Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 172/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 11 tháng 8 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VỀ TĂNG TRƯỞNG XANH ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

Thực hiện Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích

- Cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng, giải pháp thực hiện Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030. Tạo sự nhất trí, đồng thuận cao trong nhận thức và hành động của các cấp chính quyền, đoàn thể và nhân dân triển khai hiệu quả và góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia.

- Đề ra được các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh nhằm thực hiện kế hoạch hành động gắn với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm.

2. Yêu cầu

- Kế hoạch hành động phù hợp với các quan điểm, mục tiêu, định hướng của Chiến lược và Kế hoạch quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua.

- Tổ chức thực hiện nhất quán các mục tiêu đã đề ra, xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể, lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm, vận dụng sáng tạo, phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, từng cấp, từng ngành. Kết hợp hài hòa giữa giải quyết các vấn đề quan trọng, cấp bách với các vấn đề cơ bản, dài hạn gắn phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.

II. Mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

1. Mục tiêu

Tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm là chuyển dịch và tăng tốc độ phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp “xanh”; kiểm soát ô nhiễm môi trường; nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu; hướng đến một nền kinh tế các-bon thấp, giảm phát thải và tăng lượng hấp thụ khí nhà kính tạo nền tảng để tỉnh Lạng Sơn phát triển toàn diện, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát huy tối đa bản sắc văn hóa dân tộc.

2. Một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030

a) Cường độ phát thải khí nhà kính trên GRDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014.

b) Xanh hóa các ngành kinh tế:

Tiêu hao năng lượng sơ cấp trên GRDP bình quân giai đoạn 2023 - 2030 giảm từ 1,0 - 1,5%/năm; tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp đạt 15 - 20%; kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP; tỷ lệ che phủ rừng đạt 67%; ít nhất 20% tổng diện tích cây trồng có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

c) Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững:

Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt 99%; 90% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư nông thôn tập trung được thu gom, vận chuyển, tự xử lý, xử lý tập trung đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; 85% chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi được thu gom, tái sử dụng, tái chế làm phân hữu cơ, biogas và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; 100% bao bì đựng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật dùng trong nông nghiệp phải được thu gom, lưu giữ và xử lý theo đúng quy định. Đầu tư xây dựng mới cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị phải đảm bảo tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20%; tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định lần lượt đạt trên 50% đối với đô thị loại II trở lên và 20% đối với các loại đô thị còn lại; tỷ lệ mua sắm công xanh trong tổng mua sắm công đạt ít nhất 35%.

d) Xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.

Nâng cao chất lượng cuộc sống và khả năng chống chịu của người dân với biến đổi khí hậu, đảm bảo bình đẳng về điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi xanh. Chỉ số phát triển con người (HDl) đạt trên 0,75. Xây dựng và triển khai Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh; 100% dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung, 100% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.

3. Nội dung và nhiệm vụ chủ yếu

Nội dung nhiệm vụ kế hoạch hành động tăng trưởng xanh gồm 18 chủ đề, 42 nhóm nhiệm vụ. Nội dung và phân công các nhiệm vụ cụ thể tại Phụ lục ban hành kèm theo Kế hoạch này.

4. Một số giải pháp chủ yếu

Các sở, ban, ngành theo nhiệm vụ được phân công xây dựng giải pháp cụ thể nhằm thực hiện Kế hoạch, trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp sau:

4.1. Rà soát, hệ thống hóa, đề xuất hoàn thiện thể chế, chính sách

- Nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành nhằm hoàn thiện khung cơ chế, chính sách, pháp luật theo hướng phối hợp liên vùng, liên ngành và tích hợp các mục tiêu, giải pháp tăng trưởng xanh để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tối ưu hóa nguồn lực, đặc biệt trong xây dựng hạ tầng đa mục tiêu.

- Tích hợp các mục tiêu, giải pháp, nội dung, các tiêu chí đầu tư cho tăng trưởng xanh vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các ngành, lĩnh vực, địa phương theo hướng giảm phát thải khí nhà kính và các chất gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành xanh, từng bước cắt giảm và chuyển đổi khỏi các hoạt động đầu tư cản trở nỗ lực giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, chú trọng các vùng dễ bị tổn thương.

- Đẩy mạnh áp dụng các công cụ kinh tế xanh đối với hoạt động sản xuất và tiêu dùng, hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại xanh quốc gia đảm bảo tính thống nhất, minh bạch, cập nhật thường xuyên cho các chương trình, dự án, sản phẩm, dịch vụ, công nghệ và ngành nghề.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong giám sát, đánh giá thực hiện Kế hoạch này và mức độ xanh hóa của nền kinh tế.

