Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1731/KH-UBND

Kon Tum, ngày 09 tháng 6 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT SỐ 58/NQ-CP NGÀY 21 THÁNG 4 NĂM 2023 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP CHỦ ĐỘNG THÍCH ỨNG, PHỤC HỒI NHANH VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐẾN NĂM 2025

Thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ Về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ), Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ làm cơ sở triển khai có hiệu quả tại tỉnh, góp phần đạt được mục tiêu của Chính phủ.

2. Nêu cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, của người đứng đầu các đơn vị trong việc quán triệt, triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

A. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai ngắn hạn

1. Khẩn trương rà soát các vướng mắc, rào cản về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh

a) Các Sở, ban ngành, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Khẩn trương rà soát, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đầu tư đã được cấp phép, chưa triển khai hoặc đang triển khai trên địa bàn tỉnh nhằm khơi thông nguồn lực đầu tư cho sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế; đẩy mạnh công tác thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

- Rà soát, tạo điều kiện xử lý nhanh các thủ tục đầu tư, xây dựng đối với các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng đủ điều kiện để các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng sớm triển khai theo quyết định đầu tư được phê duyệt để sớm hoàn thành, đưa sản phẩm ra thị trường; rà soát, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn về pháp lý, thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án bất động sản.

b) Sở Xây dựng: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục giám sát chặt chẽ hoạt động của thị trường bất động sản và việc huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản.

2. Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước

a) Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng và triển khai phương án giảm tiền sử dụng nước cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

b) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống giao thông nông thôn vừa phục vụ cho nông nghiệp vừa giúp lao động nông thôn đến các nhà máy làm việc hàng ngày; phát triển và mở rộng vùng sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản tập trung phù hợp.

c) Sở Xây dựng: Công bố giá các loại vật liệu xây dựng phổ biến trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; kiểm tra, rà soát, quản lý chặt chẽ giá vật liệu xây dựng; thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, công bố giá vật liệu xây dựng theo quy định.

d) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Kon Tum: Chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục tập trung vốn tín dụng phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo đẩy mạnh triển khai Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

B. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong trung và dài hạn

1. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh

a) Các Sở, ban ngành, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Tập trung rà soát, giải quyết hoặc tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết các bất cập do quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật còn chưa cụ thể, chồng chéo, mâu thuẫn trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng và tài nguyên, môi trường và lĩnh vực khác để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, dễ tra cứu, dễ hiểu và dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật; chủ động hoặc đề xuất cấp thẩm quyền cắt giảm hoặc đơn giản hóa các quy định tạo ra rào cản mới gây khó khăn cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, trừ trường hợp cần thiết và phải đánh giá tác động tới doanh nghiệp. Rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp theo hướng đơn giản hóa hoặc thay đổi phù hợp để có thể ứng dụng hiệu quả công nghệ số, triển khai dịch vụ công trực tuyến.

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình số 2359/CTr-UBND ngày 22 tháng 7 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 16 tháng 5 năm 2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XVI về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình hành động triển khai thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 tại Quyết định số 27/QĐ-UBND ngày 27 tháng 01 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy hoạch thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý làm cơ sở cho doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, chiến lược đầu tư, sản xuất kinh doanh có tầm nhìn dài hạn, bền vững.

- Đẩy mạnh triển khai Kế hoạch số 492/KH-UBND ngày 27 tháng 02 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Công văn số 2324/UBND-KTTH ngày 20 tháng 7 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai thực hiện Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 8 tháng 2 năm 2022 về Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025(1).

- Chủ động tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; đánh giá thực chất quá trình xử lý kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả đầu tư công; khuyến khích đầu tư của khu vực doanh nghiệp góp phần tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

b) Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại Doanh nghiệp định kỳ 2 lần/năm; tổ chức Chương trình Cà phê Doanh nghiệp - Doanh nhân hằng tháng với cộng đồng doanh nghiệp, báo chí để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

2. Thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; Hỗ trợ tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0; Tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách và nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, xu hướng thị trường mới.

a) Các Sở, ban ngành, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung theo các chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các Văn bản hướng dẫn triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Trung ương và Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 456/QĐ-UBND ngày 26 tháng 5 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Trong đó, tập trung vào các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động nữ, doanh nghiệp nhỏ và vừa là doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh bền vững.

- Tham mưu cấp có thẩm quyền xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn lực hàng năm triển khai hoạt động hỗ trợ đào tạo, tư vấn khởi nghiệp kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp cho đội ngũ quản lý doanh nghiệp; nâng cao kỹ năng, chuyển đổi ngành, nghề cho người lao động.

- Tham mưu cấp có thẩm quyền xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thực hiện chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ phù hợp với doanh nghiệp.

b) Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Tiếp tục chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân chỉ đạo triển khai có hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các văn bản hướng dẫn triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Trung ương.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, tham mưu điều chỉnh Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025 bảo đảm theo quy định.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Sở, ban ngành, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Theo chức năng, thẩm quyền và nhiệm vụ được giao, chủ động triển khai, thực hiện Kế hoạch. Đồng thời, chỉ đạo triển khai ngay các giải pháp, nhiệm vụ theo chức năng thẩm quyền, phù hợp với điều kiện thực tế ở từng ngành, lĩnh vực và địa bàn quản lý; kịp thời tổng hợp các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để giải quyết hoặc chuyển tới cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định.

- Xử lý nghiêm cán bộ, công chức gây khó khăn, nhũng nhiễu doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

- Tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh và của đơn vị. Báo cáo kết quả thực hiện (khi có yêu cầu) về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

2. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh:

- Tiếp tục thực hiện tốt, nâng cao vai trò là tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân và người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh; phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; xây dựng và triển khai rộng rãi các chuẩn mực đạo đức, văn hóa thượng tôn pháp luật, trách nhiệm xã hội, hài hòa lợi ích của doanh nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nêu cao tinh thần và trách nhiệm của doanh nghiệp, doanh nhân đối với quốc gia, dân tộc.

- Chủ động nghiên cứu, đánh giá thách thức, thời cơ, xu hướng kinh doanh, xu hướng thị trường mới, đặc biệt là các yêu cầu về kinh doanh bền vững, kinh doanh xanh; kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp hội viên.

- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh để xây dựng và tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy kết nối doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, giữa doanh nghiệp các địa phương với nhau,...

- Tổng hợp các kiến nghị, khó khăn và vướng mắc của doanh nghiệp chuyển đến các cơ quan quản lý nhà nước để kịp thời xem xét, giải quyết; đồng thời gửi đến Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, theo dõi, đôn đốc và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch này; tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo kết quả thực hiện (khi có yêu cầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

4. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể, các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động đề xuất, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung Kế hoạch cho phù hợp.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (b/c);
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh (đ/b);
- Các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh (t/h);
- UBND các huyện, thành phố (t/h);
- Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh; Hội doanh nhân trẻ tỉnh (t/h);
- VP UBND tỉnh: CVP, các PCVP, các phòng chuyên môn (đ/b);
- Lưu: VT, KTTH.TK.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Sâm

 



(1) Sau khi có hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 1731/KH-UBND năm 2023 triển khai Nghị quyết 58/NQ-CP về chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025 do tỉnh Kon Tum ban hành

  • Số hiệu: 1731/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 09/06/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Sâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản