vệ môi trường.
b) Các Sở: Du lịch, Giao thông vận tải, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các ngành, tổ chức, cá nhân có liên quan xây dựng và triển khai thực hiện các hoạt động truyền thông về quản lý, kiểm soát chất thải nhựa và rác thải nhựa đại dương từ các hoạt động kinh tế, xã hội trong phạm vi, trách nhiệm quản lý ngành, lĩnh vực. Tùy điều kiện cụ thể ở từng nơi, từng thời điểm, việc xây dựng và thực hiện các chương trình truyền thông về rác thải nhựa đại dương có thể tiến hành độc lập hoặc gắn với việc tổ chức ngày Du lịch thế giới 27/9, ngày Truyền thống ngành Du lịch Việt Nam 29/7, tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (01/6 - 08/6), ngày Môi trường thế giới 05/6, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn (tuần thứ 3 của tháng 9) và các hoạt động liên quan về môi trường, biển và đại dương trên địa bàn tỉnh.
c) Sở Công Thương chủ trì phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Du lịch và các tổ chức, cá nhân có liên quan vận động các doanh nghiệp xây dựng và thực hiện các hoạt động truyền thông và trách nhiệm xã hội về giảm thiểu sản phẩm nhựa, túi ni-lông dùng một lần gắn với phát triển thương hiệu của doanh nghiệp; nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa; xây dựng các mô hình cộng tác, tăng cường tính kết nối giữa doanh nghiệp và cộng đồng trong quản lý chất thải nhựa, trong đó bao gồm cả các chương trình tập trung hướng tới hệ thống cơ sở lưu trú du lịch, dịch vụ lớn.
d) Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường và các tổ chức liên quan thực hiện các chương trình đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm về rác thải nhựa đối với giáo viên, học sinh, sinh viên.
đ) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, thông tin về tác hại của chất thải nhựa, rác thải nhựa đại dương đối với môi trường, biển, đại dương, các hệ sinh thái biển và sức khỏe con người; các chương trình làm sạch bãi biển, thu gom và xử lý rác nhựa phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế tại địa phương.
e) Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang, Báo Kiên Giang và các cơ quan thông tấn, báo chí căn cứ tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí trực thuộc chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng chương trình, chuyên trang, chuyên mục để thông tin, tuyên truyền về tác hại của chất thải nhựa, rác thải nhựa đại dương đối với biển, đại dương, các hệ sinh thái biển, môi trường và sức khỏe con người; các chương trình thu gom, xử lý chất thải nhựa, rác thải nhựa đại dương; trách nhiệm của các doanh nghiệp, tổ chức, cộng đồng dân cư và người dân trong việc ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý chất thải nhựa, rác thải nhựa đại dương.
2. Thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải nhựa ở khu vực ven biển và trên biển:
a) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Tập trung đầu tư nguồn lực để tăng tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn quản lý đảm bảo đến 2025 tỷ lệ thu gom đạt 95% đối với khu vực đô thị và 80% đối với khu vực nông thôn; đến 2030 tỷ lệ thu gom đạt 100% đối với khu vực đô thị và 90% đối với khu vực nông thôn.
- Tập trung chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra và giám sát thường xuyên các tổ chức, cá nhân làm dịch vụ thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn trong việc thực hiện về tần suất thu gom, địa điểm đổ thải theo quy hoạch và quy trình xử lý, đảm bảo vệ sinh môi trường.
- Chỉ đạo phòng chuyên môn và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thuộc phạm vi quản lý tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý đối với hành vi “Thu gom, thải rác thải sinh hoạt trái quy định”; tổ chức ra quân xóa các đống rác, bãi rác tự phát không đúng nơi quy định, biến các “Điểm đen về rác thải” thành những công viên, vườn hoa phù hợp tình hình thực tế từng nơi; kiên quyết xử lý trách nhiệm của người đứng đầu nếu để địa phương mình xảy ra tình trạng vứt rác, đổ rác thải không đúng nơi quy định và không đúng mục đích.
- Chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đoàn thể và các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào, chiến dịch thu gom, làm sạch bãi biển tại địa phương và cộng đồng dân cư ven biển tối thiểu một năm hai lần.
b) Các cơ quan nhà nước các cấp đóng trên địa bàn tỉnh, các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc thực hiện một số các hoạt động cụ thể như sau:
- Gương mẫu, tích cực và đi đầu trong việc giảm thiểu chất thải nhựa; hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần (bao gồm túi ni-lông khó phân hủy, bao gói thực phẩm, chai lọ nhựa, ống hút, hộp xốp đựng thực phẩm, cốc và bộ đồ ăn,...); không sử dụng băng rôn, khẩu hiệu, chai, cốc, ống hút, chén, đũa nhựa,...dùng một lần tại công sở và trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp và ngày lễ kỷ niệm và các sự kiện khác; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường.
- Tiên phong, gương mẫu thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ngay tại công sở, bố trí thùng rác để phân loại rác thải tại các cơ quan, đơn vị; chất thải nhựa và các chất thải khác có thể tái chế không được để lẫn với chất thải hữu cơ; khuyến khích xây dựng và thực hiện các mô hình kiểu mẫu để làm cơ sở nhân rộng cho các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực và địa bàn quản lý.