4.2. Truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức

- Tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa của tăng trưởng xanh.

- Phổ biến các thực hành tốt và hành động thiết thực về lối sống, tiêu dùng xanh, hài hòa vốn thiên nhiên, gắn kết với các giá trị truyền thống.

- Chú trọng giáo dục về kỹ năng mềm, tăng cường phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội để hình thành phong cách, ý thức sống xanh, văn minh, cống hiến và sáng tạo.

- Nâng cao năng lực nhận diện nhãn năng lượng, nhãn sinh thái, nhãn xanh đối với hàng hóa, sản phẩm; tăng cường phổ biến thông tin sản phẩm, dịch vụ phát thải thấp, thân thiện môi trường.

4.3. Phát triển nguồn nhân lực và việc làm xanh

- Khuyến khích phát triển nguồn nhân lực cho các ngành nghề xanh, tạo việc làm xanh.

- Chú trọng tổ chức đào tạo và bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản trị, điều hành trong nền kinh tế xanh, ngành sản xuất xanh cho đội ngũ cán bộ quản trị công và doanh nghiệp, đặc biệt tập trung vào cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ làm công tác hoạch định chính sách.

- Nâng cao năng lực, kiến thức về tăng trưởng xanh cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Nghiên cứu, lựa chọn, tích hợp đưa các nội dung giảng dạy về tăng trưởng xanh, công nghệ xanh, khai thác tài nguyên bền vững,… vào chương trình, hoạt động giáo dục các cấp học; nghiên cứu đào tạo nguồn nhân lực trong các ngành nghề xanh; mở rộng triển khai xây dựng mô hình trường học an toàn, xanh, sạch, thông minh.

- Thúc đẩy công tác nghiên cứu, khảo sát, thống kê số liệu, định kỳ dự báo nhu cầu và khả năng cung ứng nguồn nhân lực cho các ngành nghề xanh; phổ biến, cung cấp thông tin về thị trường việc làm xanh.

- Ưu tiên đầu tư cho cơ sở vật chất trường học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo các tiêu chuẩn, tiêu chí xanh để phục vụ cho công tác đào tạo, giảng dạy.

4.4. Huy động nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng

- Nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, công cụ về huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh, tập trung vào các chính sách hỗ trợ, ưu đãi tài chính, phát triển thị trường vốn, thị trường tín dụng, bảo hiểm xanh, thị trường các-bon hướng tới phát triển đồng bộ hệ thống thương mại khí thải theo cơ chế thị trường.

- Ưu tiên nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, chú trọng nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công và chi thường xuyên cho các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ về tăng trưởng xanh. Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó tập trung xây dựng các công trình có tính chất động lực như các tuyến cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ; hạ tầng cửa khẩu, hạ tầng chuyển đổi số... Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ chế thu hút đầu tư hạ tầng đô thị, hạ tầng khu kinh tế - khu công nghiệp, hạ tầng thương mại, hạ tầng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, giáo dục đào tạo, y tế...

- Tăng cường huy động và chú trọng thu hút các nguồn vốn vay, ODA, hỗ trợ kỹ thuật của các nước, các tổ chức quốc tế thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh. Xây dựng cơ chế huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính để thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Thu hút đầu tư và đề xuất triển khai các dự án hợp tác và tài trợ quốc tế đa phương và song phương về môi trường với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ về kỹ thuật, kinh nghiệm, công nghệ và tài chính cho các hoạt động xây dựng mô hình phát triển xanh, mô hình sinh thái, phát triển nguồn nhân lực.

- Khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho các hình thức hợp tác giữa nhà nước và tư nhân, giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong các dự án xanh và các dự án áp dụng công nghệ, giải pháp chuyển đổi xanh.

- Nâng cao khả năng tiếp cận nguồn tài chính xanh cho các nhóm đối tượng phụ nữ, đối tượng yếu thế trong xã hội.

- Đẩy mạnh huy động các nguồn lực khác như: Nguồn lực con người, nguồn lực tinh thần, nguồn lực từ truyền thống văn hóa, lịch sử. Tận dụng và khai thác tối đa vị trí địa chiến lược của Lạng Sơn từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản và nâng cao năng suất, chất lượng các ngành sản xuất như điện, vật liệu xây dựng; khai thác có hiệu quả truyền thống, văn hóa, lịch sử, cảnh quan, các sản phẩm đặc trưng của Lạng Sơn.

4.5. Khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo

- Khuyến khích nghiên cứu, phát triển mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ tăng trưởng xanh.

- Đẩy mạnh triển khai Nghị quyết số 49-NQ/TU ngày 28/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm chuyển đổi số một cách toàn diện trong các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh.