- Thực hiện truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức cho công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị về phân loại, thu gom, giảm thiểu chất thải nhựa; phối hợp các tổ chức, cá nhân có liên quan vận động người dân hạn chế hoặc không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần để bảo vệ môi trường.
c) Sở Công Thương chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Du lịch và các tổ chức, cá nhân liên quan vận động các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, chợ dân sinh, cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng, quán nước, khu, điểm du lịch và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ,...trên địa bàn cam kết giảm thiểu chất thải nhựa, hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần hoặc thay thế bằng các sản phẩm thân thiện môi trường; không cung cấp miễn phí túi ni lông cho khách hàng hoặc chuyển từ sử dụng túi ni-lông khó phân hủy sang các loại túi khác thân thiện với môi trường.
d) Sở Du lịch chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải, Hiệp hội du lịch và các tổ chức, cá nhân có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, quản lý vệ sinh môi trường tại các cơ sở lưu trú du lịch, khu, điểm du lịch, phương tiện vận chuyển khách du lịch, đặc biệt là các khu, điểm du lịch, phương tiện vận chuyển khách du lịch ven sông, suối, biển.
đ) Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tuyên truyền về cơ chế, chính sách và tạo điều kiện, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động thu gom, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa.
e) Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan nghiên cứu, học tập kinh nghiệm và triển khai thực hiện phân loại chất thải tại nguồn; bố trí hoặc chỉ đạo bố trí các thùng thu gom, phân loại rác và tập huấn, hướng dẫn phân loại rác tại các công sở, trường học, cơ sở y tế và các khu vực công cộng như sân bay, bến tàu, bến xe, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, công viên, quảng trường, khu du lịch, danh lam thắng cảnh,...Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thu gom, xử lý chất thải rắn; thực hiện thu gom và xử lý riêng các loại chất thải đã được phân loại (bao gồm cả chất thải nhựa).
- Chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức và thực hiện các biện pháp kỹ thuật để thu gom chất thải nhựa trên các sông, rạch, kênh, mương,...để hạn chế chất thải nhựa ra đại dương; tiến hành và xã hội hóa các hoạt động thu gom, xử lý chất thải nhựa trên biển, sông, suối và các ao, hồ trong khu đô thị, khu dân cư.
- Phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện thí điểm bẫy rác thải nhựa ở một cống ngăn mặn trên địa bàn tỉnh; tổ chức nhân rộng mô hình (nếu thành công).
3. Thời gian thực hiện: từ năm 2021 đến năm 2030.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong tỉnh, đặc biệt là huyện, thành phố có biển, đảo, trong phạm vi trách nhiệm quản lý, chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ được phân công, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả; chủ động xây dựng, đề xuất và bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch hành động về quản lý chất thải nhựa và rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 theo quy định về quản lý ngân sách nhà nước hiện hành; định kỳ hàng năm (trước ngày 15 tháng 11) và 5 năm, gửi báo cáo kết quả thực hiện về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch, đồng thời hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ; định kỳ hàng năm và 5 năm tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
3. Sở Tài chính tham mưu, đề xuất bố trí kinh phí để thực hiện Kế hoạch hành động quản lý chất thải nhựa và rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh từ nguồn sự nghiệp bảo vệ môi trường và các nguồn kinh phí ngân sách khác cho các Sở, ngành, địa phương theo quy định hiện hành.
4. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn lao động, Đoàn thanh niên, Hội liên hiệp phụ nữ, Hội nông dân, Hội Cựu Chiến binh, Hội Nghề cá các cấp tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm, chủ động sáng tạo, tích cực triển khai các phong trào, hoạt động về kiểm soát chất thải nhựa; cùng gia đình, cộng đồng và toàn xã hội thực hiện hiệu quả các chủ trương, cơ chế, chính sách giảm thiểu chất thải nhựa và rác thải nhựa đại dương./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 2626/QĐ-UBND năm 2020 về ban hành Kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030
- 2Quyết định 1772/QĐ-UBND năm 2020 về Kế hoạch hành động của tỉnh Quảng Nam về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030
- 3Kế hoạch 104/KH-UBND năm 2020 về quản lý rác thải nhựa đại dương giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Quảng Ngãi ban hành
- 4Kế hoạch hành động 87/KH-UBND năm 2020 về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hải Phòng
- 5Kế hoạch 359/KH-UBND năm 2021 về tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
- 1Quyết định 491/QĐ-TTg năm 2018 phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 1746/QĐ-TTg năm 2019 về Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Công văn 5724/VPCP-KGVX năm 2020 quản lý, giám sát về rác thải sinh hoạt trên các lưu vực sông do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 2626/QĐ-UBND năm 2020 về ban hành Kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030
- 5Chỉ thị 33/CT-TTg năm 2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 1772/QĐ-UBND năm 2020 về Kế hoạch hành động của tỉnh Quảng Nam về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030
- 7Kế hoạch 104/KH-UBND năm 2020 về quản lý rác thải nhựa đại dương giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Quảng Ngãi ban hành
- 8Kế hoạch hành động 87/KH-UBND năm 2020 về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hải Phòng
- 9Kế hoạch 359/KH-UBND năm 2021 về tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Kế hoạch 177/KH-UBND năm 2020 về quản lý rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang
- Số hiệu: 177/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 13/11/2020
- Nơi ban hành: Tỉnh Kiên Giang
- Người ký: Nguyễn Thanh Nhàn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 13/11/2020
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định