4.6. Hội nhập và hợp tác quốc tế

- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và các nước trong các vấn đề: khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên đất, tài nguyên nước, khoáng sản phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm sự cân bằng giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường. Thực hiện tốt các cam kết quốc tế về phát triển bền vững và biến đổi khí hậu.

- Chủ động hợp tác về nghiên cứu, giáo dục, đào tạo, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu tiếp cận khoa học và công nghệ tiên tiến, thực hiện chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế xanh.

- Tích cực tham gia các hoạt động chia sẻ, học tập kinh nghiệm và nâng cao năng lực thực hiện tăng trưởng xanh.

4.7. Bình đẳng trong chuyển đổi xanh

Tập trung giải quyết các nhiệm vụ về công bằng xã hội, đảm bảo các nhóm đối tượng khác nhau, đặc biệt là các chủ thể bị ảnh hưởng khi cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, các nhóm yếu thế (phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số, người nghèo, người khuyết tật) được tiếp cận bình đẳng các cơ hội, thông tin, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ xã hội cơ bản, phù hợp với các lĩnh vực, việc làm mới trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.

4.8. Huy động sự tham gia các bên liên quan

- Huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể xã hội, tổ chức phi chính phủ, cộng đồng dân cư, các đối tác phát triển trong thực hiện Kế hoạch.

- Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, sự phối hợp giữa các cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp, các tổ chức chính trị, xã hội, các hiệp hội ngành nghề, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và sự phối hợp giữa cơ quan trung ương và cơ quan địa phương trong triển khai thực hiện.

- Khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội trong việc triển khai thực hiện, giám sát, đánh giá thực hiện kế hoạch và mức độ xanh hóa của nền kinh tế của tỉnh.

III. Nguồn lực thực hiện

Nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động của kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 bao gồm:

- Ngân sách nhà nước: Ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, chính sách ưu đãi về thuế.

- Hỗ trợ quốc tế: Vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn hỗ trợ và vay ưu đãi cho tăng trưởng xanh.

- Nguồn vốn vay thương mại và đầu tư tư nhân: Tín dụng xanh, trái phiếu doanh nghiệp xanh; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho tăng trưởng xanh, thu từ trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon.

- Nguồn vốn cộng đồng và xã hội khác: Vốn huy động công - tư cho các dự án xanh, các quỹ trong nước nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

IV. Tổ chức thực hiện

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Là cơ quan đầu mối về tăng trưởng xanh, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh. Cân đối, vận động, thu hút để đảm bảo nguồn vốn thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong Kế hoạch.

- Có trách nhiệm tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo định kỳ, sơ kết giữa kỳ vào năm 2025, tổng kết thực hiện vào năm 2030 của tỉnh gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đánh giá, rút kinh nghiệm việc chỉ đạo thực hiện, nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để quyết định kịp thời trong quá trình thực hiện.

2. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán kinh phí triển khai thực hiện Kế hoạch; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư phân bổ các nguồn tài chính, cơ chế thúc đẩy thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh theo quy định hiện hành.

3. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố

- Quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch; xây dựng lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp vào các chương trình, kế hoạch phát triển hằng năm, 5 năm của cấp, ngành thuộc thẩm quyền quản lý.

- Chủ trì, phối hợp xây dựng các chỉ tiêu tăng trưởng xanh của ngành, lĩnh vực, địa bàn phù hợp với điều kiện, đặc thù phát triển; tổ chức giám sát, đánh giá các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng xanh thuộc lĩnh vực quản lý. Phân công tổ chức thực hiện, xác định cá nhân chịu trách nhiệm cụ thể.

- Định kỳ thu thập, tổng hợp thông tin về việc thực hiện các chỉ tiêu giám sát và đánh giá tăng trưởng xanh của tỉnh. Kịp thời tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh những giải pháp, biện pháp cụ thể để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng xanh của tỉnh.

- Định kỳ hằng năm báo cáo kết quả triển khai các nhiệm vụ được giao về tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch này; nêu rõ các vướng mắc, khó khăn và đề xuất giải pháp thực hiện, gửi báo cáo về Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 01/12 hằng năm để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Hội: Nông dân, Liên hiệp Phụ nữ; Tỉnh đoàn;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, thành phố;
- Các Hiệp hội doanh nghiệp;
- PVP UBND tỉnh, các phòng CM, ĐV;
- Lưu: VT, TH (VMĐ).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Lương Trọng Quỳnh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 172/KH-UBND năm 2023 thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

  • Số hiệu: 172/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 11/08/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn
  • Người ký: Lương Trọng Quỳnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/08/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản